Viên hương quản hét lên:- Ê! Đi ra mầy! Ra, mau lên!Suốt đêm, qua lỗ hổng nhỏ xíu ở tít trên cao, ánh trăng mờ mờ lọt vào in lên mặt đất ẩm một hình chữ nhật lệch chỉ nhỏ bằng chiếc mùi soa. Giậu dán chặt tia mắt nhìn không chớp khoảng ánh sáng bàng bạc đó. Mãi sau, lâu lắm, khoảng ánh sáng bừng lên thật rõ báo hiệu một ngày nữa lại bắt đầu. Ngồi trên chiếc thùng gỗ mọt, Giậu thừ người, úp mặt vào hai bàn tay. Đầu óc mê mụ, gã trai không thể hướng tư tưởng về bất cứ một vấn đề gì lâu được tới hai phút. Đối với một tâm hồn đơn sơ chất phác chưa hề biết rõ những điểm ngoắc ngoéo của trường đời muôn mặt, mọi sự việc xảy ra dồn dập với một tốc độ kinh hồn, đã khiến Giậu bàng hoàng như người ngủ mê.- Ủa, còn chần chờ gì nữa hả?Như người mắc bệnh tê liệt, Giậu uể oải đứng lên, lẩy bẩy vịn tay vào mép thùng gỗ. Gã nặng nhọc đặt chân lên mấy bậc thềm đất ẩm, cổ rụt vào giữa hai đầu xương vai, lưng cong vòng như một người đang cõng vác một cái gì thật nặng. Hàm râu chưa kịp cạo, đâm tua tủa, đôi mắt thâm quầng, trũng sâu, trông gã nhơm nhếch bẩn thỉu, già hẳn đi có tớ gần chục tuổi.Giọng nói của gã hổn hển thiểu não, nghe như tiếng nói của người bị hụt hơi:- Tôi muốn nói với anh rằng …Viên hương quản cắt ngang:- Không nói gì nữa hết! Để dành đó mà trả lời mấy ông Tòa.Đứng trên cửa hầm chờ đợi, Đặng Sâm giương mắt tò mò nhìn Giậu như nhìn một người xa lạ. Nét mặt lạnh lùng thản nhiên, Đặng Sâm thầm nghĩ: “Hắn vẫn chưa biết gì hết. Hừ! Nửa giờ nữa là hết sống. Viên đạn đồng sẽ đốn cây thịt kia, khiến nó đổ kềnh, úp sấp mặt xuống đất, miệng vục vào cát, …. đây, viên đạn ấy còn nằm trong gắp đạn nầy”.- Tới đây!Viên hương quản mở cặp da xếp tờ phúc trình vào cẩn thận. Tờ phúc trình mà ông đã cố gắng viết thật hay. Đặng Sâm có vẻ khoái chí về nội dung bản công văn đó lắm. Sự kiện được mô tả mạch lạc, rõ ràng, không sót một chi tiết. Nhưng chắc chắn thế nào mấy vị thẩm phản cũng trách cứ ông chút xíu về điểm “Tại sao lại đơn phương mở cuộc điều tra? Sao không mời thêm người phụ cho một tay?”. Tuy nhiên ….Giậu chết là hết chuyện.Hai tay buông thỏng, Giậu đứng trước mặt viên hương quản đợi chờ. Như kẻ không hồn, gã quay đầu ngó qua ô cửa sổ. Thốt nhiên y lùi lại. Ngoài đường, trước hiên dãy nhà ở, một đám người không đông lắm đã tụ tập tự lúc nào. Họ đứng đó, im lìm, rình rập đợi chờ. Tin dữ đã được loan báo rất nhanh. Giậu nhận ra toàn khuôn mặt quen thuộc. Mới hôm qua đây, họ còn là bạn của gã, bạn thân là khác.- Anh cho tôi ra phía cửa sau nghe!- Tại sao vậy?- Họ đến đông quá! Tôi ….- Đến đông thì sao? Mắc cỡ hả? Sợ hả? Họ đến để xem mặt anh đấy. Và rồi họ sẽ được xem!Quơ trên mặt bàn đôi còng tay, viên hương quản lạnh lùng bảo Giậu:- Đưa tay đây!Giậu khẽ rú lên, hốt hoảng giấu tay sau lưng:- Ấy! Anh Sâm! Không! Đừng làm thế!- Anh là kẻ phạm trọng tội. Bổn phận tôi là phải …- Nhưng xin anh đừng còng tay tôi! Tội nghiệp. Vả lại ….trọng tội …..cái gì? Tôi đâu có …- Đưa tay đây ….Giậu bước thụt lùi, đôi mắt trừng trừng nhìn đôi còng sắt, kinh hoảng vô cùng, tưởng như hai chiếc vòng sắt đó có thể đốt bỏng cổ tay y được.