- 5 -
NÓI VỀ TƯỚNG BÊN TRONG VÀ ÁM PHÁ TƯỚNG CỦA PHỤ NỮ.

Một nhà danh hoạ phương Tây nói rằng:
- Cái đẹp bên trong của phụ nữ có quan hệ lớn đến cá tính của cô ta. Bộ mặt mà không có cá tính là bộ mặt đần độn.
Nét thần bí của đàn bà con gái chính là cái nội tại mỹ ảnh hưởng đến cá tính đó.
Tướng học cũng không bỏ sót điều quan trọng trên đây. Chỉ khác là tướng học đi tìm cái đẹp bên trong để tìm đến một hiểu biết khác biệt với hội hoạ.
Tướng học về nội tại mỹ chú trọng nhất đến bộ nhũ hoa.
Sách “Quan nhân ư vi” viết:
- Đôi nhũ hoa là tinh hoa của vận mạch, xem nhan sắc đen trắng, to nhỏ có thể biết con cháu nhiều ít và hiền hay ngu. Vú phải chắc, đầy, quả hồng và núm đen, nhiều con. Nhũ đầu hắc đại tử tôn mãn đường. Có nốt ruồi ở vú tất sinh quý tử. Nhũ đầu trắng bệch chúi xuống, nhũ đầu nhỏ và nhọn, hiếm con cái. Nhũ đầu vàng trắng, đẻ con khó nuôi. Nhũ đầu lép, y thực bất túc. Đầu vú hướng thượng, đa tử tôn. Nhũ đầu trắng bệch, tướng nô bộc.
Vú đỏ như chu sa, nhất định sinh quý tử.
Về tướng vú, có một tướng rất ít thấy là tướng bốn vú.
Các sách tướng về tướng học Trung Quốc đã nói rõ ràng về tướng ấy như sau:
- Phàm nam nhân hữu tứ nhũ giả phi phú tắc quý, như hữu tam nhũ giả diệc đắc danh lợi. Như nữ thần hữu tứ nhũ giả phi tần tất tiện.
Nghĩa là: Đàn ông bốn vú không sang thì giàu, nếu có ba vú cũng được danh lợi. Còn như đàn bà bốn vú không nghèo thì cũng hèn.
Về nội tướng tức tướng ẩn bên trong của đàn bà, con gái, “Cổ tướng thư” ghi lại gồm có:
- Chu sa nhũ đầu (đầu vú đỏ tựa chu sa).
- Chu sa đỗ tễ (rốn đỏ như chu sa)
- Bất đới lan chi nhi tự hương.
- Ngọc đới yêu vi.
- Song long nhiễu nguyệt và kim tuyến triều nguyệt.
- Ô long quyển ngọc trụ.
Về chu sa nhũ đầu và chu sa đỗ tễ thì chữ nghĩa đã rõ ràng.
Còn bất đới lan chi nhi tự hương là gì?
Sách tướng viết: Bất đới lan chi nhi tự hương nghĩa là không dắt hoa lan, hoa hồng mà thân thể tự thơm tho.
Hôi hám thân thể hoặc hôi hám riêng bất cứ bộ vị nào đều là tiện tướng như tóc hôi, miệng hôi, âm sú, là một trong những tướng lục ác mà âm sú nặng nhất, để chỉ một loại tiện tướng.
