Chú dịch và giới thiệu: Nguyễn Hiến Lê
Chương 4
ĐẠO TRỊ NƯỚC

Hữu vi thì hỏng – Trị nước phải như nấu cá nhỏ
 
Nhà cầm quyền nào thời đó cũng lo mở mang đất đai, miệng thì nói mưu hạnh phúc cho dân mà hành động thì ngược lại:
 
“Triều đình thật ô uế, đồng ruộng thật hoang vu, kho lẫm thật trống rỗng; mà họ bận áo gấm thêu, đeo kiếm sắc, ăn uống chán mứa, của cải thừa thãi. Như vậy là trộm cướp chứ đâu phải là hợp đạo” (ch.53).
 
Trong Đạo Đức kinh chỉ có mỗi chương đó là giọng gay gắt.
 
Lão tử cũng như Khổng tử, Mặc tử, thực tâm thương dân và mỗi nhà đưa ra một giải pháp cứu dân. Khổng bảo phải “chính danh”, Mặc bảo phải “kiêm ái”.
 
Lão tử cho rằng xã hội sở dĩ loạn, dân sở dĩ khổ là vì không sống theo đạo, không thuần phác, quả dục; do đó mà sinh ra tham lam, chém giết nhau. Vậy bậc thánh nhân (ông dùng chữ này để trỏ bậc vua chúa biết giữ đạo) phải làm sao cho dân “phản phác” trước hết.
 
Muốn vậy, chính họ phải giữ cái “phác”. Giữ cái “phác” để điều khiển trăm quan:
 
“Thánh nhân giữ thuần phác mà điều khiển trăm quan, cho nên người giỏi trị nước không chia cắt chi li” (ch.28).
 
Giữ được cái phác thì vạn vật sẽ tự động qui phục:
 
“Đạo vĩnh viễn không có tên, chất phác, tuy ẩn vi mà thiên hạ không ai coi thường nó được. Các bậc vương hầu biết giữ nó, thì vạn vật sẽ tự động qui phục”[1].
 
Chính sách trị nước đó, Lão tử gọi là “vô vi”.
 
Các triết gia như Khổng, Mặc không nghĩ vậy, mà đưa thuyết nhân nghĩa lễ trí ra để răn đời, còn các chính khách thì đề nghị sửa đổi luật pháp, càng ngày càng xa đạo mà càng loạn thêm, kết quả ngược với ý muốn.
 
Lão tử bảo thiên hạ không thể trị bằng cách đó được vì:
 
“Thiên hạ là một đồ vật thần diệu, không thể hữu vi, không thể cố chấp được. Hữu vi thì làm cho thiên hạ hỏng, cố chấp thì mất thiên hạ” (ch.29).
 
Ông dùng một hình ảnh tài tình:
 
“Trị nước lớn như nấu cá nhỏ” (Trị đại quốc nhược phanh tiểu tiên – ch.60).
 
Nấu cá nhỏ mà lật lên lật xuống, động tới nó nhiều quá thì nó sẽ nát, trị nước lớn mà can thiệp vào việc dân nhiều quá, dân sẽ trá nguỵ, chống đối. Đó là hậu quả của chính sách hữu vi.
 
Ngược lại, vô vi, ít can thiệp vào việc của dân, để cho dân thuận tự nhiên mà sống, thì dân sẽ tự hoá, sẽ vui vẻ mà phát triển theo bản năng của họ.
 
Chương 57:
 
“Ta không làm gì mà dân tự cải hoá, ta ưa thanh tĩnh mà dân tự nhiên thuần chính, ta không ban giáo lệnh mà dân tự phú túc, ta vô dục mà dân tự hoá ra chất phác”.
 
Như vậy là không làm gì mà không gì không làm (vô vi nhi bất vô vi), đúng với luật tự nhiên của đạo:
 
“Đạo vĩnh cửu thì không làm gì (vô vi -  vì là tự nhiên) mà không gì không làm (vô bất vi - vì vạn vật nhờ nó mà sinh, mà lớn); bậc vua chúa giữ được đạo thì vạn vật sẽ tự biến hóa”.[2]
 
Công dụng của vô vi lớn như vậy vì nhà cầm quyền đồng hoá với đạo rồi hướng dẫn dân cũng đồng hoá với đạo. Điều đó ít ai bì kịp. (ch.43).
 
(Xin coi lại tiết: Triết lí vô vi – cuối chương II ở trên).
 

°

° °

 
Chính sách vô vi
 
Bước đầu của vô vi là giảm thiểu, Lão tử gọi là tổn.
 
