Sau ngày hôm ấy, cuộc sống của tôi trở nên bình thường như trước. Tôi thực sự yêu Mino và nhiều lần tôi muốn vứt bỏ cái nghề của mình xem ra không phù hợp với một mối tình chân chính. Nhưng hoàn cảnh kinh tế của hai mẹ con tôi vẫn không thay đổi, tiền tôi chẳng có bao lăm và không thể kiếm tiền bằng con đường nào khác. Còn nhận tiền của Mino thì tôi lại không muốn. Mới lại anh chi tiêu cũng phải tính từng đồng lia một vì bố mẹ anh gửi tiền cho anh vừa đúng đủ để sống ngoài thành phố. Do đó ở trong quán cà phê, trong tiệm ăn, tóm lại, tất cả những nơi nào chúng tôi cùng đến, tôi luôn luôn có ý muốn không kìm nén được là tự mình trả tiền. Mino kiên quyết khước từ lời đề nghị ấy của tôi và lần nào tôi cũng thấy cay đắng và thất vọng. Khi nào anh không có tiền, anh dẫn tôi tới công viên thành phố, hai người ngồi trên ghế đá vừa trò chuyện vừa ngó nhìn khách bộ hành, hoàn toàn chẳng khác gì những kẻ thực sự nghèo khó. Một bận tôi bảo anh:- Nếu anh không có tiền... dù sao ta cũng vào quán cà phê đi... em sẽ trả tiền, sao anh cứ đứng vậy?- Không, không được đâu.- Sao không được? Em muốn vào quán cà phê và uống một chút gì đó.- Nếu vậy em vào một mình đi.Thật ra mà nói, tôi chẳng muốn vào quán cà phê, cũng như chẳng muốn tự mình trả tiền thay cho anh. Nguyện vọng của tôi mãnh liệt, khát khao và tha thiết, nếu tôi được trao cho anh toàn bộ tiền tôi kiếm được do đã gần gũi với một người đàn ông tình cờ bắt gặp thì tôi còn vui mừng hơn. Tôi thấy chỉ có vậy tôi mới chứng minh được tình yêu của mình, hơn nữa qua cách đó, tôi hy vọng cột anh bằng những nút bền chặt hơn tình yêu. Một bận tôi thú nhận:- Nếu được đưa tiền biếu anh, em sung sướng lắm... và em tin rằng điều đó sẽ làm anh vui.Anh phá lên cười rồi đáp:- Mối quan hệ của chúng ta, ít ra là về phía anh, hoàn toàn không dựa trên cơ sở vui thú.- Nếu vậy thì dựa trên cơ sở gì?Anh do dư một lát, rồi đáp:- Trên cơ sở nguyện vọng yêu anh của em, và trên cơ sở sự bất lực của anh trong việc đấu tranh với nguyện vọng ấy... nhưng đây hoàn toàn không có nghĩa sự bất lực trong việc đấu tranh của anh là vô hạn.- Ý anh nói là thế nào hả?- Đơn giản thôi – Anh bình tĩnh giải thích – anh đã nhiều lần nói với em... chúng ta ở bên nhau vì em muốn vậy... còn anh, ngược lại, anh không muốn vậy, ngay cả lúc này, ít ra là về mặt lý thuyết, anh không muốn...- Thôi đủ rồi, đủ rồi... – Tôi ngắt lời – chúng ta sẽ không nói tới tình yêu của chúng ta nữa... em đã uổng công khơi gợi câu chuyện này.Khi nghĩ tới tính khí anh, tôi thường đi đến kết luận đáng buồn là anh chẳng hề yêu tôi và đối với anh, tôi chỉ là một đối tượng của một cuộc thí nghiệm khó hiểu nào đó. Thật ra, anh chỉ hết lòng say đắm bản thân mình thôi, song, tuy lĩnh vực quan tâm của anh rất hẹp, tính tình Mino xem ra phức tạp lắm. Anh xuất thân, như tôi được biết, trong một gia đình khá giả tại một tỉnh lẻ và là một thanh niên rất tế nhị, thông minh, có văn hóa, được giáo dục tốt, nghiêm túc. Gia đình anh – như tôi được biết qua những câu chuyện dè dặt của anh, vì anh không thích đả động đến vần đề này – đúng là nơi tôi muốn ra đời, vì tôi đã từng mơ ước có cuộc sống bình dị và êm ấm. Đây là một gia đình khá giả điển hình: bố anh là một thầy thuốc và điền chủ, mẹ anh còn trẻ, chi lo chăm sóc chồng con, anh có ba em gái và một anh trai. Thật ra, bố anh là một nhà doanh lợi địa phương và đầu nậu, mẹ anh là một kẻ giả nhân giả nghĩa khủng khiếp, các em gái – những cô gái rỗng tuyếch, còn anh trai – một kẻ bán trời không văn tự đại loại Giancarlo. Nhưng nói chung, tất cả những thiếu sót ấy đều không quan trọng và đối với tôi, một người sinh ra trong những điều kiện hoàn toàn khác và giữa những con người khác hẳn thì thậm chí không cho đó là những thiếu sót nữa. Dù sao, gia đình anh cũng sống hòa thuận, bố mẹ, anh em đều yêu thương Mino.Tôi coi anh là một người hạnh phúc, vì anh đã sinh ra trong một gia đình như vậy. Ngược lại, bản thân anh lại cảm thấy một mối kinh tởm không thể giải thích được đối với gia đình mình, cảm thấy ác cảm và căm ghét nó mà tôi không thể hiểu nổi. Và xem ra anh cảm thấy một nỗi ghê tởm, ác cảm và hằn học tương tự đối với chính bản thân mình, với cuộc sống của mình, với các hành vi của mình. Tôi nghĩ rằng lòng căm ghét này đối với bản thân chỉ là sự ghê tởm đối với nỗi căm ghét gia đình mình. Nói một cách khác, anh căm ghét những gì có liên quan đến gia đình trong bản thân mình và căm ghét những gì gia đình ảnh hưởng đến anh. Như tôi đã nói, anh là một người được giáo dục tốt, có văn hóa, thông minh, sắc sảo, nghiêm túc. Nhưng anh khinh bỉ tất cả những phẩm chất này vì anh có được chúng là nhờ gia đình và môi trường anh đã ra đời và lớn lên.Một hôm tôi hỏi anh:- Nhưng anh muốn trở thành một con người như thế nào? Đấy là những phẩm chất tốt mà... anh phải ơn Trời đã có được những phẩm chất ấy.