Đời vua Càn Long nhà Thanh ở vùng Tân Cương có một bộ lạc Hồi giáo do thủ lãnh Hoắc Tập Chiêm cai quản. Vợ Hoắc Tập Chiêm là Hương Phi. Thân thế nàng ra sao không ai biết nhưng ai cũng biết rằng toàn bộ thân thể nàng tiết ra thứ hương thơm kỳ dị cao quý và ngây ngất, nhan sắc nàng mỹ lệ vô cùng. Vua Càn Long say mê người kĩ nữ liền sai đại tướng Điêu Huệ, phó tướng là Lưu Bái xuất lĩnh đại quân tấn công bộ lạc đó. Vua Càn Long ra lệnh tránh mọi sát hại, cướp phá và điều quan trọng nhất là phải bắt sống Hương Phi. Quân Thanh tiến tới biên thành, Hoắc Tập Chiêm kháng cự bị bộ hạ làm phản bắn chết. Điêu Huệ bắt được Hương Phi về dâng Càn Long. Hương Phi chưa biết chồng đã bị giết nên nàng vẫn mong đợi để gặp mặt chồng. Càn Long sủng ái như hạt ngọc quý, hi vọng vào một ngày kia nàng sẽ yêu người và ông vui lòng chờ cơ hội. Hương Phi muốn gì lập tức chiều ngay. Nhưng sau sáu tháng trường. Càn Long vẫn tuyệt nhiên không thế nào gần gũi Hương Phi dù chỉ là chuyện nắm đôi tay.
Say mê vẻ quyến rũ, Càn Long thường lừa lúc Hương Phi không lưu ý, ông đứng ngẩn ngơ ngắm nghía nàng không biết chán. Một bữa, Hương Phi vừa tắm xong, hương thơm kì lạ từ người nàng bốc ra, ôi tuyệt diệu khiến cho ông vua đa tình cầm lòng chẳng được xông vào ngoạ thất của nàng và bị Hương Phi cự tuyệt tàn nhẫn. Càn Long đành lủi thủi đi ra và cho nàng biết đừng chờ Hoắc Tập Chiêm nữa, hắn đã bị chết rồi. Hương Phi từ khi biết tin chồng, nàng khóc lóc ngày đêm. Càn Long thấy nàng ủ rũ, tìm cách chiều chuộng, rút cục vẫn chẳng lay chuyển được nàng. Chuyện đến tai Hoàng Thái Hậu, bà cho người ám hại Hương Phi. Càn Long nghe tin thất thần tiếc mãi.
Người mang tướng bất đới lan chi nhi tự hương cũng là người cao quý, tao nhã, kiên trinh, đoan trang, đoan chính.
Trong “Cung oán ngâm khúc” Ôn như Hầu viết:
  Hồng lâu còn khoá then xương
Thâm khuê còn dấm mùi hương khuynh thành.
Thật đúng vậy, đẹp và thơm không thể tách rời nhau. Sắc nước phải đi đôi với hương trời. Tục cũng như tướng, trên điểm ấy hoàn toàn đồng ý. Từ ngàn xưa, con người bằng đủ mọi cách, đi tìm chút hương thơm nhân tạo nhưng cho đến bây giờ vẫn không thể nào bằng hương trời hay hương thơm của tướng cách.
Tướng phá cách hay ám phá ghê gớm nhất đối với phụ nữ là sú hương, hơi người hôi hám, thối tha.
Có một danh kĩ tên Thái Phượng, quê ở Tô Châu, nơi sản xuất nhiều mỹ nữ. Đã nổi tiếng tất phải diễm lệ. Mỹ lệ mà làm kĩ nữ tức là một cảnh hồng nhan bạc mệnh. Đợi lúc xuân tàn kém sắc mới lấy chồng là bạc mệnh. Được cao quan quý nhân kết duyên giữa lúc còn vẻ sắc nước hương trời nhưng phải chịu làm thiếp, làm bé cũng vẫn bạc mệnh. Kĩ nữ đa số vẫn bị cái nghiệp báo vô tử, cũng là một thứ bạc mệnh. Lấy chồng dù được làm kế thất nhưng tuổi chồng, tuổi vợ lệch quá xa. Cái cảnh cây lê hoa trắng ôm ấp đoá hoa hải đường chẳng cũng là một cảnh bạc mệnh đó sao!
