Bên ngoài khán đài

Người con trai đứng dậy đóng sập cửa. Không khí trong nhà chìm theo tiếng mưa gió ầm ĩ bên ngoài. Bích vẫn mó đầu nắm từng quân bài. Người con trai như vừa cất tiếng nói, Bích không nghe rõ. Bích nói mà không chắc anh ta nghe:
"Nếu ngớt mưa, có lẽ em về. Đứa bạn em nó hẹn tối nay lại nhà nó có câu chuyện".
Người con trai như cất tiếng cười bước lại gần Bích. Hai tay anh ta đặt lên thành ghế Bích ngồi. Bích chắc anh ta đang cúi xuống nhìn cái gáy trần của mình.
"Sao em cứ ham nói kiểu đó? "Nếu", "có lẽ", nghe em dùng mấy tiếng đó, anh thấy anh như người lạ nói chuyện với em. Anh hết còn biết em là người thế nào".
Bích xỉa đi xỉa lại cỗ bài. Người con trai ngồi xuống ghế cạnh Bích.
"Anh biết hôm nay em có chuyện buồn. Nhưng biết làm sao được khi người ta đã cố tình…"
Giọng anh con trai nhiệt tình nhưng nhỏ. Tiếng mưa gió như làm anh ta đỡ thấy giọng mình quá rõ, có thể hồi lại tai mình những lời khuyên nhằm làm mình đỡ áy náy trước nỗi buồn của Bích hơn là làm Bích khuây khỏa. Người con trai chẳng ích gì khi Bích buồn. Những chăm sóc kẻ cả thường ngày làm Bích chán. Nhưng Bích vẫn nghĩ sẽ ở lại đây hết đêm nay. Bích biểu lộ nỗi buồn của mình tự nhiên như mỗi khi rảnh tìm đến với anh ta nghe anh ta nói ít câu kỳ quặc lạ tai, giỡn với anh ta một chặp rồi về. Anh ta đã không làm tròn câu chuyện bất cứ người đàn ông nào gặp Bích cũng làm. Hồi người bạn thiếu úy của anh ta mang Bích lại đây giới thiệu, anh ta có vẻ mừng cho người bạn và vui lây. Anh ta kêu Bích là "chị" và mời hai người đi uống nước ngoài phố. Suốt thời gian ngỡ mình sắp làm vợ, Bích hay lại thăm anh ta. Anh ta coi hồn nhiên, dễ dàng và ngồi làm thơ suốt ngày. Những săn sóc, bất bình về một tấm áo quá mỏng, về một núm xú chiêng bị móp, một câu nói bắt chước kiểu cách, anh cũng biểu lộ một cách thật tự nhiên, dễ làm Bích có cảm tưởng anh ta muốn đóng vai kẻ cả. Hồi người thiếu úy đã đổi đi xa, bỏ Bích và anh ta với một sự bỡ ngỡ. Sau đó anh ta hiểu rõ Bích và không hề phàn nàn chi về người bạn. Bích vẫn tiếp tục lại thăm anh ta. Cả hai đều cố tình quên người thiếu úy trong lúc gần nhau. Nhưng anh ta cũng không biểu lộ một cố gắng nào hơn trước. Những lúc ngủ dậy, mở mắt thấy Bích gọn ghẽ đứng ở đầu giường cười, những câu bất bình mỗi lúc nhòm, ngắm khắp người Bích đã tạo cho anh ta một thói quen, một vui thích âm thầm mang nhiều hơi hướng đàn bà, khác hẳn những thói quen khác. Nhiều lần anh ta có những câu nói thật kỳ quặc (Thôi đi bà già. Em ca cải lương cho Mỹ nó nghe nó cũng sầu) những cử chỉ bất thường như cố gắng làm giầu kỷ niệm, bện chặt những thói quen với Bích. Khi người bạn đã đi, anh ta có thể nhìn Bích bằng con mắt khác có lợi hơn song anh ta vẫn không thay đổi. Một lần nghi Bích không tin mình, giấu tiền không cho mình vay, lúc hai người đang nằm ở giường, anh ta chợt nảy ý tưởng đòi khám Bích. Bích từ chối cầm chừng. Lúc trật hai xú chiêng xuống nửa chừng, anh ta sững sờ một lát rồi ôm Bích thật chặt, hôn Bích như một sự đánh liều để cố quên mình đang có một cơ thể bị đòi hỏi hành hạ. Sau đó, anh ta nói một câu kỳ quặc nhưng hơi mất bình tĩnh, "Vú Bích sáng ngời, nóng và trơn thế mà từ lâu anh nào có hay". Từ đó, anh ta có vẻ không mấy yên ổn lúc Bích lại thăm. Một nửa, anh bị ám ảnh bởi bộ ngực của Bích, một nửa, anh ngại nếu tiến thêm, Bích sẽ nhòa đi như những người đàn bà anh đã gặp. Những thói quen mang hơi hướng đàn bà, những săn sóc sẽ rã rời, tan theo và anh ta lại trở về với nguyên vẹn nếp sống ngày chưa có những lời bất bình với Bích. Đêm nay là đêm đầu tiên Bích ngủ lại đây, Bích không muốn chi cả. Nỗi buồn thêm thói quen dẫn lối, Bích tìm đến người con trai này như để quên đi người đàn ông Bích vừa biết mình không phải là vợ ông ta. Từ người thiếu úy, tới người đàn ông này, thời gian chẳng xa là mấy. Nỗi buồn bị lường gạt vẫn nguyên vẹn. Và sau này, biết đâu chẳng còn những người nắm những nỗi buồn tương tự chỉ mở ra lúc giơ đủ cả năm ngón tay vẫy Bích giã từ. Nhưng Bích chẳng còn được lựa chọn được con đường nào khác ngoài con đường vừa đặt chân lên đã phải nhắm mắt, liều tin thêm một lần. Nhưng bây giờ, Bích chỉ cần người con trai cầm những lá bài đã chia sẵn trên bàn lên thay những lời anh ta an ủi.
