Dịch Giả NGUƠN HAR CAO THỊ LAN
- 1 -
THAM THIỀN LÀ GÌ ?

Tham thiền nghĩa là cố gắng để làm cho một phần nào của cái lương tri siêu hình được thâm nhập vào lương tri ta khi ta đang thức, nghĩa là thâm nhập vào trí thông minh của ta khi ta đang ở trong trạng thái hoạt động bình thường; tham thiền là cố gắng dùng tấm lòng nhiệt thành ước nguyện của mình mà tạo ra một con kinh để cho ảnh hưởng Thiêng Liêng của cái thể cao cả nhất  “chính là con người thiệt thọ” có thể soi sáng phàm nhơn. Ðó cũng là cái trí thông minh và tình cảm cố vươn lên về một lý tưởng, là mở rộng cái hầm tối tăm thường giam nhốt phàm ngã để nhận lấy cái ảnh hưởng của lý tưởng đó. Bà H.P. BLAVATSKY nói:
Tham Thiền là sự ước nguyện nồng nhiệt và tuyệt diệu của con người với nội tâm hướng về cái vô cùng tận”.
Cái lý tưởng được lựa chọn có thể là một lý tưởng trừu tượng [2] - thí dụ một tánh tốt như lòng thiện cảm hay lẽ công bình; lý tưởng có thể là một ý niệm về ánh sáng Nội tâm, là cái Chất Tinh Hoa Thiêng Liêng tức là cái sự thật cao siêu nhất trong bản tính con người; lý tưởng cũng có thể là một ý niệm mờ mịt và mơ hồ về một điều gì cao thượng nhất ở nơi ta. Có khi lý tưởng là một vị Chơn Sư, một vị Giáo Chủ Thiêng Liêng; thật ra thì lý tưởng có thể hiện hình ở nơi bất cứ một người nào mà chúng ta cảm thấy xứng đáng để cho chúng ta tôn kính và thán phục. Vì vậy nên đề tài và đường lối tham thiền hết sức khác nhau, tùy theo bản chất con người và cái “cung”  [3] của y. Nhưng ở mỗi trường hợp thì đó chính là Linh Hồn tự tiến lên cao về phía Nguồn Cội Thiêng Liêng của nó, đó là cái phàm ngã riêng rẽ muốn được hợp nhất với cái Ðại Ngã của Vũ Trụ. 
NHỮNG BƯỚC ÐẦU
Bước đầu tiên của sự tham thiền nhắm gieo cái tư tưởng này làm sao để nó trở thành một tư tưởng quen thuộc: xác thân chỉ là một thứ đồ dùng để cho tinh thần sử dụng.
Những ai vừa mới tiếp xúc được với tư tưởng Thông Thiên Học thì thoạt đầu thấy thật khó lòng mà đổi ngược lại cái quan điểm của họ về vấn đề này, đối với họ linh hồn và tinh thần là những điều không có thực. Do một cuốn sách hay một đồ hình nào đó, họ đã học được tên của những cảnh giới và những thể xác, vía, trí v.v... mà những tác giả Thông Thiên Học đã nói đến để cố gắng trình bày một cách rõ rệt và xác đáng như khoa học một ý niệm đại khái về những sự bí mật của bản thể con người. Có lẽ muốn nhớ lại những danh từ đó, trí nhớ của họ phải cố gắng, nhưng dù sao, đối với họ, xác thân là sự thật duy nhất có thể rờ mó được, còn cái bản thể vô hình thì chỉ là một ý niệm mờ mịt mơ hồ thuộc về lý trí mà thôi. Tuy nhiên, lần lần, một cách mà ta không thể nhận thấy rõ được, cảm giác này bị tiêu tan đi, và một cảm giác khác bắt đầu hiện ra trong khối óc hồng trần: những vật vô hình quả là có thật; cảm giác này làm sống động cái điều trước kia chỉ là một ý niệm suông về lý trí. Ta không cần phải tìm kiếm duyên do ở đâu xa.
Ðọc những sách Thông Thiên Học là tự mình tiếp xúc với những thần lực hết sức khích động trong cảnh giới của những khuôn mẫu tuyệt luân làm bằng chất trí; khi ta chú ý vào những thể vô hình thì ta thường khêu gợi ở các thể này sự tự tri giác. Vì ta chú ý và học hỏi về cõi Trung giới nên ta được thức tỉnh dần dần ở cõi đó khi ta ngủ. Khi ta đứng trong vòng hào quang của những người tiến hóa về mặt tâm linh thì những thể cao cả của chúng ta cũng được kích thích để trở nên hoạt động hơn. Kết quả của sự phát triển tâm linh bên trong như thế là: tâm linh này bắt đầu khiến cho cái tâm linh phàm trần phải thay đổi, sự hiểu biết của Chơn Ngã Cao Siêu lần lần thấm nhuần khối óc hồng trần và ta sẽ thấy thái độ của ta đối với đời sống được thay đổi đi rất nhiều.
