道可道, 非常道; 名可名, 非常名.無, 名天地之始; 有, 名萬物之母. 故常無, 欲以觀其妙; 常有, 欲以觀其故常無, 欲以觀其妙; 常有, 欲以觀其徼.此兩者, 同出而異名. 同謂之玄. 玄之又玄. 衆妙之門.
°
Đạo khả đạo, phi thường đạo; danh khả danh, phi thường danh. Vô, danh thiên địa chi thủy; hữu, danh vạn vật chi mẫu. Cố thường vô, dục dĩ quan kì diệu; thường hữu, dục dĩ quan kì kiếu. Thử lưỡng giả, đồng xuất nhi dị danh. Đồng vị chi huyền. Huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn.°
Đạo mà có thể diễn tả được thì không phải là đạo vĩnh cửu bất biến; tên mà có thể đặt ra để gọi nó [đạo] thì không phải là tên vĩnh cửu bất biến.“Không”, là gọi cái bản thủy của trời đất; “Có” là gọi mẹ sinh ra muôn vật. Cho nên, tự thường đặt vào chỗ “không” là để xét cái thể vi diệu của nó [đạo]; tự thường đặt vào chỗ “có” là để xét cái [dụng] vô biên của nó.Hai cái đó [không và có] cũng từ đạo ra mà khác tên, đều là huyền diệu. Huyền diệu rồi lại thêm huyền diệu, đó là cửa của mọi biến hóa kì diệu.°
Chương đầu này là một trong những chương quan trọng nhất mà lại làm cho ta chúng ta lúng túng nhất vì không biết chắc được Lão tử muốn nói gì. Như trong phần I, chương II, tiết D, chúng tôi đã nói qua, có nhiều cách chấm câu; lại thêm có có mấy chữ có thể hiểu nhiều cách, như chữ thường (thường vô, thường hữu) trong câu thứ 3, đa số các học giả hiểu là thường thường (chúng tôi dịch như vậy, nhưng bỏ đi có lẽ hơn – coi chú thích ở cuối chương 3), còn Phùng Hữu Lan lại hiểu là vĩnh cửu, bất biến như chữ thường (thương đạo, thường danh) trong câu đầu; chữ kiếu (cuối câu ba) nữa, có người hiểu là sai biệt, chia lìa, phát đoan (chúng tôi theo Lục Đức Minh dịch là mênh mông, vô biên, vì cho rằng câu đó nói về cái thể và cái dụng của đạo: thể thì vi diệu, mà dụng thì vô biên).Do hai lẽ kể trên (có nhiều cách chấm câu, một số chữ có thể hiểu nhiều nghĩa) ai muốn giải thích ra sao thì giải thích, tuỳ theo khuynh hướng và sự hiểu biết của mình. Chúng tôi đã biết trên mười bản dịch của chương này mà không bản nào giống bản nào, chỉ xin giới thiệu câu đầu trong bản dịch của J.L.L. Duyvendak[1] (nhà Maisonneuve – 1953) do Etiemble dẫn trong bài Tựa cuốn Tao To King của nhà Gallimard 1967:La Voie vraiment Voie est autre qu’une voie constante.Les Termes vraiment Termes sont autres que des termes constants.(Đạo thực là Đạo thì khác với Đạo bất biến;Danh thực là Danh thì khác với Danh bất biến).Như vậy là Duyvendak đã cho hai chữ khả và phi những nghĩa rất mới: khả không còn nghĩa là có thể nữa mà là thực là; phi không còn là không phải nữa mà là khác với. Chữ đạo và chữ danh thứ nhì không còn là động từ nữa mà là danh từ. Và ý nghĩa của câu hoàn toàn ngược lại ý nghĩa trong các bản dịch khác: Đạo của Lão tử không còn là cái gì vĩnh cửu bất biến nữa. Độc giả có thể cho Duyvendak là lập dị, nhưng Etiemble khen là mới.Lão tử chỉ bảo: Đạo không thể diễn tả được, mà không nói rõ tại sao, nhưng câu 2 và câu 3 cho ta đoán được ý ông. Đạo là “không”, siêu hình, là bản nguyên (hoặc tổng nguyên lí của vũ trụ), cái “thể” của nó cực kì huyền diệu; mà cái “dụng” của nó lại vô cùng (vì nó là mẹ của vạn vật), cho nên người thường chúng ta - một phần tử cực kỳ nhỏ bé của nó, đời sống lại cực kỳ ngắn ngủi - may lắm là thấy được vài qui luật của nó, vài cái “dụng” của nó chứ không sao hiểu nó được. Không hiểu nó được thì làm sao diễn tả nó được. Lão Tử mở đầu Đạo Đức Kinh bằng 6 chữ: “Đạo khả đạo phi thường đạo” như có ý báo trước cho ta rằng ông sẽ chỉ có thể gợi cho ta ít điều về đạo thôi, để cho ta suy nghĩ, tìm hiểu lấy bằng trực giác, chứ ông không chứng minh cái gì cả. Chính ông, ông cũng không hiểu rõ về đạo, ngôn ngữ của ông không diễn tả nó được, và đọc ông ta đừng nên “cầu thậm giải” như Đào Uyên Minh[2] sau này đã khuyên.