"Cầm bài lên đi anh".
Bích nói, chờ đợi. Người con trai úp cả bàn tay mở rộng chụp xuống mấy lá bài. Bích gác lên chân anh ta, chăm chú đánh bài. Những nước bài chẳng định được ăn, thua, không làm Bích thấy quên được bộ ria mép lúc cười bỏ đi của người đàn ông, vẫn được Bích thản nhiên vật xuống.
Lúc trời đã ngớt mưa, người con trai ra ngoài hiên kêu vào một người đàn bà bán hột vịt lộn. Anh ta như quên Bích, nói chuyện liên hồi với người đàn bà. Người đàn bà đứng ở dưới sân, vai choàng một miếng vải nhựa kêu lạt sạt, vừa đặt trứng lên tờ giấy báo vừa trả lời những câu hỏi của người con trai. Bà ta có vẻ cảm động vì được nghe những lời săn sóc.
"Chắc bà ở dưới làng tản cư lên?"
Giọng người con trai băn khoăn. Người đàn bà vội đáp:
"Không phải đâu thầy. Tụi tôi là người tản cư, Tôi ở đây đã lâu. Tui có nhà ở…"
Tới đây bà ta như đã chứng thực được mình không phải là người tản cư, đã có vẻ bằng lòng, không cần cố gắng mô tả chỗ ở của mình nữa.
"Trời mưa lại giới nghiêm sớm, làm sao bà bán hết cả thúng hột vịt này?"
"Mưa mấy thầy mấy ông mới ăn nhiều. Người ta giới nghiêm Việt Cộng, giới nghiêm chi người buôn bán xách đèn?"
"Bán hết chỗ hột vịt này bà lời trăm bạc không?"
Người đàn bà như đã quen trả lời câu hỏi này của những người mua, cười khàn:
"Gì mà dữ vậy thầy. Trước kia, ba đồng một trái, hết trăm rưỡi hột, còn lời được sáu bảy chục. Bây giờ ba đồng hai cắc lại không được lựa, không được tăng giá vẫn phải bán. Không bán bọn tản cư nó cũng bán mất".
Người con trai nghe tới đây, có vẻ ngần ngại, vội vào lấy tấm áo mưa mang ra đưa cho người đàn bà:
"Tôi cho bà mượn. Mưa lớn quá ướt hết, đi bán sao nổi. Hột vịt còn nhiều".
"Cám ơn quý thầy biết có lòng thương người. Tui thế này đi mới gọn".
"Bà cứ lấy mà mặc. Đêm nào bà không qua đây. Quen mà".
"Cám ơn quý thầy, mặc thêm áo khó đi".
Bích từ trong nhà ra giật tấm áo mưa trên tay người con trai:
"Bà ấy không cần, nói hoài chi cho mệt".
Người con trai trả tiền, mang hột vịt theo Bích vào nhà. Người con trai ngạc nhiên:
"Sao em kỳ vậy? Người ta thực thà?"
Bích yên lặng.
"Ăn đi chứ. Anh không biết mời".
Bích cầm một hột vịt, đập một đầu, bỏ muối tiêu hút. Người con trai đưa cho Bích nhánh rau răm:
"Ăn thêm rau này mới đủ. Nhân tiện để đêm nay diệt dục. Biết đâu chẳng nhờ bà hàng vịt lộn, đêm nay anh và em đều thành những người thanh cao".
Giọng anh con trai nửa đùa nửa thật.
"Em không nên giận bà đó, phải cám ơn bà đó nữa mới phải. Em không thấy mấy người tu hành người ta vẫn ăn rau răm, ăn cay thiệt nhiều nhiều để quên đàn bà, con gái đó sao?"
Bích bĩu môi không rõ rệt.
"Nếu đi đạo mà có chồng như mấy người theo đạo có việc làm, em cũng theo".
Người con trai nhìn Bích rồi đứng dậy lấy một chiếc áo sơ mi để lên vai Bích:
"Mặc vào cho đỡ lạnh. Trông em co ro như bị rét".
"Em đâu có lạnh. Rau răm làm nóng người. Ăn xong lại đánh bài nghe anh".
Người con trai gật đầu. Mưa lại đổ lớn. Hai người đánh bài tới khuya mới đi ngủ. Người con trai nằm bên Bích cố gợi lại những dáng người di cư lang thang trên đại lộ duy nhất của thị xã, bên những đống rác cạnh một trại binh vòng dây thép gai, để đỡ thấy Bích chỉ đơn giản là người có bộ ngực mình đã khám. Nhưng chỉ thấy nỗi sốt ruột lúc hỏi chuyện người đàn bà bán hột vịt. Đã bao nhiêu lần, gặp những người như vậy, anh cố tìm cách gần gũi dù biết mình quá vụng về. Chiến tranh và nỗi khổ hỗn độn xung quanh như không trộn lẫn được những người công chức thị xã với người dân nạn nhân. Những đêm nghe bom, đại bác dội về rung cả cánh cửa, anh thấy chiến tranh không có giấc ngủ. Nhưng lúc nom những xác người nằm trong một căn phòng nhà thương, anh lại thấy chiến tranh gồm toàn những giấc ngủ triền miên, anh chẳng thể hỏi han như hỏi han bà hàng vịt lộn. Anh vẫn là kẻ thấy dễ gợi lại nỗi thèm vì thiếu một tô mì vịt Chợ Lớn hơn nỗi xót xa vì người xung quanh. Nỗi thèm muốn nói lên được nỗi khổ đông đảo sẽ biến thành một kỷ niệm, một duyên cớ cho những người lạ mặt tương lai buộc tội nhiều khi bừng bừng trong anh, tạo cho anh những lúng túng hơn cả những lúc ngồi bên Bích. Nhưng anh vẫn chưa mang được nỗi khổ đó. Trong thơ anh, hơi hướng chăng, là những vần điệu ca ngợi hòa bình.