- Hừm! Anh cần quái gì tất cả những cái đó? – Anh cực chẳng đã đáp - Bản thân anh cho rằng mình cứ như Sonzogno lại hóa hay.Tôi chẳng hiểu sao câu chuyện của Sonzogno lại gây cho anh ấn tượng mạnh mẽ đến vậy.- Khủng khiếp thật! – Tôi kêu lên – Gã là một kẻ độc ác, chẳng nhẽ anh lại muốn giống con quái vật ấy?- Đương nhiên anh chẳng muốn hoàn toàn giống gã – Anh bình tĩnh đáp – anh nhắc tới cái tên Sonzogno chẳng qua là để em hiểu rõ ý anh... Sonzogno được tạo ra cho cuộc sống ở trên đời này, còn anh không phù hợp.- Thế anh có biết em muốn được như thế nào không? – Tôi hỏi.- Em nói anh nghe xem nào.- Em muốn được như – Tôi chậm rãi mở đầu, nhấm nháp từng lời, vì mỗi lời là một giấc mơ thầm kín của tôi – chính như bản thân anh, tuy anh không thích địa vị của mình... em muốn được sinh ra trong một gia đình giàu có như gia đình anh để có thể có được một nền giáo dục... được sống trong ngôi nhà tuyệt vời và sạch sẽ như nhà anh... muốn có được như anh những thầy giáo và những gia sư tốt để dạy em học các thứ tiếng nước ngoài... muốn được nghỉ hè ở biển hay lên núi như anh... có quần áo đẹp, đi thăm và tiếp đón mọi người... sau đó muốn lấy một người lao động trung thực, sung túc, yêu thương em... muốn sống với người ấy và muốn có con với người ấy.Chúng tôi ngồi trên giường trò chuyện. Bỗng, như vẫn thường thấy ở anh, anh đâm bổ vào tôi, vừa ôm, vừa sờ nghịch vừa láy đi láy lại:- Hoan hô, hoan hô, hoan hô! Tóm lại em muốn được như signora Lobianco.- Signora Lobianco là ai vậy? – Tôi ngạc nhiên và hơi phật ý hỏi.- Là một mụ yêu quái độc ác, bà ta thường mời anh tới nhà chơi với hy vọng anh phải lòng một trong những cô con gái xấu như điên của bà ta và lấy cô ta... vì như người ta bảo, anh là một đám tuyệt vời.- Nhưng em chẳng muốn như signora Lobianco.- Song dẫu sao em cũng là như vậy, nếu em có được tất cả những điều em bảo... signora cũng sinh ra trong một gia đình giàu có, và được giáo dục một cách tuyệt vời, có các thầy giáo và gia sư, học tiếng nước ngoài, sau đó bà ta học ở trường phổ thông, hình như thậm chí còn học ở đại học nữa... năm nào bà ta cũng ra biển và lên núi... bà ta có áo xống đẹp... đi thăm hỏi và chơi bời, mời khách khứa lại nhà chơi... những cuộc mời mọc vô tận và những buổi tiếp đãi triền miên không dứt... bà ta lấy một ông chồng chung thực, kỹ sư Lobianco, ông này cũng lao động và kiếm được khối tiền... cuối cùng, bà ta cũng được đức ông chồng, mà anh cho rằng chẳng bao giờ bị bà ta cho mọc sừng cả, ban cho một lô lốc con: ba con gái và một con trai... và không những thế, như anh bảo, bà ta là một mụ yêu quái độc ác.- Nhưng khi sinh ra bà ấy là yêu quái độc ác rồi... môi trường thì có liên quan gì ở đây nào?- Không, bà ta giống như những người bà ta quen biết và những người quen biết của những người bà ta quen biết.- Có lẽ bà ta như vậy – Tôi định thoát ra khỏi vòng tay của anh và bảo – nhưng mỗi người mỗi tính... có thể bà Lobianco đúng là một bà yêu quái độc ác... song em tin rằng nếu em được sống trong những điều kiện ấy, em sẽ trở nên tốt hơn bây giờ nhiều.- Em cũng trở nên kinh khủng như signora Lobianco.- Nhưng tại sao, anh nói xem, tại sao?- Thế đấy...- Không, ta thử phân tích xem... anh coi gia đình anh cũng tồi tệ à?- Dĩ nhiên, tồi tệ nhất trên đời.- Thế bản thân anh cũng tồi tệ à?- Tất cả những gì ở trong anh bắt nguồn từ gia đình đều tồi tệ cả.- Nhưng tại sao? Anh giải thích em nghe xem nào.- Vây đấy!- Đấy không phải là câu trả lời.- Nếu em hỏi signora Lobianco những câu hỏi tương tự, em sẽ được nghe một câu trả lời chính xác – Anh nói.- Những câu hỏi nào?- Không đáng quan tâm – Anh vô tư đáp – những câu hỏi tế nhị... từ “vậy đấy”, đăc biệt khi nói với một giọng đầy tin tưởng sẽ bịt miệng thậm chí những người tò mò nhất... vậy đấy... chẳng cần bất cứ sự giải thích nào... có vậy thôi.- Em không hiểu anh.