Trọng Minh ôn tồn bảo bạn:- Chẳng biết ba ngày nữa, liệu tôi có lên “sen” được không đây?Mạnh Tôn:- Dư sức! Nữ chuyên viên hóa trang lúc nào cũng sẵn sàng “tô điểm” cho cậu mà. Nhưng với một điều kiện: cậu phải ngồi im cho người ta làm việc chứ. Mà thôi, cậu cứ như mò phải lửa thế kia thì còn trông mong gì được. Để tôi phải cho người canh chừng, hộ vệ cậu mới được. Hở ra là cậu sa vào lưới rập của bọn người hung bạo kia liền. Tối nay, tôi cho Phiên tới ngủ với cậu, nghe Trọng Minh.- Khỏi cần, tôi đã hứa với họ thì thế nào tôi cũng tới.Lời nói của Trọng Minh càng thong thả chậm rãi chừng nào, cơn phẫn nộ lôi đình của nhà Giám Đốc kiêm đạo diễn lại càng phát tác dữ dội chừng đó.- Khổ ghê! Tôi đã bảo cậu đừng tới đằng đó nữa mà! Cậu chẳng thương tôi chút xíu nào hết trơn. Tiêu bạc triệu vào cậu rồi đấy!Trọng Minh trừng mắt:- Rồi gì nữa! Nói tiếp đi, Tôn!- Vả lại, dẫu sao thì em bé đó cũng chết rồi. Hay là cậu vẫn còn nhớ thương, tha thiết với em đến mức …- Ừ, đúng đó! Tôi còn nhớ thương, còn tha thiết nghĩ đến nàng nhiều hơn nữa. Tội quá! Chi Lan mới mười tám tuổi đầu, tươi mát như một mùa xuân nắng đẹp. Nàng đang sung sướng, nàng có quyền sung sướng. Vậy mà một bàn tay ác độc nào đã thòng dây siết cổ nàng. Trời ơi!Biến cố thê thảm đó khiến Mạnh Tôn phiền lòng không ít. Nhất là nó ảnh hưởng khốc hại đến Trọng Minh, người bạn thân, mà cũng là cánh tay phải của anh. Có nghĩa là ảnh hưởng tai hại đến hoạt động chung của cả Công Ty điện ảnh Hoàng Yến do anh là Giám Đốc. Mạnh Tôn không còn biết nói gì hơn.- Dù sao, cũng chỉ là một vụ tự tử. Trong đó cậu chẳng có gì dính líu, không trách nhiệm một chút nào hết.- Ừ, có thể là Chi Lan đã tự tử. Nhưng như vậy thì cũng có khác gì đâu. Bỏ đi, quên đi tên vô lại nào đã cưỡng bức nàng. Không đâu! Không đời nào! Bọn người kia đang cần đến tôi giúp một tay để họ có thể tìm biết được sự thật. Cho nên, lúc thì họ ….Mạnh Tôn cướp lời bạn:- Tụi họ sẽ giết chết cậu! Tin như thế đi Trọng Minh!Chàng trai vẫn thản nhiên, cương quyết với ý đã định, trơ như đá, vững như đồng.- Tôi lại không nghĩ như anh. Tôi đã suy luận kỹ càng rồi, đã hiểu rõ được nhiều điểm. Giờ đây chỉ cần kiểm chứng lại coi xem sao mà thôi. Nói sơ sơ cho anh biết qua đây nầy: những con người đó đều là những con người bộc trực, ngay thẳng, trọng nhân cách, kiêu hãnh vô cùng. Vì lẽ tụi mình, trong đời sống cát bụi bon chen, hay vờ vẫn đóng kịch, lừa lọc dối trá ….đủ thứ. Lâu dần quen thói, cho nên, khi tiếp xúc với những con người chỉ biết nói thật, lời nói thật nào mà không đắng chát, ta có cảm tưởng họ là những kẻ hung bạo dã man. Sự thực không phải thế …. Tôi nói hợp lý, tất nhiên, là những con người chỉ chịu điều phải, họ sẽ nghe tôi.Mạnh Tôn định nói thêm nữa, nhưng chưa kịp, đã thấy viên hương quản Đặng Sâm xăm xăm đi tới. Ông Ủy viên Cảnh sát mầy râu nhẵn nhụi, mặc chiếc áo sơ mi ka ki là thẳng nếp, dây lưng da đánh si ra bóng loáng.- Cậu Trọng Minh! Tôi muốn nói với cậu một câu chuyện!Trọng Minh vui vẻ:- Xin ông hương quản cứ nói. Đối với Mạnh Tôn, người bạn thân của tôi đây, tôi không có điều gì phải dấu diếm cả. Và hiện thời, hai anh em cũng đang đề cập đến vấn đề ấy đây.