Lâm Văn ra lệnh cho Cao: - 32 theo tôi.Ở bên kia Lê và Nhật lao vào tốp 8 chiếc, động tác nhanh, gọn gàng. Lê bắn rơi chiếc F-4 chỉ huy, lửa chiếc F-4 cháy rất to làm cho 7 chiếc còn lại nao núng. Nhật dũng mãnh kéo máy bay vào bên trong, tấn công chiếc F-4 số 3, bọn Mỹ nao núng dạt ra, đối phó. Nhật bám được một chiếc ở gần, anh tăng hết ga, tốc độ không tăng được bao nhiêu. Nhật quay lại quan sát, anh vừa kịp nhìn quả tên lửa lao đến rất nhanh. Nhật cơ động nhưng không kịp, anh bị bắn rơi. Lê đảo mắt thấy chiếc Mig của Nhật bốc cháy, chiếc dù trắng bung ra. Lê nổi nóng vòng lại, bọn Mỹ đã rút chạy, còn lại hai chiếc đang mắc kẹt trong vòng lượn của Lê… Ở bên trái, Lâm Văn và Cao lượn vòng quyết liệt với 8 chiếc F-4, bọn Mỹ phóng rất nhiều tên lửa. Nhưng, biên đội Văn và Cao giữ được thế không sơ hở. Bỗng, Lâm Văn thấy chiếc F-4 bên phải lỏng tay lái, ngay lúc đó trên tai Văn nghe tiếng của Lê báo cáo về sở chỉ huy đã bắn rơi một chiếc F-4. Lâm Văn hiểu, Lê làm cho bọn Mỹ ở đây giật mình. Chớp thời cơ, Văn kéo mạnh máy bay tạo được góc đón vô cùng thuận lợi, cự ly rất gần, anh kéo cò. Ba khẩu súng cùng nhả đạn, viên đạn 37 ly bắn trúng lưng chiếc F-4, gần chục viên đạn 23 ly găm nát cánh phải, chiếc F-4 bùng cháy. Lâm Văn hét to:- Cháy rồi, 31 bắn rơi chiếc F-4.Lâm Văn nhìn phía sau, không thấy Cao, Văn gọi:- 31 gọi 32, 31 gọi 32.Lúc này ở khu vực chiến đấu của Lê, hai chiếc F-4 tìm cách thoát ly. Lê quan sát, chiếc F-4 ở phía bên phải lật ngang, phóng hai quả tên lửa. Lê cơ động góc và trượt cạnh, hai quả tên lửa bay vọt phía trước mũi máy bay, anh thấy bọn Mỹ lỏng tay lái, lượn vòng ngược làm cho Lê không cắt vào bên trong, hai chiếc F-4 trượt xuống và tháo chạy. Lê quan sát, chỉ có hai chiếc F-4 ở phía trước, anh quyết định đuổi theo … Lê từ độ cao 3.000 mét. Bọn Mỹ cắm đầu xuống, vừa trượt, vừa lượn tạo khoảng cách không quá xa. Lê cắm máy bay xuống, tốc độ tăng nhanh chóng hy vọng có thể đuổi kịp. Phía trước là núi cao, có một khe rộng, hai chiếc F-4 hoàn toàn chủ động về tốc độ và có vẻ chậm, tốc độ tiếp cận đã khá. Lê nhớ, độ cao có thể biến thành tốc độ. Anh quyết định bổ nhào …. Bọn Mỹ biết, chiếc Mig-17 đang say, lao xuống. Lê đẩy cần lái, tốc độ lao xuống rất nhanh, cự ly giữa chiếc Mig-17 và hai chiếv F-4 ngày một ngắn, anh đã xuống sát ngọn núi phía trước. Bỗng, hai chiếc F-4 trượt xuống dưới khe núi và lượn vòng lách qua ngọn núi trước mặt Lê. Anh thấy trước mặt ngọn núi sừng sững, chiếc Mig đang đà lao xuống. Biết động tác của mình nguy hiểm, Lê bấm Micro gọi “31”. Anh vội vã buông tay ga, hai tay ghì chặt kéo cần lái sát vào bụng kéo chiếc Mig vọt qua được ngọn núi nhưng đuôi chạm vào đỉnh núi, chiếc Mig lật ngang cắm đầu xuống một yên ngựa … Lâm Văn nghe tiếng Lê gọi rồi đột ngột mắt hẳn. Anh vòng lại, lượn vòng nhiều lần trên khu vực chiến đấu. Văn phát hiện một chiếc dù trắng ôm trùm một ngọn cây. Anh biết, một phi công đã nhảy dù an toàn.Sáng ngày 20 tháng 6 năm 1965, bộ phận “tìm cứu” báo cáo địa điểm Lê hy sinh. Địa phương đã cho xe đưa Cao và Nhật về bệnh viện. Dù sao chúng ta cũng bắn rơi được hai chiếc F-4 tiêm kích Mỹ, trung đoàn cũng rút ra được những bài học cho trận không chiến lớn thứ ba