Phần 4
CÂU CHUYỆN CỦA VĨNH KIM

Lúc đó tôi còn là một thanh niên chưa quá tuổi ba mươi. Vào một hôm quan Tổng binh Lê Kiệt cho mời tôi vào dinh thự đoạn nói:
- Ta muốn mi làm một cái tráp nhỏ sơn mài cho thật xinh xắn dành cho vợ ta dùng cất đồ trang sức. Nhưng ta muốn cái hộp này thật đặc biệt, dưới đáy có hai ngăn mà không ai nhận ra được.
Ttôi làm nghề thủ công mỹ nghệ rất khéo tay đã nhiều năm, gặp nhiều khách hàng đưa ra lời yêu cầu tương tự cốt để nhét thư tình gửi người yêu hay cất giấu ngân phiếu cho kín đáo. Cho nên tôi liền gật đầu rồi ra về làm ngay cái tráp, nhưng làm luôn mấy cái mà quan Tổng binh vẫn chưa hài lòng, lúc chê hoa văn lạc hậu, lúc nói ván hộp quá mỏng manh hay chê đáy hộp thô thiển dễ nhận thấy... khiến tôi rất mất nhiều công sức lẫn thời gian.
Tôi biết sửa đổi mẫu mã theo ý quan Tổng binh sẽ không bị thiệt hại về tiền công cán, nhưng với các khách hàng quen thuộc họ sẽ bỏ đi tìm nơi khác khi anh không giao hàng đúng hẹn, tức câu được con tép mất đi con tôm, không thể lấy ngắn nuôi dài được.
Vào một đêm, tôi mới sắm một mâm cỗ thịnh soạn để cúng cô hồn, đứng ra van vái:
- Tôi tên Vĩnh Kim, làm nghề thủ công mỹ nghệ. Đêm nay xin có mâm cúng chúng sinh gồm quần áo, giấy tiền vàng bạc cùng cháo thí phẩm gởi đến các oan hồn uổng tử, các cô hồn các đãng đang khuất mặt khuất mày đến hưởng qua chút lòng thành của tôi. Sau xin phù hộ cho tôi sớm hoàn thành cái tráp sơn mài cho ngài Lê Kiệt được hạnh thông nhanh chóng, vì nếu kéo dài tôi sẽ mất đi nhiều khách hàng quen thuộc lâu năm. Mọi sự được sở cầu như ý, lần sau tôi xin cúng hậu tạ đến các vị một con heo quay...
Tôi không ngờ sau lời van vái trước mâm cúng chúng sinh, bầu trời bỗng nhiên trở gió và âm u khác thường, mọi vật trước mắt đều như tối sầm lại rồi bắt đầu có nhiều ánh ma trơi lập lòe xuất hiện.
Người ta nói ánh ma trơi là âm hồn của các hồn ma bóng quế đang sống vất vưởng ở cõi trần gian, tôi tự hỏi như vậy lời van vái của tôi đã đến tai các oan hồn uổng tử và bọn chúng đang đến để thụ lộc đây sao?
Mà thật vậy, những ánh ma trơi sau khi bay lượn lập lòe bắt đầu hiển hiện thành hình bóng. Tôi nhận ra bọn chúng toàn những người mặc áo lính trận vùng biên phòng. Cả bọn cô hồn các đảng không nói không rằng xúm nhau tranh lấy phẩm vật mà tôi đang cúng cho chúng ăn.
Trong đó có một hồn ma vừa ăn vừa nói:
- Mi hãy bình tĩnh đừng sợ hãi, bọn ta đã nghe lời mi van vái rồi, vì bọn ta chính là lính của tên độc ác Lê Kiệt đây!
Lúc này tôi mới bớt kinh sợ, lấy lại bình tĩnh trước các hồn ma bóng quế đang hiện trước mắt, nhưng cũng hết sức ngạc nhiên khi nghe chúng hằn học nói về quan Tổng binh. Tôi hỏi:
- Tại sao các vong hồn lại đói khát rách rưới đến như vầy? Tại sao các vong hồn cho rằng quan Tổng binh Lê Kiệt là người độc ác?
Tức thì bọn ma đói đã nhao nhao lên nói:
- Bọn ta thấy mi đang mắc vào tai kiếp khi nhận làm cái hộp sơn mài cho tên Lê Kiệt, vì mi cũng sẽ phải chết như bọn ta!
