RÔNG RÀI ĐƯỜNG LIÊN KHU BỐN XƯA

Thế kỉ trước, -chà! nói “thế kỉ trước” nghe mới xa vời làm sao!- hơn một lần tôi làm chuyến du đường dài trên đất nước mình. Vào thế kỉ mới rồi, lại nhớ những dặm dài, dẫu chân cũng đã muốn chồn. Ờ, thì lại làm chuyến nữa và gắng ghi lại một số ấn tượng, e rằng “mai sau dù có bao giờ”...
Quốc lộ Một, mà một vài phương tiện thông tin đại chúng từng biểu dương ầm ĩ chuyện nâng cấp, nhiều đoạn còn dang dở. Nhiều chỗ thấy trưng biển hạn chế tốc độ; tuy nhiên các lái xe chỉ ớn đoạn qua Diễn Châu thôi. “Công an ở đây làm gắt lắm”. Cậu lái xe cho xe chạy chậm lại dưới 50km/h bảo vậy.
-Các chú vẫn “mua” họ mà? -Một khách du có tuổi hỏi.
-Bọn này khó mua. –Lái xe đáp. (Nếu thật có vậy thì đáng khen quá!).
Thường người ta cho rằng đường ở Bắc bộ hay đi dọc những con sông, còn đường ở miền Trung lại hay cắt ngang sông. Nói vậy, thật ra sông với đường có thể “duyên nợ” với nhau qua sự song hành hoặc qua những cầu, phà. Sông hay đường dễ đổi thay hơn? Thường nghĩ là đường. Song, kí ức tuổi thơ tôi chảy hoài một con sông nhỏ hầu như quanh năm trong xanh, dẫu chảy hơi xiết vẫn là êm đềm len lỏi giữa những hẻm núi đồi hoặc những vùng vườn cây, nương dâu, ruộng lạc,... Con sông Phố nhỏ nhoi, khiêm nhường ấy tưởng chừng bất biến mà đâu còn như xưa! Nói chi chuyện lở bồi. Chỉ riêng chuyện những cây cầu bắc ngang sông “xoá sổ” bao bến đò ngang cũng đã góp phần làm đổi thay cảnh sắc sông quê và làm đậm thêm nỗi nhớ những chuyến qua sông nào đó thời sống nghèo khó mà ấm tình người. Chợt nghĩ: chính sông ngòi cũng là một trong những cái cớ tạo nên tính cách “ru rú xóm làng” tự ngàn đời của người dân Việt.  Cái “bản sắc” này, cách mạng, chiến tranh, “cải cách” đã làm nhạt đi (cùng nhạt đi cái tình làng nghĩa xóm!) song còn “bền gốc” lắm biểu hiện rõ nhất ở “đầu óc cát cứ, cục bộ” và  “đầu óc xôi thịt” biến tướng. Hẳn là phải khá lâu sau khi cung cách làm ăn mới, tiền tiến, hiện đại đã vững chắc, những “truyền thống” xấu mới mất đi cùng với việc bảo tồn và phát huy những truyền thống tốt. Cái ngày ấy có vẻ còn khá xa. Trước mắt hãy còn “ngổn ngang” lắm.
 Đi trên quốc lộ Một từ Bắc vào Nam vào mùa này như đi giữa thảm lúa. Nhiều nơi bát ngát màu lúa vàng, màu của no ấm, -chưa phải là màu của giàu mạnh! Sự giàu lên thấy được ở những thị tứ cũ và mới, qua những con đường mới mở hoặc mới nâng cấp, qua những toà nhà mới mọc lên ở ngoại vi các đô thị làm vui mắt du khách (mà cũng làm “ngớ” du khách bởi hầu như rặt một kiểu nhà “hình ống”). Tuy nhiên, người ta cảm thấy sự xô bồ, chen lấn, thiếu tầm cao, tầm rộng, tầm xa. Dàn ra, như là đua nhau, những cửa hàng loại nhỏ, nhiều nhất là những quán ăn và quán giải khát, trong đó có những quán “thổ phỉ” khét tiếng thô bạo với khách và thức ăn, uống chất lượng kém mà giá thì “cắt cổ” thế nhưng lái xe vẫn “tạo điều kiện” để khách đi xe phải vào vì sự “ăn cánh” y như thầy thuốc với cửa hàng thuốc. Sự phồn vinh của một đất nước, nếp sống và mức sống, nhiều khi hiện rõ ra hai bên đường những nơi có dân cư, trước hết là nơi phố xá. Ở ta, cung cách làm ăn, cách sống và mặt bằng sinh hoạt chưa tương xứng với những công cụ tối tân nhập nội bắt gặp khắp nơi như xe đời mới, điện thoại di động, máy ảnh số, máy tính xách tay,... Đổi thay xác và hồn nếu chỉ là chạy theo và đua đòi thì sẽ trầm luân trong cạnh tranh hoang dã, lạc nẻo văn minh thật.
