Chương 12
LỆNH BỎ NƯỚC CỜ

Lý Bá Thụy là chủ cũ của căn nhà của chúng ta? Là chồng của dì Lịch Thu? Ông ta đâu? Tại sao khi Lịch Thu từ Mỹ về lại phải thuê ở đây?” Tử Phóng nghe thấy Tư Dao nói ra phát hiện của Điền Xuyên, kinh ngạc đến mức lập tức ngồi vào trước máy tính. “Trên mạng còn tư liệu gì nữa, để tôi tra xem.”
“Lý Bá Thụy đã chết cuối năm ngoái. Khi đang đi trên du thuyền ngắm cảnh sông Thanh An thì xảy ra tai nạn, cả nhà ông ta đều chết, vợ, hai đứa con, một cháu gái bên ngoại nghỉ ở nhà họ”.
“Lịch Thu?”
“Không rõ, việc này phải làm phiền anh.”
“Đợi đã, chắc bộ não tôi trục trặc rồi. Năm người trên bức ảnh đó, ngoài Lịch Thu còn bốn người nhà Bá Thụy. Bọn họ đến Tân Thường cốc, sau này đều chết hết, lại là sự cố bất ngờ, rất phù hợp với quy luật ‘Đau thương đến chết’, nhưng người ở cùng nhà chúng ta cũng tên Lịch Thu, lẽ nào cô ta không phải là người sống?”
“Tôi cũng không trả lời nổi anh, tuy vậy cảm nhận là có thể giải thích được cảnh tượng kỳ quái đêm qua trông thấy ở ‘Thiên Phủ cẩm tú’ - cảnh Lịch Thu ăn cơm cùng bốn người vô hình. Đoán xem hôm qua là ngày gì?”
“Trời ơi, lẽ nào là…”
“Đúng, hôm qua đúng là ngày tròn một năm xảy ra tai nạn đắm thuyền, ngày hôm qua của năm ngoái, bốn người gia đình Bá Thụy và một cháu gái bên ngoại đi du ngoạn trên sông buổi sớm. Hôm đó trên sông sương mù dày đặc, nghe nói thuyền trưởng lái du thuyền đó tối hôm trước uống say mèm, chiếc thuyền đang chạy với tốc độ cao, đâm vào khung sắt của công trường sửa chữa cầu Thanh An ở giữa sông, phát nổ và chìm ngay tại chỗ. Sau này cảnh sát phát hiện ra sáu thi thể gồm cả chủ thuyền, có người vẫn kẹt trong thuyền, có người sau này mới nổi lên.”
“Tôi hiểu ý cô, nhưng vẫn muốn hỏi cho rõ, cô nghi ngờ Lịch Thu một mình trốn trong phòng bao của “Thiên Phủ cẩm tú” ăn cơm uống rượu cùng với bốn bộ bát đũa trống không, bốn bộ bát đũa đó chính là thay mặt cho gia đình Bá Thụy đã chết?”
“Tôi còn có thể suy đoán thế nào nữa đây? Anh lại có cao kiến gì chăng?”
“Tôi ngu, đâu có cao kiến gì! Nếu Lịch Thu ở trong nhà chúng ta là người sống, vậy người chết là ai, liệu có phải…”
“Nếu chúng ta không tin những chuyện ma quỷ, vậy thì, người chết trên thuyền không phải là Lịch Thu, hoặc nói rằng, vốn dĩ là Lịch Thu nhưng không biết vì nguyên nhân gì mà Lịch Thu không chết.”
“Vậy giải thích thế nào về thi thể đó? Là xác của ai? Dùng ly miêu đánh tráo thái tử à? Ly kỳ quá, không thể… Ngày mai tôi sẽ cố gắng thăm dò, xem xem người cháu gái cùng gặp nạn với gia đình Bá Thụy có phải Lịch Thu không.” Tử Phóng hơi có vẻ hậm hực, anh ta vốn có thể là người đầu tiên lấy được những tư liệu này, ai ngờ lại bị một tên “lang bạt” chui rúc trong hầm trú ẩn ở Giang Kinh suốt ngày không thấy ánh mặt trời phát hiện ra trước. Đúng là cao nhân có sẵn ở dân gian.