Chương 48:
 
“…Theo đạo thì mỗi ngày một giảm. Giảm rồi lại giảm cho tới mức vô vi” (Vi đạo nhật tổn, tổn chi hựu tổn, dĩ chí vô vi).
 
Chúng ta nhớ một qui luật của đạo là “tổn hữu dư”. Mà chính sách thời đó phiền hà quá, nhiễu sự quá. Cho nên Lão tử bảo phải thu hẹp phạm vi chính sự lại cho đến cái mức tối thiểu.
 
Chỉ cần thoả mãn những nhu cầu tự nhiên của con người thôi:
 
“Chính trị của thánh nhân là làm cho dân: lòng thì hư tĩnh, bụng thì no, tâm chí thì yếu (không ham muốn, không tranh giành), xương cốt thì mạnh. Khiến cho dân không biết, không muốn, mà bọn trí xảo không dám hành động. Theo chính sách “vô vi” thì mọi việc đều trị” (ch.3).
 
Còn những cái khác như ngũ sắc, ngũ âm, ngũ vị, những vật quí… đều có hại, đều phải bỏ hết (ch.12 đã dẫn).
 
Lão rất ghét những vàng bạc châu báo mà ông gọi là “nan đắc chi hoá”, cho nên chương 3 và chương 64, ông dặn đi dặn lại: “bất quí nan đắc chi hoá” để cho lòng dân khỏi loạn.
 
Tóm lại là thánh nhân “cầu cho no bụng mà không cầu vui mắt” (vị phúc bất vị mục – ch.12).
 
Như trong chương III tôi đã trình bày, ông chê cả nhân, nghĩa, lễ, trí của Nho gia, muốn tuyệt cả thánh, bỏ cả trí:
 
“Dứt thánh (thánh của Nho gia), bỏ trí, dân lợi gấp trăm; dứt nhân bỏ nghĩa, dân lại hiếu từ; dứt [trí] xảo bỏ lợi, không có trộm giặc. (ch.19).
 
Bỏ cả học đi, vì “tuyệt học” thì “vô ưu” – (ch.20); càng học thì dục vọng và sự trí xảo mỗi ngày càng nhiều (vi học nhật ích – ch.48); mà dân càng hoá ra khó trị:
 
“Thời xưa, người khéo dùng đạo trị nước thì không làm cho dân khôn lanh cơ xảo, mà làm cho dân đôn hậu, chất phác. Dân sở dĩ khó trị là vì nhiều trí mưu” (ch.65).
 
Khổng, Mặc đều cho sự dạy dân là nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà cầm quyền, cho nên có danh từ “chính giáo”, hễ nói tới chính trị (trị dân) thì phải nói tới giáo dân (dạy dân); mà dạy dân thì dùng lễ, nhạc và giảng cho dân đạo nhân nghĩa, hiếu trung.
 
Lão tử ngược lại bảo:
 
“Thánh nhân xử sự theo thái độ “vô vi”, dùng thuật “không nói” mà dạy dỗ” (hành bất ngôn chi giáo – ch.2).
 
Dạy dỗ bằng các không nói là để cho vạn vật sinh trưởng mà không can thiệp vào. Từ xưa tới nay, chưa ai tin ở bản tính con người bằng Lão tử.
 
Vậy là qui tắc “phú chi, giáo chi” của Khổng phải bỏ. Không dạy cho dân thì không cần chữ viết, trường học; mà cũng không cần luật pháp, nhà tù. Đó là chúng tôi suy luận như vậy, chớ Lão tử chỉ bảo:
 
“Chính lệnh rõ ràng (nghiêm và chi li) thì dân kiêu bạc” (ch.58).
 
và:
 
Dân không sợ chết thì sao lại dùng tử hình doạ dân? Nếu làm cho dân luôn luôn sợ chết, mà có kẻ nào phạm pháp ta cũng bắt được mà giết thì ai còn dám phạm pháp nữa? [Sự thực không phải như vậy cho nên hình pháp mới vô hiệu].
 
Có đấng “ti sát” (tức đạo trời) chuyên lo việc giết, nếu vua chúa thay đấng ti sát mà giết dân thì cũng như thay thợ đẽo. Thay thợ đẽo thì ít khi không đứt tay” (ch.74).
 
Ông tin rằng kẻ nào làm bậy thì trời sẽ không tha:
 
“Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt” (Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất – ch.73).
 

