Ngày nay, đến cầu Hiền Lương mấy ai còn nhớ bài hát xao xuyến lòng người Việt Nam một thời. Nhưng cái tên cầu Hiền Lương cũng như cái tên sông Bến Hải sẽ lưu danh mãi mãi. Sông Bến Hải cũng là cái “sẹo lịch sử” trên mình đất nước như sông Gianh vậy. “Nhát cắt” sông Gianh khởi đầu từ ý đồ li khai của chúa Nguyễn trốn chạy quyền lực của họ Trịnh đang lấn át vua Lê. Còn “nhát cắt” sông Bến Hải thì chịu sự tác động của các thế lực ngoại bang. Một đằng, cuộc chiến của Pháp hòng chiếm lại Việt Nam, và Đông Dương nói chung, đã thất bại rõ ràng, nhưng Mĩ và phương Tây muốn ngăn chặn ảnh hưởng cộng sản; một đằng thì Trung cộng sau khi chiếm được nước Tàu mong có tiếng nói trên trường quốc tế, mặt khác muốn lợi dụng cuộc chiến đấu của dân Việt Nam vừa làm khoảng cách li an toàn, vừa làm bệ đỡ và “lá bài” cho tham vọng của họ. Do vậy, Bắc kinh dàn xếp việc chia cắt nước Việt (ra vẻ vì “nước bạn” mà thực chất là áp đặt và ép buộc). Sông Bến Hải, nói là giới tuyến tạm thời nhưng thực tế thì ngay đến chiếc cầu nối đôi bờ của nó cũng bị vô hình ngăn đôi! Năm 1979, cầu Hiền Lương ngày trước chỉ còn một nhịp trơ vơ giữa lòng sông. Năm 1996, đi qua đã thấy bị hủy hoàn toàn. Tôi đã than trong một bài viết đăng trên tạp chí Văn: “Giá cái cầu từng là nỗi nhức nhối của dân ta suốt hơn hai mươi năm vẫn được giữ lại như một hiện vật bảo tàng!” Năm 2001, lại đi qua, mừng thay! thấy nó lại “hiện về” coi như nguyên vẹn nằm khiêm nhường và an phận chếch phía dưới chiếc cầu mới bề thế, hiện đại. Xứ ta là vậy, cứ như là có “dớp” hay là “truyền thống”, chẳng cần sự quan tâm đúng lúc, chẳng cần tầm nhìn xa, có những thứ đáng ra phải bảo tồn thì phó mặc cho thời gian và sự vô tâm hủy hoại, thậm chí còn chủ trương phá “đàng hoàng” vì ý tưởng hoặc vì mối lợi trước mắt (để đến khi cần phục hồi phải tốn gấp mấy lần)! Cầu Hiền Lưong khi “sinh” thời chưa bao giờ mang niềm tự hào nay được phục chế, hơi sai vị trí cũ, có quyền hãnh diện là một “chứng nhân” lịch sử. Ngày trước, chỉ là một cây cầu ngắn mà suốt hai thập kỉ cầu Hiền Lương phải luôn luôn mang hai màu khác nhau trên hai nửa. Cách nay mấy năm, trên một tờ báo lớn trong nước ai đó viết rằng: nửa cầu phía nam đối phương cho sơn xanh thì nửa phía bắc cho sơn đỏ; phía nam bèn sơn đỏ để cầu cùng màu thì phía bắc lại sơn xanh. Sự thật trái ngược hẳn! Phía bắc chủ trương giữ cho màu cầu được thống nhất mà phía nam không chịu. Nên họ mới hành động như bài báo đã viết. Chỉ mới qua chưa tới một phần tư thế kỉ mà đã dễ sai lạc như vậy! Hậu quả của kiểu tìm hiểu “nghe hơi”. Không hiếm những chi tiết, tình tiết trong các bài đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng sai lạc như vậy. Chưa nói những sai lạc có ý đồ “kĩ thuật” hay “nghệ thuật”. Mới hay những “sự thật lịch sử” lắm khi cũng éo le, nếu không là “đáng thương”! Vượt sông Bến Hải trên cầu Hiền Lương, bỗng nhớ tới mấy câu thơ của Vũ Hoàng Chương: “Hẹn một ngày trở lại cố đô / Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ / Trên đài chí sĩ bàn tay vẫy / Đại định non sông một bóng cờ”. Những câu thơ Vũ thi sĩ làm năm 1954 dâng Ngô “chí sĩ” bấy giờ đang đòi “Bắc tiến” và lớn tiếng hô hào “lấp sông Bến Hải”, -một kiểu trấn an chính trị mà thôi. Hồi ấy, miền Bắc chủ trương “hoà bình thống nhất đất nước”; ngay lúc bấy giờ mà tổng tuyển cử trên cả nước theo đúng hiệp định Giơ-ne-vơ thì, với uy tín của cụ Hồ và hào quang của cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ai thắng ai bại coi như đã biết trước. Do sự “trớ trêu” của lịch sử mà phải hơn hai mươi năm sau cầu Hiền Lưong mới “liền nhịp” trở lại. Cũng khó mà lường được sự rủi may lịch sử! Cầu Hiền Lương được lưu lại dưới dạng phục chế, song các cột cờ, các trạm gác hai đầu cầu của hai bên đối địch không còn. Đáng tiếc! bây giờ thì nhiều người thờ ơ, nhưng mai sau hậu thế của chúng ta có thể sẽ ngẩn ngơ tiếc như chúng ta nay ngẩn ngơ trước dấu cũ Lũy Thầy, chẳng hạn. Không phải ý thức chính trị mà ý thức lịch sử sẽ lên tiếng. Dốc Miếu sạch nhẵn dấu vết căn cứ Mĩ ngày nào; cả hàng rào điện tử Mac Namara cũng vậy. Những người Mĩ chủ chiến trước đây hẳn hài lòng, và lí ra phải “cảm ơn” những người Việt Nam đã có “sáng kiến” bán sắt vụn, như ông T., người “hùng” từng rất tự hào về chuyện đó. Hai phía cầu Hiền Lương đồng ruộng trải rộng. Lúa trĩu bông mẩy, mặt bằng thảm lúa xanh thấp dưới cả những bờ con, ngồi trên xe lướt qua ngỡ là thảm cỏ. Cây lúa thật thấp tưởng chỉ hơn gang tay. Mé biển phía xa, mới mấy năm trước thấy dựng lên bức tường trắng -những đụn cát-, nay đã thay bằng bức tường xanh, hẳn là rừng dương (phi lao). Dải đất hẹp miền Trung vậy mà cũng có những cánh đồng nhìn thoải mái con mắt; song nhiều cát, quá nhiều cát! Có một cái cầu trên quốc lộ Một bắc qua một lạch... cát. Đã chớm vào mùa mưa nhưng nước chưa đủ ngấm lòng lạch. Có một phố làng khá khang trang, trước mặt là sông Nhật Lệ, sau lưng động cát áp sát nhà. Bàu (hồ -tiếng miền Trung) nước ngọt Sen Thủy rộng cỡ hồ Tây, chỉ phía nam là kề xóm làng còn ba bề là cát. Liệu rồi đây gió có sẽ dồn cát đến xóa sổ nó không? Vượt cầu Hiền Lưong đi chừng vài chục cây số là đến thị xã Đông Hà nằm trên quốc lộ Một tại nơi xuất phát của đường số Chín. Đông Hà hiện nay được chọn làm tỉnh lị của Quảng Trị. Thời thuộc Pháp, trước 1945, Đông Hà là một phố huyện hiu hắt mặc dù nằm ở ngã ba xuyên Việt và xuyên Đông Dương,-một trong những cửa ngõ thông Lào ra biển Đông. Cho đến trước năm 1973, năm Chính phủ lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam đặt lị sở tạm tại đấy, Đông Hà hãy còn “vô danh” lắm dẫu đã có mặt trong bài hát “Bình Trị Thiên khói lửa” nổi tiếng của Nguyễn Văn Thương. Trong trận chiến năm 1972, thị xã này đã thành bình địa. Năm 1979, đi qua vẫn còn thấy những đường sá tan nát, lầm bụi, hai bên hầu hết là những dãy nhà tạm bợ. Đông Hà khởi sắc dần, song trong thời tỉnh gộp Bình Trị Thiên, nó chỉ thuộc hàng thị trấn. Đến thời kì “mở cửa”, nhất là sau khi tỉnh Quảng Trị được