VẤP NGÃ

Tiền bạc và tình dục. Đó là sự trao đổi một cách sòng phẳng giữa hai nhu cầu “tiền” và “tình”. Đó là thứ con người rất dễ bị làm nô lệ và nó có thể đẩy con người đến con đường mà người đời gọi là “tệ nạn xã hội”.
Khi thực hiện cuộc trao đổi đó, đối tượng cần tiền sẽ bị xã hội chỉ trích nặng nề hơn đối tượng còn lại. Tôi nhận ra một sự thật cay đắng rằng, tất cả những gã đàn ông không chỉ tìm mua vui nơi những cô gái sẳn sàng bán thân, mà họ còn tìm đến những cô gái ngây thơ, trong sáng để đảm bảo an toàn hơn và để kiểm nghiệm lại hiệu quả khả năng chinh phục trái tim phụ nữ của mình.
Tôi đã gặp một trong những người đàn ông như thế.
Lần gặp đầu tiên.
Tôi đến mời công ty ông tài trợ một chương trình do tạp chí tôi tổ chức. Ông là giám đốc của một công ty tư vấn nho nhỏ và bản thân ông hiện là giảng viên của một trương đại học. Sau lần gặp đầu tiên, chúng tôi trao đổi số điện thoại và có một sự hợp tác thuận lợi. Tạm biệt và kèm lời hẹn “Xong việc, mình đi nhậu”. Tôi gật đầu vì nghĩ đây là lời xã giao đơn thuần của những ông sếp dễ tính. Tôi chưa biết gì nhiều về ông ta ngoài công ty có khoảng 20 nhân viên mà đa số là sinh viên của ông mới ra trường. Ông có một chiều cao khiêm tốn nhưng trời lại “hào phóng” cho ông bề ngang, vì thế, nhìn từ xa tôi thấy dáng đi của ông rất đáng tội nghiệp.
Sau những tin nhắn vu vơ, hợp đồng được ký xong, tôi nhận lời gặp ông lần thứ hai với lý do mang tính cá nhân vì thật ra những công việc còn lại sau hợp đồng không thuộc về thẩm quyền của tôi. Thì giữ lấy mối quan hệ cho những lần làm ăn khác nữa!
Một đứa con gái tỉnh lẻ, sáu năm sống ở thành phố thì đã mất bốn năm lê mông hết giảng đường rồi thư viện. Bị vứt thân ra đường kiếm tiền chưa đầy hai năm, chưa hình dung nổi đằng sau vẻ hào nhoáng của Sài Gòn là một cuộc sống như thế nào, đàng sau xẻ đạo mạo của những con người thành đạt kia ra sao? Tôi muốn biết và tôi đến nơi ông đã hẹn.
Đó là sân thượng của một nhà hàng khá sang trọng nhưng lại rất vắng khách. Từ đây có thể nhìn xuống trung tâm của thành phố như hàng triệu vì sao rực rỡ. Tôi nửa đùa nửa thật thay câu chào:
Anh quên mang ví thì em không có khả năng chi trả đâu đấy!
Có lẽ sau câu chào thân thiện ấy, ông có vẻ cởi mở và bắt đầu câu chuyện của mình gọn ghẽ và trơn tru hơn.
Bốn mươi tuổi, có vợ và hai con nhưng cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc… Tôi chợt rùng mình và nghĩ đây là “bài ca con cá” mà tất cả các gã đàn ông đã có vợ đi “cua gái” đều ca rất mùi mẫn. Tôi hơi nhếch môi cười nhưng may là không không nhìn thấy. Ông đang nhập vai khá tốt. Tôi uống thêm ngụm nước và nghĩ: rồi hắn ta sẽ nói rằng mình dễ thương, hiền lành và hứa sẽ lo lắng cho mình như em gái… Ừ, nhưng đổi lại “Khi anh buồn anh sẽ gọi em đến nói chuyện với anh” Ở đâu ư? À không phải nhà anh cũng không phải công ty, nhà hàng à? Quán cà phê ư? Ở đấy thì đông người lắm, gặp người quen nhiều không hay… À anh có một chỗ rất dễ chịu, anh em mình trò chuyện thoải mái mà không bị ai quấy rầy… Tôi nhếch môi cười, có thể lắm chứ! Thành phố có hàng chục ngàn khách sạn mini mà. Diễn biến sau đó dường như không chệch ra khỏi những gì tôi nghĩ là mấy, chỉ có điều ông ta chưa dám mở lời mời tôi đến khách sạn. Tôi uống hết ly nước này đến ly khác với gương mặt vô cùng bình thản. Ông cũng nhận ra điều đó khi đáng ra ông đang làm tôi xúc động đến mức phải thút thít khóc.
