Chương 2
Ma ám

Đã ba ngày qua, Duy như người mất hồn. Bà Lâm thì không rời Duy nửa bước. Bà thuê hẳn một người ra chợ bán hàng cho bà. Còn bà thì ở nhà lo cho Duy. Nhưng như thế Duy càng bức rứt khó chịu hơn. Duy trở nên cáu gắt và giận dữ vu vơ. Chuyện của Duy cả khu phố đều biết. Lúc đầu bà Lâm định giấu, nhưng thái độ khác thường của bà thì không thể che mắt ai được. Và cuối cùng thì cũng chính miệng bà nói ra khi hàng xóm cứ tìm cách để biết chuyện bất thường ở nhà bà. Thế là khu phố nơi Duy ở cũng bắt đầu nhìn Duy với con mắt lạ lùng. Ông Lâm thấy tính khí của Duy như thế thì cũng tin là Duy có vấn đề về tâm thần rồi. Nhưng ông không chịu nổi về sự mê tín quá đáng của vợ mình. Ông đã chung sống với bà ba chục năm nay thì ông hiểu tính nết hậu đậu và suy nghĩ nông cạn của bà. Nhưng vì trách nhiệm và lương tâm đối với vợ con mà ông không thể đạp đổ. Do vậy, cuộc sống riêng tư của ông cũng chẳng hạnh phúc gì. Và ông cũng chẳng biết bày tỏ cùng ai. Ông câm lặng, nhường nhịn và an phận cho qua ngày đoạn tháng. Bây giờ ông chỉ hy vọng vào Duy là hình ảnh của mình sau này sẽ không lặp lại những gì mà ông đã trải qua. Ông cũng mong muốn Duy sẽ không gặp một người phụ nữ như vợ mình. Nhưng sự an phận thiệt thòi của ông cũng không được bà Lâm đền bù. Với một người đàn ông trung niên sung mãn, không rượu chè, cờ bạc, hút xách và gái điếm như ông thì chuyện sinh hoạt tình dục vợ chồng là một điều giải tỏa cả tinh thần lẫn thể xác. Nhưng bà Lâm thì không suy nghĩ được những điều sâu kín ở trong tâm hồn chồng. Bà sống theo bản năng và suy nghĩ nông cạn của mình. Bây giờ gặp chuyện của Duy như thế nữa thì bà tin rằng bà đã bị thần thánh trừng phạt bởi thân thể bà ô uế vì chuyện nhục dục. Bà nghĩ đời bà chẳng làm điều gì xấu cả ngoài chuyện ân ái nhục dục với ông Lâm. Không phải tự nhiên mà bà suy diễn như thế. Thời gian gần đây, bà nhận thấy cứ đêm nào mà ông Lâm sinh hoạt tình dục với bà thì sáng ngày là bà buôn bán ế ẩm. Nhưng có một nguyên nhân trên tất cả các nguyên nhân mà bà Lâm không nhận ra. Đó là sự ham muốn tình dục của bà đã cạn kiệt theo tuổi tác. Chính điều này đã làm cho lí lẽ đạo đức về một thể xác trong sạch lấn át cả sự khao khát nhục dục là điều tiên quyết lúc còn trẻ.
Ông Lâm quay người gác tay lên ngực bà Lâm. Bà Lâm nói:
- Thằng Duy bây giờ càng ngày càng tệ như thế thì làm sao tiếp tục học hành đây. Chỉ còn hai tháng nữa là đi học lại rồi!
- Từ từ nó sẽ bình phục lại thôi. Để đến khám ở bệnh viện Chợ Quán xem sao.
- Từ nay..kiêng cử bớt cái chuyện đó đi nha ông!
Ông Lâm lặng thinh và thở nhẹ ra một tiếng rồi nằm nhìn lên trần nhà. Ông nghĩ nếu xưa kia ông đừng lấy một người vợ ngang tuổi ông thì có lẽ hay hơn. Bây giờ, tuy năm mươi tuổi rồi, nhưng ông vẫn còn ham muốn xác thịt. Trái lại, với lứa tuổi như thế thì vợ ông lại cảm thấy không còn hứng thú gì nữa.
- Ông không tin gì cả cho nên thằng Duy mới như thế đấy. Già rồi, bớt cái chuyện ô uế đi một chút!
Ông Lâm chán nản ngồi dậy, lững thững ra khỏi phòng ngủ rồi ghé mắt vào phòng Duy và ông không thấy Duy đâu. Giờ này, thường thì Duy đang ngồi trước máy vi tính. Thế là cả ông và bà Lâm lật đật chạy ra khắp cùng ngõ hẻm trong khu phố để tìm Duy.
- Chín mười giờ rồi mà nó đi đâu nhỉ? – Ông Lâm nói
Duy lẩn thẩn ra khỏi nhà với những bước chân vô định mà lòng dạ cứ nghĩ hoài về H’ Nhiêu. Cứ đến đêm về là Duy cồn cào nhớ. Nỗi nhớ khao khát yêu đương như muốn đốt cháy cả hồn lẫn xác Duy. Cứ đi như thế, cứ nghĩ ngợi mông lung như thế mà Duy đã đến bến xe Miền Đông từ lúc nào như có ai dẫn dắt. Chợt có ai đó vẫy tay gọi mời uống nước mía, Duy cũng bước vào vì nhận thấy mình cũng khát. Người ta đem ra cho Duy một ly và hỏi gì đó Duy cũng gật đầu. Thế là người ta đem ra một gói thuốc, Duy cũng hút mặc dù chưa bao giờ hút thuốc. Uống xong ly nước mía, người ta hỏi gì đó, Duy lại gật đầu. Thế là người ta lại đem ra cho Duy một ly nữa. Để khi thấy rát cả miệng lưỡi thì nhìn lại thấy mình đã uống hết năm ly nước mía và hút hết một gói thuốc. Duy bật cười và nói một mình:” Vậy cho nên người ta nói mình bị ma ám là phải! Ừ, mình bị H’ Nhiêu ám cũng được có sao đâu!” Người bán nước mía cứ nhìn Duy dò xét và canh chừng. Khi thấy Duy cứ ngồi nói lảm nhảm, bà ta càng nghi ngờ Duy là một người bị bệnh tâm thần bỏ nhà đi lang thang trong đêm. Duy chưa kịp trả tiền thì vừa lúc ấy ông bà Lâm chở nhau trên xe gắn máy đã nhận ra Duy và tạt xe qua. Bà Lâm vừa vẫy vẫy Duy vừa nói với ông Lâm:
- Thấy tôi nói đúng không! Nó chắc chắn là muốn đón xe về Buôn Ma Thuột!
Thấy trên bàn đến năm ly nước mía và một gói thuốc lá rỗng thì ông bà Lâm ngán ngẩm lắc đầu nhìn bà bán nước mía. Chị bán nước mía kề tai nói nhỏ với bà Lâm:
- Hình như nó bị đàng dưới ám rồi phải không? Cái này chắc phải nhờ ông thầy Năm trị cho!
Bà Lâm gật đầu qua quít, trả tiền cho Duy rồi gọi taxi đưa Duy về. Ông Lâm chạy xe gắn máy theo sau. Khi ngồi yên trên xe, bà Lâm bật khóc bởi thấy Duy cứ cười lẩn thẩn một mình. Thật ra Duy cười vì thái độ của mọi người cứ cho Duy như một kẻ bị bệnh tâm thần. Nhưng bà Lâm thì cho rằng Duy đã bị nặng quá. Rồi bà chợt nhớ lại lời của bà bán nước mía nói có một ông thầy Năm nào đó.
Duy thấy mẹ khóc liền nói:
- Mẹ thật phi lý! Tự nhiên gắn cho con cái bệnh rồi tự dằn vặt mình, tự làm khổ mình. Con là quá sức chịu đựng cái mê tín của mẹ lắm rồi!
