Trong kho tàng chứa đựng những văn thư được xếp vào loại “bất tử”, quyển sách nhỏ này có một địa vị riêng biệt, và có lẽ là độc đáo nữa. Ta có thể ruồng bỏ coi như một “thiên tiểu luận ác nghiệt” viết ra do mối cảm hứng của một bộ óc vô liêm sĩ ưa gây rối. Ta cũng có thể coi đó là một áng văn chương tuyệt tác về chính trị. Nhưng từ xưa đến nay, khi đã cầm quyển sách, độc giả không thể không đọc cho kỹ từ đầu đến cuối, không thể lơ đễnh gạt bỏ nó được. Cuốn sách này không còn tính chất mới mẻ nữa - cũng như nhiều tác phẩm bất hủ khác - nhưng nó vẫn giữ đủ quyền năng làm ngây ngất trí óc ta. Tôi biết như vậy, nhưng tôi không chắc là mình hiểu vì sao.Trong trí tôi nảy ra câu trả lời: Cuốn Quân Vương là cuốn sách có tính chất có minh bạch hiển nhiên làm chói mắt mọi người và các học giả cũng như những độc giả tầm thường chỉ phí công khi muốn tìm hiểu sự huyền bí của nó, tác giả Machiavel muốn nói lên những gì? Ông muốn giáo huấn Vua hay là nhân dân? Ông đứng về phe nào? Phe độc tài chuyên chế hay phe Cộng hòa? Hay là ông chẳng ở phe nào cả?Ngày nay ta không còn có thể chấp nhận lời diễn giảng độc ác, nhưng thiên lệch của triết gia J. J. Rousseau.Ông này đã viết trong một đoạn cước chú ở cuốn Xã Ước (Contrat Social) rằng: Machiavel là một người lương thiện và một công dân tốt, nhưng khi mang thân phục vụ cho triều đình họ Medicis, dưới sự áp chế của chính quyền, ông buộc phải trá hình tình yêu, tự do của ông. Riêng việc ông chọn một nhân vật ghê tởm khả ố (Borgia César) làm vai chính chứng tỏ thâm ý của ông. Sau khi đối chiếu, so sanh những tư tưởng trái ngược nhau của cuốn Quân Vương này và những cuốn Discours sur Tite Live và Histoire de Florence, ta sẽ thấy rõ ông là một chính trị gia uyên thâm và các độc giả cứu xét một cách hời hợt, với thành kiến thiên lệch những tác phẩm của ông. Triều đình La Mã cấm ngặt không cho sách của ông được phát hành, bởi vì ông ta quá rõ cái triều đình ấy.Không, không hề có sự trái ngược giữa hai cuốn Quân Vương và Les Discours sur Tite Live. Machiavel yêu quý tự do và ông không giấu diếm gì mối tình cảm đó. Nhưng nếu muốn lập một quốc gia mới, hoặc đánh đuổi hết bọn xâm lăng dã man ra khỏi đất nước thì nền tự do của một dân tộc hư hỏng thối nát cũng bất lực trước việc này. Ai lý luận theo thuyết Aristote để phân tách kỹ càng những phương cách duy trì một chế độ chuyên chế tàn bạo, họ sẽ không ưa gì chế độ này và ghét thêm những âm mưu của những kẻ làm suy đồi đạo lý phong tục của dân chúng địa phương để mong dễ bề đặt ách thống trị ác ôn.Để tìm hiểu thực nghĩa của cuốn Quân Vương và chủ tâm tối hậu của Machiavel không thể kết thúc vội vàng như vậy được. Ta tìm hiểu bằng biện chứng pháp. Đáp một câu hỏi tức là lại gây thêm những câu hỏi khác, rồi lẩn quan có lẽ ta lại trở lại điểm xuất phát, trở lại câu hỏi đầu tiên, mỗi lần nhắc lại, nó trở nên tế nhị thêm lên. Machiavel con người của huyết thống cao quý ưa chuộng tự do và oán ghét độc tài chuyên chế - nhưng ông có nhiều kinh nghiệm nhờ đọc sử và nhờ hành động, ông hiểu biết dòng biến chuyển của cuộc đời, tính chất bất nhất của quần chúng, căn bản mong manh của chính quyền. Không ảo tưởng, không thành kiến, ông khảo sát tất cả các chế độ chính