Riêng về trường hợp của Thái Phượng, Trịnh tiên sinh nghi hoặc vì chưa tìm ra một bạc tướng nào. Lẽ ra, Thái Phượng phải lấy chồng rồi, tuy không được làm vợ một quý nhân nhưng cũng là chính thất một phu nhân mới phải. Hơn nữa, đào hoa vận đến từ hai năm nay. Dò hỏi kĩ càng thì được biết năm kia nàng 17 tuổi bị “phá thân” bởi một phú thương ở Thiên Tân với giá mười ngàn nguyên. Theo tướng lý phá thân cũng ứng vào đào hoa vận, có khác chăng là không phải đi lấy chồng cũng không phải được làm vợ. Tuy nhiên, cũng theo lý tưởng thì con gái xuất giá là việc tốt do phúc khí tạo nên. Còn con gái phá thân bằng lối mua chuộc là sự việc xấu coi như tai hoạ. Sai một ly đi một dặm. Cái sai một ly ở chỗ nào?
Trịnh tiên sinh rất phục tài xem tướng của Thái Đẩu Điếu Kim Ngao nổi danh đương thời. Vừa lúc Điếu Kim Ngao du lịch miền Nam đi về Bắc kinh. Trịnh có ý muốn nhờ Thái Đẩu giảng cho mình điểm nghi hoặc.
Một hôm, vào buổi trưa, Trịnh tiên sinh biết Thái Phượng đi ăn cơm với mấy bà thương gia tại một tiệm lớn. Trịnh tiên sinh cùng vài bạn đến Thái Đẩu Điếu Kim Ngao mời đến đó ăn cơm cốt để Thái Đẩu đoán tướng Thái Phượng.
Thái Đẩu Điếu Kim Ngao không hề biết Thái Phượng là kĩ nữ. Hôm nay Thái Phượng đi ăn cơm với các bà nọ cũng trang điểm rất đơn sơ đạm bạc thật đúng lương gia nữ.
Họ Quách hỏi Thái Đẩu:
- Tiên sinh đi vùng Giang Nam lần này với chú ý: Dục cùng thiên lý mục, cánh thượng nhất tầng lâu, nay chắc cũng góp được nhiều điều mới lạ, xin tiên sinh cho biết người Bắc kẻ Nam, trên phương diện số ra sao?
Điếu Kim Ngao đáp:
- Thưa vâng, đi vạn dặm hơn đọc vạn cuốn sách. Chẳng những tôi tìm thấy nhiều điều khác lạ về người Nam người Bắc mà còn học thêm những yếu địa lý và yếu tố nhân sự ảnh hưởng đến tướng thuật.
Quách tiên sinh, tiện dịp bàn bên chợt huyên náo, liền đưa mắt nhìn sang rồi chỉ tay nói:
- Tướng Nam Bắc như mấy bà bên đây có dễ dàng nhận ra ai là Nam, ai là Bắc không?
Điếu Kim Ngao gật đầu:
- Dễ lắm.
Vừa lúc đó, có một bà nhận ra tiếng Điếu Kim Ngao cúi đầu rồi chạy sang nói:
- Tiên sinh có nhận ra tôi không? Tôi là vợ ông Hạ đây mà. Tháng trước tôi dẫn vợ chồng ông họ Trương đến xem tướng, tiên sinh bảo ông ấy tháng này dịch mã động. Đúng quá, ông ta vừa có việc đi xuống phương Nam mấy bữa nay rồi.
- À bà Hạ, ông nhà đâu, cả năm nay tôi không gặp.
Bà họ Hạ ghé tai Điếu Kim Ngao nói nhỏ:
- Gặp tiên sinh hôm nay thật là may. Xin mời tiên sinh sang bên bàn chúng tôi uống vài ly rượu, nhân thể gia phúc xem hộ cho một cô nương bên ấy. Theo chúng tôi thì cô ấy đẹp lắm, dáng người đầy đặn nhưng chẳng biết tướng cô ấy ra sao, vượng phu ích tử không, năm nay có hỷ tin chăng? Hôn phối có mỹ mãn không?
Nghe bà Hạ nhỏ to, họ Trịnh bên này cùng các bạn như hạn hán gặp mưa, liền hối hả dục Thái Đẩu nhận lời.