- Tội nghiệp tôi mà anh Sâm!Đặng Sâm đã có sắc giận:- Mầy có tội nghiệp con nhỏ Chi Lan không?Còn một bước nữa là lưng Giậu đụng vách tường. Ánh mắt gã thầm năn nỉ trông như mắt đứa trẻ con gặp phải một cái gì sợ hãi quá. Viên hương quản vẫn lãnh đạm thản nhiên. Ông ta xáp lại, vung tay tát túi bụi vào mặt Giậu, miệng thét:- Đưa tay đây, mau!Tên can phạm riu ríu tuân theo. Khi hàm đôi còng ngậm lại, răng còng nghiến nghe cách cách, gã khẽ rùng mình, miệng lẩm bẩm, nước mắt rưng rưng:- Anh nỡ nào làm thế, anh Sâm!Chiếc xe ngựa đã đậu sẵn, cách cửa nhà viên hương quản chừng mươi thước. Đặng Sâm mở rộng cánh cửa, đẩy lưng gã hung phạm khiến y muốn đứng lại cũng không còn được nữa. Bước ra ngoài, ánh sáng chói chang khiến Giậu chớp mắt lia lịa.Phía bên kia đường, đám tụ tập có tới hơn hai chục người. Họ tới đây, không phải vì thói xấu tò mò. Thái độ im lặng, sắc diện trầm nghiêm của bọn người đứng đó có giá trị bằng trăm ngàn lời nói, bằng muôn vạn tiếng la hét reo hò. Không khí nặng trĩu, bàng bạc màu bi thảm, phảng phất một tư tưởng thầm kín không nói nên lời: “Tội ác một người dân Trung Quyết đã phạm tức là mọi người đều có phần trách nhiệm như chính họ đã nhúng tay vào ….”Một hòn đá từ đám đông, không biết do ai liệng, đập trúng mặt hung phạm. Vết thương không nặng, nhưng máu cũng đã tươm ra, rơm rớm.Giậu luống cuống, muốn giấu kín hai cổ tay. Ác quá! Đôi còng si trắng, phản chiếu ánh mặt trời, cứ sáng lên lấp lánh. Trong thâm tâm, gã can phạm chỉ cầu mong mọi người hò hét, la ó dữ dội, nguyền rủa gã đi, nguyền rủa thậm tệ càng tốt. Chứ đừng đứng im lặng như thế kia, sắc diện đừng nghiêm trầm như thế kia, và nhất là những ánh mắt …. Những ánh mắt không chớp, chiếu tia nhìn sắc lạnh như cắt thịt, như cứa da. Giậu thảng thốt cúi gầm mặt. Gã bước những bước chân loạng choạng, tiến lại bên xe ngựa.Ủy viên cảnh sát Đặng Sâm đưa tay đẩy tên tội đồ bước lên bậc xe. Động tác khá mạnh khiến Giậu mất thăng bằng, vập trán vào cột chống mui xe nghe “cốp” một tiếng. Sau tiếng “hây” quát giật giọng, con ngựa nâu cao lớn bắt đầu đập vó lộp cộp trên mặt đường đá cứng. Gã trai không nhìn Đặng Sâm, cất giọng thiểu não:- Anh nỡ nào tàn nhẫn với tôi như vậy, anh Sâm!Cách đó chừng hơn cây số, là khúc đường quẹo, gần miếu Âm Hồn, dưới gốc cây đa cổ thụ, rễ trùm, rễ phụ rủ xum xuê như mái tóc đàn bà xõa buông rũ rượi. Buổi sáng nắng mát dịu. Mùi hoa rừng đủ loại vương trong không khí thơm ngào ngạt. Dựa mình lên một gò đất nhỏ phủ đầy cỏ xanh êm, sau bụi ruối thấp nhỏ, ông Lê Phi chờ đợi.Trước mặt ông, không đầy năm chục thước, con đường đá lượn theo một khúc quanh rất gắt, như khuỷu tay người co lại. Từ đó không còn trông thấy một nóc nhà nào trong thôn xóm. Bốn bề chung quanh chỉ còn là dải rừng xanh thẫm, ánh sáng chan hòa. Gần đó, ngọn núi