Đường qua xứ Thanh mưa dầm dề, buồn như một sự chia li. Tuồng như đất trời xứ này cũng sụt sùi vì một người con giữ ngôi cao vừa buộc phải xuống bệ. Xe lướt nhẹ qua cầu Hoàng Long xây xong chưa lâu. Sông Mã chẳng có vẻ gì là hung hiểm với những hàm rồng đá đầy bất trắc được đồn thổi từ thời người Pháp xây chiếc cầu sắt qua sông. Ngày ấy, người Pháp trù tính mãi không làm được trụ cầu giữa sông, nghe nói phải nhờ kĩ sư Đức dùng kĩ thuật vòm treo, trầy trật mãi làm chết bao người thợ lên bắt vít đinh ốc đấu hai nửa vòm vào nhau. Núi Ngọc qua cuộc chiến ác liệt với máy bay Mĩ giờ nom có vẻ teo lại giữa đám nhà cửa mới mọc lên quanh chân núi và hai bên bờ sông.  Thành phố Thanh Hoá đã lan tới bờ nam sông Mã ở phía bắc và Cầu Bố ở phía nam. Cầu Bố, thời chống Pháp là nơi buôn bán sầm uất nhất vùng tự do bắc Liên khu Bốn xưa gồm ba tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh, là chốn mơ ước được dừng chân của lính, học sinh, cán bộ đi công tác; dù họ chỉ “để xem ra sao” là chính, không như dân buôn.Chỉ hai dãy nhà tranh dài tạm bợ dọc hai bên một đoạn quốc lộ Một vốn đã bị phá hoại để “tiêu thổ kháng chiến”, Cầu Bố là nơi tập kết và phân phối hàng hóa, nhiều thứ do buôn lậu, từ vùng “tạm bị (Pháp) chiếm” ra vùng tự do, trong đó có những thứ bị xếp vào loại hàng “xa xỉ phẩm”. Có một giai thoại. Một người đàn ông trung niên mặc quần áo ta màu gụ, đội mũ lá, đi dép lốp, xách một cái bị cói nhỏ đi qua một trạm gác vành ngoài Cầu Bố. Hai người công an gọi vào khám cái bị lôi ra hai gói thuốc lá Cotab, loại thuốc lá ngoại thơm nổi tiếng hồi đó, bèn tuyên bố tịch thu. Người kia cố xin lại gói đã dùng dở. Một công an viên nghiêm mặt: “Không được! Tha phạt đã là may cho anh lắm rồi. Thứ này phải tiêu hủy. Không thể tiếp tay cho địch âm mưu phá hoại kinh tế của ta!”. Nài chẳng được, người kia bỏ đi. Đi khuất được một quãng, gió đưa mùi thơm đặc trưng của thuốc lá Cotab thoảng đến, ông bèn quay trở lại. Hai chàng gác đang ngồi khoái rít và nhả khói. “Chà! Thơm quá nhỉ! Cho hút ghé một hơi nào”-Người đàn ông xách bị cói vừa cười nói vừa bước vào trạm. “Ai cho anh tự tiện vào đây?”-Một công an đứng dậy quát, tay sờ vào vũ khí làm một cử chỉ uy hiếp. Nhưng người nọ đã nhanh tay rút khẩu súng lục giấu rất khéo sau tà áo ra: “Các chú tiêu hủy như thế này đó hả?”. Hai vị thất kinh, đành xuống nước van xin, không thể lấn lướt như với ai khác được. Các chú không ngờ đụng tướng Nguyễn Sơn, bấy giờ đang là chỉ huy trưởng quân sự liên khu Bốn. Cuối năm 1950, máy bay Pháp đã đến ném bom và bắn phá Cầu Bố tan hoang, sau khi một ổ gián điệp ấn náu tại đó bị xoá sổ.
Huyện Tĩnh Gia xứ Thanh có một “phố chim” dọc đường số Một. Lũ chim, phần lớn là khướu, bị nhốt tập thể hoặc riêng lẻ trong lồng to hoặc nhỏ chờ khách mua, nom ủ rũ, chắc chẳng phải buồn ngày mưa như cô tiểu thư nhỡ hẹn hoặc nhớ ngàn cây xanh như thi sĩ mò tứ thơ. Một ngày nào đó lúc rừng đã quá kiệt, e phải nhờ đến các lồng nuôi chim để cứu các giống chim này khỏi tuyệt chủng chăng?!
