Sau khi Mã Tổ sáng lập tu viện (tòng lâm), thiền sư Bách Trượng Hoài Hải nối tiếp lập ra hệ thống các quy tắc trong tu viện (thanh quy). Chủ trương cuộc sống “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” (Ngày nào không làm, ngày đó không ăn) của sư Bách Trượng từng gặp nhiều khó khăn, bị chỉ trích vì trái với quy củ, giới luật trước đây của người tu hành Phật giáo, thậm chí có người cho sư là kẻ ngoại đạo. Sở dĩ sư có hiệu Bách Trượng vì sư trụ trì ở tu viện trên núi Bách Trượng. Mỗi ngày, ngoài việc hướng dẫn tăng chúng tu tập, thì bản thân Bách Trượng cũng cuốc đất trồng rau, gánh nước, chặt củi, lao động thực thụ, và những việc lặt vặt thường nhật, sư cũng tự thân làm lấy, không phiền đến người khác. Năm qua tháng lại, Bách Trượng già yếu, nhưng mỗi ngày sư vẫn theo chúng tăng đi chặt củi trồng rau, bởi cuộc sống nông Thiền là cuộc sống tự cung tự cấp. Các đệ tử thấy sư Bách Trượng già yếu, không muốn sư phụ phải lao động nặng nhọc nên xin sư ở nhà, nhưng Bách Trượng vẫn kiên quyết: “Ta mang thân làm người; cuộc sống nhân sinh nếu không tự mình lao động, chẳng lẽ để trở thành phế nhân hay sao?”. Các đệ tử khuyên mãi không được, đành đem đòn gánh (để gánh củi) và cuốc giấu đi, không để cho sư phụ làm. Hôm đó, đến bữa, Bách Trượng không ăn. Chúng đệ tử hỏi vì sao, sư trả lời: “Đã không làm, thì có thể được ăn sao?”. Các đệ tử không biết làm sao, đành trả nông cụ lại cho sư phụ. Bách Trượng lại tiếp tục sinh hoạt như thường. Tinh thần “Ngày nào không làm ngày đó không ăn” của sư Bách Trượng từ đó trở thành tấm gương sáng cho bao người. Người ta nói: Có người cho rằng tham Thiền không những giũ sạch trần duyên, mà thậm chí cũng không cần phải làm lụng gì, chỉ tập trung vào việc toạ Thiền. Không làm việc, rời xa cuộc sống như vậy có phải mới thật là Thiền không? Bách Trượng không những chủ trương Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực, mà còn hô hào: “Chặt củi, gánh nước… không gì là không Thiền”. Lời kêu gọi ấy đã vang vọng hơn ngàn năm, và sẽ còn vang vọng đến muôn đời sau. (Theo Chan Gushi)