Tôi nghe bọn ma đói lên tiếng hăm dọa bèn thất thần hỏi lại ngay:
- Tôi thấy quan Tổng binh là người ăn ở có nhân tâm, tính tình hiền lành, đâu độc ác như các vong hồn vừa nói? Và tại sao các vong hồn lại nói tôi mắc vào tai kiếp sẽ phải chết?
Lúc này có một con ma đói lên tiếng trả lời:
- Tên Lê Kiệt ngoài mặt là một ngụy quân tử, còn bụng hắn chứa toàn rắn rết và dao găm! Hắn thường giết người vô tội, cướp bóc vàng bạc châu báu rồi đem đi chôn giấu. Đến bọn ta khi chôn xong số của cải này đều bị hắn giết sạch không còn ai để diệt khẩu.
Rồi một hồn ma khác nói tiếp:
- Cái hộp tráp mà hắn nhờ mi làm cốt để giấu tấm bản đồ kho tàng gởi về cho người thân. Nên sau khi mi làm xong cũng sẽ bị giết để không ai biết đến cái tráp có giấu tấm bản đồ kho tàng phi nghĩa đó. Nên bọn ta nói mi mắc vào tai kiếp là vậy!
Vĩnh Kim sau khi nghe các vong hồn uổng tử nói xong càng cảm thấy sợ hãi.
Anh không sợ những hồn ma bóng quế đang hiện trước mặt mà bắt đầu sợ quan Tổng binh giết anh diệt khẩu như bọn ma đói này. Tuy trong lòng đang sợ chết nhưng lòng tham con người vẫn trỗi dậy trong đầu Vĩnh Kim. Anh tính đến một viễn cảnh xán lạn sẽ xuất hiện trong tương lai. Vì thế Vĩnh Kim lại lên tiếng hỏi bọn cô hồn:
- Kho tàng này được Lê Kiệt chôn giấu ở đâu?
Ý nghĩ trốn chạy trước cái chết, và khi chạy trốn anh sẽ đi tìm kho tàng của Lê Kiệt để trở thành một kẻ giàu sang phú quý. Nhưng bọn ma đói đã trả lời:
- Thứ nhất thiên cơ bất khả lậu, thứ hai đây là một kho tàng phi nghĩa, bọn ta làm ma giữ của nếu ai đến lấy nó mà không có tâm đức, tham lam đều phải chết! Cũng như bọn ta từng nguyền rủa tên Lê Kiệt khi chết sẽ không có ai để nối dõi tông đường.
Nói xong các oan hồn mới dần dần biến thành từng ánh ma trơi, bay đi tứ tán không còn thấy đâu nữa. Người còn lại là Vĩnh Kim, anh sững sờ trước các tin tức mà bọn cô hồn uổng tử tiết lộ. Anh phân vân chuyện kho tàng, chuyện Lê Kiệt giết anh diệt khẩu thực hư ra sao?
Nhưng có một thực tế làm Vĩnh Kim phải tin vào lời các hồn ma nói ra, khi véo tay vào đùi anh vẫn cảm thấy đau đớn, nên đây đâu phải là giấc mơ huyền hoặc. Như vậy chắc chắn anh đã mắc vào tai kiếp, bây giờ chỉ còn con đường là trốn khỏi nơi đây.
Ngay ngày hôm sau Vĩnh Kim liền khăn gói tạm bỏ trốn. Anh tìm một nơi gần nhà để ẩn thân hòng nghe ngóng động tĩnh. Mà quả thật, sau mấy ngày liền không thấy Vĩnh Kim đến, quan Tổng binh Lê Kiệt cho quân lính đi tìm anh khắp nơi.
Vĩnh Kim bấy giờ đã hiểu, không phải chỉ có cái tráp sơn mài cỏn con mà quan Tổng binh phải sục sạo tìm kiếm anh suốt mấy ngày liền, đúng ông ta đang tìm anh nhằm diệt đầu mối...
Kể đến đây người hành khất già không nói tiếp nữa, càng khiến cho Trần Thành nôn nóng tò mò. Ông ta lại lên tiếng hỏi:
- Mi trốn đi được thì đến nơi khác làm ăn, cớ sao bây giờ thành kẻ ăn mày bẩn thỉu rách rưới như vầy?
Người hành khất già lại chìa tay ra xin tiền nhưng Trần Thành đã nói ngay:
- Ta không bố thí nữa mà sẽ đưa mi về nhà nuôi dưỡng, nhưng mi phải trả lời câu hỏi của ta trước.