- Cậu Minh à! Thành thực mà nói, cậu đã gặp nhiều may mắn lắm đó. Đúng thế, tôi chưa từng thấy ai lại may mắn như cậu. Vả lại, chắc gì mà tôi cứ kèm sát bên cậu mãì mãi được. Vậy, tốt hơn hết, cậu nên rời khỏi nơi nầy đi, càng sớm càng hay đó, cậu Trọng Minh!- Ông khuyên tôi như thế? Chính ông hương quản khuyên tôi điều đó? Nếu vậy, kể cũng là một giải pháp được đấy, dễ dàng lắm đấy. Tôi đi khỏi nơi đây là mọi người sẽ được êm cả, phải không ông hương quản? Mà người được êm nhất chính là ….ông! Có điều, tôi muốn nhắc để ông hương quản khỏi quên.. là, việc truy tầm hung thủ, bắt giữ nó để giao cho pháp luật. Nhiệm vụ của ông đó, ông tính sao?Hương quản Đặng Sâm lúng túng:- Ồ, cậu Minh, cậu …..Chàng trai thản nhiên nói tiếp:- Còn “ồ” gì nữa? Ông hương quản? Tôi, tôi biết rõ ông hương quản sanh ra và lớn lên tại làng nầy. Ông luôn luôn hành động với danh nghĩa một con dân Trung Quyết. Danh nghĩa Ủy viên cảnh sát chỉ là thứ yếu. Trường hợp biết được đích danh hung phạm, tôi dám chắc rằng ông sẽ sẵn sàng quên đi bộ sắc phục và cái phù hiệu nhân viên công lực hiện ông đang mang trên người và sẽ thản nhiên để cho tội ác đua nhau tiếp diễn. Tôi nói vậy, đúng chăng, ông hương quản?Lời phán quyết lạnh lùng như sắt đá, khô khan như nhát búa gõ xuống bàn khiến viên hương quản nghẹn lời, đỏ mặt. Nhưng chỉ chưa đầy phút sau, Đặng Sâm đã bình tĩnh đối khẩu với Trọng Minh. Giọng nói của ông ta cũng đanh thép không kém:- Coi chừng đó nghe, cậu Minh! Có thực là cậu sốt sắng muốn tôi truy lùng ra thủ phạm? Cậu không e ngại gì hết chứ?- Quái! Ông định nói cái gì thế, tôi không hiểu?Đặng Sâm cười nhạt:- Cậu mà không hiểu thì còn ai hiểu?- À, nếu vậy thì ông cũng như ông Lê Phi, ông vẫn hoài nghi khi tôi khăng khăng nói rằng tôi không đặt chân vào trong vựa rơm buổi chiều hôm đó. Vậy thì ông lầm cũng như ông Lê Phi đã lầm. Tôi đã hứa với mọi người, tối nay, chín giờ, tôi sẽ có mặt, tôi sẽ tới. Sự thật không khiến tôi run sợ một chút nào hết thẩy. Và tối nay, tôi tin chắc là sự thật đó sẽ bị phanh phui hai năm rõ mười. Tôi ước mong ông hương quản sẽ có mặt quanh quẩn nội trong khu vực đó. Chắc chắn ông sẽ có việc phải can thiệp, rồi đó ông coi.- Cậu có thể nói sơ qua tôi nghe trước ….- E rằng sớm quá đấy! Ông Lê Phi là một con người “được” lắm, tôi biết. Và tôi không muốn bàn tay một người như thế phải nhúng vào máu. Chỉ mong rằng tên hung phạm sẽ ….gặp ông, như có lần ông đã nói và để tùy quyền ông định liệu … Thế nào, ông nghĩ sao, ông hương quản?Hương quản Đặng Sâm không dè Trọng Minh lại nói năng quyết liệt như vậy. Trước thái độ trầm tĩnh, sáng rõ như ban ngày của chàng trai, Đặng Sâm chẳng còn biết tính sao, ngoài một nước gật đầu chấp nhận.