Lúc Bích ở nhà người con trai về, trời vẫn chưa sáng hẳn. Mưa kéo dài những hạt nhỏ. Những chiếc xe lăm-brét-ta chạy vào bến chợ gây những náo động chớp nhoáng trên đại lộ vắng không. Những người dưới làng lên ngủ đêm đã bắt đầu đạp xe trên những lối dẫn ra ngoài thị xã. Một toán lính có vẻ mệt mỏi, lộn xộn giữa con đường về tiểu khu. Những tiếng ngáp xen lẫn những câu khôi hài lửng lơ, những tiếng ống bơ bị đá lăn trên đường. Thấy Bích, vài tiếng huýt gió nổi lên rồi lại tắt ngấm. Bích toan về nhà một người bạn nhưng lúc qua dãy nhà của đám người tản cư, thấy cha đã mở cửa đứng trước nhà, Bích lại ghé vào. Ông già cau mặt hỏi:
"Sao nghe nói mày đi…?"
Bích hững hờ:
"Đường đứt hết rồi. Xe đâu có đi được".
Bích móc túi đưa cho ông già ba tờ giấy trăm.
"Hồi này tôi kẹt quá. Ông đừng kiếm tôi hỏi tiền mất công".
Ông già cầm tiền, tay nắm chặt, giận dữ:
"Ai mà thèm kiếm mày. Tao đâu đã chết đói".
Tiếng ông cụ gay gắt làm Bích để ý tới mấy người trước các căn nhà bên cạnh tò mò nhìn mình. Bích bĩu môi cố tình cho họ thấy. Một mụ đàn bà cau mày bĩu môi trở lại có vẻ khiêu khích. Bích thấy giận bọn người xung quanh như đêm qua giận người đàn bà bán vịt lộn dè bỉu đám dân tản cư. Đám người khốn khổ này dường như hết còn ý niệm về sự nhục nhã của người khác. Họ quen dè bỉu cha con Bích đến độ thản nhiên, hết còn biết mình tàn nhẫn. Những bộ mặt ngơ ngẩn đến đần độn, không còn biểu lộ nổi một phẫn nộ trước cảnh bom nổ, nhà cháy, xác người giãy chết, đã là những bộ mặt lên tiếng kết án một ông già có con gái mắc tính hoang. Có bao giờ họ nghĩ cha Bích cũng là người tản cư như họ? Lão cũng có những buổi trưa nắng và gió nóng bỏng phả vào căn nhà không đủ để lão bước mươi bước những lúc lão quá sầu. Có bao giờ họ nghĩ đến những đêm lão giật mình nhỏm dậy vì những tiếng đập cửa rầm rầm của một người lính dẫn theo gái ngỡ nhà lão là một căn lều bỏ không? Có bao giờ họ biết lão có những trưa không ngủ được nhớ đến tổ ong lúc nhúc lão nuôi trong cái hộp gỗ ở làng thường giúp lão tiêu khiển những lúc rảnh rang, rồi nhận ra hiện tại của mình, không có tổ ong và chân tay lão bỏ không, cứ yên vậy mà nhớ làng mạc. Lão như cùng đám người này cùng trên một con thuyền phiêu lưu không định nhưng lão không được cất lời buồn chung với họ. Chỉ có Bích thương lão nhưng lão lại hay nổi giận, coi việc Bích ở trước mắt lão như việc hiện hình của những lời mỉa mai của bọn người làng. Nỗi đau lòng nhất của lão là muốn biểu lộ nỗi vui mừng mỗi khi gặp mặt con gái mà không được. Bích không nghi ngờ lòng cha thương mình. Nhưng mỗi lần thấy cha giận dữ một cách vô lý, Bích không khỏi khó chịu. Thấy người đàn bà nhìn mình khiêu khích Bích muốn chạy lại, cào móng tay nhọn vào mặt mụ cho bật máu ra để mụ đó nhớ lại mình cũng là một người khốn khổ nhục nhã như Bích. Nhưng Bích lại nuốt nước bọt, bỏ đi. Lúc này, nghĩ tới đêm hôm qua nằm với người con trai, yên lặng để nghe cảm giác hai bên lườn mình được hai bàn tay luồn vào ve vuốt. Bích mới thấy dễ chịu vì cử chỉ của người con trai. Bích cảm thấy mình được quí trọng thật sự. Những cử động anh ta làm trên thân thể Bích chỉ có bấy nhiêu, chỉ là những cái vuốt ve tỏ dấu thương mến. Cơn giận của Bích nguôi dần theo bước chân rời xa khu tản cư và theo những hồi tưởng về người con trai. Anh ta là người đầu tiên, duy nhất biết Bích mà không tỏ ra mình lầm lẫn. Những người đàn ông Bích đã chung sống; dù khéo léo tới đâu cũng có lúc lộ một chút ân hận. Những lúc đó, có thể kéo mạnh Bích vào lòng họ hơn, có thể lãnh đạm, "À, ra thế" "Bích phải tỏ ra hiểu biết với anh một chút. Như anh đã hiểu Bích"… những lúc Bích muốn khước từ. Bích nhớ nhiều đến vẻ ân hận của người thiếu úy bạn người con trai đêm qua. Có thể người đó thu hút Bích hơn cả nên vẻ ân hận đó đậm màu nơi Bích. Bích quen người thiếu úy trên con đường từ một thị trấn miền biển về thị xã. Hôm đó Bích vận áo dài trắng như một nữ sinh. Lúc chuyến xe đò chở Bích dừng lại ở trạm kiểm soát cuối cùng trước khi tới thị xã, người thiếu úy ngồi trên một tảng đá ở chân ngọn đồi trước đồn. Người thiếu úy vận đồ trận, mang súng sáu, cầm một cái gậy cúi đầu vẽ nhằng nhịt xuống lớp cát trước mặt. Bích nhìn ra, nom anh ta có vẻ buồn. Tiếng một người nghĩa quân nạt anh lơ làm người thiếu úy ngửng lên. Mắt anh ta gặp mắt Bích rất mau. Anh ta đứng dậy và tiến lại gần xe hỏi chuyện Bích. Bích trả lời lễ độ nhưng đầy đủ. Giữa vẻ trầm ngâm lúc ngồi cúi đầu vẽ trên cát với vẻ săn sóc hỏi han của anh như có sự xa lạ. Trước và sau khi thấy khuôn mặt Bích, anh có hai đời sống.