Sau một giờ nghe ông nói, tôi thấy mỏi và không gợi chuyện thêm nữa. “Độc thoại” hoài cũng chán nên ông gọi bồi bàn tính tiền. Tôi suýt bật ngửa khi phiếu tính tiền hơn một triệu đồng, một nửa tháng lương của tôi!
Ông yêu cầu được bắt tay nhưng tôi chỉ cười và cúi đầu chào lễ phép. Nghe cơn giận trào lên ngang cổ, giá như trong tay tôi đang cầm một vật gì đó có lẽ tôi ném thẳng vào chiếc lưng lom khom đang đi trước tôi chừng ba bước. Tôi tin chắc một điều rằng, cho vàng khối ông ta cũng không dám đi ngang với tôi khi ra khỏi nhà hàng, nhìn dáng đi gấp gáp của ông như vừa làm xong một công việc nào đó khó khăn lắm và vội vã trở về cùng gia đình. Tôi bĩu môi cho một hạng người không đáng để trọng. Vậy mà là thầy giáo ư?
Sau lần gặp thứ hai là những trận “khủng bố’ điện thoại, rằng ông cần tôi để tâm sự, đổi lại ông có thể lo cho tôi tất cả những gì tôi cần. Những đứa con gái tỉnh lẻ quê mùa như tôi chỉ cần tiền hay ông không có gì ngoài tiền để gạ gẫm. Ông giàu đến mức nào nhỉ? Ông có thể cho tôi được mấy lần như thế?
Tôi gặp ông lần thứ ba.
Lần này tôi đi cùng một đứa bạn, tôi hẹn ông vào một quán cà phê bình thường, ông có vẻ không hài lòng vì quá đông người, ông dễ gặp người quen. Chỉ ngồi nói chuyện khoảng ba mươi phút nhưng cũng đủ thời gian cho nhỏ bạn tôi quăng được “mẻ” kha khá, mà ông vẫn đang tưởng rằng tôi “mắc câu”. Ông móc hầu bao theo lời nhỏ bạn tôi khoảng năm triệu đồng.
Sau đống hàng hóa mà tôi rinh về và đắc thắng như một chiến lợi phẩm là cảm giác thấy mình có lỗi với Quang. Tôi đang phản bội niềm tin mà Quang đã đặt trọn vẹn vào mình. Do chúng tôi nghèo, ừ, nếu Quang giàu hơn thì có thể tôi không phải lo lắng nhiều chuyện cơm áo. Có một câu nói đùa ai đó đã nói thế này “Con gái muốn có tiền thì phải hư, con trai muốn hư thì phải có tiền”, ngẫm lại quả không sai.
Nếu tôi chịu nhún nhường một chút nữa thôi, tôi biến mình thành một người bán thân lúc nào không biết, ông ta có quyền sở hữu tôi bất cứ lúc nào ông ta muốn. Tôi dám chắc một điều rằng những cô gái đã lỡ sa chân vấp ngã cũng bắt đầu ở hoàn cảnh của tôi và gặp những con người như ông ta. Chỉ có điều tôi có kiến thức và khả năng kiếm tiền một cách trong sạch ở nơi có quá nhiều cạm bẫy này.
Tôi đổi sim và thông báo rằng mình không còn sử dụng điện thoại nữa. Tôi buộc phải cắt những đường liên lạc mà ông biết, nhưng rồi tôi không thoát khỏi ông ta khi ông biết số điện thoại của tôi tại nơi làm việc. Tôi như quỵ ngã trong những ngày tìm cách thoát khỏi sự ám ảnh của ông. Tôi khinh bỉ những bài báo do ông viết, khinh bỉ luôn cái vẻ đạo mạo của một thầy giáo nghiêm nghị khi sinh viên cúi đầu chào. Nói cho cùng, dẫu ông có tài đến thế nào thì ông cũng chỉ là gã đàn ông … “ham của lạ”, sống đời sống của nhục dục không lành mạnh mà thôi. Ông đang bị tiền bạc và tình dục biến thành nô lệ.
Tôi sốt mê man đến mấy ngày.
Ông gọi điện và tôi gặp ông thứ tư.
Lần này là một khách sạn trên đường Tôn Đức Thắng có thể nhìn xuống dòng sông Sài Gòn nhộn nhịp và đông đúc (theo lời ông mô tả). Địa điểm cứ nâng cấp dần lên ở tiêu chuẩn “kín đáo” và “riêng tư”. Thế đấy, tôi cần tiền còn ông ta đang cần “tình”. Mười triệu đồng không phải là số tiền không hấp dẫn cho một cuộc gặp gỡ.
