Chương 5

Khôi gật đầu tỏ vẻ hài lòng sau khi điều chỉnh khẩu M79 tự động đúng theo phương hướng và giác độ mà mình muốn. Phải mất hơn hai tiếng đồng hồ anh mới điều chỉnh được cũng như nối các dây đạn M79 lại với nhau rồi xếp gọn ghẽ vào cái thùng đạn lớn. Đậy súng lại cẩn thận anh leo xuống hầm tàu. Lục lọi giây lát anh lấy ra một vật gì được gói bằng giấy dầu không thấm nước. Cầm lấy vật đó anh lên đồn kiếm Thùy Dung. Vừa thấy mặt nàng vui vẻ hỏi.
- Ông bận lắm hả...
- Chỉ bận chút chút... Bà có việc gì nhờ tôi làm...
- Không tôi chỉ hỏi thăm vậy thôi...
Thấy Khôi cầm cái gói giấy dầu trong tay Thùy Dung hỏi.
- Ông đem cho tôi hả...
- Tôi có vật này muốn cho bà và anh em trong đồn xem thử... Xin bà kêu anh em tới để xem cho biết...
Thùy Dung bảo lính đi kiếm thượng sĩ Bang và ba trung đội trưởng tới xem Khôi thử súng mới. Khi mọi người có mặt đông đủ Khôi tháo bao giấy lấy ra một vật gì hình cong cong, ngang khoảng gần gang tay, dài độ gang tay rưởi, một bề có hai cọc nhọn dùng để cắm xuống đất, bề lõm vào có chỗ cắm dây điện.
- Đây là loại mìn mới nhất của lính Mỹ có tên là Claymore. Bên trong trái mìn có chứa hàng ngàn viên bi nhỏ. Nó được dùng để chống lại chiến thuật biển người của Việt Cộng. Khi phát nổ những viên đạn sẽ bay ra theo một hướng đã được định sẵn cho nên còn gọi là mìn định hướng...
Khôi mời mọi người ra một chỗ trống trải hướng ra ngoài bìa rừng. Khôi nói với thượng sĩ Bang cho lính ghép hai ba tấm ván lớn lại với nhau rồi dựng trên đất. Cắm hai cọc của trái mìn xuống đất, gắn một đầu dây điện vào trái mìn còn đầu kia vào một cần bấm Khôi lùi lại cho tới lúc hết dây điện. Ra dấu cho mọi người tìm chỗ núp xong Khôi bấm nút. Một tiếng nổ thật lớn cùng với âm thanh nghe bụp bụp vang lên. Mọi người đều lắc đầu le lưỡi khi thấy miếng ván có hàng trăm lỗ nhỏ.
- Nếu tụi nó lọt vào đúng hướng là mười người sẽ chết mười người, một trăm người sẽ bị thương một trăm người. Có hai điều mà quý vị phải cẩn thận khi gài loại mìn định hướng này. Thứ nhất là là đặt đúng cách. Bề cong ra ngoài và bề lỏm vào trong. Đặt lộn là khi bấm cò quý vị sẽ lãnh đủ. Điều thứ hai là phải đề phòng đặc công của tụi nó bò vào xoay mặt của trái mìn mà mình không biết thời lúc bấm nút mình sẽ lãnh đạn...
Quay sang Thùy Dung Khôi cười cười.
- Mai bà cho lính xuống tàu để lãnh mìn về phòng thủ căn cứ... Tôi có ba thùng. Tôi cho bà hết. Tôi chỉ giữ lại hai trái mìn để làm kiểng...
Đợi cho mọi người tản mác đi hết chỉ còn trơ lại hai người Thùy Dung nở nụ cười ý nhị.
- Thành dễ thương và được việc lắm...
Khôi nhìn Thùy Dung chăm chú.
- Bà hỏi nó nhiều điều về tôi lắm hả...?
Thùy Dung cười chúm chiếm.
- Chút chút thôi...
Khôi cười nói đùa trong lúc đốt điếu thuốc.
- Thằng đó mà bị một người đẹp như bà thẩm vấn thời cái gì mà nó không phun ra... Nó khai cái gì về tôi?
