Dịch giả: Phan Đan và Phan Linh Lan
- 4 -

Ngoài cửa sổ chúng tôi nghe tiếng xe hơi chạy ra ga, chuyến tàu 8h10. Để đưa bà con họ mạc về. Những cái đầu cú tự nhân mãi lên mà không có thợ hớt tóc. Những cô thợ sửa móng tay. Có lần chúng tôi nuôi được một con ngựa thuần chủng. Phải, ở trong chuồng, nhưng dưới bộ yên cương là một con chó hạng bét. Quentin đã bắn tất cả các giọng của họ qua sàn phòng Caddy
Xe dừng lại. Tôi xuống xe, ngay giữa bóng mình. Một con đường cắt ngang đường ray. Trước căn lều gỗ một ông già đang ăn gì đó đựng trong một bao giấy và rồi tiếng xe cũng mất hút. Con đường chui dưới đám cây, nơi lẽ ra phải râm mát, nhưng tán lá tháng sáu ở New England này cũng không dày hơn tháng Tư ở quê nhà Mississippi. Tôi thấy một đám khói. Tôi quay lưng lại phía dó, dẫm lên bóng mình trong lớp bụi. Có một cái gì khủng khiếp trong em thỉnh thoảng ban đêm em thấy nó nhăn nhở cười với em em thấy nó qua họ cười nhăn nhở với em qua khuôn mặt họ bây giờ nó đirr và em ốm
Caddy
Đừng động đến em anh hứa đi
Nếu em ốm em không thể
Có em có thể sau đó sẽ ổn cả không thành vấn đề đâu đừng để họ đưa nó đi Jackson anh hứa đi
Anh hứa Caddy Caddy
Đừng động đến em đừng động đến
Cái đó trông nó thế nào Caddy
Cái gì
Cái nhe răng cười với em qua họ
Tôi vẫn thấy làn khói. Chắc đó là nơi dòng sông đổ ra biển khơi và những hang động thanh bình. Chúng sẽ nhẹ nhàng, ngã nhào uống êm ả và khi Người phán Hãy đứng dậy sẽ chỉ có hai chiếc bàn ủi. Lúc nào Versh và tôi đi săn suốt ngày chúng tôi không đem theo bữa trưa và đến mười hai giờ tôi sẽ đói. Tôi đói đến tận một giờ rồi bỗng thật đột ngột tôi quên hết không còn biết là mình đói nữa. Những ngọn đèn đường chạy xuống đồi rồi tiếng xe chạy xuống đồi. Tay ghế phẳng êm mát dưới trán tôi in hình chiếc ghế cây táo ngả trên tóc tôi bên trên vườn địa đàng những tấm vải trải giường bởi cái mùi được thấy Em đang lên cơn sốt anh thấy từ hôm qua nóng như một lò lửa.
Đừng động vào em.
Caddy nếu em ốm em không thể làm như thế. Thằng đê tiện ấy.
Em phải lấy một người nào đó chứ. Rồi họ bảo tôi cái lóng xương thế nào cũng phải gãy lần nữa
Cuối cùng tôi không còn thấy đám khói. Con đường chạy men theo một bức tường. Cây cối ngả trên tường, được tưới đẫm ánh nắng. Đá tường mát lạnh. Đi bên cạnh tường cũng cảm thấy cái lạnh. Đi bộ qua vùng này cũng thấy được một cái gì đó. Một thứ phì nhiêu lặng lẽ và mãnh liệt có thể thoả mãn mọi cơn đói ăn. Chảy tràn trề xung quanh, không trùm phủ mà nuôi dưỡng từng viên đá khô kiệt. Như thế nó chính là thứ tạm thời thay thế cho màu xanh rải rác giữa cây cối và cả màu lam của không gian chứ không phải những ảo tưởng tráng lệ kia. Báo tôi rằng cái xương phải gãy một lần nữa và bên trong tôi bắt đầu kêu A A A và tôi toát mồ hôi. Tôi cần gì tôi biết một cái chân gãy là thế nào tất cả chuyện đó chẳng đáng kể tôi chỉ phải ở trong nhà thêm ít lâu thế thôi và cơ hàm tôi tê cứng lại và miệng tôi vẫn nói Khoan đã Đợi một phút thôi qua lớp mồ hôi a a sau hàm răng cắn chặt tôi và bố con ngựa khốn kiếp ấy. Khoan đã lỗi ở tôi. Mỗi buổi sáng nó đi men hàng rào với một cái giỏ đến nhà bếp kéo lết một cây gậy dọc theo hàng rào mỗi sáng, tôi lê chân đến bên tướng và tất cả và đợi nó với một mẩu than Dilseys nói cậu sắp làm hại cái thân cậu cậu mất trí hay sao mà làm thế cậu mới gãy chân chưa đầy bốn ngày. Đợi chút tôi sẽ quen ngay với nó đợi một chút thôi tôi sẽ
Ngay cả âm thanh dường như cũng rơi tõm trong bầu không khí, như thể không khí đã quá chán ngán cái việc truyền tiếng động bao lâu nay. Dù sao trong bóng đêm, tiếng chó sủa cũng vang xa hơn tiếng tàu hoả. Và giọng của một vài người. Bọn da đen. Louis Hatcher không bao giờ dùng đến chiếc tù và lúc nào cũng kè kè bên người và chiếc đèn lòng cũ nát ấy. Tôi nói "Bác Louis, bác chùi cái đèn kia từ hồi nào?"
