Chuơng 2

Có tới ngót một tiếng đồng hồ rồi, họ không trao đổi với nhau quá ba câu. Tuy muốn nói nhiều, nhiều lắm, song, hình như họ không biết nên bắt đầu chuyện từ chỗ nào. Một lý do nữa khiến không ai buồn cất tiếng: sự trống rỗng của gian nhà quá rộng.
Cánh cửa lớn, khi khép lại, ngăn cách hẳn họ với làng mạc thôn xóm. Sự thương mến, tình bằng hữu không còn nữa để mà săn đón, bao quanh, “quấy rầy” họ. Chỉ còn trơ lại mấy người với nhau, hết phải giữ gìn, ké né gì hết. Họ tự do buông thả tâm linh và thể xác như một người bị thương quay lại với vết thương của mình, khi mọi người viếng thăm đã ra về hết.
Cái nó khiến cho họ xúc động hơn hết là khoảng không gian quá lớn, quá rộng của gian nhà. Hai ngày liền, trên chiếc giường trải khăn trắng tinh kia, Chi Lan nằm im lặng trong giấc ngủ ngàn thu. Chuỗi tràng hạt nằm len vào giữa hai bàn tay chắp lại. Sau đó là chiếc quan tài kê giữa nhà. Và khi đám tang cử hành, quan tài được chuyển đi, bốn bức tường hình như lùi hẳn ra xa nới rộng thêm mãi khoảng không gian ở giữa.
Nhìn quanh quẩn, những người ở lại chỉ thấy được cái ghế Chi Lan vẫn thường ngồi, chỗ Chi Lan vẫn nằm hằng đêm, chiếc áo len trắng đan dở cô gái vẫn để trên nóc tủ chè, như chờ đợi đôi bàn tay với những ngón tay nuột nà quen thuộc.
Có tiếng xe ngựa đi ngang trước cửa vườn. Trục bánh rít lên ken két. Sỏi đá bị vành bánh xe bằng sắt nghiến nát, kêu rào rạo. Ông Lê Phi nhận ra tiếng bước chân ngựa của già Thoại. Nếu là hôm khác, ông đã chạy ra kêu già Thoại vào uống ly rượu thuốc cho khỏe. Nhưng bữa nay, như người kiệt lực, đôi vai ông xụi xuống, đầu cúi gầm, không nhìn thấy cả khẩu súng săn đặt nằm dài trên mặt bàn.
Bà Liên (vợ ông Lê Phi, mẹ ruột của Chi Lan, Chi Thoa) chỉ lên bàn:
- Anh lau súng chưa thế?
Câu hỏi phát ra từ khóe miệng của người đàn bà đứng tuổi nhưng vẫn còn xinh đẹp, không những phá tan được bầu không khí im lặng nặng nề mà lại còn ngụ nhiều dụng ý khác. Thiếu phụ hiểu chồng hơn ai hết. Bà đã lựa chọn từng chữ trước khi nói. Những chữ có khả năng thúc đẩy người chồng phải hành động chứ không thể ngồi ủ rũ bất động như thế kia. Đồng thời câu hỏi của người vợ đã đặt lại cả một vấn đề. Một vấn đề nóng bỏng.
Cả hai vợ chồng đều ngầm hiểu như thế, nhưng không ai nói ra miệng. Khẩu súng săn đã nhẵn nhụi bóng loáng. Tuy nhiên, Lê Phi vẫn nói với vợ:
- Ừ! Anh đi lau chùi nó bây giờ đây!
Dứt lời, ông đứng lên, kéo ngăn tủ buýp phê, lôi ra: mỡ, nùi giẻ, cây thông nòng. Rồi hí húi tháo từng bộ phận, lau lau chùi chùi. Công việc hơi thừa đó diễn ra trước mắt mấy người đang đứng im như tượng đá.
Chợt, có tiếng Giậu, vị hôn phu của Chi Lan:
- Con chỉ thích..