- Chúng ta hiểu nhau hay không thì có ý nghĩa gì nếu như em bảo, chúng ta yêu nhau? – Anh kết luận, và ôm tôi vẻ giễu cợt, muốn ra mặt tỏ rõ anh chẳng hề yêu tôi.Cuộc tranh cãi của chúng tôi chấm dứt ở đây. Do Mino chẳng bao giờ bộc lộ hết tình cảm của mình, bằng cách che giấu một phần nào đó – có lẽ phần quan trọng nhất – tâm hồn mình, làm những biểu hiện hiếm hoi của anh trong tình yêu mất hết mọi vẻ duyên dáng, nên chẳng lần nào anh thổ lộ với tôi những suy nghĩ thầm kín của anh. Mỗi lần tôi tưởng sắp đi sâu vào được tâm hồn anh thì anh lại bông lơn và giễu cợt đánh bật tôi ra, đồng thời cố làm như mình không tập trung chú ý. Anh thực sự lẩn tránh tôi về mọi phương diện. Tôi cảm thấy mình là một sinh vật hạ đẳng, là một đối tượng thử nghiệm và nghiên cứu nào đó. Và có lẽ chính vì vậy tôi yêu anh mãnh liệt, tận tâm và hết lòng hết dạ như vậy.Tuy thế, đôi lúc tôi cảm thấy anh căm ghét không chỉ riêng gia đình mình và môi trường của mình, mà còn tất cả mọi người ở trên đời. Một bận, tôi không còn nhớ vì lý do gì, anh nhận xét:- Những kẻ giàu đều tồi tệ... nhưng ngay cả người nghèo cũng không tốt hơn, tuy vì những lý do hoàn toàn khác hẳn.- Anh chẳng mấy chốc tuyên bố rằng mình hoàn toàn căm ghét tất cả mọi người, không loại trừ một ai.Anh mỉm cười và đáp:- Về nguyên tắc, khi có một mình, anh không cảm thấy ghét mọi người... Nói đúng hơn, lòng căm ghét của anh gần như tan biến hết và anh bắt đầu tin con người dần dần sẽ trở nên tốt đẹp hơn... nếu anh không tin vào điều đó, anh đâu tham gia vào hoạt động chính trị... song khi sống giữa con người, họ gây cho anh sợ hãi – Và anh nói thêm, vẻ chân thành và đau khổ: - Thật ra mà nói, con người có đáng là bao.- Anh và em cũng là người – Tôi nói – và vì chúng ta chẳng là gì hết, nên không có quyền lên án họ.Anh lại cười phá lên:- Mà anh có lên án họ đâu... anh thấy họ... hay nói đúng hơn, đánh hơi thấy... như con chó săn đánh hơi thấy dấu vết của gà gô hoặc thỏ... liệu chó có thể lên án được không? Anh đánh hơi thấy sự nham hiểm, ngu ngốc, ích kỷ, nhỏ nhen, giả dối, thô bạo, dốt nát, tất cả sự đê tiện của con người... anh đánh hơi thây chúng, đấy là tình cảm mà... thế liệu em có thể phủ nhận cái tình cảm ấy được không?Tôi không biết đáp sao và chỉ hạn chế bằng cách nhận xét:- Em không có những tình cảm đó.Lần khác anh nói:Vả lại, anh không biết rõ con người tốt hay xấu... song theo như anh được biết con người là những sinh vật vô dụng và vô tích sự.- Ý anh muốn nói gì vậy?- Anh muốn nói rằng có thể bỏ qua một cách tuyệt vời và không cần đến loài người... loài người là một khối u quái gở trên cơ thể trái đất... một ung nhọt... trái đất trông sẽ đẹp đẽ hơn nếu mặt đất không có con người, thành phố, đường phố, bến cảng do con người xây dựng nên, sự bận rộn vụn vặt của họ... em thử hình dung thế giới tuyệt đẹp biết bao, nếu chỉ có trời, biển, cây cối, đất đai, thú vật.Tôi không thể nín được cười:- Đầu óc anh nảy ra những ý nghĩ kỳ quặc thật.- Nhân loại – Anh nói tiếp – không có khởi đầu và không có kết thúc... song nhân loại mang trong mình những nét tiêu cực gay gắt... lịch sử loài người là một sai lầm hoàn toàn đáng buồn... con người có ích lợi gì nào? Anh có thể bỏ qua một cách tuyệt đối không cần đến họ.- Thế nhưng bản thân anh cũng là một phần của nhân loại này... thế cũng có thể bỏ qua cả anh à? – Tôi phản đối.- Anh thì là cái quái gì?Anh còn bị một ý định nữa luôn luôn ám ảnh: ý định tự kiềm chế, xem ra đặc biệt kỳ quặc vì anh không định áp dụng nó trong thực tế, nó chỉ làm hại cuộc đời anh. Anh chú ý quá nhiều đến nó và như cố tình phát triển nó một cách đặc biệt thích thú ngay sau khi chúng tôi gần gũi nhau. Anh bảo tình yêu chỉ là phương thức ngốc nghếch và dễ dàng nhất để giải thoátkhỏi mọi nỗi hoài nghi bằng cách dùng con đường đê tiện, xa khuất con mắt kẻ lạ, để xua lùa chúng ra khỏi bản thân ta, như người ta tiễn đưa các ông khách chẳng ai ưa qua cổng hậu.- Và khi đã giải quyết xong, người đàn ông cùng với bạn gái mình - vợ hoặc tình nhân – coi như chẳng có chuyện gì xảy ra cả, nhởn nhơ đi dạo chơi, và họ sẵn sàng hòa hoãn với cuộc sống, dù nó có khủng khiếp thế nào đi nữa.- Em không hiểu anh – Tôi nói.