Cũng chính Ngọc là người báo tin cho tôi biết, cô bé đã đỡ bệnh và được người mẹ đem về nhà. Tôi lật đật đi đón xe lam đến thăm em. Người mẹ tiếp tôi ở phòng khách. Trong ánh sáng buổi chiều, tôi thấy bà khác hẳn trong lần tôi gặp dưới ánh đèn điện vàng đục. Bộ quần áo màu mỡ gà làm nổi bật nước da màu trắng của bà, nhưng đồng thời cũng làm nổi rõ những gân xanh trên khuôn mặt. Tôi không còn lầm lẫn bà là một thiếu nữ nữa. Tuổi bà phải trên bốn mươi. Bà hỏi tôi uống gì. Tôi nói chanh Rhum và bà gọi người làm pha hai ly. Khi bà đã ngồi xuống chiếc ghế nệm màu huyết dụ đối diện, tôi hỏi: - Thưa bà, cô bé đã khỏe chưa? - Nó đã đỡ. Nhưng bệnh vẫn có thể trở lại bất cứ lúc nào. - Xin phép bà cho tôi được vào thăm cô bé. - Tôi rất muốn cậu vào thăm nó, nhưng nó đã dặn rõ ràng không cho cậu vào thăm. Tôi rất tiếc phải chiều theo lời yêu cầu của nó. - Cô bé có chuyện gì giận tôi? Người đàn bà khẽ lắc đầu. - Ðừng nghĩ vậy. Nó rất mến cậu và vẫn luôn miệng nhắc đến cậu khi có tôi ngồi bên. Nó không muốn tiếp cậu có lẽ tại mặc cảm bệnh hoạn, không thích người khác biết đến sự yếu đuối của nó. - Cô bé vẫn xem tôi là một người xa lạ? - Không. Nó trọng cậu. Muốn trọng ai người ta phải giữ một khoảng cách. Phải cần một khoảng cách người ta mới trọng nhau được? Tôi cóc cần được trọng. Tôi muốn cô bé khinh tôi, để tôi được gần em trong lúc bệnh hoạn. Nhưng làm thế nào để em khinh tôi bây giờ? Tôi thở dài hỏi người đàn bà: - Thưa bà, bệnh của cô bé hy vọng chữa khỏi chứ? - Tôi đã nói với cậu các bác sĩ bên Tây đều chịu thua. - Thưa bà, tôi nghĩ có thể cô bé chỉ là người bệnh tưởng tượng. - Cậu muốn nói nó là một maladie imaginaire như trong kịch của Molière? Không phải đâu. Các bác sĩ đã chứng nhận nó bị bệnh nội thương rõ ràng, nhưng không chữa trị được. Nó kéo dài sự sống lâu hay mau không phải nhờ thuốc thang mà nhờ sự kháng cự của cơ thể và tâm hồn nó. Cái chết đã ám ảnh nó quá nặng nề nên lúc nào nó cũng có tâm trạng của một người sắp sửa ra đi. Một người sắp ra đi thường có hai thái độ. Hoặc vội vã sống vì quí những giây phút còn lại, hoặc họ ngồi yên chờ đợi vì nghĩ làm gì cũng vô ích. Cô con gái tôi đã gần gũi cậu. Tôi biết nó đã sung sướng vào những dịp ấy. Nhưng chính những giây phút sung sướng ấy càng làm cái chết đè nặng trên tâm hồn nó hơn. Những buổi chiều tôi vào phòng chăm sóc giấc ngủ của nó, tôi đã thấy nước mắt lăn trên má nó từ khi nó quen cậu. Nó tiếc nhớ những ngày tươi đẹp đã qua nên nó càng lo sợ cho những ngày sắp đến. - Thưa bà, vậy tôi đã có lỗi. - Lỗi gì? - Làm cô bé lo sợ cái chết khi so sánh nó với đời sống. Người đàn bà đưa tay bóp trán, những vết nhăn hiện rõ trên cái trán cao của bà. - Lúc đầu tôi cũng nghĩ như cậu. Càng ham thích đời sống, người ta càng sợ hãi cái chết hơn. Tôi đã có ý định ngăn cấm nó gặp cậu. Nhưng sau suy nghĩ lại tôi thấy cần phải để cho nó có những giây phút sung sướng bên cậu, những giây phút mà nó không còn tìm gặp được trong gia đình này từ khi ba nó mất. Những giây phút đó đã tạo cho nó có những ngày tươi đẹp, dù cho chúng có làm cho đời sống của nó ngắn ngủi đi, nhưng nó sẽ không còn nghĩ đời sống hoàn toàn buồn thảm. Chính cái chết của chồng tôi đã cho biết, người ta luôn luôn phải trả giá hạnh phúc bằng những giọt lệ. - Thưa bà, tôi còn có thể giúp gì được cho cô bé? Người đàn bà thở dài. - Cám ơn lòng tốt của cậu, nhưng rất tiếc tôi và cậu đều không thể giúp cho nó được gì nữa. Bệnh nó đã nặng hơn xưa. Tôi không còn tin vào y học, nhưng còn nước còn tát. Ngay khi nó có thể đi lại được, tôi sẽ đem nó về Sàigòn chữa trị. Tôi mong sẽ gặp cậu ở trong đó. Tôi nghĩ nói chuyện với người đàn bà như vậy đã đủ. Tôi hỏi xin bà một tờ giấy viết thư cho cô bé. Nhỏ, Tôi rất tiếc đã không gặp được em trong buổi chiều nay. Thành thật cầuchúc em mau khỏe mạnh. Trước khi em dời khỏi nơi đây, tôi ước mong chúng ta sẽ gặp nhau một lần nữa. Gặp nhau một lần nữa trong suốt một phần đời còn lại, đâu phải là quá nhiều, phải không nhỏ? chào em. Tôi. Tôi xếp lá thư nhờ người đàn bà trao lại cho cô bé. Khi tôi đúng dậy chào bà ra về, tôi nhìn thấy trên bàn hai ly chanh Rhum vẫn còn đầy.