Hai mươi sáu tuổi, Giậu có một thân hình lực lưỡng, khỏe mạnh vô cùng. Từ lâu lắm rồi, anh ta đã quen với những công việc nặng nhọc. Công việc nặng nhọc? Đúng như vậy! Những công việc nó đòi hỏi người làm phải có sức khỏe..như trâu mới đảm đương nổi. Các cụ thường chẳng hay nói: “Nhất thổ nhì mộc” đó sao.
Chiếc áo “vét”, ít có dịp dùng tới, khiến cử động của chàng trai đồng ruộng vướng víu khó khăn. Giậu cởi phắt ra, vắt áo lên tai ghế. Dưới làn vải sơ mi trắng hơi mỏng, có thể trông thấy rõ lằn những bắp thịt cuồn cuộn. Gã con trai ưỡn lồng ngực, hít không khí, nhè nhẹ thở ra một hơi thật dài. Anh nói tiếp câu bỏ dỡ:
- …. Con thích tưởng tượng rằng Chi Lan chỉ chạy chơi quanh quẩn đâu đó, sắp sửa trở về đây!
Tiếng người cha cô gái:
- Đúng đó, cháu Giậu! Con Chi Lan vẫn còn sống mà! Chẳng trở về đây thì còn về đâu nữa. Nó còn nhà nào nữa ngoài cái nhà nầy.
- Và Chi Lan đã hứa hôn với cháu!
Cả một chuỗi ngày tươi đẹp ngổn ngang sống lại trong tâm trí chàng trai chất phác …
Lúc đầu, Giậu không bao giờ nghĩ rằng mình lại có thể được may mắn đến thế. Trong ký ức anh ta, bóng hình một chàng trai nhút nhát, hễ đứng trước mặt con gái là y như đỏ mặt tía tai, hăm hở rình đón người trong mộng đi qua. Để rồi khi đối diện, những câu nói học thuộc lòng, ôn đi ôn lại có tới hàng trăm lần làu làu như cháo, bỗng dưng trốn đâu mất sạch, chỉ còn lại những âm thanh ú ớ không đầu không đuôi.
Chi Lan ra tỉnh học. Không những đã học được nhiều điều bổ ích trong sách vở, nàng lại còn học được cả cách bới tóc, điểm trang, phục sức gọn ghẽ mà vẫn thướt tha, rắn rỏi mà vẫn dịu dàng như trăm ngàn các cô thiếu nữ tỉnh thành. Chi Lan đẹp, hoạt bát, hiền hòa và thật nhạy cảm. Những ngày đầu, chàng trai thôn dã chỉ lo lắng đời sống nơi đồng bái quê mùa sẽ khiến cô gái đẹp có cảm giác như một con chim trời bị nhốt vào lồng. Chim bị nhốt lồng thì sao? Chẳng sao hết! Có điều con chim bị tù hãm nào cũng chỉ chăm chăm chờ đợi một bàn tay vụng về vô ý để hở cửa lồng là tức khắc chui tọt ra, vỗ cánh tung trời, bay đi mất hút.
Không, trái hẳn thế! Cô gái văn minh, học thức ấy lại yêu mến hết sức cảnh đồng quê man dại, những hàng dừa cao lả ngọn đùa giỡn với nắng mai, in bóng lá xanh trên nền trời màu lơ nhạt. Không quá ngây thơ như những cô bạn đồng trang lứa nặng óc mê tín dị đoan, nhưng Chi Lan cũng đã nhiều lần thầm “hỏi thăm” những con chim khanh khách thường đến đậu trên cành cây soan trong vườn: “Bao giờ hả khanh khách? Bao giờ mới có “khách lạ” tìm đến chơi mà chim cứ kêu gọi báo hiệu hoài mãi thế? Không quá mê tín dị đoan như các bạn, nhưng cô gái lại hay đùa nghịch bằng cách thả hai hạt thóc giống vào nước trong một cái ly. Trên mặt nước rung rinh, hai hạt giống quý ấy chụm đầu vào nhau thật nhiều lần là triệu chứng yêu nhau tha thiết của chàng trai nào đó sẽ tìm đến Chi Lan một ngày không xa lắm.
Chàng trai tên Giậu vẫn triền miên trong giấc mộng ngày qua …..