Nói được ít câu, anh luôn luôn để ý đến người lơ xe đang tiếp tục cười và gãi tai trước người nghĩa quân. Mũi giầy anh đá xuống đường có vẻ bất an. Bích đoán anh ta sợ chiếc xe sẽ chạy mất. Chợt anh bậm môi, mắt sáng lên nhìn Bích rồi rảo bước lại chỗ người nghĩa quân. Một lát anh quay lại với mấy người lính khác. Bằng một giọng niềm nở nhưng cương quyết anh mời hành khách của mười mấy chiếc xe nối đuôi nhau xuống. Mọi người còn đang ngơ ngác, lo lắng, anh đã cười giải thích, tiếng rung và lớn:
"Thưa đồng bào, chắc đồng bào đã nghe nói nhiều về ấp Tân Sinh nhưng tôi chắc có nhiều đồng bào - nhất là đồng bào thành phố - chưa rõ sinh hoạt của ấp Tân Sinh như thế nào, vậy xin đồng bào hãy bỏ chút thì giờ ghé thăm cùng chúng tôi một ấp Tân Sinh gần đây nhất, kiểu mẫu nhất và an ninh nhất. Nếu đồng bào nghĩ rằng đây là một dịp để mình nhìn tận mắt một chương trình của chính phủ có liên quan đến sự sống của đất nước, nếu đồng bào nghĩ rằng chúng tôi không như bọn Việt Cộng phá đường, cướp bóc, dẫn đồng bào vào rừng rú cả hai ba ngày để nhồi sọ, chúng tôi chắc đồng bào sẽ hoan hỉ nhận lời chúng tôi và coi đây như một cuộc du lịch mà chúng tôi là những kẻ có bổn phận hướng dẫn.
Nghe nói, một số người bật cười, hưởng ứng kéo theo những người băn khoăn vì sợ mất thì giờ hoặc vì quá mệt mỏi những giờ ngồi liền trên xe. Người thiếu úy có vẻ bằng lòng vì sáng kiến của mình. Anh ta đi bên Bích và chỉ dẫn nhiều thứ Bích đã quá rõ.
Bích về thị xã được vài giờ thì người thiếu úy tìm sang. Hai người ngồi trên xe díp đi khắp thị xã. Người thiếu úy bảo Bích:
"Nếu người quân nhân nào cũng được như tôi, cũng được tin chỉ phút trước, phút sau mình bắt được hạnh phúc, chắc họ sẽ không còn thấy đời lính chỉ có thuốc nổ và xác chết".
Bích chỉ cười yên lặng. Từ đó về sau, khi hai người đã sống chung một căn nhà ở một khu yên tĩnh. Bích vẫn có những nụ cười yên lặng. Bích chẳng mong gì hơn được săn sóc người thiếu úy và nghe những lời thương yêu. Người thiếu úy tuy sống có vẻ hối hả, vội vã nhưng cũng ưa khai triển hạnh phúc của mình để thấy mình miên man là kẻ được thụ hưởng. Thấy Bích hay yên lặng cười sau khi nghe mình nao nức nói, anh kêu "Bích cười và yên lặng để giữ ấm những lời nói sau khi đã buột ra khỏi miệng anh". Thấy Bích băn khoăn vì không có giấy khai sinh để làm thẻ căn cước, anh cười: "Đời sống của một người đàn bà có thêm chút lo lắng tương lai chẳng khác một bông hồng óng ánh vài giọt nước". Gần anh, Bích tưởng như lúc ngồi cắt móng tay anh cũng tìm thấy vui thích. Nhưng đến hôm, tự dưng người thiếu úy nói nhiều về tấm căn cước của Bích, Bích bắt đầu cảm thấy những thứ lặt vặt anh gán cho vẻ hớn hở đã thành những lo lắng cho Bích. Anh bảo Bích:
"Anh có một người bạn làm phụ tá quận trưởng quận Sơn Thành. Em có thể lên đó, nhờ anh ấy lo giùm giấy khai sinh. Ở đây, làm sao lo được".
Bích ngần ngại, lắc đầu:
"Quận đó em cũng biết. Nhưng giờ đi sao nổi. Cách đây cả năm trời, đường lên đó đã nguy hiểm lắm rồi. Đường chi mà không vết bánh xe, cỏ mọc tùm lum, mìn gài nhiều hơn cả gà rừng, hố nhiều hơn cả hố bẫy thú".
"Anh sẽ xin cho em đi nhờ máy bay".