Bấy giờ Vĩnh Kim - tên người hành khất già - mới tâm sự kể tiếp:
- Con người ai cũng có lòng tham, khi biết lão Lê Kiệt muốn giết tôi diệt khẩu, mà ông ta đang trấn nhậm cả tỉnh Vân Nam nên lấy nơi đâu để trốn trong khi hình của tôi lại dán đầy ngoài phố, ngoài chợ? Quả là một tên ác ôn, làm tôi muốn trả thù bằng cách đi tìm kho tàng của ông ta chôn giấu đâu đó để mong thành một phú gia. Nhưng rồi lúc cúng cô hồn, Vĩnh Kim nắm được một số chi tiết về các hồn ma hiện về trong đêm đó, bọn cô hồn uổng tử đều là lính trận biên phòng. Vì thế anh lặn lội đi dọc theo vùng ba biên giới Trung - Việt – Lào để hỏi thăm một số lính biên phòng mất tích.
Vĩnh Kim đi như thế gần cả năm mới phát hiện ở đồn biên phòng gần huyện Giang Thành, có khoảng mười tên lính vượt biên giới vào đất Việt, và đã mấy năm trời không ai còn nghe tông tích.
Nhờ tin tức này Vĩnh Kim lần theo dấu vết, anh đi xuống phía Nam bắt đầu băng rừng vào các tỉnh Lai Châu, Sơn La của đất Việt. Nhưng không phát hiện ra mười tên lính biên phòng đã đi đến đâu. Cuối cùng Vĩnh Kim nhớ lại mâm cúng cô hồn khi còn ở Vân Nam, anh mới mua vàng mã, lễ vật đặt giữa rừng đêm mà khấn vái:
- Tôi tên Vĩnh Kim, làm nghề thủ công mỹ nghệ ở tỉnh Vân Nam, đêm nay xin có mâm cúng chúng sinh, xin mời các oan hồn uổng tử của tên Tổng binh Lê Kiệt đến thụ hưởng, gia ân cho chút lòng thành của tôi, cho tôi được gặp mặt các người...
Vĩnh Kim mới vừa van vái xong mấy câu đã thấy các hồn ma lính trận hiện đến. Bọn chúng vẫn là lũ ma đói đang giành nhau nhưng phẩm vật cúng kiến mà ăn lấy ăn để. Ăn xong một hồn ma mới nhìn thẳng vào Vĩnh Kim nói:
- Mi về đi, đường đến kho tàng của tên Lê Kiệt còn xa xôi lắm. Và mi cũng đừng mơ tưởng đến nó, bọn ta đã có lời nguyền làm ma giữ cửa kho tàng phi nghĩa này. Khi ai đến lấy nó mà không có tâm đức đều phái chết! Tâm tính mi đã nổi lòng tham cho nên sẽ không lấy được kho tàng này đâu. Nhưng bọn ta tha tội chết cho mi mà chỉ nguyền rủa, mi sẽ không bao giờ được giàu sang phú quý!
Nói xong cả bọn ma đói lại biến mất không nói thêm một lời nào.
Vĩnh Kim lì lợm không chịu bỏ cuộc, anh tiếp tục băng rừng đi qua cả bên Ai Lao, đến địa phận tỉnh Sầm Nứa mà không tìm được dấu tích kho báu, lúc bấy giờ anh mới hiểu nếu không có tấm bản đồ hay có các oan hồn uổng tử chỉ lối đưa đường thì kho tàng này chỉ là ảo ảnh trong mắt kẻ mù mà thôi.
Nghĩ vậy làm Vĩnh Kim muốn quay trở về cố quốc nhưng không kịp nữa.
Những ngày sống trong cảnh rừng thiêng nước độc anh bị căn bệnh sốt rét hoành hành làm thân thể bại hoại. Rồi may mắn anh lê chân đến được một bản làng người Dao, được mọi người cứu qua cơn bệnh hiểm nghèo.
Trong những ngày nằm chữa trị bệnh sốt rét tại bản làng, Vĩnh Kim được một cô gái Dao phải lòng và cưới anh làm chồng. Cả hai chung sống cho đến ngày người vợ Dao qua đời mà cả hai người không có được một mụn con. Khi đó Vĩnh Kim mới nhìn lại chính mình, thấy tuổi tác đã già tính ra đã xa quê hương trên ba mươi năm dài, làm anh nhớ đến bà con họ hàng nên nhất quyết quay trở về Vân Nam.
Với tuổi trên sáu mươi mà trong Vĩnh Kim già sọm, có lẽ do căn bệnh sốt rét hành hạ triền miên khiến anh không thể làm việc được, đành đi xin của bố thí suốt đoạn đường về.