°

 
- Về kinh tế, Lão tử chủ trương chính sách tự do:
 
Chương 57:
 
“Ta không ban giáo lệnh mà dân tự phú túc” (…) “càng ban nhiều lệnh cấm thì nước càng nghèo (vì làm thì sợ phạm cấm mà không dám làm, hoặc những lệnh cấm đó cản trở công việc làm ăn của dân, ngược với luật thiên nhiên, kết quả tai hại)”.
 
Thuế sẽ đánh rất nhẹ:
 
Chương 75:
 
“Dân sở dĩ đói là vì nhà cầm quyền thu thuế nặng nặng quá, cho nên dân đói”. Bắt dân đóng thuế quá nặng để cho nhà cầm quyền xa xỉ, tự phụng dưỡng quá hậu thì họ sẽ coi thường cái chết mà nổi loạn.
 
Dân chỉ cần no bụng, ấm thân, ở yên, cho nên ngoài việc trồng trọt và nuôi tầm, chỉ cần chế tạo vài đồ dùng cần thiết như lưỡi cày, dao búa, chén bát… Dù có thuyền xe cũng không ngồi, có khí cụ gấp chục gấp trăm sức người cũng không dùng (ch.80).
 
Vậy là công nghiệp giảm tới mức tối thiểu, mà thương nghiệp không cần thiết, chỉ trao đổi hiện vật với nhau là đủ.
 

°

 
- Về võ bị, Lão tử chủ trương bất tranh thì tất nhiên phản chiến hơn ai hết. Trong Đạo Đức kinh có tới sáu bảy chương bàn về vấn đề đó.
 
Chương 30:
 
“Người giữ đạo mà phò vua thì không dùng binh lực để mạnh hơn thiên hạ. Vì việc như vậy thường hay quay ngược trở lại [hiếu chiến thì lại chết vì chiến tranh].
 
“Quân đội đóng ở đâu, gai góc mọc ở đấy. Sau trận chiến tranh lớn, tất bị mất mùa (Đại quân chi hậu tất hữu hung niên).
 
Dù có mạnh lên một thời rồi cũng suy, “cường tráng thì rồi sẽ già”, đó là luật phản phục, luân phiên của các tương phản (coi lại chương II phần này).
 
Tiếp ngay chương sau, Lão tử lại bảo:
 
“Binh khí là vật bất tường, ai cũng ghét cho nên người giữ đạo không thích dùng nó”.
 
Chương 46:
 
“Thiên hạ có đạo thì ngựa tốt không dùng vào chiến tranh mà dùng vào việc cày cấy; thiên hạ vô đạo thì ngựa dùng vào chiến tranh và ngựa mẹ sinh con ở chiến trường [chứ không sinh ở nhà].
 
Và ông khuyên các vua chúa – nước lớn cũng như nước nhỏ - phải khiêm nhu để tránh chiến tranh cho thiên hạ:
 
“Nước lớn nên ở chỗ thấp, chỗ qui tụ của thiên hạ, nên giống như giống cái trong thiên hạ. Giống cái nhờ tĩnh mà thắng giống đực [ham động], lấy tĩnh làm chỗ thấp. Cho nên nước lớn mà khiêm hạ đối với nước nhỏ thì được nước nhỏ xưng thần; nước nhỏ mà khiêm hạ đối với nước lớn thì được nước lớn che chở. Như vậy là một bên khiêm hạ để được [nước nhỏ xưng thần], một bên khiêm hạ được [nước lớn che chở]. Nước lớn chẳng qua chỉ muốn gồm nuôi nước nhỏ, nước nhỏ chẳng qua muốn thờ nước lớn. Khiêm hạ thì cả hai đều được như ý muốn; nhưng nước lớn phải khiêm hạ mới được”.
 
Thế giới mà dân tộc nào cũng khiêm nhu, bất tranh; cá nhân nào đối với nhau cũng khiêm nhu bất tranh như vậy thì nhân loại cực kì văn minh rồi; nhưng luật phản phục tự nhiên, luật luân phiên của các tương phản (coi chương II phần này), tức thịnh rồi suy, tráng tới lão, dương cực rồi sinh âm, thì hoà bình rồi tất sẽ phải có chiến tranh, không thể có tình trạng vĩnh viễn hoà bình được.
 
Chắc Lão tử hoặc các môn đệ đời sau của ông hiểu như vậy, nên xét thêm cả trường hợp bất đắc dĩ phải dùng binh thì phải làm sao.
 