- Thôi được! Tùy cậu! Nếu cậu muốn đùa giỡn với lửa, xin cứ tùy tiện. Chỉ mong cậu, nếu có thì giờ, nghĩ tới lời khuyên của tôi một chút. Kinh nghiệm trường đời cho biết: có nhiều sự thực ….không nên biết tới, và nhất là không nên nói ra …. Chi Thoa kinh hãi rụng rời. Em rú lên:- Ối! Đừng, anh Giậu!Thản nhiên như không nghe tiếng gì hết, gã Giậu vẫn tiến bước, hai tay chĩa thẳng, trong khi cô bé cứ lùi, lùi mãi. Mặc dầu tuổi còn non nớt, Chi Thoa cũng trực cảm được ý nghĩa rùng rợn trong ánh mắt rực sáng của gã thanh niên.Miệng vực sâu chỉ còn cách chừng vài thước. Trong đầu óc sôi bỏng, nóng hừng hực của Giậu chỉ vang vang có một ý nghĩ duy nhất: “ sát nhân để diệt khẩu”. Có mỗi mình con bé nầy biết sự thực thế nào mà thôi. Vậy chỉ có cách nầy mới khiến nó im miệng được:- Anh Giậu!Tiếng rú thét của Chi Thoa đã trở thành lời van xin thống thiết. Thời gian ánh chớp, sau một thoáng trợn tròn mắt kinh hoàng, ngây người như con nhái bị rắn hổ thôi miên, cô bé rùng mình phản ứng do bản năng sinh tồn, lạng người qua phía tay mặt, cúi thấp mình, lướt nhanh, lọt dưới cánh tay Giậu. Nhảy mạnh ba bước, Chi Thoa đã đứng phía sau hòn đá cháy.Trong nhất thời, cô bé tạm thoát hiểm nhờ bước chân đờ đẫn của tên anh rể. Y bước thật chậm, vài giây lại đứng sững. Gã tin tưởng chắc chắn con mồi sẽ không thoát khỏi tay, một cách vô thức, gã dừng lại mà tự mình không biết. Giây phút nầy, phía bên kia tảng đá, ánh mắt lạc thần của cô bé Chi Thoa khiến Giậu thích thú. Từ trước đến nay, hắn chưa thấy ai phải sợ hãi hắn đến mức ấy bao giờ. Nhảy nhẹ một cái, Giậu đã đặt hai chân lên tảng Đá Cháy. Bóng hình lực lưỡng của hắn nổi bật lên nền trời màu xanh nhạt.Cũng nhảy nhẹ một bước, cô bé Chi Thoa tách xa hòn đá lớn. Phía dưới xa, xóm làng ẩn hiện, nhà cửa trông chỉ còn nhỏ xinh như những món đồ chơi của con nít. Cô bé liếc nhìn về phía đó, ước lượng khoảng cách, băn khoăn tự hỏi: “Liệu chạy về kịp chăng?” Lao người trườn đi như con rắn mối, Chi Thoa cắm đầu đổ xuống con dốc, không dám ngoảnh cổ lại, tin chắc thế nào tên Giậu cũng đuổi theo.- Chi Thoa!Tiếng gọi thất thanh vang ngay bên tai, Chi Thoa có cảm giác một cánh tay dài sắp vươn ra, một bàn tay to lớn sửa soạn chụp xuống túm chặt cổ em. Đôi mắt tưởng chừng sắp lọt ra khỏi tròng, tim đập như muốn phá tan lồng ngực, cô bé chạy mà bàn chân bé nhỏ như bay trên mặt đất.“Không bắt được nó là kể như hết đời!” Giậu không ngớt lầm bầm tự nhủ như vậy. Nhưng, nhanh nhẹn như con sóc, Chi Thoa lao chạy lẹ như tên, giữ nguyên khoảng cách không đầy sáu thước. “Không bắt được nó là nguy!” Gã Giậu nghiến răng kèn kẹt, nhún chân lao vút một cái. Hắn ngả người, soải tay, đầu ngón tay đụng vạt áo cánh cô bé. Nhưng hình như Chi Thoa đoán biết trước được cái động tác đó của Giậu, em vọt đi nhanh hơn, đôi cẳng chân bé nhỏ nện mặt đất nhanh như chầy máy. Đồng thời, Chi Thoa thét lên một tiếng lấy đà nhẩy vút đi.Mấy ngón tay chuối xứ xòe ra, khi nắm lại, tóm gọn được toàn không khí, đồng thời một bàn chân Giậu vấp trúng một mô đất. Gã mất thăng bằng, lỡ trớn, cả người loạng chạng thêm mấy bước nữa trước khi ngã sóng soài trên mặt cỏ.Chi Thoa lao mình vun vút. Cô bé vẫn chưa biết là mình vừa thoát khỏi trong đường tơ kẽ tóc.Giậu lồm cồm ngồi dậy. Gã nhăn mặt cất tiếng nguyền rủa. Chiếc áo cánh trắng, bóng quần đen đã ở xa tít. Một bàn tay Giậu bị đá cào rách tươm máu. Giậu rút mùi soa làm băng buộc tạm.