Thật dễ mà nhận thấy rằng lương tri ta đã được mở rộng: ta có những đường lối suy nghĩ và cảm xúc mới mẻ; khi ta càng được giác ngộ thì ở trong đời sống, cái hoàn cảnh chung quanh ta bỗng có một ý nghĩa mới mẻ; những chơn lý Thông Thiên Học trước kia chỉ là những lý thuyết của lý trí nay đã biến thành những kinh nghiệm tinh thần.
Ðó là sự giải thích vắn tắt về sự phát triển lần lần của lương tri; sự phát triển này là một trong những kinh nghiệm đầu tiên của đa số những hội viên đứng đắn của hội Thông Thiên Học. Chúng tôi xin nhắc nhở qua rằng những năm đầu tiên tiếp xúc với Thông Thiên Học - (trước khi học viên đi theo một con đường phát triển đặc biệt mà hội có thể đưa ra) - có công dụng không những để thử thách tấm lòng bền bĩ của hội viên yêu mến quyến luyến Thông Thiên Học, mà còn là thời gian cần thiết để cho những thể vô hình của y được thay đổi, do đó y có thể nhờ trực giác mà cảm thấy rằng y là Chơn Ngã Cao Cả đang sử dụng xác thân như là một dụng cụ hồng trần.
Cái đường lối phát triển và thức tỉnh  này có thể  thực hiện  một cách  mau  chóng  hơn. “Tiếng nói Vô Thinh” nói: Nhà ngươi hãy giúp đỡ Thiên Nhiên, hãy làm việc cùng với Thiên Nhiên, và rồi Thiên Nhiên sẽ coi ngươi như kẻ sáng tạo và sẽ chịu qui phục nhà ngươi”. Một nhà thông thái thời nay cũng phát biểu một sự thật giống như thế khi ông ta nói: “ Muốn chiến thắng Thiên Nhiên thì ta phải vâng lời nó”. Chúng ta chỉ việc học hỏi những định luật của Thiên Nhiên, rồi khi ta lựa chọn và áp dụng những định luật ấy một cách khéo léo thì những luật này sẽ trở thành những tên đày tớ dễ sai khiến. Cái điều có thể thực hiện được một cách thong thả lần lần trong nhiều thế kỷ, thì bây giờ có thể được kích động cho mau chóng do sự cố ý, sự cố gắng thông minh và nhắm trúng hướng. Vì vậy khi học viên bắt đầu học tham thiền lần thứ nhất thì y có thể nhận thức được con người Cao Siêu là Chơn Ngã ở nơi y.
Tác giả cuốn sách bé nhỏ này đã áp dụng cái phương pháp sẽ nói sau đây và đã thu được kết quả tốt đẹp, mãi cho đến ngày y không cần phải tiếp tục cách tham thiền như thế nữa. 
THAM THIỀN VỀ CÁC THỂ XÁC, VÍA, TRÍ, v.v 
Học viên hãy bắt đầu nghĩ đến xác thân; rồi y hãy nghĩ đến những phương pháp để có thể điều khiển và làm chủ xác thân, y hãy lấy tư tưởng mà tự tách mình rời khỏi xác thân y, hãy coi nó như là một dụng cụ, một thứ đồ dùng để chuyên chở, và y hãy tưởng tượng rằng y đang sống trong thể vía trong một vài lúc. Rồi y hãy nghĩ rằng y có thể làm chủ những cảm xúc và những ham muốn của mình; rồi y hãy cố gắng rời bỏ thể vía và nhận thấy rằng y không phải là cái thể vía này đầy sóng gió, xôn xao với những mối đam mê, dục vọng và xúc động đối chọi nhau. Y hãy tưởng tượng y đang sống ở thể trí, y hãy tưởng tượng rằng y có thể làm chủ tư tưởng của mình, y có thể định trí vào một đề tài nào mà y ưa thích. Lúc đó, y lại cố gắng rời bỏ thể trí. Bấy giờ học viên tự để cho mình tự do vượt lên cái bầu không khí trong sạch của tinh thần, nơi đó có sự an lạc ngàn đời ngự trị, y nghỉ ngơi ở đó một lát; rồi y hãy nhiệt liệt cố gắng mà nhận thức rằng: Ðây mới thật là Ðại Ngã.