Thanh Hóa, cũng như mọi địa phương khác, có nhiều chốn để du, song hầu như người ta chỉ quan tâm đến khu nghỉ mát Sầm Sơn bởi cách quốc lộ Một không xa và bởi thuận tiện nghỉ ngơi, vui chơi và cả ăn chơi. Người ta ít biết đến Lam kinh và thành nhà Hồ. (Không nói những trưởng, phó đoàn nhân danh tổ chức này, cơ quan nọ gom người đi tham quam-du lịch để làm tiền trá hình!). Thành nhà Hồ là một công trình kiến trúc đồ sộ toàn bằng đá tảng lớn nhất nước ta. Hồi làm nhà thờ đá Phát Diệm cuối thế kỉ 19, ông cố đạo tên là Sáu có lấy đá ở đây. Thời gian, thiên tai, nhân họa -cả địch họa, đụng đến không ít, may mà di tích này chưa thành phế tích! Trùng tu và tôn tạo Lam kinh, người ta dường như không nghĩ đến Tây đô. Cả hai cùng liên quan đến một thời kì lịch sử bi hùng của dân tộc; một đằng gắn với mối hận mất nước, một đằng gắn với sự nghiệp giành lại nước, như là một sự đối chứng lịch sử. Cấu trúc thành nhà Hồ đáng được chiêm ngưỡng, khảo sát. Nếu tôn tạo thành quách và khôi phục được những đền đài, cung điện, đường sá, hào luỹ, dẫu chỉ mới trên đại thể, nó xứng đáng được liệt vào hàng di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO).
Nghệ An và Hà Tĩnh, nhiều tài nguyên du lịch đang ngủ hay đang mai một dần. Khách phương xa đến Nghệ An hầu như chỉ biết khu nghỉ mát Cửa Lò và “Quê Bác”. Hà Tĩnh thì không là điểm đến; có chăng là ghé Ngã ba Đồng Lộc và quê tác giả Truyện Kiều. Phải là địa phương hoặc xứ sở có nhiệt tâm với ngành du lịch, có “tay nghề” và có đầu óc làm ăn lón thì với cảnh quan: những bãi biển Cửa Nhượng, Cửa Sót, những núi sông Hồng Lĩnh-Lam Giang, những hồ Kẻ Gỗ, sông Rác,... đó ; với di tích lịch sử: cổng ải Hoành Sơn, Rú Đụn và đền thờ Mai Hắc đế, thành Lục Niên và Rú Thành,... đó ; với di tích văn hóa: những đền Cờn, đền Cuông, chùa Hương trên núi Hồng vốn là gốc tích của chùa Hương ở Hà Tây, làng quê của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu,... đó, hãy khơi dậy, qui hoạch, tôn tạo và thổi “sinh khí du lịch” vào đi! Chưa kể những là khu bảo tồn thiên nhiên Vụ Quang, suối nước nóng Nác Sốt, lèn Kim Nhan,... Lèn Kim Nhan, thuở tôi còn bé có lần sao băng vạch một vệt ngang trời trên làng quê tôi rồi mất hút về phía tây-bắc, tiếp đó là một tiếng ầm vang vọng đến. Cha tôi, một người học nho, bảo: “Lại có danh nhân nào vừa lìa đời. Lèn Kim Nhan vừa mở cửa động cho tướng tinh ông ta nhập”. Ngày trước người ta tin rằng sao băng là vệt linh hồn của một ngưòi vừa lìa khỏi xác, và lèn Kim Nhan chỉ dành cho hồn những người có tiếng tăm. Lèn ấy nằm trong dãy Trường Sơn, tục gọi là dãy Giăng Màn. Hẳn đó là vùng núi đá hiểm trở nhưng kì thú, có nhiều hang động, chưa được khám phá, khảo sát. Lại nữa, vùng ấy chắc là từng có thiên thạch rơi vậy mà tới nay vẫn chưa thấy có sự phát hiện nào!
