Niên học hết, mùa hè đã tới, những trận mưa đầu mùa đổ xuống vào buổi chiều. Một trận mưa giông dữ dội tối sầm căn phòng học rộng làm chỗ liên hoan từ biệt của một lớp học lớn tuổi. Mưa đột ngột làm ồn đám vui, đèn được bật lên tạo một thứ ánh sáng giả trái thời, một không khí biệt lập giăng đầy những ảo ảnh. Không ai nghe thấy gì ngoài một cơn náo động hoài hoài. Tôi quay sang thằng con ngồi bên hỏi: "Anh có định đi chơi đâu không?" "Có lẽ tôi lên Đà Lạt nghỉ chừng một tuần. Còn phải về dạy lớp hè nữa chứ". Thằng con nhìn tôi, cái nhìn thẳng, thực tế. Nó biết thừa câu hỏi của tôi chỉ là một cái cớ, tôi muốn gợi chuyện khác. Nó là một thằng con trai tốt, đón trước ý định của tôi, và không khi nào chuyện ấy phải khui ra sỗ sàng giữa bố con. Tôi quay nhìn người học trò đang gào thét một bài hát lạ tai ở trên bục, bỏ mặc cho thằng con ngó mình. Nó đang tính toán, một bài tính nhẩm trong đầu, đo lường, cân nhắc sự cần thiết của tôi và giới hạn lòng tốt của nó. Nó rút trong túi một bao thư và kín đáo đặt vào tay tôi buông thõng khuất sau bàn giấy. Tôi nắm chặt món tiền và dấu vào túi quần. Học trò hò la các thầy chung vui với chúng. Thằng con tôi ngó vào tôi và tất cả các cặp mắt trong phòng đều dòm theo. Tôi phải đứng dậy bởi trong lớp này chỉ có hai chúng tôi, thằng con tôi nó không biết làm gì trước đám đông trừ việc cầm cục phấn giảng bài trên bảng. Tôi ngâm một bài thơ cổ với giọng cảm khái. Mọi người im phắc, mưa trút nước ở ngoài và nước mắt tôi rưng rưng. Thằng con tôi mỉm cười, nụ cười vắng vẻ. Tôi cũng nhìn nó và hài lòng thấy nó xúc động. Nó là giáo sư toán học nổi tiếng ở các trường lớn, kiếm nhiều tiền, có xe hơi, nhà sang, sống đời độc thân phóng túng. Nó lớn lên, bước vào đời được ưu đãi, bỏ quên ngay cái tuổi thơ khốn khổ. Sự phong lưu ôm kín lấy nó làm nó phiền muộn, tôi hiểu thế. Những giấc mộng của tuổi thanh niên được thành hình mau chóng dễ dãi bằng tiền rồi được ném tung cho bay biến vào những canh bạc, những cuộc cời. Chính nhờ nó mà tôi mới có mấy giờ dạy ở trường này sống qua ngày. Tôi nhìn nó, vẻ mặt gân guốc mờ mờ, vẻ mặt phô ra đó không còn gì chứa dấu, mọi điều đã hiện thực thành cuộc sống nó đang sống, một người lạ ngang với tôi, có thể hơn tôi, và tôi không có thứ quyền hành nào với nó. Bởi chính tôi… Bài thơ dứt, bọn học trò phá động rầm rầm và đòi được nghe nữa. Bài thơ thứ hai, tác động đối với tôi cũng như với người khác sút giảm nhiều. Tôi đọc và bắt trí nhớ, thằng con nhìn cửa sổ, học trò thì thào đâu đâu. Tôi nghĩ ra sự xúc động của tôi lúc nãy, của thằng con tôi, chỉ là một thứ "réflexe conditionné". Con chó nghe chuông rung ứa nước miếng. Và khi con chó đã bị đánh lừa nhiều lần thì nước miếng cũng phải cạn đi chớ. Tôi đã lầm, bài thơ không khơi dậy ở tôi, ở con tôi một giấc mộng nhỏ nào, những giấc mộng của tôi đã tan theo khói thuốc, của con tôi đã bay theo giấy bạc. Thằng con tôi đứng dậy trước kiếu từ mặc dù trời còn mưa, tôi đứng lên theo. Nó nói bên tai tôi: "Tôi đưa bố về". Tôi đi theo nó lặng lẽ, xuống hết cầu thang gác ra hành lang đến chiếc xe hơi đậu sát đó. Nó mở cửa phía sau cho tôi lên. "Anh mới đổi xe". Nó gật đầu và mở máy. Đến một ngã tư, nó cho dừng xe lại và gọi một thiếu nữ đang trú mưa bên hè. Cô ta lên ngồi phía trên với nó và dường như không thấy tôi, có lẽ tôi ngồi co ro trong góc nệm. Tôi cũng không trông thấy mặt cô vì cô trùm chiếc áo mưa đỏ, xét dáng đoán chừng cô còn đi học. Có lẽ cô là học trò và cũng là tình nhân của thằng con tôi. "Anh vừa ở trường về? Bao giờ anh đi Đà Lạt?" Cô ngúng nguẩy rũ rũ mái tóc làm tôi bắt nhớ đến người đàn bà mấy mùa hè trước. Điêu ngoa, điệu hãnh, nhún nhảy. Nhưng cũng dại khờ non nớt biết mấy. Thằng con tôi không trả lời, nó nhìn thẳng cái chùi kính đang sè sè gạt nước ở trước mặt. Cô gái thoáng liếc thấy bóng tôi và chúng tôi im lặng. Thằng con đưa tôi vào đến tận ngõ nhoài người mở cửa cho tôi xuống. Tôi nói: "Cám ơn anh". Bước dài vào một mái hiên, tôi đứng nhìn chiếc xe lùi ra khỏi ngõ. Tôi có cảm giác thảnh thơi hớn hở, của người đang đi tới chốn hứa hẹn. Thế là xong, hè rồi tôi được hoàn toàn của tôi. Tôi mở cửa, bước lên gác, thay quần áo, thắp ngọn đèn, nằm xuống bên mâm thuốc, hút bữa chiều. Và rồi tôi sẽ ngủ yên giấc. °Đối với tôi, trong chuỗi ngày phẳng nhẵn, hun hút như con đường mòn trong rừng già, một tháng hè là một khoảng trống đặc biệt như rừng bỗng thưa ra ở đó cho nhìn thấy trời thấy mây thấy nắng. Mùa hè Sài Gòn là mùa hè ẩm ướt. Gian nhà của tôi nhỏ hơn chật hơn tối hơn vì những trận mưa dài miên man, gian dưới bỏ trống thường xuyên, đồ đạc bụi bậm luộm thuộm, một cái sân vuông nhỏ như tấm khăn tay, một cái nhà cầu, một cầu thang gỗ dốc ngược, gian gác gần sát mái không đồ đạc nằm duỗi chân hết chiều ngang, tôi lẩn lút thấp thoáng trong đó chậm chạp như một con chuột không gây tiếng động. Cả một tháng tôi ở yên không bước chân khỏi cửa, ngày hai bữa đứa nhỏ bên hàng xóm gõ vào vách gỗ đưa cà mèn cơm qua phần hở trên đầu vách ngay chỗ tôi nằm, tôi chỉ việc khom lưng đỡ lấy. Buổi tối khuya trước khi hút bữa cuối, tôi xuống mở sẵn cửa cho người gánh nước quảy vào một đôi nước. Tôi nằm đó, bên bàn đèn, yên tĩnh ngơi nghỉ hoàn toàn không còn bị khuấy động chút nào vì công việc vụn vặt là mấy giờ đến lớp đứng trước mặt một đám học trò quậy phá như một cơn ác mộng. Gần hết hè thằng con tôi sẽ trở lại một ngày nào đó, đưa thêm tôi một món tiền nhỏ nữa và báo cho tôi những giờ tôi được mời và đã được xếp trước cho năm tới. Tôi tiêm cho nó hút vài điếu, nhìn nó vụng về lúng túng không biết cách nằm, không biết cách hít vào cho đều, phun khói phì phì, đỏ mặt, ụa mửa. Lần đầu nó từ chối, bây giờ thì không, mỗi năm đến thăm tôi vài lần nó đều hút cho tôi vui lòng. Tôi đã nói: "Không phải cứ hút một vài điếu là nghiện đâu mà sợ. Anh biết tôi chỉ mới nghiện thực thụ hai năm nay. Vậy mà anh biết tôi chơi từ bao giờ không? Từ năm anh chưa ra đời. Không phải ai cũng nghiện cả. Người ta có ý chí là vượt được hết. Tôi chỉ nghiện khi tôi nghĩ rằng đời tôi không còn gì đáng kể nữa". "Mộng ước, danh dự, lý tưởng tôi cho là hão hết. Mà còn hèn nhát, còn tham sống thì phải tìm tới đam mê. Anh còn trẻ, anh còn nhiều ràng buộc, anh còn danh dự để thể hiện, còn nhiều mộng, còn lý tưởng còn đam mê, không khi nào anh nghiện được cả. Tôi già rồi, tôi gần năm mươi tuổi, chỉ còn "cái này" là thứ đam mê hợp nhất. Anh thấy không? Nó là thứ đam mê lặng lẽ, sáng suốt. Ông nội của anh xưa kia cũng chơi từ trẻ, rồi bỏ mấy chục năm không thèm sờ đến dọc tẩu đến sáu mươi mới nghiện thực. Tùy anh hết, nghiện hay không là do nơi anh". "Đến phiên tôi, lỡ tôi nghiện từ năm ba mươi tuổi thì sao" – Thằng con tôi trả lời, nó cười hơi gằn – "Ông sáu mươi, bố gần năm mươi và tôi ba mươi". "Tôi không mong như thế. Ba mươi tuổi nghiện là đại họa thiệt thòi hết chỗ nói. Ba mươi tuổi người ta mới bắt đầu thành hình, lúc ấy người ta mới khám phá ra tình yêu. Tôi còn chậm nữa, gần năm mươi tôi mới biết yêu. Yêu là một sự giản dị tầm thường không phức tạp như tuổi trẻ tưởng tượng rắc rối. Yêu là… là hiện hữu ở ngoài mình và ở trong sự hiện hữu của người khác. Và người khác ấy tiên quyết không phải là cái bóng của mình hay của bất cứ cái gì. Và trong tình yêu như thế anh đạt được cái trạng thái của Lão "Tâm hư", đạt được mọi sự… Chậm, chậm quá, tôi nghiện mất rồi và cái "Tâm hư" ấy tôi tìm thấy ở thuốc phiện…" Tôi bừng tỉnh, cái dọc tẩu cầm nguyên trên tay và thuốc đương cháy xèo xèo. Thằng con trố mắt nhìn tôi như một thứ quái thai. Tôi kịp ngừng lại, suýt chút nữa tôi kể lể hết với nó và không hiểu nó sẽ nghĩ thế nào. Kể cũng lạ, không riêng nó mà hết thảy mọi người, người ta có thể chấp nhận cái việc tôi nghiện nhưng không thể nào cho rằng tôi có thể yêu. Dường như từ bao nhiêu đời nay tình yêu là cái món dành cho tuổi trẻ, sự đam mê như một cơn sốt run rẩy của khí huyết phương cương. Đến một độ nào đó yêu là sự lố bịch, là bệnh hoạn, là vô luân, là quái vật. "Tâm hư" là trái tim đã hỏng". Thằng con tôi riễu cợt. Nhưng tôi biết nó muốn được nghe câu chuyện, muốn được biết cái kinh nghiệm của tôi, vì nó cũng hiểu có thể chỉ là lần duy nhất bố con chuyện trò lâu và xa như vậy. "Tôi nói cho anh nghe. Bố tôi lấy vợ cho tôi từ năm tôi mười sáu tuổi khi tôi đang học năm thứ nhất. Vợ nhà quê, người cùng làng. Đám cưới xong tôi bỏ nhà đi mất, sống lang thang rồi gặp mẹ anh. Tôi yêu mẹ anh bằng cái thứ tình yêu ở tuổi anh bây giờ. Cho nên… cho nên… tôi không khi nào phiền trách mẹ anh. Tôi buồn, tôi có buồn chứ. Hồi ấy tôi cũng đã có ý định tự tử. Anh đừng tưởng tôi sắp sửa tìm cách đổ lỗi rằng sở dĩ ngày nay tôi thân tàn ma dại thế này là vì mẹ anh gây ra. Không phải, tôi không hèn như thế đâu. Tôi đã nói chính tôi muốn nghiện và tôi mới nghiện đây thôi. Chính tôi với mẹ anh đã làm khổ anh vì cái tình yêu đần độn của chúng tôi. Cho tới sau này tôi mới hiểu…" Tôi ngừng lại không nói nữa, tôi nhất định kìm giữ. Thằng con tôi ngoảnh mặt chỗ khác. Cái kinh nghiệm không thể nói ra, nó không hiểu nổi. Phải. Cho đến khi gặp nàng tôi mới biết yêu, yêu thực lần thứ nhất và lần chót, khi nàng đi mất tôi cay đắng nhận ra rằng sự may mắn chỉ đến với mỗi người một lần trong đời. Thật là buồn cười không tin được. Nhưng sự thực như thế đó. Mỗi mùa hè, bên ngoài trời mưa, tôi nghe trong tâm hồn phảng phất một ngọn lửa nhỏ lùa hơi ấm trong cái con người đã kiệt quệ, tôi đê mê nằm im cùng với khói thuốc ủ lấy ngọn lửa ấy ru mình vào cõi hư vô huyền hoặc. Hình bóng nàng có thể ngày một nhạt dần trong trí nhớ nhưng ngọn lửa ủ kia vẫn được khơi dậy khi mưa đổ, nhất là những lúc nửa đêm, ngọn đèn lay lắt, mưa vỗ rào rào trên các mái tôn trong xóm. Tình yêu đó ngắn ngủi, ít nói, không dồn đọng bên ngoài thành lời, nó thanh thản mềm mại như khói thuốc. Mỗi mùa hè, trong những lúc xuất thần, tôi vẫn thấy thân tôi rung rinh như nàng cùng đi chân không trên ván gác ở khít vách. Tiếng thở dài của nàng như một hơi gió trên bến sông xa. Tiếng kêu nhỏ ngạc nhiên trong cổ nàng. Cặp mắt nàng như thu hết những ánh sáng còn sót ở bóng tối vây quanh. Nàng đứng nép ôm con ở bóng tối vây quanh. Nàng đứng nép ôm con ở một góc, tôi ngồi vắt vẻo cố giữ thăng bằng trên đầu vách. Lố bịch, không ngờ, không thể ngờ được. Tôi thở dồn chóng mặt. Nàng nói: "Cám ơn cụ", khi tôi sửa giúp xong chỗ dột trên mái. Tôi hơn nàng ít nhất cũng mười lăm tuổi, khoảng thời gian bình thường đã khá dài, đối với một người như tôi, thêm chồng chất ngổn ngang những thất vọng, phiền não, những mộng ảo tan vỡ làm thế nào tôi gặp được nàng. Vậy mà, trong đêm ấy, tôi đã tìm thấy tình yêu, tìm thấy hạnh phúc ở nàng. Suốt đời tôi, cho đến khi gặp nàng, tôi bị ám ảnh bởi cái kinh nghiệm đầu tiên về đàn bà từ năm hai mươi tuổi. Trong cuộc yêu đương thứ nhất, chàng thanh niên thất vọng, rời khỏi người đàn bà, ý nghĩ trước nhất là cái hành động kia không tuyệt vời như trong tưởng tượng, như trong giấc mộng và cũng không thể bằng cái thú vui cô đơn mình tự tạo lấy. Cái thân thể chưa nguôi được phủ lên một cảm giác mông lung, hồi xưa tôi gọi là cảm giác siêu hình của hành động, thui thúi, cái âm vang trên da thịt thật là nhạt nhẽo phi lý. Phi lý hơn nữa là biết mình sẽ phải làm lại, làm lại mãi mãi không cưỡng được. Lòng tự ái của tuổi thanh niên dẫn tôi tới thái độ triệt hủy tình cảm trong lửa dục. Ngọn lửa ấy rực rỡ thiêu đốt hết sự thân ái có người muốn mang tới, nó chóng sáng thành một nỗi cô đơn nóng nảy. Chính vì thế, người vợ do tôi tìm lấy đã bỏ tôi. Tôi tỉnh dậy chán chường. Nhưng khi tôi mang đặt tâm hồn vào trong cuộc ân ái, tôi gặp trở lại sự thất bại buổi ban đầu. Và tôi nghĩ không bao giờ người ta gặp được tình yêu và hạnh phúc cả. Với nàng, trong khi không chờ đợi mong ước, tôi gặp tất cả trong một tâm hồn mệt mỏi, một thể xác nghiện ngập yếu đuối. Chính tôi, tôi cũng không ngờ hạnh phúc lại đến trong một tình trạng như thế, nỗi hạnh phúc đột ngột tràn đến trong chúng tôi bằng những thôi thúc vô biên, những lượn sóng vồ vập như giữa biển khơi không thấy bến bờ, một thứ tiếng nó âm thầm chôn giấu ở dưới tầng đáy nào của cơ thể. Đó là một thứ đêm trong suốt như ngọc huyền, một thứ mặt trời ấm áp có thể nhìn thẳng. Ra khỏi thân nàng, tôi bàng hoàng kinh ngạc, không biết có phải chính tôi đã vừa đặt chân vào một miền đất lạ hoang vu, không biết có phải chính tôi vừa nhóm lên được ngọn lửa nồng nàn giữa khu rừng già mịt mùng khô khan. Có thể như thế được không? Có thể nào điều tìm kiếm những năm hai mươi tuổi lại đến vào tuổi già lão chăng? Lúc ấy tôi nghe nàng rùng mình, cố gượng hé mắt rồi lại nhắm nghiền, nước mắt nàng ứa ra, ngọn đèn dầu lay lắt chực tắt soi mập bờ cái thân hình khốn nạn của tôi. Thân thể chúng tôi vẫn còn ghi rõ nhiều âm vang âm thầm. Tôi đặt mình nằm xuống với cảm giác cay đắng cô đơn nhưng không còn là nỗi cô đơn tan loãng như khói thuốc, đó là nỗi cô đơn đã kết tụ rất nhỏ, rất gọn nấp ở trong ngực tôi. Tôi cầm lấy tay nàng: "Em, em có nghe thấy anh nói không? Anh yêu em, anh chưa yêu một người đàn bà nào như em. Em có hiểu được như thế không? Hạnh phúc chỉ đến một lần, một lần duy nhất trong đời người và của anh là đêm nay. Em, em có nhận thấy như anh không?" Nàng bật khóc nức thành tiếng, dấu mặt vào trũng vai của tôi. Tôi chỉ còn biết nói, nói như trong một cơn mê: "Em yêu, anh biết chúng ta không gặp nhau vĩnh viễn được. Cuộc đời chúng ta chỉ đan vào nhau một lúc nào đó thôi rồi… nhưng đêm nay em đã làm sáng nghĩa cái cuộc đời phi lý của anh từ trước đến giờ. Anh hiểu rằng anh đã lầm khi anh tự hủy hoại, người ta sống nhẫn nhục để người ta chờ cái hạnh phúc sẽ tới, hạnh phúc ấy có thật, không phải là viển vông như anh đã tưởng. Hạnh phúc thế nào cũng gặp và chỉ gặp được một lần trong đời, nhưng lúc ấy ta còn đủ năng lực để giữ nó lại với mình không? Em yêu, em không hiểu, anh định nói gì phải không? Em hiểu em càng thêm buồn, anh đau đớn lắm. Anh và em là những người khi hạnh phúc đến không cầm lại được. Rốt cuộc chúng ta chỉ có tình yêu, tình yêu không phải là hạnh phúc em à…" Tôi còn nói, nói miên man cho đến khi nàng ngủ vùi và tôi gỡ tay nàng, leo trở về nhà. Những lần sau, nàng bắc ghế trèo sang với tôi khi hàng xóm đã yên nghỉ, nhìn nàng tôi thương biết mấy, nàng thảm hại như con thạch sùng run rẩy, bám chặt lấy bức vách rung rinh. Nàng nằm bên bàn đèn xem tôi hút; mắt díu dần và nhiều khi ngủ quên. Không bao giờ tôi gần nàng nữa và dường như nàng cũng không muốn khêu gợi tôi. Chỉ vài ba lần chúng tôi ôm ghì lấy nhau, tôi nhóm dần lên trong tôi ngọn lửa hiu hắt và khi ngọn lửa tắt tôi lặng lẽ áp sát thân mình nghe sự rung chuyển của nàng như những hồi gió cuốn vội vàng. Tôi dạy nàng tiêm thuốc, nàng thông mình và khéo tay lạ lùng. Một đêm tôi thức trắng, lắng nghe những tiếng động bên kia vách. Tiếng chân nàng trên sàn gác rung rinh, tiếng thì thào của nàng như hơi thở bên tai, tiếng van vỉ của nàng… tôi nghe tất cả và tôi tưởng như tất cả nàng làm cho tôi. Chồng nàng ghé về. Buổi sáng, tôi mở cửa xách thùng rác ra đổ đầu ngõ, tôi gặp nàng. Nàng mỉm cười nụ cười từ biệt mà tôi không hay. Buổi trưa hôm ấy tôi thiếu thuốc, cơn nghiện vật tôi rũ liệt chân tay, sùi bọt mép mê man. Trong đầu tôi lịch kịch những tiếng khua động dữ dội, ngực tôi như bị búa gõ. Đến xẩm tối tôi hồi tỉnh và xung quanh tôi yên lặng và tôi như chết. Tôi lần mò đứng lên thắp đèn và dòm qua khe vách, gác của nàng trống chỉ còn giấy rác. Tôi lại nằm xuống và đợi không biết đợi cái gì. Buổi tối thằng con tôi đến bắt gặp tôi co quắp như cái xác chết, nó lái xe đi tìm thuốc về cho tôi. Khi tôi đã no thuốc, tôi ép nó hút thử điếu đầu tiên. Thằng con tôi bỏ về lúc mười giờ, tôi đoán nó đến tiệm nhảy. Đêm cuối mùa hè Sài Gòn trời lạnh về khuya nhưng tôi nghe ở đâu đây trong tôi có ủ một ngọn lửa ấm đủ cho quãng đời còn sót và ngọn lửa ấy chỉ tắt khi tôi đã chết. Nhưng làm thế nào tôi nói được điều ấy cho thằng con tôi hiểu. Cuối đường Đầu năm 1949 tôi bỏ Sài Gòn về Hà Nội. Từ một thành phố yên ổn vui tươi trở lại, tôi rơi xuống một thành phố điêu tàn ngơ ngác. Những ngày đông lạnh lẽo ngắn thêm vì giờ giới nghiêm. Ngay giữa phố đông đúc như Hàng Bông, Hàng Đào vẫn còn nhiều nhà đổ nát tan hoang. Khoảng bảy giờ tối hết xe điện, người ta nhường phố xá cho lính lê dương say rượu. Thỉnh thoảng về muộn tôi phải đi qua những phố vắng tanh, vội vã lẩn lút trên vỉa hè hay sau hàng cây như một tên ăn trộm. Có khi lính Tây đuổi tôi để được la hét cho đỡ buồn, tôi chạy quanh co hết phố này sang phố khác như chơi rượt bắt với chúng. Một hôm tôi bị rượt từ phố Đường Thành chạy về Quan Thánh. Vừa băng qua vườn hoa Hàng Đậu sang phía nhà Thương khách thì từ một ngách tối, một tên sổ ra chụp được tôi. Tôi vùng vẫy và đánh trúng mặt nó khiến cái mũ trắng rơi xuống đất, tôi có thể chạy thoát. Nhưng tôi đứng nguyên một chỗ nhìn tên lính cúi xuống nhặt mũ, nó cười sằng sặc. Nó trẻ bằng tôi, mắt xanh như mắt mèo. Nó