Rồi học viên hãy đi trở xuống, mang sự an lạc của tinh thần vào những thể xác, vía, trí của y. Y hãy tưởng tượng rằng vòng hào quang của thể trí y đang chiếu sáng ra chung quanh y và y để cho cái ảnh hưởng của sự an lạc được lan tràn nơi đó, khi đó y hãy quả quyết xác nhận y là Chơn Ngã đang sử dụng thể trí này như là một dụng cụ để giúp việc cho y. Rồi y lại đi xuống thể vía, y lại để cho sự an lạc chói sáng xuyên qua vòng hào quang của y, và y lại quả quyết rằng y chính là kẻ sử dụng những mối quan hệ xúc cảm như là những tên tôi tớ; rồi y hãy trở về với xác thân, coi nó như là một thứ đồ dùng, nó phải là một trung tâm an lạc ở bất cứ nơi nào trong cõi thế gian này.
Thoạt đầu, cách tập luyện như thế có vẻ lạ lùng và khô khan, vì dù sao thì xác thân cũng vẫn là một sự thật vĩ đại và ta luôn luôn có xu hướng coi tư tưởng và tình cảm như là sản phẩm của khối óc hồng trần, kẻ mới tập luyện phải nhớ rằng y đang tập luyện để cởi bỏ một thói quen mà cái trí đã có từ biết bao nhiêu năm và vì vậy nên y không thể nào thu hoạch được ngay những kết quả. Có lẽ phải chờ đợi lâu lắm để cho trực giác của y xác định một cách hết sức vững chắc rằng ở nơi y có một Quyền Lực Cao siêu hướng dẫn những hành động của y và bước đường đời của y. Dĩ nhiên, y có thể sợ rằng đã tự thôi miên mình, đã thong thả và lần lần tự lừa phỉnh mình để tin ở những điều tưởng tượng, không hề có căn bản đúng thực. Ðối với một trí óc vững vàng thì những giai đoạn đầu tiên thật là khó khăn nhất, vì y luôn luôn cẩn thận, y e sợ không dám dấn bước vào cõi bí ẩn mà y chưa biết; y cũng có xu hướng muốn đi thụt lùi trở lại khi y nghi ngờ là có sự nguy hiểm. Tuy nhiên thật là một việc làm hợp lý khi ta thử luyện tập theo một cách thức đã được các Ðấng cao cả thời xưa truyền dạy lại, đã được nhiều tôn giáo chánh đại khuyên nên làm theo, đã được những người thời nay trí óc rất lành mạnh thành thực chứng minh và ủng hộ. Nếu ta thực hành một cách kiên nhẫn, đứng đắn phần nào thì thế nào cũng có kết quả. Giá trị của những kết quả này, thời gian phải dùng có lâu hay mau chóng, đó đều tùy thuộc vào tính nết, bản chất sự cố gắng và khả năng riêng của mỗi học viên.
 
PHƯƠNG PHÁP THAM THIỀN GIỐNG 
NHƯ Ở TRÊN, NHƯNG THÊM NHIỀU CHI TIẾT
Khi người mới tập tham thiền đã được quen thuộc với cách tham thiền nói trên, thì y có thể thêm vào đó những chi tiết tỉ mỉ hơn, tùy theo sự ưa thích của bản tính y. Thí dụ như cây đàn dương cầm với người nhạc sĩ: cây đàn phát ra những âm thanh và bản nhạc có nhịp điệu, thứ tự lớp lang; cũng giống thế, khối óc và xác thân dùng để diễn tả tư tưởng, tình cảm và sự hoạt động có tổ chức. Nhưng chính người nhạc sĩ đã tự diễn tả xuyên qua cây đàn; cũng giống thế, xác thân với những hoạt động hữu ích của nó, chỉ diễn tả điều gì mà Chơn Ngã Cao Siêu muốn tỏ lộ.
Khi dùng tư tưởng mà tự tách mình rời khỏi xác thân và nhìn xét xác thân một cách lãnh đạm lạnh lùng dưới ánh sáng của cái trí biết phân biện, học viên phải nhận thấy một sự thật này: xác thân chỉ là một vận cụ, một thứ đồ dùng, một lớp áo làm bằng thịt. Muốn có thể tiếp xúc với cõi trần, cái lương tri, tức là sự biểu lộ của tinh thần, bắt buộc phải tự giam mình vào trong một cái khám làm bằng vật chất cõi hồng trần và được liên lạc chặc chẽ với cõi đó. Vì chỉ nhờ một vận cụ làm bằng xác thịt thì lương tri mới có thể do sự rung động mà giao tiếp với vật chất cõi trần được.