Khi về đến Vân Nam, họ hàng Vĩnh Kim cũng đã tứ tán thập phương vì loạn lạc. Anh mới nhờ xe đi đến kinh thành, một nơi phồn hoa đô hội có nhiều kẻ giàu sang phú quý, hành nghề ăn xin mới khá được...
Kể đến đây Vĩnh Kim mới kết luận:
- Ngài đã biết vì sao tôi trở thành kẻ ăn mày và thường ma mãnh nói "nếu bố thí một xu sẽ được trả ơn đáng giá ngàn vàng", bởi tôi biết trên đời có rất nhiều người còn mang túi tham không đáy như tôi khi xưa, tôi sẽ dễ xin ăn hơn. Và không biết sau câu chuyện kể sẽ có bao người sẽ động lòng tham nhỉ?
Trần Thành từng làm quan thái giám trong Tử Cấm Thành, ông ta biết cung phi Lệ Châu là cháu ruột của Lê Kiệt và đang ở đâu. Việc lần mò ra cái hộp sơn mài có giấu tấm bản đồ kho tàng sẽ không khó khăn lắm.
Trần Thành cũng như Lê Kiệt chỉ là một ngụy quân tử ngoài mặt, tỏ ra từ tâm bác ái trước một tên Vĩnh Kim nghèo hèn khốn khổ, ông ta bèn nhìn người hành khất già với đôi mắt tràn đầy sự cảm thông rồi ôn tồn lên tiếng nói:
- Ta đã giàu sang phú quý, tài sản ăn suốt ba đời không hết nên không màng đến cái kho tàng mà mi vừa kể, và vì thấy nó mơ hồ hoang tưởng quá. Nhưng ta đã hứa sẽ đưa mi về nuôi dưỡng cho đến hết cuộc đời, vậy mi hãy đi theo ta.
Ông già hành khất Vĩnh Kim như người từ trên trời rơi xuống, không ngờ gặp được quý nhân giữa thời buổi đất nước loạn ly nghèo khó. Và Vĩnh Kim cũng bằng đôi mất nhìn Trần Thành tỏ sự biết ơn, đoạn run run giọng đáp:
- Tôi thật đội ơn ngài đã cứu khổ cứu nạn, tôi xin nguyện làm thân khuyển mã phục vụ cho ngài suốt cuộc đời còn lại.
Trần Thành không nói gì, ông ta chỉ ve vuốt ông già hành khất Vĩnh Kim vài cái thân mật rồi đưa ra xe trở về nhà. Đây là lần đầu tiên trong đời ông già Vĩnh Kim được ngồi trên xe hơi, bên cạnh lại là một người giàu sang phú quý không phân biệt giai cấp sang hèn, không tham cái kho tàng mới được nghe, làm khuôn mặt ông ta cứ luôn hớn hở.
Vĩnh Kim nào biết trong bụng Trần Thành đang nuôi dưỡng toàn rắn rết dao găm. Trần Thành đang nghĩ đến con đường mà quan Tổng binh Lê Kiệt đã đi qua:
giết người diệt khẩu. Bằng cái cung cách ăn xin của Vĩnh Kim sẽ có bao người sẽ tin như ông ta đang tin. Cũng vì tính đa nghi như Tào Tháo, ông ta không muốn để Vĩnh Kim cứ đi xin của bố thí ăn nói luông tuồng để rồi đây cùng sẽ có người tin. Mà nuôi dưỡng tuổi già Vĩnh Kim là điều không tưởng với Trần Thành, khi giá trị sử dụng ông già hành khất không còn nhiều, ông ta đâu thừa tiền làm việc công đức từ thiện này.
Còn Vĩnh Kim ngồi trên xe đang vui mừng hớn hở, chợt nhiên đôi mắt ông ta đã mở trợn trừng nhìn Trần Thành không chớp, miệng ú ớ nói qua hơi thở đang sắp tắt:
- Thì ra ông cũng muốn giết người diệt khẩu như tên Lê Kiệt độc ác. Tôi đã nhìn lầm người, trời tru đất diệt ông, tôi sẽ làm ma hiện về báo oán!
Miệng Vĩnh Kim nguyền rủa còn chân tay dãy giụa từ mãnh liệt cho đến lúc phải buông xuôi. Trần Thành từng nghe nhiều lời nguyền rủa nên chỉ để ngoài tai, lúc này ông ta đang nở nụ cười nham hiểm và độc ác khi tay cầm con dao nhọn cứ ấn sâu vào trong tim ông già hành khất Vĩnh Kim, miệng nói:
- Mi nói nhiều quá, nếu để mi sống ta sợ đêm dài lắm mộng. Thôi hãy về dưới cõi âm ty sống cùng bọn lính biên phòng làm thứ ma đói canh giữ kho tàng. Ta hẹn có ngày sẽ đến kho tàng Lê Kiệt tìm mi!