Một hôm, cách đây đúng hai tháng, anh đã năn nỉ ông chú ruột. Ông chú ruột thương đứa cháu mồ côi, hiền lành chịu khó, đã đến gõ cửa đặt chân vào gia đình của ông Lê Phi. Một sự lạ! Hình như cả nhà ông Lê Phi đã đoán trước là thế nào cũng có một ngày vui như ngày hôm ấy. Và hình như mọi người có ý chờ đợi cụ già đến nói đôi lời gắn bó. Phải! Đây, cũng bên cái bàn gỗ gụ đen bóng nầy, cụ già đã nói lên những lời lẽ giản dị nhưng nhiệt thành, bộc trực nhưng ôn nhu đúng mức. Cụ ướm hỏi Chi Lan cho cháu trai của cụ. Mười lăm ngày sau, hai họ tổ chức lễ dạm ngõ …
Gã thanh niên cất tiếng nói, nhưng miệng vẫn không mở lớn:
- Bác nói đúng. Chi Lan chẳng trở về đây thì còn trở về đâu nữa. Em vẫn là con gái bác, cũng như đã là …vợ của cháu. Vậy thì bác cũng phải cho cháu hai viên đạn để cháu hạ “tên đó” chứ.
- Không được! Đây là mối tử thù của riêng mình bác.. chưa phải của cháu. Bác cảm ơn cháu nhiều lắm, nghe Giậu. Nhưng bác chỉ có thể chấp nhận một điều: để cháu cùng chia sớt nỗi buồn đau tang tóc như thế đã là người trong nhà rồi vậy thôi.
- Vâng, nếu thế, giữa hai bác cháu mình, người cám ơn phải là cháu mới đúng.
Hai bàn tay Giậu buông thõng nơi đầu hai cánh tay to lớn. Hai bàn tay ấy bỗng nắm chặt, thật chặt, gân guốc, vĩ đại như một đôi “trùy gỗ” từ từ nhấc cao ngang tầm đôi mắt long lanh:
- Cháu mà tóm được cổ nó thì …
Chết, dĩ nhiên rồi. Nhưng đâu có thể chết dễ thế, đâu có mau chóng đến thế được.
Sau câu nói hằn học, lại là không khí im lặng. Cái không khí im lặng mà ông Lê Phi e sợ hơn cái gì hết.
Đưa mắt lơ láo nhìn quanh, ông ta bất giác nói mà như la lớn:
- Trời ơi! Nhà sao coi bộ rộng quá vậy nè?
Cô bé Chi Thoa cũng có mặt tại đó, đứng khuất một chỗ. Em nhỏ có cảm giác nỗi buồn của mình còn ghê gớm hơn của bất cứ ai trong nhà nầy. Vì lẽ, ngoài cái buồn nhớ chị, Chi Thoa lại còn cái buồn … “hình như em bị bỏ quên”. Nhìn nét mặt đau thương của cha mẹ, Chi Thoa tưởng chừng như hai ông bà chỉ có mỗi một đứa con. Một đứa con gái. Và đứa con gái ấy đã nằm sâu trong lòng đất lạnh.
Cô bé thẩn thờ bước tới, với tay lên nóc tủ vớ chiếc áo len đan dở. Em ngồi vào ghế cô chị vẫn thường ngồi, chăm chú so mũi kim đan. Hết thẩy mấy động tác, Chi Thoa đều thực hiện với một dụng ý. Ông Lê Phi chợt có cảm giác trái tim mình như có ai vừa bóp mạnh một cái.
Chút xíu nữa thì ông đã la lên: “Để đó đi!”. Liếc nhanh mắt ngó cặp môi cha đang run rẩy, Chi Thoa đã ngầm đoán được từng tiếng ông sắp thốt ra, nhất là em có cảm giác “thấy” được cả những tiếng đó. Nhưng lại:
- Ờ, ờ, tốt lắm. Chi Thoa! Con cố đan nốt cái áo đó đi, nghe.
Câu nói trái ngược hẳn với câu em đoán ngầm cũng chưa khiến được cô bé hoàn hồn. Hai giọt nước mắt rớt nhanh xuống gò má. Chi Thoa thốt lên: “Ba!”. Và ngã vật vào vòng tay cha, vùi mặt vào ngực cha, khóc nức nở.