Thùy Dung cười khẽ khi nghe Khôi hỏi.
- Thành chỉ khuyên tôi là đừng có chọc ông giận. Ông mà cộc lên là ông dọng sặc máu mũi...
Thùy Dung rũ ra cười sặc sụa khi thấy Khôi ngẩn người trợn mắt nhìn mình rồi sau đó mặt đỏ lên vì mắc cở.
- Đó là một lỗi lầm khiến cho tôi vẫn còn áy náy tới bây giờ...
- Từ nay tôi không dám chọc giận ông nữa. Rủi ông dọng vô mặt tôi thời làm sao...
- Tôi xin hứa là không làm chuyện đó đối với bà. Nếu có giận tôi cũng chỉ làm...
Khôi ngừng lại. Thùy Dung hỏi liền.
- Nếu giận tôi ông sẽ làm gì?
- Bà đừng giận thời tôi mới dám nói...
- Tôi hứa là không giận ông...
- Nếu có giận tôi sẽ không dọng vô mặt mà chỉ hôn vô mặt bà cho hết giận...
Khôi nói bằng giọng nghiêm nghị và nhìn thẳng vào mắt Thùy Dung như để lường xem phản ứng của nàng. Anh thấy nàng chớp mắt mấy cái và làn da mặt hơi rám nắng chợt hồng lên như thẹn thùng lẫn sung sướng.
- Ông dám làm không?
Khôi kề môi sát vào khiến cho Thùy Dung phải né tránh bằng cách làm bộ cúi xuống cột lại dây giày. Khôi nói trong tiếng cười.
- Tôi tưởng bà chì tới độ dám để cho tôi hôn giữa ban ngày ngay trước mặt mọi người...
- Ông lì lợm quá tôi chịu thua ông... Cho tôi súng đạn nhiều quá ông coi chừng bị rắc rối. Nhất là người ta lại không ưa ông...
Khôi nhún vai.
- Những gì tôi đưa cho bà không có trong danh sách của tàu vả lại việc này chỉ có tôi với bà biết mà thôi. Ngoài ra tôi còn có một lý do quan trọng hơn. Tôi muốn đơn vị của bà đủ sức chống lại sự tấn công của địch. Tôi lo cho tính mạng của bà. Căn cứ của bà sẽ không được pháo binh hay phi cơ yểm trợ khi bị đánh. Còn bộ binh thời quá chậm hoặc sẽ bị phục kích khi tiếp viện. Công đồn đả viện là chiến thuật cũ rích nhưng hữu hiệu mà Việt Cộng thường hay áp dụng...
Trong lúc Khôi say sưa nói Thùy Dung len lén nhìn. Khuôn mặt xương xương. Làn da xạm nắng. Ánh mắt tinh anh nhưng buồn u ẩn. Tự dưng nàng thấy tội nghiệp người lính hải quân trẻ tuổi đang đứng bên cạnh mình. Cái vỏ tự tín, cương quyết, kiêu hãnh chỉ để bao che cho sự cô đơn, nỗi buồn rầu và cái yếu đuối bên trong. Nàng hiểu được điều đó bởi vì nàng cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Nhiều khi nàng buồn muốn khóc. Nhiều khi nàng cần có một người để trò chuyện hay tâm sự. Lắm khi nàng cần có một người đàn ông ở bên cạnh để được làm nũng, để được cưng chiều, giận dỗi. Chung quanh đây cũng có người nhưng không phải là người đồng cảnh ngộ, chung tâm tình với nàng. Họ không có những suy tư, những ước mơ như nàng. Khôi như là vùng trời đã bị lãng quên, như quá khứ êm đềm của tuổi học trò. Khôi ngạo nghễ, kiêu hãnh nhưng cũng hiền hòa và rộng lượng bởi vậy Khôi mới lo lắng cho nàng.
- Thùy Dung...
Tiếng thì thầm của Khôi khiến cho nàng ra khỏi suy tưởng.
- Thùy Dung có làm gì không?
-  Dạ không...
- Tôi mời Thùy Dung đi uống cà phê...
- Tôi nhận lời nhưng ông hãy để cho tôi trả tiền...
