Chương 11

Cơn bệnh kéo đến như một cơn giông trong mùa mưa rươi tháng chín, mây đen kéo đến trong vẻ vội vàng hấp tấp rồi những hạt mưa ào xuống. Sau những cơn sốt thảng thốt ngừng lại tôi chợt thấy bên tôi chị Huệ dáng lo âu trên khuôn mặt những tàn nhan nhưng nhỏ li ti làm nước da như xám thêm trên tuổi trẻ đã qua; ngày con gái vượt qua tuổi dậy thì mà tình yêu không đến. Khoảng không ngắn cho tôi nhìn thấy những thảng thốt trên khuôn mặt ấy. Không, không, tiếng chị Huệ kêu lên nhỏ, yếu ớt như chống đỡ lấy nỗi kinh hoàng xiêu đổ của chính mình trong buổi chiều nhá nhem bên ánh lửa. Chị Huệ, chị có nghĩ là em yêu chị không. Không, không. Khuôn mặt tái đi rồi ửng đỏ, đôi mắt luống cuống, đôi tay như thừa thãi và đôi đũa cả trên tay chị như không biết để vào đâu. Không, không. Tôi như tắc cổ họng, tiếng nói biến mất. Chị Huệ bỏ chạy lại bên bếp cơm. Không, không. Khoảng không gần kề như xa đi, khoảng trống trải bao la những vòng xanh đỏ, những ngôi sao bay chạy cuống quýt. Không, không và tiếng nói như đặc cứng đưa tôi vào cảm giác mệt lả và cơn sốt ập xuống. Khuôn mặt bà mẹ già cằn đi trong từng giây phút, những nếp nhan như đường cày trên lần đất thịt rồi cơn mưa xối làm mòn. Đôi mắt những tia máu và những màng tráng chùm lấp lên nhau: Cháu thấy trong người ra sao, mấy hôm nay cháu đi đâu vậy, tội nghiệp. Cháu phải nói cho bác nghe để bác lo cho cháu chứ. Thôi để mai nói chị cho cháu ra bác sĩ họ coi cho - "Con chắc Ngạc nó cảm" - "Nếu đến mai con phải mua lá về xông cho nó, mấy hôm trước, từ sau khi nó đi cắt bỏ băng về nhìn thấy sẹo ở mặt chắc làm nó buồn, mẹ thấy nó mấy đêm liền không ngủ khiến cho nó gầy tọp hẳn đi, nó đau vì nó lo buồn nhiều quá. Không biết mấy hôm rồi nó đi đâu". "Chừng như Ngạc nó về đằng nhà chú. Ông chú nó chắc tệ lắm nếu không đâu nó không ở đằng nhà, người ta vẫn bảo sẩy cha còn chú sẩy mẹ bú dì nhưng có nhiều người đâu có biết thương ai bao giờ. Nó cũng là đứa ngoan ngoãn chứ đâu hoang toàng gì. Chắc nó mồ côi từ nhỏ. Con cũng không nghe thấy Ngạc nói bao giờ hoặc than vãn điều chi, chừng như Ngạc không muốn nhờ cậy mãi. Ngạc có ý tìm việc làm và đi học". Tiếng thở dài của người mẹ già. Có phải chị Huệ đang khóc. Đôi mắt đỏ. Không, không. Thím chết còn sướng hơn phải sống. Viên đạn chì còn lại đâu. Mày điên sao mà giết thím mày. Tôi còn một viên đạn nữa. Không, không. Cơn sốt rang thân thể tôi trong cảm giác nhức mỏi mỗi lúc một nhiều, cơn nước dâng lên thật cao rồi rút xuống từng hồi. Hiền ơi, Hiền ơi. Chợt trong giây phút tôi thấy nhẹ nhàng thoải mái. Một bầu trời xanh cao mở ra trước mặt những lọn mây trắng như những chùm bông gạo cơn gió thổi bay từ trên những ngọn cây cao trơ trụi như những cánh tay phơi khô quờ quạng trên nền trời. Có bao nhiêu bầu trời xanh. Dưới chân tôi là một cánh đồng mạ non chạy rất xa, những màu xanh ánh lên hơi vàng hoặc thẫm lại