quyền, chia sắp thành loại, đặt ra những định luật - những định luật khoa học chớ không phải là những định luật đạo đức - và mỗi lãnh thổ phải được chiếm cứ hoặc được cai trị theo định luật đó. Nếu có phải vì thực ông chỉ chú trọng vào những lãnh thổ mới chiếm cùng những lãnh thổ suy nhược và nếu vì ông hơi tỏ vẻ ngưỡng mộ César Borgia cùng những thủ đoạn của hắn, như chúng ta đã chê trách ông, thì thật là nhầm to. Một ông thầy thuốc cũng vậy, mất nhiều thì giờ để nghiên cứu các bệnh tật hơn là để nghiên cứu một cơ thể khỏe mạnh. Thật vậy, nghiên cứu những căn bệnh lý thú hơn là một cơ thể lành mạnh nhiều. Đáng lưu ý hơn nữa là vì có bệnh thì mới mời thầy. Lý thú hơn là khi có bệnh phát sinh thì thầy thuốc mới chịu tìm kiếm, khám phá ra những giềng mối điều hành của các cơ năng trong cơ thể con người. Vậy đã có ai chê trách ông thầy thuốc thích bệnh tật hơn là sức khỏe đâu? Nói cho cùng, lỗi đâu phải tại Machiavel, nếu tình trạng phong hóa dân tộc Ý Đại Lợi thời đó đúng như ông tả cả.Lý luận biện chứng đến đây, người diễn giải cảm thấy lập trường ở trên là vững chắc. Tôi khỏi cần phải gán cho tác giả khả năng biết che đậy một cách bỉ ổi hay siêu việt, Machiavel đã trở nên một nhà bác học và trong cái thế kỷ đang say mê khoa học này dùng danh hiệu đó tặng ông là quá đủ rồi. Michiavel là người sáng lập nghành khoa học chính trị. Oscar Morgentern lấy làm tiếc rằng các nhà chuyên môn hiện nay về khoa học chính trị không mang hết những châm ngôn của Michiavel ra phân tách kỹ càng để chọn lựa ra những điều có thể mang áp dụng được.Độc giả đọc lại chương VII thấy kể công của César Borgia như sau đây: Sau khi chiếm cứ toàn cõi xứ Romange, Công tước Borgia thấy xứ này trước kia bị thống trị do một bọn Tiểu vương không có đầy đủ uy quyền, họ chỉ bóc lột nhân dân chứ đâu phải là cai trị... Công tước xét thấy cần phải dẹp yên bọn này, bắt họ quy thuận cả vào uy quyền thế tục của Ngài, rồi sẽ thành lập cho họ một cơ cấu chính quyền hoàn hảo hơn, Ngài giao phó trọng trách cho Messire Ramy d’Orque một nhân vật độc ác và nóng tính, toàn quyền hành động. Trong một thời gian ngắn trên toàn xứ công cuộc bình định và thống nhất được hoàn tất đem lại vinh dự lớn lao cho người phụ trách.César Borgia đã tưởng thưởng bậc công thần này bằng cách nào?Ngài muốn tỏ cho tất cả ai cũng tin là trong thời gian bình định nếu có những biện pháp quá khắc nghiệt, không phải tự Ngài ra lệnh mà do thú tính của kẻ thừa hành. Thế là đột nhiên trong một buổi sáng kia Ngài nghiêm lệnh mang vị công thần chặt thây ra làm hai mảnh vứt phơi ở giữa công trường bên cạnh một cái thớt thái thịt và một con dao đẫm máu. Cảnh tượng khủng khiếp ấy làm cho nhân dân ngẩn ngơ sửng sốt nhưng cũng lại có vẻ hài lòng.