Khôi cười đùa.
- Bởi vậy tôi mới rủ Thùy Dung...
Hai người vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ. Thùy Dung giơ tay vẩy khi thấy Thành đang đứng trên mui tàu.
- Nó nói với bà nhiều chuyện lắm phải không?
- Nhiều chuyện lắm... Chuyện ông ra trước hội đồng kỹ luật, bị giáng cấp còn trung sĩ, chuyện ông xin đi học người nhái mà đơn xin bị bác... Thành có nói nếu ông không nổi máu anh hùng- du côn dọng vô mặt thằng cha trung úy nào đó thời giờ này ông đã đeo lon thiếu úy hay trung úy rồi...
Khôi cười cười.
- Bà chưa cho ăn kẹo mà nó đã khai hết trơn...
Thùy Dung bật cười vui vẻ.
- Thành còn khai với tôi nhiều điều hay ho lắm nhưng tôi không nói ra bây giờ đâu. Tôi để  cho ông hồi hộp chơi...
Hai người đi vào xóm chợ có hai tiệm cà phê, một ở đầu xóm và một ở cuối xóm. Họ thích quán cà phê cuối xóm hơn vì nó vắng khách và chỗ ngồi nhìn ra sông Bảy Hạp. Lý do quan trọng khiến cho họ chọn quán này vì nó nằm gần đồn và bãi đậu của tàu. Có chuyện gì xảy ra họ sẽ trở về không đầy năm phút.
Quán vắng người vào buổi xế chiều. Thùy Dung chọn một bàn cạnh cửa sổ nhìn ra bờ sông. Khôi gọi một ly cà phê sữa đá cho mình, ly đá chanh cho Thùy Dung và một cái bánh bao để họ ăn chung với nhau.
- Ông làm gì mà ngó tôi dữ vậy?
Mặc dù đang nhìn ra khu rừng cây bên kia dòng sông Bảy Hạp Thùy Dung cũng biết Khôi đang ngó mình đăm đăm.
- Tôi thấy bà khác hơn ngày hôm qua...
- Ông thấy tôi khác cái gì?
- Bà diện đẹp hơn...
Thùy Dung cười im lặng. Chỉ có Khôi mới nhận ra điều này. Sáng hôm nay lúc thức dậy ngồi trước gương nàng nảy ra ý nghĩ là mình nên trang điểm một chút. Nàng kín đáo đánh phấn, kẻ mắt và thoa dầu thơm. Từ ngày Đạt chết nàng thôi trang điểm vì diện đẹp để làm gì? Cho ai nhìn? Tuy nhiên hôm nay nàng tìm ra lý do dù nhỏ nhoi để diện cho đẹp vì biết có người sẽ thưởng thức nhan sắc của mình.
- Tôi ước gì tôi gặp bà ở Sài Gòn lúc mình còn trẻ...
Thùy Dung mỉm cười khi nghe lời nói bóng gió xa xôi của Khôi.
- Ông có bồ lúc bao nhiêu tuổi?
- Hai mươi...
- Trễ vậy... Hai ông anh của tôi có bồ sớm lắm. Hai ảnh gặp cô nào cũng tả oán là chưa có bồ vì còn đang học, vì cô đơn...
- Gọi là bồ cũng không đúng vì tôi mê cô ta trái lại cô ta chỉ xem tôi như bạn. Hai đứa là hàng xóm với nhau. Sau này cô ta đi lấy chồng... Đó là mối tình đơn phương...
- Ông còn yêu cô ta không?
- Tôi không biết... Lần sau cùng tôi gặp cô ta lúc cô ta đang mang thai đứa con đầu lòng. Cô ta trông già và xấu đi. Từ đó tôi tránh gặp cô ta... Tôi muốn giữ mãi hình ảnh đẹp của cô ta trong tâm tưởng. Bà biết mấy câu thơ này không... Hồng hồng tuyết tuyết... Mới ngày nào chẳng biết cái chi chi...
Gật đầu cười Thùy Dung ngâm khe khẽ.
- Mười lăm năm thắm thoát có ra gì
Ngoảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu
Gặp em tay tế tay bồng
Tay cặp ông chồng tay dắt đứa con...
 