cao sừng sững còn đượm khói sương lam.Từ mấy ngày nay, lần nầy mới là lần thứ nhất ông Lê Phi dùng bữa lót dạ thấy ngon miệng. Khoanh thịt rán ông thấy dòn thơm vô cùng.Tối qua, từ lúc viên hương quản ra về rồi, bà Lê Phi không hỏi ông một câu nào về cầu chuyện sẽ làm sáng hôm sau. Bà chỉ nhắc đi nhắc lại:- Mình chớ đi trễ, để lỡ dịp, nghe!Người cha, dáng điệu nhàn tản như người đi chơi, hai tay chống nạnh, đi đi lại lại trong rừng thưa, căng lồng ngực hít vào một hơi thật dài, bơm đầy hai lá phổi không khí buổi sớm mai tinh khiết ngan ngát mùi hoa móng rồng, thiên lý. Chiếc mũ rộng vành, hất ngược ra sau gáy, ông Lê Phi chờ đợi, nhưng không hề tỏ vẻ nóng ruột. Ông yên trí, vững tin ở Đặng Sâm, chắc chắn như hai với hai là bốn, công việc sẽ diễn tiến như hai người đã hoạch định.Xuôi theo làn gió nhẹ, chợt văng vẳng tiếng vó ngựa lốc cốc, mỗi lúc một gần. Ngoảnh mặt lại, ông Lê Phi nhận ra một đám bụi nhỏ bốc lên ở phía xa xa từ hướng làng Trung Quyết. Ông liếc mắt nhẩm tính: quay về nấp ở chỗ cũ hay cứ án ngữ ngay giữ mặt đường đi. Nấp! …. Sao lại phải nấp lén làm gì nhỉ? Khỏi cần! Ông thong thả đặt chân lại gần gốc đa cổ thụ bên miếu Âm Hồn, thoải mái dựa lưng vào thân cây đại thụ. Người cha liếc mắt ngó xuống bàn tay phải, co duỗi mấy ngón tay to lớn. Ý chừng ông muốn thử lại xem chúng còn đủ dẻo dai nhanh nhẹn không, nhất là ngón trỏ bàn tay phải.Chiếc xe ngựa bắt đầu rẽ vào khúc quanh. Viên hương quản cảm thấy nhẹ mình với ý nghĩ: “Chỉ mấy phút nữa là mọi sự xong hết”. Ông ta ghì cương ngựa. Chiếc xe chạy chậm, lấn vào bờ đường đầy cỏ xanh, ngang miếu Âm Hồn, dừng lại.Giậu giật thót mình:- Đậu lại làm gì đây? Anh ….Chưa nói hết câu, gã đã ngưng bặt, đôi mắt trợn trừng: ông Lê Phi từ bóng râm dưới gốc cây đại thụ lừng lững bước ra. Giậu hiểu ngay … Gã sợ cứng người, ngồi chết sững trên ghế gỗ.Ông Lê Phi từ phía cuối xe bước lên. Bước đi thật chậm rãi. Thời gian, đối với người dân “đất nghịch” chẳng có nghĩa lý gì. Ông giơ bàn tay ra trước mặt Giậu:- Xuống xe!Gã hung phạm rúm người ngồi nép vào thành xe. Thân hình gã tóp lại, nhỏ hẳn đi, trông rất tội nghiệp. Tiếng nói hắn phào phào. Âm thanh ấy khiến người ta liên tưởng đến đóm lửa leo lét nơi đầu bất một ngọn đèn dầu trước cơn gió lộng:- Không! Tôi không xuống đâu!Tiếng quát giật giọng:- Xuống!- Kh ……ông!Đưa tay túm chắc sợi xích sắt nối liền đôi còng, ông Lê Phi kéo mạnh khiến Giậu lao đao chới với đụng đầu “cộp” một tiếng vào thành mui xe, bật khỏi chỗ ngồi. Gã chùn người, muốn trì lại. Vô ích, Giậu vẫn phải riu ríu bước xuống. Đôi còng sắt, tựa sống dao bửa củi nghiến vào tay gã đau như bị tiện ra. Tên hung phạm gào lên:- Các ông muốn gì chứ?