*

Nhiều người vẫn quan niệm rằng, kỷ niệm chỉ có thể sống lại được nhờ hình ảnh. Có khi không cần phải là những hình ảnh quan trọng nữa. Chỉ một hình ảnh chi tiết nhỏ thôi cũng đã đủ.
Người cha, một tâm hồn chất phác, bình dị, không cần phân tích mà cũng không biết phân tích điều nhận xét vừa nêu trên. Ông chỉ biết rằng mỗi khi “nhìn thấy” trong tâm óc, đôi bắp chân xám ngoét, đôi bàn chân, một bên còn mang dép, một bên không, là ông lại không thể nào cưỡng nỗi sự lôi kéo trở về với những phút giây của mấy hôm trước. Lê Phi đành buông tay nhắm mắt chìm sâu vào cơn ác mộng quá khứ hãi hùng…
Hôm ấy …! …
- Quái! Con Chi Lan đi đâu thế hả mình?
Bà Liên đặt ly nước cháo nóng pha sẵn đường lên bàn, trước mặt chồng:
- Em không biết nữa. Em cũng mới đi về đây nầy.
Mỗi khi đi đâu về, ông Lê Phi có thói quen thích uống một ly nước cháo lọc pha đường, thật nóng. Nhấp từng ngụm nhỏ, đôi mắt nhìn vợ trìu mến, ông thong thả nuốt chất nước béo bổ ngon lành. Nhìn nét mặt vui vẻ của chồng, bà Liên cũng biết là không thấy mặt con gái lớn nên ông hỏi vậy thôi chớ cũng không có gì quan hệ lắm. Lúc đó, Chi Thoa ở ngoài bước vào. Không thấy cô chị đâu, ông Lê Phi lại hỏi. Câu hỏi bâng quơ, không hẳn hướng vào ai, vợ hay cô gái nhỏ:
- Nó làm cái gì ở đâu thế hả?
Chi Thoa nhanh miệng trả lời cha:
- Con vừa mới thấy chị Lan quanh quẩn gần cái vựa rơm đó mà, ba.
Người cha mỉm một nụ cười bao dung, đôn hậu, đưa tay khẽ níu vai vợ, nói nhỏ:
- Chắc lại có thằng nỡm Giậu ở đó rồi.
Bà Liên âu yếm ngó chồng:
- Chớ còn gì nữa.
Câu nói vừa thoát khỏi vành môi, ông Lê Phi chợt cảm thấy, rất nhanh, nơi trái tim nhói một cái. Nhẹ thôi. Một cái nhói rất nhẹ rất thông thường nơi nội tâm của bất cứ người cha nào cưng con gái mà đứa con gái yêu quý đó lại sắp sửa xa mình để về làm dâu con người khác.
Ông đứng lên, vừa bước ra cửa vừa nói:
- Tôi đến đó nghe mình.
Hai tay thọc túi quần dạ xám, ông Lê Phi thong thả đặt bước. Một lúc sau, khi tới gần bức tường đầu hồi vựa rơm, bức tường rêu bám xanh rì, vôi vữa đã tróc từng mảng lớn để hở cả lớp gạch đỏ bên trong, ông chúm môi huýt gió một điệu cổ nhạc. “Để tụi nó nghe tiếng đỡ phải bối rối!” Vừa nghĩ như thế ông Phi vừa trổi cao tiếng nhạc miệng để … báo động. Không một điểm gì chứng tỏ là bên trong vựa rơm có người. Cánh cửa lớn bằng gỗ cũ kỹ lâu đời, đóng im ỉm.
Người cha ngần ngại không dám sộc vào ngay. Ông ngại sẽ khiến Chi Lan xấu hổ khi bị “bắt quả tang”? Không phải! Chính là ông ngại cho ông! Đúng thế! “Xưa kia, ai cấm duyên ông, bây giờ ông già, ông lại cấm duyên con …”. Câu tục ngữ còn rành rành ra đó! Bất giác, người cha lắc đầu thật mạnh. “Con gái mình, mình nuôi dạy nó từ tấm bé, biết rõ nó quá mà, khi nào nó lại dám có ý nghĩ như thế đối với mà nó yêu quý ngang với mẹ nó”.