từng ô nhỏ, mùi mạ phảng phất và mùi đất bùn ngái ngái dễ chịu. Ai đã mang tôi đến đây. Tiếng Hiền: "Có lúc nào anh ước mong được về sống trong một vùng quê, em nhớ một vài lần ngang qua những cánh đồng lúa chín, những cánh đồng mạ non, những khu rừng cây xanh em thấy ở đấy những người làm ruộng lam lũ nhưng sao khoẻ mạnh và bình thản quá". Tôi cười, ở xa chúng ta chừng như ao ước một đời sống trong đồng ruộng nhưng thực tế đó chỉ là một điều ước mơ mà chúng ta không bao giờ trở nên thực hiện. Nếu em biết những người ở quê ước mơ làm sao thì em sẽ hiểu. Người ở quê ước mơ những ngôi nhà cao, những xe hơi, điện nước… và bây giờ người ta đang tìm cách bỏ những cánh đồng. Tiếng Hiền cười reo lên: "Nhưng bây giờ thì chúng ta ở lại đây không đi đâu cả, em ở lại đây, em hỏi anh, anh có ở lại đây không". Hiền chạy như một con chim lướt trên những ngọn mạ, cánh áo dài trắng như cánh bướm bay lượn trong ánh nắng như pha lê, chừng như một từng vết ánh sáng bị cắt ra từng tảng rơi lả tả như những hạt kim cương. "Anh Ngạc, anh Ngạc ơi… Nếu bây giờ em bay lên trời được, em bay lên trời anh có theo không… Em muốn được bay lên trời". Bóng Hiền như xa như gần từng lúc một thấp thoáng ẩn hiện, mái tóc dài bay rối. "Anh Ngạc ơi đố anh biết em ở đâu". Tiếng gọi của Hiền bay thoảng trong gió cùng tiếng sáo nhẹ lướt trên những ngọn mạ uốn mình rung rinh như mặt nước gợn sóng. Hiền tan biến trong đó. Tôi gọi: "Hiền ơi, Hiền ơi!" Tiếng gió thổi gây tiếng động mơ hồ. "Hiền ơi, Hiền ơi!" Gió cuốn tiếng gọi giật dờ có lúc trải ra, có lúc như vo tròn lại. "Hiền ơi, Hiền ơi!" Những ngọn mạ như đứng im, tiếng gọi mất tăm. Tôi chạy về phía Hiền vừa tới nhưng chân tôi nặng nề như bị chôn chặt xuống đất, tôi cố gắng vươn người và cất tiếng gọi, "Hiền ơi, Hiền ơi…" những tiếng gọi chừng như chỉ một mình tôi nghe thấy, không gian im vắng lặng lờ không một chút lay động. Tôi lao người lên nhưng không đủ sức mang mình chạy tới, đà người lả về phía trước khiến tôi ngã xuống, tôi vùng vẫy nhưng mỗi lúc một bị nhận chìm trong tối tăm.
"Ngạc, Ngạc…"
Tôi mở mắt và nhìn thấy đôi mắt đỏ long lanh yếu ớt, hàng mi ướt làm bết những sợi lông vào mi mắt, quầng mắt thâm quầng vẻ mệt nhọc:
"Ngạc, Ngạc em tỉnh chưa?"
Tôi nhắm mắt lại một lúc rồi mở ra. Những hàng nước mắt chảy xuống theo sống mũi, tôi cựa mình rồi gượng ngồi dậy, cơn sốt đã hạ xuống và tôi thấy nhẹ trên hai thái dương, tôi thấy tôi khô ráo, tôi dụi mắt và nhìn chị Huệ:
"Sao, em thấy người thế nào?"
"Em thấy đỡ rồi".
"Em ăn cháo nghe, ăn cháo hành cho ra mồ hôi".
Chị Huệ đưa tay lên trán tôi, một cảm giác mát dịu nằm đó:
"Trán thấy đỡ nóng rồi, em sốt gì mà mơ nhiều thế làm mẹ chị cứ lo em ốm thương hàn".
Tôi gượng nhếch mép cố làm một nụ cười nhưng tôi thấy môi khô và cứng, miệng đắng và chát khó chịu.
"Mấy hôm em đi đâu vậy?"
"Em về đằng nhà, thím em chết rồi".
"Hồi nào?"
