TÂM VÀ TÍNH
Tác giả: Cổ Mộ
Nguồn: KTNN số 634, ngày 20.03.2008

Có một học tăng tìm Quốc sư Huệ Trung tham bái, hỏi:
 
“Thiền là một tên gọi khác của Tâm, mà Tâm lại là Chân Như Thực Tính, nó không nhiều hơn ở Phật và cũng không ít hơn ở phàm nhân. Các tổ sư của Thiền tông lại đổi tên gọi Tâm ấy thành ra Tính. Vậy xin hỏi thiền sư: Tâm và Tính khác nhau như thế nào?”.
 
Sư Huệ Trung: “Lúc mê thì chúng có khác nhau (hữu sai biệt), lúc ngộ thì chúng không khác nhau (vô sai biệt)”.
 
Học tăng lại hỏi: “Kinh viết: Phật Tính là vĩnh cửu (thường), Tâm là không vĩnh cửu (vô thường). Như vậy, sao ông lại nói là không khác nhau?”.
 
Sư Huệ Trung: “Ngươi chỉ dựa vào lời mà không dựa vào nghĩa. Ví dụ như khi trời lạnh thì nước đóng thành băng, khi trời nóng băng tan ra thành nước; khi mê kết Tính thành Tâm, khi ngộ thì dung Tâm thành Tính. Tâm và Tính vốn là một, bởi vì có mê có ngộ cho nên mới có khác nhau là vậy”.
 
Người ta nói:
 
Trong giáo lý nhà Phật, Tâm - Tính có rất nhiều tên gọi khác nhau, như: Bản Lai Diện Mục, Pháp Thân, Thực Tướng, Tự Tính, Chân Như, Bản Thể, Chân Tâm, Bát Nhã, Thiền v.v. Đó đều là những phương pháp, tên gọi khác nhau trong nhận thức của người tu hành về một cái duy nhất là Bản Tính của con người. Mê và Ngộ tuy có sai biệt, nhưng Bản Tính lại vô sai biệt. Chẳng hạn cũng chỉ một thứ duy nhất là Vàng, nhưng từ nó người này có thể tạo ra Hoa tai, người kia tạo ra Nhẫn đeo, người nọ lại tạo ra Vòng tay v.v. Mà thực ra tất cả những hình thức, tên gọi ấy đều từ một thứ duy nhất là kim loại Vàng mà ra. Tâm và Tính cũng như vậy, tuy cũng có tên gọi khác nhau, nhưng thực chất đều chỉ một thứ duy nhất là Bản Thể của con người.
 
 
(Theo Chan Gushi)