Ông đến trước khoảng nửa tiếng, căn phòng khá ngột ngạt, có lẽ đây là căn phòng rẻ tiền nhất trong khách sạn này và rất ít ai chịu ở trong một ô vuông chật hẹp như thế này, gò mình để mà … ngắm sông!
Ông nằm yên trên giường, đón tôi một cách khá nồng nhiệt nhưng chỉ bằng lời nói và không bước xuống giường. Tôi không ngạc nhiên khi ông đã mình trần như nhộng nhưng thấy buồn nôn khi tấm thân béo núc ních và tròn như một chiếc lu đang di chuyển một cách mệt nhọc.
Tôi chạy liền một mạch vào nhà vệ sinh, ngồi “câu giờ” mất ba mươi phút, chỉ rửa mặt rồi đi ra trong sự ngạc nhiên và thất vọng của ông. Tôi uống nước và bật tivi lên xem. Còn ông thì nhìn tôi và đang chờ đợi điều gì khác hơn.
Tôi vẫn không dám quay lại nhìn ông ta với mớ thịt nhão nhoét và nhùng nhằng cùng một con người bất lực chưa bao giờ điều khiển nổi chúng.
Tôi không hiểu nếu không có chút tình cảm nào thì người ta có thể quan hệ với nhau ra sao? Chỉ cần nhìn thấy trang phục “Adam” của ông là tôi nghe đầu óc quay như chong chóng rồi, âu yếm nhau thế nào được nhỉ? Đó là chưa kể đến những nguy hiểm đang rình rập mà hiểm họa của HIV là điều khiếp đảm nhất. Tôi nhìn quanh một vòng thật nhanh. Trên bàn là hai chai nước được tôi bật nắp, một cái gạt tàn thuốc, một vỏ lon bia và một chiếc hộp nhỏ, trong ấy có vài chiếc “OK”.
Mục đích của tôi là lấy tiền, còn ông thì ngược lại, nhưng ai cũng muốn đạt mục đích của mình trước nên tôi thì xem tivi còn ông thì đắp mền… ngủ. Ông đã biết tôi rất cần số tiền mà ông đã “ngả giá” trước, nếu không, một cô gái đàng hoàng như tôi sẽ không đến đây, ông … kiêu căng và mặc kệ cho tôi chờ đợi.
Mồ hôi tôi túa ra như tắm, hồi hộp, tức giận, lo sợ! Nhưng tôi biết được một điều rằng ông rất sợ người quen biết chuyện này, mà người quen của ông thì nhiều vô kể, trong ấy có những người ông không nhớ nổi tên như hàng ngàn sinh viên của ông. Còn tôi, tôi không có quá nhiều thứ cần gìn giữ như ông. Hai tiếng đồng hồ trôi qua, tôi xem hết chương trình phim của tivi thì ông có vẻ bắt đầu tức giận. Đôi mắt đỏ ngầu, nhìn như cầm dao xoáy tận “lục phủ ngũ tạng” của tôi. Tôi khẽ rùng mình nhưng cũng an tâm vì ông không thể nhanh như tôi, với tấm thân phục phịch ấy có thể làm gì hơn là rượt tôi chạy lòng vòng trong căn phòng này chừng năm phút thì ông …lên máu rồi.
Nhưng ông rất nhanh, ông đã nắm được bàn tay tôi. Ngay lúc ấy, tôi thấy trước mắt mình là ánh mắt âu yếm của Quang, rồi đổi sang cặp mắt đỏ ngầu của ông rồi lại là ánh mắt của Quang, nhưng mắt Quang cũng dần dần chuyển sang đỏ ngầu giận dữ. Tôi không còn sức lực chống trả, hai bàn tay bị khống chế, cả lưỡi cũng không nói được. Sau một hồi vùng vẫy tôi dùng tất cả sức lực của mình hét lên một tiếng thật to. Và bừng tỉnh.
Bên tôi là Quang, bàn tay tôi nằm gọn trong bàn tay Quang, ánh mắt anh hiền từ và âu yếm “Em thấy gì mà la ghê vậy?”. Tôi ú ớ vài tiếng rồi chợt hiểu ra đó chỉ là cơn ác mộng  tôi đã gặp trong lúc đang tìm cách thoát khỏi sự ám ảnh của ông. Lần gặp thứ tư ấy không hề diễn ra trong đời.
Tôi siết chặt bàn tay Quang, đưa lên môi hôn và bật khóc!.
 
Nguyễn Anh Đào