- Tuy vậy em phải biết rõ điều này chứ - Anh đáp - Đấy là nghề nghiệp của em.Tôi bực mình đáp:- Nghề nghiệp của em, như anh vừa diễn đạt, là yêu anh... Nhưng nếu anh muốn thì chúng mình sẽ không chung đụng với nhau nữa... dẫu sao em vẫn sẽ yêu anh.Anh chế giễu hỏi:- Em tin chắc như vậy à?Ngày hôm ấy chúng tôi không đả động gì về đề tài này nữa. Song về sau anh nhiều lần quay trở lại vấn đề đó và cuối cùng, tôi không bận tâm chú ý tới những lời của anh và có nghe cũng không phản đối, cũng như chấp nhận một số điểm khác trong cá tính đầy mâu thuẫn của anh.Về chính trị, nếu bỏ qua những lời bóng gió không rõ nào đó, thì có thể coi như anh không nói gì với tôi cả. Ngay cho đến hôm nay tôi cũng không rõ anh cố đạt được gì, chính kiến của anh ra sao, anh là người của đảng phái nào. Tôi không hay biết như vậy phần vì anh giữ bí mật, phần vì tôi không am hiểu chút gì về chính trị cả, hơn nữa do dè dặt và thờ ơ nên cũng chẳng có ý định hỏi cho rõ. Tôi đã xử sự không đúng và sau này có trời mới biết tôi ăn năn hối hận ra sao. Nhưng lúc ấy tốt hơn hết là tôi không nên xen vào công việc của anh, mà tôi cho rằng chẳng liên quan đến tôi, tôi chỉ nghĩ tới tình yêu. Tóm lại, tôi xử sự hệt như những phụ nữ - là vợ hay tình nhân không quan trọng - vẫn thường xử sự: họ không hề nghi ngờ hỏi xem đồng tiền chồng đưa họ được kiếm ra bằng cách nào. Tôi đã nhiều lần giáp mặt với hai người bạn của Mino mà anh gần như không ngày nào không gặp. Nhưng khi có mặt tôi, cả họ cũng chẳng bao giờ nói chuyện chính trị, họ nói chuyện bông lơn, hoặc những chuyện dớ dẩn chẳng đâu vào đâu.Tuy vậy trong lòng tôi lúc nào cũng canh cánh sợ hãi vì tôi biết rõ âm mưu chống lại chính phủ là một việc nguy hiểm. Tôi sợ nhất là khi nghĩ rằng Mino có thể vấp phải một cuộc đụng độ công khai: do dốt nát tôi không hình dung được một cuộc âm mưu không có tiếng súng và đổ máu. Nhân tiện nói thêm, tôi còn nhớ một trường hợp, tuy vô ý thức, tôi nhận thấy mình phải ngăn ngừa mối nguy hiểm đe dọa anh. Tôi biết rằng có lệnh cấm mang vũ khí và ai mang theo vũ khí trái phép sẽ bị tống giam ngay. Hơn nữa, Mino đôi lúc dễ mất bình tĩnh, và có khi thoát thân được, nhưng mang vũ khí lại đâm tai vạ ấy chứ. Tất cả những điều ấy làm tôi nảy ra ý nghĩ cho rằng khẩu súng lục mà Mino tự hào đến vậy, thật không chỉ là không cần thiết đối với anh mà ngược lại, có khi còn gây tai họa cho anh một khi anh sử dụng nó hoặc bị phát hiện mang nó. Nhưng tôi không dám nói điều đó với anh vì biết rằng có nói cũng chẳng ăn thua gì. Cuối cùng tôi quyết định hành động bí mật. Một bận, anh giảng giải cho tôi nghe cấu tạo của súng lục. Và một hôm, khi anh ngủ, tôi lấy khẩu súng lục ở trong túi quần ra, lấy băng đạn, rút hết đạn bỏ đi. Sau đó, tôi lắp băng đạn không vào ổ và lại bỏ khẩu súng lục vào túi. Còn chỗ đạn tôi giấu dưới chỗ quần áo lót ở ngăn tủ commốt. Tôi làm tất cả những việc đó trong nháy mắt rồi lại trở về nằm bên Mino. Hai ngày sau, tôi bỏ chỗ đạn vào túi xách tay, ra khỏi nhà và quẳng xuống sông Tiber.Astarita tới thăm tôi đúng vào thời gian ấy. Tôi gần như quên béng sự tồn tại của anh ta, cho rằng mình đã làm tất cả những gì mình làm được để cứu chị người hầu và chẳng muốn quay lại vấn đề ấy nữa. Astarita báo cho tôi biết rằng, cha cố mang chiếc hộp đựng phấn tới chỗ cảnh sát và sau khi nhận đồ của mình, theo lời khuyên của cảnh sát, bà chủ nhà rút đơn kiện, nên chị người hầu được công nhận là vô tội và đã được thả rồi. Cần phải nói rằng, tôi rất vui khi nghe tin này, vì nó xua tan cảm giác chua xót cứ bám lấy tôi sau cái buổi xưng tội ấy. Lúc này, tôi nghĩ không phải về chị người hầu được thả, mà về Mino và quyết định rằng nguy cơ bị cha cố tố giác không còn nữa thì hiện nay, cả tôi lẫn Mino chẳng có gì phải lo ngại. Do đó, tôi không kìm được và đã hân hoan ôm Astarita.- Chẳng nhẽ em tha thiết muốn người phụ nữ đó được thả đến thế sao? – Anh ta nói, giọng nghi ngờ.- Tất nhiên, anh cho là lạ vì hàng ngày anh thản nhiên tống giam hàng chục kẻ vô tội... nhưng em thực sự là bị dày vò đấy! – Tôi làm bộ sốt sắng thốt lên.- Anh chẳng tống giam ai – Anh ta làu bàu – Anh chỉ làm tròn trách nhiệm của mình.- Thế anh có gặp cha cố không – Tôi hỏi.- Không... không gặp... anh gọi điện thoại... người ta bảo rằng có một cha cố nào đó đã mang đến một chiếc hộp đựng phấn mà cha đã nhận khi nghe xưng tội... và anh chỉ còn việc ra lệnh.Không hiểu sao tôi thấy buồn và hỏi:- Anh thực sự yêu em à?Câu hỏi làm anh ta cảm động và ôm tôi, lúng búng:- Sao em lại hỏi vậy? Bây giờ chắc em đã rõ lòng anh rồi.Anh ta muốn hôn tôi, nhưng tôi quay đi và bảo:- Em hỏi vậy vì muốn rõ có phải bao giờ anh cũng giúp đỡ em không... bất kỳ lúc nào em yêu cầu anh... cũng như anh đã giúp em lúc này này.