Đạo không thể giảng được, mà cũng không có tên, không thể đặt tên cho nó được, vì nó độc lập tuyệt đối, không có hình tượng, thuộc tính. Gọi một vật là là cái ghế vì vật đó có những thuộc tính của loại ghế: có ba hay bốn chân, có mặt để ta ngồi, lưng để dựa… Đạo “sinh ra trước trời đất, trước muôn vật, nó độc lập tuyệt đối, không có đồng loại, như vậy thì làm gì có tên. Vả lại tên vốn có tính cách giới hạn và quyết định: tên trỏ cái ghế thì không thể dùng trỏ cái bàn; một vật mang tên ghế thì nhất định chỉ là cái ghế chứ không thể đồng thời vừa là cái ghế vừa là cái bàn. Một vật cái tên thì không thể đồng thời vừa ở chỗ này vừa ở chỗ khác. Đạo – như sẽ thấy ở một số chương sau – vốn “đi khắp không ngừng”, vừa ở đây vừa ở kia, vừa là cái này vừa là cái nọ; vì vậy không thể có một tên nào thích hợp với nó được. Đành phải tạm gọi nó là đạo. Tóm lại, đại ý chương này là: đạo vĩnh cửu bất biến, không thể giảng được, không thể tìm một tên thích hợp với nó được; cái thể của nó là “không”, huyền diệu vô cùng, mà cái dụng của nó là “hữu” lớn lao vô cùng. 天下皆知美之爲美, 斯惡已; 皆知善之爲善, 斯不善已.故有無相生, 難易相成, 長短相形, 高下相傾, 音聲相和, 前後相隨.是以聖人處無爲之事, 行不言之教; 萬物作焉而不辭, 生而不有, 爲而不侍, 功成而不居. 夫唯不居, 是以不去.°
Thiên hạ giai tri mĩ chi vi mĩ, tư ác dĩ; giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ. Cố hữu vô tương sinh, nan dị tương thành, trường đoản tương hình, cao hạ tương khuynh, âm thanh tương hoà, tiền hậu tương tuỳ. Thị dĩ thánh nhân xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo; vạn vật tác yên nhi bất từ, sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, công thành nhi bất cư. Phù duy bất cư, thị dĩ bất khứ.°
Ai cũng cho cái đẹp là đẹp, do đó mà phát sinh ra quan niệm về cái xấu; ai cũng cho điều thiện là thiện, do đó mà phát sinh ra quan niệm về cái ác. Là vì “có” và “không” sinh lẫn nhau; dễ và khó tạo nên lẫn nhau; ngắn và dài làm rõ lẫn nhau; cao và thấp dựa vào nhau; âm và thanh hòa lẫn nhau; trước và sau theo nhau. Cho nên, thánh nhân xử sự theo thái độ “vô vi”, dùng thuật “không nói” mà dạy dỗ, để cho vạn vật tự nhiên sinh trưởng mà không can thiệp vào[3], khéo nuôi dưỡng vạn vật mà không chiếm làm của mình, làm mà không cậy khéo, việc thành mà không quan tâm tới. Vì không quan tâm tới nên sự nghiệp mới còn hoài.°
Chương này mới đọc, ý nghĩa nhất quán tưởng như minh bạch, vậy mà tôi có sáu bản dịch, mỗi bản một khác.Ngay từ câu đầu, cách hiểu đã khác nhau. Có người dịch là: ai cũng biết cái đẹp sở dĩ đẹp, như vậy là đã “nhập” và cái xấu rồi. Có người dịch là: ai cũng cho cái đẹp là đẹp, chính vì vậy mà có cái xấu của nó.Chữ hình và chữ khuynh trong câu 2, có người hiểu: hình là so sánh. (Chúng tôi theo Từ Hải: hình là hiển, tức rõ); khuynh là cùng chiều, hoặc chạm nhau, liên đới nhau. Rồi tới câu 3, từ “vạn vật tác yên…” tới cuối chương, riêng Lưu Tư (trong Lão tử bạch thoại tân giải – Văn Nguyên thư cục – Đài Bắc – 1969) cho là Lão tử nói về tạo hoá, chứ không phải về thánh nhân. Cũng có lí. Hai chữ cư và khí ở cuối chương, có người dịch là “ở lại” và “bị bỏ đi”; và “công thành nhi bất cư” nghĩa như “công toại (thành) thân thoái” ở cuối chương 9.Nhưng đại ý ai cũng