- Thôi con! Con đừng hành tội mẹ nữa. Con chịu khó nghe lời ba mẹ đi chữa bệnh nha!
- Bây giờ mẹ muốn như thế nào?
Duy nuốt một cụm nước miếng, lắc đầu ngán ngẩm và thầm nghĩ: “Thôi thì cứ làm theo ý của mẹ mình cho mẹ mình khỏi buồn!”
- Ba muốn con đi khám bệnh ở Chợ Quán thì cứ đi thử xem sao. Sau đó mẹ sẽ tính chứ nghe lời ba con thì không đúng đâu. Vì con không phải bị bệnh…
- Thôi thôi.. được rồi! Thế là ngày mai đi khám bệnh với ba phải không?
- Ừ, cứ thử xem sao!
Bác sỹ tâm thần sau khi khám tổng quát cho Duy xong thì đưa cho Duy một xấp giấy in mấy trăm câu hỏi a, b, c, d và cho Duy vào ngồi một mình trong một căn phòng kín yên tĩnh. Duy bật cười vì những câu hỏi bình thường nhằm thăm dò tâm lý, tình cảm, tinh thần, sinh hoạt, học hành và giao tiếp bạn bè của Duy. Tuy vậy, Duy cũng thực hiện cho xong thủ tục và cũng để thử xem đầu óc mình minh mẫn đến đâu.
Sau một buổi khám bệnh, làm trắc nghiệm tâm sinh lý, thử các xét nghiệm và đo điện tim v.v. Bác sỹ trả kết quả với một câu: “ Sức khỏe bình thường – Tâm thần ổn định – không có dấu hiệu suy nhược thần kinh.”
Ông Lâm muốn biết chắn chắn kết luận của bác sỹ một lần nữa nên hỏi lại. Vị bác sỹ khẳng định:
- Không có vấn đề gì cả!
Sau khi bác sỹ kết luận Duy chẳng có gì liên quan đến bệnh tâm thần cả thì ông Lâm cũng tin vợ mình nói Duy bị ma ám là có lý.
- Ông thấy tôi nói có đúng không! Nó bị ma ám cho nên khám thì làm sao mà ra bệnh được! Phải nhờ đến thầy bà chứ nhờ đến mấy ông bác sỹ thì thua.
Vừa về đến nhà thì bà Lâm căn dặn ông Lâm canh chừng Duy rồi vội vàng chạy xe xuống bến xe Miền Đông tìm gặp bà bán nước mía hôm trước.
- Nghe nói chị có quen ông thầy Năm nào có thể trị được tà ma?
- Cho con trai chị hôm trước đó phải không?
- Dạ!
- Mới nhìn là tui biết nó bị ma ám rồi! Ông thầy này hay lắm! Nhưng giá cả là vô chừng. Có khi ông không lấy tiền. Thầy chỉ cứu nhân độ thế. Tuần sau chị đem nó xuống đây đi với tui. Nhà thầy ở Bình Dương lẫn!
Bà Lâm mừng quá cám ơn rối rít bà bán nước mía và hứa sẽ hậu tạ rồi về.
Duy hầu như bị kềm chặt trong nhà và rất ít được đi đâu ra ngoài phố. Có đi đâu thì bà Lâm cũng đòi đi theo hoặc là bà bám sát theo phía sau Duy. Và cũng do là cứ quanh quẩn trong nhà nên Duy càng nghĩ về H’ Nhiêu nhiều hơn. Có đôi lúc quá nhớ H’ Nhiêu, Duy muốn đập phá tất cả, muốn thoát ra khỏi cảnh tù túng gia đình để bay lên cái khu rừng kì bí kia, cái khu nhà mồ ảo ảnh kia, cái con suối mộng mị kia để được ôm H’ Nhiêu, được chìm ngập trong ân ái với H’ Nhiêu. Một điều rất thích thú say mê mà trước khi chưa chung đụng xác thịt với H’ Nhiêu thì Duy chưa cảm nhận được. Bây giờ biết rồi thấy thích quá, khao khát quá. Và Duy nghĩ chắc nó là điều hạnh phúc nhất của loài người vượt trên tất cả mọi thứ nên nhân loại mới đề cập nhiều đến nó, mới từ bỏ tất cả mọi thứ để được có nó. Duy bật cười bởi cái sức mạnh mãnh liệt của nó, bởi mới vừa nghĩ đến cảnh H’ Nhiêu tắm khỏa thân dưới suối đêm hôm đó thôi thì gần như tất cả mọi tế bào trên cơ thể Duy đều bật dậy như nổi loạn; Chỉ nhớ đến ánh mắt đắm đuối và hơi thở hổn hển của H’ Nhiêu ở dưới thân thể của mình thôi thì Duy cũng muốn lập tức lao ra khỏi nhà chạy lên khu rừng đó. Nhưng cơn mê khao khát đã kịp lắng xuống khi Duy nghĩ đến ba mẹ vì thương và lo lắng cho mình nên không cho phép mình làm điều gì buồn phiền đến họ nữa. Duy thở dài và thốt lên: “Thượng đế thật là tài tình và cũng thật là trớ trêu khi sáng tạo ra để ban tặng cho loài người một món quà diệu kì nhất mà chưa có một bật vĩ nhân nào sáng tạo ra được và đồng thời cũng đưa ra một sợi giây oan nghiệt trái ngang để ràng buộc món quà như là một sự ghen tức bởi đã lỡ ban tặng một điều kì diệu mà tự nó đã vượt ra ngoài sức tưởng tượng của mình”.
Hết nghe nhạc rồi lại đọc sách, hết xem ti vi rồi vào mạng lướt web đọc văn nghệ thể thao cũng không làm nguôi ngoai nỗi nhớ H’ Nhiêu. Nhưng bất chợt Duy lại muốn tìm hiểu về Tây Nguyên, muốn tìm hiểu những gì liên qua đến H’ Nhiêu. Thế là Duy vào mạng tìm đến các vùng miền, các dân tộc thiểu số sống ở Đắc Lắc. Có một nhóm nữ cựu học sinh trường Phan Chu Trinh thành phố Buôn Ma Thuột lập trang web để tâm sự với nhau sau khi tốt nghiệp rời khỏi mái trường thân yêu mỗi người mỗi ngả trên đường đời làm Duy chú ý. Đa số các thành viên là người dân tộc Ê đê. Tự nhiên Duy có cảm tình với những cái tên như H’ Mê, H’ Lang, H’ Thanh, H’ Răm, Y’ Man Niê, Y’ Nhu Blo…Một cô gái tên H’ Lang viết cho một người bạn gái tên H’ Thi đang học tại đại học KHXH & NV TP. Hô Chí Minh thế này: “H’ Thi ơi! Từ ngày H’ Nhiêu mất đi, tao cảm thấy bọn mình như không còn gắn bó như xưa nữa. Mày thì học tận Sài Gòn. Tao thì làm việc đầu tắt mặt tối ở bệnh viện còn thời gian đâu mà tâm sự với nhau. Nghĩ lại mà tội nghiệp cho H’ Nhiêu quá! Nó chết bí ẩn quá khiến tụi mình chẳng biết điều gì xảy ra. Tội nghiệp..sự nghiệp học hành của nó đang còn dở dang. Trước đây, nó còn học ở Sài Gòn với mày thì mày cũng đở buồn phải không…” Rồi H’ Thi trả lời: “Đừng nhắc đến nó nữa! Ở buôn làng người ta đồn đại nhiều về nó lắm! Nó đã thành ma rồi! Nó chết khi còn con gái nên linh lắm. Bây giờ ai cũng sợ nó. Nếu thấy nó hiện đến chắc tao cũng chạy thôi!” Duy mừng quá như đang ở đất khách quê người mà chợt nhận ra một người đồng hương. Duy không nghĩ trên đời lại còn có một H’ Nhiêu với cùng một hoàn cảnh nào khác nữa. Chắc chắn đây là H’ Nhiêu xui khiến mình tìm đến với trang web này. Duy viết lời làm quen với H’ Thi và H’ Lang để mong biết thêm thông tin về H’ Nhiêu: “Chào các bạn! Mình là Duy, hiện là sinh viên trường đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh. Rất muốn làm quen với các bạn. Mình rất yêu mến Tây Nguyên và muốn hiểu biết thêm về Tây Nguyên. Qua lời tâm sự của các bạn về một người bạn đã mất, mình có cảm tưởng như mình có quen biết với H’ Nhiêu của các bạn. Một cô gái mà mình hoan toàn mù tịt về hoàn cảnh lí lịch của cô ấy nhưng mình lại luôn luôn nghĩ về cô ấy. Hy vọng sau khi kết thân với nhau, các bạn sẽ kể cho mình nghe nhiều hơn về H’ Nhiêu của các bạn. Thân mến”. Và chỉ 30 phút sau, Duy nhận được câu trả lời của cả H’ Lang ở Buôn Ma Thuột và H’ Thi đang học ở Sài Gòn. H’ Thi viết: “Rất vui được Duy kết bạn với bọn mình. Và càng ngạc nhiên hơn khi một thanh niên người Kinh ở Sài Gòn lại muốn làm bạn với những cô gái người dân tộc Êđê ở Tây Nguyên. Con gái người Êđê không đẹp như con gái người Kinh ở Sài Gòn nhưng bù lại họ có cái bụng tốt lắm! Trước đây, H’ Nhiêu có học chung khoa với H’ Thi ở Sài gòn này. H’ Nhiêu học rất giỏi. Trong một lần về buôn thăm mẹ, H’ Nhiêu bị ma nhập rồi chết mất xác…”. Còn H’ Lang thì viết: “H’ Lang thì ngạc nhiên hơn khi bạn Duy đã quen một con gái H’ Nhiêu có tên giống tên của một người bạn thân nhất với bọn mình trong thời học sinh mà bây giờ đã chết vì bị ma rừng…” Duy định hỏi tới khi nghe nói về chi tiết chết mất xác nhưng cả H’ Thi và H’ Lang đã ngưng cuộc đối thoại rồi cho một cái hẹn lần sau.