Chương 68 khuyên nên chiến đấu với tinh thần “bất tranh”:
 
“Viên tướng giỏi không tỏ ra vũ dũng, người giỏi tác chiến không tỏ ra hung hăng, người khéo thắng dịch không giao phong với địch, người khéo chỉ huy thì tự đặt mình ở dưới người. Như vậy là có cái đức không tranh với người, như vậy là biết dùng sức của  người, như vậy là hoàn toàn hợp với đạo”.
 
Chương 69 lại tiếp:
 
“Thuật dụng binh có câu: “Ta không dám làm chủ (tức khiêu chiến) mà chỉ muốn làm khách (tức ứng chiến), không dám tiến một tấc, thà chịu lùi một thước (không muốn hung hăng mà chịu nhường địch)”. Như vậy dàn trận mà không thành hàng, xua đuổi mà không dám đưa cánh tay ra. Tuy có binh khí mà như không dùng binh khí, tuy có địch mà như không chạm trán với địch.
 
Hoạ không gì lớn bằng khinh địch, khinh địch thì sẽ mất những vật báo của ta. Cho nên khi hai bên cử binh giao chiến, bên nào từ ái bên đó sẽ thắng lợi”.
 
“Những vật báo của ta” tức là ba đức: lòng từ ái, tính kiệm ước, tính khiêm, không dám đứng trước thiên hạ, trong chương 67. Chương đó – mà chúng tôi ngờ của người sau thêm vào vì Lão chỉ xét lí thuyết, nguyên tắc, không đi vào chi tiết, nhất là những chi tiết về binh pháp – khiến chúng tôi nhớ hai truyện chiến nhi bất tranh trong thời Xuân Thu, một truyện chép trong La Civilisation chinoise của Marcel Granet (Albin Michel – Paris 1946), và một trong thiên XXXIII sách Hàn Phi tử.
 
Granet kể trong một cuộc giao chiến giữa Tấn và Sở, một chiến xa của Tấn sa lầy, tiến không được, tình cảnh nguy ngập, tướng Tấn loay hoay không biết làm sao. Tướng Sở đứng yên ngó rồi chỉ cho cách gỡ bỏ bớt then ngang cùng cỡ và khí giới đi, quân Tấn nghe theo, thoát ra khỏi chỗ lầy được.
 
Còn Hàn Phi thì nhắc lại truyện Tống và Sở giao tranh ở Trác Cốc. Quân Sở đương qua sông, quân Tống đòi thừa dịp tấn công ngay. Tống Tương công không cho, bảo để địch qua sông đã. Khi quân sở qua sông hết rồi, quân Tống lại xin tấn công, Tương công cũng bảo: “Khoan, đợi chúng dàn trận đã”. Sở dàn trận xong, đánh bại Tống. Tương công bị thương mà còn bảo: “Bậc quân tử không đánh quân địch khi họ đương ở bước khốn cùng”.
 
Tinh thần “quân tử”, “từ ái” khi lâm chiến của thời Xuân Thu đó, tôi nghĩ khó mà có được trong các bộ lạc sống theo thiên nhiên khi họ đối đầu nhau trong các cuộc săn thú. Trong chiến tranh mà muốn giữ luật thiên nhiên, thì phải như loài cọp, loài chim ưng, loài cá mập.
 
Nhưng lời dưới đây Lão tử khuyên những kẻ thắng trận thì rất đúng:
 
“Người khéo dùng binh hễ có hiệu quả, đạt được mục đích thì thôi, không dám ỷ mạnh hơn thiên hạ. Đạt được mục đích mà không tự phụ, đạt được mục đích mà không khoe công, đạt được mục đích mà không kiêu căng, đạt được mục đích mà bất đắc dĩ, đạt được mục đích mà không lấy làm mạnh”. (ch.30).
 
và:
 
“Bất đắc dĩ phải dùng nó, mà dùng đến thì điềm đạm [tránh cực đoan] là hơn cả. Thắng cũng không cho là hay, nếu cho là hay tức là thích giết người. Kẻ nào thích giết người thì không thực hiện được lí tưởng trị thiên hạ” (ch.31).
 
Thắng mà kêu tức là tự mình đào cái hố để chôn mình. Cho nên Lê Lợi sau khi thắng quân Minh, Quan Trung sau khi thắng quân Thanh đều đã “quả nhi vật căng” (đạt mục đích mà không tự phụ) như Lão tử nói.
 