nhận rằng Lão Tử nói về luật tương đối (sự vật không có gì là tuyệt đối hay xấu, so với cái này thì là tốt, so với cái khác lại là xấu, lúc này là tốt, lúc khác là xấu) và phản đối thói đương thời, nhất là phái Khổng, phái Mặc dùng trí mà phân biệt rõ ràng xấu, tốt, khiến cho người ta bỏ tự nhiên đi mà cầu tốt, bỏ xấu, hóa ra trá ngụy, do đó sinh hại. Ông khuyên ta cứ để cho dân sống theo tự nhiên mà đừng can thiệp (thái độ vô vi), đừng đem quan niệm sai lầm về tốt xấu mà uốn nắn dân (thuật bất ngôn chi giáo), như vậy sẽ thành công mà sự nghiệp sẽ bất hủ vì chính đạo cũng không làm khác (đạo pháp tự nhiên – chương 25).Chúng ta để ý: Khổng Tử cũng đã có lần muốn “vô ngôn” và bảo Tử Cống: “Thiên hà ngôn tai? Tứ thời hành yên, bách vật sinh yên. Thiên hà ngôn tai?” - Trời có nói gì đâu? Thế mà bốn mùa cứ thay nhau, vạn vật cứ sinh hóa. Trời có nói gì đâu? (Luận ngữ - Dương Hóa - 18)Luật tương đối trong chương này sau được Trang tử diễn rõ và mạnh hơn trong thiên Tề vật luận. 不尚賢, 使民不爭; 不貴難得之貨, 使民不爲盜; 不見可欲, 使 民心不亂.是以聖人之治, 虛其心, 實其腹; 弱其志, 强其骨. 常使民無知無欲, 使夫智者不敢爲也, 爲無爲, 則無不治.°
Bất thượng hiền, sử dân bất tranh; bất quí nan đắc chi hoá, sử dân bất vi đạo; bất hiện khả dục, sử dân tâm bất loạn. Thị dĩ thánh nhân chi trị, hư kì tâm, thực kì phúc; nhược kì chí, cường kì cốt. Thường sử dân vô tri vô dục, sử phù trí giả bất cảm vi giả, vi vô vi, tắc vô bất trị.°
Không trọng người hiền để cho dân không tranh. Không quí của hiếm để cho dân không trộm cướp, không phô bày cái gì gợi lòng ham muốn, để cho lòng dân không loạn. Cho nên, chính trị của thánh nhân là làm cho dân: lòng thì hư tĩnh, bụng thì no, tâm chí thì yếu [không ham muốn, không tranh giành], xương cốt thì mạnh. Khiến cho dân không biết, không muốn, mà bọn trí xảo không dám hành động. Theo chính sách “vô vi” thì mọi việc đều trị.°
Chương này ý nghĩa thật rõ. Lão tử cho lòng ham muốn danh lợi là đầu mối của loạn. Nho, Mặc đều trọng hiền (Luận ngữ, thiên Tử Lộ, khuyên “đề cử hiền tài”; Lễ kí, thiên Lễ vận chủ trương “tuyển hiền dữ năng”; còn Mặc Tử thì có thiên Thượng hiền), khiến cho dân thèm khát danh lợi, dùng trí xảo để tranh nhau danh lợi. Ông chê lối trị dân đó, bảo bậc thánh nhân (thánh nhân theo quan niệm của ông, chứ không phải hạng thánh nhân theo quan niệm Khổng, Mặc) chỉ cần lo cho dân đủ ăn, khỏe mạnh, thuần phác (vô tri) không ham muốn gì cả (vô dục), như vậy là vô vi mà nước sẽ trị.Chữ thường ở đầu câu cuối, nếu dịch là thường thường thì sai ý của Lão tử, mà dịch là vĩnh viễn thì e có vẻ nhấn mạnh quá. Max Kaltenmax và Liou Kia-hway đều không dịch. Chúng tôi cho như vậy là phải. 道沖, 而用之或不盈, 淵兮, 似萬物之宗. 挫其銳, 解其紛, 和其光, 同其塵; 湛兮似或存.吾不知誰之子, 象帝之先.°
Đạo xung, nhi dụng chi hoặc bất doanh, uyên hề tự vạn vật chi tôn. Toả kì nhuệ, giải kì phân, hoà kì quang, đồng kì trần; trạm hề tự hoặc tồn. Ngô bất tri thuỳ chi tử, tượng đế chi tiên.°
Đạo, bản thể thì hư không mà tác dụng thì cơ hồ vô cùng, nó uyên áo mà tựa như làm chủ tể vạn vật.Nó không để lộ tinh nhuệ ra, gỡ những rối loạn, che bớt ánh sáng, hòa đồng với trần tục; nó sâu kín [không hiện] mà dường như trường tồn.Ta không biết nó là con ai; có lẽ nó có trước thượng đế.°