Bích hơn ngạc nhiên thấy chưa bao giờ được săn sóc về việc mình không có giấy tờ như vậy. Đến lượt Bích phải gạt đi, kêu đó việc vặt. Nhưng thỉnh thoảng trong những lúc vô tình nhất, Bích lại nghe những lời tương tự. Vào hôm nghe tin người thiếu úy sắp đổi đi do lời bạn anh ta nói lại, Bích chợt hiểu. Suốt một đêm, Bích nằm khóc bên những đồ dùng để bừa bãi của anh. Sáng hôm sau, anh ta sang thu dọn đồ, nói mình sắp đi hành quân trong một thời gian khá lâu. Anh ta nhắc lại đến tấm thẻ căn cước. Lúc đó Bích hết còn bình tĩnh, bật khóc nức nỡ:
"Có phải anh muốn cho người bạn nào đó của anh ở quận Sơn Thành thay anh ngủ với tôi phải không?"
Người thiếu úy sững sờ, đỏ mặt.
"Ai nói với em như vậy? Sao em lại có những lời vô căn cứ như thế?"
"Anh đừng hỏi lại tôi. Bây giờ tôi mới biết lời nói của anh với lòng dạ anh nó khác xa nhau quá lắm. Tôi không có giấy tờ, chính phủ chưa có bắt tôi nhưng các anh đã toan lợi dụng tôi thêm một lần nữa vì cái thẻ căn cước. Anh tưởng tôi không biết gì về anh sao. Các anh định lợi dụng tôi bao nhiêu lần nữa, các anh có biết không?
Người thiếu úy đỏ mặt sậm hơn nhưng bây giờ vì tức giận.
"Tôi lợi dụng Bích? Lợi dụng cái gì? Ai định lợi dụng ai? Bích nói hoài, Bích không thấy ngượng sao?"
Bích cười, hai môi se lại:
"Tôi chỉ ngượng vì quá tin anh thôi".
Nghe Bích, người thiếu úy vung tay toan nói. Nhưng cử chỉ của anh lại biến thành một ngăn cản yếu ớt để Bích đừng nói tiếp. Anh ta có vẻ không ngờ Bích đối đáp mau mắn, sắc bén như vậy, cử động vung tay biến dạng làm anh bớt giận. Bích thấy anh ân hận rõ rệt trong sự im lặng, ngập ngừng của anh. Anh nhìn những đồ dùng rải rác khắp nơi như muốn thu thiếm hết rồi đi ngay cho rảnh. Nhưng Bích đứng yên, hai mắt trân trối rỗng không đã thành một cản trở cho anh. Một cử động nhỏ, một tiếng động đột ngột do anh tạo ra có thể làm Bích vỡ òa những phản ứng mới. Anh lắc đầu, mắt vẫn nhìn những đồ dùng của mình, mặt vẫn ân hận. Sự ân hận, rút cục cũng vì anh nghĩ mình bị phiền nhiễu khiến anh không thể ra khỏi căn nhà một cách thong thả. Bích biết mình không được anh nghĩ tới. Nếu có, chỉ vì những cản trở do Bích tạo ra. Nỗi ân hận phút cuối đó cũng chỉ vì riêng anh. Bích, tấm thẻ căn cước, bông hồng đọng nước chỉ là những thứ người đàn ông dựa vào đó khai triển những ý nghĩ về hạnh phúc cho mình.
°
Buổi chiều mưa tầm tã, trời mau tối. Lúc đã ngớt mưa, Bích và người bạn tên Hiền ngồi trên chiếc xích lô đạp, ra khỏi thị xã. Giàn đại bác ở tiểu khu đã bắt đầu khai hỏa. Từ các vùng núi mờ mịt hơi nước vọng lại những tiếng nổ âm thầm. Bên người bạn phấn trát nhợt nhạt khoác tấm áo len mỏng hồng lợt, Bích bắt đầu thấy đời mình đã tới một khúc quành. Bích lắc đầu không nghĩ nhất định về một người đàn ông nào. Từ căn cước đã không còn bận tâm Bích. Đằng nào Bích cũng bắt đầu sống trốn tránh vì những phút phơi mình như bạn.
Một người lính thấy hai người ra khỏi thị xã, có vẻ ngạc nhiên giơ tay ngoắc lại. Hiền bĩu môi, hất tóc cười. Chị ta lập lại một câu nói nghe lỏm động cơ:
"Tụi mình về làng, tỉnh thành một thành phố chết".
Bích thắc mắc:
"Nhà chị mày có yên không? Đêm ngủ, Việt Cộng về viếng, tao chỉ còn nước chết giấc".
Hiền phát vào đùi Bích:
"Nhà ngay bên kia cầu mà lộn xộn thì tỉnh yên sao được. Mà nếu có chuyện chi, chị tao chỉ mất công năn nỉ khóc lóc một chút là êm hết. Chỉ khóc hay nhất làng. Hồi nhỏ mấy thằng Pháp muốn đốt nhà chỉ nghe chỉ khóc nó cũng thấy rầu, bỏ đi hỏng thèm đốt nữa".
Bích bật cười:
"Mày mà học khóc được như vậy, lính hết còn bắt nổi mày, đỡ tội cái thân tối tối phải về quê nằm queo một mình".
Chiếc xe vượt khỏi cây cầu gỗ, dập dình đi vào con đường đầy vũng nước. Từ các làng mờ mịt những người đàn ông khoác vải nhựa, áo tơi lá đạp xe lên tỉnh ngủ nhờ, quần áo ướt át, mặt nhợt nhạt. Những gói cơm bọc trong túi ni lông để sau xe lấm láp, nhớp nhúa. Họ nhấp nhỏm trên yên xe, gò người vượt ngược chiều gió. Bích nghĩ tới người con trai làm thơ. Nếu dạo này lính không gắt gao xét sổ gia đình chắc đêm nay Bích đã nằm trong căn nhà ấm cúng đó. Con đường chạy dài giữa những thân dừa ẩm nước xõa lá, nom heo hút. Những bóng người vẫn chốc chốc hiện thêm lẻ loi ở cuối đường. Giữa cánh đồng không còn người, một lò gạch tỏa khói. Khói không bốc được cao, hòa lộn với một màn hơi nước như sa mù.