"Ngay hôm em về".
"Sao vậy, tội nghiệp mấy đứa nhỏ".
"Em giết thím".
Chị Huệ mở lớn đôi mắt, khuôn mặt bất động một lúc, tôi có cảm tưởng chị sắp kêu thành tiếng, tôi nhắm mắt chờ đợi, khuôn mặt bị tàn phá, đôi mắt mù chớp như muốn mở ra của thím cùng đôi tay cụt cử động trước mắt làm tôi choáng váng:
"Em đã bắn thím một phát chết ngay, em giết thím, thím không kịp kêu một tiếng, nhưng thím chết sướng hơn sống, chị biết không, thím em bị mìn hư mắt, cụt cả chân tay, chị hãy tưởng tượng về một người như vậy mà phải sống. Em đã giúp thím chết như thím mong mỏi. Chị tin không? Em đã giết người… Còn viên đạn đâu chị".
"Chị không thể tưởng được một việc như vậy lại xảy ra, em không nói mê đấy chứ. Ngạc hãy nhìn chị coi".
Tôi mở mắt và nhìn thẳng vào mắt chị, nỗi xao xuyến như ập tới làm tôi nhói nơi ngực và choáng váng như cơn say. Những váng vất dâng lên từng đợt ngất ngư:
"Ngạc, Ngạc!"
Tiếng chị Huệ run rẩy yếu đuối như váng nước trên một mặt ao tù cơn gió thoảng qua xô dẩy làm gọn nhẹ, như những chiếc bong bóng xà phòng dần dần thành hình, lớn lên nơi đầu chiếc ống cỏ rồi bay là là hay vỡ ra vô tăm. Đôi mí mắt nặng nề của tôi chỉ muốn khép lại. Tôi cố gắng cử động mạnh và ngồi dậy, chân tay như tê dại, tôi lùi vào mặt tường và ngả đầu dựa vào, tôi đưa hay tay bưng lấy bát cháo:
"Chị đưa cho em, em tỉnh rồi mà".
Chị Huệ ngạc nhiên và chợt như vui mừng, bát cháo còn bốc hơi, tôi đưa lên miệng húp vội vàng, mùi hành hăng hăng xông lên ống mũi. Bỏ bát cháo ra chị Huệ đưa cho tôi chiếc khăn mặt rồi giục:
"Thôi em nằm xuống đi, kéo chăn đắp cho ra mồ hôi".
Tôi vâng lời ngoan ngoãn. Trong lần chăn kín tôi tỉnh lại dần trong một cảm giác ngột ngạt. Tôi chưa chết. Lúc sau tôi mở mắt nhìn ánh sáng lọt từ ngoài vào qua một lỗ chăn thủng bằng ngón tay. Tiếng động mơ hồ từ ngoài, tôi không đoán chừng được chị Huệ đang làm gì và mẹ Vịnh có nhà hay đi vắng, chừng như bà cụ ra khỏi nhà.
Hai hôm liền tôi nằm trong trạng thái hôn mê, sang ngày thứ ba tôi tỉnh dần lại. Trong những giấc ngủ mệt nhọc kéo dài liên miên và những thức dậy không rõ ràng tôi từ những giấc mê này sang giấc mê khác không sao phân biệt được. Có lúc tôi thấy ở trên cánh đồng cỏ với Hiền, có lúc tôi thấy tôi cuồng trên một con đường đá dăm không biết đưa tới tận đâu về phía chân trời; tôi chạy, tôi chạy, ngực ran, hơi thở nóng, tôi chạy với đôi chân nặng và cảm giác nhức buốt vì những hòn đá nhỏ mới được trải trên mặt đường, tôi chạy như thế một cách vô ích cho tới khi gục xuống, cũng có lúc tôi gặp Hiền, gặp Trương, gặp Vịnh, gặp Hợp, nhưng những khuôn mặt lúc xanh lúc đỏ lúc tím lúc vàng. Tôi còn gặp vô vàn những người lạ mặt tôi chưa bao giờ thấy. Tôi ngạc nhiên gặp thím tôi mặc chiếc áo dài màu gụ xách làn đi chợ, thím vừa bước đi vừa nhai trầu bỏm bẻm, đôi môi cắn chỉ hé ra làn lợi đỏ tươi, thím gặp tôi tươi cười nhưng không nói, tôi hỏi thím đi chợ sao, thím lặng thinh rồi mặt cau lại ra vẻ khó chịu, tôi hỏi thím hết đau rồi sao, thím tôi bỏ chạy cuống cuồng, tôi đuổi theo như bị một sức hút kéo về phía trước không sao cưỡng lại được, tôi la lên thím đợi cháu với, chợt thím tôi dừng lại, tôi tiến lên và gặp một người lạ, bà ta kêu cái gì, cái gì, tôi đứng cứng không