Tư Dao nhìn đồng hồ: “Thường Uyển đã nói chuyện với Lịch Thu một tiếng, nên kết thúc rồi, không biết cô ấy có nhìn thấy cặp kính râm đó không?”
“Cặp kính râm?”
“Là cặp kính mà ‘Lịch Thu’ trên ảnh đã đeo, chụp chung với gia đình Bá Thụy, nhớ chưa? Đó là cặp kính gọng tím rất to, mắt kính rất rộng”.
Đang nói chuyện, tiếng bước chân “cộc cộc” ở tầng dưới vọng lên, chắc chắn là Thường Uyển.
“Mình thấy rồi, mình thấy rồi!” Thường Uyển hưng phấn đến mức gần như reo lên.
“Cậu khe khẽ một chút được không?” Tư Dao làm dấu tay. “Thấy cái gì?”
“Đúng cặp kính râm đó, gọng to màu tím nhạt, mắt kính rộng.”

*

Ông nhìn tấm bản đồ thế giới trên tường, hồi lâu không rời bước. Khi ông còn trẻ, sôi nổi khát khao, đã từng rất mong được đi khắp toàn cầu để làm phong phú thêm kiến thức. Lúc đó còn nghèo rớt, ngay một quyển sách mới ông cũng không mua nổi. Còn hôm nay, tiền đã không còn là vấn đề với ông nhưng mỗi khi nghĩ đến chuyện đi du lịch, ông lại luôn bận tâm đến trăm mối ngổn ngang quanh minh. Ông cảm thấy mình đã xây dựng một vương quốc, nhưng ông - một “quốc vương” lại bị nhốt trong “thành bị vây”, chỉ e hễ ra khỏi, thì nội loạn sẽ nổ ra, bên ngoài thì quân binh áp sát.
Tổng kết một cách đơn giản là ông không có thời gian hưởng phúc thanh nhàn.
Ví dụ như lúc này, Dương Tín Chí xin vào gặp. Tín Chí rõ ràng sẽ mang đến một tin tức mới. Hắn là người ông rất tin cẩn. Nghĩ tới đây ông thậm chí còn thấy bùi ngùi chua xót. Đúng, người ông tin cẩn nhất lại không phải là người hàng ngày sống cùng ông. Tín Chí có đủ khả năng độc lập làm việc, nếu hắn xin vào gặp khẩn cấp chắc chắn là đã đụng phải vấn đề nhức nhối.
Tín Chí vẫn đến cửa phòng làm việc của ông đúng giờ. Đúng giờ hình như là một phẩm chất đi kèm theo con người Tín Chí. Hoặc nói rằng, đó là thể hiện phong cách làm việc không chút cẩu thả.
“Chú ơi, xin lỗi chú, cháu phải gặp chú, nhưng chỉ lo là sau khi báo cáo, chú sẽ thấy là tại sao một việc nhỏ như vậy mà cháu cũng giật mình hoảng sợ”.
“Kìa, anh chàng này! Ta còn không biết hay sao, những việc ta nhờ cháu làm chẳng có việc nào dễ như trở bàn tay cả, nhất là việc này, bất kể là người trong cuộc hay ngoài cuộc đều có cảm giác xa vời khó hiểu, những gian nan đó ta đều hiểu cả”.
Tín Chí cảm động nhìn ông: “Vậy thì cháu có thể nói thoải mái rồi. Cháu cảm thấy hình như sự việc mỗi lúc một lớn hơn.”
Ông cau mày, nhận thấy nét sợ hãi trong câu nói của Tín Chí, đây là một dấu hiệu nguy hiểm vô cùng. Ông không nói gì, lặng lẽ lắng nghe.
“Giảng viên học viện âm nhạc Giang Kinh tên là Lịch Thu, là cháu của vợ Lý Bá Thụy. Trước đây Bá Thụy sống ở Philadelphia, Lịch Thu đã từng ở nhờ nhà ông ta, tình cảm rất sâu sắc. Khi Bá Thụy gặp nạn, Lịch Thu bèn về nước, cố ý thuê một phòng trong căn nhà cũ của ông ta, không biết có dụng ý gì. Không may nhất là, Tư Dao hình như đã nắm bắt được quan hệ này, cô ta đang gấp rút điều tra thân phận của Lịch Thu.”