Tinh thần làm nảy nở những quyền năng ẩn tàng của mình, khích động cho chúng từ trạng thái tĩnh đến trạng thái hoạt động mãnh liệt, nhờ vô số những kinh nghiệm có thể thu nhận được ở cõi trần và nhờ sự đào luyện lần lần xác thân để nó có thể đáp ứng được với tinh thần.
Rồi học viên xem xét coi y có thể điều khiển và làm chủ xác thân bằng cách nào; xác thân tuân theo những mệnh lệnh của Trí khôn như thế nào, Trí khôn này là Chơn Ngã điều khiển xác thân. Dùng tư tưởng mà tự phân tách mình rời khỏi xác thân như thế, học viên hãy tưởng tượng trong một lúc rằng y đang sống trong thể vía của mình.
Rồi y tự nói với mình rằng thể vía không phải là Chơn Ngã của y, y có thể chế ngự những mối xúc cảm của mình, làm chủ những dục vọng của mình và khiến cho những tình cảm của mình hoạt động cho có mực thước. Những mối xúc động của y  chỉ là một khía cạnh của lương tri y được biểu lộ xuyên qua thể vía; thể vía này được hạn định và giam hãm lương tri; lương tri này phải ngự nơi vật chất cõi Trung giới thì mới có thể tiếp xúc với cõi ấy được. Thể vía này bị những mối xúc cảm, những đam mê và dục vọng làm cho xao động, vậy thể vía không phải là y. Trong những lúc yên tịnh nhất, con người biết rằng y cao hơn những mối xúc động luôn luôn nổi sóng gió. Những cơn giận dữ, ganh ghét, sợ hãi, ích kỷ, thù hận của y đều không phải là y, đó chỉ là những mối xúc động mà y không thể kiểm soát nổi, giống như những con chó săn bị tuột xích. Tự trong tâm khảm y, y biết rằng nếu y kiểm soát được đa số những mối xúc động này, thì rồi với thời gian tất cả các xúc động khác cũng sẽ trở nên có chừng mực, nếu y rán kiên nhẫn và cố gắng thật tình; như vậy, y sẽ làm chủ được những mối xúc động của mình.
Do thế, tự tách mình rời xa khỏi những mối xúc động của chính mình, đứng trên cao mà nhìn xuống toàn thể phạm vi hoạt động của chúng, con người có thể tưởng tượng rằng y đang sống ở thể vía.
Người muốn tập tham thiền thấy không khó khăn gì khi dùng tư tưởng tự tách mình ra khỏi xác thân và thể vía của mình: luân lý thông thường đã dạy y cách kiểm soát các hành động của mình, cách làm chủ những mối xúc động mãnh liệt của mình; nhưng chắc là người ta chưa hề dạy cho y biết nhiều về quyền năng của tư tưởng. Vì thế nên lúc ban đầu y thấy thật khó khăn mà có thể tin chắc rằng y có thể làm chủ được tư tưởng mình.
Tuy nhiên y có thể định trí vào một vấn đề nào mà y ưa thích, và nếu y kiên nhẫn, y có thể học cách định trí vào một vấn đề nhất định. Rồi dần dần, y có thể làm chủ cái trí nhiều đến nỗi y có thể loại bỏ ra ngoài mọi tư tưởng không xứng đáng.
Như thế, lần trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, y có thể tiến mãi lên đến trạng thái được trông thấy, được chiêm ngưỡng Ðấng Tối Cao, Ngài tuyệt đối thiêng liêng, tuyệt đối có thực, không lời nào có thể tả cho xiết được; y sẽ tiến lên đến tòa thánh điện tối cao của chính bản thể mình, cái bàn thờ trên đó SHEKINAH [4] thiêng liêng tự biểu lộ và rồi y sẽ mang theo cái ánh sáng đó để đi xuống cõi ngoại giới của giác quan.
Khi nào nhờ sự tham thiền, nhờ suốt ngày cứ nhớ mãi điều này luôn luôn trong trí, người ta có thể tự coi mình là Chơn Ngã cao cả do sự trung gian của xác thân mình mà làm việc ở cõi trần, thì người ta có thể theo những đường lối tham thiền phức tạp và có tính cách khoa học hơn. Lúc đó học viên phải bắt đầu làm việc với một sự hiểu biết trọn vẹn hơn về những giai đoạn và những chi tiết khác nhau của sự tham thiền, phải coi sự tham thiền như là một phương pháp để được an ủi, để tinh tiến về tinh thần và cũng là một phương pháp để chống đối với sự hay thay đổi của tình cảm và của cái trí.