quàng vai tôi mời tôi vào quán uống rượu. Tới mười giờ đêm, nó dìu đưa tôi về tận nhà. Trước khi chia tay, nó ôm hôn lên đầu cổ tôi như mưa rồi khóc. Tôi tức giận gạt mạnh nó và lảo đảo vào nhà. Chị tôi sợ hãi đóng chặt ngay cửa. Tên lính còn đứng lại đập cửa la hét nguyền rủa hàng giờ sau mới chịu bỏ đi. Nhà tôi ở khu Ngũ Xá. Hồi ấy tôi thất nghiệp ăn ở nhờ gia đình chị tôi, dạy mấy đứa cháu nhỏ trừ tiền cơm. Tiền tiêu pha vặt vãnh là tiền dành dụm trong mấy năm làm ăn ở Sài Gòn. Mỗi buổi sáng tôi dậy dùng những chuyến xe điện thứ nhất lên phố. Những chuyến xe buổi sớm thường kéo theo hai ba toa tối om chạy băng băng không ngừng, tôi nhảy bám vào toa sau cùng chắc chắn không phải lấy vé lên đến tận chợ Hôm. Trời buổi sáng bao giờ cũng lạnh cóng, tôi dựa vào thành xe trông lại phía sau con đường sắt bóng mướt và mặt đường tê cứng. Qua đầu phố Hàng Đào nơi một đống gạch đổ tôi còn thấy những mảnh vải rách rưới rúc vào nhau mà ngủ. Đến chợ Hôm trời cũng đã mờ sáng. Tôi té xuống hè đường ngồi xổm ăn một đống xôi lúa nóng chan hành mỡ béo ngậy rồi đi lang thang đợi đến chín giờ về thư viện đọc sách. Bỏ học đã lâu định lợi dụng thời gian nhàn rỗi này học thi Tú tài. Thư viện tĩnh mịch, cửa gương bóng loáng, mặt bàn nhẵn trơn trụi, ghế cao và rộng. Phòng đọc sách lớn nhưng thường thường chỉ có dăm bảy người, mỗi người một bàn thật xa nhau để khỏi nhìn thấy nhau. Chúng tôi làm việc trong không khí dễ dãi quen biết, mỗi người có thể mượn số sách không giới hạn bày đầy trước mặt, trong khi luật lệ ấn định không lấy quá hai cuốn một lần. Tôi chọn một góc kín đáo khuất sau một cái cột mà từ người thủ thư cho đến người giám thị phòng đọc ngồi ở chỗ của họ không thể trông thấy tôi. Chỗ ấy lại gần lò sưởi ấm, lúc nào buồn tôi có thể ngủ được. Thường buổi trưa tôi ngại không về nhà, tôi ăn trưa – một cái bánh tây, một ly cà phê sữa – ở ngay gian hàng gửi xe của thư viện. Quãng năm giờ tôi rời khỏi thư viện vì vào giờ ấy tôi thường gặp phải những ông công chức mới hồi cư vào lục lọi những chồng công báo dầy hàng chục năm để tìm cái nghị định bổ nhiệm xin hồi ngạch. Mùa đông qua hết, đến mùa xuân rồi tôi vẫn chẳng học được chữ nào, óc của tôi chưa làm quen lại được bài vở. Hàng ngày tôi vẫn lui tới đều đặn thư viện nhưng toàn đọc sách truyện nhảm nhí. Tôi có ý định tìm việc làm. Những chuyến xe điện buổi sớm đã chạy chậm hơn một chút trong buổi mai êm dịu và toa xe cuối cùng không còn tối nhiều như khi mùa đông nữa. Tôi thường phải lẩn tránh người soát vé đứng ở toa đầu máy nhìn xuống rình mò. Một buổi kia trời bỗng trở rét dữ dội. Con tàu lại chạy với tốc lực mùa đông. Tôi thảnh thơi đứng tựa thành xe quay lưng lại với toa đầu máy lắng nghe tiếng khẹt khẹt của cây cần điện chạm vào dây giăng trên trời. Người soát vé xuống đứng bên cạnh tôi lúc nào tôi không hay. Hắn vỗ vào vai tôi làm tôi hoảng hốt. Không quay lại tôi vội vàng nhảy ùa xuống đường. Đà xe mạnh làm tôi ngã úp sấp và chết ngất. Khi hồi tỉnh tôi vẫn còn nằm trên mặt đường cạnh đường sắt. Tôi quờ tay lên đường sắt bóng và mặt nhựa gồ ghề. Phố xa lặng thinh. Rồi tôi nghe tiếng xe điện sắp đến từ xa. Chỗ tôi nằm ngay đầu Hàng Đào, những mảnh vải rách rưới vẫn quấn lấy nhau ngủ vùi. Tôi lồm cồm bò lên vỉa hè. Chuyến xe điện qua thản nhiên. Áo tôi rách toạc một mảnh ở vai, chân tay mặt mũi tôi sây sát rớm máu. Tôi khập khễnh đi xuống hồ Gươm vốc nước rửa. Nước lạnh giá làm đau xót các vết thương. Tôi ngồi xuống vệ cỏ khóc cho ấm mắt, cuống họng và ngực. Chán không khóc nữa tôi đứng dậy. Chiều hôm ấy rời khỏi thư viện tôi không muốn về nhà. Tôi muốn ngủ đêm ở một chỗ khác nhưng chẳng nghĩ ra chỗ nào có thể về được. Tôi cứ lang thang qua các phố cho tới khuya. Trời rét như cắt tôi chỉ mặc một tấm áo blouson. Các vết thương nhức nhối. Mồ hôi nhờn cả da mặt. Tôi tức giận vô kể. Tôi không gặp những tên lính Tây say quấy phá. Tôi chờ đợi một đội quân tuần tiễu nào sẽ nhặt tôi về giam. Hay thí cho tôi một tràng đạn sợ hãi vào ngực. Tôi sẽ nằm thẳng cẳng ở giữa cái thành phố co dúm này. Cuối cùng tôi vẫn phải về nhà. Chị tôi dương cặp mắt khiếp hãi nhìn tôi. Ông anh rể càu nhàu trong màn. Sáng hôm sau chị tôi bôi thuốc đỏ vào các vết trầy, tôi ngồi nhà không lên phố. Tôi gọi lũ cháu mang sách vở tới gần xem xét và đánh cho chúng một trận nên thân. Chị tôi khép nép sợ sệt thay cho con. Tôi tát chúng mạnh quá đến nỗi bàn tay ê ẩm. Chị tôi xuống bếp khóc, lũ trẻ ra ngoài đầu hè khóc, bỏ gian nhà trống không cho tôi với những vết thương bắt đầu mưng mủ. Trong năm ấy tôi gặp đứa bạn học cũ hồi còn học lớp nhất trường tỉnh. Hắn trông nom một xưởng sửa chữa xe hơi. Hắn mời tôi vào quán nước cạnh đền Bà Kiệu. Cầu Ngọc Sơn đã được sơn lại mới đỏ như quết trầu. Mùa xuân còn mới trên màu nước của hồ Gươm, những rặng cây ven hồ. Tôi ngỏ ý với bạn muốn xin làm chân phụ việc ở xưởng hắn để học nghề chữa máy. Hắn hỏi tôi mấy năm ở Sài Gòn tôi làm nghề gì. Tôi nghĩ lại cũng ngạc nhiên không hiểu tôi đã sống cách nào, tôi không có nghề ngỗng gì hết, tôi trả lời như vậy. Hắn bảo tôi tại sao không xin đi làm, tôi còn đỗ được cái bằng Trung học Pháp như còn hắn không có bằng cấp gì. Tôi nói tôi vốn ghét ngồi bàn giấy. Hôm sau theo lời hẹn tôi tìm đến xưởng máy. Tôi lên một chuyến xe điện đã đông người, chạy từng chặn nhỏ qua các phố tấp nập. Xưởng ở trong ngõ khuất nẻo giữa phố Tây. Tôi bước giữa hai hàng rào rậm lá mát mẻ xếp đặt chương trình trong đầu. Mỗi buổi sau giờ làm việc tôi sẽ thong thả về thư viện nghỉ ngơi đọc sách. Ông quản lý chưa đến, tôi phải đợi. Tôi ngồi trên cái đe sắt giữa sân, xung quanh bừa bộn dụng cụ và người ta làm việc. Thỉnh thoảng tôi cũng chuyển dùm lên tay, không rời chỗ ngồi, cho người khác cái búa, cái lắc lê… Nắng đã làm tôi bứt rứt nhấp nhổm. Ông quản lý đến. Hắn trông thấy tôi từ cổng vào và mỉm cười với tôi. Xong hắn còn đi dặn bảo công việc cho mọi người khắp lượt mới đến chỗ tôi. Hắn rủ tôi ra ngoài đường. Hắn lại đưa tôi vào quán nước hôm qua, ngồi đúng cái bàn cũ. Ngập ngừng mãi hắn ngỏ ý khuyên tôi nên tìm việc khác làm vì hắn thấy công việc ở xưởng không hợp với tôi. Lúc ấy tôi mệt mỏi ngáp dài không buồn trả lời. Hắn móc túi cho tôi ba trăm bạc. Bắt tay từ giã hắn tỏ ra ân hận đã không chiều ý tôi nhưng hắn nhấn mạnh rằng như thế rất hợp lẽ và tốt cho tôi về sau này. Tôi lủi thủi về thư viện. Chỗ tôi thường ngồi có người chiếm mất. Tôi bực mình, phòng đọc có hàng chục bàn trống sao hắn lại lủi vào góc ấy. Tôi đến đứng đằng sau lưng ghế của tôi bảo với người ngồi rằng đó là chỗ hằng ngày của tôi chiếm, yêu cầu hắn rời đi chỗ khác. Hắn ngửng mặt lên nhìn tôi, bộ mặt đẹp trai. Hắn rời sang ghế bên cạnh. Tôi ngồi vào chỗ xong lại bảo hắn tôi không thích ai ngồi gần tôi như thế vướng víu tôi lắm. Tôi yêu cầu hắn rời sang bàn khác và nên chọn bàn nào khuất khỏi tầm mắt tôi, tôi không ưa sự có mặt của người khác. Hắn lại nhìn tôi một lần nữa, hiền lành và dễ thương. Rồi hắn lặng lẽ thu xếp sách vở đổi chỗ khác. Tôi ngủ chập chờn rất nhiều giấc nhỏ trên ghế. Mỗi khi chợp đi trong đầu tôi ồn ào náo nhiệt, tỉnh lại xung quanh lặng ngắt quạnh hiu. Vào giữa trưa tuyệt đối êm tĩnh. Tấm kính lớn che mặt trước phòng đọc sách mỏng như tờ giấy bóng. Mọi người đã về hết chỉ còn người thủ thư và người giám thị ngồi nguyên chỗ. Tôi xuống nhà gửi xe ăn trưa. Cái đầu ghế dài ở trong góc tối một người đã ngồi. Hắn tỏ ý muốn chào tôi và tôi ngạc nhiên không quen mặt. Hắn đứng lên, tôi ngồi vào chỗ bỏ trống. Trong tối nhìn ra tôi mới nhớ mang máng hình như hắn là người đã chiếm chỗ tôi hồi sáng trong phòng đọc. Tì tay vào tủ hàng, hắn trông ra phố. Dáng của hắn là học trò, người gầy dong dỏng, tay chân quều quào như củi. Mái tóc chải lật ngược, đầu lớn so với mình. Mắt hắn mỗi khi nhìn buồn một vẻ thản nhiên. Tôi bỗng thấy tội nghiệp hắn. Và tôi gợi chuyện trước tiên để chúng tôi quen nhau. Tên hắn là Quang. Từ sau mỗi lần ra thư viện Quang ngồi trước mặt tôi. Công việc của hắn là chép và tự mình họa những bài thơ lãng mạn vào một cuốn vở đóng bìa gáy da kỹ lưỡng. Tôi bực mình một hôm đã giảng cho hắn biết cái lãng mạn ấy lỗi thời lắm rồi. Đời sống của người ta không phải là những giây phút ngồi gọt giũa tỉ mỉ những cảm xúc, tinh ý vụn vặt. Đời người là một sự trống rỗng lớn cần lấp đầy bằng tất cả những gì mình có, nghĩa là sự tự do của mình. Đừng giết thì giờ lối đàn bà. Và trong khi hắn ngồi viết như thế có nhiều người đang chết. Nghe tôi nói Quang buồn lắm, hai cánh tay của hắn lúng túng vụng dại. Hắn tâm sự với tôi về gia đình của hắn. Mẹ nghiện thuốc phiện, hắn còn chị cả chưa lấy chồng, một đứa em trai học cùng lớp và bốn đứa em nhỏ. Gia đình nghèo túng, hắn đang nạp đơn xin việc. Hắn tiếc không được theo đuổi học hành và biết mình không đủ thông mình, tinh thần để tự học. Đứa em trai học ngang hắn thông minh xuất sắc hơn hắn. Hắn thú nhận rằng bản chất của hắn là yếu đuối không thể sống mà nương tựa vào kẻ khác. Có phải ai cũng phá vỡ được hiện tại của mình để phiêu lưu vào tương lai đâu. Tôi bảo hắn tôi là kẻ ghét nghe chuyện tâm sự. Tôi không nghèo nàn đến nỗi phải giả bộ sống bằng những mẫu chuyển tưởng tượng của kẻ khác. Nội đời của tôi đủ cho tôi sống chưa hết, đủ cho tôi biết thế nào là khổ sở, là ý nghĩa của kiếp người. Đời hắn là của hắn, hắn phải tự nhận lấy mà sống, tôi không can dự gì hết. Rồi tôi mỉm cười nói cho hắn biết thật ra sự khổ sở của hắn cũng chẳng lấy gì thê thảm lắm. Sau buổi nói chuyện ấy, chúng tôi im lặng nhưng vẫn chơi với nhau. Mùa hè, tôi và Quang thân mật với nhau hơn, chiều chiều tôi và Quang về qua nhà hắn. Nhà Quang ở là buồng trong một căn nhà bị trái phá bắn sụp phía ngoài. Gạch ngói được xếp đống gọn gàng, nhưng cỏ hoang mọc bừa bãi trên nền đất. Tôi dạy thêm mấy đứa trẻ hàng xóm cùng với lũ cháu và chị tôi mua cho tôi được một cái xe đạp cũ. Thỉnh thoảng tôi đèo Quang xuống hồ Tây tắm, hắn không biết bơi chỉ ngồi trên bờ trông quần áo cho tôi và mơ mộng. Một bữa tôi nhất định kéo hắn xuống nước, suýt hắn chết đuối nếu tôi không bình tĩnh. Lên bờ mặt hắn tái mét thở không ra hơi. Khi đi về hắn bảo nếu chẳng may hắn chết hôm ấy, gia đình sẽ cho là hắn tự tử vì thất tình. Cô hàng xóm hắn để ý vừa bỏ nhà theo trai. Tôi cười giễu nói rằng chỉ những anh chàng yếu đuối mới cần ái tình làm chỗ trốn thân phận và mới thất vọng ê chề. Người ta dễ yêu nhất vào trường hợp nào? Khi người ta thất bại, khi người ta sợ phải chịu đựng kiếp sống một mình, nghĩa là khi người ta bỏ chạy. Quang không bày tỏ ý kiến. Tôi đưa hắn về nhà và đạp xe đi chơi. Thành phố Hà Nội đông đúc hơn trước. Buổi tối đã nhiều người dạo mát quanh bờ hồ và những phố buôn bán. Tôi ra bờ sông, lên nằm dài trên một đống cát còn ướt người ta vừa lấy ở dưới sông lên. Tôi nằm im buồn không muốn cử động. Ít hôm sau Quang từ biệt tôi để đi làm. Hắn xin được một chân Công an. Hắn nhìn tôi dò xét ý kiến. Tôi chẳng quan tâm. Hắn cười cho biết thêm nhiệm vụ của hắn là ngồi bàn giấy biên chép tên những người hồi cư. Hắn phải lên quận V.T. thuộc tỉnh Sơn Tây. Hắn muốn được cùng tôi đi chơi. Tôi từ chối vì vốn ghét cái không khí những buổi chia tay. Hắn bắt tay tôi về nhà thu xếp hành lý. Tôi chúc hắn may mắn. Thỉnh thoảng được ngày nghỉ về Hà Nội, Quang vẫn tìm gặp tôi. Nhưng chúng tôi chẳng biết nói chuyện gì với nhau nên những cuộc gặp gỡ hết sức ngắn ngủi và tẻ nhạt. Hồi này tôi được một người quen cũ của gia đình giao cho trông nom một tràng than. Công việc bận rộn suốt ngày, tôi không còn thì giờ nghĩ ngợi lăng nhăng. Lần gặp cuối cùng tôi thấy Quang đen và vững chãi hơn trước, tôi bảo cho hắn biết điều ấy. Quang mỉm cười nhưng con mắt thì vẫn buồn một vẻ thản nhiên. Khoảng hơn tháng sau tôi đọc báo thấy tin quận V.T. nơi Quang làm việc bị tấn công trong đêm tối tất cả nhân viên trong quận đều bị bắt mang đi. Tôi muốn tới hỏi thăm gia đình Quang xong lại thôi vì nghĩ không quen ai. Tôi qua lại nhiều lần căn nhà đổ nát vẫn chưa sửa chữa nhìn vào trong thấy ánh đèn thấp thoáng rồi không vào. Tôi bỏ đi trong các phố tối nhiều cây. Trời đã lại mùa đông rét ngọt. Tôi hút nhiều thuốc lá đến buồn nôn. Khi trời đã khuya lắm, tôi lạnh nổi gai ốc cùng mình ngực cồn cào khó chịu. Tôi phải ngồi dựa vào cửa một căn nhà và ọe cho nôn mửa, nước mắt nước mũi đầm đìa. Tôi ngoẹo đầu vào tường đá hoa nghỉ ngơi dễ chịu. Trước mặt tôi là cái cầu đá xe lửa cao và rét với những lần cổng đục tối om. Nôn xong tôi lại hút thuốc lá. Người tôi nhẹ như khói. Tôi cũng không nhớ lại tại sao tôi lại về được đến nhà lúc nào. Công việc bán than không chạy tôi nghỉ việc và lại vào thư viện. Phòng đọc sách nhiều người đến làm việc hơn trước. Tôi không còn chiếm được chỗ ngồi cố định thường lệ nữa. Vả lại tôi cũng không còn muốn ngồi suốt ngày vì không được ngồi cô đơn. Trong dịp này tôi gặp và quen Tuấn – em trai của Quang. Đúng như Quang nói, Tuấn thông minh nhanh nhẹn hơn Quang. Hắn hay đọc sách chính trị, có nhiều cao vọng. Tôi không thích Tuấn nhưng thường nói chuyện với Tuấn và nhắc tới Quang. Tuấn chê anh là an phận tầm thường. Đối với tôi Tuấn cũng coi tôi là cùng một loại. Tuấn cho rằng muốn làm được việc lớn nhiều lúc phải hy sinh những người thân của mình, dù có phải làm cho họ khổ sở, không phải là ích kỷ, vì việc làm của mình sẽ có ích cho một số người nhiều hơn. Nên mặc dầu biết gia đình nghèo túng, Tuấn vẫn không muốn đi kiếm tiền giúp gia đình sợ làm lỡ dở sự nghiệp to tát sau này của mình. Tôi không bao giờ nói gì với Tuấn hết. Sáu tháng sau ngày bị bắt Quang trốn thoát trở về Hà Nội. Tuấn cho tôi biết tin Quang đã đi bộ ròng rã một tháng trời lạc trong rừng chịu đói chịu khát cho tới khi không bước được nữa phải bò phải lết. May gặp quân tuần tiễu Pháp nhặt được đưa về Hà Nội. Quang sắp chết và hiện nằm ở bệnh viện Đặng Vũ Lạc Hàng Cỏ. Tuấn nói tại sao Quang có thể ngu dại chỉ vì gia đình mà liều lĩnh đến chết. Tôi tức giận mắng Tuấn là thằng bất nhân bất nghĩa. Tuấn sững sờ không ngờ tôi hung tợn làm vậy. Tôi nói nếu Tuấn xấc láo nữa tôi sẽ trừng trị Tuấn thích đáng. Đời người không thể giản lược theo mấy nguyên tắc về chính trị tư tưởng hay triết học, người ta không phải bắt buộc sống theo một vài khái niệm sẵn có. Tương lai không phải là con ngáo ộp dùng để dọa và bóp chết hiện tại. Phải làm đầy hiện tại, làm đầy… Tôi tới ngay nhà thương. Đẩy cửa buồng, tôi trông thấy một bộ xương trần truồng. Thịt không còn, da teo lại cháy xám, những đầu khớp xương nhô ra. Trên mặt râu tóc xồm xoàm khô cứng. Tôi chỉ còn nhớ Quang nơi hai con mắt vẻ buồn vẫn thản nhiên. Quang cười, răng nhe vàng ớn, lợi đỏ và dài. Quang không nói được. Tôi lấy tấm chăn mỏng phủ lên người Quang, lát sau mẹ của Quang trở vào. Mặt và môi bà thâm sịt nhưng mắt đỏ hoe, hai tay gầy guộc run rẩy. Bà kể lể biết bao nhiêu nỗi đau lòng. Bà lập chỉ cho tôi trong những khuỷu tay khuỷu chân trầy loét cả xương. Tôi vẫn trông vào mắt Quang, mắt Quang vẫn đảo được và Quang quay mặt đi. Quang không thể cựa quậy, không mặc quần áo được. Quang tỏ dấu cho mẹ im lặng. Hai hôm sau Quang chết. Đám ma Quang đưa vào buổi sáng. Đêm hôm trước tôi không thể ngủ. Sáng tôi dậy trước cả những chuyến xe điện. Tôi nhảy chuyến xe đầu tiên lên phố. Buổi sáng mùa hè mát mẻ, bánh xe lăn rần rần, tiếng chuông điện kêu ríu rít. Tôi đứng tựa sau xe cạnh thúng mủng của vài người từ ngoại ô vào. Những người ấy xuống chợ Đồng Xuân, tôi còn lại một mình. Qua Hàng Đào, căn nhà đổ nát đầu phố đã biến mất mang theo cả những mảnh vải rách rưới, tôi mua vé đi hết đường. Hành khách buổi sáng thưa thớt. Tàu băng qua thành phố để lại ra ngoại ô, chạy sát vào những mặt nhà thấp chưa tỉnh hẳn. Tôi cứ nhìn vào sự chuyển động ấy mà thấy chóng mặt. Ở trạm cuối cùng tôi bước xuống vỉa hè sứt mẻ, dưới đường cát bụi lồi lõm. Tôi đi bộ vào trong làng để đến nghĩa địa, khu đất rộng trên một gò cao. Từ đây tôi có thể quan sát cảnh vật chung quanh, một vài người đứng chơ vơ giữa đồng rộng, một khu đồn rào nữa. Trên cỏ sương hãy còn ướt, một vài lỗ đất đào sẵn sâu hoắm. Tôi trải lá và giấy dưới một gốc cây ngồi đợi đám ma của Quang. Mệt quá tôi có ngủ mất đi một lúc. Bàng hoàng tỉnh dậy đám ma vẫn chưa tới. Nhiều tiếng chim hót trên đầu. Đã nhiều năm tôi không để ý nghe tiếng chim hót bao giờ. Tôi đứng lên và lắng tai. Xa xa thoáng tiếng xe điện chạy với tiếng chuông vội vàng. Từ phía rặng cây ở chân trời con đường đất tiến lại qua mắt tôi. Một thứ tiếng động ầm ì không biết phương nào đưa tới. Tiếng động rõ dần làm rung chuyển mặt đất lan tới chỗ tôi đứng. Một đoàn chiến xa xuất hiện bò lùi lũi. Mặt đường bị đào lên. Đoàn xe càng tới gần tôi càng đinh tai nhức óc. Thân thể của tôi cũng rung lên như mặt đất mỗi lúc một dữ dội. Tôi nghẹn ngào và lại nằm lăn xuống cỏ. Tay chân mặt mũi tôi như bị cào cấu bởi những móng tay sắc. Lát sau thì cảm giác tê dại. Trong tận cùng của cơ thể sự vùng vẫy từng hồi yên dần, lịm đi. Tôi nhắm mắt vì nắng rực ở trên mi, đầu óc tôi rất