Lê Phi hắng giọng cất tiếng gọi vừa nghe:
- Chi Lan!
Trụ cửa rít lên ken két khi cánh cửa bị đẩy từ từ. Ông Phi lại tự nhủ một lần nữa: “Hôm nào phải tra dầu mỡ vào mấy cái cối trụ sắt nầy mới được! Khô queo hà!”
Thế rồi, chỉ mấy giây đồng hồ sau, giữa cái tranh tối tranh sáng bên trong vựa rơm, người cha đã trợn mắt muốn rách khóe, miệng há hốc, lưỡi rụt vào như muốn tê liệt luôn khi nhìn thấy đôi bắp chân lồ lộ, một bàn chân tuột mất chiếc săng đan. Thân thể Chi Lan lủng lẳng ở đầu một chiếc dây thừng, khẽ đu đưa, đu đưa như quả lắc của một chiếc đồng hồ treo vậy.
Một bàn chân tuột mất chiếc săng-đan, chi tiết khá kỳ lạ. Về sau, người ta đã tìm ra chiếc săng-đan, văng ra gần đó, cách khoảng hai thước, lấp dưới những cọng rơm. Có thể là Chi Lan đã dẫy dụa khiến dép tuột văng đi. Chưa biết!
Lúc đó, như nổi cơn điên, ông Lê Phi nhẩy chồm tới. Lưỡi dao găm sắc như dao cạo cầm nơi tay mặt của ông cứa ngang chiếc dây oan nghiệt. Cánh tay trái người cha ôm quàng eo lưng con gái. Đến khi những sợi cuối cùng đã đứt hết, lực lưỡng khỏe mạnh như ông mà cũng còn phải lảo đảo chới với, vì thân thể Chi Lan đã mềm oặt, rũ xuống như một mớ dưa héo, nặng ghê gớm, tứ chi mềm nhũn như chân tay con búp bê bằng vải. Lê Phi đặt con gái trên đống rơm, đưa tay giật nhanh vòng dây thòng lọng… Muộn mất rồi!
Muộn mất rồi!
Chợt nhận ra là đã muộn mất rồi, không còn thể nào cứu vãn được nữa, ông Phi đã lao mình chạy vụt ra ngoài, phóng về nhà. Sự việc xảy ra vô cùng đột ngột, vô cùng khó hiểu khiến ông còn biết phản ứng thế nào ngoài một cách duy nhất là gầm lên, hét lên: “Tại sao vậy? Trời ơi! Tại sao vậy? Hả trời!”
Tiếng la hét “Tại sao vậy” chỉ được trả lời bằng một phát nắm tay đấm mạnh xuống mặt bàn. Tiếng “thình” như súng đại bác nổ khiến ông Phi tỉnh mộng. Giọng nói cố dằn, nhưng âm thanh vẫn phảng phất dư vị cơn ác mộng:
- Ừ, thử hỏi tại sao chứ? Hả mình, hả Liên? Con của chúng ta chết. Mà tại sao kìa? Anh muốn biết, anh cần biết? Cái đó còn quan trọng hơn là việc rửa thù cho nó nữa!
Bà mẹ gật đầu:
- Đúng! Anh nói đúng!
Trong chiếc áo dài bằng lụa đen, bà Lê Phi trông nhỏ hẳn đi. Nét người đã thanh lại càng thêm mảnh dẻ. Cặp mắt to, đẹp, đỏ hoe, nhưng bà không khóc nữa.
Tiếng chàng rể hụt:
- Tại sao? Tại sao? … Rồi nó sẽ không nói cho con!
Người cha nhìn lên:
- Có chứ! Cháu Giậu! Rồi nó sẽ phải nói!