Như đã nói ở chương 1, Duy cũng phân vân rằng chắc mình bị ma ám như mọi người nghĩ. Bởi không hiểu vì sao suốt ngày đêm chẳng có giây phút nào mà Duy không nhớ nhung quay cuồng về H’ Nhiêu. Hình ảnh H’ Nhiêu cứ lởn vởn hoài trong tâm trí Duy. Do vậy, khi bà Lâm thuyết phục Duy đi Bình Dương cho thầy Năm đuổi tà ma ra thì Duy cũng đi; Phần nữa vì cũng muốn cho mẹ mình khỏi ưu phiền về mình.
Bà bán nước mía dẫn bà Lâm và Duy vào một ngôi nhà ngói cũ kỹ như cái đình làng nằm giữa một khu vườn nhỏ. Ông thầy Năm búi tóc một lọn sau gáy và để một chòm râu giống mấy lão tiền bối trong phim kiếm hiệp. Đôi mắt sâu hóm nhưng sáng quắc và đảo qua lại khi nói chuyện. Nhìn nét mặt ông có vẻ đanh đá như phù thủy. Chẳng biết ông thờ thần thánh gì mà trên bàn thờ ông có một bức tranh Ngũ Hổ. Bốn con cọp đen, trắng, đỏ, và xanh đứng ở bốn hướng đông, tây, nam, bắc chầu một con cọp rằng mầu nâu sọc vàng ở giữa. Ở dưới bức tranh có ghi hàng chữ: “Ngũ Dinh Quan Lớn“. Phía trên đầu bức tranh có một lá cờ hình vuông bằng vải với năm màu khác nhau. Một hàng chữ dọc cột nhà bên phải: “Ngã Phương Chi Thần” và một hàng chữ dọc cột nhà bên trái: “Ngũ Đạo Chi Thần”. Phía đối diện với bàn thờ, phía trên cửa chính ra vào có bức hình một con Long Mã (đầu rồng, mình ngựa). Một hàng chữ phía trên ghi: “THIÊN - ĐỊA – NHÂN” và một hàng chữ phía dưới con Long Mã: “Thủy - Hỏa - Mộc – Kim - Thổ”
Thầy Năm lấy từ trên bàn thờ xuống năm tờ giấy có vẽ những gì giống như chữ nho, đủ màu sắc mà ông gọi là bùa ngũ sắc trị tà ma. Ông quay về hướng đông vái chín cái rồi quay qua hướng Nam lạy mười cái. Cuối cùng ông đốt những lá bùa ngũ sắc rồi lấy tro thổi vào người Duy và dùng tay đánh gió vào Duy như xua đuổi tà ma vậy. Nói chung ông cũng làm y như bà Mào vậy chỉ có điều thần thánh và những lá bùa là khác nhau. Sau một hồi lâm râm khấn vái, ông như tỉnh lại sau cơn mê sảng rồi phán với bà Lâm.
- THIÊN - ĐỊA – NHÂN. Trời trời, đất đất, người người. Trời thì phải có đất. Đất thì phải có người. Trời là dương. Đất là âm. Người ở giữa phải có âm dương và không thể thiếu một trong hai cực đó... –(Ở chỗ này, Thầy Năm nói y chang bà Mào)- Đó là sự giao hòa. Trời đất giao hòa, âm dương giao hòa mới tạo nên sự vật, tạo sự bình an, mới sinh sôi nảy nở, mới ổn định thần sắc khí huyết. Bây giờ một mặt dùng bùa ngũ sắc trị đuổi tà ma. Mặt khác, phải bổ sung cho nam đây một nữ để đủ âm dương thì sẽ hết. Ma âm nữ kia sẽ không có chỗ để lấp vào. Dương nam đây cũng không còn chỗ trống để nghĩ về ma nữ kia nữa.
- Dạ..thầy nói như thế có ý là…?
- Cưới một nữ cho nam đây!
- Dạ dạ..thầy nói có lí lắm đấy ạ.
Loan được bà Lâm để ý. Tuy học hành không giỏi lắm, nhưng Loan cũng xinh đẹp, lại là con gái rượu của ông bà An - một quan chức trong quận. Bà Lâm và vợ ông An trở nên thân thiết là do vợ ông An thường ra mua hàng của bà Lâm ngoài chợ. Tuy vậy, chuyện của Duy bị ma ám, bà Lâm cũng không hề hé răng cho bà An biết. Bởi thế khi nghe bà Lâm ngõ ý muốn cho Duy và Loan lấy nhau thì ông bà An rất vui. Ông bà An đã biết Duy ngoan, hiền, vừa đẹp trai lại học giỏi. Họ đã có ý muốn đó từ khi Duy đậu vào học trường chuyên Lê Hồng Phong nhưng vì chưa có cơ hội để nói hoặc là có thể chờ ngày Duy tốt nghiệp Đại học. Loan thì rất vui mừng khi nghe như thế. Cô đã biết và thích Duy từ lâu. Bây giờ cha mẹ hai bên đã cởi mở tình cảm cho rồi thì cần gì phải giấu chặt trong lòng. Nghĩ thế cho nên Loan bắt đầu tỏ rõ tình mình với Duy nhiều hơn.
- Anh đang làm gì vậy? – loan nói
- Đang tìm vài người bạn mới quen trên mạng. – Duy nói – Hôm nay sao bỗng đến đây chơi một mình thế, không có hai bác à?
- Từ nay em được quyền đến đây chơi một mình chứ?
Duy chưng hững nhìn Loan mà chẳng hiểu câu nói ấy có ý gì.
- Anh làm bộ không hiểu hay không hiểu thật đấy?