Bà Hạ giới thiệu Thái Đẩu là Trương Tam Gia và giới thiệu Thái Phượng là Lý tiểu thư. Điếu Kim Ngao chừng mai mươi phút vừa uống rượu vừa đàm đạo với Lý tiểu thư rồi quay về bàn cũ không nói chi với các bà hết. Quách tiên sinh lên tiếng khiêu khích mà rằng:
- Cô nương bên ấy là thiếu phụ, đâu còn là khuê nữ mà sao các bà bên đó đặt vấn đề cầu thân một cách long trọng thế?
Họ Quách muốn biết Thái Đẩu phản ứng ra sao?
Thái Đẩu Kim Ngao cười khà khà nói:
- Chắc Quách tiên sinh nhìn đã đoán được kẻ phá thân cô ấy rồi thì phải.
Cả bọn cùng cười. Trịnh tiên sinh nói:
- Lúc tiên sinh đi Giang Nam, bọn này như bầy trâu không người chăn dắt lắm lúc bí xị nhiều điểm trông chẳng ra, như trường hợp Thái Phượng Lý tiểu thư đây, chẳng hạn chúng tôi chỉ mang máng nó thuộc cách nhất tiện phá cửu quý, nhưng tiện tướng nào thì tìm không thấy. Chúng tôi đã thấy rằng, đáng lẽ hai năm trước cô ấy phải lấy chồng giầu, thế mà dò hỏi thì lại không phải.
Thái Đẩu nói:
- Đó là các vị không xét nó trên căn bản vấn đề vậy. Nếu hình thái ấy mà không phân tích qua định luật chân quý và giả quý thì dễ lầm lắm. Đúng cô ấy thuộc nhất tiện phá cửu quý mà cách này có thể tìm ra trong chân quý nữa mặc dầu rất hiếm. Ta chẳng nên hồ đồ. Cách nhất tiện phá cửu quý thì sự khám phá ra minh tiện (tướng tiện lộ rõ) không khó gì, nhưng khám phá ra ám tiện thì chẳng dễ dàng đâu. Chân quý hay giả quý thuộc chính cách, còn nhất quý thuộc kỳ cách và nhất tiện phá cửu quý thuộc phá cách. Hình tượng mỗi người hỗn tạp bất thuần. Như Lý tiểu thư đây là tướng giả quý đèo thêm phá cách.
Trịnh tiên sinh nói:
- Đồng ý về chân giả quý, chúng tôi tự nhận đã không nhận ra để đặt hướng cho đúng. Nhưng xin hỏi tiên sinh tướng pháp có dạy cách phát hiện ám phá cách không?
Điếu Kim Ngao mỉm cười:
- Tướng ám phá trên đại thể nhìn qua mũi, mắt, môi và âm thanh được. Tuy nhiên, được như thế chẳng những phải đầy kinh nghiệm còn thêm nhất điểm thiên tài nữa mới xong. Phải có điểm thiên tài ấy mới tiến tới bậc nhìn thần khí mà nhận ra ám tướng.
Trịnh tiên sinh nói:
- Vọng khí đi ra ngoài khả năng của chúng tôi. Chỉ xin tiên sinh chỉ giáo cho những điểm dễ dãi hơn, như Lý thiểu thư Thái Phượng đây, nhìn qua mắt, mũi, môi, âm thanh có thể nhận ra ám tướng chăng?
Điếu Kim Ngao đáp:
- Trước hết, tôi hãy nói các vị về nguyên lý đã. Coi mũi chủ yếu phải tìm các vết tích nhỏ như sợi tơ. Với đàn ông mũi là thê, với đàn bà mũi là phu. Vết ấy hiện lên là phu hoặc thê cung khuyết hãm. Coi mắt phải hiểu ánh mắt, khuyết điểm là đào hoa nhãn ám tàng dâm quang đấy là một phá tướng. Coi môi chủ yếu là một nhan sắc, qua sắc môi tìm ra âm sú (hôi hám của sinh thực khí) đó là ám phá cực hại. Coi thanh tướng phải nghe được âm sắc. Có tiếng nói biểu thị một sự khuyết hãm của khuê phòng chẳng những chứng tỏ là dâm phụ còn là loại vợ bị ruồng bỏ nữa. Cô Lý Thái Phượng ám tướng hiện ở trên môi.