Từ khi Trần Thành gặp được ông già hành khất Vĩnh Kim, ông ta mới biết cái hộp sơn mài mà cung phi Lệ Châu dùng chứa đồ trang điểm ở dưới đáy có tấm bản đồ kho báu của Lê Kiệt đã vẽ nơi chôn giấu ơ một nơi nào đó trên đất Việt Nam.
Giết xong ông già hành khất, Trần Thành tin rằng tấm bán đồ kho tàng của Lê Kiệt là có thật vì sau khi tìm hiểu về gia đình quan Tổng binh, ông ta biết thật sự có cái hộp sơn mài đã ở trong tay cung phi Lệ Châu.
Vì không hiểu có phải từ lời nguyền của các hồn ma bọn lính biên phòng mà Trần Thành được biết, trong thời gian còn trấn nhậm vùng ba biên giới, quan Tổng binh Lê Kiệt bỗng nhiên đột tử qua đời. Riêng về cái hộp sơn mài đã được Lê Kiệt gửi về kinh thành cho vợ, sau đó trước khi qua đời bà ta trao cho cô con gái độc nhất là Lệ Hằng lúc đi về nhà chồng.
Lệ Hằng theo sống cùng chồng và sinh được Lệ Châu, nhưng khi sinh con bà ta bị băng huyết mà chết tức tưởi. Lệ Hằng chỉ kịp trăn trối với chồng xin trao lại kỷ vật tức cái hộp sơn mài nhà họ Lê cho con gái sau này làm kỷ niệm.
Cuối cùng của hộp sơn mài có giấu tấm bản đồ đang trong tay cung phi Lệ Châu. Nhưng rồi Trần Thành lại kém may mắn khi nghe bà cung phi nói, cái hộp sơn mài đã thất lạc ngay từ lúc chạy loạn liên quân, có lẽ lúc mọi người vào hôi của con nô tỳ Thôi Oanh Oanh đã lấy đi rồi, vì thấy cái hộp không đáng giá nên bà không muốn tìm lại nữa.
Trong nội cung lúc bấy giờ ái cũng biết tỳ nữ Thôi Oanh Oanh là giám hậu của viên thái giám Hoàng Bảo Trứ, mà họ Hoàng lại dưới quyền của Trần Thành. Tức tốc ông ta đi tìm viên thái giám họ Hoàng, nhưng mọi người đã chạy loạn tứ phía bóng chim tăm cá biết đâu để tìm.
Qua một thời gian Trần Thành mới biết Hoàng Bảo Trứ đang sống ở đài Bắc làm việc cho bang Rồng Xanh, đến khi ông ta đến nơi thì họ Hoàng đã xin qua Đ6ng Dương hoạt động kinh doanh. Trần Thành hiểu giá trị cái hộp sơn mài mà vợ chồng viên thái giám vô tình lấy đi vì thế ông ta cũng qua đấy.
Cuối cùng Trần Thành chỉ nhận được gần chục cái hộp sơn mài không phải của cung phi Lệ Châu đã thất lạc. Ông ta còn đang tức giận với bao nhiêu công sức tiền của bỏ ra, lại nhận được tin:
- Thưa chủ nhân, vợ chồng tên Hoàng Bảo Trứ đã giao trang trại Quỳnh Hương ra đi, không ai biết vợ chồng hắn đi đến đâu.
Trần Thành có tính đa nghi, ông ta càng nghi ngờ vợ chồng Hoàng Bảo Trứ đang trên đường đi đến kho tàng của Lê Kiệt. Thêm một lần nữa ông ta cho bọn đàn em đi truy tìm viên thái giám họ Hoàng...
Hoàng Bảo Trứ như bắt được vàng, ông không ngờ trong tay có tấm bản đồ kho báu quý giá mà Trần Thành đêm ngày mơ ước.
Tấm bản đồ kho tàng được vẽ tường tận chi li. Lê Kiệt muốn giữ khái niệm về vùng ba biên giới, ông ta cho bọn lính dưới quyền đi giấu kho tàng nằm tận trong dãy rừng núi Mường Mây tức vùng biên giới của ba nước Đông Dương.