sáng. Giá lúc ấy người ta mang chôn tôi, tôi cũng biết nhưng không thể nào làm gì để chống lại. Buổi sáng ngoài bãi biển Gởi BốngLúc này tôi cần được một mình, sự hiện diện bất cứ một người nào thân cận đều làm tôi bực bội. Tôi cựa mình lách ra khỏi vòng tay của người đàn bà, ngồi dậy đặt cái gối thay vào chỗ của tôi, hắn ôm cái gối trở mình vẫn ngủ thiếp. Tôi thay quần áo xuống phố. Đi hết phố chợ ngắn tới bến xe đò, tôi tiến gần bãi biển trên những mặt đường cao hơn. Gió biển thổi trong không khí buổi mai se lạnh. Ở ngã ba con đường ra bãi, tôi tìm thấy một căn biệt thự kiên cố có dựng tấm biển hàng ăn ở bên ngoài. Qua lối sỏi tôi bước vào một hàng hiên bày ba bộ bàn ghế mây thấp có không khí gia đình. Tôi thả dài người trong chiếc ghế rộng, hút thuốc lá ngắm khu vườn cây um tùm của biệt thự, nghe tiếng sóng bể xa xa. Tôi ngủ chập chờn trong vài phút thú vị, suốt đêm qua tôi thức trắng. Nghe tiếng chân, tôi mở mắt kêu lên: "Bà Georgieff". Người đàn bà Pháp sửng sốt: "Ông Nghệ, có phải ông Nghệ không?". Bà Georgieff nắm chặt tay tôi cảm động, trông bà già béo hơn xưa, quan sát tôi một cách chăm chú, cặp mắt nâu long lanh của bà không có tuổi, da mặt của bà nhăn nhúm. Bà kéo tôi ngồi xuống ghế và bà ngồi đối diện, bà hỏi tôi rất nhiều, tất cả những gì về tôi trong những năm qua. Tôi trả lời vắn tắt, những câu hỏi khó đáp tôi mỉm cười. Rồi bỗng bà Georgieff im lặng, bà ngó tôi lắc đầu bảo: "Ông mất ngủ". Tôi bàng hoàng gật đầu. Bà cất tiếng gọi chị người làm ở nhà sau bưng lên cho tôi một thau nước nóng và chiếc khăn mặt bông. Rửa mặt xong tôi tỉnh hẳn, tôi cảm ơn bà chủ, tôi nói: "Bảy tám năm không có gì thay đổi cả". Bà Georgieff xua tay: "Nhiều nhiều lắm. Nhưng trước hết ông hãy dùng điểm tâm đã". Bà Georgieff dọn cho tôi một cái toast, một ly cà phê sữa, bà cũng uống cà phê sữa tiếp chuyện tôi. Bà hớp từng ngụm nhỏ bảo: "Ấy mỗi buổi sáng tôi chỉ uống một cốc này là nhịn tới trưa". Tôi ăn uống thoải mái và tìm lại sự thân mật dễ dàng như ngày nào chúng tôi còn ở ngoài Hà Nội. Khi tôi ngó vào trong nhà tỏ ý một câu hỏi không muốn nói ra bằng lời, bà Georgieff hiểu ngay, bà phác một nụ cười bảo: "Nhà tôi mất rồi, đã ba năm nay. Bệnh kiết lỵ lâu ngày nó làm hỏng gan. Hồi mới vào đây chúng tôi cũng vẫn tiếp tục liên lạc với bên Lào làm ăn nhưng từ khi ông ấy chết tôi bỏ rồi". Việc làm ăn mà bà Georgieff nói là buôn thuốc phiện lậu; ngoài Hà Nội tôi quen ông bà Georgieff là bởi công việc buôn bán ấy, tôi làm môi giới chạy hàng xách, hai vợ chồng nhà này mở quán rượu ở phố Hai Bà Trưng. Ông Georgieff năm tôi gặp, gầy yếu, mới đầu tôi tưởng ông nghiện thuốc phiện. Tôi không thể quên cặp mắt hóm hỉnh thông minh của ông trũng xuống giữa hai gò má nhô xương, ông nói được tiếng Việt Nam và ưa nói văn chương bóng bẩy. Những buổi tối mùa đông đến lấy hàng, ông thường rủ tôi đánh cờ hay belotte. Điều tôi mến nhất ở ông là sự tế nhị trong phép giao thiệp, chẳng bao giờ ông đá động đến chuyện chính trị giữa hai nước thời bấy giờ. Ông coi tôi như một người bạn trẻ, bà vợ ông coi tôi như một đứa em, hơn thế nữa một đứa con. "Ông còn nhớ Charles không? Bây giờ hắn ở Hồng Kông". Tôi nhìn vào mắt, lên trán lên tóc bà Georgieff, tôi nói: "Hôm nay bà thiếu cái khăn choàng"; bà mỉm một nụ cười âu yếm. Buổi sáng hôm ấy, tỉnh rượu, nằm trên giường trong nhà của gia đình Georgieff, tôi trông thấy bà đứng ở giường chít một cái khăn dạ xám. Đêm trước là đêm Giáng Sinh, ông bà Georgieff mời tôi tới ăn Réveillon tại nhà, và giới thiệu với Charles một người bà con xa của gia đình, là phóng viên trong quân đội viễn chinh. "Hắn giải ngũ rồi và làm phái viên cho một nhật báo". Nói chuyện với Charles, để che giấu cái tự ti mặc cảm của tuổi hai mươi, tôi uống rượu mạnh như hắn, tới nửa đêm tôi gục nôn mửa bừa bãi; Charles ra mặt trận ngay sáng hôm sau. Tôi cười nói với bà Georgieff: "Nghĩ lại đêm Noel tôi còn xấu hổ. Bây giờ thì tôi uống rượu đã khá". Bà đứng lên pha thêm cà phê vào cốc của tôi nói giọng mơ màng: "Đêm Noel ấy là vui nhất của vợ chồng tôi đấy. Sau này chỉ còn hai vợ chồng già thui thủi. Nhất là vào đây mới chán, sống Hà Nội quen thành ra cũng nhớ. Tôi đang thu xếp xin về Pháp". Tôi nín thinh nhìn xuống bàn chân nhăn nheo của người đàn bà ngoại quốc, thoáng thấy lại một vài cảnh gặp ở ngoài phố. Chợt nhớ ra, bà Georgieff hỏi tôi: "Ông có thực hiện được điều mơ ước ông nói đêm Noel không? Ông bảo ông sẽ viết văn và ông sẽ dành cho những người Pháp như vợ chồng chúng tôi một cuốn sách. Ông còn nghĩ tới điều đó nữa không?". Tôi lắc đầu đáp: "Tôi có nói thế hay sao? Tôi quên tiệt. Bà có thể tin là tôi trở thành nhà văn được ư?". Bà Georgieff trố mắt ngạc nhiên vì câu hỏi vô lý của tôi, tôi đứng dậy đi mấy bước qua mặt bà và nói tiếp: "Bà trông tôi có dáng văn sĩ không?". Bà xịu mặt không trả lời, tôi biết mình đùa lố bèn xin lỗi, bà an ủi: "Ông không được mãn nguyện". Mấy ngày ra nghỉ ở đây tôi đã quên được cái không khí buồn nản đầu độc của Sài Gòn, bỏ lại những bộ mặt quen thuộc đáng ghét phải gặp hàng ngày là những mặt nước ao tù phản chiếu bộ dạng của tôi trong đó thành những hình thù trơ trẽn. Chỉ trong một giây, tôi nổi giận một cách bệnh hoạn, trông thấy tất cả những mặt ấy hiện lên bao vây tôi reo hò bằng một thứ tiếng quái gở. Tôi nói: "Tôi bất mãn với tôi". Bà Georgieff đổi chuyện hỏi: "Ông Nghệ còn ở chơi ngoài này lâu không? Tôi mời ông ở lại đây cho vui, tôi chẳng có bè bạn nào". Tôi đáp rằng tôi còn một người bạn gái nên bất tiện, bà lại hỏi: "Nếu ông không bận ra biển mình đánh vài ván súc sắc". Tôi nhận lời, tôi rất đỏ, thắng điểm liên tiếp. Khi trời đã có nắng, xung quanh chúng tôi vẫn vắng vẻ êm tĩnh lạ lùng, tôi nhìn cái dáng cúi của bà Georgieff theo dõi bàn tay tôi khi lắc mấy con súc sắc ném xuống cái khay tròn bọc nhung, tôi hỏi: "Bà vắng khách nhỉ?". Bà vơ mấy con súc sắc đáp: "Từ nãy giờ tôi mới thấy ông ném một lần mà hỏng ngay, ông đỏ lắm. Ông quên hôm nay là sáng thứ Hai, du khách về Sài Gòn hết cả rồi". Tôi ngắm cái bàn tay da đã dùn và đầy tàn nhang của người đàn bà ngoại quốc nhớ tới cái khuỷu tay trắng của một người đàn bà khác có một vài nốt muỗi đốt đỏ thò ra cửa xe tắc xi tôi gặp một bữa trên đường phố Sài Gòn đã làm tôi liên tưởng tới những nhân vật da trắng – của một tác giả Anh – tàn tạ hư hoại cả một đời ở những xứ thuộc địa xa lạ. Bỗng nhiên tôi muốn nói vài điều giấu kín với bà Georgieff. Tôi thường thổ lộ tâm sự với những người gặp gỡ thoáng qua chốc lát, không bao giờ với người thân cả. Bởi tôi không muốn những người còn gần gũi với tôi lâu dài biết, họ sẽ là phần phụ của trí nhớ tôi, làm tăng thêm những nỗi ám ảnh mà riêng ở tôi đã đủ nặng nề rồi. Tôi nói với người lạ, những người chỉ gặp một lần, họ nghe đó và thường khi họ cho là tôi bịa đặt hoặc có tin họ cũng chẳng thường xuyên bên cạnh tôi để nhắc nhở. Nói với người lạ là được nói một mai ngân hàng ở trạng thái bình thường. Bà Georgieff ngửng đầu lên nhắc: "Tới phiên ông, ông nhìn gì đó". Tôi bốc mấy con súc sắc lên bàn tay đáp: "Tôi đang ngắm bà và nghĩ đến câu chuyện của tôi". "Chuyện gì?". Tôi ném ba cái hột xương xuống mặt khay lật ngửa ba mặt người chạm màu đỏ ngồi trên ngai, tôi nói: "Một trong những câu chuyện tôi không thể nào viết ra được. Bữa kia tôi đi trên một chuyến xe buýt đông người từ ngoại ô vào thành phố. Tôi đứng bên một người đàn bà Pháp gầy yếu? Bà ta mặc một cái váy đã cũ, tóc bà vàng cháy cứng, tay đeo một cái sắc vải nhăn nhúm, cầm một cây dù, một tay níu lên thanh sắt ở trần xe, chân bà đi đôi săng đan kiểu trẻ con. Mỗi lần xe chuyển động bà xô vào người tôi là bà lại lắp bắp xin lỗi. Bà lấy vé người ta thối lại cho bà năm cắc bằng ba đồng nhôm tròn to nhỏ không đều, bà cầm chắc trong bàn tay. Một lúc bà đánh rơi mấy đồng hào xuống ván xe tôi cúi xuống nhặt hộ cho bà, khi ngửng lên tôi trông thấy bà đang thò tay rút lấy cái bút máy trong túi áo của một người đàn ông đứng cạnh… Ba con súc sắc ném xuống, hai con tung ra khỏi khay, lăn xuống đất, bà Georgieff chăm chú ngó tôi, tôi vừa nhặt chúng lên vừa nói: "Đúng ra thì lúc ấy tôi tưởng tượng và tôi trông thấy. Bởi bà ta nhận mấy đồng tiền tôi trao lại lúng túng thú nhận một thứ tội lỗi nên tôi trông thấy những việc không bao giờ xảy ra. Có nhiều chuyện nữa, tôi trông thấy và tôi không viết ra được nên tôi… Tôi cứ có cảm tưởng là tôi trông thấy những bóng ma trong khi những kẻ khác thì tin vào khoa học". Bà Georgieff hỏi: "Ông không viết vì thế?". Tôi gật đầu. Bà Georgieff lại hỏi: "Có phải lúc ấy ông nghĩ đến vợ chồng chúng tôi không?". Tôi không thể trả lời câu hỏi ấy. May mắn vừa lúc mấy người Mỹ bước qua cổng đang đi vào trong vườn, tôi bảo: "Bà có khách, lúc khác tôi lại thăm bà". Bà nắm chặt tay tôi tỏ nỗi xúc động: "Cám ơn, cám ơn Nghệ". Lẽ ra lúc bấy giờ tôi phải ôm hôn lên trán bà Georgieff và nói: "Từ biệt Emma". Tôi từ biệt bà lặng lẽ. Tôi đi từ trên hành lang xuống vườn theo lối tráng xi-măng thoai thoải phía bên trái, bọn khách hàng của bà Georgieff lên lối bên phải, nhìn thấy ở xa dưới những hàng cây một chút mặt biển như một vũng nước xanh rờn, nghe thấy tiếng bà Georgieff gọi với: "Nhớ lại thăm tôi nghe Nghệ", tôi quay lại vẫy tay mỉm cười. Ra ngoài đường, tôi lại tỉnh một giấc nữa. Cái cảm giác sau đêm thức trắng là cảm giác trồi sụt liên tiếp qua những trạng thái mê tỉnh gần nhau khó phân biệt, nhưng có một lúc người ta cảm tưởng mình sáng suốt, ý thức như bay trên cái cơ thể mệt mỏi, thoát ngoài cái khối đầu đảo nặng, và nhìn sự vật bên ngoài qua một lớp màn che là cái thân xác uể oải. Một người nào cũng đã hỏi: "Ông sống nhiều thế, ông có thể viết văn được, tại sao không viết?". Tôi đưa trí óc tôi bay lởn vởn về những chốn đã đi qua để tìm người đã nói. Tôi nghe thấy giọng trả lời giễu cợt của tôi sau câu hỏi: "Tôi cần được một nhà văn nâng đỡ khuyến khích như bà chẳng hạn". Hẳn là nữ văn sĩ, chừng ngoài ba mươi tuổi, không đẹp lắm nhưng có một thân hình khéo léo. Đó là một buổi chiều, ở lưng chừng con đèo cao gần nơi đồn trú của tôi, hắn dừng xe ngắm cảnh mặt biển hoàng hôn ở dưới thấp, và tôi vừa tắm dưới suối leo lên đường. Hắn đi với một người đàn bà khác, cũng là văn sĩ, gầy và xấu hơn, cả hai đều mặc quần chẽn đen bó sát ống chân, áo sơ mi xắn tay những hàng kẻ ngang lớn màu nâu như da ngựa vằn. Tôi vốn không ưa bọn văn sĩ, nhất là văn sĩ đàn bà, vai trò bọn ấy đóng trong đời sống xã hội là một vai hề làm vui bọn khán giả vô ý thức, riêng bọn văn sĩ đàn bà là bọn hề khôi hài bằng vẻ đạo mạo nghiêm trọng. Suốt buổi gặp gỡ, tôi giả bộ tỏ lòng ngưỡng mộ kính phục hai nhà văn của tôi và lấy làm thú vị về sự trêu cợt. Tôi đưa bọn họ lên trên ngôi bắt họ đóng cho tôi xem. Khi thoạt trông thấy hai người đàn bà đứng trên đèo chênh vênh với hai bộ y phục giống hệt nhau như hai con thú vừa được xổ chuồng, tôi đã nhận ra một người. Tôi đã bắt gặp bộ mặt tự mãn này trong một tờ báo nào qua một cuộc phỏng vấn có đăng hình bộ mặt thò lên sau một cái bàn giấy sau lưng là tủ sách đóng gáy da, tay đang cầm bút đặt ngòi trên một thếp giấy nhìn thẳng vào ống ảnh. Tôi tiến lên trước mặt hắn, diễn tả bằng một giọng nói kiểu cách sự vinh hạnh được yết kiến những nhân vật quan trọng trong xã hội: "Thưa bà, nếu tôi không lầm thì bà là X. tác giả cuốn…". Tôi ngập ngừng vì quên mất tên cuốn sách của hắn, hắn tưởng tôi lúng túng vì cảm động và ban cho tôi một tia mắt thân thiện. Sau đó tôi được giới thiệu với người thứ hai, một nữ văn sĩ đã từng du học ngoại quốc, bộ mặt người này gồm những nét gầy và góc nhọn, cặp mắt sắc, tất cả những chi tiết mà người đời thường cho là biểu hiệu của trí thức, riêng tôi, tôi nhận ra ngay đó là cái mặt của dục tình bị đè nén. Tôi mời hai người đàn bà về thăm chỗ trấn đóng của tôi. Ngồi ghế sau xe hai người tôi tìm hết lời ca tụng nhà văn đẹp của tôi. Tôi hỏi: "Trong bài phỏng vấn bà, tôi thấy nhà phóng viên giới thiệu bà giống một nhà văn ngoại quốc nào đó, thưa bà có đúng như thế không?". Hắn nhắc lại tên nữ văn sĩ kia bằng giọng uốn éo nhịp nhàng hãnh diện, tôi nói: "Tôi tiếc chưa được đọc nhà văn kia để so sánh với bà". Hắn giảng cho tôi nghe về tác phẩm của nữ văn sĩ ngoại quốc như bà giáo giảng bài cho học trò, toi luôn luôn gật gù mỉm cười. Sự thực thì tác phẩm của thầy hắn cũng như của hắn tôi chỉ đọc vài trang là liệng đi, bởi chúng chẳng liên quan gì đến cuộc sinh hoạt của tôi. Tôi không thể nghe những câu chuyện ngồi lê đôi mách của đàn bà, những lời giáo huấn của các bà mẹ bà chị, những tình cảm vụn vặt quanh quẩn nơi xó nhà… Trong khi đưa hai nhà văn đi thăm trại, tôi ra lịnh cho lính của tôi chọc thủng bánh xe và lốp phòng hờ của họ. Nhà văn đẹp của tôi ngạc nhiên trước mọi cảnh tượng khiến tôi không nín được cười, tôi ưa cái nét mặt bất động dửng dưng của người bạn hắn. Chúng tôi bàn luận về sự nghèo nàn của văn chương hiện đại. Tôi nói: "Nước nhà còn hai nhà văn như bà với cô đây là đủ quá rồi". Nhà văn đẹp của tôi nhìn ra chỗ khác đáp: "Ông quá khen". Chỉ có người bạn nhìn tôi bằng cặp mắt nghiêm nghị xét đoán, tôi đóng bộ mặt thật thà ngớ ngẩn khiến hắn bật cười một tiếng ngắn khô khan. Khi đưa h ai người đàn bà ra xe, tôi đóng kịch làm một anh chàng thi nhân ngô nghê, tôi kêu lớn như không ngăn giữ được tình cảm: "Trời ơi, mặt biển buổi chiều đẹp quá chừng, nước tím như màu mắt người yêu ban đêm vậy. Bà có nhìn thấy sóng vỗ như đập vào những ngọn cây dưới chân núi không?". Nhà nữ văn sĩ đẹp của tôi, mặt ngây ra một cách dại khờ, có lẽ hắn đang cố làm cho tâm hồn hắn loãng ra trong cảnh vật dễ rung động. Tôi chỉ muốn tát cho hắn một cái để nhắc với hắn rằng có một người đàn ông thô bạo đang đứng sát bên hắn và đang quàng tay ngang lưng hắn. Nhưng hắn đã tự hút trống hết hồn hắn, không chú ý gì tới xung quanh, hắn không nghe thấy cả tiếng bạn hắn gọi từ phía xa. "Bánh xe hết hơi rồi… không về được thành phố kịp tối nay đâu…". Tiếng gọi bạt trong cơn gió thốc buổi chiều. Hình ảnh hai người đàn bà gió thổi làm mỏng đi trên đèo cao và trước mắt tôi hiện lên màu ngọc bích chập chùng của những rừng núi chạy biền biệt đến cuối tầm mắt. Tôi bỏ mặc người đàn bà ngu dại ướt sũng những tình cảm, đi lại phía xe hơi. Bạn hắn ngó tôi với cặp mắt hiểu hết ngọn nguồn, chúng tôi cùng cười vang với nhau đồng lõa. Tôi rủ người này leo lên một mô cao nhìn về những lớp núi rừng trùng điệp phía tây, mặt trời khuất từ lâu sau những ngọn cao, đã nhuốm màu đen xanh chếnh choáng. Tôi nói: "Như cặp mắt của cô lúc cười tình tứ, bỏ quên cái vẻ nghiêm khắc bức bối ban trưa". Lát sau nhà nữ văn sĩ đẹp leo lên chỗ chúng tôi đứng nói với bạn: "Cậu có thấy không, con người thật là ti tiểu trước cái bát ngát của vũ trụ. Lúc nãy tôi tưởng như tôi có thể tan ngay tức khắc trong không trung, mình chẳng cần hiện hữu làm gì". Tôi vội đáp: "Không nên, không nên, một người đẹp như bà mà mất đi, không thể được. Và thiệt thòi cho văn chương biết là bao". Người đẹp nghiêm chỉnh đáp: "Văn chương cũng chỉ tầm thường, sánh sao nổi với vẻ đẹp của vũ trụ, lúc này đừng nghĩ đến văn chương thêm thẹn". Tôi hỏi: "Người như bà mà còn ti tiểu, thứ như tôi chắc là đồ bỏ đi". Người bạn thúc khuỷu tay vào người tôi ý không muốn tôi nói nữa. Trong bữa cơm thết đãi hai vị khách quý, tôi và người bạn uống hết nửa chai rượu còn lại, chiều hôm trước mình tôi đã uống hết nửa chai. Chúng tôi nói chuyện ồn ào. Trước mắt người đẹp chúng tôi như hai con thú rừng nô giỡn dọa dẫm con thú nhà khiếp sợ, tôi vui thích với người đàn bà có rất nhiều đàn ông tính. Người đàn bà ấy đã vỗ vai tôi một cách thân mật bảo: "Tôi khuyên anh không nên viết văn, văn chương nó làm hỏng anh đi". Tôi trợn mắt làm hề nói với người đẹp: "Bà nghe bạn bà nói có xuôi không?". Người đẹp chỉ nhắc bạn: "Cậu bắt đầu say rồi đấy". Tôi ngắt lời người bạn: "Không, cô ấy chưa say, tôi hoàn toàn đồng ý. Nhất là đàn bà lại càng không nên viết văn, cô có đồng ý với tôi không nào?". Mặt người đẹp sưng lên vì giận dữ, còn mắt người bạn thì long lanh một vẻ đẹp man rợ hòa hợp với những nét sắc cạnh trên mặt. Chừng hơi say hắn nói không nể nang: "Đồng ý, hoàn toàn đồng ý. Kinh nghiệm bản thân đây – hắn cười một cách thỏa thê – muốn làm đàn bà hiền thục hãy sống hiền thục, đừng viết hiền thục, giả dối. Đã viết là biến chất, như tôi là hóa thân thành cái khác mất rồi. Tôi thành đàn ông, có phải không? Mà thành đàn ông nhiều lúc nhớ đàn bà vô kể". Tôi vỗ tay như xem trình diễn trên sân khấu. Hứng chí hắn tiếp lời: "Như anh không viết là phải, nếu ưa cái đời sống của mình thì hãy sống với nó thực hơn. Viết là muốn cái khác, trong khi muốn cái khác mà cứ phải che đậy nói về cái mình đã bỏ đi là giả dối, là đạo đức giả. Anh có ưa cái đời sống loăng quăng này của anh không? Có. Anh còn muốn gì khác không? Không. Vậy đúng rồi, ôm lấy nó mà sống mà tận hưởng thú vị, việc gì phải viết, bỏ cái thú sống thực đổi lấy cái thứ sống giả". Tôi chìa tay ra cho người đàn bà lạ lùng ngồi trước mặt bắt lấy, tôi