- Ừ..thì em đến chơi là vui rồi chứ có sao đâu! Chẳng lẽ lớn rồi đi đâu cũng phải có bố mẹ đi theo hay sao!
Loan gật đầu cười rồi đến ngồi bên cạnh Duy khiến Duy cũng bất ngờ về sự táo bạo thân mật này. Loan nhìn vào vi tính, nói:
- Anh tìm gì ở Tây nguyên vậy?
- Có quen một vài bạn ở Đắc Lắc nên tìm gặp nói chuyện cho vui!
- Chuyện của mình sao anh?
- Chuyện gì?
- Chuyện ngày hôm qua ba má anh đến gặp ba má em đó!
Duy linh tính ba mẹ mình có bàn bạc gì với ba mẹ Loan về chuyện hôn nhân giữa Loan và mình nên hôm nay Loan đến với vẻ thân mật như thế.
- Bộ anh không thích..em hả?
- Anh..anh chưa hiểu chuyện gì cả!
Loan có vẻ tự ái lặng thinh. Cô nghĩ: Một là Duy không thích cô. Hai là Duy giả vờ như thế, chứ làm gì ba mẹ của Duy không bàn bạc trước khi đến nói chuyện với ba mẹ cô.
Sợ mất lòng Loan, Duy nói:
- Chuyện gì thì vẫn còn đó mà!
Loan dạ một tiếng nhỏ nhẹ rồi tựa đầu vào vai Duy khiến Duy bối rối.
Chưa bao giờ có một sự xung khắc kịch liệt giữa bà Lâm và Duy cả. Thế mà bây giờ chuyện đó lại xảy ra. Duy không thể chịu nổi mẹ mình coi thường mình để tự quyết định chuyện hệ trọng liên quan đến cuộc đời mình mà không thèm hỏi ý kiến mình một tiếng. Bà Lâm thì cho rằng Duy đang trong tình trạng bất ổn tâm thần nên có bàn bạc với Duy thì Duy cũng chẳng biết gì. Điều mà bà muốn đạt được bây giờ là cuới vợ cho Duy để khỏi bị ma ám thôi. Còn Duy có đồng ý hay không là không quan trọng đối với bà nữa. Ông Lâm thì không có lập trường. Nghe bà Lâm nói thì ông thấy cũng có lý. Có nhiều trường hợp như thế, cưới vợ về thì hết. Ông nghĩ Duy đã đi khám bệnh mà chẳng có vấn đề gì về thân kinh thì thầy bà nói Duy bị ma ám là đúng. Nhưng ông thấy Duy còn trẻ, chưa có sự nghiệp gì mà lấy vợ thì cũng khổ. Do tính cách ba phải như thế nên ông chỉ biết lặng thinh.
- Con đã nói là con không bị ma ám hay điên khùng gì cả, mẹ có chịu nghe lời con không?
- Con không bị ma ám sao tối nào cũng chạy lên cái khu nhà mồ ở trong rừng đó để làm gì?
Thế là Duy im bặt. Rồi Duy tự hỏi:”Ừ..tại sao mình lại như thế! Hay là mình bị ma ám thật sự mà mình tự bào chữa cho mình. Mình không tự nhận thấy điều đó mà chỉ có khách quan mới nhìn thấy sự thể. Nhưng mình yêu H’ Nhiêu. Đó là tình yêu chứ đâu phải ma quái. Chẳng lẽ phạm trù ma quái cũng mãnh liệt, cũng mê muội tương tự như tình yêu! Phải chăng người ta nói: “Tình yêu có những lí lẽ mà lí trí không thể nào hiểu nổi” cũng xuất phát từ chữ ÁM này mà ra. Tình yêu ám hay ma ám thì cũng là mù quáng cả”.
Đang cãi nhau, bỗng nhiên Duy im bặt rồi thừ người ra như kẻ mất hồn khiến ông bà Lâm lo lắng. Thế là bà cũng không dám nói năng gì nữa.
Cả hai gia đình Duy và Loan chuẩn bị cho đám cưới vào dịp tết. Loan bây giờ thật sự đã qua yêu Duy. Rảnh một chút là đến với Duy. Cô thật sự tự coi mình là vợ của Duy rồi nên quan tâm đến Duy từng li từng tí. Nhưng cô cũng buồn vì Duy tỏ ra hờ hững với tình cảm của cô. Bên cạnh Duy, cô ao ước được Duy ôm cô một lần, hôn cô một cái. Hoặc nếu Duy muốn, cô cũng sẵn lòng trao thân cho Duy trước ngày cưới. Nhưng đáp lại, Duy dửng dưng xem loan như là một người bạn thân thôi.
Một hôm, Duy nói với Loan:
- Thật ra anh xem Loan như một người bạn, một người em gái. Chuyện đám cưới là do mẹ anh xếp đặt nhằm cho anh thoát ra khỏi cái bệnh mà mẹ anh gọi là ma ám. Anh yêu một hồn ma người dân tộc Êđê. Anh chẳng biết anh có bị ma ám hay không. Nhưng anh cảm thấy anh rất tỉnh táo và cảm nhận một tình yêu thật sự. Bọn anh cũng yêu nhau cả hồn lẫn xác như một người bình thường, như những đôi lứa bằng xương bằng thịt yêu nhau…
Lúc đầu, Loan chưng hửng thất vọng rồi đến trố mắt kinh ngạc khi nghe Duy nói. Nhưng sau đó, tuy hơi buồn một chút vì nghe Duy nói xem mình như một người em, cô bình tâm trở lại và tỏ ra không tin chuyện Duy đang yêu một hồn ma. Cô cho rằng đó là một câu chuyện không thật do Duy bịa ra để khước từ tình cảm của cô; Không thể nào một thanh niên thông minh như Duy mà chìm đắm vào một chuyện hoang đường ảo tưởng được; và càng không thể có chuyện yêu đương khi không có một con người cụ thể cả hồn lẫn xác được; Chuyện chỉ có trong tiểu thuyết hoang đường mà thôi. Cô nghĩ Duy vẫn đối xử tốt với cô, vẫn trân trọng và quý mến cô thì rồi Duy sẽ nhận ra tình cảm của cô và sẽ yêu cô mà thôi.
- Em không tin điều đó đâu và cũng không tin anh bị ma ám đâu! Anh là một người tỉnh táo nhất và thông minh nhất mà em đã nhận thấy so với những anh chàng khác.
- Nhưng anh bị ma ám thật…
- Không không..Em không tin và một ngàn lần không tin!
Vừa nói Loan vừa nhào đến đưa ngón tay trỏ đặt dọc đôi môi của Duy để khóa miệng Duy lại không cho nói nữa. Duy cũng im bặt theo cử chỉ đáng yêu của Loan và nhìn Loan với ánh mắt dịu dàng thích thú. Loan bỗng cảm xúc cái ngoan ngoãn đầy vẻ nhường nhịn lịch thiệp và ánh mắt ngưỡng mộ ấy thì không kềm chế nỗi mình nữa nên ập người ngã đầu vào vai Duy.
- Dù thế nào đi nữa, em..em cũng yêu anh!
- Anh…
- Anh đừng nói gì cả! Em tin rồi anh sẽ yêu em mà thôi!
- Nhưng…
- Anh chỉ trả lời cho em câu này! Anh thấy em có đáng yêu không?
Duy gật đầu. Loan nói:
- Thế là được rồi!