Chiếc xe dừng lại ở đầu một ngõ dẫn vào làng. Hiền kêu lớn:
"Không vô được sao?"
Người phu xe nói thoáng như cơn gió lạnh.
"Vô, không quay xe được. Đường vấy tổ cha. Xuống đại đi".
Người bạn Bích vùng vằng kéo Bích xuống. Hai người vén quần men theo bờ cỏ vào ngõ. Tới một cái cổng có những bậc đá dẫn lên một mảnh sân cao, Hiền kéo Bích rẽ vào. Đôi guốc cao gót của Bích đào vấy mảnh sân đất cát sạch sẽ, Bích thở ra một hơi dài nhìn bạn bước lên cái thềm nhà cao tối tăm.
Từ trong nhà, chị của Hiền bước ra với một bầy con ngấp ngó sau lưng. Trong cảnh nhá nhem tối, Bích thấy hai con mắt chị sâu viền quầng thâm. Hiền vào nhà bật quẹt châm đèn và châm một điếu thuốc. Bích bước lên thềm. Chị của Hiền lùi vào trong nhà nhường lối cho Bích. Bọn trẻ lùi vào một góc thềm che phên, biến vào bóng tối.
Bích sờ tay xuống cái mặt ghế bụi đập mạnh mấy đập. Hiền lật cái bát úp trên mặt bàn rót đầy bát nước uống ừng ực. Suốt buổi tối, cho tới lúc đi ngủ Bích ngồi nói chuyện với người chị của Hiền. Chị Hiền là người đàn bà có chồng lên núi mấy năm nay. Chị ngỏ ý mong có ngày chồng chị mang súng về nạp cho chính phủ như mấy người ở thôn trên để mùa lụt, gia đình chị sẽ có tên trong danh sách những người được phát tặng phẩm.
Đêm nằm bên Hiền, Bích có nhiều lúc chợt tỉnh vì tiếng chó sủa dồn dập hoặc vì tấm liếp che ngoài hiên bị gió đập mạnh. Bích mở choàng mắt nhìn bóng tối ẩm ướt. Tiếng ễnh ương kéo từng nhịp như phát ra từ một ống cống vang nghe xa lạ. Mùi khế ủng ở ngoài đầu nhà như mang theo hơi lạnh phả vào mũi Bích làm Bích tỉnh táo, khó tiếp tục giấc ngủ ngay được. Bích lại nghĩ tới người con trai với cảm giác hai bên lườn được ve vuốt. Cảm giác đó có lúc đến ngay trong đầu khi Bích chợt thức giấc sau một hồi ngủ mê mệt. Da thịt Bích như rung lại cảm giác đó khiến Bích sợ hãi nhỏm người dậy.
"Ai đó?"
Giọng Bích cố thoát ra khỏi hai hàm răng. Một cánh tay vòng lấy lưng Bích chắc nịch.
"Qua đây chớ ai".
Nghe có tiếng nói cất lên, Bích thấy đỡ sợ nhưng xúc động sợ hãi vẫn còn rung da thịt. Bỗng thấy kẻ ôm lưng mình là một bóng đen cao lớn đã chui vào mùng từ hồi nào. Vòng tay đó thắt chặt lại. Một tờ giấy được nhét vào tay Bích. Bích chắc là một tờ giấy bạc và thấy mình bị kéo xuống khỏi giường. Bích vùng đạp mạnh vào Hiền, cố giật người thoát ra khỏi vòng tay sau lưng. Hiền nhỏm dậy hỏi:
"Chi đó?"
Vòng tay tự nhiên nới rộng, mở ra. Hiền yên lặng đứng dậy, bước ra điềm nhiêm:
"Ông xã đó phải không?"
Bích đã hết sợ, ngồi dựa vào góc tường, ngạc nhiên.
"Ai ngủ với em trong đó?"
Giọng người đàn ông hỏi uy quyền.
"Bạn em đó".
Người đàn ông im lặng một lát rồi Bích thấy Hiền như bị ôm sát.
"Bữa nay có bạn em…"
"Bạn em thì sao?"
Bích thấy Hiền bị nhấc bổng ra khỏi mùng, theo bước chân người đàn ông ra khỏi cửa. Một lát, bên giường chị Hiền có tiếng trở mình. Bích thấy chị rón rén bước sang giường mình. Bích hỏi:
"Chuyện chi đó chị Hai?"
Người chị Hiền ghé ngồi vào trong mùng, nhỏ giọng:
"Còn chuyện chi nữa".
"Hiền nó đi với người đàn ông đến đâu?"
"Ra ngoài hiên chớ đâu".
Bích ngạc nhiên:
"Cha đó vào bằng lối nào kia?"
Mùi khế ủng lại thoảng vào trong mùng. Bích nghe như có một giọng đáp từ xa:
"Nhà này có khác chi nhà ông xã".