Nắng buổi giữa trưa như đổ lửa xuống thôn làng. Trên đồi cao, trong nghĩa trang, mình để trần trùng trục, ông thợ già xúc những xẻng đất cuối cùng. Nấm mộ đã khá cao, vùi sâu chôn chặt thân xác Chi Lan, nhưng vẫn không thể vùi chôn “bài toán đố” về cái chết bí mật của nàng. Bài toán khó ấy cần phải giải cho bằng được, phải giải bằng được, với bất cứ giá nào.
Lê Phi lặp lại, giọng nói như quất, như vụt:
- Phải tìm cho ra! Phải tìm cho ra!
Cứng cỏi, lì lợm như Giậu, khi nghe cái giọng nói ấy cũng cảm thấy thính giác thần kinh không khác dây đàn bị căng lên hết cỡ.
- Bác cứ thế, không chừng sẽ đau nặng và rồi tất cả mọi người cũng quỵ luôn đó bác!
Người cha đau khổ gật gật cái đầu:
- Cháu nói có lý! Hừ! … Có một điều nầy bây giờ bác mới thấy rõ. Cha mẹ, con cái vì sống gần bên nhau, thường là không để ý theo dõi nhau nhiều. Do đó, con cái nhiều khi có biến cải đổi thay mà mẹ cha không nhận thấy. Hoặc giả, khi nhận thấy thì đã quá muộn. Con Chi Lan cũng vậy! Tâm tình nó chắc chắn đã đổi khác mà bác không nhận ra. Do đó, bác muốn biết, cần biết lý do cái chết của nó. Vì bác cũng có phần nào trách nhiệm vào đó.
- Trách nhiệm? Bác cũng có phần trách nhiệm?
- Ờ, bác, cháu và tất cả mọi người chúng ta đây nữa!
Xô ghế đứng lên, ông Phi bước tới, đưa bàn tay nước da màu nâu sậm, kéo tấm màn gió.
Giậu bước theo. Anh đặt một bàn tay lên vai người đàn ông mà anh không còn hy vọng gọi là “ba” nữa.
- Bác nghĩ kỹ chưa? Liệu chúng ta có quyền tìm hiểu mọi điều bí mật về đời sống tâm tình của Chi Lan không? Vì chính nàng, nàng cũng không muốn thố lộ ra kia mà.
Ông Lê Phi quay lại:
- Riêng bác, bác không nghĩ thế! Bác chỉ biết là bác có bổn phận phải rửa hờn cho vong linh nó được ngậm cười nơi chín suối.
- Cháu tán thành lời bác nói. Và sẽ giúp bác một tay. Hiện thời bác cháu mình đã biết được tên đó là ai rồi, phải không bác?
- Ừ!
- Vậy thì xong rồi.
Tiếp theo câu nói của Giậu là sự im lặng nặng nề. Một sự im lặng đầy đe dọa cho tính mạng của một người nào đó.
- Xong rồi? Sự việc không đơn giản thế đâu, Giậu à! … Hay, nói cho đúng hơn, bác không muốn sự việc lại đơn giản như thế.
- Bác nói sao? Cháu chẳng hiểu gì cả
- Bác đã hứa với cha Mạnh: “không khi nào kết án mà lại không nghe bị can tự biện hộ!” Và bác luôn luôn chủ trương “đã hứa là phải làm”. Cũng như lời bác đã hứa với ông chú cháu đó. Cứ yên trí đi, nghe Giậu.
Chàng trai thôn dã hạ bàn tay đặt trên vai người đàn ông xuống. Hai bàn tay to lớn gân guốc lại nắm chặt.
- Vâng! Bác đã muốn như thế thì y sẽ phải nói. Thế nào y cũng sẽ phải nói.
Đồng hồ thong thả gõ 12 tiếng. Giờ thường ngày Chi Lan sửa soạn bàn ăn. Cô bé Chi Thoa mở tủ lấy ra bốn cái chén ăn cơm. Không quay lại, nhưng em cảm thấy tia mắt của mọi người châm nóng như hơi lửa phía sau gáy. Những tia mắt lộ vẻ ngạc nhiên khi thấy Chi Thoa bày lên mặt bàn … bốn cái chén. Cô bé thông minh lắm, nói ngay:
- Anh Giậu ở lại đây ăn cơm, phải không má?