dịch giả Lê Đình Nhất-Lang & Lưu Diệu Vân hiệu đính & bổ sung
- 1 -

1.
Tất cả những điều tôi đã biết về Tiểu Phụng chỉ là một lý lịch mơ hồ. Mười bảy tuổi, mồ côi cha mẹ, sống với một người nhận là dì, nhưng thật ra chỉ là một bà chủ keo kiệt mà ra vẻ nhân đức. Đây là một trong những lý do tôi đã muốn mang cô ấy đi. Bởi vì tôi tin rằng tôi là một người nhân đức thật sự mà không cần phải chứng minh bất cứ điều gì. Ngay khi nhìn thấy Tiểu Phụng lần đầu và nghe cô ấy nói “Mời ông uống nước cho mát. Ông không cần phải mua thuốc đâu”, tôi đã cảm thấy nỗi gay cấn mông muội của lòng tử tế. Mặc dù tôi biết đấy chỉ là một nghệ thuật bán hàng. Một tay bưng thùng thuốc Nam, một tay xách xô nước sâm lạnh, nhưng xem ra nó vẫn rất nhẹ nhàng với cô. Tiểu Phụng đặt thùng thuốc Nam xuống bên cạnh tôi trên chiếc ghế đá. Chắc chắn tôi không thể không nhìn vào thùng thuốc ấy với một chút tò mò. Tuy nhiên, “trời nóng, ông uống miếng nước cho mát”, cô đưa cho tôi ly nước bằng cả hai tay. “Cám ơn em”, tôi uống. “Ngon quá” và tôi nói. “Cháu nấu bằng thuốc trong thùng này đó, giải độc gan tốt lắm”, Tiểu Phụng bảo. “Sao em biết nó giải được độc trong gan?”. “Có nhiều người uống xong còn đến tìm cháu đó”. “Một ngày em dụ được bao nhiêu người khách?”. “Sao lại nói là cháu dụ?”. “Ok. Không phải dụ, một ngày em bán được bao nhiêu?”. “Có khi ba bốn trăm ngàn”. “Lời một nửa phải không?”. Cô giễu cợt tôi: “Sai rồi. Hai phần ba”. Tôi nhìn ra biển. Hòn Phụ Tử gãy rồi. Tay phụ xế xe đò xuống Kiên Lương nói “bây giờ người ta gọi là Hòn Gãy”. Nhưng Tiểu Phụng bảo: “Cháu gọi nó là Hòn Tự Tử vì nó đã tự tìm cái chết”. “Em có thích nó chết luôn không?”, tôi hỏi. “Không, nó sống mới đẹp”. Hòn Phụ Tử cần khách du lịch để cho Tiểu Phụng bán hàng. Tôi nói để tôi kiến nghị với chính phủ phục dựng lại Hòn Phụ Tử cho cha con họ không mất nhau. Tiểu Phụng chớp chớp đôi mắt như thể thương cảm. Cô kể cho tôi nghe truyền thuyết về hai cha con cứu nhau trong một cuộc tấn công của con cọp mà họ cùng chết dưới biển. Ở chỗ đó mọc lên hai ngọn núi như hai cha con. Tôi nói ở đây sau này, cũng sẽ mọc lên hai ngọn núi và người đời sẽ gọi đó là núi Phụng Hoàng. “Tại sao là Phụng Hoàng?”. “Vì tôi tên Hoàng, em tên Phụng”. “Sao biết cháu tên Phụng?”. “Vì tôi tên Hoàng”. “Ông xạo quá”. “Không phải em tên Phụng sao?”. “Nhưng tại sao lại có núi mọc ở đây?”. “Tôi cũng không biết. Nhưng tôi biết chắc chắn rằng đây sẽ là nơi chôn xác tôi khi tôi chết”. “Ông sẽ không chết ở đây”, Tiểu Phụng nói. Tôi cũng nghĩ vậy, Tiểu Phụng có màu da đen đẹp và sáng, cô ấy sẽ đi những dặm trường lắc lẻo của con người. Tiểu Phụng cho biết cô chỉ bán hàng ở Hòn Phụ Tử hai tháng mỗi năm. Những tháng còn lại cô bán ở những điểm du lịch khác rất xa nhau như Vũng Tàu, Biên Hòa, Phan Rang, Châu Đốc, nơi có núi có chùa và có những con người tin vào thần thánh, tin vào những điều kỳ diệu của cuộc sống. Tiểu Phụng sống nhờ vào những niềm tin ấy. Nhưng số tiền kiếm được mỗi ngày cô phải nộp hết cho người dì nuôi. Người dì nuôi này có ông chồng người Tiều trên núi Cấm, Châu Đốc. Ông ấy trồng thuốc và cung cấp hàng cho người vợ cả, là bà dì nuÊi của Tiểu Phụng, bán để nuôi ba đứa con mà ông đã bỏ. Hiện ông ta sống với bà vợ thứ ba, người Việt. Dì nuôi của Tiểu Phụng người Miên. Mẹ của cô cũng người Miên. Nhưng cô không biết cha mình là ai. Mãi sau này tôi mới biết, chính ông người Tiều, chồng của bà dì nuôi là cha của cô. Ông đã mang cô về từ Nam Vang khi cô còn nằm trong bọc và giao cho bà vợ cả. Tôi hỏi Tiểu Phụng: “Sống như vầy em có buồn không?”. “Tại sao lại buồn?”, cô hỏi ngược lại tôi. Ừ nhỉ, tôi cảm thấy mình ngớ ngẩn.