rung rung hai bàn tay ướt lạnh mồ hôi bảo: "Cám ơn. Thật là chí lý. Cô là một nhà văn chính cống, tôi thành thật khen ngợi. Có nhận lời khen của một nhà văn chưa viết không?". Hắn đưa tay lên vuốt lại mớ tóc cắt ngắn, mặt nhăn nhó nói: "Rất hân hạnh, hân hạnh lắm. Có thể nhận được lời khen của nhà văn không bao giờ viết cũng được". Nói xong người đàn bà ấy cúi gập mình xuống nôn ọe, nhà nữ văn sĩ đẹp không rời khỏi ghế nói chỏng: "Đã bảo mà, say rồi". Tôi xô ghế đứng dậy đỡ người bạn, hắn nôn thốc vào cánh tay tôi, bắn cả lên ngực áo. Tôi dìu hắn về cái ghế nằm của tôi, hắn thì thào: "Chưa khi nào say tới như thế, mình say thật rồi… Xin lỗi hộ tất cả mọi người có mặt… Ra xin lỗi hộ mọi người … bảo… bảo mình cần phải ngủ lắm…". Tôi hôn lên trán hắn như hôn đứa em gái ngỗ nghịch nhưng hắn ngủ vùi mất rồi. Khu đồn của tôi đóng trên một khoảng đất nghiêng thấp hơn mặt đường, trần trụi cỏ không mọc được, giáp lưng vào một thung lũng nhìn ra biển. Đêm đêm từ đồn xuống xa xa dưới hũng tối óng ánh vùng điện của một thị trấn và ngày tới mặt trời mọc dưới tầm mắt mình. Tôi nhận ra tôi đã đi sâu vào phố bỏ xa bãi biển, những dãy phố nhỏ nhà thấp, cây thấp. Tôi tìm đường trở lại khách sạn. Cửa phỏng mở, Hợi đã dậy đang ngồi bói bài một mình ở đi-văng, những quần bài nhỏ bằng hộp diêm được xếp thành hàng tư ngay ngắn và hắn ngồi ngắm chúng thẫn thờ. Tôi tới nằm lên giường nhắm mắt nghỉ ngơi. Một lát tôi nghe tiếng hỉ mũi, tôi mở mắt nằm nguyên nhìn Hợi. Hắn vẫn tiếp tục bói bài bằng đủ mọi kiểu, hắn lật ngửa từng đôi một thỉnh thoảng chọn lấy một con đặt riêng sang bên, hắn xếp bài thành hình tròn quay quanh một quân nằm giữa, rồi xóa đi bày thành hàng dài lấy tay đếm năm quân một lại ngừng… Mấy gian phòng xung quanh có lẽ người ta đã trả lại nên im lặng. Ngoài cửa phòng của tôi là một khoảng hình vuông thụt vào của cái hành lang hẹp, mấy cửa phòng đâu vào nhau, đầu hành lang nơi cầu thang đêm trước là phòng của một dân Mỹ. Chiều thứ Bảy tôi ra đây định ở ít hôm một mình, có những lúc tôi cần sự cô đơn để giải những chất độc của đời sống hàng ngày tôi phải thở hít. Nhưng chỉ được một buổi chiều tôi lại thấy cần một đồng bạn. Buổi tối tôi tìm đến một khách sạn lớn có phòng khiêu vũ. Phòng khiêu vũ này chỉ mở mỗi tuần một tối thứ Bảy là ngày đông du khách, người ta đón những vũ nữ từ Sà Gòn xuống rồi sáng Chủ nhật lại đưa về. Đám vũ nữ rẻ tiền không sống được ở thủ đô, đành phải đi kiếm ăn xa, họ được nuôi ăn bữa chiều thứ Bảy, bữa sáng Chủ nhật và ngủ ở hiên nhà ngang phía sau phòng nhảy, khi tôi đi vào nhà sau qua chỗ này tôi thấy những ghế bố đã giăng màn sẵn, xung quanh ngổn ngang những thanh gỗ đang bào còn chất đầy vỏ bào, người ta đang sửa nhà. Tôi gặp Hợi, người vũ nữ cuối cùng chưa ngồi bàn, hắn có nét mặt dễ thương, khuôn người còn có dáng, tính lại dễ dãi xuề xòa. Không khí trong phòng tối tăm khó thở, âm nhạc thì lổn nhổn chói tai, có một nữ ca sĩ lại hát tiếng Trung Hoa và tiếng Mỹ giọng Tàu. Tôi đề nghị với Hợi ra ngoài bãi tắm. Hắn hẹn với tôi nửa đêm quay lại đón, hắn sẽ về khách sạn của tôi. Tôi bỏ ra ngoài bãi thuê ghế nằm hóng mát. Gần bên tôi có một người mang theo cái máy phát thanh nhỏ trong ấy có một buổi hòa nhạc. Một lúc nào tôi nghe được một khúc Sonate bằng trung hồ cầm lẫn với tiếng sóng biển. Tôi thấy tôi được hạnh phúc hoàn toàn. Tôi tơ tưởng về hạnh phúc của tôi. Tôi sinh ra không phải để hưởng thứ hạnh phúc trọn vẹn hoàn hảo, hạnh phúc theo thói quen, bởi như thế khi tỉnh giấc sẽ chán và khổ vô chừng. Rồi hạnh phúc trở nên một thứ tù ngục, chính vì lẽ đó mà nhiều người hoài nghi hạnh phúc phá vỡ tới cùng bất cứ cái định nghĩa nào về hạnh phúc. Đừng bảo những người ấy là khao khát tuyệt đối, họ là những người không sống và chỉ nghĩ suy về đời sống thôi. Có lẽ vì lối sống lang bạt, vì sự sáng suốt của tôi, tôi không muốn tìm cái hạnh phúc ấy, tôi nhận rằng với tôi chỉ có một thứ đáng kể ở đời là những bonheur d’occasion như lúc này. Tôi hưởng hết cái hạnh phúc ấy trong những dịp may mắn tôi gặp, không cho cái hiện tại hay cái tương lai vào khuấy động phá tan để suốt đời tay trắng chua chát. Rồi khi mất chẳng ân hận luyến tiếc. Không toan tính không lo nghĩ, hạnh phúc đến và đi theo cái ý muốn của đời sống xung quanh và tôi sống buông xuôi tay như thả mình cho nước cuốn. Như lát nữa tôi sẽ bảo với Hợi lưu lại với tôi ít ngày, tôi còn một món tiền đủ hai người tiêu chung, chúng tôi hợp nhau lại mà hưởng những thú vui của những người cô đơn cần có nhau. Và khi sự cô đơn đã lấp đầy, chia tay nhau trong một thứ tình cảm mong manh ấm áp như những ngọn lửa sưởi trong cuộc hành trình mỗi người một ngả còn dài dằng dặc. Tôi chỉ chịu được những tình cảm đột khởi rồi dịu xuống mất đi và thù ghét những tình cảm phải chăm nom giữ gìn. Tôi có ý nghĩ ngược đời sau này: những kẻ ghê gớm tàn nhẫn nhất là những kẻ sống thuần với tình cảm, những tình cảm mà mỗi ngày họ nhóm thêm cho cháy rực, đến độ thành đam mê ngu muội. Một ngày nào người ta sẽ nhân đạo hơn khi người ta sáng suốt thảnh thơi, coi thường tình cảm, lòng yêu ghét thù hằn giận hờn không bao giờ kéo dài qua giây phút. Khi cô đơn, khi hưởng hạnh phúc, tôi ưa tới những nơi xa lạ không người quen biết, những phòng khách sạn đồ đạc trở về ý nghĩ khởi đầu là để dùng vào một việc nhất định nào đó không phải để quyến luyến. Cắt đứt mọi liên lạc ràng buộc tình cảm, tôi trôi qua những người và sự vật chung quanh mình không ghi một dấu vết. Bản Sonate tới những khúc nhạc cuối cùng, thả xuôi trên dây trầm còn một thứ rung động nhẹ nhàng trước khi tan biến. Tôi ưa âm nhạc ở điểm đó, nó ghi lại hạnh phúc và rồi thôi, trả lại cái nhịp hỗn loạn cho đời sống. Nó không có cao vọng như văn chương là muốn chụp lên đời sống để sửa đổi nó. Vô ích, vô ích lắm. Tôi quay về phòng khiêu vũ lúc gần một giờ sáng, trăng ở trên đầu yếu đuối. Trong phòng đã thưa người, nhưng Hợi vẫn còn nhảy với mấy người trai trẻ náo động. Tôi ra ngồi trên thành bể xây hình thang ngoài sân khách sạn, hút thuốc lá nhìn một cặp vợ chồng đứng dựa trên từng lầu ba ngắm mặt biển trăng. Bọn trai trẻ bỏ về, tôi vào. Ở cửa phòng tôi nghe một giọng hát âm đàn ông, tôi không ngờ đó là Hợi. Hắn hát vụng về lỗi nhịp trong giọng ngân không giấu được sự cảm động, nhưng bài hát và hắn tạo ra được hết cái không khí mệt mỏi nửa khuya. Tiếng cười nói xầm xì, mấy cô vũ nữ ngồi vây quanh quầy rượu trên những chiếc ghế cao cẳng tính tiền vũ phiếu. Bồi bàn đang dọn dẹp những bàn trống, trong những góc tối một hai bọn khách đang điều đình rủ những vũ nữ về với mình. Hát xong Hợi đi xuống chỗ tôi ngồi, hắn cầm khăn tay chấm nước mắt và hỉ mũi. Trong bóng tối của căn phòng khách sạn, giữa tiếng ồn ào cãi lẫy bên phòng người Mỹ, hắn đã thì thầm tâm sự với tôi mộng ước của hắn là trở thành ca sĩ để kiếm tiền đỡ cực nhục hơn, khi tôi khen hắn hát hay, hắn bảo với tôi: "Bọn cao bồi nó cứ định kéo em đi, em trông anh hoài không thấy". Ra đến ngoài đường hắn yêu cầu tôi: "Anh đưa em ra ngoài bãi một lát cho mát, về làm gì sớm vậy. Về bây giờ em cũng chẳng ngủ được đâu, nhiều hôm không đi làm em cũng quen mắt thức đến ba bốn giờ sáng". Chúng tôi trở về khách sạn lúc ba giờ sáng. Tôi phải đánh thức người gác cổng ngủ ở ghế bố ngoài đầu hè dậy mở cửa cho chúng tôi. Tôi ở một khách sạn nhỏ, lối vào một hẻm đóng bằng cửa sắt kéo. Tôi dậy tới ngồi cạnh Hợi, trong khi hắn đang xếp và trang bài. Mắt hắn đỏ hoe, hắn đã đánh phấn thoa một chút hồng lên hai gò má che được phần nào lớp da mặt rỗ. Tôi nhớ sáng hôm qua khi thức giấc, cái ánh nắng lộ liễu của nửa sáng chiếu vào phòng đã phô ra trước mắt tôi một con người khác đêm trước. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng không thất vọng. Cái mặt rỗ của Hợi làm xấu hẳn đi nhưng tôi ưa cái xấu đó, cái xấu làm cho người ta trở nên tầm thường hèn mọn và dễ yêu hơn. Tôi hỏi vu vơ: "Em buồn hả?". Hợi đáp: "Ừ, em buồn, em nhớ nhà. Tự dưng có những lúc em buồn phát khóc vô cớ, nhưng chỉ một lát quên ngay". Hắn vừa nói vừa mỉm cười: "Anh để em bói cho anh một quẻ". Hắn bắt tôi đặt bàn tay trái lên bộ bài, hắn bảo bàn tay ấy thông với quả tim và khi mình nghĩ tới điều gì thành thật nó sẽ hiện lên, kinh bài ra làm hai phần, nhặt lấy một cây bản mệnh. Hắn bày bài ra xem một mình không giảng giải với tôi một lời nào. Tôi hỏi thì hắn xỏa đi lắc đầu bảo: "Anh chẳng có chuyện gì cả, anh chẳng nghĩ đến chuyện gì hết". Tôi nghĩ mình đã dại, chắc hắn muốn tìm đọc trong bài để hiểu tôi, tôi biết chắc rằng hắn chẳng thể hiểu nổi tôi nhưng tôi không thích hắn vẽ trong đầu bất cứ một hình ảnh nào về tôi. Tôi đứng lên bảo Hợi: "Thôi, chúng mình ra biển chơi". Hắn mặc áo cánh trắng, choàng cái khăn mỏng lên tóc, mang cặp kính đen mắt xếch và xách cái túi đựng quần áo khăn tắm cho tôi. Hắn bảo: "Anh đưa em ra chợ mua cho em mấy bản nhạc để em ngồi hát cho đỡ buồn khi anh tắm". Chợ trưa đã vãn người. Những gian hàng, người mua bán không còn hoạt động náo nhiệt. Mọi sự chuyển động như theo một nhịp máy điều hòa tất nhiên đến nổi cho người ta cái cảm tưởng là một sự chuyển động tĩnh, chết. Trong khi Hợi đứng chọn nhạc trong một gian hàng bên hông chợ, tôi thơ thẩn dạo mát qua những cuốn sách bày trong tủ kính. Tôi tự hỏi lẩn thẩn những người đọc tìm thấy những ý nghĩa gì khi nhìn những bìa sách để có thể mua về vùi đầu vào đọc mê mải. Đối với người viết thì đã đành hắn có thể thỏa mãn lúc viết xong vì đã giãi bày được những điều ấm ức trong lòng hay hắn hãnh diện một cách lố bịch là hắn đã quan trọng vì làm được một công trình hữu ích cho đồng loại, cho hậu thế. Nhưng còn người đọc? Tôi rất ít đọc sách bởi tôi coi thường cái tâm sự của người khác và tôi cũng không tin nốt cái hữu ích của sách vở văn chương đối với xã hội. Tôi tự ví tâm hồn tôi như tâm hồn của tỉnh lỵ, liên lạc với bên ngoài những gì cần thiết, còn ngoài ra sống trọn cho mình để quên, quên tất cả. Tỉnh nhỏ không có trí nhớ hay chỉ có trí nhớ chết mà thôi, lạc giữa tỉnh nhỏ tôi là một người hoàn toàn tự do. Hợi còn mua thêm một trái mãng cầu xiêm, hắn nói: "Tắm xong anh ăn món này ngon lắm". Bãi biển vắng ngắt, cách chừng vài trăm thước mới có một hai gia đình ra nghỉ hè còn lưu lại. Chúng tôi chọn hai cái ghế dưới bóng rợp của một kiosque có đặt bàn bi-a và máy phát điện. Tôi xuống tắm và Hợi ngồi trông quần áo cho tôi. Mặt biển phẳng lặng, nước buổi sáng càng ra xa càng mát lạnh. Trước mắt tôi là một mặt phẳng mênh mông lấp lánh ánh nắng. Những lúc hụp đầu xuống tôi mở mắt trong màu xanh đục lẫn những vẩn vàng nhỏ li ti. Tôi cử động một cách khoan thai. Lúc tôi quay nhìn vào bờ, Hợi nhỏ lại lẫn vào trong những đồ vật của bãi biển hình vòng cung. Tôi chỉ nhận ra hắn nhờ ánh mặt trời phản chiếu trên mặt kính đen. Tôi bơi ra xa hơn nữa. Tôi nghĩ nếu tôi cứ cử động chậm chạp như thế này mãi cho tới khi tay chân cứng lại chìm xuống thì trên mặt biển rộng không phương hướng này tôi sẽ tới chỗ nào. Trong khoảng thời gian ấy đối với tôi vẫn có nghĩa là một đời tôi còn lại; đối với Hợi là bao lâu, nửa ngày, một ngày, hai ngày…; đối với bà Georgieff. Tôi hụp đầu xuống và bị sặc, tôi không dám nghĩ nữa. Với bà Georgieff, tôi mất bây giờ, hay vài năm nữa, hay vài chục năm nữa, tôi cũng vẫn là cái thằng bất đắc chí buổi sáng hôm nay, nếu tôi không trở lại gặp bà bằng cách này hay cách khác. Tôi quay người trở vào bờ tìm đích, nhưng không còn nhận ra chỗ ngồi của Hợi nữa. Một ý tưởng lởn vởn: nếu bây giờ chuột rút tôi chìm xuống giữa đường bơi vào bờ. Tôi sợ hãi. Thời gian còn lại cho tôi được bao lâu nữa? Làm thế nào biết được. Tôi chết trước khi vào tới bờ, tôi là kẻ mất tích. Chỉ có một kẻ bị liên quan đó là Hợi và hắn phải chịu đựng cái chết của tôi một cách vô lý đến thế ư? Tôi thả người bơi ngửa nhìn lên trời cao để quên sự ngọ nguậy láo khoét trong đầu. Làn nước mát ôm lấy tôi như da thịt rời rợi của Hợi. Khi tôi quay sấp người tôi thấy tôi lạc hướng. Tôi vội nhắm vào gốc cây lớn làm đích để bơi thẳng. Tôi đạp mạnh, soải dài tay như mở một cuộc thi. Tôi bơi thi một mình với sức lực của tôi. Tôi không nghĩ gì nữa hết, xung quanh tôi là tiếng dập ồn ào của chân tay tôi. Khi tôi bắt đầu bị uống liền vài ngụm nước mặn chát, chân đập chìm dần sâu dưới mặt nước thì ngón chân tôi đụng xuống cát nhão. Tôi dừng lại, nước ở ngang cằm. Tôi mệt mỏi bước lên bờ, bãi biển chỗ này hoàn toàn xa lạ. Tôi ngồi trên những khoảng mô cao, nghỉ cho đỡ nhức đầu. Lòng tôi tự dưng buồn bã lạ thường, giống như lúc tỉnh cơn say rượu. Tôi đi dọc theo bãi đến gần nửa cây số mới về đến chỗ Hợi. Hắn đang ngồi ăn quà của một cô hàng gánh, ngước cặp kính đen, mỉm cười hỏi: "Anh có ăn ốc không?". Tôi lắc đầu nằm xuống ghế, trong quán hai ba người đàn ông đang đánh bi-a. Bà chủ quán ngồi sau cái quầy cạnh tủ lạnh đang dũa móng tay nghe nhạc. Ăn ốc xong, Hợi ném cho tôi cái khăn tắm hỏi: "Anh ăn mãng cầu nhé, em bóc cho. Anh đi đâu về đấy?". Tôi nói: "À… anh bơi vòng xuống cuối bãi". Hợi bẻ cho tôi một miếng mãng cầu bắt tôi phải ăn, hắn đặt cái kính đen xuống bàn để nhìn tôi âu yếm cho sự săn sóc được đầy đủ. Lúc ấy một cô bé mang những xâu chuỗi ốc bán dạo đi ngang. Tôi gọi lại mua cho Hợi một vòng và tôi đeo một vòng. Bất chợt, tôi nghĩ tới một cô gái rất nhỏ hồn nhiên ngây thơ, em gái của một người bạn, tôi sẽ tặng xâu chuỗi ốc tầm thường này. Tôi gặp được một hạnh phúc. Tôi tròng xâu chuỗi ốc vào cổ Hợi, làm bộ cúi xuống để hôn phớt lên mái tóc hắn kín đáo che mắt người xung quanh, dù những người ấy chẳng thèm để ý đến chúng tôi. Hợi sung sướng vụng về, nắm lấy bàn tay tôi đang buông trước ngực hắn hồi hộp và xiết mạnh. Tôi đi thay quần áo trở lại đã thấy Hợi đòi cho tôi cái ghế ngồi khô, kêu sẵn cho tôi một cốc cà phê. Tôi nói: "Nằm nghỉ một chút rồi chúng mình đi ăn cơm". Tôi nằm im nhìn mặt biển, Hợi đeo kính lên khoanh tay trước ngực. Tôi tưởng hắn sắp sửa kể lể tâm sự với tôi như đêm hôm qua khi chúng tôi ngồi trên xe ngựa chạy ì ạch vòng quanh những dốc núi, dưới biển sóng vỗ ì ầm. Thứ tâm sự nhắm mắt lại tôi cũng có thể bịa ra đúng với chi tiết ly kỳ hấp dẫn hơn đời thực. Nhưng không, hắn nằm im một cách dễ chịu. Cho tới khi đi ăn cơm, hắn vẫn đi bên cạnh tôi ngoan ngoãn như một cái bóng. Chỉ thỉnh thoảng sợ tôi quên mất sự hiện diện của hắn, hắn níu lấy cánh tay tôi và đôi lúc bấm những móng tay nhọn vào da tôi. Tôi cứ lặng yên để xem hắn làm gì. Một lần hắn ấn mấy ngón tay sâu dần tưởng chảy máu được, tôi vẫn điềm nhiên khiến hắn phải thì thào: "Anh gan thật". Chỗ bấm ấy thành vết bầm tím, tôi gan thật. Trong bữa cơm, Hợi bảo tôi: "Chừng nào về Sài Gòn, rảnh anh cứ đến em nghe không? Chừng nào anh hết cả mọi chỗ đi chơi anh cứ đến em, lúc nào em cũng có ở nhà cả". Ngừng một lát, hắn hỏi: "Bao giờ anh định về?". Tôi hỏi lại hắn: "Em muốn về hả?". Hắn vội trả lời: "Em ở bao lâu cũng được, em muốn hỏi phần anh ấy". Tôi bảo: "Lúc nào chán muốn về cứ việc về, anh ở lại một mình cũng không chết ai mà sợ". Hắn ân cần nói: "Chúng mình cùng về, em muốn cho anh biết nhà em. Hay là anh không thèm tới?". Tôi gật gù đáp: "Được, để đó tính sau. Bây giờ anh có món tiền phải tiêu hết đã mới về được". Tôi chờ vài giây đợi phản ứng của Hợi rồi mới nói tiếp: "Tất nhiên trừ phần của em không suy suyển". Hắn cười tỏ vẻ biết ơn. Trưa nắng, gió biển vẫn thổi làm cho người ta choáng váng trong một cơn say trống trải. Về đến khách sạn, bước vào phòng chúng tôi trở nên hai kẻ thui thủi bị nhốt chung. Chúng tôi lại tìm đến gần nhau trong vài phút đó mong ngủ được. Nhưng sự trống trải của biển cả, của thành phố, của khách sạn, của căn phòng, của hai cơ thể hình như dìm tâm hồn người ta xuống tỉnh thức tráo trân. Tôi ra ngồi trước bàn, tự nhiên lúc ấy tôi muốn làm lại những thí nghiệm mà bao lâu nay tôi bỏ dở. Bộ bàn ghế mộc, kê khít với tủ một bên là cái la-va-bô rửa mặt với tấm gương, trên mặt bàn một ấm nước, một khay tách, một chai nước lạnh. Chắc chưa có ai tới đây ngồi vào đó để suy nghĩ, để viết. Từ lâu tôi không dùng đến bút, cũng như không có giấy. Tôi ngồi im và tôi biết chắc rằng tôi sẽ viết, tôi sẽ phải viết. Tôi buồn đến phát khóc được. Hợi vẫn nằm ngửa trên giường. Hắn gọi: "Anh đưa hộ em mấy bài hát trên đầu tủ với". Tôi cầm mấy bài hát đưa cho hắn rồi nằm xuống bên cạnh. Dưới đường còi xe hơi giục giã, một chuyến xe đò sắp rời bến. Hợi hát nho nhỏ lạc hết điệu, tôi giằng lấy bài hát bảo: "Hát sai toẹt, để người ta hát cho mà nghe". Tôi cất tiếng hát và Hợi lắng nghe. Hết bài hắn nói: "Anh hát hay lắm, dạy em đi". Tôi bỏ bản nhạc xuống, hát thuộc lòng, hắn hát theo dò dẫm. Hứng thú đến với tôi, tôi bảo: "Em yên lặng, để anh hát ru cho mà ngủ". Chuyến xe rồ máy chạy trả lại sự yên tĩnh cho tôi. Tôi vỗ nhẹ vào lưng người đàn bà và bắt đầu hát. Một bài hát chắc chắn Hợi chỉ được nghe một lần trong đời. Bài hát xưa lắm, những người thích nó kẻ đã chết, người còn sống thì quên không nhắc lại. Riêng tôi, tôi thường thì thầm với mình những phút cô