Là giáo học về hưu nên hai vợ chồng tôi mở một "siêu mini thị", tức là mấy giá hàng bày bán mọi thứ thiết yếu, cho bà con xung quanh ngại đi "thị" hay "siêu thị". Thêm một máy dịch vụ điện thoại cho các cô cậu sinh viên trọ học đến trao đổi thông tin, vậy nên dù không muốn nghe nhưng vô tình cũng biết khối chuyện về kẻ sĩ tương lai thời a còng này. Vợ tôi đang ngồi với một bà nửa quê nửa tỉnh, đến thăm đứa con nhớn là sinh viên năm thứ ba truờng Hàng Hải. Chắc cậu con đang lên lớp nên bà ta ngồi đợi, vừa nhặt hộ ''ba xa" nhà tôi mấy mớ rau dưa, vừa buôn dưa góp. -Thằng Vung nhà tôi đuợc cái ngoan lắm bà ạ- bà khách rất hãnh diện với cậu con sinh viên- Hồi ở nhà, ngoài việc học nó phải đảm nhiệm rau bèo cho sáu con lợn. Lại còn bổ củi, gánh nuớc, tưới rau, tất tần tật. Bố là thương binh, chỉ gọi là có người đàn ông làm vì trong nhà. Mọi việc nó đều làm hết. Bây giờ đi học, không có tiền xe để về nhà luôn nhưng vẫn thường xuyên gọi điện về thăm bố, nhắc em chăm học, chăm làm. Nó vẫn là thằng bé chân chỉ hạt bột.. -Anh cả trong nhà thì phải thế chứ- "Ba xa" nhà tôi tham gia- Cứ như cậu Vinh, cái cậu vẫn sang đây gọi điện, mua thuốc lá chịu ấy thì hỏng, anh nhỉ!- quay sang phía tôi "ba xa" nói thế. Anh chàng Vinh thì tôi lạ gì. Cũng ở quê cách đây khoảng ba bốn chục cây số thôi. Hay sang đây ngồi trà lá. Năm đầu tiên còn mang dáng thuần quê, chăm học. E dè, chi li nhưng sòng phẳng. Nhưng từ giữa năm thứ hai đã thấy khác đi rất nhanh. Nói năng, ăn mặc chẳng khác gì dân Cầu Rào chính hiệu. Cũng bỏ giờ học, ngồi đánh bài ăn tiền. Bắt chước mấy cậu ấm sứt vòi phì phèo đầu lọc, "dzô" mấy li cuốc lủi, bia hơi. Chả biết còn thứ gì nữa không mà mấy hôm nay thấy nhà trường với bảo vệ dân phố đến phòng trọ tìm vài lần rồi.. - Thằng em nó nghịch hơn, nhờ có anh gọi điện về nhắc nhở nên cũng đỡ.- Đấy là bà khách nói tiếp- Bố nó vẫn căn dặn "Bố mẹ đặt tên mày là Vung. Vung phải thật tròn để đậy nồi tròn của nhà mình từ xưa đến nay đấy nhá, hiểu chưa? " - Cái anh cu Vinh thì đúng là méo xẹo- "ba xa" vẫn bình luận theo kênh của mình- đang trốn học ngồi đánh bạc mà có điện từ nhà gọi lên, cu cậu chạy vào vâng dạ, khoe học giỏi, cũng nhắn dạy em ở nhà ghê lắm. Món dưa góp của hai bà khá là phong phú. Vui chuyện bà khách còn bảo nhỏ rằng bà vẫn phải dấu cậu con chuyện lên đây làm Ô-sin "ở nhà với bố nó thì tiền đâu cho nó ăn học, cứ mỗi năm một tốn thêm. Nhưng cậu cả này sĩ lắm, tôi cứ phải nói dối là vẫn nuôi lợn, trồng rau ở nhà".. Thế đấy, khi cần thì "cha để nhà cho con truởng, cha ngất ngưởng đi ăn mày". Thời nào thì thời, cha mẹ có bao giờ tiếc công tiếc sức với con cái, chịu đựng ngay cả đắng cay miễn là cho con đuợc chút ngọt bùi. - Bố nó vẫn bảo "nhà mình nghèo, không có nồi to rế cả như nhà người ta. Nhưng không bao giờ dùng nồi méo, có là niêu đất cũng phải chọn cái niêu thật tròn. Anh bao giờ cũng phải là cái vung tròn của nhà này, không đuợc vác về nhà một cái nồi méo đâu nhá!" Ông ấy nói thế, chắc chúng hiểu hết ý trông mong của bố mẹ. Truớc khi lên biên giới, ông ấy vẫn dạy học mà. Có tiếng ồn ào. Một đám người kéo theo sau anh công an dẫn một thanh niên bị còng tay đi vào khu phòng trọ sinh viên. Đúng là cậu chàng Vinh, nhân vật mà "ba xa" nhà tôi đang nhắc tới. Chắc có vụ trộm cắp gì, có thể còn dính vào sâu sia ma tuý nữa cơ, ở đây đã có vài vụ thế rồi. - Ôi, con tôi! Làm sao thế kia Vung ơi!- bà khách bỗng hốt hoảng. - Đâu nào bà, đấy là thằng Vinh, cậu Vinh mà tôi vừa kể ấy mà - Bà xã tôi cũng hốt hoảng đứng lên kéo tay bà khách. -Ôi làm sao thế, con ơi. Nó là thằng Vung nhà tôi đấy, có phải thằng Vinh viếc gì đâu. Các ông ơi, nó là thằng Vung chân chỉ hạt bột nhà chúng tôi đấy mà- Bà mẹ cuống cuồng vớ chiếc túi chạy theo đám đông đang khuất vào trong ngách. Thì ra ở đây anh con trai bà lấy tên là Vinh. Nhưng phố bây giờ sẵn hạt bột lắm. Nào bột bánh phở hàn the, bột su-dan tương ớt, bột bảo quản cá thịt bền hơn chất bảo quản xác uớp Ai Cập.. mà còn chưa kinh bằng các loại bột lắc, bột he- rô- in cơ. Thật khổ cho các bà bủ. Thứ hạt bột chân chỉ gốc ở quê làm sao chọi nổi. Sao các bà lại quá tin vào điện thoại đến thế. Giá cứ bảo thẳng nó rằng bà phải làm Ô-sin để lấy tiền cho nó ăn học. Cứ đến đây kiểm tra luôn luôn thì có khi Vung nhà bà đâu đến nỗi méo đi nhanh thế. Ngọc Châu