Nhưng gặp phải trường hợp mình càng khiêm nhu, địch càng tàn bạo thì làm sao? Lão tử, như tôi đã nói, chỉ đưa ra nguyên tắc, không đi vào chi tiết. Tuy nhiên, cứ theo chủ trương “nhu thắng cương” của ông, thì chúng ta chỉ có thể “nhẫn”, kiên nhẫn chịu, đợi cho một ngày kia đạo sẽ “tổn” cái “hữu dư” của họ, và khi họ suy rồi thì “dĩ đức báo oán” (chương 63). “Nhu” như vậy mới thật là “cương” (ch.52), cần có nghị lực rất lớn, chứ không phải hèn nhát. “Nhu” như vậy là biết mềm mỏng, chịu khuất để tự bảo toàn được: “Khúc tắc toàn” (ch.22).
 
Trước sau, tuyệt nhiên không dùng âm mưu, trá thuật.
 
Chương 36 khiến một số người thắc mắc. Chương đó chép:
 
“Muốn cho vật gì thu rút lại thì tất hãy mở rộng nó ra đã. Muốn cho ai yếu đi thì tất hãy làm cho họ mạnh lên đã. Muốn phế bỏ ai thì tất hãy đề cử họ lên đã. Muốn cướp lấy vật gì thì tất hãy cho đã. Như vậy là sâu kín mà sáng suốt”.
 
Có người cho như vậy là Lão tử khuyên người cầm quyền dùng âm mưu, trá thuật như các chính trị gia thời Chiến Quốc: chẳng hạn như Tấn Hiến công[3] muốn đánh nước Ngu, mới đầu đem tặng vua Ngu ngọc bích và ngựa; Hàn Khang tử đem đất dâng Trí Bá để Trí Bá hoá kiêu, đòi đất của Nguỵ, các nước khác thấy Trí Bá quá tham, sợ sắp đến phiên mình, vội liên kết nhau diệt Trí Bá.
 
Lão tử ghét xảo trá đâu lại khuyên người ta dùng âm mưu; ông chỉ muốn phá thuật của bọn âm mưu và dặn chúng ta coi chừng đấy thôi.
 

°

° °

 
Ngăn ngừa trước bằng “phác”
 
Như vậy là gần như hoàn toàn “vô sự” (ch.63), không có việc gì làm cả: Không có lễ, nhạc, giáo dục, không có hình pháp, võ bị, không lo về kinh tế, khỏi phải chia ruộng, chia đất (tỉnh điền), cũng chẳng cần phải xây cất kho lẫm, dinh thự, đường xá; lục bộ (bộ lại, bộ hình, bộ lễ, bộ binh, bộ hộ, bộ công) khỏi phải thiết lập ngũ tư (các chức tư đồ, tư mã, tư thông, tư sĩ, tư khấu) hoá ra vô dụng, mà chính phủ được giảm tới mức tối thiểu: tại triều đình có mươi vị quan, mỗi địa phương có vài vị là đủ. Họ không có quyền can thiệp vào đời sống của dân, chỉ có mỗi nhiệm vụ giữ sao cho dân thần hậu, chất phác. Như vậy là:
 
“Giúp mọi người lầm lạc trở về với đạo, giúp vạn vật phát triển theo tự nhiên, mà không dám làm (can thiệp vào) giúp mọi người lầm lạc trở về với đạo, giúp vạn vật phát triển theo tự nhiên, mà không dám làm (tức can thiệp vào) (ch.64).
 
Nếu vì được tự do mà có kẻ còn lòng tư dục, sinh ra tham lam, xảo trá, tranh giành, thì nhà cầm quyền sẽ dùng cái “phác” mà ngăn lại, như chương 37 đã chỉ:
 
“Trong quá trình biến hóa, tư dục của chúng phát ra thì ta dùng cái “vô danh chi phác” – cái mộc mạc vô danh - mà trấn áp, khiến cho vạn vật không còn tư dục nữa. Không còn tư dục mà trầm tĩnh thì thiên hạ sẽ tự ổn định”.
 
Phải ngăn ngừa thật sớm:
 
“Giải quyết việc khó từ khi còn dễ, thực hành việc lớn từ khi còn nhỏ [vì] việc khó trong thiên hạ khởi từ chỗ dễ, việc lớn trong thiên hạ khởi từ lúc còn nhỏ. Do đó thánh nhân trước sau không làm việc gì lớn mà thực hiện được việc lớn” (ch.63).
 