lập lại, thị xã này “thay da đổi thịt”. Một cái chợ lớn được xây lên dường như chủ yếu là để đón hàng hoá từ Lào tuồn sang qua cửa khẩu Lao Bảo, hàng Thái và –kì lạ- cả hàng Tàu! (càng thấy hàng Tàu, cũng như người Tàu, giỏi luồn vào mọi ngóc ngách của thế giới!) và đón khách bắc nam xuyên Việt. Một anh bạn đồng hành với tôi vào chợ mua được một cái kính dâm giá 80.000đ, hể hả lắm. Một anh khác “dội ngay một gáo nước lạnh”: Xì! Đây là hàng Trung Quốc, ở Móng Cái đắt lắm cũng chỉ 15.000 đồng! Không như ở nhiều đô thị VN khác, Đông Hà khá tĩnh lặng, thoáng xe và người. Ngay cả trên đường số Một chạy qua thị xã cũng rộ xe cộ tùy lúc thôi. Nó chưa “đạt tới” cái xô bồ, ồn ã, luộm thuộm của hầu hết thành phố xứ ta hiện tại, -cái tình trạng tất yếu của sự phát triển chăng?! Cái tĩnh lặng dễ thương của Đông Hà e sẽ không tồn tại được lâu. Đang có kế hoạch phấn đấu để được lên cấp thành phố trực thuộc tỉnh. Đây đang là “phong trào”. (Nước ta thì “nổi tiếng” về phong trào: trước đây các địa phương thi nhau xây nhà máy bia, xây lò xi măng đứng,... ; nay thì đang đua dự án sân gôn, dự án trường đại học,... ). Cầu cho thành phố Đông Hà tương lai tránh được những bất cập của những thành phố đi trước. Thành Quảng Trị nằm ở tỉnh lị Quảng Trị xưa, xây theo kiểu Vôbăng của Pháp vào đầu thế kỉ 18 dưới triều Gia Long. Nó thuộc số ít thành cổ cùng loại không bị phá hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp theo chủ trương “tiêu thổ”. Nhưng đến giữa năm 1972 nó bị công phá tan hoang gần thành bình địa. Tám mươi mốt ngày đêm, hàng vạn lượt chiến sĩ hầu hết còn trẻ măng, có không ít chàng chưa biết đến mùi thơm con gái, đã đem thân trai với vũ khí nhẹ đương đầu với bom đạn hạng nặng Mĩ từ trên trời, từ ngoài biển, từ các trận địa phía nam và phía đông dội xuống, phóng vào. Sau này, nhà văn X.T. thảo một truyện dài về đề tài chiến tranh giai đoạn ấy. Một lần, ông L.D. nhân dịp gì đó đến xem và hỏi chuyện mấy nhà văn đang sáng tác. Ông động viên, khích lệ viết cho hay, cho chân thật. X.T. cảm kích và cởi mở nói: Nhưng thưa anh, chết nhiều quá. Vị lãnh đạo chỉ ngay ngón tay vào mặt nhà văn cũng đã có tuổi này mắng: Ngu! ngu! Đánh nhau với thằng đế quốc giàu mạnh nhất có vũ khí hiện đại như thế thì phải hi sinh nhiều chứ! Thế mà cũng đòi làm nhà văn! Nhà văn B.B.T. thuật lại chuyện này trên một tờ báo chính qui dưới dạng chuyện bây giờ mới kể và không bình luận. Chỗ thành cổ Quảng Trị bây giờ là một công viên vuông vắn nhiều cây cỏ xanh tươi, giữa là cái đài tưởng niệm cũng khá bề thế song chưa tương xứng với tầm bi tráng của mảnh đất này. Chẳng còn thành cổ; chẳng còn chút xíu dấu tích trận địa sinh tử! Cái danh từ chung “thành cổ” ở nơi nào khác chỉ gợi ý niệm về kiến trúc, cảnh quan, lịch sử,..., còn ở Quảng Trị nó đã trở thành danh từ riêng. Nói đến hai tiếng Thành Cổ là nói đến địa danh một thời “tơi bời khói lửa”, nơi dường như còn vương vất hàng vạn vong hồn đang chờ lời đáp hiển hiện cho sự hi sinh của mình.