Lê Kiệt vẽ từ cảng biển Hội An đi theo đường bộ qua vùng Phước Sơn mà họ Hoàng đã lập trại Quỳnh Hương, từ đây theo dòng sông đến Xản Xay, rồi đi bộ về hướng Đông chừng mười dặm đường có dãy núi sẽ thấy một cây sồi cao và chờ cho mặt trời ngã hướng Tây sẽ lộ ra một hang đá, mà bên ngoài đầy cây cối rậm rạp che khuất đường vào.
Hoàng Bảo Trứ không tin rằng vợ chồng ông có cơ duyên và may mắn đến vậy. Bởi không hiểu tại sao khi ông qua đây lập trại Quỳnh Hương lại trùng khớp với đường đi đến kho tàng.
Nhìn bản vẽ thấy xa xăm mà lại thật gần, nếu nhìn vào tấm bản đồ Đông Dương thì kho tàng của Lê Kiệt đang nằm trong dãy Trường Sơn gần vùng Daksut thuộc Gia Lai Kon Tum. Mà từ Phước Sơn vào rừng rồi đi xuống phía nam không bao xa sẽ đến ngay địa điểm cất giấu kho báu này.
Khi Hoàng Bảo Trứ từ giã Gia Viễn - người chủ mới của trại Quỳnh Hương, họ Hoàng nói với vợ:
- Vợ chồng ta được trời đất hay ông Bổn thương tình, cho làm chũ kho tàng của quan Tổng binh Lê Kiệt để lại. Nay vợ chồng ta già yếu, đứa con nuôi còn nhỏ dại, số của cải này không cần thiết phải lấy để hưởng thụ, nên ta muốn dùng nó để xây chùa cất miếu nhằm tôn kính ngài Phúc Đức Chánh Thần đã cho vợ chồng ta gặp nhiều may mắn.
Nói xong viên thái giám chỉ vào một ngôi nhà xiêu vẹo bên đường, đoạn ông ta nói tiếp:
- Ta phải đi ngay đến kho báu lấy một ít làm chuyện công đức như vừa nói, nếu không tên gian ác tham lam Trần Thành biết hắn sẽ đến chiếm đoạt để hưởng thụ cá nhân. Nhưng đường đi còn xa lạ lại núi rừng lắm chông gai hiểm trở thêm khí hàn độc địa, vậy nàng cùng thằng Hoài Tử ở lại đây chờ ta về.
Nói xong viên thái giám Hoàng Bảo Trứ tất tả lên đường theo hướng đã định. Ông ngày đi đêm nghĩ, miệng luôn ngậm ngải để tránh cảnh rừng thiêng nước độc luôn xâm hại con người, thứ ngải mà dân đi rừng thường ngậm để tìm trầm hương, kỳ nam rất có hiệu nghiệm. Loại ngải tìm trầm sẽ khiến cho thú dữ phải lánh xa, khí hàn không làm tổn bại sức khỏe và làm cho đôi mắt sáng nhìn thấu cả màn đêm.
Ngoài những đề phòng đó, Hoàng Bảo Trứ vừa đi vừa cầu khấn đến các vị thần linh từ cõi âm cho đến cõi dương, nhất là vị Phúc Đức Chánh Thần mà ông tôn sùng từ xưa đến nay:
- Con lạy ông Bổn, con không vì tham lam số của cải nhà họ Lê mà dấn thân vào nơi nguy hiểm. Con chỉ muốn đến nơi xin một chút của cải đó mang về giúp đỡ người nghèo hay xây chùa cất miếu để tích đức!
Họ Hoàng đi ròng rã như thế gần một tuần lễ đã đến nơi. Ông thấy ngay một cây sồi cao hiện ra trước mắt. Cây sồi lại mọc đơn độc trên một gò đất cao ráo, phủ bóng mát cả một khu vực rộng lớn. Viên thái giám Hoàng Bảo Trứ đến nơi thì mặt trời còn nằm trên đỉnh đầu, ông phải chờ đợi như lời quan Tổng binh Lê Kiệt dặn trong bản đồ:
chờ cho mặt trời ngã về Tây sẽ lộ ra một hang đá, mà bên ngoài đầy cây cối rậm rạp che khuất đường vào.
Quả thật trong lúc này viên tháí giám chỉ thấy toàn cây cối, không có một cái hang đá hay núi đá nào hiện trước mắt. Thấy còn gần hai canh giờ trời mới về chiều, nên ông nằm dưới gốc cây tạm nghỉ ngơi chờ đợi. Rồi trong giấc ngủ tạm bợ họ Hoàng chợt nhận ra có người đang lay chân cho ông tỉnh dậy.
