Chương 1

Khi chiếc máy bay Air Việt Nam cất mình lên khỏi phi đạo Tân Sơn Nhất thì cũng là lúc Diễm ôm mặt khóc ngất. Thế là hết, cô đã rời khỏi Việt Nam, lìa xa vòng tay yêu thương đùm bọc của mẹ từ 19 năm nay. Có thể với tất cả mọi người trên chuyến bay này, ai cũng có một tâm trạng vui mừng vì một cuộc đời mới sẽ mở ra trước mặt họ: đây là chuyến máy bay đưa những người con lai Mỹ và gia đình của họ sang Philippines – chặng dừng chân trước khi vào đất Mỹ. Nhưng còn cô, Diễm thât sự lo sợ và hoang mang, chưa bao giờ cô rời xa mẹ, rời xa mái ấm gia đình một ngày nào cả mà bây giờ, chỉ có một mình cô với một người xa lạ kế bên cạnh và cả một khung trời xa lạ mờ mịt trước mắt mà cô không thể nào biết được những gì đang chờ đón mình.
Nếu nói rằng xa lạ thì cũng không đúng, vì Hùng là con của vú Năm, người chăm sóc cho cô từ lúc bé tí. Diễm mồ côi cha từ rất nhỏ, khi đó cô mới có 3 tháng tuổi. Cô sống với Ngoại, Mẹ và vú Năm trong một căn nhà có vườn thật rộng lớn ở Tân Ba, Biên Hòa. Cô đã có một tuổi thơ thật êm đềm, mặc dù thiếu thốn tình thương của cha nhưng bù lại, bà Ngoại, mẹ cô và vú Năm đã rẩt là thương yêu và cưng chìu cô. Vú Năm đã ở với gia đình cô từ lúc nào cô cũng không biết nữa, chỉ biết là từ lúc có trí khôn, vú Năm như là một người mẹ thứ hai của cô rồi. Sau biến cố 30 tháng 4, khi cô được 5 tuổi, bỗng nhiên vú Năm vắng nhà cả hơn tháng trời, cô cứ khóc lóc với Ngoại và Mẹ để đòi cho được vú Năm thì một buổi chiều, vú Năm về nhà. Cô đã hét to lên vì mừng rỡ, định chạy đến bắt đền vú vì vú đi lâu quá, nhưng ngừng lại đột ngột vì sau lưng vú là một anh con trai lạ mặt, cao lỏng khỏng, tóc vàng hoe. Vú dịu dàng nói với cô:
− Cưng ngoan nào, Năm có nhiều quà cho con đây. Nhưng đợi Năm vào thưa chuyện với Ngoại và Mẹ trước đã nha.
Tò mò, cô theo vú Năm vào nhà. Và bây giờ cô nhận thấy cả vú Năm và anh con trai kia đều chít một vành khăn trắng ngang đầu. Vú lên tiếng thưa Ngoại rồi nói:
− Thưa dì Tư, con đã lo xong việc xây mộ cho mạ con rồi. Và con cũng phải dẫn thằng Hùng vô đây với con. Ở quê bây giờ mấy ông cán bộ làm găng lắm, cứ bảo nó là tàn dư của Mỹ Ngụy nên con không thể để nó ở ngoài đó được mà cũng không còn ai để nó nương tựa. Con xin dì Tư cho nó sống ở đây với con.
Cô nghe Ngoại cô thở dài rồi ừ một tiếng:
− Thì mầy cứ để nó sống ở đây. Nhà thì cũng vắng người mà thời buổi này thì… Tội nghiệp cho thằng nhỏ.
Im lặng một lúc, bà nói tiếp.
− Mà con cũng cần có một chỗ để thờ cúng cho cha mẹ con nữa chứ. Thôi ngày mai mầy kêu ông Sáu Bản đến dựng cho mẹ con mầy cái nhà đằng sau kế cây bưởi thanh làm chỗ cho mẹ con mầy ở với nhau. Sẵn tao còn bộ cột định cất cái chái đó, bây giờ không cần dùng nữa, con cứ lấy mà dựng nhà đi.
Vú Năm nghẹn ngào nói:
− Ơn của dì Tư và chị Thanh đùm bọc con từ bấy lâu nay, bây giờ lại cho phép thằng Hùng ở với con nữa, con ơn dì không hết thì làm sao dám lấy cột của dì cất nhà nữa. Mạ con con ở dưới nhà ngang như trước cũng được rồi dì ơi!
− Bậy nà! Tao đã nói mầy cũng cần có chỗ thờ cha mẹ mầy chứ. Ở nhà tao, làm sao mà mầy thờ được? Mầy định để cho cha mẹ mầy nhang tàn khói lạnh hay sao chứ? Thôi lo xuống nhà sau sắp xếp chỗ ngủ tạm cho thằng nhỏ rồi nấu cơm đi con. Cả tháng nay mẹ con Diễm nấu tao ăn hổng được chút nào hết. Tao trông mầy vô còn hơn là con Diễm nó trông mầy nữa đó.
Rồi một gian nhà tranh nho nhỏ được cất lên,vú Năm và Hùng dọn ra ở ngoài đó, Hùng trở thành một thành viên trong gia đình của cô ở tuổi 11. Vài năm sau đó, Hùng trở thành người phụ việc cho mẹ Diễm, anh thay mẹ cô trông coi công việc ruộng vườn ở nhà cô, mối lái với các bạn hàng cho việc bán bưởi, bán tiêu. Và giúp mẹ Diễm trong việc đi lấy hàng ở Sài Gòn khi mẹ Diễm mở một sạp bán vải ở chợ Biên Hòa.