Phải thật sáng suốt – nhờ đức hư tĩnh – để thấy trước cái loạn sắp xảy ra:
 
“Cái gì an định thì dễ nắm, điểm chưa hiện thì dễ tính (…) Ngăn ngừa sự tình từ khi chưa manh nha, trị loạn từ khi chưa thành hình. Cây lớn một ôm, khởi sinh từ cái mầm nhỏ; đài cao chín tầng khởi từ một sọt đất, đi xa ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân” (ch.64).
 
Muốn ngăn ngừa từ khi chưa manh nha chỉ có cách theo dõi lời khuyên trong chương ba đã dẫn: không phơi bày cái gì gợi lòng ham muốn của dân, mà phải khiến cho dân không biết, không muốn.
 
“Sử dân vô tri vô dục… tắc vô bất trị”, đó là qui tắc căn bản trong việc trị dân, đó là chính sách “vô vi” của Lão tử. Trong bộ Hàn Phi tử, cuối chương VII phần II, chúng tôi đã so sánh thuật vô vi của Lão tử với thuật đó của Khổng, Trang và Hàn Phi, ở đây chúng tôi chỉ xin tóm tắt lại thôi.
 
Khổng tử là người đầu tiên dùng bốn chữ “vô vi nhi trị” (chương Vệ Linh công – bài 4). Ông cho vô vi là vua phải cảm hoá dân bằng đức của mình, dạy dân bằng lễ, nhạc, ít dùng hình pháp.
 
Lão tử coi vô vi là để dân thuận theo tự nhiên mà sống, không can thiệp vào đời sống của dân, nhưng vẫn coi chừng, ngăn ngừa dân có lòng dục, vẫn giữ chính phủ, chỉ giảm tới mức tối thiểu thôi.
 
Trang tử cho như vậy chưa đủ, phải bỏ chính phủ đi, để cho dân hoàn toàn tự do, cứ theo bản năng mà sống, vì dân tự biết cái hoạ để tránh, không ai được theo ý mình mà ép buộc dân, ngay đến việc hướng dẫn dân cũng không nên nữa.
 
Còn Hàn Phi thì cho vô vi là vua chỉ trị quan lại, chứ không trị dân, bắt quan làm hết, mình không làm gì cả, mà muốn vậy thì phải đặt ra hình pháp nghiêm khắc, dùng thuật để bắt quan lại và dân phải làm theo đúng ý mình, không dám phản mình. Như vậy hiểu theo Lão tử là cực hữu vi, chứ không phải vô vi.
 
Trang và Hàn ở hai thái cực: Trang cực vô, Hàn cực hữu; Khổng và Lão ở giữa, Khổng gần Hàn, Lã gần Trang. Bỏ Trang ra không kể, Khổng và Lão đều được các vua chúa trọng nhưng không theo; Hàn bị Tần Thuỷ Hoàng giết mặc dầu vẫn nhờ chánh sách của Hàn – nói chung là của các Pháp gia – mà thống nhất được Trung Quốc. Từ đó tới nay, quốc gia nào cũng theo chính sách hữu vi, mà ngày càng “hữu vi” hơn.
 

°

° °

 
Tư cách ông vua
 
Ông vua của Pháp gia đáng sợ nhất (câu “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” là của Pháp gia chứ không phải của Nho gia). Ông vua đáng trọng nhất là ông vua lí tưởng của Khổng tử, mà ông vua dễ thương nhất là ông vua “vô vi” của Lão tử.
 
Khổng tử đưa ra thuyết chính danh là có ý buộc ông vua phải làm tròn sứ mạng ông vua và tư cách ông vua, nghĩa là phải yêu dân (dân chi sở hiếu, hiếu chi, dân chi sở ố, ố chi – Đại học), lo cho dân đủ ăn, dạy dỗ dân, phải kính cẩn giữ mình mà làm việc thì giản dị (cư kính hành giản).
 
Lão tử cũng cho rằng vua phải phục vụ dân, hi sinh cho dân. Cuối chương 13, ông bảo:
 
“Người nào coi trọng sự hy sinh thân mình cho thiên hạ thì có thể giao thiên hạ cho người đó được. Người nào vui vẻ đem thân mình phục vụ thiên hạ thì có thể gởi thiên hạ cho người đó được”.
 
Ông gọi hạng vua chúa biết theo đạo mà trị dân là thánh nhân.
 
Mà đạo thì:
 
“Trời đất trường cửu. Sở dĩ trời đất trường cửu được là vì không sống riêng cho mình [mà sống cho vạn vật], nên mới trường sinh được”.
 