Vừa mở mắt Hoàng Bảo Trứ phải kinh hãi, trước mặt ông có đến mười con ma mặc áo lính đang nhảy cà tưng theo sau một bóng ma ông tướng có bộ râu quai nón tiến đến chỗ ông nằm. Viên thái giám họ Hoàng không thể không biết, ông tướng có bộ râu quai nón chính là quan Tổng binh Lê Kiệt, người chủ kho tàng nơi đây.
Lúc này bóng ma Lê Kiệt nhìn vào viên thái giám họ Hoàng mà thét lớn:
- Đây là kho tàng ta chôn giấu dành cho người nhà họ Lê, mi muốn lấy nó sẽ phải chết!
Nói xong các bóng ma mới tiếp tục nhảy cà tưng xếp thành vòng tròn bao quanh Hoàng Bảo Trứ, chúng nghe chủ nhân thét lập tức cũng gào thét theo:
- Sẽ phải chết! Sẽ phải chết!
Viên thái giám Hoàng Bảo Trứ lo sợ cuống cuồng khi thấy các bóng ma càng lúc trở nên quái dị, có tên mặt tím bầm, có tên mặt vàng nhưng cũng có tên mạt đỏ như máu, nhưng mười con ma mặc áo lính đều có thứ giống nhau như mí mắt đen hai mắt lồi trắng dã, còn đôi môi đen sì cùng với cái lưỡi lè dài xuống đến tận ngực - là cái chết do treo cổ.
Hoàng Bảo Trứ lúc này đã quá sợ hãi, ông phải lên tiếng phân trần:
- Tôi không có ý định chiếm đoạt kho tàng, chỉ muốn xin một ít đem về giúp đỡ kẻ nghèo đang khốn khó để tu nhân tích đức thôi.
Bóng ma Lê Kiệt vẫn tỏ ra giận dữ, liền quát:
- Ta biết hết, vợ mi - con tỳ nữ Thôi Oanh Oanh lấy được tấm bản đồ từ nơi nội cung của cháu gái ta. Vậy mi dám hồ đồ nói đến đây xin một ít để giúp đỡ người nghèo, ta thật khó tin.
Viên thái giám lại tiếp tục phân trần:
- Thưa âm hồn ngài Lê Kiệt, hãy hiểu cho chúng tôi. Thôi Oanh Oanh do vô tình cũng như mọi người khi vào cung hôi của, nàng đã lấy cái tráp sơn mài của bà Lệ Châu mà không hề biết bên trong có tấm bản đồ kho tàng mà ngài đang cất giấu.
- Vậy tại sao mi biết mà tìm đến?
Hồn ma Lê Kiệt tiếp tục truy vấn họ Hoàng, còn ông lại thành thật đáp:
- Do quan thái giám Trần Thành luôn bỏ công đi truy tầm kho báu của ngài, chính ông ta tìm đến vợ chồng tôi cho biết bí mật về cái tráp của bà Lệ Châu, vì vậy tình cờ tôi mới phát hiện ra tấm bản đồ.
Bóng ma Lê Kiệt vẫn chưa tin, hồn ma cứ thét:
- Ta đã từng thề sẽ giết chết những ai biết đến kho tàng như mười tên ma cà tưng này. Vậy mi cũng đã tới số, hãy về làm ma giữ cửa cho ta!
Nói xong tất cả mười một bóng ma đều vươn hai tay thẳng ra trước, chân nhảy cà tưng tiến sát đến bên viên thái giám. Có bóng ma đã đưa tay ngay vào cổ hay nắm chặt lấy chân tay ông, khiến họ Hoàng phải hốt hoảng thốt lên:
- Đừng giết tôi! Tôi xin đi khỏi nơi đây!
Nhưng những bóng ma vẫn không buông tha, những cánh tay ma cứ siết chặt lấy cổ ông, rồi đột nhiên có một thứ ánh sáng chói lòa như ánh hào quang xuất hiện làm mười một con ma phải rút tay trở lại và lùi xa khỏi viên thái giám.
Hoàng Bảo Trứ chưa hết kinh hoàng, đôi mắt còn mờ mờ ảo ảo do các hồn ma vừa bóp cổ, ông chỉ nghe bóng ma Lê Kiệt nói với bọn ma cà tưng:
- Ngàí Phúc Đức Chánh Thần xuất hiện, đúng tên thái giám này nói thật, hắn chỉ muốn đem số của cải trong kho tàng về xây chùa cất miếu hay giúp đở người nghèo. Bọn ta phải nghe theo lời ngài.