“Thảo nào cháu hơi căng thẳng, đúng là một điều bất ngờ! Sự việc không đơn giản đâu, tại sao Tư Dao bỗng nhiên có hứng thú với mối quan hệ giữa Lịch Thu và Bá Thụy?”
“Đây rõ ràng là một điểm nghi vấn, chắc chắn không phải ngẫu nhiên. Thậm chí giờ đây cháu còn nghĩ rằng, những điều Viên Thuyên biết không nhiều như chúng ta tưởng tượng, vì vậy Tư Dao cũng không có quá nhiều phát hiện mới. Nhưng điều cháu sợ là, xem ra cô ta là một người cố chấp, nẻo đường sống của cô ta nếu đan chéo với bí ẩn về cái chết của cả nhà Bá Thụy, rất có khả năng cô ta sẽ tìm ra sự thật. Sự việc ngày càng phức tạp, đối với chúng ta đương nhiên cũng sẽ ngày càng bất lợi.” Tín Chí căng thẳng nhìn bậc bề trên mà mình nể sợ.
Ông đi đến bên giá sách, ngắm nghía chiếc hũ rượu đồng thời Tống hôm qua vừa sưu tầm được ở chợ bên ngoài Khổng miếu, trầm ngâm suy nghĩ, bắt đầu xem xét một cách nghiêm túc tính nghiêm trọng của sự việc.
Dưới vòm trời này người thông minh quá nhiều, kẻ tham lam càng lắm nên mới diễn biến như cục diện hôm nay. Trước đây vương quốc của ông trời yên bể lặng, nắng xuân tươi đẹp thanh bình. Quốc vương như ông đáng lẽ phải được đi chu du các nước, thưởng ngoạn phong cảnh mọi nơi, ai ngờ lại xảy ra những chuyện đã bước chân đi là không thể quay lại đó. Lý Bá Thụy, Viên Thuyên và cả Mạnh Tư Dao hôm nay, lần lượt, từng người như những quân cờ bị đẩy vào tàn cục này, đang đều cố gắng kiểm soát số mệnh của mình.
“Có lẽ vào thời điểm then chốt chúng ta đành phải tạm vứt bỏ nhu cầu, mau chóng bỏ nước cờ!” Câu nói vừa thốt ra, ông thầm cảm thấy kinh ngạc. Từ khi nào mình lại nói thẳng những suy nghĩ của mình ra thế? Là dấu hiệu của tuổi già ư?
Câu nói này cũng khiến Tín Chí kinh ngạc, không phải ngạc nhiên ở chỗ người thày, người lãnh đạo, người cha nghiêm khắc này làm việc quyết đoán dứt khoát, mà là vì ông lại nói thẳng ra suy nghĩ của mình như vậy. Những người đồng liêu của Tín Chí đã nói nhỏ với nhau, ông chủ dù vẫn quả quyết không kém trước đây, nhưng bao năm trù hoạch kế sách, phải tự tay làm nhiều việc khiến ông dần dần lộ ra dấu hiệu mệt mỏi của tuổi già. Nhưng, ông vẫn chưa đến sáu mươi kia mà?
Tín Chí lại tập trung sự chú ý vào mấy chữ “mau chóng bỏ nước cờ”.
Đây đã không còn là một tín hiệu mà là một chỉ thị rõ ràng, mệnh lệnh ra tay.
“Cháu sẽ lên kế hoạch tỷ mỷ, gắng sức làm chu đáo vẹn toàn”.
“Đừng quên phải biết bảo vệ mình, không nhúng tay vào máu… Ta gửi gắm ở cháu niềm hy vọng rất lớn, sự nghiệp của ta phần lớn đều là sự nghiệp trong tương lai của cháu.”
Câu nói này của ông khiến Tín Chí rơm rớm nước mắt.