nhúc nhích thoát cái người lạ đó tôi nhận ra là cô y tá trong bệnh viện, tôi mừng rỡ và muốn tới gần để nói thì có một cái bao bố từ đâu chụp vào đầu tôi rồi chừng như có một người nào bế tôi lên và chạy, tôi nghe tiếng gió ào ào, tiếng sấm chớp vây phủ và tôi bị ném vào một khu ồn ào đầy tiếng động như một khu chợ, tôi ngó ngàng chung quanh không biết bao nhiêu là người, ai cũng ăn mặc đẹp đẽ, vui cười chừng như là một đám hội thì phải, tiếng cười nói, tiếng âm nhạc rộn ràng. Tôi thấy tất cả những người quen, Hiền, Vịnh, Lâm, Thân, Hùng, Trương, Thu, tôi vẫy tay cười với họ, nhưng ai cũng lước qua bên tôi như một người lạ hoàn toàn, chừng như ai cũng vui chơi không nhận ra tôi. Tôi la lên và đám người tan loãng biến mất. Trong đêm tôi lạc vào một nơi không có chút ánh sáng nào. Tôi nghe tiếng một người đàn bà hay con gái đang kể chuyện với một người nào đó, tôi lắng nghe tiếng nói nhẹ nhàng âu yếm có những lúc dừng lại, tôi nghe như có tiếng thở dài của người thứ hai, người thứ hai là một người thân hay một người tình, lúc đầu tiếng nói nhỏ không rõ, tôi phải lắng nghe rất lâu mới nhận ra, tôi di động rất nhẹ, lo âu tiếng nói sẽ biến mất, phải rồi, tôi nhận ra tiếng tâm sự của một cặp tình nhân: em nhớ anh ấy lúc anh ấy chưa đi, anh ấy hẹn rồi anh ấy sẽ trở về, em tin anh ấy sẽ trở về, anh có tin anh ấy sẽ trở về không, những này nào em cùng anh ấy đi chơi, chia nhau những kỷ niệm, rồi thời gian xa cách, lâu lâu nhận được của anh ấy một lá thư, những lá thư anh ấy vỗ về em chờ đợi, anh ấy nói mất em, không có em anh ấy lấy gì để sống, để hy vọng, em đọc những lá thư ấy rồi ôm vào ngực mà khóc, và rồi em khóc, khóc mãi khi nghe tin anh ấy đã lập gia đình với một người khác, phải rồi anh ấy đã lấy một người khác không có em, anh ấy vẫn sống, anh ấy vẫn hy vọng, chỉ có mình em một mình trong tuyệt vọng và tuổi trẻ lướt trôi tàn nhẫn, thôi ngày thanh xuân không bao giờ trở lại, không bao giờ anh ấy trở lại nữa, và em chỉ còn giấc mộng không bao giờ được sống, em già rồi phải không anh, anh thì còn trẻ, có phải anh đến với em vì thương hại em. Anh nói thật đi, có phải anh thương hại em, như em yêu anh, em yêu anh hơn là yêu anh ấy, chúng ta sẽ gây dựng một cuộc đời mà em tin là đẹp, anh hãy thề với em đi; anh hãy thề không bao giờ xa em; không bao giờ bỏ em một mình, anh hãy thề với em đi; anh sẽ mang đến cho em hạnh phúc như tuổi thơ đã mất. Anh thấy tay em bây giờ đã khô khan gầy guộc đi phải không, những đốt xương như lớn ra nhô cao, anh đâu còn được thấy đôi bàn tay nhỏ nhắn trắng mịn những ngón tay búp măng trắng muốt và hồng lên ở đầu ngón và những đầu móng tay trong như cánh hoa chanh trắng ngần. Mắt em đã thâm quầng và sâu vào, hai gò má cũng nhô cao, đôi má hồng đã biến mất nhường lại cho những chiếc mụn nhỏ mọc lên rồi thâm đi, tóc em đâu còn mượt óng… Em đã già rồi phải không anh, anh hãy nói cho em nghe đi; em đã già và anh thương hại em, mọi người đều thương hại em, cả mẹ em, không hiểu anh ấy ở một nơi nào đó rất xa có bao giờ thương hại em, có bao giờ nhớ lại những ngày xưa của em, chắc anh ấy không còn nhớ, mọi người đã quên, tất cả mọi người đã quên, trừ một mình em còn nhớ. Anh làm sao đó; có phải anh đang khóc, anh