Liou Kia-hway cho rằng trong câu nhì, chữ nhuệ tượng trưng sự trác tuyệt, siêu phàm, chữ phân tượng trưng sự xung đột, chữ quang tượng trưng đức tốt, chữ trần tượng trưng tật xấu.Có nhà lại bảo “giải kì phân” là giải phóng óc nhị nguyên, phân chia sự vật. Nhà khác giảng là “lấy sự giản phác chống sự phiền phức”.“Hòa kì quang” có người hiểu là đem ánh sáng của mình hòa với những ánh sáng khác, tức không tự tồn tự đại.Chữ “trạm” cũng trong câu 2 có hai nghĩa: sâu kín, trong lặng. Chúng tôi theo Dư Bồi Lâm, dùng theo nghĩa trong Thuyết văn: “trạm, một dã”, một là chìm, không hiện lên.Chúng ta để ý hai điều này:- tác giả dùng nhiều chữ nói lửng: hoặc, tự, ngô bất tri, tượng.- chương này là chương duy nhất nói đến thượng đế, mà có 12 chữ y hệt chương 56 (tức những chữ: toả kì nhuệ, giải kì phân, hoà kì quang, đồng kì trần), khiến chúng tôi nghi ngờ là do người đời sau thêm vô. Đại ý cũng chỉ là nói về thể và dụng của đạo. 天地不仁, 以萬物爲芻狗; 聖人不仁, 以百姓爲芻狗.天地之間, 其猶橐龠[4]乎! 虛而不屈, 動而愈出. 多言數窮, 不如守中.°
Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu; thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu.Thiên địa chi gian, kì do thác thược hồ! Hư nhi bất khuất, động nhi dũ xuất. Đa ngôn sác cùng, bất như thủ xung.°
Trời đất bất nhân, coi vạn vật như chó rơm; thánh nhân bất nhân, coi trăm họ như chó rơm.Khoảng giữa trời đất như ống bễ, hư không mà không kiệt, càng chuyển động, hơi lại càng ra. Càng nói nhiều lại càng khốn cùng, không bằng giữ sự hư tĩnh.°
Trời đất, tức luật thiên nhiên, không có tình thương của con người (bất nhân) không tư vị với vật nào, cứ thản nhiên đối với vạn vật, lẽ đó dễ hiểu mà loài người thời nào và ở đâu cũng thường trách tạo hóa như vậy. Những câu: ưu thắng liệt bại, cạnh tranh để sinh tồn, tài giả bồi chi, khuynh giả phúc chi, có sinh thì có tử... đều diễn ý cái ý “thiên địa bất nhân”. Đang thời thì dùng, quá thời thì bỏ như cây cối xuân hạ tươi tốt, khi trổ hoa kết trái rồi qua thu đông thì điêu tàn. Cho nên Lão tử bảo trời đất coi vạn vật như chó rơm. Những con chó kết bằng rơm khi chưa bầy để cúng thì được cất kỹ trong rương hoặc giỏ, bao bằng gấm vóc, khi cúng xong rồi thì người ta liệng nó ra đường, người đi đường giẫm lên đầu, lên cổ chúng hoặc lượm về để nhóm lửa (Trang Tử - thiên Thiên vận).Câu đầu, nửa trên ai cũng hiểu như vậy; nửa sau thì ý kiến bất đồng. Đa số cho “bách tính” là dân chúng. Trần Trụ (do Nguyễn Duy Cần dẫn, Cuốn I, tr.56) cho là “trăm quan lãnh phần thi hành chính giáo. Trăm quan ngày nay không còn là trăm quan ngày xưa, thì chính giáo ngày xưa cũng không dùng cho ngày nay được.Một nhà khác, Wieger (do Jean Grenier dẫn - tr.79) cũng cho bách tính đó là trăm quan: quan nào có ích cho nước thì dùng, vô ích hoặc có hại thì bỏ, diệt, vì vua chúa chỉ nên “yêu quốc gia thôi, chứ không được yêu cá nhân” cũng như trời đất sinh ra, nuôi dưỡng vạn vật chỉ lo cho cái lợi chung của vạn vật chứ không quan tâm tới cái lợi riêng của một vật nào. Weiger hiểu như vậy rồi cho chính sách của Lão tử là chính sách tuỳ cơ, hoạt đầu cũng như chính sách của Pháp gia sau này. Chúng tôi nghĩ Lão tử chỉ muốn khuyên ta trị dân thì cứ theo đạo, theo tự nhiên, mà để cho dân tự nhiên phát triển theo thiên tính, đừng can thiệp vào.Câu sau Lão tử so sánh khoảng trời đất với cái ống bễ. Rất đúng và tài tình. Cả hai đều hư không mà không cùng kiệt (có nhà dịch bất khuất là không bẹp xuống: ý cũng vậy), mà cả hai càng động thì hơi gió càng phát ra nhiều. Cái dụng của cái hư không (vô) như vậy đó.Câu cuối, chữ 數 có người đọc là số, sổ; chữ 中 có người đọc là trung, chúng tôi theo Dư Bồi Lâm cho 中 là 盅 tức 沖. Do đó chúng tôi hiểu: càng nói nhiều càng dùng lời để dạy, (chữ ngôn đây là chữ ngôn trong “bất ngôn chi giáo” ở chương II) thì kết quả càng tai hại, không bằng cứ hư tĩnh, vô vi.Liou Kia-hway hiểu khác hẳn: Càng nói nhiều về đạo thì càng không hiểu nó, không bằng nhập vào đạo. Nhà khác lại dịch là: Nói nhiều cũng không sao hết được, không bằng giữ mực trung.Hiểu như chúng tôi, không biết đúng không; nhưng như vậy thì hai phần của chương mới có liên lạc với nhau: cùng nói về cách trị dân: đừng dùng nhân (nghĩa), cứ thuận tự nhiên, hư tĩnh vô vi. 