Đó là tất cả bí quyết của lối trình bày trắng trợn của Machiavel. Không có gì giản dị hơn, thuần lý và và hữu hiệu hơn là bài học chứa đựng trong câu chuyện kể trên. Đừng sợ bị chê trách là quá kiêu kỳ, ta cứ thử phiên dịch chuyện này bằng một ngôn ngữ trừu tượng xem. Muốn mang lại thanh bình, trật tự đến cho một lãnh thổ đương sống trong cảnh chém giết, cướp bóc lẫn nhau thì chỉ một tay lãnh tụ tàn ác và mẫn cán là đáp ứng nổi các nhu cầu khẩn thiết. Tới giai đoạn sau, khi thái bình trở lại thì phải thay thế ngay một vị quân dân chính có đức độ mới có lợi cho tình hình chung trong xứ. Thật thế, trong thời gian cai trị, vị lãnh tụ tàn ác và mẫn tiệp tất đã phạm nhiều điều làm cho dân oán ghét. Khi ấy không có kế nào hay hơn cả, hy sinh cá nhân này, đưa ra chịu đựng, đón nhận sự phẫn nộ của dân chúng, dân chúng vốn vẫn bạc bẽo xưa nay. Thủ đoạn khủng khiếp này cốt để cho Đức Vua (trong việc này là César Borgia) tỏ ra là mình vô tội trong những hành vi tàn ác mà kẻ thừa hành đã nhân danh phạm phải. Làm sao ta phản đối những lý lẽ chính xác như thế được? Có lẽ ta không thể phản đối nổi. Nhưng cũng không dễ gì bắt ta phải tán thưởng, hưởng ứng những thủ đoạn ấy.Thì ra các xã hội cổ xưa cũng đã biết đến kỹ thuật dùng nhân vật “bung xung” rồi đấy. Kỹ thuật này đối với các Vua Chúa thì hiển nhiên là hữu lợi chắc chắn rồi. Sự thành công liên tiếp của kỹ thuật này có đủ để cho các danh sư chữa bệnh cho các cơ chế xã hội mang khuyến cáo áp dụng không? Xin nhắc sau đây một đoạn văn của Machiavel: “... muốn chiếm giữ những lãnh thổ đó được chắc chắn chỉ việc tiêu diệt hết nòi giống của vị Chúa trị vì”. Đó có thể gọi là một lời “khuyến cáo” khả dĩ thi hành được không? Lời khuyến cáo này có thể là hay cho giai đoạn cấp thời và hay khi ta muốn thấy hiệu nghiệm ngay, cũng như thủ đoạn giết bỏ công thần sau khi vị này đã lập lại trật tự quá nhanh đến nỗi gây oán hận trong nhân gian.“Con người vẫn chỉ là con người”. Những điều mà kinh nghiệm ở đời dạy ta không bao giờ phù hợp với những điều mà các nhà đạo đức khuyên bảo ta.Đến đây ta thấy một câu hỏi đột nhiên xuất hiện: có phải Machiavel lấy làm thích thú khi ông dặn người ta rằng những phương pháp hữu hiệu trong lãnh vực chính trị đều trái với những giáo lý của Thánh Đường? Cách chọn những nhân vật điển hình đã tỏ lộ cho người ta thấy là ông đã cương quyết chấp nhận một hình thức “chính quyền theo kiểu Florence”, Sự thật hiển nhiên là các Quốc gia đều phát sinh ra do một cuộc bạo động. Vậy những người sáng lập ra các Quốc gia tức là những người có trách nhiệm xây đắp chống đỡ những công trình kiến trúc - những tập đoàn nhân dân - rất mảnh dẻ, tất nhiên họ bị dồn vào cái thế phải dùng bạo lực.Nhưng đến khi ta xét tới cách thức của Machiavel bênh vực và làm rạng danh những vị kiến trúc sư xây dựng lịch sử mà ông đã kể tên trong sách, ta phải tự hỏi: Machiavel muốn thúc đẩy người ta Bá đạo hay Vương đạo (vào đường tội lỗi hay đường đạo đức), khi áp dụng cái quyền thuật mang danh ông, “quyền thuật Machiavelisme”, hay chế độ Cộng Hòa Nhân Dân?Có phải đôi khi ông dựa vào giáo lý Gia Tô che đậy bớt sự trắng trợn tàn bạo trong thuyết của ông, hoặc để có dịp cho tư tưởng của ông được phát triển ra ngoài vòng gò bó bởi những sự thực của khoa học? Để kết thúc, ta tự hỏi có phải Machiavel có ý định machiavilique không, khi cố che đậy bớt phân nửa bộ mặt vô luân của thuyết chính trị do ông đẻ ra, hoặc bằng cách gán cho nó một căn bản gồm những nhận thức khách quan, hoặc bằng cách tự thú là đắc tội nhưng bắt buộc phải làm?Sau hết, những người lưu tâm khảo sát các gương lịch sử bằng con mắt khác với Machiavel không thể mờ ám đến nỗi không trông thấy những thành công