đơn. Niên học hết, mùa hè đã tới, những trận mưa đầu mùa đổ xuống vào buổi chiều. Một trận mưa giông dữ dội tối sầm căn phòng học rộng làm chỗ liên hoan từ biệt của một lớp học lớn tuổi. Mưa đột ngột làm ồn đám vui, đèn được bật lên tạo một thứ ánh sáng giả trái thời, một không khí biệt lập giăng đầy những ảo ảnh. Không ai nghe thấy gì ngoài một cơn náo động hoài hoài. Tôi quay sang thằng con ngồi bên hỏi: "Anh có định đi chơi đâu không?" "Có lẽ tôi lên Đà Lạt nghỉ chừng một tuần. Còn phải về dạy lớp hè nữa chứ". Thằng con nhìn tôi, cái nhìn thẳng, thực tế. Nó biết thừa câu hỏi của tôi chỉ là một cái cớ, tôi muốn gợi chuyện khác. Nó là một thằng con trai tốt, đón trước ý định của tôi, và không khi nào chuyện ấy phải khui ra sỗ sàng giữa bố con. Tôi quay nhìn người học trò đang gào thét một bài hát lạ tai ở trên bục, bỏ mặc cho thằng con ngó mình. Nó đang tính toán, một bài tính nhẩm trong đầu, đo lường, cân nhắc sự cần thiết của tôi và giới hạn lòng tốt của nó. Nó rút trong túi một bao thư và kín đáo đặt vào tay tôi buông thõng khuất sau bàn giấy. Tôi nắm chặt món tiền và dấu vào túi quần. Học trò hò la các thầy chung vui với chúng. Thằng con tôi ngó vào tôi và tất cả các cặp mắt trong phòng đều dòm theo. Tôi phải đứng dậy bởi trong lớp này chỉ có hai chúng tôi, thằng con tôi nó không biết làm gì trước đám đông trừ việc cầm cục phấn giảng bài trên bảng. Tôi ngâm một bài thơ cổ với giọng cảm khái. Mọi người im phắc, mưa trút nước ở ngoài và nước mắt tôi rưng rưng. Thằng con tôi mỉm cười, nụ cười vắng vẻ. Tôi cũng nhìn nó và hài lòng thấy nó xúc động. Nó là giáo sư toán học nổi tiếng ở các trường lớn, kiếm nhiều tiền, có xe hơi, nhà sang, sống đời độc thân phóng túng. Nó lớn lên, bước vào đời được ưu đãi, bỏ quên ngay cái tuổi thơ khốn khổ. Sự phong lưu ôm kín lấy nó làm nó phiền muộn, tôi hiểu thế. Những giấc mộng của tuổi thanh niên được thành hình mau chóng dễ dãi bằng tiền rồi được ném tung cho bay biến vào những canh bạc, những cuộc cời. Chính nhờ nó mà tôi mới có mấy giờ dạy ở trường này sống qua ngày. Tôi nhìn nó, vẻ mặt gân guốc mờ mờ, vẻ mặt phô ra đó không còn gì chứa dấu, mọi điều đã hiện thực thành cuộc sống nó đang sống, một người lạ ngang với tôi, có thể hơn tôi, và tôi không có thứ quyền hành nào với nó. Bởi chính tôi… Bài thơ dứt, bọn học trò phá động rầm rầm và đòi được nghe nữa. Bài thơ thứ hai, tác động đối với tôi cũng như với người khác sút giảm nhiều. Tôi đọc và bắt trí nhớ, thằng con nhìn cửa sổ, học trò thì thào đâu đâu. Tôi nghĩ ra sự xúc động của tôi lúc nãy, của thằng con tôi, chỉ là một thứ "réflexe conditionné". Con chó nghe chuông rung ứa nước miếng. Và khi con chó đã bị đánh lừa nhiều lần thì nước miếng cũng phải cạn đi chớ. Tôi đã lầm, bài thơ không khơi dậy ở tôi, ở con tôi một giấc mộng nhỏ nào, những giấc mộng của tôi đã tan theo khói thuốc, của con tôi đã bay theo giấy bạc. Thằng con tôi đứng dậy trước kiếu từ mặc dù trời còn mưa, tôi đứng lên theo. Nó nói bên tai tôi: "Tôi đưa bố về". Tôi đi theo nó lặng lẽ, xuống hết cầu thang gác ra hành lang đến chiếc xe hơi đậu sát đó. Nó mở cửa phía sau cho tôi lên. "Anh mới đổi xe". Nó gật đầu và mở máy. Đến một ngã tư, nó cho dừng xe lại và gọi một thiếu nữ đang trú mưa bên hè. Cô ta lên ngồi phía trên với nó và dường như không thấy tôi, có lẽ tôi ngồi co ro trong góc nệm. Tôi cũng không trông thấy mặt cô vì cô trùm chiếc áo mưa đỏ, xét dáng đoán chừng cô còn đi học. Có lẽ cô là học trò và cũng là tình nhân của thằng con tôi. "Anh vừa ở trường về? Bao giờ anh đi Đà Lạt?" Cô ngúng nguẩy rũ rũ mái tóc làm tôi bắt nhớ đến người đàn bà mấy mùa hè trước. Điêu ngoa, điệu hãnh, nhún nhảy. Nhưng cũng dại khờ non nớt biết mấy. Thằng con tôi không trả lời, nó nhìn thẳng cái chùi kính đang sè sè gạt nước ở trước mặt. Cô gái thoáng liếc thấy bóng tôi và chúng tôi im lặng. Thằng con đưa tôi vào đến tận ngõ nhoài người mở cửa cho tôi xuống. Tôi nói: "Cám ơn anh". Bước dài vào một mái hiên, tôi đứng nhìn chiếc xe lùi ra khỏi ngõ. Tôi có cảm giác thảnh thơi hớn hở, của người đang đi tới chốn hứa hẹn. Thế là xong, hè rồi tôi được hoàn toàn của tôi. Tôi mở cửa, bước lên gác, thay quần áo, thắp ngọn đèn, nằm xuống bên mâm thuốc, hút bữa chiều. Và rồi tôi sẽ ngủ yên giấc. °Đối với tôi, trong chuỗi ngày phẳng nhẵn, hun hút như con đường mòn trong rừng già, một tháng hè là một khoảng trống đặc biệt như rừng bỗng thưa ra ở đó cho nhìn thấy trời thấy mây thấy nắng. Mùa hè Sài Gòn là mùa hè ẩm ướt. Gian nhà của tôi nhỏ hơn chật hơn tối hơn vì những trận mưa dài miên man, gian dưới bỏ trống thường xuyên, đồ đạc bụi bậm luộm thuộm, một cái sân vuông nhỏ như tấm khăn tay, một cái nhà cầu, một cầu thang gỗ dốc ngược, gian gác gần sát mái không đồ đạc nằm duỗi chân hết chiều ngang, tôi lẩn lút thấp thoáng trong đó chậm chạp như một con chuột không gây tiếng động. Cả một tháng tôi ở yên không bước chân khỏi cửa, ngày hai bữa đứa nhỏ bên hàng xóm gõ vào vách gỗ đưa cà mèn cơm qua phần hở trên đầu vách ngay chỗ tôi nằm, tôi chỉ việc khom lưng đỡ lấy. Buổi tối khuya trước khi hút bữa cuối, tôi xuống mở sẵn cửa cho người gánh nước quảy vào một đôi nước. Tôi nằm đó, bên bàn đèn, yên tĩnh ngơi nghỉ hoàn toàn không còn bị khuấy động chút nào vì công việc vụn vặt là mấy giờ đến lớp đứng trước mặt một đám học trò quậy phá như một cơn ác mộng. Gần hết hè thằng con tôi sẽ trở lại một ngày nào đó, đưa thêm tôi một món tiền nhỏ nữa và báo cho tôi những giờ tôi được mời và đã được xếp trước cho năm tới. Tôi tiêm cho nó hút vài điếu, nhìn nó vụng về lúng túng không biết cách nằm, không biết cách hít vào cho đều, phun khói phì phì, đỏ mặt, ụa mửa. Lần đầu nó từ chối, bây giờ thì không, mỗi năm đến thăm tôi vài lần nó đều hút cho tôi vui lòng. Tôi đã nói: "Không phải cứ hút một vài điếu là nghiện đâu mà sợ. Anh biết tôi chỉ mới nghiện thực thụ hai năm nay. Vậy mà anh biết tôi chơi từ bao giờ không? Từ năm anh chưa ra đời. Không phải ai cũng nghiện cả. Người ta có ý chí là vượt được hết. Tôi chỉ nghiện khi tôi nghĩ rằng đời tôi không còn gì đáng kể nữa". "Mộng ước, danh dự, lý tưởng tôi cho là hão hết. Mà còn hèn nhát, còn tham sống thì phải tìm tới đam mê. Anh còn trẻ, anh còn nhiều ràng buộc, anh còn danh dự để thể hiện, còn nhiều mộng, còn lý tưởng còn đam mê, không khi nào anh nghiện được cả. Tôi già rồi, tôi gần năm mươi tuổi, chỉ còn "cái này" là thứ đam mê hợp nhất. Anh thấy không? Nó là thứ đam mê lặng lẽ, sáng suốt. Ông nội của anh xưa kia cũng chơi từ trẻ, rồi bỏ mấy chục năm không thèm sờ đến dọc tẩu đến sáu mươi mới nghiện thực. Tùy anh hết, nghiện hay không là do nơi anh". "Đến phiên tôi, lỡ tôi nghiện từ năm ba mươi tuổi thì sao" – Thằng con tôi trả lời, nó cười hơi gằn – "Ông sáu mươi, bố gần năm mươi và tôi ba mươi". "Tôi không mong như thế. Ba mươi tuổi nghiện là đại họa thiệt thòi hết chỗ nói. Ba mươi tuổi người ta mới bắt đầu thành hình, lúc ấy người ta mới khám phá ra tình yêu. Tôi còn chậm nữa, gần năm mươi tôi mới biết yêu. Yêu là một sự giản dị tầm thường không phức tạp như tuổi trẻ tưởng tượng rắc rối. Yêu là… là hiện hữu ở ngoài mình và ở trong sự hiện hữu của người khác. Và người khác ấy tiên quyết không phải là cái bóng của mình hay của bất cứ cái gì. Và trong tình yêu như thế anh đạt được cái trạng thái của Lão "Tâm hư", đạt được mọi sự… Chậm, chậm quá, tôi nghiện mất rồi và cái "Tâm hư" ấy tôi tìm thấy ở thuốc phiện…" Tôi bừng tỉnh, cái dọc tẩu cầm nguyên trên tay và thuốc đương cháy xèo xèo. Thằng con trố mắt nhìn tôi như một thứ quái thai. Tôi kịp ngừng lại, suýt chút nữa tôi kể lể hết với nó và không hiểu nó sẽ nghĩ thế nào. Kể cũng lạ, không riêng nó mà hết thảy mọi người, người ta có thể chấp nhận cái việc tôi nghiện nhưng không thể nào cho rằng tôi có thể yêu. Dường như từ bao nhiêu đời nay tình yêu là cái món dành cho tuổi trẻ, sự đam mê như một cơn sốt run rẩy của khí huyết phương cương. Đến một độ nào đó yêu là sự lố bịch, là bệnh hoạn, là vô luân, là quái vật. "Tâm hư" là trái tim đã hỏng". Thằng con tôi riễu cợt. Nhưng tôi biết nó muốn được nghe câu chuyện, muốn được biết cái kinh nghiệm của tôi, vì nó cũng hiểu có thể chỉ là lần duy nhất bố con chuyện trò lâu và xa như vậy. "Tôi nói cho anh nghe. Bố tôi lấy vợ cho tôi từ năm tôi mười sáu tuổi khi tôi đang học năm thứ nhất. Vợ nhà quê, người cùng làng. Đám cưới xong tôi bỏ nhà đi mất, sống lang thang rồi gặp mẹ anh. Tôi yêu mẹ anh bằng cái thứ tình yêu ở tuổi anh bây giờ. Cho nên… cho nên… tôi không khi nào phiền trách mẹ anh. Tôi buồn, tôi có buồn chứ. Hồi ấy tôi cũng đã có ý định tự tử. Anh đừng tưởng tôi sắp sửa tìm cách đổ lỗi rằng sở dĩ ngày nay tôi thân tàn ma dại thế này là vì mẹ anh gây ra. Không phải, tôi không hèn như thế đâu. Tôi đã nói chính tôi muốn nghiện và tôi mới nghiện đây thôi. Chính tôi với mẹ anh đã làm khổ anh vì cái tình yêu đần độn của chúng tôi. Cho tới sau này tôi mới hiểu…" Tôi ngừng lại không nói nữa, tôi nhất định kìm giữ. Thằng con tôi ngoảnh mặt chỗ khác. Cái kinh nghiệm không thể nói ra, nó không hiểu nổi. Phải. Cho đến khi gặp nàng tôi mới biết yêu, yêu thực lần thứ nhất và lần chót, khi nàng đi mất tôi cay đắng nhận ra rằng sự may mắn chỉ đến với mỗi người một lần trong đời. Thật là buồn cười không tin được. Nhưng sự thực như thế đó. Mỗi mùa hè, bên ngoài trời mưa, tôi nghe trong tâm hồn phảng phất một ngọn lửa nhỏ lùa hơi ấm trong cái con người đã kiệt quệ, tôi đê mê nằm im cùng với khói thuốc ủ lấy ngọn lửa ấy ru mình vào cõi hư vô huyền hoặc. Hình bóng nàng có thể ngày một nhạt dần trong trí nhớ nhưng ngọn lửa ủ kia vẫn được khơi dậy khi mưa đổ, nhất là những lúc nửa đêm, ngọn đèn lay lắt, mưa vỗ rào rào trên các mái tôn trong xóm. Tình yêu đó ngắn ngủi, ít nói, không dồn đọng bên ngoài thành lời, nó thanh thản mềm mại như khói thuốc. Mỗi mùa hè, trong những lúc xuất thần, tôi vẫn thấy thân tôi rung rinh như nàng cùng đi chân không trên ván gác ở khít vách. Tiếng thở dài của nàng như một hơi gió trên bến sông xa. Tiếng kêu nhỏ ngạc nhiên trong cổ nàng. Cặp mắt nàng như thu hết những ánh sáng còn sót ở bóng tối vây quanh. Nàng đứng nép ôm con ở bóng tối vây quanh. Nàng đứng nép ôm con ở một góc, tôi ngồi vắt vẻo cố giữ thăng bằng trên đầu vách. Lố bịch, không ngờ, không thể ngờ được. Tôi thở dồn chóng mặt. Nàng nói: "Cám ơn cụ", khi tôi sửa giúp xong chỗ dột trên mái. Tôi hơn nàng ít nhất cũng mười lăm tuổi, khoảng thời gian bình thường đã khá dài, đối với một người như tôi, thêm chồng chất ngổn ngang những thất vọng, phiền não, những mộng ảo tan vỡ làm thế nào tôi gặp được nàng. Vậy mà, trong đêm ấy, tôi đã tìm thấy tình yêu, tìm thấy hạnh phúc ở nàng. Suốt đời tôi, cho đến khi gặp nàng, tôi bị ám ảnh bởi cái kinh nghiệm đầu tiên về đàn bà từ năm hai mươi tuổi. Trong cuộc yêu đương thứ nhất, chàng thanh niên thất vọng, rời khỏi người đàn bà, ý nghĩ trước nhất là cái hành động kia không tuyệt vời như trong tưởng tượng, như trong giấc mộng và cũng không thể bằng cái thú vui cô đơn mình tự tạo lấy. Cái thân thể chưa nguôi được phủ lên một cảm giác mông lung, hồi xưa tôi gọi là cảm giác siêu hình của hành động, thui thúi, cái âm vang trên da thịt thật là nhạt nhẽo phi lý. Phi lý hơn nữa là biết mình sẽ phải làm lại, làm lại mãi mãi không cưỡng được. Lòng tự ái của tuổi thanh niên dẫn tôi tới thái độ triệt hủy tình cảm trong lửa dục. Ngọn lửa ấy rực rỡ thiêu đốt hết sự thân ái có người muốn mang tới, nó chóng sáng thành một nỗi cô đơn nóng nảy. Chính vì thế, người vợ do tôi tìm lấy đã bỏ tôi. Tôi tỉnh dậy chán chường. Nhưng khi tôi mang đặt tâm hồn vào trong cuộc ân ái, tôi gặp trở lại sự thất bại buổi ban đầu. Và tôi nghĩ không bao giờ người ta gặp được tình yêu và hạnh phúc cả. Với nàng, trong khi không chờ đợi mong ước, tôi gặp tất cả trong một tâm hồn mệt mỏi, một thể xác nghiện ngập yếu đuối. Chính tôi, tôi cũng không ngờ hạnh phúc lại đến trong một tình trạng như thế, nỗi hạnh phúc đột ngột tràn đến trong chúng tôi bằng những thôi thúc vô biên, những lượn sóng vồ vập như giữa biển khơi không thấy bến bờ, một thứ tiếng nó âm thầm chôn giấu ở dưới tầng đáy nào của cơ thể. Đó là một thứ đêm trong suốt như ngọc huyền, một thứ mặt trời ấm áp có thể nhìn thẳng. Ra khỏi thân nàng, tôi bàng hoàng kinh ngạc, không biết có phải chính tôi đã vừa đặt chân vào một miền đất lạ hoang vu, không biết có phải chính tôi vừa nhóm lên được ngọn lửa nồng nàn giữa khu rừng già mịt mùng khô khan. Có thể như thế được không? Có thể nào điều tìm kiếm những năm hai mươi tuổi lại đến vào tuổi già lão chăng? Lúc ấy tôi nghe nàng rùng mình, cố gượng hé mắt rồi lại nhắm nghiền, nước mắt nàng ứa ra, ngọn đèn dầu lay lắt chực tắt soi mập bờ cái thân hình khốn nạn của tôi. Thân thể chúng tôi vẫn còn ghi rõ nhiều âm vang âm thầm. Tôi đặt mình nằm xuống với cảm giác cay đắng cô đơn nhưng không còn là nỗi cô đơn tan loãng như khói thuốc, đó là nỗi cô đơn đã kết tụ rất nhỏ, rất gọn nấp ở trong ngực tôi. Tôi cầm lấy tay nàng: "Em, em có nghe thấy anh nói không? Anh yêu em, anh chưa yêu một người đàn bà nào như em. Em có hiểu được như thế không? Hạnh phúc chỉ đến một lần, một lần duy nhất trong đời người và của anh là đêm nay. Em, em có nhận thấy như anh không?" Nàng bật khóc nức thành tiếng, dấu mặt vào trũng vai của tôi. Tôi chỉ còn biết nói, nói như trong một cơn mê: "Em yêu, anh biết chúng ta không gặp nhau vĩnh viễn được. Cuộc đời chúng ta chỉ đan vào nhau một lúc nào đó thôi rồi… nhưng đêm nay em đã làm sáng nghĩa cái cuộc đời phi lý của anh từ trước đến giờ. Anh hiểu rằng anh đã lầm khi anh tự hủy hoại, người ta sống nhẫn nhục để người ta chờ cái hạnh phúc sẽ tới, hạnh phúc ấy có thật, không phải là viển vông như anh đã tưởng. Hạnh phúc thế nào cũng gặp và chỉ gặp được một lần trong đời, nhưng lúc ấy ta còn đủ năng lực để giữ nó lại với mình không? Em yêu, em không hiểu, anh định nói gì phải không? Em hiểu em càng thêm buồn, anh đau đớn lắm. Anh và em là những người khi hạnh phúc đến không cầm lại được. Rốt cuộc chúng ta chỉ có tình yêu, tình yêu không phải là hạnh phúc em à…" Tôi còn nói, nói miên man cho đến khi nàng ngủ vùi và tôi gỡ tay nàng, leo trở về nhà. Những lần sau, nàng bắc ghế trèo sang với tôi khi hàng xóm đã yên nghỉ, nhìn nàng tôi thương biết mấy, nàng thảm hại như con thạch sùng run rẩy, bám chặt lấy bức vách rung rinh. Nàng nằm bên bàn đèn xem tôi hút; mắt díu dần và nhiều khi ngủ quên. Không bao giờ tôi gần nàng nữa và dường như nàng cũng không muốn khêu gợi tôi. Chỉ vài ba lần chúng tôi ôm ghì lấy nhau, tôi nhóm dần lên trong tôi ngọn lửa hiu hắt và khi ngọn lửa tắt tôi lặng lẽ áp sát thân mình nghe sự rung chuyển của nàng như những hồi gió cuốn vội vàng. Tôi dạy nàng tiêm thuốc, nàng thông mình và khéo tay lạ lùng. Một đêm tôi thức trắng, lắng nghe những tiếng động bên kia vách. Tiếng chân nàng trên sàn gác rung rinh, tiếng thì thào của nàng như hơi thở bên tai, tiếng van vỉ của nàng… tôi nghe tất cả và tôi tưởng như tất cả nàng làm cho tôi. Chồng nàng ghé về. Buổi sáng, tôi mở cửa xách thùng rác ra đổ đầu ngõ, tôi gặp nàng. Nàng mỉm cười nụ cười từ biệt mà tôi không hay. Buổi trưa hôm ấy tôi thiếu thuốc, cơn nghiện vật tôi rũ liệt chân tay, sùi bọt mép mê man. Trong đầu tôi lịch kịch những tiếng khua động dữ dội, ngực tôi như bị búa gõ. Đến xẩm tối tôi hồi tỉnh và xung quanh tôi yên lặng và tôi như chết. Tôi lần mò đứng lên thắp đèn và dòm qua khe vách, gác của nàng trống chỉ còn giấy rác. Tôi lại nằm xuống và đợi không biết đợi cái gì. Buổi tối thằng con tôi đến bắt gặp tôi co quắp như cái xác chết, nó lái xe đi tìm thuốc về cho tôi. Khi tôi đã no thuốc, tôi ép nó hút thử điếu đầu tiên. Thằng con tôi bỏ về lúc mười giờ, tôi đoán nó đến tiệm nhảy. Đêm cuối mùa hè Sài Gòn trời lạnh về khuya nhưng tôi nghe ở đâu đây trong tôi có ủ một ngọn lửa ấm đủ cho quãng đời còn sót và ngọn lửa ấy chỉ tắt khi tôi đã chết. Nhưng làm thế nào tôi nói được điều ấy cho thằng con tôi hiểu. Cuối đường Đầu năm 1949 tôi bỏ Sài Gòn về Hà Nội. Từ một thành phố yên ổn vui tươi trở lại, tôi rơi xuống một thành phố điêu tàn ngơ ngác. Những ngày đông lạnh lẽo ngắn thêm vì giờ giới nghiêm. Ngay giữa phố đông đúc như Hàng Bông, Hàng Đào vẫn còn nhiều nhà đổ nát tan hoang. Khoảng bảy giờ tối hết xe điện, người ta nhường phố xá cho lính lê dương say rượu. Thỉnh thoảng về muộn tôi phải đi qua những phố vắng tanh, vội vã lẩn lút trên vỉa hè hay sau hàng cây như một tên ăn trộm. Có khi lính Tây đuổi tôi để được la hét cho đỡ buồn, tôi chạy quanh co hết phố này sang phố khác như chơi rượt bắt với chúng. Một hôm tôi bị rượt từ phố Đường Thành chạy về Quan Thánh. Vừa băng qua vườn hoa Hàng Đậu sang phía nhà Thương khách thì từ một ngách tối, một tên sổ ra chụp được tôi. Tôi vùng vẫy và đánh trúng mặt nó khiến cái mũ trắng rơi xuống đất, tôi có thể chạy thoát. Nhưng tôi đứng nguyên một chỗ nhìn tên lính cúi xuống nhặt mũ, nó cười sằng sặc. Nó trẻ bằng tôi, mắt xanh như mắt mèo. Nó