谷神不死, 是謂玄牝, 玄牝之門, 是謂天地根.綿綿若存, 用之不勤.°
Cốc thần bất tử, thị vị huyền tẫn, huyền tẫn chi môn, thị vị thiên địa căn. Miên miên nhược tồn, dụng chi bất cần.°
Thần hang bất tử, gọi là Huyền Tẫn (Mẹ nhiệm màu); cửa Huyền Tẫn là gốc của trời đất.Dằng dặc mà như bất tuyệt, tạo thành mọi vật mà không kiệt (hay không mệt).°
Vì có hai chữ cốc thần nên có người cho rằng đây là một thần thoại nào đó như trong bộ Sơn Hải kinh. Vì hai chữ đó với hai chữ Huyền tẫn nên có nhà lại bảo chương này có tính cách bí giáo (ésotérique), và các Đạo gia đời sau (Hán, Lục Triều...) hiểu theo một nghĩa riêng để tìm phương pháp trường sinh.Về triết lí, ý nghĩa không có gì bí hiểm. Thần hang tượng trưng cho đạo; thể của nó là hư vô nên gọi là hang, dụng của nó vô cùng nên gọi là thần; vô sinh hữu, hữu sinh vạn vật, nên gọi nó là Mẹ nhiệm màu; nó sinh sinh hóa hóa, nó “động nhi dũ xuất” (chương 5) cho nên bảo là không kiệt.Bài đầu bộ Liệt tử chép lại chương này mà cho là của Hoàng Đế. Không tin được. Hoàng Đế là một nhân vật huyền thoại.天長地久. 天地所以能長且久者, 以其不自生, 故能長生. 是以聖人後其身而身先, 外其身而身存. 非以其無私耶? 故能成其私.°
Thiên trường địa cửu. Thiên địa sở dĩ năng trường thả cửu giả, dĩ kì bất tự sinh, cố năng trường sinh. Thị dĩ thánh nhân hậu kì thân nhi thân tiên, ngoại kì thân nhi thân tồn. Phi dĩ kì vô tư dả[5]? Cố năng thành kì tư.°
Trời đất trường cửu. Sở dĩ trời đất trường cửu được là vì không sống riêng cho mình, nên mới trường sinh được.Vì vậy thánh nhân đặt thân mình ở sau mà thân lại được ở trước, đặt thân mình ra ngoài mà thân mới còn được. Như vậy chẳng phải vì thánh nhân không tự tư mà thành được việc riêng của mình ư?°
Có nhà dịch bất tự sinh (câu đầu) là không có đời sống riêng. Trời đất không có đời sống riêng vì đời sống của trời đất là đời sống của vạn vật trong vũ trụ, đời sống của đạo, mà đạo thì vĩnh cửu. Không có đời sống riêng với không sống riêng cho mình, nghĩa cũng như nhau.Chương này diễn một qui tắc xử thế quan trọng của Lão tử: quy tắc khiêm, nhu mà sau này chúng ta còn gặp nhiều lần nữa. “Hậu kỳ thân” là khiêm; “ngoại kỳ thân” là nhu, vì không tranh với ai. “Đặt thân mình ra ngoài mà thân mới còn được” nghĩa là không nghĩ tới mình, chỉ lo giúp người thì lại có lợi cho mình. 上善若水. 水善利萬物而不爭, 處眾人之所惡, 故幾於道.居善地, 心善淵, 與善仁, 言善信, 正善治, 事善能, 動善時.夫唯不爭, 故無尤.°
Thượng thiện nhược thuỷ. Thuỷ thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố cơ ư đạo. Cư thiện địa, tâm thiện uyên, dữ thiện nhân, ngôn thiện tín, chính thiện trị, sự thiện năng, động thiện thời. Phù duy bất tranh, cố vô vưu.°
Người thiện vào bậc cao [có đức cao] thì như nước. Nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh với vật nào, ở chỗ mọi người ghét (chỗ thấp) cho nên gần với đạo.[Người thiện vào bậc cao] địa vị thì khéo lựa chỗ khiêm nhường, lòng thì khéo giữ cho thâm trầm, cư xử với người thì khéo dùng lòng nhân, nói thì khéo giữ lời, trị dân thì giỏi, làm việc thì có hiệu quả, hành động thì hợp thời cơ.Chỉ vì không tranh với ai, nên không bị lầm lỗi.°