°
Mở mắt dậy, Bích thấy Hiền vẫn còn ngủ. Người Hiền co quắp in những đường gãy trên tấm mền mỏng. Trong mùng những con muỗi bụng căng máu thấy động đập cánh tìm lối ra. Ngoài đường như có một sự chuyển động rầm rộ. Những tiếng người lao xao, những tiếng chân nặng nề truyền trong mạch đất. Hiền xuống giường, ra cửa. Mấy đứa nhỏ con chị Hiền đứng trên mấy phiến đá xanh ở cổng nhìn ra ngõ tò mò. Ngoài ngõ chật ních người. Những lá cờ những tấm biểu ngữ dựng lên, xiêu vẹo. Một người đàn ông độ tuổi bốn mươi, mắt nhỏ, râu quai nón lởm chởm, tay áo cuốn một cái băng vàng vào trước cổng, đứng trên bậc đá lớn tiếng nói ra ngõ:
"Trước khi lên đường, tôi xin dặn lại lần cuối. Ra khỏi ngõ, đồng bào phải đi cho có hàng lối rõ ràng. Bốn người một hàng, không được lộn xộn, không được bỏ hàng. Người nào cầm cờ, người nào trương biểu ngữ, phải nghiêm chỉnh, không được để xiêu đổ. Không ai được tự ý hô khẩu hiệu nếu chưa có lệnh. Hội nghị toàn xã đã quyết định khen thưởng những người có mặt trong cuộc mít tinh này, những người biết giữ kỷ luật… và sẽ dành một trừng phạt cho những người vắng mặt, vô kỷ luật. Những người đó sẽ phải đi công tác".
Bích nghe giọng người đàn ông quen quen. Cuối mỗi câu nói, giọng nhẹ hẳn đi, nhạt nhẽo. Bích chắc đó là ông xã tối qua.
Đoàn người bắt đầu đi. Bích quay vào đánh thức Hiền dậy.
"Bữa nay trên tỉnh có mít tinh".
Hiền hỏi một đứa bé đầu lở loét theo Bích về nhà:
"Má mày đâu?"
"Má tôi lên tỉnh với nẫu".
Hiền kéo Bích ra đầu nhà, múc nước ở một cái chum nhỏ đặt trên một cái cột xi măng, rửa mặt. Lúc hai người ra khỏi ngõ, người phu xích lô tối qua đã chờ sẵn ở đó.
"Bữa nay có tàu tới bãi biển. Có nhiều lính thủy".
Người phu xe vấn một điếu thuốc nói.
Trời u ám nhưng mưa thật nhỏ. Đưa tay ra mới thấy ướt, nhìn những giọt gianh mới biết là mưa. Qua cầu, Bích nghe lõm bõm câu nói từ một chiếc xe truyền tin "Kính thưa đồng bào, hôm nay, từ thành thị tới thôn quê…".
Bích thấy đói, bảo người phu xe:
"Tới tiệm Chân Thành nghe".
Những người cảnh binh rải dọc đường quần áo trắng toát, mới tinh. Những chiếc cầu vai bằng dạ óng ánh bụi nước. Những hướng đạo đứng giữa đường chặn những bộ hành và xe cộ. Chiếc xích lô của Bích bị chặn ở gần công viên lúc Bích tưởng đã thoát. Mấy hướng đạo bu quanh chiếc xe, cười và chào Bích nhã nhặn. Bích móc túi lấy năm đồng đưa cho họ. Cả bọn cười ồ khiến Bích ngơ ngác. Người con trai mới nhớn có cái mũ chóp nhọn rung rung lúc cúi xuống gắn tấm phù hiệu lên vai Bích, bảo Bích:
"Phù hiệu này nhắc nhở đồng bào nhớ đến ngày cách mạng của dân tộc, không phải để quyên tiền".
Bích thở một hơi dài nhẹ nhõm. Tới tiệm Chân Thành, Bích thấy cha đang đưng vơ vẩn ở trước tiệm, chiếc mũ thủng chỏm có một mảnh tóc trắng ngắn lởm chởm, đâm ra nhô lên khỏi mấy chậu kiểng đặt trên bờ hè. Bích ngần ngại toan bảo xe đi thẳng, thì cha Bích đã lật đật bỏ đi, rẽ vào cái ngõ bên hông tiệm. Tiệm đông người, phần nhiều quân đội và công chức. Sau quầy hàng, trước một tấm gương đặt dài trên tường soi hình khách ăn và xe cộ ngoài đường, một thùng hi-fi đang phát ra một bản nhạc thương đời lính. Khách ăn ngồi xoay mặt cả ra ngoài đường. Những lá cờ treo một hàng đều bên dãy phố đối diện ẩm nước tạt lên theo hướng gió. Vài ba trái bóng bay kéo nhau lên trời. Bích cúi đầu ăn, yên lặng tránh những cặp mắt quay vào nhòm ngó. Hiền bảo Bích:
"Có nhiều lính thủy thiệt".
"Ăn xong, xuống biển nghe?"
Hiền lắc đầu:
"Mệt tổ mẹ".
Ra khỏi tiệm, Hiền về nhà ngủ tiếp, Bích theo đoàn người đi xuống dưới biển. Bích thấy Hiền thật "tốc", thật khó hiểu. Cơ thể Hiền lúc nào cũng dễ mỏi mệt, lời Hiền luôn luôn có giọng hung hăng. Đêm qua lúc Hiền ra ngoài với lão xã, Bích ngỡ Hiền chịu hắn. Lúc Hiền trở vào, nghe Hiền nói sẽ kêu bẻ gãy răng lão vì tội trắng trợn coi Hiền phải đương nhiên chiều lão thay cho chị, Bích thấy Hiền cũng có lúc biết thương người khác. Bích nhớ đến cha và dáng điệu lẩn khuất của ông. Trong ước muốn của ông bây giờ, có lẽ là được về làng cúng giỗ hai con trai để được uống rượu và kể lại thuở hai người còn ở nhà cày ruộng với đám bà con, "Có bữa tụi nó cày tới cái vũng ở góc ruộng, không quay trâu nổi, tụi nó giận quá nhảy đại xuống vũng, bắt đầy một chậu cá về nhậu, bỏ cả trâu lẫn cày".