khóc vì tình yêu của chúng ta, anh khóc vì thương em hay anh khóc vì hối hận anh trả lời em đi anh; sao nước mắt của anh nóng thế, phải rồi em đã già, anh như một người em mới đúng, vậy sao anh đã nói yêu em, tại sao vậy anh? Anh đã yêu bao nhiêu người rồi, anh nói đi anh, em muốn nghe thấy tiếng anh nói, anh nói đi anh, nói anh chưa bao giờ yêu ai, phải rồi không bao giờ, chưa bao giờ anh yêu ai; anh yêu em là mối tình đầu. Anh hãy cứ nói dối, em biết anh yêu em không phải là mối tình đầu trong đời anh, anh đã yêu rất nhiều người, những người anh đã gặp có ai giống em không, chắc không. Có phải anh đã khổ vì những tình yêu đó và anh tìm về với em làm nơi trú ẩn. Không. Không, em không muốn em là một hầm trú ẩn trong thời gian cho anh nương nhờ, em không muốn em là nơi cho anh lấp đầy khoảng trống đời anh trong giây phút, không bao giờ, không bao giờ em tự lừa dối nữa, em muốn biết chắc anh đã trải qua và sống với em như chưa bắt đầu. Người ta có thể bắt đầu lại không người anh hùng. Anh nói đi, anh nói cho em nghe. Em có cảm tưởng anh đã im lặng không biết bao nhiêu ngày tháng, vậy những ngày ấy anh nghĩ gì, anh nghĩ về bố, mẹ, anh em… anh mơ mộng và hy vọng. Nhưng anh không thấy mơ mộng là thực tế, không thấy hy vọng thành đạt, anh đã thất bại, phải không. Anh không có những ngày ấu thơ, anh không được sống trong tình thương yêu của mọi người, anh lớn lên trong lơ láo lạ mặt, anh hít thở không khí pháo xiết, độc dược của cô đơn, khói súng, máu tanh và da thịt thiêu đốt trong ngọn lửa kinh hoàng tàn bạo. Phải không. Anh có bao giờ chạy đổi trong bãi sông, chăn trâu trong những cánh đồng, có bao giờ ngồi nghe ông bà kể chuyện cổ tích, ngồi trước cửa nhà chờ mẹ đi chợ mang quà bánh về. Anh nói đi. Có phải anh không có gì để nhớ. Môi miệng anh đâu. Mắt mũi anh đâu. Chân tay anh đâu. Sao bây giờ chúng ta không được ngồi trong một sân đất trước cửa nhà, ánh trăng chan hoà như sữa chảy trên những mái lá, ngọn cây, tiếng côn trùng rì rào như tâm sự trong bóng tối. Em nhớ, em có tuổi thơ nhưng em không có tuổi con gái và thành tựu một hạnh phúc. Anh ơi, anh ơi… Tiếng gọi hoảng hốt và xa dần như tan vào trong khoảng không. Tiếng gió rít lên, tiếng chân chạy. Tôi nhủ thầm: đây là đâu. Tiếng nói lại trở lại. Anh, anh có nghe thấy gì không, anh là cục đá sao. Chúng ta sẽ có hạnh phúc, em sẽ cho anh một và rồi những đứa con. Anh có chịu vậy không. Anh nói đi, em chờ anh nói, chỉ chờ anh nói, em không đòi gì cả, em yêu anh, phải rồi em yêu anh. Tôi lắng nghe nhưng tiếng lại mất tăm, tiếng gió thổi cào cấu lạnh buốt cơ thể, rồi tiếng khóc thê thiết nhỏ lớn dần như ào vỡ trong cổ họng, tiếng khóc phá loãng tiếng gió rít, trong không gian như vô vàn những thỏi kim khí và mảnh thủy tinh đổ xuống, âm thanh chát chúa đau mỏi làm tôi không đủ kiên nhẫn đứng vững, tôi vùng chạy nhưng tiếng động kinh hoàng vẫn đuổi theo bám sát và trong bóng tối bao la dày đặc không sao tìm ra phương hướng, tôi va đầu vào những chướng ngại không biết là gì, sau chót tôi va đầu vào một cái gì cứng nhọn và đầu tôi cắm vào đấy không rút ra được, chừng như máu chảy chan hoà, tôi thấy lạnh ở cổ, rồi ngực, rồi bụng, mùi tanh nồng nặc. Tôi nhủ thầm: tôi sắp chết đây.