Chương này có một hình ảnh khéo: Ví người thiện với nước, làm rõ thêm cái ý khiêm nhu trong chương trên. Lão tử rất thích nước: nó “nhu”, tìm chỗ thấp (khiêm), ngày đêm chảy không ngừng (bất xả trú dạ - lời Khổng tử), bốc lên thì thành mưa móc, chảy xuống thì thành sông rạch, thấm nhuần vào lòng đất để nuôi vạn vật. Nó có đức sinh hóa, tự sinh tự hóa, và sinh hóa mọi loài. Nhất là nó không tranh, nó lựa chỗ thấp mà tới, gặp cái gì cản nó thì nó uốn khúc mà tránh đi, cho nên đâu nó cũng tới được.Nhưng tác giả chương này có chịu ảnh hưởng của đạo Nho hay không mà đề cao nhân với tín, cơ hồ trái với chủ trương “tự nhiên nhi nhiên” của Lão?”. 持而盈之, 不如其已; 揣而銳之, 不可長保.金玉滿堂, 莫之能守; 富貴而驕, 自遺其咎. 功成身退, 天之道.°
Trì nhi doanh chi, bất như kì dĩ; suỷ nhi nhuệ chi, bất khả trường bảo. Kim ngọc mãn đường, mạc chi năng thủ; phú quý nhi kiêu, tự di kì cữu. Công thành thân thoái, thiên chi đạo.°
Giữ chậu đầy hoài, chẳng bằng thôi đi; mài cho bén nhọn thì không bén lâu.Vàng ngọc đầy nhà, làm sao giữ nổi; giàu sang mà kiêu là tự rước lấy họa.Công thành rồi thì nên lui về, đó là đạo trời.°
Đạo trời (đạo tự nhiên) là đầy thì phải vơi, nhọn thì dễ gẫy. Vậy xử thế đừng nên tự mãn, tự kiêu, thành công rồi thì nên lui về.Đây chỉ là kinh nghiệm của mọi người, thuộc về túi khôn của dân gian, để được sống yên ổn. Câu nhì đã thành châm ngôn. Và bốn chữ “công thành thân thoái” có thể là châm ngôn lưu hành trước Lão tử từ lâu. 載營魄抱一, 能無離乎? 專氣致柔, 能嬰兒乎? 滌除玄覽[6], 能無疵乎? 愛國治民, 能無爲乎? 天門開闔, 能爲雌乎? 明白四達, 能無知乎?生之畜之, 生而不有, 爲而不恃, 長而不宰, 是謂玄德.°
Tải doanh phách bão nhất, năng vô li hồ? Chuyên khí trí nhu, năng anh nhi hồ? Địch trừ huyền lãm, năng vô tì hồ? Ái quốc trị dân, năng vô vi hồ? Thiên môn khai hạp, năng vi thư hồ? Minh bạch tứ đạt, năng vô tri hồ? Sinh nhi súc chi[7], sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, trường nhi bất tể, thị vị huyền đức.°
Cho hồn, phách thuần nhất, không rời đạo được không? Cho cái khí tụ lại, mềm mại như đứa trẻ sơ sinh được không? Gột rửa tâm linh cho nó không còn chút bợn được không? Yêu dân trị nước bằng chính sách vô vi được không? Vận dụng cảm quan để giữ hư tĩnh được không? Chân tri sáng rỡ hiểu biết được tất cả mà không dùng tới trí lực được không? [Sinh và dưỡng vạn vật. Sinh mà không chiếm cho mình, làm mà không cậy công, để cho vạn vật tự lớn lên mà mình không làm chủ, như vậy gọi là huyền đức - đức cao nhất, huyền diệu].°
Chương này có vài chỗ mỗi người dịch một khác.Câu đầu: chữ tải dùng cũng như chữ phù 夫, để mở đầu chứ không có nghĩa. Chữ doanh nghĩa là: hồn. Hồn thuộc về phần khí “linh”, phách thuộc về phần huyết, cho nên có nhà cho doanh phách là tâm, thân. Bão nhất có nhà dịch là giữ lấy đạo, và vô li là doanh và phách không rời nhau.Câu thứ nhì, đa số hiểu chữ khí là hơi thở, và cho chuyên khí là một phép dưỡng sinh; nhưng có nhà lại hiểu là “bảo toàn thiên chân”.Câu thứ ba, chữ lãm, có thể hiểu như chữ giám 鑑 là tấm gương.Câu thứ năm, thiên môn khai hạp nghĩa đen là cửa trời mở đóng: cửa trời tức là mắt, tai, mũi... nói chung là cảm quan; thư là con mái, tượng trưng sự nhu nhược, yên tĩnh.Câu cuối: từ sinh nhi bất hữu...tới huyền đức, có nhà cho là ở chương 51 đặt lộn lên đây, vì nghĩa không gắn với phần ở trên. Chúng tôi cũng nghĩ 16 chữ đó đặt ở cuối chương 51 hợp hơn ở đây.Đại khái thì ba câu đầu nói về phép dưỡng sinh, trị thân. Ba câu kế nói về phép trị thế. Hai phép đó giống nhau ở chỗ đều phải thuận theo tự nhiên. 三十輻, 共一轂, 當其無, 有車之用. 埏埴以爲器, 當其無, 有器之用.鑿戶牖以爲室, 當其無, 有室之用. 故有之以爲利, 無之以爲用.°