- Bao giờ anh cũng sẽ giúp đỡ - Anh ta đáp, giọng run rẩy. Sau đó đưa mắt lại sát bên tôi, anh ta hỏi: - Thế em sẽ dịu dàng với anh chứ?Sau khi Mino quay về với tôi, tôi kiên quyết nhất định là sẽ không gặp Astarita nữa. Tôi phân biệt anh ta với tất cả những người đàn ông tình cờ bắt gặp khác, tuy không yêu, mà thậm chí còn thấy ghê tởm anh ta nữa, chắc chính vì vậy tôi cho rằng quan hệ với anh ta là tôi phản bội Mino. Tôi định nói với anh ta toàn bộ sự thật: “Không, không bao giờ em dịu dàng với anh đâu”, nhưng rồi nghĩ lại, nên im lặng, sức mạnh thuộc vể anh ta, còn Mino có thể bị bắt bất kỳ lúc nào, lúc đó tôi phải nhờ vả Astarita giúp giải thoát cho Mino, vì vậy làm cho quan hệ giữa hai chúng tôi xấu đi thì chẳng có lợi cho tôi. Tôi đành cam chịu và liền tuôn ra một mạch:- Vâng, em sẽ dịu dàng với anh.- Thế em thử nói xem – Anh ta đánh bạo hỏi – em thử nói xem, em có yêu anh, dù chỉ là một chút ít thôi không?- Không, em không thích yêu – Tôi kiên quyết đáp - bản thân anh cũng rõ đấy... em đã chẳng bảo anh hàng chục lần rồi còn gì nữa?- Và sẽ chẳng bao giờ yêu cả?- Em nghĩ rằng không.- Nhưng tại sao?- Lẽ nào lại có thể giải thích được điều đó sao?- Em yêu người khác à?- Chuyện đó không liên quan tới anh.- Nhưng anh rất cần tình yêu của em – anh ta nhìn tôi hằn học bảo, giọng thất vọng - tại sao, tại sao em chẳng muốn yêu anh, dù chỉ chút xíu thôi?Ngày hôm ấy tôi cho phép anh ta ở lại chỗ tôi tới khuya. Anh ta buồn khôn nguôi, sau khi một lần nữa tin chắc rằng tôi sẽ không yêu anh ta, và, chắc là anh ta khó lòng cam chịu được những lời của tôi.- Nhưng anh nào có thua kém gì những kẻ khác đâu. – Anh ta khẳng định - tại sao em không yêu chính anh đây, mà lại đi yêu kẻ khác?Thật ra mà nói, anh ta làm tôi động lòng thương, và vì anh ta cứ nằng nặc vặn hỏi tình cảm của tôi đối với anh ta và cố tìm trong lời tôi một chút tia hy vọng, nên tôi gần như bị cám dỗ đi đến chỗ nói dối anh ta để anh ta có thể tạo nên, dù chỉ là ảo ảnh cái tình cảm của mình hằng khát khao. Đêm ấy anh ta đặc biệt buồn và bối rối. Xem ra anh ta muốn qua cử chỉ và hành vi của mình thức tỉnh trong tôi, tuy vẻ bề ngoài thôi, tình yêu mà trái tim tôi đã khước từ anh ta. Tôi nhớ là anh ta yêu cầu tôi không mặc áo xống gì hết và ngồi trên ghế bành. Sau đó, anh ta quỳ trước mặt tôi, áp đầu vào đầu gối tôi và cứ giữ tư thế đó hồi lâu. Còn tôi trong lúc đó phải dịu dàng và âu yếm vuốt ve đầu anh ta. Đây không phải là lần đầu tiên anh ta bắt tôi phải đóng cái màn kịch câm yêu đương này, nhưng ngày hôm đó, hình như anh ta lâm vào một tình trạng hoàn toàn vô hy vọng. Anh ta rên rỉ áp đầu vào bụng tôi, tựa như muốn chui vào bụng tôi và ở lại trong đó. Vào giây phút ấy, tôi thấy anh ta hình như không phải người tình, mà là một đứa bé đang chúi đầu vào đầu gối ấm áp của mẹ, cái cử chỉ vô ý thức ấy của anh ta tỏ rõ nguyện vọng mơ hồ muốn chui vào trong lòng tối như bưng mà anh ta đã từ trong đó chui ra chào đời với một nỗi đau không kém gì thế này.Cái cảnh quỳ gối sùng bái này kéo dài lâu tới mức tôi ngủ quách mất, người ngả lưng ra ghế, tay để trên đầu anh ta. Tôi chẳng rõ mình ngủ có lâu không, nhưng khi tỉnh dậy đã thấy Astarita mặc quần áo chỉnh tề ngồi đối diện với tôi và đưa mắt nhìn tôi vẻ soi mói và buồn bã. Có lẽ đó là do tôi nằm mơ hay tưởng tượng như vậy. Khi tỉnh dậy hẳn, Astarita đã bỏ đi rồi, anh ta để lại trên đùi tôi chỗ anh ta gối đầu một khoản tiền như mọi bận.Sau đó là hai tuần lễ hạnh phúc nhất trong đời tôi, hầu như ngày nào tôi cũng gặp Mino và, tuy quan hệ giữa chúng tôi không thay đổi, tôi đã vui mừng là xét về mặt nào đó, những cuộc gặp gỡ của chúng tôi đã trở thành thói quen và cả hai chúng tôi hình như đã đi đến một sự nhất trí. Giữa hai chúng tôi có một sự thỏa thuận ngầm là anh không yêu tôi, không bao giờ yêu và bất luận thế nào vẫn thích tự kiềm chế tình yêu hơn. Cũng hệt như đương nhiên tôi yêu anh, sẽ mãi yêu anh, bất chấp thái độ thờ ơ của anh và thích cái tình yêu không thực và không hy vọng như vậy của anh hơn là hoàn toàn chẳng có tình yêu. Tôi không giống Astarita: tôi cam chịu là không được yêu và thấy vui sướng khi mình đang yêu. Phải thú nhận rằng trong thâm tâm tôi vẫn luôn ấp ủ nỗi niềm hy vọng rằng tôi sẽ buộc được Mino phải yêu tôi và tôi sẽ đạt được điều này qua sự thuần phục, kiên nhẫn và dịu dàng của bản thân. Nhưng bất luận thế nào tôi cũng không cho phép niềm hy vọng này bắt rễ sâu, anh ve vuốt tôi một cách thất thường và không chân thành, điều đó càng làm tăng thêm hương vị đắng cay hơn bất kỳ chuyện gì khác.Tuy vậy tôi vẫn cứ vô tình cố đi sâu vào đời anh, và do không lọt được vào cổng chính, tôi cố luồn vào bằng cổng hậu. Mặc dù anh lải nhải kể lể là mình căm ghét con người, theo tôi anh căm ghét một cách chân thành, nhưng đồng thời anh lại ra sức tuyên truyền và