Qua liên lạc trên mạng với H’ Lang và H’ Thi, Duy được biết chắc chắn trước đây H’ Nhiêu cùng học một lớp với hai cô gái này ở trường trung học Phan Chu Trinh, Buôn Ma Thuột. H’ Lang với H’ Nhiêu cùng ở buôn Lung thuộc huyện Krong Buk tỉnh Đắk Lắk. Còn H’ Thi ở buôn Ea Rốt thuộc huyện Ea Súp tỉnh Đắk Lắk. H’ Thi và H’ Nhiêu cùng đậu vào khoa Đông Phương Học của trường Đại Học Khoa Học Xã Hội – Nhân Văn Thành Phố Hồ Chí Minh. Sau khi học một năm ở Sài Gòn, trong một kì nghĩ hè về buôn thăm mẹ, H’ Nhiêu bỗng phát bệnh và chết mất xác. Dân trong buôn đồn rằng H’ Nhiêu bị ma Cây trong rừng nhập rồi mang đi. Mấy tháng sau, mẹ của H’ Nhiêu cũng bị chính H’ Nhiêu về ám đổ bệnh và cũng chết luôn. Vì thế sau này dân buôn làng khi nhắc đến H’ Nhiêu thì ai cũng sợ. Ngay cả H’ Lang và H’ Thi cũng không dám nghĩ đến. Ba của H’ Nhiêu là một người Pháp giàu có. Trước đây khi H’ Nhiêu còn sống, ông cũng có gởi tiền về nuôi H’ Nhiêu ăn học. Nhưng sau khi H’ Nhiêu thành ma thì ông không gởi nữa. Những thông tin đại loại như thế thì Duy cũng đã từng nghe nói khi Duy còn ở trên nhà ngoại rồi. Nhưng chẳng hiểu sao, Duy vẫn muốn biết thêm nữa, nhiều hơn nữa về những gì liên quan đến H’ Nhiêu. Duy hẹn gặp H’ Thi ở quan cà phê Văn Khoa kế bên trường ĐHKHXH - NV, nơi mà trước đây Duy vẫn thường đến uống Cà phê và cũng tiện gần trường của H’ Thi học.
Duy nói với bà Lâm là đến trường để đăng kí môn học cho niên học mới. Thế là bà Lâm cũng đòi đi theo. Nhưng khi đến trường, Duy bảo bà Lâm về đi rồi khoảng hai giờ sau đến đón. Sau khi để cho bà Lâm về, Duy trở ra khỏi cổng trường, gọi xe ôm chạy thẳng đến quán cà phê Văn Khoa.
Duy đảo mắt quanh quán cà phê vẫn không thấy bóng dáng một cô gái người dân tộc nào cả. Kéo ghế ngồi, Duy gọi một ly cà phê. Bỗng một mùi hương thơm dịu dàng quen thuộc thoáng qua. Mùi hương thơm đã làm cho Duy ngây ngất ở trong khu rừng buôn Lung. Duy kinh ngạc lẫn bồi hồi xúc động vui mừng. Lồng ngực Duy như co thắt lại, hơi thở như hụt hẫng nhưng trống tim thì đập loạn xạ. Duy đảo mắt nhanh khắp nơi trong quán cà phê để tìm bóng dáng H’ Nhiêu, nhưng chẳng thấy bóng dáng con ma dễ thương dưới con suối buôn Lung đâu cả. Tuy vậy, Duy vẫn cứ khấp khởi hy vọng lát nữa đây H’ Nhiêu sẽ xuất hiện. Bởi Duy nghĩ trước đây, cứ mỗi lần H’ Nhiêu sắp xuất hiện thì mùi hương thơm thoảng qua như báo cho Duy biết trước. Như đã hẹn trên mạng, Duy lấy cây thước và cây viết gát chéo nhau trên bàn. Bỗng mùi hương thơm quen thuộc thoảng đến và một tiếng cười khúc khích bật lên ở phía đối diện với Duy. Một cô gái mặc quần jean và áo pull ngồi bàn đối diện trước mặt Duy nhoẻn miệng cười. Nhìn kỹ nét mặt và nước da ngâm ngâm thì Duy biết chắc đây là cô gái người Êđê mà Duy đã hẹn gặp.
- Nếu Duy không lầm thì đây là H’ Thi?
H’ Thi gật đầu. Duy bước qua bàn của H’ Thi ngồi. Mùi hương thơm quen thuộc lại thoáng qua Duy từ người H’ Thi.
- Rất vui được quen biết với H’ Thi!
- H’ Thi cũng rất vui!
- Coi như mình đã bạn bè thân thiết rồi đi nhé! – Duy nói – Cho Duy hỏi một câu hơi bất ngờ. Hình như mùi nước hoa H’ Thi đang dùng là giống của H’ Nhiêu lắm thì phải?
H’ Thi trố mắt ngạc nhiên nhìn Duy.
- Thì ra trước đây anh và H’ Nhiêu có quen biết nhau lắm rồi chơ! Thế mà H’ Thi không biết cái chi cả chơ! Khi cái con H’ Nhiêu chưa chết, ba của H’ Nhiêu ở bên Tây gởi về cho H’ Nhiêu một hộp muời hai chai nước. H’ Nhiêu cho H’ Thi một cái. H’ Thi để dành đó chơ! Thỉnh thoảng có đi ăn cái cưới, cái tiệc, cái hội thì mới cho phun chút chút vào trong cái người thôi! Không dám cho bắn cái nước nhiều, sợ hết lắm!
Bây giờ Duy mới vỡ lẽ cái cội nguồn mùi hương thơm dễ chịu tỏa ra từ H’ Nhiêu. Rồi Duy chợt nghĩ, cũng có thể khi H’ Nhiêu còn học ở đây, Duy đã gặp đôi ba lần một cô gái rất đẹp với mùi hương thơm quyến rũ này khi vào chơi ở trường ĐH KHXH – NV. Thảo nào lúc ở trong rừng, Duy đã thấy quen thuộc với những gì đã ở trong tiềm thức của mình rồi.
- Thật ra thì Duy mới biết H’ Nhiêu đây thôi…
- H’ Nhiêu chết rồi sao anh biết được chơ!
- H’ Nhiêu hiện lên.
H’ Thi rùng mình nhìn ra chung quanh.
- H’ Nhiêu có..có làm gì anh không chơ!
- H’ Nhiêu rất hiền, rất dễ thương. Và bọn anh đã yêu nhau.
- Ôi Giàng ơi..Chắc..chắc anh bị nó ám rồi đó!
- H’ Thi đừng hiểu lầm H’ Nhiêu như thế! H’ Nhiêu không làm hại ai cả. Người ta chỉ đồn đại ra như thế mà thôi.
- Có chơ! H’ Nhiêu ám hại cả mẹ mình chết nữa đó chơ!
- Mình không tin! Có uẩn khúc gì đây mà người ta chưa biết đó thôi.
Duy kể cho H’ Thi nghe chuyện Duy đã quen biết H’ Nhiêu như thế nào và những điều làm cho Duy nghi ngờ về những gì liên quan đến H’ Nhiêu trong thời gian Duy chứng kiến ở trên rừng. Và thế là H’ Thi kể cho Duy nghe những gì mà cô ta biết về H’ Nhiêu. Cô nói mẹ của H’ Nhiêu có hai con gái với hai người đàn ông. H’ Lo là con của ông chồng, còn H’ Nhiêu là con của ông người Pháp, con trai của một ông chủ đồn điền cà phê ở Buôn Hồ. H’ Lo lấy Y’ Moan Niê một thời gian thì H’ Lo chết. Theo tục lệ thì H’ Nhiêu phải lấy Y Moan và thế là hắn đòi H’ Nhiêu phải bỏ học về buôn làm vợ hắn. H’ Nhiêu không yêu hắn và không bằng lòng làm vợ hắn. Còn buôn làng, già làng thì ủng hộ hắn vì hắn thực hiện đúng theo luật tục. Đã có lần cả buôn làng kéo đến nhà sàn mẹ H’ Nhiêu bắt đền và đòi mẹ H’ Nhiêu xuống Sài Gòn bắt H’ Nhiêu phải về làm vợ Y’ Moan Niê còn không thì mẹ của H’ Nhiêu phải làm vợ hắn. Nhưng H’ Nhiêu cũng phản đối không cho mẹ mình làm vợ Y’ Moan Niê khiến hắn vô cùng tức giận H’ Nhiêu. Kì nghĩ hè năm ngoái, H’ Nhiêu nhớ mẹ quá về thăm thì bị con ma Cây ám phát bệnh và chết mất xác luôn. Sau khi H’ Nhiêu chết, Y’ Moan đòi mẹ của H’ Nhiêu phải làm vợ hắn. Bởi chồng của mẹ H’ Nhiêu cũng chết rồi nên hắn được quyền như thế. Theo lệ của người Êđê thì những người phụ nữ trong gia đình nếu chưa có chồng hoặc đã mất chồng phải kế tục làm vợ cho anh, em, con, cháu rể của mình khi chị, em, con gái, cháu gái của mình chết. Nhưng mẹ của H’ Nhiêu làm vợ hắn chỉ đôi ba tháng thôi thì bà ta cũng chết theo H’ Nhiêu luôn.