Đầu óc gã trai quay cuồng đảo lộn. Bao nhiêu ý nghĩ đan quyện vào nhau, rối như tơ vò. Khi chưa biết có người trông thấy hắn vào vựa rơm, Giậu còn giữ được bình tĩnh sáng suốt …, khéo léo nữa. Rồi lại thêm chàng trai xứ lạ kia nữa. Mục tiêu của mọi mũi dùi ngờ vực. Nhưng, bây giờ đã xuất hiện Chi Thoa. Chết rồi! Vì Chi Thoa, mọi bí mật sẽ vỡ lở hết, đổ vỡ hết. Giậu có cảm giác như mặt đất tụt hẫng dưới bàn chân, thân xác gã rơi vào vực tối đen, sâu hun hút. Cái đầu nặng ngàn cân gục xuống, hai cánh tay buông xuôi, đôi cẳng chân chống chếnh như đặt trên một đám bông gòn, Giậu loạng choạng, thất thểu lê bước trên đường vắng. Đôi mắt gã mờ đi, cố dõi tia nhìn về phía thôn làng thân yêu của gã.Bất giác gã lẩm bẩm:- Nguy rồi! Khi con ranh tố cáo, lập tức tụi họ sẽ đến tìm mình, bắt giữ mình. Cả một đoàn người sẽ áp tới. Cả một đoàn thể. Chết rồi! …. Hừ, thằng con trai xứ lạ!Thằng con trai xứ lạ! Mấy tiếng đơn giản đó cũng đủ khơi lại mối hận thù. Phải, đúng như thế. Bỗng nhiên, từ đâu, thằng con trai xứ lạ lù lù dẫn xác tới. Để rồi Chi Lan đổi hướng, quay đầu sang với hắn, quên hẳn lời hứa với Giậu ngày nào. Rất nhiều lần, Giậu gặp hai người sánh vai nhau dạo bước. Vì đâu? Vì đâu chứ?- Ta phải giết hắn!Phải rồi! Phải giết hắn! Giết tên Trọng Minh nầy mới được! Và lần nầy không phải là phạm tội ác nữa mà là ….trừng trị, trừng trị một gã nguyên đầu dây mối nhợ của mọi điều ngang trái. Quyết định xong, đặt được mục đích rõ rệt như thế, Giậu cảm thấy yên tâm phần nào. Gã mạnh bạo bước đi. Được vài bước chân, nhận thấy cần phải tranh thủ thời gian, sớm được phút nào hay phút ấy, Giậu băng mình chạy tắt qua cánh đồng cỏ, về nhà.Giậu xộc vào nhà như một cơn gió lốc. Bà mẹ giật mình thảng thốt:- Cái gì thế hả? Sao thế hả, Giậu? Có cái gì mà hớt hơ hớt hải thế, Giậu?- Không, có gì đâu mẹ! Nầy, mẹ hãy lấy cái túi dết của con, nắm cho con mấy nắm cơm để vào, với ít thịt rang, nghe mẹ. Con đi săn đây, à.. vâng, con phải đi săn gấp đây, mẹ à. – Gã cố mỉm nụ cười vui với bà mẹ, - Có con nai to lắm, mới lạc về, mẹ ơi. Nếu có ai hỏi thì mẹ cứ bảo rằng con đi vắng, không biết đi đâu cả, nghe mẹ!Bà cụ hình như linh cảm có một cái gì khác thường, lạc giọng gọi:- Giậu!Gã con trai không trả lời, bước nhanh vào nhà trong. Gã nhấc khẩu súng, cầm tay, mở ngăn kéo vốc một nắm đạn nhét vào túi áo, đồng thời cầm xấp bạc giấy, xấp bạc Giậu để dành từ lâu định để mua cho Chi Lan một chiếc cà rá. Mọi cái đã xong xuôi. Buồn rầu, gã liếc nhanh một vòng quanh gian nhà, gian nhà hắn sẽ tạm biệt một thời gian … có thể là mãi mãi.Tiếng bà mẹ khắc khoải:- Cái gì thế hả Giậu?- Không! Có gì đâu mẹ? Mẹ sửa soạn cho con đủ thứ chưa?- Rồi!Vai đeo túi, vai đeo súng, gã trai bước ra cửa. Chợt Giậu quay vào, ôm bàn tay mẹ, không nói một lời. Bà cụ cất tiếng run nghẹn ngào:- Con nói cho mẹ biết chút xíu thử coi!- Chút xíu sao được. Nói ra thì dài dòng lôi thôi lắm. Thà cứ để vậy.Cắm đầu bước ra, Giậu đi một mạch trên sân đất, dọc theo mấy luống hoa. Gã nhấc cánh phên rào nơi cửa vườn…Đứa con trai đã mất hút từ lúc nào. Bà mẹ vẫn còn tựa cửa ngóng theo mãi. Hai giọt nước mắt ứa ra lăn dài trên gò má nhăn nheo.