quàng vai tôi mời tôi vào quán uống rượu. Tới mười giờ đêm, nó dìu đưa tôi về tận nhà. Trước khi chia tay, nó ôm hôn lên đầu cổ tôi như mưa rồi khóc. Tôi tức giận gạt mạnh nó và lảo đảo vào nhà. Chị tôi sợ hãi đóng chặt ngay cửa. Tên lính còn đứng lại đập cửa la hét nguyền rủa hàng giờ sau mới chịu bỏ đi. Nhà tôi ở khu Ngũ Xá. Hồi ấy tôi thất nghiệp ăn ở nhờ gia đình chị tôi, dạy mấy đứa cháu nhỏ trừ tiền cơm. Tiền tiêu pha vặt vãnh là tiền dành dụm trong mấy năm làm ăn ở Sài Gòn. Mỗi buổi sáng tôi dậy dùng những chuyến xe điện thứ nhất lên phố. Những chuyến xe buổi sớm thường kéo theo hai ba toa tối om chạy băng băng không ngừng, tôi nhảy bám vào toa sau cùng chắc chắn không phải lấy vé lên đến tận chợ Hôm. Trời buổi sáng bao giờ cũng lạnh cóng, tôi dựa vào thành xe trông lại phía sau con đường sắt bóng mướt và mặt đường tê cứng. Qua đầu phố Hàng Đào nơi một đống gạch đổ tôi còn thấy những mảnh vải rách rưới rúc vào nhau mà ngủ. Đến chợ Hôm trời cũng đã mờ sáng. Tôi té xuống hè đường ngồi xổm ăn một đống xôi lúa nóng chan hành mỡ béo ngậy rồi đi lang thang đợi đến chín giờ về thư viện đọc sách. Bỏ học đã lâu định lợi dụng thời gian nhàn rỗi này học thi Tú tài. Thư viện tĩnh mịch, cửa gương bóng loáng, mặt bàn nhẵn trơn trụi, ghế cao và rộng. Phòng đọc sách lớn nhưng thường thường chỉ có dăm bảy người, mỗi người một bàn thật xa nhau để khỏi nhìn thấy nhau. Chúng tôi làm việc trong không khí dễ dãi quen biết, mỗi người có thể mượn số sách không giới hạn bày đầy trước mặt, trong khi luật lệ ấn định không lấy quá hai cuốn một lần. Tôi chọn một góc kín đáo khuất sau một cái cột mà từ người thủ thư cho đến người giám thị phòng đọc ngồi ở chỗ của họ không thể trông thấy tôi. Chỗ ấy lại gần lò sưởi ấm, lúc nào buồn tôi có thể ngủ được. Thường buổi trưa tôi ngại không về nhà, tôi ăn trưa – một cái bánh tây, một ly cà phê sữa – ở ngay gian hàng gửi xe của thư viện. Quãng năm giờ tôi rời khỏi thư viện vì vào giờ ấy tôi thường gặp phải những ông công chức mới hồi cư vào lục lọi những chồng công báo dầy hàng chục năm để tìm cái nghị định bổ nhiệm xin hồi ngạch. Mùa đông qua hết, đến mùa xuân rồi tôi vẫn chẳng học được chữ nào, óc của tôi chưa làm quen lại được bài vở. Hàng ngày tôi vẫn lui tới đều đặn thư viện nhưng toàn đọc sách truyện nhảm nhí. Tôi có ý định tìm việc làm. Những chuyến xe điện buổi sớm đã chạy chậm hơn một chút trong buổi mai êm dịu và toa xe cuối cùng không còn tối nhiều như khi mùa đông nữa. Tôi thường phải lẩn tránh người soát vé đứng ở toa đầu máy nhìn xuống rình mò. Một buổi kia trời bỗng trở rét dữ dội. Con tàu lại chạy với tốc lực mùa đông. Tôi thảnh thơi đứng tựa thành xe quay lưng lại với toa đầu máy lắng nghe tiếng khẹt khẹt của cây cần điện chạm vào dây giăng trên trời. Người soát vé xuống đứng bên cạnh tôi lúc nào tôi không hay. Hắn vỗ vào vai tôi làm tôi hoảng hốt. Không quay lại tôi vội vàng nhảy ùa xuống đường. Đà xe mạnh làm tôi ngã úp sấp và chết ngất. Khi hồi tỉnh tôi vẫn còn nằm trên mặt đường cạnh đường sắt. Tôi quờ tay lên đường sắt bóng và mặt nhựa gồ ghề. Phố xa lặng thinh. Rồi tôi nghe tiếng xe điện sắp đến từ xa. Chỗ tôi nằm ngay đầu Hàng Đào, những mảnh vải rách rưới vẫn quấn lấy nhau ngủ vùi. Tôi lồm cồm bò lên vỉa hè. Chuyến xe điện qua thản nhiên. Áo tôi rách toạc một mảnh ở vai, chân tay mặt mũi tôi sây sát rớm máu. Tôi khập khễnh đi xuống hồ Gươm vốc nước rửa. Nước lạnh giá làm đau xót các vết thương. Tôi ngồi xuống vệ cỏ khóc cho ấm mắt, cuống họng và ngực. Chán không khóc nữa tôi đứng dậy. Chiều hôm ấy rời khỏi thư viện tôi không muốn về nhà. Tôi muốn ngủ đêm ở một chỗ khác nhưng chẳng nghĩ ra chỗ nào có thể về được. Tôi cứ lang thang qua các phố cho tới khuya. Trời rét như cắt tôi chỉ mặc một tấm áo blouson. Các vết thương nhức nhối. Mồ hôi nhờn cả da mặt. Tôi tức giận vô kể. Tôi không gặp những tên lính Tây say quấy phá. Tôi chờ đợi một đội quân tuần tiễu nào sẽ nhặt tôi về giam. Hay thí cho tôi một tràng đạn sợ hãi vào ngực. Tôi sẽ nằm thẳng cẳng ở giữa cái thành phố co dúm này. Cuối cùng tôi vẫn phải về nhà. Chị tôi dương cặp mắt khiếp hãi nhìn tôi. Ông anh rể càu nhàu trong màn. Sáng hôm sau chị tôi bôi thuốc đỏ vào các vết trầy, tôi ngồi nhà không lên phố. Tôi gọi lũ cháu mang sách vở tới gần xem xét và đánh cho chúng một trận nên thân. Chị tôi khép nép sợ sệt thay cho con. Tôi tát chúng mạnh quá đến nỗi bàn tay ê ẩm. Chị tôi xuống bếp khóc, lũ trẻ ra ngoài đầu hè khóc, bỏ gian nhà trống không cho tôi với những vết thương bắt đầu mưng mủ. Trong năm ấy tôi gặp đứa bạn học cũ hồi còn học lớp nhất trường tỉnh. Hắn trông nom một xưởng sửa chữa xe hơi. Hắn mời tôi vào quán nước cạnh đền Bà Kiệu. Cầu Ngọc Sơn đã được sơn lại mới đỏ như quết trầu. Mùa xuân còn mới trên màu nước của hồ Gươm, những rặng cây ven hồ. Tôi ngỏ ý với bạn muốn xin làm chân phụ việc ở xưởng hắn để học nghề chữa máy. Hắn hỏi tôi mấy năm ở Sài Gòn tôi làm nghề gì. Tôi nghĩ lại cũng ngạc nhiên không hiểu tôi đã sống cách nào, tôi không có nghề ngỗng gì hết, tôi trả lời như vậy. Hắn bảo tôi tại sao không xin đi làm, tôi còn đỗ được cái bằng Trung học Pháp như còn hắn không có bằng cấp gì. Tôi nói tôi vốn ghét ngồi bàn giấy. Hôm sau theo lời hẹn tôi tìm đến xưởng máy. Tôi lên một chuyến xe điện đã đông người, chạy từng chặn nhỏ qua các phố tấp nập. Xưởng ở trong ngõ khuất nẻo giữa phố Tây. Tôi bước giữa hai hàng rào rậm lá mát mẻ xếp đặt chương trình trong đầu. Mỗi buổi sau giờ làm việc tôi sẽ thong thả về thư viện nghỉ ngơi đọc sách. Ông quản lý chưa đến, tôi phải đợi. Tôi ngồi trên cái đe sắt giữa sân, xung quanh bừa bộn dụng cụ và người ta làm việc. Thỉnh thoảng tôi cũng chuyển dùm lên tay, không rời chỗ ngồi, cho người khác cái búa, cái lắc lê… Nắng đã làm tôi bứt rứt nhấp nhổm. Ông quản lý đến. Hắn trông thấy tôi từ cổng vào và mỉm cười với tôi. Xong hắn còn đi dặn bảo công việc cho mọi người khắp lượt mới đến chỗ tôi. Hắn rủ tôi ra ngoài đường. Hắn lại đưa tôi vào quán nước hôm qua, ngồi đúng cái bàn cũ. Ngập ngừng mãi hắn ngỏ ý khuyên tôi nên tìm việc khác làm vì hắn thấy công việc ở xưởng không hợp với tôi. Lúc ấy tôi mệt mỏi ngáp dài không buồn trả lời. Hắn móc túi cho tôi ba trăm bạc. Bắt tay từ giã hắn tỏ ra ân hận đã không chiều ý tôi nhưng hắn nhấn mạnh rằng như thế rất hợp lẽ và tốt cho tôi về sau này. Tôi lủi thủi về thư viện. Chỗ tôi thường ngồi có người chiếm mất. Tôi bực mình, phòng đọc có hàng chục bàn trống sao hắn lại lủi vào góc ấy. Tôi đến đứng đằng sau lưng ghế của tôi bảo với người ngồi rằng đó là chỗ hằng ngày của tôi chiếm, yêu cầu hắn rời đi chỗ khác. Hắn ngửng mặt lên nhìn tôi, bộ mặt đẹp trai. Hắn rời sang ghế bên cạnh. Tôi ngồi vào chỗ xong lại bảo hắn tôi không thích ai ngồi gần tôi như thế vướng víu tôi lắm. Tôi yêu cầu hắn rời sang bàn khác và nên chọn bàn nào khuất khỏi tầm mắt tôi, tôi không ưa sự có mặt của người khác. Hắn lại nhìn tôi một lần nữa, hiền lành và dễ thương. Rồi hắn lặng lẽ thu xếp sách vở đổi chỗ khác. Tôi ngủ chập chờn rất nhiều giấc nhỏ trên ghế. Mỗi khi chợp đi trong đầu tôi ồn ào náo nhiệt, tỉnh lại xung quanh lặng ngắt quạnh hiu. Vào giữa trưa tuyệt đối êm tĩnh. Tấm kính lớn che mặt trước phòng đọc sách mỏng như tờ giấy bóng. Mọi người đã về hết chỉ còn người thủ thư và người giám thị ngồi nguyên chỗ. Tôi xuống nhà gửi xe ăn trưa. Cái đầu ghế dài ở trong góc tối một người đã ngồi. Hắn tỏ ý muốn chào tôi và tôi ngạc nhiên không quen mặt. Hắn đứng lên, tôi ngồi vào chỗ bỏ trống. Trong tối nhìn ra tôi mới nhớ mang máng hình như hắn là người đã chiếm chỗ tôi hồi sáng trong phòng đọc. Tì tay vào tủ hàng, hắn trông ra phố. Dáng của hắn là học trò, người gầy dong dỏng, tay chân quều quào như củi. Mái tóc chải lật ngược, đầu lớn so với mình. Mắt hắn mỗi khi nhìn buồn một vẻ thản nhiên. Tôi bỗng thấy tội nghiệp hắn. Và tôi gợi chuyện trước tiên để chúng tôi quen nhau. Tên hắn là Quang. Từ sau mỗi lần ra thư viện Quang ngồi trước mặt tôi. Công việc của hắn là chép và tự mình họa những bài thơ lãng mạn vào một cuốn vở đóng bìa gáy da kỹ lưỡng. Tôi bực mình một hôm đã giảng cho hắn biết cái lãng mạn ấy lỗi thời lắm rồi. Đời sống của người ta không phải là những giây phút ngồi gọt giũa tỉ mỉ những cảm xúc, tinh ý vụn vặt. Đời người là một sự trống rỗng lớn cần lấp đầy bằng tất cả những gì mình có, nghĩa là sự tự do của mình. Đừng giết thì giờ lối đàn bà. Và trong khi hắn ngồi viết như thế có nhiều người đang chết. Nghe tôi nói Quang buồn lắm, hai cánh tay của hắn lúng túng vụng dại. Hắn tâm sự với tôi về gia đình của hắn. Mẹ nghiện thuốc phiện, hắn còn chị cả chưa lấy chồng, một đứa em trai học cùng lớp và bốn đứa em nhỏ. Gia đình nghèo túng, hắn đang nạp đơn xin việc. Hắn tiếc không được theo đuổi học hành và biết mình không đủ thông mình, tinh thần để tự học. Đứa em trai học ngang hắn thông minh xuất sắc hơn hắn. Hắn thú nhận rằng bản chất của hắn là yếu đuối không thể sống mà nương tựa vào kẻ khác. Có phải ai cũng phá vỡ được hiện tại của mình để phiêu lưu vào tương lai đâu. Tôi bảo hắn tôi là kẻ ghét nghe chuyện tâm sự. Tôi không nghèo nàn đến nỗi phải giả bộ sống bằng những mẫu chuyển tưởng tượng của kẻ khác. Nội đời của tôi đủ cho tôi sống chưa hết, đủ cho tôi biết thế nào là khổ sở, là ý nghĩa của kiếp người. Đời hắn là của hắn, hắn phải tự nhận lấy mà sống, tôi không can dự gì hết. Rồi tôi mỉm cười nói cho hắn biết thật ra sự khổ sở của hắn cũng chẳng lấy gì thê thảm lắm. Sau buổi nói chuyện ấy, chúng tôi im lặng nhưng vẫn chơi với nhau. Mùa hè, tôi và Quang thân mật với nhau hơn, chiều chiều tôi và Quang về qua nhà hắn. Nhà Quang ở là buồng trong một căn nhà bị trái phá bắn sụp phía ngoài. Gạch ngói được xếp đống gọn gàng, nhưng cỏ hoang mọc bừa bãi trên nền đất. Tôi dạy thêm mấy đứa trẻ hàng xóm cùng với lũ cháu và chị tôi mua cho tôi được một cái xe đạp cũ. Thỉnh thoảng tôi đèo Quang xuống hồ Tây tắm, hắn không biết bơi chỉ ngồi trên bờ trông quần áo cho tôi và mơ mộng. Một bữa tôi nhất định kéo hắn xuống nước, suýt hắn chết đuối nếu tôi không bình tĩnh. Lên bờ mặt hắn tái mét thở không ra hơi. Khi đi về hắn bảo nếu chẳng may hắn chết hôm ấy, gia đình sẽ cho là hắn tự tử vì thất tình. Cô hàng xóm hắn để ý vừa bỏ nhà theo trai. Tôi cười giễu nói rằng chỉ những anh chàng yếu đuối mới cần ái tình làm chỗ trốn thân phận và mới thất vọng ê chề. Người ta dễ yêu nhất vào trường hợp nào? Khi người ta thất bại, khi người ta sợ phải chịu đựng kiếp sống một mình, nghĩa là khi người ta bỏ chạy. Quang không bày tỏ ý kiến. Tôi đưa hắn về nhà và đạp xe đi chơi. Thành phố Hà Nội đông đúc hơn trước. Buổi tối đã nhiều người dạo mát quanh bờ hồ và những phố buôn bán. Tôi ra bờ sông, lên nằm dài trên một đống cát còn ướt người ta vừa lấy ở dưới sông lên. Tôi nằm im buồn không muốn cử động. Ít hôm sau Quang từ biệt tôi để đi làm. Hắn xin được một chân Công an. Hắn nhìn tôi dò xét ý kiến. Tôi chẳng quan tâm. Hắn cười cho biết thêm nhiệm vụ của hắn là ngồi bàn giấy biên chép tên những người hồi cư. Hắn phải lên quận V.T. thuộc tỉnh Sơn Tây. Hắn muốn được cùng tôi đi chơi. Tôi từ chối vì vốn ghét cái không khí những buổi chia tay. Hắn bắt tay tôi về nhà thu xếp hành lý. Tôi chúc hắn may mắn. Thỉnh thoảng được ngày nghỉ về Hà Nội, Quang vẫn tìm gặp tôi. Nhưng chúng tôi chẳng biết nói chuyện gì với nhau nên những cuộc gặp gỡ hết sức ngắn ngủi và tẻ nhạt. Hồi này tôi được một người quen cũ của gia đình giao cho trông nom một tràng than. Công việc bận rộn suốt ngày, tôi không còn thì giờ nghĩ ngợi lăng nhăng. Lần gặp cuối cùng tôi thấy Quang đen và vững chãi hơn trước, tôi bảo cho hắn biết điều ấy. Quang mỉm cười nhưng con mắt thì vẫn buồn một vẻ thản nhiên. Khoảng hơn tháng sau tôi đọc báo thấy tin quận V.T. nơi Quang làm việc bị tấn công trong đêm tối tất cả nhân viên trong quận đều bị bắt mang đi. Tôi muốn tới hỏi thăm gia đình Quang xong lại thôi vì nghĩ không quen ai. Tôi qua lại nhiều lần căn nhà đổ nát vẫn chưa sửa chữa nhìn vào trong thấy ánh đèn thấp thoáng rồi không vào. Tôi bỏ đi trong các phố tối nhiều cây. Trời đã lại mùa đông rét ngọt. Tôi hút nhiều thuốc lá đến buồn nôn. Khi trời đã khuya lắm, tôi lạnh nổi gai ốc cùng mình ngực cồn cào khó chịu. Tôi phải ngồi dựa vào cửa một căn nhà và ọe cho nôn mửa, nước mắt nước mũi đầm đìa. Tôi ngoẹo đầu vào tường đá hoa nghỉ ngơi dễ chịu. Trước mặt tôi là cái cầu đá xe lửa cao và rét với những lần cổng đục tối om. Nôn xong tôi lại hút thuốc lá. Người tôi nhẹ như khói. Tôi cũng không nhớ lại tại sao tôi lại về được đến nhà lúc nào. Công việc bán than không chạy tôi nghỉ việc và lại vào thư viện. Phòng đọc sách nhiều người đến làm việc hơn trước. Tôi không còn chiếm được chỗ ngồi cố định thường lệ nữa. Vả lại tôi cũng không còn muốn ngồi suốt ngày vì không được ngồi cô đơn. Trong dịp này tôi gặp và quen Tuấn – em trai của Quang. Đúng như Quang nói, Tuấn thông minh nhanh nhẹn hơn Quang. Hắn hay đọc sách chính trị, có nhiều cao vọng. Tôi không thích Tuấn nhưng thường nói chuyện với Tuấn và nhắc tới Quang. Tuấn chê anh là an phận tầm thường. Đối với tôi Tuấn cũng coi tôi là cùng một loại. Tuấn cho rằng muốn làm được việc lớn nhiều lúc phải hy sinh những người thân của mình, dù có phải làm cho họ khổ sở, không phải là ích kỷ, vì việc làm của mình sẽ có ích cho một số người nhiều hơn. Nên mặc dầu biết gia đình nghèo túng, Tuấn vẫn không muốn đi kiếm tiền giúp gia đình sợ làm lỡ dở sự nghiệp to tát sau này của mình. Tôi không bao giờ nói gì với Tuấn hết. Sáu tháng sau ngày bị bắt Quang trốn thoát trở về Hà Nội. Tuấn cho tôi biết tin Quang đã đi bộ ròng rã một tháng trời lạc trong rừng chịu đói chịu khát cho tới khi không bước được nữa phải bò phải lết. May gặp quân tuần tiễu Pháp nhặt được đưa về Hà Nội. Quang sắp chết và hiện nằm ở bệnh viện Đặng Vũ Lạc Hàng Cỏ. Tuấn nói tại sao Quang có thể ngu dại chỉ vì gia đình mà liều lĩnh đến chết. Tôi tức giận mắng Tuấn là thằng bất nhân bất nghĩa. Tuấn sững sờ không ngờ tôi hung tợn làm vậy. Tôi nói nếu Tuấn xấc láo nữa tôi sẽ trừng trị Tuấn thích đáng. Đời người không thể giản lược theo mấy nguyên tắc về chính trị tư tưởng hay triết học, người ta không phải bắt buộc sống theo một vài khái niệm sẵn có. Tương lai không phải là con ngáo ộp dùng để dọa và bóp chết hiện tại. Phải làm đầy hiện tại, làm đầy… Tôi tới ngay nhà thương. Đẩy cửa buồng, tôi trông thấy một bộ xương trần truồng. Thịt không còn, da teo lại cháy xám, những đầu khớp xương nhô ra. Trên mặt râu tóc xồm xoàm khô cứng. Tôi chỉ còn nhớ Quang nơi hai con mắt vẻ buồn vẫn thản nhiên. Quang cười, răng nhe vàng ớn, lợi đỏ và dài. Quang không nói được. Tôi lấy tấm chăn mỏng phủ lên người Quang, lát sau mẹ của Quang trở vào. Mặt và môi bà thâm sịt nhưng mắt đỏ hoe, hai tay gầy guộc run rẩy. Bà kể lể biết bao nhiêu nỗi đau lòng. Bà lập chỉ cho tôi trong những khuỷu tay khuỷu chân trầy loét cả xương. Tôi vẫn trông vào mắt Quang, mắt Quang vẫn đảo được và Quang quay mặt đi. Quang không thể cựa quậy, không mặc quần áo được. Quang tỏ dấu cho mẹ im lặng. Hai hôm sau Quang chết. Đám ma Quang đưa vào buổi sáng. Đêm hôm trước tôi không thể ngủ. Sáng tôi dậy trước cả những chuyến xe điện. Tôi nhảy chuyến xe đầu tiên lên phố. Buổi sáng mùa hè mát mẻ, bánh xe lăn rần rần, tiếng chuông điện kêu ríu rít. Tôi đứng tựa sau xe cạnh thúng mủng của vài người từ ngoại ô vào. Những người ấy xuống chợ Đồng Xuân, tôi còn lại một mình. Qua Hàng Đào, căn nhà đổ nát đầu phố đã biến mất mang theo cả những mảnh vải rách rưới, tôi mua vé đi hết đường. Hành khách buổi sáng thưa thớt. Tàu băng qua thành phố để lại ra ngoại ô, chạy sát vào những mặt nhà thấp chưa tỉnh hẳn. Tôi cứ nhìn vào sự chuyển động ấy mà thấy chóng mặt. Ở trạm cuối cùng tôi bước xuống vỉa hè sứt mẻ, dưới đường cát bụi lồi lõm. Tôi đi bộ vào trong làng để đến nghĩa địa, khu đất rộng trên một gò cao. Từ đây tôi có thể quan sát cảnh vật chung quanh, một vài người đứng chơ vơ giữa đồng rộng, một khu đồn rào nữa. Trên cỏ sương hãy còn ướt, một vài lỗ đất đào sẵn sâu hoắm. Tôi trải lá và giấy dưới một gốc cây ngồi đợi đám ma của Quang. Mệt quá tôi có ngủ mất đi một lúc. Bàng hoàng tỉnh dậy đám ma vẫn chưa tới. Nhiều tiếng chim hót trên đầu. Đã nhiều năm tôi không để ý nghe tiếng chim hót bao giờ. Tôi đứng lên và lắng tai. Xa xa thoáng tiếng xe điện chạy với tiếng chuông vội vàng. Từ phía rặng cây ở chân trời con đường đất tiến lại qua mắt tôi. Một thứ tiếng động ầm ì không biết phương nào đưa tới. Tiếng động rõ dần làm rung chuyển mặt đất lan tới chỗ tôi đứng. Một đoàn chiến xa xuất hiện bò lùi lũi. Mặt đường bị đào lên. Đoàn xe càng tới gần tôi càng đinh tai nhức óc. Thân thể của tôi cũng rung lên như mặt đất mỗi lúc một dữ dội. Tôi nghẹn ngào và lại nằm lăn xuống cỏ. Tay chân mặt mũi tôi như bị cào cấu bởi những móng tay sắc. Lát sau thì cảm giác tê dại. Trong tận cùng của cơ thể sự vùng vẫy từng hồi yên dần, lịm đi. Tôi nhắm mắt vì nắng rực ở trên mi, đầu óc tôi rất