của độc ác, của nham hiểm. Jacques Maritain mang dòng biến chuyển vô tận của lịch sử để chống lại thuyết Machiavel. Ông nói: “Cái tối hảo hữu thời trong đó nền công lý Quốc gia được nảy nở, và cái tối hủ hữu thời trong đó những bất công, những hà khắc tràn lan. Hai điều đó có thể khác hẳn với những kết quả cấp thời mà trí óc con người có thể tiên liệu được và chính mắt được nhìn thấy. Thực vậy, ta thấy rất khó phân riêng ra từng tác động có căn nguyên xa lắc ở ngược dòng lịch sử. Khó cũng như khi ta đứng ở cửa sông mà muốn biết trong bát nước vừa được múc lên có chừng này nước từ nguồn này chảy tới, có chừng kia nước từ lạch nọ chạy lại...” Lý luận của Maritain như trên cũng không đủ thuyết phục được tôi. Nhà triết học Maritain chỉ nhắc tôi rằng: Cách diễn giải những sự kiện chính trị của Machiavel không phải là cách diễn giải độc nhất và cách diễn giải này phải bắt nguồn từ một ý định nào đó. Vậy ý định đó là gì? Thế là bây giờ, ta ở vào vòng quay luẩn quẩn rồi đó, bởi vì ta có thể đưa ra rất nhiều câu trả lời. Machiavel đã diễn giải như vậy là vì do tình thế bắt buộc, do công việc ông làm là một dự án khoa học, do ông muốn tìm kiếm căn nguyên của những tình thế căng thẳng, do ông chán nản nhân tình thế thái, do ông có tư tưởng Cộng hòa hăng hái, hay do ông có thiện chí muốn thống nhất Quốc gia Ý sau khi đã được giải thoát khỏi ách thống trị của bọn man rợ xâm lăng?Tất cả những câu trả lời trên đây đã được lần lượt đưa ra do các nhà phê bình đủ các loại. Dù đã có từng ấy câu trả lời, nhưng cho đến nay, cuộc phê bình vẫn bình thản tiến hành không ngừng: Chính trị là hành động nào cũng hướng về thành công. Nếu sự thành công cũng đòi hỏi đến những biện pháp trái đạo lý, thì vị Quân vương có phải khước từ sự thành công không? Có chịu nhúng tay vào nhơ bẩn không? Có chịu hy sinh tâm hồn cao thượng để cứu vãn Quốc gia không? Đứng giữa ngã ba đường, vị Quân vương phải ngừng ở đâu trên con đường mà bắt buộc ông ta phải theo? Vị Quân vương có dám từ chối sự man trá nếu nói thật ông ta sẽ tự chuốc lấy thảm bại?Tôi viết bài này hồi tháng 3 năm I962. Đúng ba năm rưỡi kể từ ngày một nền Cộng hòa bị bại tàn vì không giữ nổi xứ Algerie cho Pháp quốc. Những kẻ sáng lập nên nền Cộng hòa kế hậu cũng vẫn lỳ gan theo chính sách của bọn người cũ mà họ đã chửi rủa. Nhưng nếu cần phải hô lớn, kêu to “Algerie là đất Pháp” để mưu việc đưa De Gaulle lên nắm chính quyền, và nếu xét việc trở về điện Elysée của con người cô đơn đất Colombey là cần thiết cho quyền lợi chung Quốc gia Pháp thì những kẻ chủ trương đã lạm dụng lòng ngay thẳng, trung thành của đồng đội và làm sai lạc mục tiêu tranh đấu của dân chúng. Thế có phải là họ đã tự nguyện làm hoen ố tính danh của họ để phục vụ quyền lợi Quốc gia không?Hay là ta phải nói cũng những lãnh tụ cai trị chỉ có thể phục vụ đầy đủ quyền lợi Quốc gia, nếu họ coi thường danh dự của chính họ - nhưng ai đứng ra xét đoán danh dự họ? Và dân chúng có còn giận hờn nữa không, khi họ thấy sự lừa dối họ đã mang lại thành công tốt đẹp cho Quốc gia.Machiavel quả đã có can đảm bảo vệ đến cùng cái luân lý hành động do ông đề ra và khi muốn chống đối lại ta chỉ cứ lẩn quẩn trong một mớ câu hỏi mà ta cũng không trả lời nổi.