Đặng Sâm sáp tới:- Lại còn hỏi nữa! Giờ đền tội của anh đã điểm. Ác giả ác báo! Luật của Trời và của người chẳng hề sai! Công lý là thế đấy!Nhưng Giậu không muốn chết như vậy. Giá như đêm trước, khi bị rơi mặt nạ, bị thẩm vấn, đối chất và trước thái độ nôn nóng rửa hận của mọi người … thì dù có bị bắn chết ngay gã cũng khứng chịu. Chứ bây giờ thì …- Các ông không có quyền …Ông Lê Phi quắc mắt:- Mầy nhắc lại thử coi!Và ấn bàn tay to lớn lên sợi dây xích, ông đã khiến được gã trai khuỵu hai đầu gối, quỳ trên mặt đất. Giậu rên lên, giọng gã khan đục:- Không! Không! Các ông không có quyền!Miệng tuy nói vậy, Giậu cũng dư biết là câu nói của mình chẳng có hồi âm. Gã chợt nhớ được, mượn ngay câu nói rất đắc dụng của Trọng Minh, của người trai xứ lạ, tên tình địch, gã đã chủ tâm hạ sát ngay từ lúc đầu mà không xong.- Gã thanh niên lạ mặt kia đã nói rồi. Các ông giết tôi là phạm vào tội cố sát đó!Để bắt hắn phải ngẩng đầu lên, đặng nhìn cho rõ mặt, Đặng Sâm quơ một nắm tóc Giậu giật mạnh:- Nghe cho rõ đây, Giậu! Để chết không còn thắc mắc gì nữa, nghe! Không phải là cố sát với ngộ sát gì hết trọi! Anh sẽ chết như một kẻ hèn nhát nhất trên đời, nghe rõ chứ? Tôi sẽ trao súng lục cho anh Phi. Phần anh, anh sẽ lao đầu chạy trốn. Hiểu thế nào chưa? Nhân viên công lực có quyền bắn theo một tên hung phạm đào tẩu khi hắn nghe tiếng hô mà không đứng lại. Và tôi sẽ khai rằng …Giậu lại rú lên, cắt ngang:- Không ….! Không ….! Các ông không có quyền!Hung phạm không còn biết nói gì hơn ngoài câu: “Không có quyền” nhắc đi nhắc lại mãi. Sợ hãi quá độ đã khiến gã mê mụ đi rồi không còn biết nói gì khác hơn. Qua lời phát ngôn của tên “tử tội”, ông Lê Phi ý thức được ngay là gã trai nầy vẫn còn ham sống lắm. Ông buột miệng trong khi viên hương quản rút khẩu súng lục:- Chi Lan cũng còn ham sống lắm chứ!- Nhưng tôi không giết nàng mà!- Dối trá làm gì nữa, vô ích!- Sẵn sàng chưa, anh Phi?- Rồi!Ông Lê Phi đã bỏ tay ra mà Giậu vẫn quỳ gối không đứng dậy. Gã đưa mắt nhìn quanh một vòng, ôm gọn vào nhãn quang phong cảnh đẹp như vẽ, cánh rừng quen thuộc thân yêu. Với phong cảnh ấy, với cánh rừng ấy, gã muốn thốt lên một lời vĩnh biệt mà không biết làm cách nào.Viên hương quản trao cho ông Lê Phi khẩu súng lục:- Cẩn thận! Nó nhạy lắm đó!Thời gian chỉ còn tính bằng giây đồng hồ. Một con người đang sống khỏe mạnh, giờ đây sắp sửa bị bắn chết. Bắn chết! Vậy thì đúng là một vụ cố sát! Cố sát? Cố sát có dự mưu! Vậy thì lại càng ghê gớm hơn nữa: một vụ ám sát mới đúng. Nhưng thực tế, quang cảnh nầy lại giống như một hành quyết, một sự trừng phạt đích đáng. Những người có nhiệm vụ thi hành lệnh bắn bỏ lại chính là những người thảo chương trình, đặt kế hoạch, đã luận bàn chu đáo trước khi quyết định thi hành.Ông Lê Phi đặt khẩu súng lục giữa lòng bàn tay khẽ dồi dồi như có ý cân lường nặng nhẹ. Chớp mắt, ông đã nắm gọn bá súng, ngón tay đặt nhẹ lên cò.Giậu thét lên:- Đừng! Trời ơi!Đúng lúc đó, nơi mấy bụi cây thấp ở mé bên trái, lá cành rung động mạnh, rẽ ra thành một khoảng trống. Đồng thời, như tiếng vang vọng lời kêu thét của Giậu, một giọng nói cất lên lanh lảnh:- Đừng! Trời ơi! Dừng tay lại! Không phải hắn giết Chi Lan đâu!Người hét lên câu đó là …….. Bạch Phụng.