Vua chúa cũng phải vậy, cho nên tiếp theo câu trên:
 
“Vì vậy thánh nhân đặt thân mình ở sau mà thân lại được ở trước, đặt thân mình ra ngoài mà thân mới còn được. Như vậy chẳng phải vì thánh nhân không tự tư mà thành được việc riêng của mình ư?” (ch.7).
 
Không tự tư (vô tư) còn có nghĩa nữa là không có thành kiến, coi ai cũng như ai. Chương 49:
 
“Thánh nhân không có thành kiến, lấy lòng thiên hạ làm lòng mình. Thánh nhân tốt với người tốt, tốt cả với những người không tốt, nhờ vậy mà mọi người đều hoá ra tốt; tin người đáng tin mà tin cả người không đáng tin, nhờ vậy mà mọi người đều hoá ra đáng tin.
 
Thánh nhân ở trong thiên hạ thì vô tư vô dục, trị thiên hạ thì để lòng mình hồn nhiên. Trăm họ đều chăm chú nghe nhìn thánh nhân, thánh nhân đều coi họ như con trẻ”.
 
Dùng người thì không bỏ ai, cả những người không thiện, vì:
 
“Người thiện [người đắc đạo] là thầy của người không thiện [người không đắc đạo]; người không thiện là của dùng để người thiện mượn. Không trọng thầy, không yêu của dùng thì dù cho khôn cũng là lầm lẫn lớn” (ch.27).
 
Thế thì tại sao có câu:
 
“Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu; thánh nhân bất nhân, dĩ bách tính vi sô cẩu” (Trời đất bất nhân, coi vạn vật như chó rơm; thánh nhân bất nhân, coi trăm họ như chó rơm) ở đầu chương 5?
 
Wieger viện câu đó để chê chính sách dùng người của Lão tử là tàn nhẫn, tuỳ cơ, vắt chanh bỏ vỏ, như chính sách của Pháp gia đời sau. Theo Weiger, chữ “bách tính” ở đây trỏ trăm quan, quan nào còn có ích cho nước thì dùng, vô ích hoặc có hại cho nước thì diệt, như con chó kết bằng rơm để dùng trong việc cúng thần, khi cúng thì long trọng bày lên bàn thờ, cúng xong thì liệng ra đường cho người đi qua giẫm lên đầu lên cổ.
 
Chúng tôi nghĩ không phải vậy, Lão tử chỉ muốn khuyên ta trị dân thì cứ theo đạo, theo tự nhiên, không có thành kiến, không tư tâm, cũng như đạo đối với vạn vật (coi bài 5 – lời giảng, tr.119).
 
Sau cùng, vua chúa phải có đức khiêm hạ, và Lão tử nhấn mạnh vào đức này nhất.
 
Công của thánh nhân rất lớn, nhưng không được khoe tài, cậy công.
 
Chương 2:
 
“…[thánh nhân] khéo nuôi dưỡng vạn vật mà không chiếm làm của mình, làm mà không cậy khéo, việc thành mà không quan tâm tới. Vì không quan tâm tới nên sự nghiệp mới còn hoài”.
 
Chương 10 nhắc lại:
 
“…[thánh nhân] sinh và dưỡng vạn vật. Sinh mà không chiếm cho mình, làm mà không cậy công, để cho vạn vật tự lớn lên mà mình không làm chủ…”.
 
Rồi chương 77 nữa:
 
“Thánh nhân làm mà không cậy khéo, việc thành mà không quan tâm tới, không biểu hiện đức của mình ra”.
 
Không những vậy, “công thành rồi thì nên lui về, đó là đạo trời” (ch.9); “không dám ở trên thiên hạ” (ch.67); mà nên ở dưới thiên hạ, như sông biển ở chỗ thấp hơn hết các khe, lạch, nên mới qui tụ được mọi khe lạch, mà làm vua các khe lạch (ch.66); ở chỗ thấp nhất trong thiên hạ thì phải chịu nhận mọi cái ô nhục, mọi tai hoạ, có vậy mới làm vua được thiên hạ (ch.78), mới là khéo chỉ huy người (ch.68).
 
Như vậy là sang biết lấy hèn làm gốc, cao biết lấy thấp làm nền. Càng cao sang lại càng phải khiêm hạ, cho nên vua chúa mới tự xưng là cô, quả, bất cốc (ch.39).
 
Chỉ có Lão tử mới bắt vua phải khiêm hạ như vậy. Khiêm hạ như vậy thì:
 
“Vua ở trên mà dân không thấy nặng cho mình, ở trước mà dân không thấy hại cho mình, mới, vui vẻ đẩy thánh nhân tới trước mà không chán” (ch.66).
 