Tôi thức dậy sau những giấc mơ kinh hoàng như vậy. Bao giờ tôi nhớ không rõ ràng, nhưng những giấc mơ khiến tôi lả đi khi tỉnh thức và hồi tưởng để rồi một giấc mơ khác kéo đến như khúc phim không dứt.
Tôi chợp đi một lúc rồi thức dậy tỉnh táo, mồ hôi ướt đầm đìa, bết cả tóc, tôi mở chăn ngồi lên và bước xuống khỏi giường buổi chiều đang xuống, ánh nắng yếu nhạt leo ngoài cửa sổ, khói từ phía sau nhà bay luồn ra ngoài tạo thành vệt sáng di chuyển và đổi màu. Tôi bỏ chân vào đôi dép cao su rồi xuống nhà dưới, chị Huệ nhặt thóc và sạn trong giá gạo. Tôi nói:
"Mồ hôi ra nhiều em thấy dễ chịu rồi".
"Em thay quần áo đi, đừng ra gió có khi phải lại thì khổ".
Tôi nói vâng, chị nói:
"Bị cảm ăn cháo hành tốt lắm, để sáng mai chị làm cháo trứng cho ăn, em đau dễ sợ quá - giọng chị buồn - không biết Vịnh đi ra ngoài có ai chăm sóc cho không. Vịnh đâu có khoẻ gì, hôm trước lại mới bị như vậy".
Một buổi tối tôi đã khoẻ trở lại, tôi kể cho chị Huệ nghe về cái chết của thím tôi, chị hỏi:
"Em có thương thím không?"
"Em thương và quý thím, em vẫn nghĩ tại sao ông em không chết mà lại là thím em, em không biết mẹ em ra sao nhưng có lẽ mẹ em cũng gần như thím, và những người đó đều đã chết, bây giờ chú em phải lo tất cả, năm đứa em, một đứa mới biết chạy đi. Em thương chú thím nhưng em không làm gì được cho chú thím, đó là điều vẫn làm em khổ tâm. Em muốn về ở với chú, nhưng ngay đó em biết rằng em không giúp gì được cho chú cả. Ông em giàu, nhiều của nhưng em vẫn không hiểu tại sao ông chỉ thích có tiền để cất đi hay làm giàu nữa. Giàu để làm gì. Mà ông còn sống bao lâu nữa. Nếu còn bố em… Nhưng không được nữa. Chị có nghĩ là em tệ với gia đình không?"
"Chị cũng không biết nữa, hình như em cũng như Vịnh, đều muốn thoát khỏi gia đình. Tại sao vậy?"