Sau khi chia tay H’ Thi, Duy vẫn cứ miên man trong lòng một điều gì uẩn khúc của H’ Nhiêu chưa được giải tỏa. Mặc dù H’ Thi đã cho Duy biết khá nhiều thông tin về H’ Nhiêu nhưng Duy vẫn chưa thỏa mãn. Cái mà Duy muốn biết là một điều phi lí khó có thể giải thích được: Đó là tại sao H’ Nhiêu đã chết, tức nhiên là không tồn tại một thể xác bằng xương bằng thịt mà sao trong vòng tay siết chặt của Duy vẫn rõ ràng là một vất chất cụ thể, một cảm giác tràn ngập hưng phấn cụ thể, một giới hạn cực khoái không thể vượt qua rất người.
Bà Lâm chuẩn bị lễ vật để làm đám hỏi cho Duy khiến Duy càng tỏ thái độ gay gắt hơn. Nhưng chẳng có gì làm cho bà Lâm đổi ý. Không còn cách nào khác, Duy nhắc lại với Loan thêm một lần nữa rằng mình thỉnh thoảng lên cơn điên vì bị ma ám. Nghĩ rằng lần này chắc Loan sẽ tin. Ai ngờ lần này, Loan cũng không tin như những người trong xóm mấy hôm nay tìm cách làm quen với Loan để bật mí cho Loan biết. Bởi Loan yêu Duy và nhận ra rằng Duy không những thông minh, tỉnh táo mà còn điềm đạm, chững chạc hơn cả những thanh niên khác mà cô quen biết. Cô nghĩ Duy nói như thế chẳng qua là Duy chưa muốn lập gia đình sớm bởi phải hoàn tất chương trình đại học, một phần nữa là cô biết Duy chưa thật sự yêu cô lắm. Cô tìm hiểu nhiều sách vở nói về tâm lí đàn ông và cô nhận ra cái câu của ai đó nói: “Đàn bà cho tình dục để được tình yêu” là rất có lí. Cô nghĩ, muốn cho Duy yêu mình thì không khó lắm.
Bà Lâm thấy Loan đến thì yên tâm xách giỏ ra chợ bán hàng. Thế là nhà chẳng còn ai ngoài Duy và Loan. Để yên cho Duy ngồi trước máy vi tính, Loan vào tắm mát rồi choàng vào một chiếc áo ngủ màu đỏ mà Loan chuẩn bị mang theo trước khi đến nhà Duy. Loan ra ngồi cạnh Duy. Duy bất ngờ trước vẻ quyến rũ và làn da tươi mát mịn màng gợi cảm của Loan. Nhưng lại làm cho Duy nhớ đến H’ Nhiêu không một mảnh vải che thân ở dưới suối nữa. Duy rất thích khi nhớ đến kỹ niệm này và mỗi khi nhớ đến, Duy lạị ao ước tái hiện chuyện ân ái với H’ Nhiêu nữa. Càng nghĩ Duy càng thấy ngọn lửa khao khát nhục dục bừng cháy toàn thân. Khi Loan tựa cả người vào Duy thì cả bộ ngực của cô ta cọ vào cánh tay trần của Duy qua lớp vải mỏng manh mịn màng càng làm cho gân cốt của Duy như căng cứng lên. Duy hít vào một cái như lấy lại bình tĩnh. Nhưng Loan đã kề môi mình vào dưới rái tai của Duy và hôn lướt nhẹ dài một cái xuống cổ khiến cho cái dục tính của Duy đã một lần biết qua dưới suối với H’ Nhiêu trổi dậy.
- Anh muốn không? Em..em chìu…- Loan nói nhanh.
Duy lặng thinh và Loan thẹn thùng cởi bỏ áo ngủ. Thân thể của Loan phơi bày lồ lộ những đường cong rạo rực, ngọt ngào làm cho đôi con mắt Duy ngây ngất lịm dại. Loan thèn thẹn ngã cả ngọn lửa bừng bừng khao khát vào người Duy như muốn đốt cháy tâm can Duy một cách êm ái, dịu dàng, mát mẻ khiến cho Duy không thể từ chối được nữa.
Sau khi bàn bạc chuyện cưới hỏi, cha mẹ Loan mời ông bà Lâm đi nhà hàng. Bị bà Lâm buộc phải đi, Duy ngồi trên chiếc xe Toyota của cha mẹ Loan mà đầu óc cứ suy nghĩ mãi chẳng biết phải làm gì để ngăn chặn cuộc hôn nhân giữa mình với Loan. Hôm trước, Duy nói mình bị ma ám mà Loan cũng không tin lại còn buông thả ân ái tình dục với mình nữa. Duy nghĩ chỉ còn một cách là làm cho cha mẹ Loan biết và tin mình bị ma ám thật sự thì họ mới thôi. Duy bật cười khi nghĩ đến chuyện giả làm một người điên khùng cũng chẳng khó khăn gì. Ông bà Lâm tỏ vẻ lo lắng sợ Duy bắt đầu bộc lộ hành vi khác thường khi thấy Duy ngồi thừ ra và cười thầm một mình. Khi xe đến một ngã tư gặp đèn đỏ, tài xế thấy đường vắng, định cho xe vượt qua nhưng Duy cản lại:
- Chờ đèn xanh rồi đi!
Ông An nói:
- Chờ đến tối! Trụ đèn này hư rồi!
Duy nói tĩnh bơ:
- Kệ, chờ đi!
Chẳng hiểu sao, tài xế nghe theo lời Duy. Cuối cùng thì đèn cũng chuyển qua xanh tuy lâu hơn bình thường bởi đèn tùy hứng muốn chuyển giờ nào thì chuyển. Nhưng chỉ cần như thế là ông bà An cứ dò xét Duy. Khi băng qua nhà hàng, Duy nhất định đi tìm kẽ vạch dành cho người đi bộ xa cách nhà hàng 50 mét mới chịu qua đường với một thái độ tưng tửng khiến cho ông bà An càng thêm nghi ngại. Thấy trên một chiếc xe buýt, ném xuống giữa đường một bịch ni lông chứa vỏ chôm chôm, Duy bất thần lao ra lượm rồi đi tìm thùng rác. Chẳng thấy thùng đựng rác đâu, Duy giữ luôn cho đến khi vào bỏ sọt rác trong nhà hàng. Thấy ông bà An cứ trố mắt dò xét những hành động bất thường của mình, Duy bật cười thành tiếng một mình khiến họ càng lo lắng hơn.
Sau khi đưa ông bà Lâm và Duy về ở đầu hẻm, ông bà An và Loan vào một quán cà phê bên đường kêu nước uống với mục đích là dò hỏi về Duy. Bà chủ quán đã để ý hết mọi sự từ khi gia đình ông bà Lâm lên xe của ông bà An đi nhà hàng cho đến khi về tới giờ.
- Dạ, anh chị và cháu uống gì ạ?
Khi bà chủ quán đem nước ra, bà An nói:
- Tôi có quen nhà ông bà Lâm ở trong xóm này nên ghé chơi…
- À! Nhà có thằng con trai bị ma ám đó mà!