hành động vì cái mà anh cho là hạnh phúc của loài người. Thật ra những cơn thất vọng đột ngột đã thường xâm chiếm anh, và chúng cũng chân thành. Vào giai đoạn ấy, anh say mê điều mà anh tự đặt cho cái tên khôi hài “khai hóa” tôi. Như tôi đã nói, tôi cố cột anh vào bản thân tôi và dung túng bằng mọi cách cái ý định dơ bẩn này. Song cuộc thử nghiệm đã nhanh chóng sụp đổ và cũng cần kể lại chuyện đó xảy ra như thế nào. Mấy buổi chiều liền, lần nào Mino cũng đến cắp theo cả sách nữa, sau khi vắn tắt giảng giải cho tôi rõ sách nói gì, anh liền đọc to lúc đoạn này, lúc đoạn kia. Anh đọc rất hay khi trầm khi bổng tùy theo lời văn, anh đọc những đoạn tuy tôi rất thiết tha muốn hiểu nhưng không thể hiểu được và chẳng mấy chốc không chịu đào sâu suy nghĩ, mà lại thích thú theo dõi sự thay đổi của nét mặt anh. Khi đọc, anh hoàn toàn trở thành một con người khác, tính rụt rè và khôi hài của anh biến mất tăm, anh dường như đang ở trong môi trường quen thuộc của mình và không sợ tỏ ra mình chân thành. Sự việc này làm tôi hoàn toàn sửng sốt, vì cho tới nay, tôi cho rằng tình yêu chứ hoàn toàn chẳng phải việc đọc sách giúp người ta phát hiện tâm hồn con người. Nhưng Mino thì ngược lại, chưa bao giờ, ngay cả vào những giây phút hiếm hoi khi anh công khai bày tỏ thiện cảm với tôi, tôi chưa bao giờ thấy xuất hiện trên khuôn mặt anh một nỗi thán phục và tha thiết như vậy, tôi chưa bao giờ thấy anh như lúc anh đọc tôi nghe sách của những tác giả anh ưa thích, khi anh cất cao giọng và buộc nó phải ngân vang và sâu sắc một cách lạ thường, khi anh hạ thấp giọng như khi đang tâm tình trò chuyện. Sự giả tạo có vẻ đóng kịch và khôi hài không lúc nào rời anh, ngay cả những lúc nghiêm túc nhất và gây cho người ta suy nghĩ rằng anh luôn luôn sắm một vai có suy nghĩ và tính toán hiệu quả ngoại lai - sự giả tạo này đã biến mất tăm mất tích. Mấy lần tôi nhận thấy mắt anh ươn ướt, sau đó anh gập sách lại và cộc lốc hỏi:- Hay không?Thường thì tôi bảo hay mà chẳng rõ lý do, mới lại tôi chẳng biết giải thích ra sao cả, vì ngay từ đầu tôi đã chẳng có hy vọng hiểu rõ ý nghĩa của cuốn sách. Nhưng một bận anh hỏi dồn:- Thế em thử nói anh nghe tại sao em thấy hay nào? Em giải thích anh nghe.Sau giây phút lưỡng lự, tôi đáp:- Thành thực mà nói, em không biết giải thích ra sao, vì em chẳng hiểu gì cả.- Thế sao em không nói với anh điều đó từ trước?- Em chẳng hiểu gì cả, dù sao, cũng gọi là hiểu võ vẽ những gì anh đọc cho em nghe.- Thế mà em không bảo anh dừng lại... không bảo trước điều đó.- Em thấy anh say sưa đọc, nên không muốn làm anh mất hứng... mới lại em chẳng buồn chút nào cả... nhìn anh đọc cũng thú vị lắm.Anh nổi cáu và đứng bật dậy:- Quái thật, dốt đặc cán mai... đồ ngốc, thế mà mình cứ cố cật lực vì cái đồ ngốc nghếch này...Anh làm một động tác tựa hồ muốn ném cuốn sách vào tôi, nhưng kìm được đúng lúc, và tiếp tục chửi rủa tôi vẫn theo đúng tinh thần như vậy. Tôi cứ để anh nói, sau đó mới lên tiếng nhận xét:- Anh bảo anh muốn dạy dỗ em, nhưng trước hết cần phải tạo cho em những điều kiện để em không phải kiếm sống bằng cách như anh đã rõ đấy... để thu hút được đàn ông, thành thực mà nói, em đâu cần thơ thẩn với những luận văn về đạo đức... nếu em chẳng biết đọc, chẳng biết viết thì đàn ông, dẫu sao vẫn cứ trả tiền cho em.Anh giễu cợt bảo:- Em muốn có nhà đẹp, chồng con, có áo quần, xe hơi... nhưng tất cả tai họa là ở chỗ signora Lobianco cũng không đọc sách... thật ra, hoàn toàn vì một lý do khác, nhưng theo anh thì cũng chẳng thể dung thứ được.- Em chẳng rõ em muốn gì – Tôi bực mình đáp – nhưng những cuốn sách này không hợp với em... thật ra chẳng khác nào đem tặng một chị nghèo khổ chiếc mũ đắt tiền và yêu cầu chị ta đội trong khi khoác trên người toàn những thứ giẻ rách.- Có lẽ đúng vậy đấy – Anh đáp – thôi anh sẽ chẳng đọc tiếp để em nghe một dòng nhỏ nào nữa đâu.Tôi kể lể về cuộc xích mích ấy vì, như tôi nghĩ, nó nêu rõ những cách nhìn nhận và hành vi của anh. Song tôi ngờ rằng anh vẫn tiếp tục dạy dỗ tôi, thậm chí tôi đã thú nhận rằng tôi chẳng hiểu gì cả. Chuyện đó xảy ra không hẳn vì tính bất thường của anh, mà chủ yếu là sự bất lực đến bất hạnh của Mino - ấy là tôi nói về thể lực – không làm được lao động nặng đòi hỏi tính nhất quán và sự say mê chân thành. Anh chẳng bao giờ thảo luận với tôi về điều đó, nhưng tôi hiểu: cái giọng giễu cợt bản thân mà anh đã để lộ trong lời nói của mình, giải đáp cho cái quan điểm chân thành của anh về mình. Nói chung, một tư tưởng nào đó