Khôi nhìn Thùy Dung với vẻ ngạc nhiên.
- Bà thích nhạc không?
- Thích lắm. Khi theo chồng về đây tôi có một cái cassette để nghe nhạc nhưng thời gian sau nó hư. Vả lại cũng không có pin để hát. Nhiều khi cũng nhớ...
- Tôi sẽ cho bà cái máy cassette của tôi...
- Rồi ông lấy đâu mà nghe nhạc...
- Tôi nghe hoài riết đâm ra nhàm...
Thùy Dung cười đùa.
- Sao cái gì ông cũng cho tôi hết vậy... Bộ kiếp trước ông mắc nợ tôi chắc...
Khôi cười.
- Tôi muốn cho hết chỉ sợ bà không nhận thôi...
Thùy Dung làm bộ ngó ra sông. Biết  câu nói bóng gió của Khôi ám chỉ điều gì nàng nghĩ thầm.
- Ông cứ cho đi rồi ngày nào đó tôi sẽ nhận...
Nói xong câu nói dò ý tứ của Thùy Dung nhưng thấy nàng im lặng ngó mong ra ngoài bờ sông Khôi có vẻ buồn tủi. Vì cúi đầu nhìn xuống bàn anh không thấy được nụ cười hóm hỉnh của người bạn gái.
- Tôi nghe nói ông đàn hát hay lắm...
Khôi ngước lên cười. Thùy Dung cảm thấy lòng mình chùng xuống vì nụ cười ngác ngơ buồn rầu của người ngồi bàn bên kia.
- Bà biết quá nhiều về tôi trong khi tôi lại mù tịt về bà...
- Ông có chịu đàn hát cho tôi nghe không hay là đợi tôi phải năn nỉ ông...
- Lúc nào bà muốn nghe tôi sẵn sàng...
- Uống cà phê xong ông về tàu lấy đàn trong lúc tôi về đồn lo nấu cơm chiều. Ăn cơm xong là bắt đầu giờ văn nghệ...
Khôi cười trước lệnh của người bạn gái. Thùy Dung trả tiền. Hai người rảo bước về hướng mấy chiếc tàu đang ủi bãi trước cửa đồn.
- Ông lẹ lên nghe... Tôi chờ ông ăn cơm...
Khôi gật đầu cười. Xuống chỗ nằm của mình lấy cái máy cassette và mấy cuộn băng bỏ vào cái túi xách nhỏ, tay cầm cây đàn anh nói với Tuyên.
- Anh đi ăn cơm tối với Bà Bùi. Tuyên coi chừng tàu dùm anh...
Tuyên cười lớn.
- Anh cứ đi chơi cho đỡ buồn... Có gì tôi lo cho...
- Cám ơn Tuyên... Anh sẽ không ở lâu đâu... Anh sẽ về trước khi trời tối...
Bước vào nhà đặt cây đàn và cái máy cassette lên bàn Khôi nhẹ bước ra sau bếp. Anh im lặng nhìn Thùy Dung đang đứng nấu cơm. Dù biết Khôi đang nhìn mình song nàng làm bộ như không biết và thản nhiên vừa chiên cá vừa hát nho nhỏ.
- Bà hát còn hay hơn tôi mà lại yêu cầu tôi hát cho bà nghe...
- Thành nói tôi mà nghe ông đàn hát là tôi sẽ mê ông liền. Bởi vậy tôi muốn thử...
Nói xong câu nói Thùy Dung quay nhìn Khôi.
- Ông chịu đàn không... Chậm là tôi đổi ý liền...
- Chịu... Tôi đứng đây rồi bà có đổi ý cũng không được...
Hai người ăn nhanh bữa cơm chiều. Thùy Dung lo dọn dẹp trong lúc Khôi chỉnh giây. Nhìn người đang ngồi đối diện mình qua chiếc bàn bằng cây Khôi hỏi.
- Bà muốn nghe loại nhạc nào? Bà thích nhạc sĩ nào?
- Tùy ông...
Mặc dù trời còn sáng nhưng Thùy Dung có cảm tưởng như căn phòng hơi tối lại khi tiếng nhạc nổi lên.
 
