Chương 4

Đúng như lời Hùng nói, khi chiếc xe vừa dừng lại thì những người Việt Nam ở những căn nhà gần đường lộ đã chạy từ trong nhà ra và hỏi tíu tít:
− Việt Nam mới qua hả? Ở vùng nào? Số nhà mấy?
Và họ đã sốt sắng chỉ nhà cho hai người cũng như phụ khiêng đồ đạc vào đến tận nhà. Vào đến nhà rồi thì những người ở gần cũng chạy qua hỏi thăm, đến khi biết 'chỉ có hai vợ chồng' và đến ở nhà này qua 'lời giới thiệu' của anh Toản – người mà Hùng đã nói chuyện khi còn ngoài trại Transit thì sự tiếp đón của mọi người càng nồng nhiệt hơn. Người thì đem qua cho mấy lon gạo, vài hộp cá hộp để hai người có cái ăn trước khi được cấp phát lương thực, người thì khệ nệ khiêng vào trong bếp hai xô nước dùng đỡ cho đến chiều. Người thì hối Hùng đi mau lên kho để nhận lãnh mùng, mền, chiếu cho kịp giờ.
Đến khi Hùng vội vàng cầm hai cái thẻ IOM và đi theo người tình nguyện thì sự quan tâm của mọi người lại đổ dồn về Diễm. Một bà đem qua cho Diễm một ly nước trà nóng khi thấy vẻ mặt hốc hác của cô. 'Uống đi con, uống cho khỏe. Chắc là đi đường bị say xe dữ lắm phải không? Lại còn khóc đến nỗi cặp mắt sưng vù lên kìa'. Người thì đi vào sau bếp và hồ hởi reo lên: 'May quá, thằng Toản đi còn để lại hết bếp lò, nồi niêu, chén dĩa lại đây nè. Bé Hà đâu, phụ chị nấu nồi cơm đi con rồi chạy về bên nhà lấy bó mồng tơi, nấu luôn nồi canh cho tụi nó có cái mà húp chứ ăn cơm với cá hộp thì sao mà nuốt nổi'.
Diễm như ngợp đi trước sự quan tâm của mọi người, cô lúng túng lên tiếng cám ơn tất cả. Và cô cảm thấy bước đường đầu tiên xa gia đình của mình không đến nổi đáng sợ như cô tưởng tượng.
Vào buổi chiều, khi đã ăn uống dọn dẹp xong xuôi, Diễm bắt đầu mở khóa cái thùng nhôm hành lý của mình. Cô lặng người đi khi nhìn thấy mẹ đã sắp xếp vào đó thật đầy đủ đồ dùng cho cô, có cả một gói bồ kết nướng sẵn để cô gội đầu nữa. Một lá thư xếp gọn nằm trên chồng quần áo. Cô cầm lên và mở ra:
'Diễm con thương yêu nhất đời của mẹ!
Khi con đọc được lá thư này thì con đã thật sự rời khỏi vòng tay của mẹ rồi! Mấy tháng nay, mẹ đã phải nuốt nước mắt vào lòng, làm ra vẻ thật cứng cỏi để con yên tâm mà xa mẹ. Nhưng mà mẹ như đứt từng khúc ruột ra Diễm ơi! Mười mấy năm không hề xa con một bước mà bây giờ mẹ phải dứt nắm ruột của mình ra để cho con đi tìm tương lai tốt đẹp hơn. Mẹ đau lòng lắm nhưng mà vẫn phải để con ra đi thôi.
Xa mẹ, con phải tự mình lo cho mình. Phải nhớ giữ gìn sức khỏe. Trời lạnh, phải nhớ mặc áo lạnh cho ấm. Khi bịnh, phải nhớ uống thuốc cho mau hết bịnh nghe con. Làm việc gì, trước hết phải suy nghĩ cho thật kỹ. Và nhất là phải nhớ giữ mình, đừng vì một phút yếu lòng mà đánh mất đi cái quý giá nhất của người con gái, để phải ân hận về sau nghe con. Nhớ viết thư đều đặn về cho mẹ để mẹ có thể dõi theo từng bước của con đi.