kể từ ngày Bộ Tổng tham mưu quyết định cho không quân mở mặt trận trên không… Buổi chiều, trời bất ngờ đổ mưa, một trận mưa lớn chưa từng có, bầu trời trở nên xám ngắt kỳ lạ. Khối mây mưa từ hướng Tây tràn sang, Hà Nội mưa, sân bay Nội Bài mưa khá lớn. Những cây xà cừ to gần hai người ôm, cao vút, gió mưa làm cho ngọn cây nghiêng ngả. Long bước ra cửa sở chỉ huy, nheo mắt nhìn trời, gió trên cao thổi vun vút, mây trôi với tốc độ khá lớn có triệu chứng xuống thấp dần, lớp mây ở sát ngọn cây, gió thổi, trôi vụt qua khu nhà của sở chỉ huy quân chủng. Anh đứng rất lâu tại cánh cửa bằng sắt dày và rất nặng ngăn cách khu hầm K-18 với bên ngoài. Trên nắp hầm, cây phi lao đã khá cao, một con ốc sên chẳng biết từ đâu bám vào thân cây, chậm chạp bò lên. Long miên man nghĩ. Kể từ ngày 3 tháng 4, anh đã tham dự ba trận không chiến lớn, đầu tiên, của không quân ta. Cả ba trận đều mất máy bay. Mới đó mà đã hai tháng rưỡi. Trong quyển sổ nhật ký cá nhân, Long đã đánh dấu sáu ngôi sao đỏ, bên cạnh là loại máy bay địch. Như vậy là, đã có ba loại máy bay hiện đại nhất của nước Mỹ đã bị Không quân Nhân dân Việt Nam bắn rơi. Và trong quyển sổ ấy, anh đã trang trọng viết tên những liệt sĩ phi công đầu tiên của quân đội ta. Long vòng tay ở trước ngực. Thi thoảng những làn gió mạnh thổi bạt, xé nhỏ những hạt mưa đẩy vào cửa hầm nơi Long đứng. Định lùi bước vào phía bên trong, Long đụng phải một người. Anh quay lại, Trần Lạc, người chỉ huy trực tiếp, đứng sau lưng từ lâu:- Anh Lạc, chắc là…Long định nói, chắc là anh muốn rời sở chỉ huy, anh muốn … về nhà. Nhưng anh kịp dừng lại. Trần Lạc ôm vai Long. Họ cùng nhìn bầu trời xám ngắt. Long nghe hơi thở của Lạc phả vào cổ mình, cả hơi nóng và lạnh. Trần Lạc sống giản dị, không thích bon chen. Anh có lối suy nghĩ độc lập và sáng tạo, rộng lượng với cấp dưới, chan hòa với đồng đội… Anh là mẫu người tốt bụng, không nhỏ nhen, có thể sống tốt với tất cả mọi người … Trần Lạc vốn là một trí thức. Đang học năm cuối cùng trường Bưởi thì kháng chiến bùng nổ, Lạc rời Hà Nội lên đường chống Pháp. Hòa bình lập lại, anh là một sĩ quan rất trẻ, đợt phong quân hàm đầu tiên Lạc được thăng cấp thượng úy. Thời đó, cấp ấy, mùa Đông được mặc áo gabardine, bốn túi, giày đen, mũ kê-pi. Anh là một trong những sĩ quan được nhiều cô gái Hà Nội để ý, ngưỡng mộ. Giỏi tiếng Pháp, thạo tiếng Nga, Trần Lạc nhanh chóng làm lung lạc nhiều cô gái. Trong đó, một cô gái thật xinh, sắc sảo, sinh viên trường đại học sư phạm đã chinh phục Lạc và họ đã đi đến hôn nhân. Những năm đầu, Trần Lạc rất hạnh phúc, anh thường khoe: “Mình may mắn có được người vợ lý tưởng, một cô gái Hà Nội chính gốc”. Anh tự hào về người phụ nữ đó, không phải là không có lý. Thời đó, khi những anh bộ đội làm nên “chiến thắng Điện Biên, chấn động địa cầu” tràn về Hà Nội bằng những bước chân hùng mạnh, trẻ trung, mũ nan, lưới ngụy trang, áo trấn thủ, chân đi đôi giày vải màu cỏ úa của Trung Quốc, khẩu tiểu liên K-50 băng thẳng hoặc tròn đeo trước ngực, oai vệ, như những thiên thần xuất hiện trước mắt những cô gái mộng mơ, lãng mạn. Nhìn bóng dáng anh bộ đội họ xem như là những thần tượng, nên thầm yêu và khao khát. Vài năm sau, hình ảnh đó trở nên bình thường.