sáng. Giá lúc ấy người ta mang chôn tôi, tôi cũng biết nhưng không thể nào làm gì để chống lại. Buổi sáng ngoài bãi biển Gởi BốngLúc này tôi cần được một mình, sự hiện diện bất cứ một người nào thân cận đều làm tôi bực bội. Tôi cựa mình lách ra khỏi vòng tay của người đàn bà, ngồi dậy đặt cái gối thay vào chỗ của tôi, hắn ôm cái gối trở mình vẫn ngủ thiếp. Tôi thay quần áo xuống phố. Đi hết phố chợ ngắn tới bến xe đò, tôi tiến gần bãi biển trên những mặt đường cao hơn. Gió biển thổi trong không khí buổi mai se lạnh. Ở ngã ba con đường ra bãi, tôi tìm thấy một căn biệt thự kiên cố có dựng tấm biển hàng ăn ở bên ngoài. Qua lối sỏi tôi bước vào một hàng hiên bày ba bộ bàn ghế mây thấp có không khí gia đình. Tôi thả dài người trong chiếc ghế rộng, hút thuốc lá ngắm khu vườn cây um tùm của biệt thự, nghe tiếng sóng bể xa xa. Tôi ngủ chập chờn trong vài phút thú vị, suốt đêm qua tôi thức trắng. Nghe tiếng chân, tôi mở mắt kêu lên: "Bà Georgieff". Người đàn bà Pháp sửng sốt: "Ông Nghệ, có phải ông Nghệ không?". Bà Georgieff nắm chặt tay tôi cảm động, trông bà già béo hơn xưa, quan sát tôi một cách chăm chú, cặp mắt nâu long lanh của bà không có tuổi, da mặt của bà nhăn nhúm. Bà kéo tôi ngồi xuống ghế và bà ngồi đối diện, bà hỏi tôi rất nhiều, tất cả những gì về tôi trong những năm qua. Tôi trả lời vắn tắt, những câu hỏi khó đáp tôi mỉm cười. Rồi bỗng bà Georgieff im lặng, bà ngó tôi lắc đầu bảo: "Ông mất ngủ". Tôi bàng hoàng gật đầu. Bà cất tiếng gọi chị người làm ở nhà sau bưng lên cho tôi một thau nước nóng và chiếc khăn mặt bông. Rửa mặt xong tôi tỉnh hẳn, tôi cảm ơn bà chủ, tôi nói: "Bảy tám năm không có gì thay đổi cả". Bà Georgieff xua tay: "Nhiều nhiều lắm. Nhưng trước hết ông hãy dùng điểm tâm đã". Bà Georgieff dọn cho tôi một cái toast, một ly cà phê sữa, bà cũng uống cà phê sữa tiếp chuyện tôi. Bà hớp từng ngụm nhỏ bảo: "Ấy mỗi buổi sáng tôi chỉ uống một cốc này là nhịn tới trưa". Tôi ăn uống thoải mái và tìm lại sự thân mật dễ dàng như ngày nào chúng tôi còn ở ngoài Hà Nội. Khi tôi ngó vào trong nhà tỏ ý một câu hỏi không muốn nói ra bằng lời, bà Georgieff hiểu ngay, bà phác một nụ cười bảo: "Nhà tôi mất rồi, đã ba năm nay. Bệnh kiết lỵ lâu ngày nó làm hỏng gan. Hồi mới vào đây chúng tôi cũng vẫn tiếp tục liên lạc với bên Lào làm ăn nhưng từ khi ông ấy chết tôi bỏ rồi". Việc làm ăn mà bà Georgieff nói là buôn thuốc phiện lậu; ngoài Hà Nội tôi quen ông bà Georgieff là bởi công việc buôn bán ấy, tôi làm môi giới chạy hàng xách, hai vợ chồng nhà này mở quán rượu ở phố Hai Bà Trưng. Ông Georgieff năm tôi gặp, gầy yếu, mới đầu tôi tưởng ông nghiện thuốc phiện. Tôi không thể quên cặp mắt hóm hỉnh thông minh của ông trũng xuống giữa hai gò má nhô xương, ông nói được tiếng Việt Nam và ưa nói văn chương bóng bẩy. Những buổi tối mùa đông đến lấy hàng, ông thường rủ tôi đánh cờ hay belotte. Điều tôi mến nhất ở ông là sự tế nhị trong phép giao thiệp, chẳng bao giờ ông đá động đến chuyện chính trị giữa hai nước thời bấy giờ. Ông coi tôi như một người bạn trẻ, bà vợ ông coi tôi như một đứa em, hơn thế nữa một đứa con. "Ông còn nhớ Charles không? Bây giờ hắn ở Hồng Kông". Tôi nhìn vào mắt, lên trán lên tóc bà Georgieff, tôi nói: "Hôm nay bà thiếu cái khăn choàng"; bà mỉm một nụ cười âu yếm. Buổi sáng hôm ấy, tỉnh rượu, nằm trên giường trong nhà của gia đình Georgieff, tôi trông thấy bà đứng ở giường chít một cái khăn dạ xám. Đêm trước là đêm Giáng Sinh, ông bà Georgieff mời tôi tới ăn Réveillon tại nhà, và giới thiệu với Charles một người bà con xa của gia đình, là phóng viên trong quân đội viễn chinh. "Hắn giải ngũ rồi và làm phái viên cho một nhật báo". Nói chuyện với Charles, để che giấu cái tự ti mặc cảm của tuổi hai mươi, tôi uống rượu mạnh như hắn, tới nửa đêm tôi gục nôn mửa bừa bãi; Charles ra mặt trận ngay sáng hôm sau. Tôi cười nói với bà Georgieff: "Nghĩ lại đêm Noel tôi còn xấu hổ. Bây giờ thì tôi uống rượu đã khá". Bà đứng lên pha thêm cà phê vào cốc của tôi nói giọng mơ màng: "Đêm Noel ấy là vui nhất của vợ chồng tôi đấy. Sau này chỉ còn hai vợ chồng già thui thủi. Nhất là vào đây mới chán, sống Hà Nội quen thành ra cũng nhớ. Tôi đang thu xếp xin về Pháp". Tôi nín thinh nhìn xuống bàn chân nhăn nheo của người đàn bà ngoại quốc, thoáng thấy lại một vài cảnh gặp ở ngoài phố. Chợt nhớ ra, bà Georgieff hỏi tôi: "Ông có thực hiện được điều mơ ước ông nói đêm Noel không? Ông bảo ông sẽ viết văn và ông sẽ dành cho những người Pháp như vợ chồng chúng tôi một cuốn sách. Ông còn nghĩ tới điều đó nữa không?". Tôi lắc đầu đáp: "Tôi có nói thế hay sao? Tôi quên tiệt. Bà có thể tin là tôi trở thành nhà văn được ư?". Bà Georgieff trố mắt ngạc nhiên vì câu hỏi vô lý của tôi, tôi đứng dậy đi mấy bước qua mặt bà và nói tiếp: "Bà trông tôi có dáng văn sĩ không?". Bà xịu mặt không trả lời, tôi biết mình đùa lố bèn xin lỗi, bà an ủi: "Ông không được mãn nguyện". Mấy ngày ra nghỉ ở đây tôi đã quên được cái không khí buồn nản đầu độc của Sài Gòn, bỏ lại những bộ mặt quen thuộc đáng ghét phải gặp hàng ngày là những mặt nước ao tù phản chiếu bộ dạng của tôi trong đó thành những hình thù trơ trẽn. Chỉ trong một giây, tôi nổi giận một cách bệnh hoạn, trông thấy tất cả những mặt ấy hiện lên bao vây tôi reo hò bằng một thứ tiếng quái gở. Tôi nói: "Tôi bất mãn với tôi". Bà Georgieff đổi chuyện hỏi: "Ông Nghệ còn ở chơi ngoài này lâu không? Tôi mời ông ở lại đây cho vui, tôi chẳng có bè bạn nào". Tôi đáp rằng tôi còn một người bạn gái nên bất tiện, bà lại hỏi: "Nếu ông không bận ra biển mình đánh vài ván súc sắc". Tôi nhận lời, tôi rất đỏ, thắng điểm liên tiếp. Khi trời đã có nắng, xung quanh chúng tôi vẫn vắng vẻ êm tĩnh lạ lùng, tôi nhìn cái dáng cúi của bà Georgieff theo dõi bàn tay tôi khi lắc mấy con súc sắc ném xuống cái khay tròn bọc nhung, tôi hỏi: "Bà vắng khách nhỉ?". Bà vơ mấy con súc sắc đáp: "Từ nãy giờ tôi mới thấy ông ném một lần mà hỏng ngay, ông đỏ lắm. Ông quên hôm nay là sáng thứ Hai, du khách về Sài Gòn hết cả rồi". Tôi ngắm cái bàn tay da đã dùn và đầy tàn nhang của người đàn bà ngoại quốc nhớ tới cái khuỷu tay trắng của một người đàn bà khác có một vài nốt muỗi đốt đỏ thò ra cửa xe tắc xi tôi gặp một bữa trên đường phố Sài Gòn đã làm tôi liên tưởng tới những nhân vật da trắng – của một tác giả Anh – tàn tạ hư hoại cả một đời ở những xứ thuộc địa xa lạ. Bỗng nhiên tôi muốn nói vài điều giấu kín với bà Georgieff. Tôi thường thổ lộ tâm sự với những người gặp gỡ thoáng qua chốc lát, không bao giờ với người thân cả. Bởi tôi không muốn những người còn gần gũi với tôi lâu dài biết, họ sẽ là phần phụ của trí nhớ tôi, làm tăng thêm những nỗi ám ảnh mà riêng ở tôi đã đủ nặng nề rồi. Tôi nói với người lạ, những người chỉ gặp một lần, họ nghe đó và thường khi họ cho là tôi bịa đặt hoặc có tin họ cũng chẳng thường xuyên bên cạnh tôi để nhắc nhở. Nói với người lạ là được nói một mai ngân hàng ở trạng thái bình thường. Bà Georgieff ngửng đầu lên nhắc: "Tới phiên ông, ông nhìn gì đó". Tôi bốc mấy con súc sắc lên bàn tay đáp: "Tôi đang ngắm bà và nghĩ đến câu chuyện của tôi". "Chuyện gì?". Tôi ném ba cái hột xương xuống mặt khay lật ngửa ba mặt người chạm màu đỏ ngồi trên ngai, tôi nói: "Một trong những câu chuyện tôi không thể nào viết ra được. Bữa kia tôi đi trên một chuyến xe buýt đông người từ ngoại ô vào thành phố. Tôi đứng bên một người đàn bà Pháp gầy yếu? Bà ta mặc một cái váy đã cũ, tóc bà vàng cháy cứng, tay đeo một cái sắc vải nhăn nhúm, cầm một cây dù, một tay níu lên thanh sắt ở trần xe, chân bà đi đôi săng đan kiểu trẻ con. Mỗi lần xe chuyển động bà xô vào người tôi là bà lại lắp bắp xin lỗi. Bà lấy vé người ta thối lại cho bà năm cắc bằng ba đồng nhôm tròn to nhỏ không đều, bà cầm chắc trong bàn tay. Một lúc bà đánh rơi mấy đồng hào xuống ván xe tôi cúi xuống nhặt hộ cho bà, khi ngửng lên tôi trông thấy bà đang thò tay rút lấy cái bút máy trong túi áo của một người đàn ông đứng cạnh… Ba con súc sắc ném xuống, hai con tung ra khỏi khay, lăn xuống đất, bà Georgieff chăm chú ngó tôi, tôi vừa nhặt chúng lên vừa nói: "Đúng ra thì lúc ấy tôi tưởng tượng và tôi trông thấy. Bởi bà ta nhận mấy đồng tiền tôi trao lại lúng túng thú nhận một thứ tội lỗi nên tôi trông thấy những việc không bao giờ xảy ra. Có nhiều chuyện nữa, tôi trông thấy và tôi không viết ra được nên tôi… Tôi cứ có cảm tưởng là tôi trông thấy những bóng ma trong khi những kẻ khác thì tin vào khoa học". Bà Georgieff hỏi: "Ông không viết vì thế?". Tôi gật đầu. Bà Georgieff lại hỏi: "Có phải lúc ấy ông nghĩ đến vợ chồng chúng tôi không?". Tôi không thể trả lời câu hỏi ấy. May mắn vừa lúc mấy người Mỹ bước qua cổng đang đi vào trong vườn, tôi bảo: "Bà có khách, lúc khác tôi lại thăm bà". Bà nắm chặt tay tôi tỏ nỗi xúc động: "Cám ơn, cám ơn Nghệ". Lẽ ra lúc bấy giờ tôi phải ôm hôn lên trán bà Georgieff và nói: "Từ biệt Emma". Tôi từ biệt bà lặng lẽ. Tôi đi từ trên hành lang xuống vườn theo lối tráng xi-măng thoai thoải phía bên trái, bọn khách hàng của bà Georgieff lên lối bên phải, nhìn thấy ở xa dưới những hàng cây một chút mặt biển như một vũng nước xanh rờn, nghe thấy tiếng bà Georgieff gọi với: "Nhớ lại thăm tôi nghe Nghệ", tôi quay lại vẫy tay mỉm cười. Ra ngoài đường, tôi lại tỉnh một giấc nữa. Cái cảm giác sau đêm thức trắng là cảm giác trồi sụt liên tiếp qua những trạng thái mê tỉnh gần nhau khó phân biệt, nhưng có một lúc người ta cảm tưởng mình sáng suốt, ý thức như bay trên cái cơ thể mệt mỏi, thoát ngoài cái khối đầu đảo nặng, và nhìn sự vật bên ngoài qua một lớp màn che là cái thân xác uể oải. Một người nào cũng đã hỏi: "Ông sống nhiều thế, ông có thể viết văn được, tại sao không viết?". Tôi đưa trí óc tôi bay lởn vởn về những chốn đã đi qua để tìm người đã nói. Tôi nghe thấy giọng trả lời giễu cợt của tôi sau câu hỏi: "Tôi cần được một nhà văn nâng đỡ khuyến khích như bà chẳng hạn". Hẳn là nữ văn sĩ, chừng ngoài ba mươi tuổi, không đẹp lắm nhưng có một thân hình khéo léo. Đó là một buổi chiều, ở lưng chừng con đèo cao gần nơi đồn trú của tôi, hắn dừng xe ngắm cảnh mặt biển hoàng hôn ở dưới thấp, và tôi vừa tắm dưới suối leo lên đường. Hắn đi với một người đàn bà khác, cũng là văn sĩ, gầy và xấu hơn, cả hai đều mặc quần chẽn đen bó sát ống chân, áo sơ mi xắn tay những hàng kẻ ngang lớn màu nâu như da ngựa vằn. Tôi vốn không ưa bọn văn sĩ, nhất là văn sĩ đàn bà, vai trò bọn ấy đóng trong đời sống xã hội là một vai hề làm vui bọn khán giả vô ý thức, riêng bọn văn sĩ đàn bà là bọn hề khôi hài bằng vẻ đạo mạo nghiêm trọng. Suốt buổi gặp gỡ, tôi giả bộ tỏ lòng ngưỡng mộ kính phục hai nhà văn của tôi và lấy làm thú vị về sự trêu cợt. Tôi đưa bọn họ lên trên ngôi bắt họ đóng cho tôi xem. Khi thoạt trông thấy hai người đàn bà đứng trên đèo chênh vênh với hai bộ y phục giống hệt nhau như hai con thú vừa được xổ chuồng, tôi đã nhận ra một người. Tôi đã bắt gặp bộ mặt tự mãn này trong một tờ báo nào qua một cuộc phỏng vấn có đăng hình bộ mặt thò lên sau một cái bàn giấy sau lưng là tủ sách đóng gáy da, tay đang cầm bút đặt ngòi trên một thếp giấy nhìn thẳng vào ống ảnh. Tôi tiến lên trước mặt hắn, diễn tả bằng một giọng nói kiểu cách sự vinh hạnh được yết kiến những nhân vật quan trọng trong xã hội: "Thưa bà, nếu tôi không lầm thì bà là X. tác giả cuốn…". Tôi ngập ngừng vì quên mất tên cuốn sách của hắn, hắn tưởng tôi lúng túng vì cảm động và ban cho tôi một tia mắt thân thiện. Sau đó tôi được giới thiệu với người thứ hai, một nữ văn sĩ đã từng du học ngoại quốc, bộ mặt người này gồm những nét gầy và góc nhọn, cặp mắt sắc, tất cả những chi tiết mà người đời thường cho là biểu hiệu của trí thức, riêng tôi, tôi nhận ra ngay đó là cái mặt của dục tình bị đè nén. Tôi mời hai người đàn bà về thăm chỗ trấn đóng của tôi. Ngồi ghế sau xe hai người tôi tìm hết lời ca tụng nhà văn đẹp của tôi. Tôi hỏi: "Trong bài phỏng vấn bà, tôi thấy nhà phóng viên giới thiệu bà giống một nhà văn ngoại quốc nào đó, thưa bà có đúng như thế không?". Hắn nhắc lại tên nữ văn sĩ kia bằng giọng uốn éo nhịp nhàng hãnh diện, tôi nói: "Tôi tiếc chưa được đọc nhà văn kia để so sánh với bà". Hắn giảng cho tôi nghe về tác phẩm của nữ văn sĩ ngoại quốc như bà giáo giảng bài cho học trò, toi luôn luôn gật gù mỉm cười. Sự thực thì tác phẩm của thầy hắn cũng như của hắn tôi chỉ đọc vài trang là liệng đi, bởi chúng chẳng liên quan gì đến cuộc sinh hoạt của tôi. Tôi không thể nghe những câu chuyện ngồi lê đôi mách của đàn bà, những lời giáo huấn của các bà mẹ bà chị, những tình cảm vụn vặt quanh quẩn nơi xó nhà… Trong khi đưa hai nhà văn đi thăm trại, tôi ra lịnh cho lính của tôi chọc thủng bánh xe và lốp phòng hờ của họ. Nhà văn đẹp của tôi ngạc nhiên trước mọi cảnh tượng khiến tôi không nín được cười, tôi ưa cái nét mặt bất động dửng dưng của người bạn hắn. Chúng tôi bàn luận về sự nghèo nàn của văn chương hiện đại. Tôi nói: "Nước nhà còn hai nhà văn như bà với cô đây là đủ quá rồi". Nhà văn đẹp của tôi nhìn ra chỗ khác đáp: "Ông quá khen". Chỉ có người bạn nhìn tôi bằng cặp mắt nghiêm nghị xét đoán, tôi đóng bộ mặt thật thà ngớ ngẩn khiến hắn bật cười một tiếng ngắn khô khan. Khi đưa h ai người đàn bà ra xe, tôi đóng kịch làm một anh chàng thi nhân ngô nghê, tôi kêu lớn như không ngăn giữ được tình cảm: "Trời ơi, mặt biển buổi chiều đẹp quá chừng, nước tím như màu mắt người yêu ban đêm vậy. Bà có nhìn thấy sóng vỗ như đập vào những ngọn cây dưới chân núi không?". Nhà nữ văn sĩ đẹp của tôi, mặt ngây ra một cách dại khờ, có lẽ hắn đang cố làm cho tâm hồn hắn loãng ra trong cảnh vật dễ rung động. Tôi chỉ muốn tát cho hắn một cái để nhắc với hắn rằng có một người đàn ông thô bạo đang đứng sát bên hắn và đang quàng tay ngang lưng hắn. Nhưng hắn đã tự hút trống hết hồn hắn, không chú ý gì tới xung quanh, hắn không nghe thấy cả tiếng bạn hắn gọi từ phía xa. "Bánh xe hết hơi rồi… không về được thành phố kịp tối nay đâu…". Tiếng gọi bạt trong cơn gió thốc buổi chiều. Hình ảnh hai người đàn bà gió thổi làm mỏng đi trên đèo cao và trước mắt tôi hiện lên màu ngọc bích chập chùng của những rừng núi chạy biền biệt đến cuối tầm mắt. Tôi bỏ mặc người đàn bà ngu dại ướt sũng những tình cảm, đi lại phía xe hơi. Bạn hắn ngó tôi với cặp mắt hiểu hết ngọn nguồn, chúng tôi cùng cười vang với nhau đồng lõa. Tôi rủ người này leo lên một mô cao nhìn về những lớp núi rừng trùng điệp phía tây, mặt trời khuất từ lâu sau những ngọn cao, đã nhuốm màu đen xanh chếnh choáng. Tôi nói: "Như cặp mắt của cô lúc cười tình tứ, bỏ quên cái vẻ nghiêm khắc bức bối ban trưa". Lát sau nhà nữ văn sĩ đẹp leo lên chỗ chúng tôi đứng nói với bạn: "Cậu có thấy không, con người thật là ti tiểu trước cái bát ngát của vũ trụ. Lúc nãy tôi tưởng như tôi có thể tan ngay tức khắc trong không trung, mình chẳng cần hiện hữu làm gì". Tôi vội đáp: "Không nên, không nên, một người đẹp như bà mà mất đi, không thể được. Và thiệt thòi cho văn chương biết là bao". Người đẹp nghiêm chỉnh đáp: "Văn chương cũng chỉ tầm thường, sánh sao nổi với vẻ đẹp của vũ trụ, lúc này đừng nghĩ đến văn chương thêm thẹn". Tôi hỏi: "Người như bà mà còn ti tiểu, thứ như tôi chắc là đồ bỏ đi". Người bạn thúc khuỷu tay vào người tôi ý không muốn tôi nói nữa. Trong bữa cơm thết đãi hai vị khách quý, tôi và người bạn uống hết nửa chai rượu còn lại, chiều hôm trước mình tôi đã uống hết nửa chai. Chúng tôi nói chuyện ồn ào. Trước mắt người đẹp chúng tôi như hai con thú rừng nô giỡn dọa dẫm con thú nhà khiếp sợ, tôi vui thích với người đàn bà có rất nhiều đàn ông tính. Người đàn bà ấy đã vỗ vai tôi một cách thân mật bảo: "Tôi khuyên anh không nên viết văn, văn chương nó làm hỏng anh đi". Tôi trợn mắt làm hề nói với người đẹp: "Bà nghe bạn bà nói có xuôi không?". Người đẹp chỉ nhắc bạn: "Cậu bắt đầu say rồi đấy". Tôi ngắt lời người bạn: "Không, cô ấy chưa say, tôi hoàn toàn đồng ý. Nhất là đàn bà lại càng không nên viết văn, cô có đồng ý với tôi không nào?". Mặt người đẹp sưng lên vì giận dữ, còn mắt người bạn thì long lanh một vẻ đẹp man rợ hòa hợp với những nét sắc cạnh trên mặt. Chừng hơi say hắn nói không nể nang: "Đồng ý, hoàn toàn đồng ý. Kinh nghiệm bản thân đây – hắn cười một cách thỏa thê – muốn làm đàn bà hiền thục hãy sống hiền thục, đừng viết hiền thục, giả dối. Đã viết là biến chất, như tôi là hóa thân thành cái khác mất rồi. Tôi thành đàn ông, có phải không? Mà thành đàn ông nhiều lúc nhớ đàn bà vô kể". Tôi vỗ tay như xem trình diễn trên sân khấu. Hứng chí hắn tiếp lời: "Như anh không viết là phải, nếu ưa cái đời sống của mình thì hãy sống với nó thực hơn. Viết là muốn cái khác, trong khi muốn cái khác mà cứ phải che đậy nói về cái mình đã bỏ đi là giả dối, là đạo đức giả. Anh có ưa cái đời sống loăng quăng này của anh không? Có. Anh còn muốn gì khác không? Không. Vậy đúng rồi, ôm lấy nó mà sống mà tận hưởng thú vị, việc gì phải viết, bỏ cái thú sống thực đổi lấy cái thứ sống giả". Tôi chìa tay ra cho người đàn bà lạ lùng ngồi trước mặt bắt lấy, tôi