- Ma ám?! Bà An trố mắt hỏi lại
- Dạ, thằng Duy đó! Chẳng hiểu vì học hành quá hay vì bị ma ám mà khùng khùng chị ơi! Nhưng nghe nói bị ma ám!
Thế là đã rõ, ông An vừa ra xe vừa cằn nhằn với bà An và Loan. Nhưng Loan một mực khẳng định Duy chẳng bị gì cả.
Đến lúc này thì ông bà An dứt khoát ngưng cuộc hôn nhân giữa Duy và Loan. Nhưng Loan một mực thề đời mình chỉ lấy Duy chứ không lấy ai khác.
- Con thật mù quáng! – Bà An nói – Hành vi, cử chỉ của nó rành rành ra như thế thì đủ thấy rồi! Rước mấy thằng điên khùng về cho khổ hả con?
- Nhưng…
- Nhưng cái gì! Ba mẹ đã quyết rồi không lay chuyển được đâu!
- Không..con..con cũng quyết rồi!
Loan vùng vằng bật khóc và bỏ chạy vào phòng mình. Cô nghĩ nếu mà không có Duy, chắc cô sẽ không thiết tha gì trong cuộc đời này nữa. Từ ngày cô liều chủ động trao thân cho Duy đến nay. Tuy mới chỉ một lần duy nhất đó, nhưng cô cứ nhớ mãi từng cử chỉ, cảm xúc của cả hai khiến cho cô càng khao khát thêm nữa. Cô nghĩ Duy chắc chưa một lần nào như thế nên có vẻ thụ động, khờ khạo và điều đó khiến cô càng yêu Duy hơn. Còn cô thì không thể tưởng tượng nổi sao nó có những cảm xúc thích thú đến như thế. Bởi vậy, cô lúc nào cũng nhớ, cũng khao khát đến Duy. Nếu lúc này mà để mất đi niềm khao khát ấy, niềm hạnh phúc ấy, những cảm giác đắm đuối ấy thì chẳng có tiếc nuối nào hơn thế nữa, chẳng có một bù đắp nào hơn thế nữa.
Bà An thấy Loan vào phòng đóng cửa lại rồi im re trong đó quá lâu thì sợ con mình làm điều gì dại dột liền xô cửa vào. Thấy Loan đã ráo nước mắt, bà nói:
- Cứ thử mà nghĩ đi! Lấy nó về con có đuợc hạnh phúc không? Hay tối ngày cứ lo cho nó trên nhà thương điên…
- Thôi thôi…đừng nói nữa! Con có thai với Duy rồi…Có nói cũng bằng thừa!
- Mày..mày..mày nói cái gì?
Loan lặng thinh. Bà An nhìn vào người Loan như quan sát một món hàng.
- Lâu chưa?
Loan vẫn lặng thinh.
- Tao hỏi lâu chưa sao mày không nói?
- Con không biết!
- Sao lại không biết hả trời! Tắt kinh lâu chưa? Mày cho nó chơi khi nào?
- Má nói gì kì vậy?
- Vậy chứ nói sao nữa hả mày! Mày cho..mày cho…
- Má đi ra khỏi phòng con đi!
Bà An đùng đùng nổi giận vừa dậm chân thình thịch đi ra khỏi phòng vừa hăm Loan:
- Tao phải điện cho ba mày về giải quyết. Trời ơi là trời! Con với cái nè trời…
Duy lên mạng và gặp H’ Thi đang online với H’ Lang. H’ Thi viết: “Tao đã gặp cái anh chàng Duy rồi mày ơi! Cái bụng nó yêu con ma H’ Nhiêu lắm!”. H’ Lang viết: “Chẳng biết hắn gặp H’ Nhiêu khi nào mà giấu trong bụng cái con H’ Nhiêu như thế!”. H’ Thi viết: “Hắn kể đã gặp H’ Nhiêu trong rừng mới đây. Như thế là sau khi con H’ Nhiêu chết. Mày ơi! Con H’ Nhiêu này linh quá. Tao sợ quá! Cho nên dân buôn làng sợ nó là phải. Tao thấy thằng Duy này hiền lành quá, đẹp trai quá. Tao muốn khuyên quá nhưng ngại quá! Nhưng cái tình ở trong cái bụng rồi thì làm sao nói nghe chớ! Vô lí quá! Làm sao mà hắn nhớ nhung say mê cái hồn được chớ!”. H’ Lang viết: “Mày nói cho tao sợ quá! Cái bụng mày có chân thật không đó! Ai mà tin được cái chàng Duy đó ở Sài gòn lên đây gặp cái hồn con H’ Nhiêu rồi cái bụng si mê. Nếu mà con H’ Nhiêu còn sống thì tao tin liền. Vì nó là hoa khôi của trường mà. Có ai đẹp bằng nó chớ! Con gái người kinh trong trường đẹp thế mà cũng thua nó chơ! Tao là con gái mà cái bụng tao cũng muốn ngắm nhìn nó nữa chơ! Làm sao mấy thằng con trai không thích nhìn nó cho được chơ!”. Duy viết: “Chào H’ Lang và H’ Thi! Nãy giờ nghe các bạn nhỏ to hết rồi đấy nhé! Đúng là chuyện của mình khó có ai tin được. Nhưng đó là sự thật. Các bạn không tin cũng được. Mình đã gặp một H’ Nhiêu thật đẹp đúng như H’ Lang đã nói. Lúc đầu mình cũng nghĩ là chuyện hoang đường ảo tưởng mới có một cô gái hiện ra trong rừng tuyệt vời như thế. Nhưng mình đâu chỉ phải gặp một lần. Và đối với mình thì đây rõ ràng là một cô gái bằng xương bằng thịt đàng hoàng. Nhưng thú thật mình chẳng biết diễn tả như thế nào cho người ta tin. Mình buồn lắm! Mình nhớ H’ Nhiêu nhiều lắm! Ước gì mình bay lên được trên khu rừng đó để được gặp H’ Nhiêu nữa”. H’ Lang viết: “Ô..xin lỗi anh Duy! Nãy giờ cái bụng của bọn em không tốt đâu! Nói xấu anh quá có giận không chơ! Thật sự thì H’ Lang không tin cái chuyện của anh đâu! Nhưng H’ Lang tin là anh đã gặp cái hồn ma H’ Nhiêu rồi đó chơ! Ở đây, người ta cũng có gặp cái con ma H’ Nhiêu nhiều lần rồi đó! Khi nào anh Duy về Buôn Ma Thuột thì nói cho H’ Lang biết. H’ Lang sẽ mang anh vào buôn chơi. H’ Lang sẽ chỉ cho anh biết nhà của H’ Nhiêu. H’ Lang sẽ chỉ cho anh cái thằng Y’ Moan Niê đòi làm chồng H’ Nhiêu. H’ Nhiêu còn một người em gái của mẹ H’ Nhiêu lấy chồng đang ở buôn G’ Ram. Khi nào về, đến bệnh viện tỉnh Đắk Lắk để tìm gặp H’ Lang ở phòng cấp cứu nghe!”. H’ Thi viết: “Đúng đó chơ! Khi nào anh Duy đi nhớ rủ H’ Thi cùng đi về thăm Đắc Lắc luôn nha! Cái bụng H’ Thi cũng nhớ mẹ lắm rồi chơ!”