- Tôi như người ru mộng
sống cuộc đời bềnh bồng
ngó quanh đời quạnh hiu
Buồn rơi theo năm tháng
chết trên lưng tháng ngày
Tôi như loài cỏ dại
tôi như loài cỏ dại
suốt một đời chênh vênh
suốt một đời buồn tênh...
 
Thùy Dung nghe hồn mình chìm lắng trong nỗi buồn thật mơ hồ, thật dịu nhẹ. Giọng hát của Khôi trầm ấm, hơi khàn có lẽ vì hút nhiều thuốc lá nhưng quyến rủ ở chỗ phô bày tâm tình của mình cho người khác thấy.
 
-  Em có thương thì xin chút hiền ngoan thật lòng
vì cõi đời này là những đam mê.
là những chia ly
là những đớn đau lẻ loi
Nên vẫn hoài còng đi se cát
Biển nhớ mênh mông
tình vẫn hư không... đời đời...
 
Thùy Dung nhìn Khôi khi nghe câu "  Em có thương thì xin chút hiền ngoan thật lòng ". Tuy nhiên nàng thấy Khôi đang cúi đầu xuống. Mái tóc đen dài vì lâu ngày chưa được cắt tỉa. Hàng ria mép lún phún đen. Khung mặt gầy. Đôi mắt lá răm khép lại. Bờ mi cong. Khôi quên mất mình đang ở đâu. Quên cả người đang ngồi nghe mình hát.
 
-  Tôi như giòng sông cạn
cuốn quanh đời mệt nhoài
cuốn theo giòng nghiệt ngã
Buồn rơi theo năm tháng
úa trên lưng tháng ngày
Tôi mang hồn cỏ dại
ngu ngơ tự hỏi lòng
bỗng một ngày thiên thu
bỗng một đời phù du...
 
Khôi ngước lên với nụ cười ngây ngô như vừa tỉnh mộng. Thùy Dung cười nhẹ.
- Ông mà hát thời có khối người mê...
- Tôi không thích...
- Tại sao?
- Tôi ích kỷ... Chỉ hát cho riêng mình hay người nào mình muốn nghe như bà chẳng hạn...
- Cám ơn ông... Tôi có một đề nghị là ông gọi tên của tôi...
- Nếu Thùy Dung không gọi ông Khôi...
Chống tay lên càm Thùy Dung cười nói với Khôi.
- Dung muốn có một kỷ niệm đẹp để lỡ khi nào Khôi đi xa...
- Khôi cũng vậy... Bản nhạc mà Khôi sắp hát cho Thùy Dung nghe là của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng...
Khôi cúi đầu xuống cây đàn. Âm thanh chùng xuống nghe não lòng.
 
-  Mai mốt em về, em về đâu?
Con sông nước chảy trắng chân cầu
Tiếng hát già nua - người bạn cũ,
Ðêm dài muôn thuở buộc lòng nhau
 
Ngoài kia buồn không?
Buồn không em?
Xa hỡi ngàn xa, bóng nhạn chìm!
Thương ai, ái ngại tìm đôi mắt
Chưa biết đêm nào thức trắng đêm
 
Mái tóc vì em bồng bềnh bể khơi
Áo mỏng vì em nằm đây nhớ đời
Chiêm bao nửa giấc
Trời mưa bụi
Thấp thoáng em về như lá rơi...
 
Thùy Dung nhìn vào đôi mắt đẹp buồn của Khôi. Đàn ông mà có đôi mắt đẹp hơn mắt con gái, đẹp như mắt Thùy Trâm, con của mình. Chắc phải có nhiều người mê lắm. Nhiều người mê đôi mắt, chết vì tiếng hát này. Nó là những lời tỏ tình hay nhất, đẹp nhất. Nhìn Khôi Thùy Dung nhớ tới Khiêm, anh của nàng. Khiêm cũng đi lính biệt động quân, cũng đàn hát, cũng có nhiều bồ...
 