bùng cháy trong anh và khi ngọn lửa nhiệt tình còn rực cháy thì anh thấy tư tưởng ấy là cụ thể và có thể thực hiện được. Sau đó, khi ngọn lửa ấy bỗng vụt tắt và Mino chỉ còn cảm thấy buồn chán và chủ yếu, đã coi hành vi và nhiệt tình của mình là vô nghĩa. Lúc đó anh buông trôi bỏ mặc xuôi theo thái độ lãnh đạm đến đờ đẫn và chây lười hoặc tiếp tục hành động làm ra vẻ như – tuy khá vô ích - ngọn lửa nhiệt tình vẫn bùng cháy. Tôi thấy khó giải thích được những chuyện gì đang xảy ra với anh: chắc anh bị suy nhược trầm trọng, tựa hồ như máu bị chiết ra khỏi não, chỉ để lại những suy nghĩ rỗng tuyếch và vô bổ. Sự thay đổi này luôn luôn bất ngờ, đột xuất, dứt khoát, tôi vô tình so sánh những sự cao hứng và suy sụp này với động tác tắt đèn: ánh sáng bỗng tắt, trước đó một phút, căn phòng còn sáng trưng liền chìm trong bóng tối, hoặc với động cơ tắt dần rồi chết ngóm khi ngừng cung cấp năng lượng điện. Tâm trạng thường xuyên thay đổi này mà lần đầu tiên tôi bắt gặp là thấy Mino đang từ hăng say hào hứng chuyển ngay sang dửng dưng, lãnh đạm, ấy là một trường hợp tình cờ mà dạo ấy tôi chẳng quan tâm lắm, nhưng sau đó tôi thấy rất có ý nghĩa. Một hôm anh bỗng hỏi tôi:- Thế em không muốn làm một việc gì đấy cho bọn anh à?- Cho bọn anh là cho ai cơ?- Nhóm của bọn anh ấy... em không muốn, chẳng hạn, giúp bọn anh rải truyền đơn à?Tôi muốn kiếm một lý do nào đẩy để làm cho chúng tôi xích lại gần nhau hơn nữa và thắt chặt thêm mối quan hệ của chúng tôi. Tôi chân thành đáp:- Tất nhiên, anh cứ bảo em phải làm gì, em nhất định sẽ giúp đỡ các anh ngay.- Thế em không sợ à?- Tại sao em lại phải sợ nhỉ? Nếu một khi anh làm việc đó...- Đúng, nhưng trước hết – Anh nói - cần phải giải thích cho em rõ công việc... giới thiệu với em những tư tưởng mà em có cơ vì chúng mà phải lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.- Nào, giải thích em nghe đi anh.- Em nghe chẳng thú vị lắm đâu.- Tại sao, anh? Thứ nhất tự bản thân những tư tưởng ấy làm em rất thích thú... ngoài ra, em thích còn là vì anh làm những công việc ấy.Anh nhìn tôi, mắt anh ngời sáng, giọng bừng bừng:- Thôi được – Anh vội nói – hôm nay đã muộn rồi... nhưng ngày mai anh sẽ giải thích em nghe mọi điều... anh sẽ dùng từ ngữ của mình vì sách vở làm em chán ốm... nhưng đây là một câu chuyện dài, em phải tập trung chú ý nghe đấy... thậm chí cả đôi lúc em xem ra không hiểu nữa.- Em sẽ cố hiểu – Tôi đáp.- Em phải làm ra vẻ như hiểu – Anh làu bàu tựa hồ như đang nói với chính mình.Và anh ra về.Ngày hôm sau, tôi chờ anh, nhưng anh không tới. Hai ngày sau mới thấy anh ló mặt tới và bước vào phòng tôi, anh ngồi im lặng xuống một chiếc ghế bành kê gần giường.- Vậy là... – Tôi vui vẻ nói – em sẵn sàng nghe anh nói đây.Mặt anh nhợt nhạt, phờ phạc, mệt mỏi, cặp mắt đờ đẫn, nhưng tôi không muốn chú ý tới điều đó. Cuối cùng anh đáp:- Em đợi thật uổng công, em chẳng muốn nghe gì đâu.- Tại sao?- Thế đấy!- Thì anh cứ nói toạc ra rằng – Tôi tuyên bố - chẳng qua anh coi em quá ngu ngốc hoặc quá dốt nát hoặc chẳng hiểu cái mù tịt gì cả... em xin có lời cảm ơn.- Em lầm rồi – Anh đáp vẻ trang nghiêm.- Nếu vậy thì tại sao?Chúng tôi bắt đầu đôi co, tôi muốn biết lý do còn anh lẩn tránh không chịu trả lời. Cuối cùng anh nói:- Em muốn biết tại sao à?... Đúng, vì bản thân anh không biết cách diễn đạt ra sao với em những tư tưởng ấy.- Nhưng đâu phải vậy, vì lúc nào chẳng thấy anh tâm niệm về những vấn đề đó?- Đúng là anh thường nghĩ thật, nhưng từ chiều tối qua, anh thấy những tư tưởng này hoàn toàn mù mờ, bản thân anh cũng chẳng rõ gì về chúng và có Trời mới biết điều này sẽ còn kéo dài trong bao lâu nữa.- Ra thế đấy!- Cố hiểu anh, em – Anh nói tiếp – giá cách đây hai ngày, khi anh đề nghị em làm việc với bọn anh, anh đã trình bày những tư tưởng này thì anh tin chắc rằng anh đã trình bày chúng một cách rõ ràng và đấy sức thuyết phục làm em hiểu sáng mọi vấn đề... còn hôm nay anh có thể nói nhăng nhít, nói qua quít... như cái máy, chẳng nhiệt tình... hôm nay... – Anh kết luận, giọng nhấn mạnh từng lời một - bản thân anh cũng chằng hiểu gì cả.- Bản thân anh cũng chẳng rõ gì cả ư?Đúng, bản thân anh cũng chẳng rõ gì cả: tư tưởng, khái niệm, sự kiện, hồi ức, niềm tin - tất cả những cái đó trở thành một mớ hỗn độn... cái mớ này đã nhồi đầy trong đầu anh – anh đưa ngón tay ấn vào trán mình - đầy trong đầu, anh cảm thấy đến là ấm ức.Tôi đưa mắt nhìn anh, vẻ ngạc nhiên và thắc mắc. Anh run rẩy vì xúc động:- Em cố hiểu anh – Anh nhắc lại – không chỉ tư tưởng mà mọi thứ đã được viết ra, nói lên hoặc suy nghĩ hôm nay, đối với anh xem ra không tài nào hiểu được... em có biết bài “kinh Lạy Cha” không?