Ở cuối đại lộ chạy ra bãi biển, một khán đài được dựng thường xuyên, bữa nay nom sáng hẳn vì lớp sơn mới quét vì những lá cờ tươi màu và những chậu kiểng xanh tốt. Dân chúng vòng lấy những đoàn thể bao quanh khán đài bằng nhiều vòng dày đặc. Những hồi chuông cầu hồn tử sĩ và cầu nguyện hòa bình từ nhiều nơi khua vang thị xã. Bích thấy người con trai làm thơ đứng trên sân thượng ở ngôi nhà bên kia đường, chính phía khán đài. Anh ta tươi cười bên mấy đứa nhỏ mặc váy sặc sỡ, bên một ông lão cầm cái sào ngước cổ lên trời xua cho một đàn bồ câu trắng bay cao.
Bích đi lần ra bãi biển. Trên những cây dương bám đầy người. Họ dướn mình, ngỏng cổ về phía khán đài. Một chiếc tàu buông neo sát bờ, mấy ổ súng bao vải kín, nước bơm ra sình sịch. Bích lại gần tàu nhìn xuống mũi tàu mở rộng. Có tiếng huýt gió của mấy người ngồi dưới cửa tàu, Bích cười với họ. Chắc mấy người này phải ở lại coi tàu, Bích bỏ đi tha thẩn tiến về một cái quán cuối bãi. Quán vắng không, mấy cô gái bán quán ngồi trên mặt bàn gỡ tóc cho nhau, thấy Bích, họ phá lên cười. Bích nhổ một bãi nước miếng vào gió, quây quả bước trở lại. Bích tự nhiên giận hờn với chính mình. Nỗi giận hờn như hồi nhỏ đi ra chợ coi hát lạc mẹ. Đáng lẽ Bích phải về nhà ngủ chờ người chủ nhà dẫn khách tới như Hiền mới phải. Bích ra biển như không phải để gặp người lính thủy bắt tình, cũng không phải để dạo chơi với những bước đi sụt xuống dưới cát. Bích đi, vì tấm phù hiệp người hướng đạo gắn trên vai. Thị xã nhiều người nhưng nhỏ bé. Ít người ở đây thấy Hiền và Bích là những kẻ xa lạ. Bích đã được nhìn như một điều đáp ứng xấu nhưng cần thiết. Cái chóp mũ nhọn rung rung lúc cúi xuống gần vai Bích và tấm giấy ghim trên áo không mất tiền làm Bích mơ hồ thấy mình được coi như những người bình thường khác. Những người đó trùng điệp trước khán đài giữa cờ quạt, biểu ngữ, dưới những chùm bong bóng bay và đàn bồ câu trắng và tất cả đều có một thúc đẩy để dùng đủ mọi cách hướng về khán đài. Riêng Bích thì không. Bích thiếu hẳn sự thúc đẩy. Cảm tưởng mơ hồ mình là một người bình thường qua một vòng lượn trên bãi cát đã tiêu tan. Bích chợt thấy mình lảng vảng quanh đám người đông đảo, không mục đích.
Đến bãi dương có những người trèo lên ngó về khán đài, Bích lại bắt gặp cái mũ có mảng tóc thò ra của cha giữa những người lố nhố kiễng chân, nghển cổ. Chiếc mũ luôn luôn di động, lúc ẩn lúc hiện sau hàng rào người. Vẻ lẩn khuất của ông lúc ở tiệm ăn làm Bích nghi ngờ. Ông cụ len lỏi như không hề biết mệt. Tấm vai nhô xương như một dụng cụ mở đường luôn luôn đưa ra theo hướng ông muốn lách. Tới bên một thanh niên mặc đồ bà ba đầu tóc bờm sờm ông dừng lại, vỗ vai, nhe răng cười. Thanh niên quay nhìn ông cụ, vừa nói vừa chỉ trỏ về phía khán đài. Hai người nói chuyện có vẻ tương đắc. Giữa muôn ngàn khuôn mặt, từ lâu, Bích mới thấy khuôn mặt của cha nổi bật. Bích như bắt được một ngày nào đó cha Bích được sung sướng. Lúc đó dù phải vĩnh viễn khuất mặt một nơi để được nghe đồn đãi về sự sung sướng của cha Bích cũng cam lòng.
Những tiếng ồn ào nạt nộ của mấy người cảnh binh với những người trèo trên cây dương làm ông cụ quay lại. Thấy Bích ông cụ nhìn quanh một lát rồi đập vào vai người thanh niên, rẽ đám đông bước ra.
"Bay cũng đi coi sao?"
Ông cụ hỏi, Bích lấy một ngón tay cong lại như cái móc cào cào vào mảng tóc lởm chởm nhô ra ở vành mũ của cha.
"Cha cũng đi coi đó sao?"
"Nghe nói mày về ở bên kia cầu?"
Bích cười gật đầu. Không lần nào gặp Bích, ông cụ không "nghe nói". Dường như lỗ tai ông lúc nào cũng hướng về những lời dính dáng đến Bích. Hai cha con cùng yên lặng hướng về một đứa bé quần áo rách rưới như một đứa bé tản cư khóc thút thít dưới một gốc dương bị cảnh binh đánh vì trèo lên ngọn cây túm một con bồ câu trắng. Cả hai cùng chùng một nỗi nao nao vì những câu trao đổi vu vơ nhưng dễ chịu hơn bao giờ. Lúc này sự bỏ quên của đám đông lại làm Bích dễ chịu. Bích có thể nghĩ đến người khác không liên quan tới mình với một thanh thản mơ hồ trong lòng.
Bích lượm một chiếc lông chim bồ câu, xoay tròn giữa hai đầu ngón tay. Cha Bích hỏi:
"Chi vậy?"
Bích vuốt dọc theo chiếc lông chim đáp:
"Lấy về cho chị của con Hiền bôi thuốc cho mấy đứa nhỏ".