Đến khi đôi mắt họ Hoàng nhìn đã rõ, ông không thấy hình bóng vị Thượng Đẳng Thần Phúc Đức nữa còn bọn ma cà tưng cùng hồn ma quan Tổng binh Lê Kiệt cũng đã biến mất từ bao giờ. Trái lại trước mắt viên thái giám bóng cây sồi đã ngã về Tây. Bóng ngọn cây đang đâm thẳng vào một khe núi đá đang hiện rõ ra sau những bụi cây sầm uất um tùm.
Dù đã trông thấy đường vào kho tàng, nhưng viên thái giám Hoàng Bảo Trứ vẫn còn run sợ trước hình bóng của mười một con ma cà tưng vừa định giết chết ông. Họ Hoàng đâm phân vân không rõ những hình ảnh ma quái và câu nói của hồn ma Lê Kiệt và ngài Phúc Đức Chánh Thần thực hư ra sao...
Bỗng viên thái giám Hoàng Bảo Trứ nghe văng vẳng bên tai có tiếng người từ trên cao dội xuống:
- Mi cứ can đảm mà vào lấy số của cải cần thiết đem về làm theo tâm nguyện. Bọn ma kia không dám xuất hiện nữa đâu.
Mặc dù không thấy hình bóng ai nhưng họ Hoàng biết ông Bổn Tài Thần vừa lên tiếng, có lẽ vì nhân thần đã độ cho ông hoàn thành tâm nguyện mà trước lúc lên đường ông từng khấn vái cầu xin.
Viên thái giám Hoàng Bảo Trứ bước vào khe núi đá chỉ vừa đủ lọt một người. Lúc này trời đã về chiều nên hang đá rất tối tăm, họ Hoàng phải đốt đuốc lấy ánh sáng mà đi. Ông đi sâu vào bên trong thấy hang đá càng lúc mở rộng ra trước mắt.
Rồi sự sợ hãi lại kéo đến, lâu lâu Hoàng Bảo Trứ thấy một bộ xương người treo lủng lẳng như bị treo cổ, như đe dọa những ai bước chân vào đây. Ông đếm có tất cả mười bộ xương người bị treo cổ như vậy mới đến nơi Lê Kiệt cất giấu của cải.
Kho tàng chỉ có ba cái rương gỗ, một rương chứa vàng nén bạc nén, một rương chứa toàn vật trang sức được chế tác từ ngọc ngà châu báu với kim cương óng ánh qua ánh lửa ngọn đuốc và một rương gồm những cổ vật quý hiếm, đa số thuộc tượng làm bằng đồng đen hoặc vàng ròng bạc trắng nguyên chất.
Lúc này viên thái giám Hoàng Bảo Trứ không nghĩ quan Tổng binh Lê Kiệt lại giàu có đến vậy, số của cải này không phải do mồ hôi nước mắt ông ta tạo ra; đây có lẽ thuộc thứ của cải khi làm quan Lê Kiệt đi đến đâu trộm cắp hay cướp bóc đến đó, tích lũy lâu năm giờ phải cất giấu của phi nghĩa này.
Như tâm nguyện, viên thái giám họ Hoàng chỉ lấy một ít của cải trong kho tàng. Trước khi từ giã kho báu đầy những hồn ma. Hoàng Bảo Trứ liền đốt luôn tấm bản đồ rồi van vái:
- Tôi xin khấu đầu lạy các cô hồn uổng tử. Tôi xin đốt tấm bản đồ này và có tâm nguyện, nếu ai có duyên may, có tâm đức tốt đẹp thì trời đất sẽ dẫn đường đưa lối còn bằng không như các người đã có lời nguyền, sẽ giết những ai đụng đến kho tàng cho làm ma giữ của.
Từ đừ viên thái giám Hoàng Bảo Trứ cùng vợ - bà giám hậu Thôi Oanh Oanh đi khắp nơi, lúc dừng chân xây chùa cất miếu hoặc gặp đền chùa miếu mạo nghèo nàn vào cúng dường làm phước. Đặc biệt mỗi khi Hoàng Bảo Trứ xây dựng đền miếu, ông chỉ thờ có một vị chánh thần Châu Đạt Quan tức ông Bổn, hay còn gọi Tài Thần, là vị nhân thần được các hoàng đế từ đời nhà Nguyên, Minh đến nhà Thanh phong sắc Phúc Đức Chánh Thần.