2.
Tôi biết người đàn ông này cũng như bao du khách khác đã đến Hòn Phụ Tử. Tuy nhiên tôi cảm thấy ông dễ gần và thích nói chuyện với ông, dù hôm đó tôi chưa bán được đồng nào. Tôi mời ông uống nước đểø tiện thể ngồi nghỉ. Ông ta có cách nói chuyện khác lạ. Tôi hỏi ông làm nghề gì. Ông nói ai thuê gì làm nấy. Tôi không tin một người sang trọng như ông lại đi làm thuê. Trong đầu óc đơn giản của tôi, một người sang trọng thì phải làm chủ. Tôi chưa bao giờ mơ ước mình sẽ gặp được một người giàu có, và cũng không có ý định sẽ yêu một người giàu có, nhất là một người lớn tuổi như ông. Bọn con trai nhà giàu nhố nhăng tôi không thích được. Tôi yêu sự đơn giản, như đời sống của tôi. Mỗi tuần, tôi đều vào chùa nghe thày giảng. Tôi cũng còn mua băng của các thày ở Vũng Tàu để học hỏi thêm. Tôi bình an và hài lòng về cuộc sống của mình. Dì và chị em tôi sống hạnh phúc với nhau, tuy có hơi vất vả, nhất là khi đi xa. Chúng tôi có một cái cassette nhỏ. Trong tấm lều lá và giấy các tông dựng tạm trong đất thuê của người ta, buổi tối chúng tôi nghe cải lương và nghe giảng kinh trước khi ngủ. Dì là người về núi Cấm lấy thuốc, mấy chị em tôi mỗi người một thùng giấy đựng thuốc và một xô nước sâm lạnh, chúng tôi đi khắp các chùa có đông người du lịch. Thường thì chúng tôi đến những chùa trên núi. Dì tôi bảo đấy là nơi chúng tôi có thể bán được thuốc. Dì nói một ngày nào đó sẽ mua một căn nhà. Từ năm mười tuổi, tôi đã đi bán hàng, sau khi học xong lớp ba. Chưa từng yêu ai, nhưng tôi tự cho mình đủ hiểu biết về đàn ông vì tôi lăn lộn với cuộc sống từng giây và quen nghe nhiều người chọc ghẹo tán tỉnh. Tôi vẫn luôn có cảm giác mình sống với sự đùa cợt, mặc dù vú tôi đã to lên từ năm ngoái. Nhưng tôi không quên ông ta vì ông đã làm cho tôi phải thắc mắc về sự hiểu biết của ông về tôi. Lần thứ hai tôi gặp ông trên núi Châu Thới. Tôi nghĩ do tình cờ hơn là ông ta muốn tìm tôi. Ông đưa cho tôi mấy tấm ảnh ông chụp tôi ở Hòn Phụ Tử lần trước. Trong đó có tấm hình ông ôm vai tôi và đầu tôi thì ngả vào ông tự nhiên và thân mật. Ông nói: “Tôi vẫn tin sẽ có ngày gặp lại em”. “Điều gì khiến ông tin như thế?”. “Vì ở gần chùa Hang sau này sẽ mọc lên hai ngọn núi tên là Phụng Hoàng”. Ông ta nói tỉnh queo. Tôi bảo: “Ông vẫn chưa bỏ cái tính xạo”. Ông ta nở một nụ cười hiền từ như thể tha thứ cho sự nghi ngờ của tôi: “Đức Phật ở Hòn Phụ Tử vẫn còn khóc vì em không tin tôi”. Tôi biết ông ta phịa chuyện, nhưng tôi không muốn đụng tới Đức Phật, tôi hỏi: “Sao biết cháu ở đây?”. “Phật Bà Quan Âm chỉ”, ông ta lại mang Phật Bà ra trấn áp tôi. Tôi nói: “Đừng lợi dụng thần thánh, tội chết”. Ông ta lại cười, rất hiền từ: “Em không biết được thần thánh đối với tôi thế nào đâu”. Rồi ông ta hỏi: “Em sống ở đâu?”. Tôi chỉ xuống chân núi: “Ông có thấy cái lều dưới đó không, trong miếng đất có mái tôn sáng đó?”. “Thấy rồi”.