Đèo Ngang –“Hoành Sơn nhất đái” trong sấm ngữ Trạng Trình, du khách nên dành thì giờ leo lên Hoành Sơn quan, cửa ải thời cũ. Và nên đi vào sáng sớm hoặc chiều tà để có thể ngắm cảnh “Lảnh chảnh đầu ghềnh chim vững tổ / Lênh đênh cuối bãi cá ngong triều” theo con mắt thơ Lê Thánh Tông, và nghiệm lại tâm sự Bà Huyện Thanh Quan “Dừng chân đứng lại, trời, non, nước / Một mảnh tình riêng ta với ta”. Đèo Ngang xưa toàn rừng rậm, hổ báo lại qua sang tận bên Lào. Hai bên đèo trước đây nghèo xơ xác, nay nhờ thủy lợi đã có vẻ khá lên. Phía Kì Anh, Hà Tĩnh, đã biết trồng đại trà cao su, dứa,... Đang khởi công nhà máy hoa quả hộp Hà Tĩnh. Một khu kinh tế mới có cơ hình thành. Có thành công hay không lại là chuyện khác, bởi, ở nước ta, nhiều dự án như là một kiểu đánh bạc, có khi lại là chuyện “đi đêm” của những ai đó. Xa hơn một chút là Vũng Áng, cảng nước sâu và khu công nghiệp cũng đang hình thành. Cảng này cũng là một cửa ngõ cho nước Lào. Có những điểm du lịch có thể khai thác như Mũi Đao,... Phía Quảng Bình nom kì thú hơn với những  vườn đồi bạch đàn, mít, xoài; những nhà ngói thấp thoáng sau những cụm cây xanh. Trên đỉnh núi phía sau, một bãi đá trắng trông như một nghĩa địa trong tranh ấn tượng. Gần đó, một điểm nghỉ mát biển xinh xắn.
Những chặng đường Liên khu Bốn thời kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ vang bóng nay chỉ còn trong kí ức của những người đương thời còn sót lại. Có khi những chuyện “vớ vẩn” lại dễ nhớ lâu và hay được nhắc tới. Ngoại thành Vinh, ông đại tá không tài nào nhận ra địa điểm quán nước “Tuột xích” thời đánh Mĩ. Tên quán do lính tráng các ông đặt cho. Bọn ông đi công tác qua thế nào xe đạp cũng dở chứng, tuột xích sao đó, vì vía cô chủ quán đẹp nổi tiếng. Nói đúng “tim đen”, túi tiền cho phép thì vào quán ngồi nhâm nhi, túi xẹp thì tạo cớ để ngắm hay liếc trộm ngưòi đẹp. Ông giáo sư thì khi qua địa bàn Hà Tĩnh nhớ lại mấy câu thơ truyền tụng thời kháng Pháp về một cô gái “đẹp tựa nàng tiên” đến nỗi “chiến sĩ ai người qua Phủ Đức / cố tìm cho thấy bóng Mộng Viên” bởi “Mộng Viên khiến thẹn cảTây Thi / Náo nức chàng trai tuổi dậy thì”... Sự thật, nàng tiên Mộng Viên chỉ là một cô gái vô gia cư dở người, sẵn sàng làm bất cứ việc nặng nào mà người ta thuê song lắm khi tinh quái một cách đáng ngờ. (Mãi sau này, nghe nói đó là một gián điệp lợi hại của Pháp rồi của Mĩ từng chỉ đạo cuộc oanh tạc nhà máy dệt Nam Định thời chiến tranh phá hoại của Mĩ (!) ). Chẳng sao! Để góp phần thư giãn trên hành trình cuốc bộ, chuyện lòe nhau chơi hoặc chuyện gây cười.
Cuốc bộ! Ngày nay, hiếm người Việt cuốc bộ đi du lịch. Người nước ngoài thì lại có thể gặp trên mọi miền đất nước ta. Ghé Kì Anh, tôi được nghe hai mẩu chuyện. Mẩu thứ nhất, một ông “Tây ba lô” gõ cửa một nhà ven đường số Một xin nghỉ nhờ qua đêm bị từ chối. Mẩu thứ hai, một ông khác đi cà nhắc trên đường trong nắng gắt và gió Lào; một chiếc xe tải chạy qua cùng chiều, người lái xe có lẽ cám cảnh bèn dừng xe cho đi nhờ, anh ta nói cảm ơn và... lắc đầu, tiếp tục lê bước. Ở chuyện thứ nhất, lòng trắc ẩn và lòng hiếu khách của người Việt đâu rồi? Ngày trước, ngay trong thời chiến, người lỡ độ đường có thể ghé bất kì nhà nào tiện gặp xin nghỉ nhờ, rất ít khi bị thoái thác. Bây giờ, thay cho lòng trắc ẩn là sự cảnh giác chăng! Ở chuyện thứ hai, người nước ngoài kia quyết tâm vượt khó hay ngại sự “săn đón” bởi đã có kinh nghiệm của bao người đi trước mua hàng và thuê dịch vụ ở xứ sở “mến khách” này? Xem ra, nhiều khi chuyện vặt lượm lặt dọc đường chẳng phải là chẳng đáng bận tâm!

° Tản bút -"tản" không mang nghĩa trong "tản văn", mà có vai trò như "tùy" trong "tuỳ bút".