Tam thập phúc, cộng nhất cốc, đương kì vô, hữu xa chi dụng. Duyên thực dĩ vi khí, đương kì vô, hữu khí chi dụng. Tạc hộ dũ dĩ vi thất, đương kì vô, hữu thất chi dụng. Cố hữu chi dĩ vi lợi, vô chi dĩ vi dụng.°
Ba mươi tay hoa cùng qui vào một cái bầu, nhưng chính nhờ khoảng trống không trong cái bầu mà xe mới dùng được. Nhồi đất sét để làm chén bát, nhưng chính nhờ khoảng trống ở trong mà chén bát mới dùng được. Đục cửa và cửa sổ để làm nhà, chính nhờ cái trống không đó mà nhà mới dùng được.Vậy ta tưởng cái “có” [bầu, chén bát, nhà] có lợi cho ta mà thực ra cái “không” mới làm cho cái “có” hữu dụng[8].°
Chương này rất hay: ý tưởng như ngược đời mà thực sâu sắc. Ba thí dụ đều khéo. Không triết gia nào cho ta thấy được diệu dụng của cái “không” một cách minh bạch, lí thú như vậy. 五色令人目盲; 五音令人耳聾; 五味令人口爽; 馳騁畋獵令人心發[9]狂; 難得之貨令人行妨. 是以聖人爲腹不爲目, 故去彼取此.°
Ngũ sắc linh nhân mục manh; ngũ âm linh nhân nhĩ lung; ngũ vị linh nhân khẩu sảng; trì sính điền liệp linh nhân tâm phát cuồng; nan đắc chi hoá linh nhân hành phương. Thị dĩ thánh nhân vị phúc bất vị mục, cố khứ bỉ thủ thử.°
Ngũ sắc làm cho người ta mờ mắt; ngũ âm làm cho người ta ù tai; ngũ vị làm cho người ta tê lưỡi; ruổi ngựa săn bắn làm cho lòng người ta mê loạn; vàng bạc châu báu làm cho hành vi người ta đồi bại. Cho nên thánh nhân cầu no bụng mà không cầu vui mắt, bỏ cái này mà lựa cái kia [tức cầu chất phác, vô dục mà bỏ sự xa xỉ, đa dục].°
寵辱若驚, 貴大患若身. 何謂寵辱若驚? 寵爲上, 辱爲下, 得之若驚, 失之若驚, 是謂寵辱若驚. 何謂貴大患若身? 吾所以有大患者, 爲吾有身, 及吾無身, 吾有何患? 故貴以身爲天下, 若可寄天下; 愛以身爲天下, 若可託天下.°
[Sủng nhục nhược kinh, quí đại hoạn nhược thân]. Hà vị sủng nhục nhược kinh? Sủng vi thượng, nhục vi hạ, đắc chi nhược kinh, thất chi nhược kinh, thị vị sủng nhục nhược kinh. Hà vị quí đại hoạn nhược thân? Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vi ngô hữu thân, cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn? Cố quý dĩ thân vi thiên hạ, nhược khả kí thiên hạ; ái dĩ thân vi thiên hạ, nhược khả thác thiên hạ.°
Chương này tối nghĩa, nhiều nhà cho là chép sai hoặc thiếu sót nên đã hiệu đính và chú thích; nhưng vẫn chưa có bản nào làm cho chúng ta thỏa mãn: nếu không gượng gạo, gò ép thì lại mắc cái lỗi không thông, dưới mâu thuẫn với trên hoặc có một vài ý mâu thuẫn với chủ trương của Lão tử. Dư Bồi Lâm (sách đã dẫn) đã gắng sức chú thích cho ý nghĩa được nhất quán, và dưới đây chúng tôi tạm theo thuyết của ông. Đại ý ông bảo: Hai chữ nhược 若 trong câu đầu nghĩa như chữ nãi 乃 (thời xưa hai chữ đó đọc giống nhau, nên dùng thay nhau), nghĩa là bèn, thì, do đó mà... Nhiều người không hiểu vậy, giảng là như tối, hoặc sửa lại là chữ giả, như vậy vô nghĩa. Chữ quí 貴 nghĩa là coi trọng, tức sợ (theo Hà Thượng Công); còn chữ thân 身 với chữ kinh 驚 ở trên là “hỗ bị ngữ” 互備語 tức những chữ làm đủ nghĩa lẫn nhau, đọc chữ sau thì phải coi ngược lên chữ trước mới thấy nghĩa[10], và nghĩa nó cũng là kinh. Vậy câu đầu có nghĩa là: Vinh, nhục thì lòng sinh ra rối loạn, sợ vạ lớn thì lòng rối loạn.Câu đó là cổ ngữ, chứ không phải của Lão tử vì Lão tử chủ trương “vô dục” (Ngã vô dục nhi dân tự hóa - chương 57); “hậu kỳ thân, ngoại kỳ thân” (chương 7), thì đâu lại để cho vinh nhục, đắc thất làm cho rối loạn, đâu lại “coi trọng cái vạ lớn như bản thân mình”. Vì vậy, Dư Bồi Lâm đặt câu đó trong dấu móc [ ]. Những câu sau mới là lời