3.
Tôi không nghĩ đó là nhà, chính xác nên gọi là một cái hộp. Tất cả các bức vách đều được ghép bằng giấy thùng các tông, có lẽ họ đã mua lại từ những người bán ve chai. Mái lợp bằng giấy dầu. Trong nhà hoàn toàn không có giường hay bất cứ một thứ bàn ghế nào. Một cái thùng rỗng. Ông chủ đất nói: “Tôi cho họ ở nhờ, chỉ lấy tiền điện nước. Cũng quen rồi, năm nào họ cũng đến ở vài tháng”.
4.
Một buổi chiều khi chúng tôi về nhà, tôi thấy có một cái quạt máy mới và một lá thư chỉ vỏn vẹn một câu hỏi: “Em có muốn đi học lại không?”. Không ký tên. Tất nhiên tôi biết là của ông ta. Tôi giấu lá thư không cho ai coi. Dì hỏi: “Sao lại có chuyện này?”. Tôi im lặng. Chị Hai lên tiếng: “Hỏi con Phụng”. Tôi nói tôi cũng đi bán từ sáng như chị làm sao biết được. Chị Hai lớn hơn tôi ba tuổi, không xấu, nhưng hay ghen tị với tôi. Một phần tôi bán được nhiều hơn chị, một phần những gã đàn ông hay bám lấy tôi. Có một gã đàn ông hỏi tôi: “Em thích đóng phim không?”. Tôi hỏi để làm gì? Gã bảo đóng phim sẽ nổi tiếng. Tôi không thích nổi tiếng. Cũng như tôi đã hỏi lại ông ta ngày hôm sau rằng: “Học để làm gì?”. Ông bảo để thay đổi. Tôi không thích thay đổi. Vả lại tôi cũng chưa bao giờ mường tượng cuộc đời tôi sẽ thay đổi thế nào. Đôi khi tôi cũng xem TV, có những người đóng vai lam lũ, nhưng tôi không cảm thấy được chia sẻ. Sự chia sẻ là thừa thãi. Nhiều khi khôi hài. Ông nói với tôi: “Em chưa tới lúc biết mình thật sự muốn gì”. Ông không phải là tôi, làm sao ông biết hai mép lồn tôi mấp máy và đầu vú tôi cương cứng. Tôi muốn đạp cho ông một đạp văng xuống núi. Nhưng tôi tiếc cái vẻ ngoài trí thức của ông.
5.
Vẽ phác thảo Tiểu Phụng ngồi trên tảng đá đang nghiêng người cười, tôi tự hỏi khả năng giễu cợt là một phản ứng tự vệ hay là sự thấu triệt cuộc đời? Tôi ngần ngừ nhìn Tiểu Phụng và nghĩ dẫu thế nào thì cũng nên để cho cô ấy có vẻ thanh thoát. Vả lại, tôi cũng không muốn nhấn vào chi tiết gợi cảm của cặp vú căng mọng đang đổ xuống kia. Nhưng xem ra cô ấy lại thích khoe mông khi vặn lưng eo nhìn xéo tôi, vẫn với sự rũ rượi cố ý hồn nhiên. Đĩ tính là một bản năng và nó cần được ca tụng. Thơ mộng hóa cuộc đời thì có tốt hơn không, tôi không chắc về điều ấy. Nhưng tôi vẫn muốn vẽ Tiểu Phụng như một vẻ đẹp thường tại và vô nghiệp. Có thể chỉ vì tôi muốn tránh một cơn cám dỗ.
6.