Hùng đã hứa với mẹ sẽ lo lắng cho con. Mẹ cũng rất tin tưởng nó. Mười mấy năm nay ở trong gia đình mình, nhân cách của nó thế nào, mẹ cũng hiểu được. Qua đến Mỹ, nếu cần, con cứ nói nó làm giấy tờ để hai đứa ly dị, nó đã hứa với mẹ rồi.
Ngày xưa, khi con còn nhỏ, đã mấy lần mẹ định ôm con đi vượt biên nhưng vì chữ hiếu, không ai săn sóc cho ngoại nên mẹ đành phải ở lại với hy vọng là rồi họ sẽ để yên cho con sống. Nhưng mà mẹ đã lầm. Cho con đi, mẹ có một niềm an ủi là con được đi bằng máy bay, không phải vất vả tìm cái sống trong sự chết như những người phải đi bằng ghe tàu.
Cứ nghĩ rằng con đi học xa, tạm xa mẹ trong vài năm. Sau này, khi Ngoại trăm tuổi già, con sẽ bảo lãnh cho mẹ qua. Mẹ con ta sẽ lại đoàn tụ như xưa, nha con. Mẹ tin con sẽ có đủ nghị lực mà sống xa mẹ. Nhớ kỹ những lời mẹ dặn và giữ gìn sức khỏe.
Hôn con gái yêu của mẹ ngàn cái.
Mẹ của con'
Diễm thẩn thờ xếp lá thư của mẹ lại. Cô đã quá mệt để không thể suy nghĩ thêm gì được nữa. Thôi thì đành tùy theo số mệnh vậy. Hùng nãy giờ im lặng quan sát cô, lúc này anh mới lên tiếng:
− Thôi theo anh sắp xếp chỗ ngủ, không thôi một lát họ tắt điện thì không thấy đường nữa bây giờ. Chuyện gì thì cứ để sáng mai tính tiếp.
Hồi chiều này, những người hàng xóm đã nói với cô rằng nước và điện ở đây họ chỉ mở theo giờ thôi nên mọi sinh hoạt phải tùy thuộc vào giờ giấc này. Cô chậm rãi trèo lên gác theo anh. Hùng nói:
− Anh để Cưng ngủ ở trên gác này, ban ngày thì nóng lắm không lên được đâu. Nhưng ban đêm sau khi cúp điện thì cũng mát lắm, có thể ngủ được. Nếu nóng quá thì Cưng xuống ngủ trên giường, anh xuống nằm đất cũng được.
Diễm nhỏ nhẹ trả lời:
− Dạ thôi, Cưng ở trên này cũng được rồi.
Cô nhìn quanh, một bóng đèn trắng mắc ngang cửa sổ chia hai ánh sáng cho trên gác và dưới bếp. Ngay dưới bóng đèn là một tấm ván đóng hơi cao hơn sàn gác, cô có thể dùng nó như một cái bàn viết được nếu cô ngồi bẹp xuống sàn gác và bỏ hai chân thòng xuống qua cửa sổ. Căn gác tuy nhỏ nhưng cũng sạch sẽ. Người ở đây khi trước chắc cũng là một người rất ngăn nắp lắm đây. Ở trên này cô có thể thoải mái hơn là ở dưới nhà khi mà cửa sổ và cửa ra vào cứ mở ra, ai đi ngang cũng đều nhìn vào được. Cũng may mà mẹ đã chu đáo bỏ theo cho cô một cái mền nhỏ, nếu không chắc hai người phải cắt đôi cái mền mượn của nhà kho vì họ chỉ phát cho hai người có một cái mùng, một cái mền và một chiếc chiếu.
Hùng giăng mùng cho cô xong liền bảo cô đi ngủ cho đỡ mệt. Anh đi xuống nhà, vẫn còn làm cái gì đó cho đến khi điện tắt đã lâu mà vẫn chưa ngủ. Cô biết anh vẫn còn thức qua ánh đèn dầu hắt lên trên gác từ cây đèn tự chế của những người hàng xóm tốt bụng cho mượn. Rồi cô cũng thiếp đi trong sự mệt mỏi.