- Ơn em thơ dại từ trời
Theo ta xuống biển vớt đời ta trôi
Ơn em dáng mỏng mưa vời
Theo ta lên núi về đồi yêu thương.
Tạ ơn em
Tạ ơn em.
 
Khôi ngước lên nhìn Thùy Dung khi bắt đầu hát đoạn nhạc đầu tiên trong ca khúc Ơn Em của nhạc sĩ Từ Công Phụng. Thùy Dung cảm thấy mình như bị hút vào đôi mắt long lanh buồn u ẩn của Khôi.
 
- Ơn em ngực ngải môi trầm
Cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan.
Ơn em hơi thoảng chỗ nằm
Dấu quanh dấu quẩn nỗi buồn một nơi
Tạ ơn em
Tạ ơn em.
Ơn em tình những mù lòa
Như con sâu nhỏ bò qua giấc vùi
Ơn em hồn sớm ngậm ngùi
Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau
Tạ ơn em
Tạ ơn em
 
Thùy Dung hơi đỏ mặt khi thấy Khôi mỉm cười hát câu " Ơn em ngực ngải môi trầm. Cho ta cỏ mặn trăm lần lá ngoan ".
Khôi ngừng đàn uống một ngụm nước lạnh. Nhìn Thùy Dung anh cười hỏi.
- Dung biết bản này không...
 
Hãy nói về cuộc đời
Khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì
Về bên kia thế giới
Ngoài trống vắng mà thôi
Thùy Dung ơi, tình ơi...
 
Thùy Dung cười thành tiếng.
- Khôi sửa lời của người ta bộ Dung không biết sao. Anh Khiêm của Dung hát bản Khúc Thụy Du của Anh Bằng hoài...
 
- Như loài chim bói cá
Trên cọc nhọn trăm năm
Tôi tìm đời đánh mất
Trong vũng nước cuộc đời
Dung ơi và tình ơi!
Ðừng bao giờ em hỏi
Vì sao ta yêu nhau...
 
Chống tay lên càm nhìn ra ngoài trời nhưng Thùy Dung cảm thấy Khôi nhìn mình bằng ánh mắt nồng nàn, say đắm và tắm đẵm đam mê trong lúc hát hai câu " Đừng bao giờ em hỏi. Vì sao ta yêu nhau "...
 
- Vì sao môi anh nóng
Vì sao tay anh lạnh
Vì sao thân anh rung
Vì sao chân không vững
Vì sao và vì sao!
Hãy nói về cuộc đời
Tình yêu như lưỡi dao
Tình yêu như mũi nhọn
Êm ái và ngọt ngào
Cắt đứt cuộc tình đầu
Dung bây giờ về đâu?
 
Tiếng hát nhỏ dần. Âm thanh tắt lịm.
- Thùy Dung có thể ngồi nghe Khôi hát suốt ngày... Dung mê nghe Khôi hát... Không có mê người đâu mà ham...
Dựng cây đàn vào góc nhà Khôi cười.
- Không có người làm sao có tiếng hát... Mấy giờ rồi Thùy Dung?
- Năm giờ...
- Khôi phải về tàu... Khôi đã thay pin mới cho máy cassette. Tối nay Dung tha hồ nghe nhạc. Ngày mai Khôi sẽ đem cho Dung một bình điện lớn có thể dùng cả tuần lễ. Khi nào hết điện Khôi sẽ đổi cho Dung cái khác...
- Cám ơn Khôi...
Ngừng lại giây lát Thùy Dung cười nói với giọng âu yếm.
- Khôi nhắm mắt lại đi...
- Chi vậy?
- Người ta biểu nhắm mắt thời cứ nhắm mắt đi... Ai có ăn thịt đâu mà sợ...
Không nói lời nào Khôi nhắm mắt lại và cảm thấy chút giao động trong lòng khi làn môi mềm ấm của Thùy Dung chạm lên má của mình.
- Thùy Dung đền ơn Khôi ngồi hát...
Khôi cười nhẹ bước nhanh ra cổng. Anh không nhớ mình để lại cây đàn còn dựng trong góc nhà. Thùy Dung thấy nhưng cũng không nhắc. Dường như nàng muốn Khôi quên để có lý do trở lại.