Con Múp kể với tôi về chuyện lão bảo vệ đã dụ nó như thế nào. Ông ta vẫn cất giấu hàng giùm nó và đôi khi cho nó tiền. Bù lại nó cho ông bóp vú. Ông ta muốn tụt quần nó nhưng nó không chịu. Vài phút trong văn phòng thì không thể làm gì hơn. Ông ta hẹn nó buổi tối đến, nhưng nó chỉ khất lần. Nó bảo muốn dành cái của nó cho một người yêu thật sự. Bọn con Mi nói nó ngu mới để cho một lão già xấu xí như ông ta lợi dụng. “Không biết ai ngu, tụi mày khôn mà tụi mày mất vốn hoài”, nó trả lời. “Tụi tao thà mất của chớ không để lão sờ vào người. Thấy tởm”. Con Múp tự ái nhưng nó khinh bạc bảo: “Tao biết có khối đứa muốn được bóp vú nhưng không ai thèm bóp”. Tôi không có ý kiến về chuyện này. Tôi chỉ thấy thương nó, một người như con Múp mà được bất kể ai bóp vú cũng là may. Lão bảo vệ có một bà vợ chẳng những đã quá đát mà còn thọt chân. Cuộc đời hạnh phúc được lúc nào thì cứ hưởng. Tôi thích các bài giảng của thày trong chùa. Biết đâu là phải trái.
7.
Tiểu Phụng gọi điện thoại cho tôi: “Noel này cháu muốn lên thành phố chơi, nhưng không có ai quen”. Tôi nói khi nào đến thì gọi, tôi sẽ đón và đưa đi chơi. Tiểu Phụng bắt tôi hứa. Chuyện nhỏ. Với những kẻ ưa dối trá, họ cũng không có niềm tin vào người khác. Tôi không nghĩ Tiểu Phụng quen dối trá, cô chỉ là người thiếu tự tin. Và tôi hứa cho cô yên lòng. Tôi không hi vọng Tiểu Phụng có thể thu xếp để đi chơi như cô muốn.
8.
Con Mi khoe: “Con trai bú lồn đã không chịu được”. Tôi hỏi: “Mày có người yêu rồi à?”. Nó gật đầu. Tôi nói: “Mày kín nhỉ. Có bồ mà không ai biết”. “Tao phải giấu thôi. Mày cũng giấu giùm tao”, nó nói. Tôi hỏi tại sao phải giấu? Nó bảo vì anh ấy là một chú tiểu. “Thì bảo nó xuất gia về nhà cưới mày”, tôi nói. “Không được. Nó vẫn muốn ở chùa”. Mô Phật. Tôi không hiểu được chuyện này. Con Mi có đôi chân cao như tôi và dáng đi nhảy nhót, mặc dù tay nó lúc nào cũng bưng một thúng nhang. Buổi tối nó cũng thích vào chùa nghe kinh, tôi không nghĩ nó muốn được gặp chú tiểu của nó. Tôi không đoán ra người yêu của nó là ai. Tôi hỏi: “Mày tính sao?”. “Chẳng tính gì cả. Cứ sướng cái đã”, nó bảo.
9.
Tôi vẽ một cái lồn trừu tượng. Thật ra là một cái lồn hư vô. Những vòng tròn vô định loang trên mặt nước thẳm, run rẩy và nồng nàn. Từ không đến có là số phận. Có nghĩa và vô nghĩa. Sự trải nghiệm không mang lại một cơ may nào cho sự sáng tạo cũng như ý nghĩa cuộc sống. Tranh của tôi bán được. Nghệ thuật không phải là chỗ tôi nương náu. Tôi nghĩ mình đã lừa được mọi người, kể cả bọn viết phê bình nghệ thuật.
10.
Đôi khi đứng nhìn biển, lòng tôi hoang mang trống trải. Tôi chờ đợi điều gì tôi không biết. Cũng nhiều khi từ trên núi cao nhìn xuống, lòng tôi lại thanh thản. Tôi thích tiếng chuông chùa ngân nga. Thích tiếng tụng kinh chậm rãi. Chưa có một thằng con trai nào đáng để tôi quan tâm, mặc dù tôi thường được nghe những chuyện bậy bạ do lũ bạn kể. Dì cũng hay nhìn tôi, dì bảo dì sợ đời con khổ. Tôi bảo tôi có phải hồng nhan đâu mà sợ đa truân. Ông ấy nói tôi có đôi mắt ướt. Sẽ bi lụy đời em. Mấy hôm nay trời bão, không có du khách, tôi nằm nhà đắp mền ngủ như một con chuột rúc trong hốc tối. Và tôi cảm nhận được thân thể mình đang thì thầm với tiếng gọi mơ hồ. Không ai nói cho tôi biết tôi được sinh ra bởi ai và thân xác này thật sự có ý nghĩa gì.

(Truyện này đã đăng lần đầu trên damau.org dưới hình thức song ngữ,

bản dịch Anh ngữ đăng lần này trên tienve.org đã được các dịch giả Lê Đình Nhất-Lang & Lưu Diệu Vân hiệu đính & bổ sung.)