Tôi thấy tôi nhỏ bé và tàn nhẫn, tại sao vậy, có phải chúng tôi bị một thứ ma lực nào quyến rũ, tại sao mình không thể làm những gì nhỏ bé trong cuộc sống riêng tư của mình, có phải chúng tôi mang một thứ bệnh ảo tưởng trong người, và chúng tôi chết đi trong niềm ảo tưởng và bất lực đó. Tôi dò tìm tôi như một kẻ lạ mặt và không tìm ra điều chi khác những mâu thuẫn trong tâm tư mình. Chiến tranh đang diễn ra, chúng tôi đứng trước những thảm trạng lớn lao của cả một dân tộc, chúng tôi muốn làm một cái gì đó có ích cho mọi người, nhưng ngay đó chúng tôi lại biết ngay rằng chúng tôi không làm được gì với sự nhỏ bé của mình. Chúng tôi vô vọng trong cuộc sống. Chúng tôi nhỏ bé và yếu hèn, chúng tôi biết thế nhưng chúng tôi không dám nhận và sống với thực tế đó, chúng tôi không dám chấp nhận sự vô ích của mình và sự vô nghĩa của cuộc sống bao quanh, chúng tôi tìm cách bào chữa, trốn tránh. Có điều tôi nghe thấy những lẽ phải tầm thường kêu gọi trong lương tâm mình. Tôi nói:
"Trước khi Vịnh đi em đã nói với Vịnh như thế. Em không hiểu Vịnh nghĩ như thế nào; phần em, em hiểu, em muốn sống trong gia đình, nhưng em không có gia đình như em nghĩ cho em sống, em không có một mái nhà… Chị thấy vậy không? Làm sao để người ta sống trong một gia đình mà người ta thấy mình như một người xa lạ. Em phải làm việc trở lại. Em đã không nghĩ được từ trước là không phải mọi người đều tốt, cái gì cũng đẹp. Thím em đã chết vô lý nhưng cho đến lúc này em vẫn nghĩ rằng thím chết sướng hơn là phải sống. Nhưng nếu hôm đó em gặp Lâm, sự việc sẽ xảy ra như thế nào.
"Thôi em đừng nghĩ quẩn. Em hãy lo cho lành bệnh rồi em tìm một việc gì đó làm và đi học, em phải bình thường đã, em hãy tội nghiệp cho Lâm và thương Hiền. Chuyện đã rồi - giọng chị Huệ run run - em thương Hiền mà em còn làm khổ Hiền nữa sao".
Chị Huệ vừa nói vừa quay đi. Có phải chị nhớ lại. Chị có nghĩ là em yêu chị không. Tôi quay nhìn vào ngọn đèn.
"Chị Huệ…"
"Gì em".
Tôi thấy mình lo âu vô cớ, có thực tôi yêu chị Huệ, có thực tôi thương thím tôi. Khuôn mặt Hiền xanh xao thoáng hiện.
"Nếu không loạn chắc mọi người đều sung sướng, Vịnh ở nhà, chị sống ở nhà quê. Em không buồn. Nhiều lúc chị chỉ biết khóc".
Tôi với tay giữ lấy tay chị, chị Huệ lặng im:
"Em cần có chị".
Không khí im lặng vây quanh, chừng như đã khuya lắm, bà mẹ đã nằm ngủ im trong màn, tôi kéo chị Huệ lại gần, chị yếu ớt không chống lại, chị kêu nhỏ: "Đừng Ngạc, đừng Ngạc…" Tôi ôm chặt lấy chị, người chị run lên, hơi thở dồn dập ngắt quảng: "Huệ, Huệ…" Tôi bâng khuâng một cách rời rã. Có thực tôi thương thím tôi, có thực tôi yêu chị Huệ. Tôi vội buông chị Huệ ra và chạy vào phòng, đóng cửa lại và gieo người xuống giường. Bóng tối dày đặc vây quanh, tôi lắng nghe tiếng muỗi kêu vo ve, chị Huệ vẫn ngồi? Chị Huệ đang khóc? Tại sao chị chưa có gia đình? Giấc mơ trong cơn bệnh hôm nào chợt ập đến. Lúc sau tôi nghe thấy tiếng chân bước rời rã, tiếng động phía nhà sau, rồi đèn tắt.
Tôi nằm im trong bóng tối, tôi thấy tôi yếu đuối và nhỏ bé. Tôi có nên trở về với chú tôi, về đó tôi có thể giúp được gì cho chú tôi. Khuôn mặt Hùng hiện ra, thằng đó lại cười nữa, cho hết dấu vết tội lỗi đi, hắn nói như thế, có phải hắn làm vậy cũng như tôi đã làm với thím tôi. Nếu Vịnh có mặt ở nhà, nếu Vịnh biết tôi yêu chị Huệ, Vịnh sẽ làm gì. Tôi thấy tôi lả đi trong cơn váng vất triền miên nặng nề.