- Có.- Em đọc cho anh nghe.- “Lạy Cha chúng tôi – Tôi bắt đầu đọc - ở trên lời...”- Thôi đủ rồi – Anh ngắt lời tôi – Bây giờ em cứ thử nghĩ xem, cái bài kinh cầu nguyện này được đọc từ bao thế kỷ nay... với đủ mọi cung bậc tình cảm khác nhau... thế mà anh không hiểu nó... hoàn toàn không hiểu... anh có thể đọc ngược từ dưới trở lên... ngược xuôi đối với anh cũng vậy. – Anh im lặng một lát, rồi nói tiếp: - Không chỉ lời nói mới có tác động như vậy đối với anh... mà cả đồ vật... lẫn con người nữa... em đang ngồi trên thành ghế bành cạnh anh và hẳn ngỡ rằng anh nhìn thấy em... nhưng anh không thấy em, vì anh không hiểu em... Anh có thể đụng vào người em đây này – Anh bảo và do bị kích động cực độ, anh nắm vạt áo tôi, rồi cởi để lộ ngực ra – đây, anh sờ ngực em... anh cảm thấy hình thù, hơi ấm, đường nét của nó, anh thấy rõ màu sắc, làn da em quanh ngực. Song anh không rõ đó là cái gì... Anh cứ thầm nhắc đi nhắc lại: đấy là những vật tròn tròn, ấm áp, mềm mại, màu trắng nhô ra phía trước, có núm tròn, nhỏ, sẫm màu ở chính giữa... Ngực được cấu tạo để có sữa nuôi con trẻ, nó gây khoái cảm thi vuốt ve... nhưng anh không hiểu rõ một chút nào cả. Bây giờ, em thấy rõ chưa nào? – Anh hỏi, vừa giận dữ bóp mạnh ngực tôi làm tôi không kìm được phải thốt lên một tiếng kêu đau đớn. Anh liền buông tôi ra và trầm ngâm nói:- Chính sự không hiểu biết như vậy hẳn sẽ sản sinh ra tính hung bạo... nhiều người có lần tìm cách đến với thực tế, do đó gây đau đớn cho kẻ khác.Im lặng trong một phút, sau đó tôi hỏi:- Nếu quả đúng như vậy, anh làm sao có thể làm mọi việc của mình được?- Chẳng hạn việc gì cơ?- Em không rõ... nhưng anh bảo anh phải rải truyền đơn... anh đã viết nội dung những truyền đơn ấy... nếu anh không tin làm sao anh có thể viết và rải những tờ truyền đơn ấy được?Anh phá lên cười đầy vẻ châm biếm:- Anh làm ra vẻ như tin.- Không thể thế được.- Sao lại không thể được? Hầu như mọi người đều xử sự như vậy, trừ phi những trường hợp khi họ ăn, uống, ngủ hoặc làm tình, gần như ai ai cũng làm ra vẻ tin... lẽ nào mãi tới lúc này em không nhận thấy điều đó sao? - Rồi anh lại phá lên cười đầy vẻ phấn khích.Tôi đáp:- Nhưng em không xử sự như vậy.- Em không hành động như vậy – Anh láy lại, giọng châm chọc – vì khi nào em cần ăn, uống, ngủ và làm tình thì em đều được thỏa mãn, đối với chuyện này cần gì phải vờ vĩnh... thế cũng là nhiều rồi... nhưng đồng thời lại quá ít ỏi.Anh bật cười và vỗ mạnh vào đùi tôi, rồi ôm tôi theo thói quen và mân mê sờ nghịch rồi nhắc lại:- Ôi, chẳng nhẽ em không nhận thấy thế giới của chúng ta được xây dựng trên sự dối trá sao? em không hay biết trên đời này, mọi người - từ vua chúa đến kẻ bần hàn nhất - đều là những kẻ dối trá... đâu đâu cũng dối trá, dối trá...Tôi im lặng vì biết rõ trong những giây phút như thế này không nên giận anh làm gì, chẳng nên phản đối anh, mà để anh nói cho hả. Sau đó tôi nói, giọng kiên quyết:- Em yêu anh... đó là điều duy nhất em biết và đối với em như vậy là quá đủ.Anh bỗng trấn tĩnh lại, dung dị đáp:- Em nói đúng.Buổi chiều tối đã trôi qua như mọi lần, chúng tôi đã không nói tới chính trị, lẫn sự bất lực của Mino không giảng giải được tư tưởng của anh.Còn lại một mình, tôi ngồi suy ngẫm hồi lâu và đi đến kết luận rằng mọi vấn đề quả đúng như anh đã nói, song, chẳng qua anh không muốn nói chuyện chính trị với tôi vì cho rằng tôi chằng hiểu gì cả, ngoài ra, hẳn anh sợ tôi có thể lỡ mồm làm hại anh. Tôi không cho là anh phụ tình, theo kinh nghiệm bản thân tôi biết rõ đôi lúc con người ta cảm thấy cả thế giới đang sụp đổ hoặc như Mino bảo, bỗng thấy mình chẳng hiểu gì cả, thậm chí cả “kinh Lạy Cha”. Tôi cũng vậy, khi không được khỏe hoặc vì lý do này hay lý do nọ, khi bản tính tôi cảm thấy một nỗi buồn bã, chán chường như vậy đã làm lu mờ mọi tình cảm khác. Nhưng anh từ chối không cho phép tôi đi sâu vào những điểm thầm kín nhất trong cuộc đời anh, chắc là do những nguyên nhân khác, có lẽ anh không tin tôi có thể lĩnh hội được những tư tưởng của anh hoặc sợ tôi có thể mất cảnh giác. Mãi sau này tôi mới vỡ lẽ tôi đã lầm, nguyên nhân chủ yếu là do anh trẻ người ít kinh nghiệm và nhu nhược nên mới có tất cả những hành động như vậy.Nhưng lúc ấy tôi đã quyết định rằng tốt hơn hết mình nên lùi xuống hàng thứ yếu, không tò mò để đỡ quấy rầy anh, và tôi đã làm như vậy.