Ông vua nào khiêm hạ, né mình tới mức dân không biết có vua nữa, quên hẳn công vua đi, nhờ vua hưởng được an lạc, mà cứ tưởng là “tự nhiên mình được vậy”, ông vua đó mới là ông vua lí tưởng của đạo Lão:
 
“Bậc trị dân giỏi nhất thì dân không biết là có vua, thấp hơn một bực thì dân yêu quí và khen; thấp hơn nữa thì dân sợ; thấp nhất thì bị dân khinh lờn […] Vua công thành, việc xong rồi mà trăm họ đều bảo: “Tự nhiên mình được vậy”.[4]
 
Đó mới thực là tuyệt đỉnh của vô vi. Theo quan niệm của Lão tử, các bậc thánh vương của Nho gia như Nghiêu, Thuấn, Hạ Vũ, Văn vương, Võ vương chỉ là hạng nhì, các vua giỏi dùng thuật pháp của Pháp gia đứng hạng ba, còn bọn hôn quân đứng hạng cuối.
 
Dân không biết có vua, quên công của vua đi, như vậy là Lão tử đặt dân ở trên vua. Cho nên chương III phần này (tr.71)[5] chúng tôi nói Lão tử lật ngược tôn ti của chế độ phong kiến.
 

°

° °

 
Quốc gia lí tưởng
 
Chương áp chót trong Đạo Đức kinh phác hoạ cho ta một quốc gia lí tưởng theo Lão tử:
 
“Nước nhỏ, dân ít, dù có khí cụ gấp chục gấp trăm sức người (có người dịch là dù có binh khí – dịch cách nào cũng không trái với tư tưởng Lão tử) cũng không dùng đến. Ai nấy đều coi sự chết là hệ trọng nên không đi đâu xa. Có thuyền, xe mà không ngồi, có binh khí mà không bày. [Bỏ hết văn tự] bắt dân dùng lại lối thắt dây thời thượng cổ [để ghi những việc cần phải nhớ]. Thức ăn đạm bạc mà thấy ngon, quần áo tầm thường mà cho là đẹp, nhà ở thô sơ mà thích, phong tục giản phác mà lấy làm vui (nghĩa là chỉ lo ăn no, mặc ấm, ở yên, sống vui, ghét xa xỉ). Các nước láng giềng gần gũi có thể trông thấy nhau, nước này nghe được tiếng gà tiếng chó ở nước kia, mà nhân dân các nước ấy đến già chết cũng không qua lại với nhau”. (ch.80).
 
Lí tưởng đó là trở về chế độ bộ lạc dân chủ, tự túc, tự lập thời thượng cổ, mọi người sống theo tự nhiên, tuy có vua tức tù trưởng nhưng tù trưởng cũng sống như người khác, không can thiệp vào đời sống của ai cả.
 
Chúng ta thấy Lão tử không muốn thống nhất thiên hạ. Đây cũng là một điều ngược hẳn với chủ trương của Khổng Mạnh, Mặc tử, và Pháp gia, ngược với xu thế thời đại.
 
Xã hội lí tưởng đó tưởng như dã man mà thực ra cực văn minh, vì biết cái hại của văn minh mà tự ý từ bỏ nó (có thuyền xe mà không ngồi, có binh khí mà không dùng), chứ không phải là chưa tới trình độ chúng ta gọi là văn minh. Cũng như một phú gia chán ghét đời sống vật chất xa xỉ, có hại cho tâm hồn, mà trở về đời sống giản dị, đạm bạc của người nghèo – trường hợp Léon Tolstoi khi về già – chứ không phải là chưa biết cảnh phú quí.
 
Áp dụng đúng thuyết phản phác vô vi của Lão tử thì tất nhiên đưa tới một xã hội như vậy, mà chỉ trong những tiều quốc như vậy mới áp dụng được thuyết của ông.
 
Nhiều người trách ông là ảo tưởng, nhưng triết gia nào muốn xây dựng một xã hội mới mà chẳng có ít nhiều ảo tưởng?
Chú thích:
[1] Chương 32. (Goldfish).
[2] Chương 37. (Goldfish).
[3] Sách in là Tấn Hiếu công, tôi sửa lại thành Tấn Hiến công theo phần III, chương 36. (Goldfish).
[4] Chương 16. (Goldfish).
[5] Tức tiết “Lật ngược chế độ tôn ti của Khổng”, bắt đầu từ trang103, chứ không phải trang 71. (Goldfish).