Gia đình Duy trở nên bối rối khó xử khi ba mẹ Loan báo cho biết là Loan đã có thai với Duy. Chuyện nan giải hơn nữa là họ chấm dứt hôn nhân giữa Duy và Loan nhưng buộc ông bà Lâm và Duy phải chịu trách nhiệm về cái thai của Loan. Ông bà Lâm đâm ra cãi vã nhau về những vận hạn cứ ập xuống gia đình mình. Bà Lâm cho rằng ông Lâm không chịu tu tâm tích đức, lòng dạ tà dục ô uế. Còn ông Lâm thì đổ lỗi do bà mưu đồ tạo điều kiện để Duy và Loan tự do luyến ái nhằm đạt đến mục đích hôn nhân cho Loan và Duy. Tình cảnh xảy ra ngoài sức tưởng tượng của Duy khiến Duy cũng không lường trước được chuyện sẽ có lúc rối rắm, bế tắc như thế. Càng suy nghĩ, Duy càng tức tối với chính minh. Duy chẳng hiểu vì sao mình lại hành động nông nổi như thế. Đã biết rằng không yêu Loan thế thì tại sao mình cũng thực hiện tình dục được với Loan. Biết rằng mình không thể kết hôn với người mình không yêu. Thế mà mình cũng thỏa mãn theo đòi hỏi của xác thịt. Điều gì khiến cho Duy bỗng dưng phải đạt cho được cái khoái cảm bốc cháy trong cơ thể mình thì Duy chẳng biết được, chẳng nhận ra. Nhưng nghĩ lại thì rõ ràng Duy cũng bị cuốn hút mà không thể dập tắt được cái thèm khát đang ngùn ngụt căng cơ đến mức có thể đứt hết các mạch máu trong cơ thể khi nhìn những đường nét trên thân hình cân đối tràn đầy sức sống gợi cảm của Loan được. Chính cái sức mạnh dục tình không thể kềm chế được đó để bây giờ Duy phải day dứt ân hận, để bây giờ Duy cảm thấy mình có lỗi với H’ Nhiêu, có lỗi với cha mẹ mình và có tội cả với Loan và cha mẹ Loan.
Cứ tưởng ông bà An tức giận vì Duy ăn cơm trước kẻng làm cho Loan có thai nên ông bà Lâm cùng với Duy đến nhà Loan nhằm để xin lỗi và giải bày mong muốn xin cưới Loan cho Duy.
- Anh chị cho chúng tôi xin lỗi! – Bà Lâm nói - Dẫu gì thì chuyện cũng đã rồi. Bọn nó còn trẻ quá, suy nghĩ còn nông cạn.
- Ôi, thế chị nói con Loan có lỗi à! – Ông An nói.
- Mấy thằng con trai thường là “máu lửa” lắm! – Bà An nói – Nó dụ khị con gái chứ.con gái ai mà dám!
- Vâng! – Bà Lâm nói – Thì chuyện cũng đã lỡ rồi. Tôi nghĩ cho tụi nó lấy nhau sớm trong lúc cái thai chưa lớn thì cũng chẳng có ai biết.
- A! – Ông An nói – Bà nói nghe dễ quá ha! Vấn đề là tôi không cho con tôi lấy con bà nữa!
- Tôi nghĩ đâu có vấn đề gì mà phải hủy bỏ! - Bà Lâm nói - Thằng Duy nhà tôi nay cũng đồng ý rồi mà!
- Ôi, bà nói hay chưa! – Ông An nói - Thế thì trước đây nó không chịu à?
- Dạ…- Duy ấp úng - Dạ thưa hai bác! Con..con biết lỗi rồi! Bây giờ cho con cưới Loan cũng được ạ…
Đang đứng phía sau bức rèm cửa, nghe bà Lâm và Duy nói thế, Loan rạng rỡ vui mừng. Nhưng ông An bỗng quát lên:
- Quí quá há! Vấn đề bây giờ khác rồi! Chúng tôi không đồng ý nữa!
- Dạ..có vấn đề gì đâu ạ? – Duy nói.
- Vấn đề là..là..là câu bị tâm thần, hiểu chưa?
Duy nghe nói vậy cũng bực tức lớn tiếng:
- Sao bác lại kết luận hồ đồ như thế?
- Ôi chời..- bà An lớn tiếng – Xóm làng đồn hà rầm lên đó ai mà chẳng biết! Khi cậu bị ma nhập thì cậu làm sao mà thấy mình khùng điên chứ?
Bà Lâm nhục quá bật khóc khiến Duy tức quá:
- Ba mẹ, về!
Nhưng ông bà Lâm không nghe theo Duy, định nán lại để nài nỉ ông bà An. Duy bực bội quá lao nhanh ra khỏi nhà ông bà An, gọi xe ôm đi, dù Loan có chạy theo gọi lại nhưng Duy cũng mặc.
- Đi đâu anh? – Xe ôm hỏi
- Cứ đi đi!
- Đi vòng vòng vậy à?
- Vâng!
Đầu óc Duy quá bức bối về những gì đã xảy ra làm cho mình bị tổn thương vừa hối hận về những gì mình đã gây ra làm cho cha mẹ buồn phiền. Tâm trí Duy rối rắm căng thẳng và Duy chợt nghĩ đến H’ Nhiêu. Khi nghĩ đến H’ Nhiêu thì lòng Duy bỗng dưng thư thái bình yên đến lạ kì. Duy nhận ra điều đó khi còn ở trong khu rừng buôn Lung, bên cạnh H’ Nhiêu. H’ Nhiêu như dòng suối mát lan tỏa trong cơ thể Duy mỗi khi Duy chạm đến da thịt cô ta; Như một làn gió thơm tho, ngọt ngào làm say đắm tâm hồn Duy mỗi khi chạm vào suối tóc cô ta; Như một cơn say ve vuốt dịu dàng, hưng phấn luồn lách trong từng đường tơ kẽ tóc mỗi khi đôi môi Duy khẽ chạm vào đôi môi cô ta. Ở bên H’ Nhiêu, Duy như thấy mình bình tâm và hạnh phúc vô tận.
- Chẳng lẽ cứ đi vòng vòng hoài vậy anh?
- Thôi, cho tôi về bến xe Miền Đông đi!
Chiếc xe khách chở Duy quẹo qua lộ 13, hướng vào Bình Dương để lên Buôn Ma Thuột. Xe cộ chen chúc thành hàng để qua một trạm thu phí. Nhiều người trên xe đã bắt đầu bực dọc vì hành trình bị trì hoãn. Nhưng Duy thì chẳng hay biết gì ngoại cảnh nữa. Lòng Duy rối rắm khi vừa chợt nghĩ mình sắp có một đứa con. Một đứa con không mong đợi, không là một sự kết hợp của tình yêu. Một đứa con tự nhiên khi không rớt vào đời Duy như là một cái giá phải trả cho những hành động sống theo bản năng thiếu suy nghĩ, thiếu kiềm chế, thiếu chính chắn. Miệng lưỡi, mắt mũi Duy đắng cay chua xót, nửa như muốn khóc, nửa như muốn cười vì chẳng hiểu sao mình lại nông nổi như thế để bây giờ không biết phải giải quyết như thế nào. Duy cảm thấy mình vô cùng có lỗi với H’ Nhiêu nhưng với Loan đang mang trong người giọt máu của mình thì sao? Loan sẽ vô cùng bất hạnh khi mình bỏ rơi cô ta và đứa con của mình. Cái tồi tệ ở đây là sự vô trách nhiệm của mình. Tai sao mình không dám đương đầu với những vấn đề nan giải do mình gây nên làm cho người khác phải buồn phiền vì mình. Mình hèn hạ, ích kỹ quá! Mình đi như thế này chẳng khác gì mình chạy trốn cái hậu quả tồi tệ của mình một cách vô trách nhiệm. Duy úp mặt vào thành ghế trước mặt như muốn khóc. Rồi chợt như bừng tỉnh, Duy gọi lớn:
- Bác tài ơi, cho tôi xuống!
- Gì?
- Cho tôi xuống!
- Mới chạy một chút mà mắc đái rồi hả cha nội?
- Dạ không, tôi xuống luôn! Tôi không đi nữa!
Duy lững thững lê bước trở lại Sài Gòn mà chẳng hề nghĩ đến chuyện đón xe đi cho đến khi đôi chân rã rời.