Nói đến đây, bàn bên kia rã đám. Bà họ Hạ dẫn một bà sang bên này nói với Thái Đẩu Điếu Kim Ngao rằng:
- Thưa tiên sinh, đây là bà bạn thân họ Cừu của tôi. Bà này có cậu con năm nay lấy vợ đã ba năm nay vẫn hiếm hoi. Thầy số bảo rằng đường tử tức của vợ cả bất vượng, nên có ý muốn chọn thiếp cho cậu ấy. Vậy Lý tiểu thư Thái Phượng có được chăng?
Thái Đẩu đáp:
- Người ta lấy thiếp để hưởng sắc thì lấy kĩ nữ cũng không sao. Nhưng bà đây muốn chóng có cháu thì hà tất phải cần Lý tiểu thư. Tôi muốn nói thẳng ra, xin hai bà thứ lỗi, thế cậu nhà vẫn là khách quen thuộc của Lý Thái Phượng ư? Hay ai giới thiệu?
Hai bà đỏ mặt. Giây lâu bà họ Cừu nói:
- Cháu hiện ở Thiên Tân và không quen Thái Phượng. Chỉ do bạn bè giới thiệu, họ cũng cho biết cô ấy là một kĩ nữ nổi tiếng nhưng tài sắc, tướng mạo vào loại khá, đáng là một viên ngọc bích của một tiểu gia. Thêm nữa, con dâu cả của tôi kể cũng hơi đứng tuổi, cho nên khi cháu nó thấy Lý Thái Phượng thì vui lòng ngay.
Kim Ngao nói:
- Cậu ấy quyết định rồi tôi nói làm gì. Nếu tin đó là một vấn đề bằng như không tin thì nói là thừa.
Ngọc đới yêu vi là gì?
Ngày xưa, sĩ tử Hà Nghiêu Luân, người huyện Nam Hải, thi mãi không đậu, chán nản chẳng thiết đến học hành. Có thầy tướng bảo Luân:
- Đến thê vận sẽ lấy người vợ vượng phu ích tử, rồi mới có thể lập công danh.
Luân đem chuyện nói lại với bạn. Bạn Luân lại là người nghiên cứu tướng học và địa lý mới nói:
- Năm trước nhân lên núi tìm huyệt, tôi gặp một cô bé 17 tuổi, người đen đủi, con lão tiều phu nhưng xem ra tướng mạo tốt. Tôi để ý khi cô ta cúi xuống, bên lườn có một thớ thịt dài nổi lên bọc lấy bụng như chiếc thắt lưng, mà sách tướng gọi là ngọc đới yêu vi, ngọc đới là cái đai ngọc, yêu vi là quấn lấy vòng lưng tức cái eo. Anh lấy cô ta nên lắm.
Luân bằng lòng và nhờ mai mối. Cô bé ấy tên là Âu Tiểu Muội, mẹ chết sớm, không anh em, ở với cha trên rừng đốn củi, cho nên việc cưới hỏi thật hết sức dễ dàng.
Quả nhiên từ khi lấy vợ, Hà Nghiêu Luân làm ăn mỗi ngày mỗi khá thi khoa nào đỗ khoa ấy.
Về sau, Hồng Tú Toàn khởi nghĩa, Hà Nghiêu Luân theo Tăng Quốc Phiên đi đánh giặc lập nhiều chiến công được phong làm tướng. Vợ Luân sinh ba trai, lúc trưởng thành đều đỗ tiến sĩ.
Song long nhiễu nguyệt là gì?