giải thích của Lão tử. Và Dư dịch như sau: [Người đời được vinh hay bị nhục thì lòng sinh ra rối loạn, sợ vạ lớn thì sinh ra rối loạn].Tại sao vinh, nhục sinh ra rối loạn? Là vì vinh thì được tôn, nhục thì bị hèn; được thì lòng [mừng rỡ mà] rối loạn, mất thì lòng [rầu rĩ mà] rối loạn; cho nên bảo là vinh nhục sinh ra rối loạn.Tại sao sợ vạ lớn mà sinh ra rối loạn? Chúng ta sở dĩ sợ vạ lớn là vì ta có cái thân. Nếu ta không có thân [quên mình có thân đi] thì còn sợ gì tai vạ nữa.Cho nên người nào coi trọng sự hy sinh thân mình cho thiên hạ thì có thể giao thiên hạ cho người đó được. Người nào vui vẻ đem thân mình phục vụ thiên hạ thì có thể gởi thiên hạ cho người đó được.Dư Bồi Lâm dịch như vậy nhưng cũng nhận rằng đó chỉ là thiển kiến của ông, không dám chắc là đúng.Câu cuối chúng tôi thấy còn 4 bản dịch khác để độc giả lựa chọn.- Kẻ nào biết quí thân vì thiên hạ thì giao phó thiên hạ cho được. Kẻ nào biết thương thân vì thiên hạ thì gởi gắm thiên hạ cho được.- Kẻ nào quí thân mình vì thiên hạ thì có thể sống trong thiên hạ được. Kẻ nào yêu thân mình vì thiên hạ thì có thể kí thác mình cho thiên hạ được.- Kẻ nào coi trọng thiên hạ như bản thân mình thì có thể giao phó thiên hạ cho được. Kẻ nào yêu thiên hạ như yêu bản thân mình thì có thể giao cho việc trị thiên hạ được.- Kẻ nào quí thân mình hơn cả thiên hạ thì có thể giao cho việc trị thiên hạ được. Kẻ nào yêu thân mình hơn cả thiên hạ thì có thể giao cho việc trị thiên hạ được. 視之不見名曰夷; 聽之不聞名曰希; 搏之不得名曰微. 此三者不可致詰, 故混而爲一.其上不皦, 其下不昧, 繩繩不可名, 復歸於無物. 是謂無狀之狀, 無物之象, 是謂惚恍. 迎之不見其首, 隨之不見其後.執古之道, 以御今之有; 能知古始, 是謂道紀.Chú thích:[1] Các bạn có thể xem bản dịch ra tiếng Pháp của J.L.L. Duyvendak tại Restaurant-chinois. (Goldfish).[2] Tức Đào Tiềm (365 – 427). Goldfish.[3] Chữ từ ở đây là chữ thuỷ 始 (xưa 2 chữ đó đọc như nhau). Bất từ là bất vi thuỷ. Vương Bật giảng là là can thiệp vào, tức vô vi. [Tôi đã tạm điền chữ 始 (thuỷ) vào chỗ sách bỏ trống mà không biết đúng hay sai. Theo Thiều Chử thì thấy đó có nghĩa là: “1. Mới, trước. 2. Một âm là "thí". Tiếng trợ ngữ, như "vị thí" 未始 chưa từng”. (Goldfish)].[4] Tôi tạm chép chữ 龠 (thược) theo bản Hoa Sơn Trang, còn trong sách in chữ này: (Goldfish). [5] Chữ 耶, Thiều Chửu phiên âm là “da”. (Goldfish).[6] Chữ 覽 (lãm) này tôi chép theo bản Hoa Sơn Trang. Trong sách bỏ trống. (Goldfish).[7] Sách in “Sinh nhi súc chi” như vậy, nhưng nguyên văn lại là: 生之畜之 (Sinh chi súc chi). Trên mạng, có nhiều bản chữ Hán chép là 生之畜之 (Sinh chi súc chi), mà cũng có nhiều bản chép là 生而畜之 (Sinh nhi súc chi). (Goldfish).[8] Hầu Ngoại Lưu, một học giả Trung Hoa hiện đại cho biết là: “Ba mươi chiếc nan hoa hợp chung quanh lại trên một vành xe thành một cái bánh xe, từ không có đến có sử dụng xe, dùng đất dẽo làm ra đồ gốm, từ không có đồ gốm đến có sử dụng đồ gốm, đục thông cửa để làm thành một gian nhà, từ không có gian nhà đến có sử dụng gian nhà. Do đó, từ chỗ có mà trở nên không có để làm lợi, từ chỗ không có mà trở nên có để sử dụng”. (Lê Vũ Lang dịch, Nhà XB Sự Thật (Tư tưởng Lão Trang – 1959).[Câu “từ không có đến có sử dụng xe” có lẽ bị in thiếu hai chữ “bánh xe”. Xin tạm sửa lại như sau: “từ không có bánh xe đến có sử dụng xe”. (Goldfish)]. [9] Chữ 發 (phát) này tôi chép theo bản Hoa Sơn Trang, trong sách bỏ trống. (Goldfish).[10] Chúng tôi thú thực đây là lần đầu thấy trường hợp này trong Hoa ngữ; trong Việt ngữ không có. Tiếc rằng Dư Bồi Lâm không đưa thêm thí dụ.