Sau này qua lời kể của bà Ngoại, cô mới biết được là vú Năm mang thai anh Hùng trong thời gian vú đi làm bồi phòng cho căn cứ Mỹ ở đâu ngoài Đà Nẵng để có tiền lo thuốc thang cho cha đang bịnh nặng. Sau khi sanh xong vì chịu không nổi những lời dè bỉu của bà con làng xóm, vú gửi Hùng lại cho mẹ vú rồi vào Sài Gòn ở đợ cho người ta. Đến khi mẹ Diễm tình cờ gặp vú đang bơ vơ khi bị người chủ đuổi ra khỏi nhà, lại còn bị móc túi sạch hết tiền bạc thì mẹ cô đem vú về vì đang cần người chăm sóc cho cô.
Cuộc sống của Diễm cứ êm đềm và hiền hòa như dòng sông Đồng Nai chảy sau nhà cô vậy. Cô cứ hồn nhiên sống với tình yêu thương của mọi người, hồn nhiên lớn lên, không hề biết đến những nổi khổ của cuộc đời. Cô chỉ biết đi học, học thật chăm thật giỏi cho mẹ cô vui lòng. Sách vở, bạn bè, trường học, gia đình là cả thế giới của cô và cô sống rất hạnh phúc trong thế giới đó.
Nhưng rồi, những nỗi buồn và mất mát cũng đến với cô trong tuổi mới lớn. Khi phong trào ODP dành cho những người con lai Mỹ bắt đầu mở ra, mẹ cô đã khuyến khích vú Năm nộp hồ sơ, vú Năm không muốn đi nhưng khi nghe mẹ cô nói vì tương lai của Hùng thì vú chấp nhận ra đi. Hùng học cũng rất giỏi nhưng tốt nghiệp lớp 12 xong thì anh đành ở nhà vì chế độ mới không có ưu tiên cho 'tàn dư của Mỹ Ngụy'. Tính của Hùng đã trầm lặng thì anh càng trầm lặng hơn, ngoài những lúc vì công việc, cô mới thấy anh bước lên nhà trên còn thì cô hoàn toàn không thấy anh đâu cả. Nhưng khi hồ sơ đang tiến hành tốt đẹp thì căn bệnh ung thư của vú cũng phát hiện đến giai đoạn cuối. Vú qua đời chỉ sau đó khoảng 2 tháng. Sau đám tang của vú, khi Diễm còn đang rất đau buồn vì mất vú, mẹ của Diễm lại chính thức nhận lời bước thêm bước nữa sau hơn 18 năm ở vậy nuôi con thờ chồng. Diễm đã khóc hết nước mắt vì cô cảm thấy tình thương của mẹ với mình bây giờ đã bị chia xẻ, và cô không bao giờ có thể chấp nhận một người ba mới. Cô càng trở nên buồn bã hơn, ngoài giờ đi học ra cô thu mình suốt ngày trong phòng, ôm tấm hình của vú để trò chuyện, thủ thỉ với vú…và âm thầm chống đối lại với mẹ và dượng.
Rồi cũng đến lúc Diễm làm hồ sơ thi Đại Học, lần này đến phiên cô bị chủ tịch xã phê là cô không đủ điều kiện dự thi Đại Học vì cha ruột của cô là một quân nhân chế độ cũ, thêm nữa, ba dượng lại cũng là một sĩ quan đi học tập cải tạo về. Mọi con đường đều đóng lại trước mặt cô. Chính vào lúc này, Hùng đề nghị với mẹ Diễm bổ túc hồ sơ cho cô xuất cảnh với anh trên danh nghĩa Diễm là vợ của Hùng. Anh nói đây là dịp để anh trả ơn sự cưu mang của gia đình Diễm vì hiện giờ Diễm chỉ có ra nước ngoài mới có cơ hội để học lên như cô mơ ước. Sau khi suy nghĩ, mẹ Diễm nhận lời. Và Diễm trong một lúc hoang mang và buồn chán cũng đồng ý ra đi với anh. Mọi việc sau đó diễn ra rất nhanh chóng, cả hai lên xã ký hôn thú, rồi vài tháng sau xuống Sài Gòn đi phỏng vấn với phái đoàn Mỹ, đi khám sức khỏe, chích ngừa… Cô chỉ làm theo những gì yêu cầu như một cái máy mà không hề để ý xem mẹ cô và Hùng quay tròn tất bật sửa soạn như thế nào.
Ngày ra đi rồi cũng đến, mãi đến lúc này Diễm như sực tỉnh ra, cô chợt nhận ra là cô phải xa ngoại và mẹ cô không biết đến khi nào gặp lại. Cô đã ôm ngoại khóc như mưa vào buổi sáng sớm ngày ra đi mà không nỡ rời bà. Nước mắt cứ thế mà tuôn trên đường vào phi trường, vào phòng cách ly và ra phi đạo. Cô đã đứng sững lại khi nghe tiếng mẹ gọi trên tầng thượng của sân bay, quay ngoắt người định chạy trở vào với mẹ. Nhưng Hùng đã kịp nắm cô lại và gần như kéo nhấc cô lên vào máy bay…