rung rung hai bàn tay ướt lạnh mồ hôi bảo: "Cám ơn. Thật là chí lý. Cô là một nhà văn chính cống, tôi thành thật khen ngợi. Có nhận lời khen của một nhà văn chưa viết không?". Hắn đưa tay lên vuốt lại mớ tóc cắt ngắn, mặt nhăn nhó nói: "Rất hân hạnh, hân hạnh lắm. Có thể nhận được lời khen của nhà văn không bao giờ viết cũng được". Nói xong người đàn bà ấy cúi gập mình xuống nôn ọe, nhà nữ văn sĩ đẹp không rời khỏi ghế nói chỏng: "Đã bảo mà, say rồi". Tôi xô ghế đứng dậy đỡ người bạn, hắn nôn thốc vào cánh tay tôi, bắn cả lên ngực áo. Tôi dìu hắn về cái ghế nằm của tôi, hắn thì thào: "Chưa khi nào say tới như thế, mình say thật rồi… Xin lỗi hộ tất cả mọi người có mặt… Ra xin lỗi hộ mọi người … bảo… bảo mình cần phải ngủ lắm…". Tôi hôn lên trán hắn như hôn đứa em gái ngỗ nghịch nhưng hắn ngủ vùi mất rồi. Khu đồn của tôi đóng trên một khoảng đất nghiêng thấp hơn mặt đường, trần trụi cỏ không mọc được, giáp lưng vào một thung lũng nhìn ra biển. Đêm đêm từ đồn xuống xa xa dưới hũng tối óng ánh vùng điện của một thị trấn và ngày tới mặt trời mọc dưới tầm mắt mình. Tôi nhận ra tôi đã đi sâu vào phố bỏ xa bãi biển, những dãy phố nhỏ nhà thấp, cây thấp. Tôi tìm đường trở lại khách sạn. Cửa phỏng mở, Hợi đã dậy đang ngồi bói bài một mình ở đi-văng, những quần bài nhỏ bằng hộp diêm được xếp thành hàng tư ngay ngắn và hắn ngồi ngắm chúng thẫn thờ. Tôi tới nằm lên giường nhắm mắt nghỉ ngơi. Một lát tôi nghe tiếng hỉ mũi, tôi mở mắt nằm nguyên nhìn Hợi. Hắn vẫn tiếp tục bói bài bằng đủ mọi kiểu, hắn lật ngửa từng đôi một thỉnh thoảng chọn lấy một con đặt riêng sang bên, hắn xếp bài thành hình tròn quay quanh một quân nằm giữa, rồi xóa đi bày thành hàng dài lấy tay đếm năm quân một lại ngừng… Mấy gian phòng xung quanh có lẽ người ta đã trả lại nên im lặng. Ngoài cửa phòng của tôi là một khoảng hình vuông thụt vào của cái hành lang hẹp, mấy cửa phòng đâu vào nhau, đầu hành lang nơi cầu thang đêm trước là phòng của một dân Mỹ. Chiều thứ Bảy tôi ra đây định ở ít hôm một mình, có những lúc tôi cần sự cô đơn để giải những chất độc của đời sống hàng ngày tôi phải thở hít. Nhưng chỉ được một buổi chiều tôi lại thấy cần một đồng bạn. Buổi tối tôi tìm đến một khách sạn lớn có phòng khiêu vũ. Phòng khiêu vũ này chỉ mở mỗi tuần một tối thứ Bảy là ngày đông du khách, người ta đón những vũ nữ từ Sà Gòn xuống rồi sáng Chủ nhật lại đưa về. Đám vũ nữ rẻ tiền không sống được ở thủ đô, đành phải đi kiếm ăn xa, họ được nuôi ăn bữa chiều thứ Bảy, bữa sáng Chủ nhật và ngủ ở hiên nhà ngang phía sau phòng nhảy, khi tôi đi vào nhà sau qua chỗ này tôi thấy những ghế bố đã giăng màn sẵn, xung quanh ngổn ngang những thanh gỗ đang bào còn chất đầy vỏ bào, người ta đang sửa nhà. Tôi gặp Hợi, người vũ nữ cuối cùng chưa ngồi bàn, hắn có nét mặt dễ thương, khuôn người còn có dáng, tính lại dễ dãi xuề xòa. Không khí trong phòng tối tăm khó thở, âm nhạc thì lổn nhổn chói tai, có một nữ ca sĩ lại hát tiếng Trung Hoa và tiếng Mỹ giọng Tàu. Tôi đề nghị với Hợi ra ngoài bãi tắm. Hắn hẹn với tôi nửa đêm quay lại đón, hắn sẽ về khách sạn của tôi. Tôi bỏ ra ngoài bãi thuê ghế nằm hóng mát. Gần bên tôi có một người mang theo cái máy phát thanh nhỏ trong ấy có một buổi hòa nhạc. Một lúc nào tôi nghe được một khúc Sonate bằng trung hồ cầm lẫn với tiếng sóng biển. Tôi thấy tôi được hạnh phúc hoàn toàn. Tôi tơ tưởng về hạnh phúc của tôi. Tôi sinh ra không phải để hưởng thứ hạnh phúc trọn vẹn hoàn hảo, hạnh phúc theo thói quen, bởi như thế khi tỉnh giấc sẽ chán và khổ vô chừng. Rồi hạnh phúc trở nên một thứ tù ngục, chính vì lẽ đó mà nhiều người hoài nghi hạnh phúc phá vỡ tới cùng bất cứ cái định nghĩa nào về hạnh phúc. Đừng bảo những người ấy là khao khát tuyệt đối, họ là những người không sống và chỉ nghĩ suy về đời sống thôi. Có lẽ vì lối sống lang bạt, vì sự sáng suốt của tôi, tôi không muốn tìm cái hạnh phúc ấy, tôi nhận rằng với tôi chỉ có một thứ đáng kể ở đời là những bonheur d’occasion như lúc này. Tôi hưởng hết cái hạnh phúc ấy trong những dịp may mắn tôi gặp, không cho cái hiện tại hay cái tương lai vào khuấy động phá tan để suốt đời tay trắng chua chát. Rồi khi mất chẳng ân hận luyến tiếc. Không toan tính không lo nghĩ, hạnh phúc đến và đi theo cái ý muốn của đời sống xung quanh và tôi sống buông xuôi tay như thả mình cho nước cuốn. Như lát nữa tôi sẽ bảo với Hợi lưu lại với tôi ít ngày, tôi còn một món tiền đủ hai người tiêu chung, chúng tôi hợp nhau lại mà hưởng những thú vui của những người cô đơn cần có nhau. Và khi sự cô đơn đã lấp đầy, chia tay nhau trong một thứ tình cảm mong manh ấm áp như những ngọn lửa sưởi trong cuộc hành trình mỗi người một ngả còn dài dằng dặc. Tôi chỉ chịu được những tình cảm đột khởi rồi dịu xuống mất đi và thù ghét những tình cảm phải chăm nom giữ gìn. Tôi có ý nghĩ ngược đời sau này: những kẻ ghê gớm tàn nhẫn nhất là những kẻ sống thuần với tình cảm, những tình cảm mà mỗi ngày họ nhóm thêm cho cháy rực, đến độ thành đam mê ngu muội. Một ngày nào người ta sẽ nhân đạo hơn khi người ta sáng suốt thảnh thơi, coi thường tình cảm, lòng yêu ghét thù hằn giận hờn không bao giờ kéo dài qua giây phút. Khi cô đơn, khi hưởng hạnh phúc, tôi ưa tới những nơi xa lạ không người quen biết, những phòng khách sạn đồ đạc trở về ý nghĩ khởi đầu là để dùng vào một việc nhất định nào đó không phải để quyến luyến. Cắt đứt mọi liên lạc ràng buộc tình cảm, tôi trôi qua những người và sự vật chung quanh mình không ghi một dấu vết. Bản Sonate tới những khúc nhạc cuối cùng, thả xuôi trên dây trầm còn một thứ rung động nhẹ nhàng trước khi tan biến. Tôi ưa âm nhạc ở điểm đó, nó ghi lại hạnh phúc và rồi thôi, trả lại cái nhịp hỗn loạn cho đời sống. Nó không có cao vọng như văn chương là muốn chụp lên đời sống để sửa đổi nó. Vô ích, vô ích lắm. Tôi quay về phòng khiêu vũ lúc gần một giờ sáng, trăng ở trên đầu yếu đuối. Trong phòng đã thưa người, nhưng Hợi vẫn còn nhảy với mấy người trai trẻ náo động. Tôi ra ngồi trên thành bể xây hình thang ngoài sân khách sạn, hút thuốc lá nhìn một cặp vợ chồng đứng dựa trên từng lầu ba ngắm mặt biển trăng. Bọn trai trẻ bỏ về, tôi vào. Ở cửa phòng tôi nghe một giọng hát âm đàn ông, tôi không ngờ đó là Hợi. Hắn hát vụng về lỗi nhịp trong giọng ngân không giấu được sự cảm động, nhưng bài hát và hắn tạo ra được hết cái không khí mệt mỏi nửa khuya. Tiếng cười nói xầm xì, mấy cô vũ nữ ngồi vây quanh quầy rượu trên những chiếc ghế cao cẳng tính tiền vũ phiếu. Bồi bàn đang dọn dẹp những bàn trống, trong những góc tối một hai bọn khách đang điều đình rủ những vũ nữ về với mình. Hát xong Hợi đi xuống chỗ tôi ngồi, hắn cầm khăn tay chấm nước mắt và hỉ mũi. Trong bóng tối của căn phòng khách sạn, giữa tiếng ồn ào cãi lẫy bên phòng người Mỹ, hắn đã thì thầm tâm sự với tôi mộng ước của hắn là trở thành ca sĩ để kiếm tiền đỡ cực nhục hơn, khi tôi khen hắn hát hay, hắn bảo với tôi: "Bọn cao bồi nó cứ định kéo em đi, em trông anh hoài không thấy". Ra đến ngoài đường hắn yêu cầu tôi: "Anh đưa em ra ngoài bãi một lát cho mát, về làm gì sớm vậy. Về bây giờ em cũng chẳng ngủ được đâu, nhiều hôm không đi làm em cũng quen mắt thức đến ba bốn giờ sáng". Chúng tôi trở về khách sạn lúc ba giờ sáng. Tôi phải đánh thức người gác cổng ngủ ở ghế bố ngoài đầu hè dậy mở cửa cho chúng tôi. Tôi ở một khách sạn nhỏ, lối vào một hẻm đóng bằng cửa sắt kéo. Tôi dậy tới ngồi cạnh Hợi, trong khi hắn đang xếp và trang bài. Mắt hắn đỏ hoe, hắn đã đánh phấn thoa một chút hồng lên hai gò má che được phần nào lớp da mặt rỗ. Tôi nhớ sáng hôm qua khi thức giấc, cái ánh nắng lộ liễu của nửa sáng chiếu vào phòng đã phô ra trước mắt tôi một con người khác đêm trước. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng không thất vọng. Cái mặt rỗ của Hợi làm xấu hẳn đi nhưng tôi ưa cái xấu đó, cái xấu làm cho người ta trở nên tầm thường hèn mọn và dễ yêu hơn. Tôi hỏi vu vơ: "Em buồn hả?". Hợi đáp: "Ừ, em buồn, em nhớ nhà. Tự dưng có những lúc em buồn phát khóc vô cớ, nhưng chỉ một lát quên ngay". Hắn vừa nói vừa mỉm cười: "Anh để em bói cho anh một quẻ". Hắn bắt tôi đặt bàn tay trái lên bộ bài, hắn bảo bàn tay ấy thông với quả tim và khi mình nghĩ tới điều gì thành thật nó sẽ hiện lên, kinh bài ra làm hai phần, nhặt lấy một cây bản mệnh. Hắn bày bài ra xem một mình không giảng giải với tôi một lời nào. Tôi hỏi thì hắn xỏa đi lắc đầu bảo: "Anh chẳng có chuyện gì cả, anh chẳng nghĩ đến chuyện gì hết". Tôi nghĩ mình đã dại, chắc hắn muốn tìm đọc trong bài để hiểu tôi, tôi biết chắc rằng hắn chẳng thể hiểu nổi tôi nhưng tôi không thích hắn vẽ trong đầu bất cứ một hình ảnh nào về tôi. Tôi đứng lên bảo Hợi: "Thôi, chúng mình ra biển chơi". Hắn mặc áo cánh trắng, choàng cái khăn mỏng lên tóc, mang cặp kính đen mắt xếch và xách cái túi đựng quần áo khăn tắm cho tôi. Hắn bảo: "Anh đưa em ra chợ mua cho em mấy bản nhạc để em ngồi hát cho đỡ buồn khi anh tắm". Chợ trưa đã vãn người. Những gian hàng, người mua bán không còn hoạt động náo nhiệt. Mọi sự chuyển động như theo một nhịp máy điều hòa tất nhiên đến nổi cho người ta cái cảm tưởng là một sự chuyển động tĩnh, chết. Trong khi Hợi đứng chọn nhạc trong một gian hàng bên hông chợ, tôi thơ thẩn dạo mát qua những cuốn sách bày trong tủ kính. Tôi tự hỏi lẩn thẩn những người đọc tìm thấy những ý nghĩa gì khi nhìn những bìa sách để có thể mua về vùi đầu vào đọc mê mải. Đối với người viết thì đã đành hắn có thể thỏa mãn lúc viết xong vì đã giãi bày được những điều ấm ức trong lòng hay hắn hãnh diện một cách lố bịch là hắn đã quan trọng vì làm được một công trình hữu ích cho đồng loại, cho hậu thế. Nhưng còn người đọc? Tôi rất ít đọc sách bởi tôi coi thường cái tâm sự của người khác và tôi cũng không tin nốt cái hữu ích của sách vở văn chương đối với xã hội. Tôi tự ví tâm hồn tôi như tâm hồn của tỉnh lỵ, liên lạc với bên ngoài những gì cần thiết, còn ngoài ra sống trọn cho mình để quên, quên tất cả. Tỉnh nhỏ không có trí nhớ hay chỉ có trí nhớ chết mà thôi, lạc giữa tỉnh nhỏ tôi là một người hoàn toàn tự do. Hợi còn mua thêm một trái mãng cầu xiêm, hắn nói: "Tắm xong anh ăn món này ngon lắm". Bãi biển vắng ngắt, cách chừng vài trăm thước mới có một hai gia đình ra nghỉ hè còn lưu lại. Chúng tôi chọn hai cái ghế dưới bóng rợp của một kiosque có đặt bàn bi-a và máy phát điện. Tôi xuống tắm và Hợi ngồi trông quần áo cho tôi. Mặt biển phẳng lặng, nước buổi sáng càng ra xa càng mát lạnh. Trước mắt tôi là một mặt phẳng mênh mông lấp lánh ánh nắng. Những lúc hụp đầu xuống tôi mở mắt trong màu xanh đục lẫn những vẩn vàng nhỏ li ti. Tôi cử động một cách khoan thai. Lúc tôi quay nhìn vào bờ, Hợi nhỏ lại lẫn vào trong những đồ vật của bãi biển hình vòng cung. Tôi chỉ nhận ra hắn nhờ ánh mặt trời phản chiếu trên mặt kính đen. Tôi bơi ra xa hơn nữa. Tôi nghĩ nếu tôi cứ cử động chậm chạp như thế này mãi cho tới khi tay chân cứng lại chìm xuống thì trên mặt biển rộng không phương hướng này tôi sẽ tới chỗ nào. Trong khoảng thời gian ấy đối với tôi vẫn có nghĩa là một đời tôi còn lại; đối với Hợi là bao lâu, nửa ngày, một ngày, hai ngày…; đối với bà Georgieff. Tôi hụp đầu xuống và bị sặc, tôi không dám nghĩ nữa. Với bà Georgieff, tôi mất bây giờ, hay vài năm nữa, hay vài chục năm nữa, tôi cũng vẫn là cái thằng bất đắc chí buổi sáng hôm nay, nếu tôi không trở lại gặp bà bằng cách này hay cách khác. Tôi quay người trở vào bờ tìm đích, nhưng không còn nhận ra chỗ ngồi của Hợi nữa. Một ý tưởng lởn vởn: nếu bây giờ chuột rút tôi chìm xuống giữa đường bơi vào bờ. Tôi sợ hãi. Thời gian còn lại cho tôi được bao lâu nữa? Làm thế nào biết được. Tôi chết trước khi vào tới bờ, tôi là kẻ mất tích. Chỉ có một kẻ bị liên quan đó là Hợi và hắn phải chịu đựng cái chết của tôi một cách vô lý đến thế ư? Tôi thả người bơi ngửa nhìn lên trời cao để quên sự ngọ nguậy láo khoét trong đầu. Làn nước mát ôm lấy tôi như da thịt rời rợi của Hợi. Khi tôi quay sấp người tôi thấy tôi lạc hướng. Tôi vội nhắm vào gốc cây lớn làm đích để bơi thẳng. Tôi đạp mạnh, soải dài tay như mở một cuộc thi. Tôi bơi thi một mình với sức lực của tôi. Tôi không nghĩ gì nữa hết, xung quanh tôi là tiếng dập ồn ào của chân tay tôi. Khi tôi bắt đầu bị uống liền vài ngụm nước mặn chát, chân đập chìm dần sâu dưới mặt nước thì ngón chân tôi đụng xuống cát nhão. Tôi dừng lại, nước ở ngang cằm. Tôi mệt mỏi bước lên bờ, bãi biển chỗ này hoàn toàn xa lạ. Tôi ngồi trên những khoảng mô cao, nghỉ cho đỡ nhức đầu. Lòng tôi tự dưng buồn bã lạ thường, giống như lúc tỉnh cơn say rượu. Tôi đi dọc theo bãi đến gần nửa cây số mới về đến chỗ Hợi. Hắn đang ngồi ăn quà của một cô hàng gánh, ngước cặp kính đen, mỉm cười hỏi: "Anh có ăn ốc không?". Tôi lắc đầu nằm xuống ghế, trong quán hai ba người đàn ông đang đánh bi-a. Bà chủ quán ngồi sau cái quầy cạnh tủ lạnh đang dũa móng tay nghe nhạc. Ăn ốc xong, Hợi ném cho tôi cái khăn tắm hỏi: "Anh ăn mãng cầu nhé, em bóc cho. Anh đi đâu về đấy?". Tôi nói: "À… anh bơi vòng xuống cuối bãi". Hợi bẻ cho tôi một miếng mãng cầu bắt tôi phải ăn, hắn đặt cái kính đen xuống bàn để nhìn tôi âu yếm cho sự săn sóc được đầy đủ. Lúc ấy một cô bé mang những xâu chuỗi ốc bán dạo đi ngang. Tôi gọi lại mua cho Hợi một vòng và tôi đeo một vòng. Bất chợt, tôi nghĩ tới một cô gái rất nhỏ hồn nhiên ngây thơ, em gái của một người bạn, tôi sẽ tặng xâu chuỗi ốc tầm thường này. Tôi gặp được một hạnh phúc. Tôi tròng xâu chuỗi ốc vào cổ Hợi, làm bộ cúi xuống để hôn phớt lên mái tóc hắn kín đáo che mắt người xung quanh, dù những người ấy chẳng thèm để ý đến chúng tôi. Hợi sung sướng vụng về, nắm lấy bàn tay tôi đang buông trước ngực hắn hồi hộp và xiết mạnh. Tôi đi thay quần áo trở lại đã thấy Hợi đòi cho tôi cái ghế ngồi khô, kêu sẵn cho tôi một cốc cà phê. Tôi nói: "Nằm nghỉ một chút rồi chúng mình đi ăn cơm". Tôi nằm im nhìn mặt biển, Hợi đeo kính lên khoanh tay trước ngực. Tôi tưởng hắn sắp sửa kể lể tâm sự với tôi như đêm hôm qua khi chúng tôi ngồi trên xe ngựa chạy ì ạch vòng quanh những dốc núi, dưới biển sóng vỗ ì ầm. Thứ tâm sự nhắm mắt lại tôi cũng có thể bịa ra đúng với chi tiết ly kỳ hấp dẫn hơn đời thực. Nhưng không, hắn nằm im một cách dễ chịu. Cho tới khi đi ăn cơm, hắn vẫn đi bên cạnh tôi ngoan ngoãn như một cái bóng. Chỉ thỉnh thoảng sợ tôi quên mất sự hiện diện của hắn, hắn níu lấy cánh tay tôi và đôi lúc bấm những móng tay nhọn vào da tôi. Tôi cứ lặng yên để xem hắn làm gì. Một lần hắn ấn mấy ngón tay sâu dần tưởng chảy máu được, tôi vẫn điềm nhiên khiến hắn phải thì thào: "Anh gan thật". Chỗ bấm ấy thành vết bầm tím, tôi gan thật. Trong bữa cơm, Hợi bảo tôi: "Chừng nào về Sài Gòn, rảnh anh cứ đến em nghe không? Chừng nào anh hết cả mọi chỗ đi chơi anh cứ đến em, lúc nào em cũng có ở nhà cả". Ngừng một lát, hắn hỏi: "Bao giờ anh định về?". Tôi hỏi lại hắn: "Em muốn về hả?". Hắn vội trả lời: "Em ở bao lâu cũng được, em muốn hỏi phần anh ấy". Tôi bảo: "Lúc nào chán muốn về cứ việc về, anh ở lại một mình cũng không chết ai mà sợ". Hắn ân cần nói: "Chúng mình cùng về, em muốn cho anh biết nhà em. Hay là anh không thèm tới?". Tôi gật gù đáp: "Được, để đó tính sau. Bây giờ anh có món tiền phải tiêu hết đã mới về được". Tôi chờ vài giây đợi phản ứng của Hợi rồi mới nói tiếp: "Tất nhiên trừ phần của em không suy suyển". Hắn cười tỏ vẻ biết ơn. Trưa nắng, gió biển vẫn thổi làm cho người ta choáng váng trong một cơn say trống trải. Về đến khách sạn, bước vào phòng chúng tôi trở nên hai kẻ thui thủi bị nhốt chung. Chúng tôi lại tìm đến gần nhau trong vài phút đó mong ngủ được. Nhưng sự trống trải của biển cả, của thành phố, của khách sạn, của căn phòng, của hai cơ thể hình như dìm tâm hồn người ta xuống tỉnh thức tráo trân. Tôi ra ngồi trước bàn, tự nhiên lúc ấy tôi muốn làm lại những thí nghiệm mà bao lâu nay tôi bỏ dở. Bộ bàn ghế mộc, kê khít với tủ một bên là cái la-va-bô rửa mặt với tấm gương, trên mặt bàn một ấm nước, một khay tách, một chai nước lạnh. Chắc chưa có ai tới đây ngồi vào đó để suy nghĩ, để viết. Từ lâu tôi không dùng đến bút, cũng như không có giấy. Tôi ngồi im và tôi biết chắc rằng tôi sẽ viết, tôi sẽ phải viết. Tôi buồn đến phát khóc được. Hợi vẫn nằm ngửa trên giường. Hắn gọi: "Anh đưa hộ em mấy bài hát trên đầu tủ với". Tôi cầm mấy bài hát đưa cho hắn rồi nằm xuống bên cạnh. Dưới đường còi xe hơi giục giã, một chuyến xe đò sắp rời bến. Hợi hát nho nhỏ lạc hết điệu, tôi giằng lấy bài hát bảo: "Hát sai toẹt, để người ta hát cho mà nghe". Tôi cất tiếng hát và Hợi lắng nghe. Hết bài hắn nói: "Anh hát hay lắm, dạy em đi". Tôi bỏ bản nhạc xuống, hát thuộc lòng, hắn hát theo dò dẫm. Hứng thú đến với tôi, tôi bảo: "Em yên lặng, để anh hát ru cho mà ngủ". Chuyến xe rồ máy chạy trả lại sự yên tĩnh cho tôi. Tôi vỗ nhẹ vào lưng người đàn bà và bắt đầu hát. Một bài hát chắc chắn Hợi chỉ được nghe một lần trong đời. Bài hát xưa lắm, những người thích nó kẻ đã chết, người còn sống thì quên không nhắc lại. Riêng tôi, tôi thường thì thầm với mình những phút cô đơn.