Ngày xưa, ở huyện Tân Hội có một dinh thự nguy nga và nghiêm mật, đó là chỗ ở của quan thái sử hàn lâm Lương Văn Vĩ triều vua Quang Tự.
Lương Văn Vĩ ở kinh đô rất thân với một người bạn tên là Trần Như Hải, tuy công danh lận đận nhưng rất tài giỏi, thứ nhất là tinh thông tướng pháp cho nên Vĩ coi Hải như anh em.
Khi Vĩ vinh qui về làng để lấy vợ, Vĩ giao cho Hải nhiệm vụ dùng tướng pháp để chọn vợ mình cốt lấy cho được người vừa đẹp vừa có phúc.
Các nhà giàu sang nghe tin, đều cậy mai mối ý muốn gả con gái cho Vĩ.
Từng cô từng cô đều bị Như Hải chê, người thì mệnh yểu, người thì bạc phước, chẳng bằng lòng cô nào cả.
Vĩ bảo bạn rằng:
- Nếu như cứ chọn kĩ như túc hạ thì chắc tôi không có vợ mất.
Hải cười nói:
- Thật ra tiêu chuẩn của túc hạ mới khó, chứ tôi không khó. Đàn bà trên thế gian này vừa đẹp vừa có phúc hiếm lắm. Từ xưa đến nay, hồng nhan bạc mệnh. Nay túc hạ hiển quý tất muốn lấy vợ đẹp cho nên khó chọn. Riêng về phương diện tướng cách, tôi đã tìm thấy rồi, quý bất khả ngôn hiềm vì cô ta xấu xí, và lại hiện làm tì nữ.
Vĩ hỏi:
- Cô ấy ở đâu?
Như Hải nói chỗ ở. Vĩ sửng sốt bảo:
- Đó là đứa tì nữ nhà cô họ của tôi. Nó ngu si đần độn nhất đám nên nhà đặt tên nó là con vịt ù ù cạc cạc. Nếu con ấy mà phúc tướng thì chắc tôi không dám tin vào tướng học nữa.
Như Hải đoán quyết:
- Tướng tốt của cô ta ẩn bên trong không bong ra ngoài. Cốt cách của cô ta theo tôi đoán sẽ có hai âm mao thật dài kéo ra đến đầu gối, xoăn lại thành từng vòng tròn, sách gọi là song long nhiễu nguyệt, hai con rồng nằm ấp lên mặt trăng.
Vĩ ngờ ngợ hỏi:
- Tướng ở chỗ ấy thì làm sao túc hạ biết được vậy?
Như Hải nói:
- Vậy chúng ta đánh cá. Túc hạ hãy bỏ tiền ra mua nó về. Đúng túc hạ sẽ lấy, sai thì cũng chẳng sao.
Vĩ gật đầu, sai gia nhân sang người cô họ.
Sáng hôm sau, Vĩ bảo với Hải:
- Túc hạ tài thật. Tuy nhiên tôi chưa chắc tướng đó quý đến bậc nào?
Hải đáp:
- Thất tinh bạn nguyệt, vượng phu ích tử.
Vĩ nói:
- Trong sách còn ghi Kim tuyến triền âm là thế nào?
- Đấy là tướng bà Lã Hậu, vợ vua Hán Cao Tổ, âm mao trường nhất xích, óng ánh như tơ vàng.
Vĩ chấp thuận lời Hải.
Thế nào là ô long quyển trụ?
Ô long, con rồng đen, quyển là quấn, ngọc là trụ là cái cột bằng ngọc. Ý nói một mớ tóc thật dài, thật đen có thể xoã xuống đất trên thân hình người đàn bà da trắng nhuận với đôi mắt thanh tú.
Tướng ô long quyển ngọc trụ, sách gọi là tướng tuyệt xứ phùng sinh vượng phu. Đàn ông dù thất bại cùng cực vẫn hồi lại giầu sang như thường nếu người vợ có tướng này.