"Tôi mới chùi cách đây không lâu. Cậu có nhớ hồi nước lụt cuốn trôi bao nhiêu người ở mạn trên không? tôi chùi đèn vào đúng hôm ấy đấy. Đêm ấy bà lão nhà tôi và tôi đang ngồi cười và bà ấy bảo "Louis, nước lụt tràn tới đây thì ông tính sao?" và tôi bảo "Chuyện ấy tính sau. Tôi nghĩ tốt nhất cứ chùi cái đèn này đã". Thế là đêm ấy tôi chùi đèn".
"Lụt đã mãi tận Pennsylvania" tôi nói. "Làm sao nó tràn xuống đây được?"
"Cậu cứ nói thế" bác Louis nói. "Tôi tưởng nước cũng sẽ ngập Jefferson như ở Pennsylvania ấy chứ. Người ta bảo lụt có thể tràn xuống đây ngập cả mái nhà kia".
"Đêm ấy bác và Martha có ra khỏi nhà không?"
"Chúng tôi đi chứ. Chùi đèn xong là tôi với bà ấy ngồi ròng rã nửa đêm trên cái gò sau nghĩa địa. Giá tôi biết có cái gò nào cao hơn thì tôi đã lên đấy rồi".
"Thế từ hồi ấy đến nay bác không chùi đèn lần nào nữa à?"
"Tôi chùi làm gì vì có cần đến nó đâu?"
"Bác định nói là chỉ khi nào nước lên thôi phải không?"
"Lúc ấy chúng tôi phải chạy lụt mà".
"Ồ, phải thôi, bác Louis ạ" tôi nói.
"Thật đấy chứ. Ai cũng làm theo ý mình. Nếu có chùi đèn mà thoát được lụt thì tôi chả cãi nhau với thiên hạ làm gì".
"Đèn sáng quá thì bác Louis có khi chả bắt được con thú nào" Versh nói.
"Tao săn chuột túi ở cái vùng này từ cái hồi họ còn diệt chấy bằng dầu hoả trên đầu bố mày kia" bác Louis nói. "Cả đánh bẫy nữa".
"Quả thật như vậy" Versh nói. "Cháu nghĩ rằng ở vùng này không ai bắt được nhiều chuột túi bằng bác Louis".
"Hẳn rồi" bác Louis nói. "Đèn của tôi đủ sáng cho chúng thấy mà, đúng thế. Tôi có nghe thấy chúng phàn nàn gì đâu. Chờ đã nào, Hâây. Ái chà, chó với má". Và chúng tôi ngồi trong đám lá khô xào xạc khe khẽ bên dưới sự hồi hộp chờ đợi cùng hơi thở chậm rãi của đất và tháng Mười lặng gió, mùi hôi của cây đèn choán cả làn không khí mong manh, chúng tôi lắng nghe tiếng chó sủa và tiếng vọng của giọng bác Louis tắt dần. Bác không bao giờ lên giọng, nhưng vào những đêm tĩnh mịch đứng ở hiên trước bọn tôi vẫn nghe thấy giọng bác. Khi bác gọi chó giọng bác như tiếng chiếc tù và mà bác vẫn đeo lủng lẳng bên vai và không bao giờ đụng đến, nhưng trong trẻo hơn và ngọt ngào hơn, như thể giọng bác là một phần của bóng tối và sự tĩnh mịch, đổ ra từ bóng tối và lại cuộn vào bóng tối. HuuUuuu. HuUuuuu. HuUuuuuuụu phải lấy một ai đó
Có nhiều lắm không Caddy
Em không biết nhiều lắm anh sẽ trông nom Benjy và bố chứ
Em không biết là của ai hắn có biết không
động vào em anh sẽ chăm sóc Benjy và  bố chứ
Trước khi đến cầu tôi đã cảm thấy nước. Cầu bằng đá xám, rêu phong, loang lổ những mảng ngấm nước mọc đầy nâm dại. Dưới cầu nước trong vắt và phẳng lặng trong bóng râm, rì rầm róc rách quanh những viên đá thành những mảnh trời xoáy tròn tan dần. Caddy à cái đó
Em phải lấy chồng Versh kể cho tôi nghe chuyện một người tự thiến mình. Anh ta đi vào rừng và dùng một con dao cạo, ngồi ở dưới rãnh. Một con dao cạo gãy anh ta quăng của nợ qua vai ra sau lưng máu phun ra đàng sau như cuộn chỉ rồi nhưng không có những gút thắt. Nhưng không phải chuyện ấy. Không phải là không có họ. Không bao giờ có họ rồi tôi có thể nói Ồ cái đó Cái đó là chuyện Tàu tôi không biết chuyện Tàu. Và bố nói đó là vì con còn tân. Con hiểu không? Đàn bà không bao giờ đồng trinh. Sự trong sạch là một trạng thái tiêu cực vvvì thế phản tự nhiên. Chính tự nhiên đã làm con đau khổ chứ không phải Caddy và tôi nói Bố không  biết. Bố không thể biết và ông nói Phải. Chính lúc đó chúng tôi nhận thức được rằng bi kịch chỉ là một thứ đồ cũ mua lại.
Nơi cây cầu đổ bóng xuống nước tôi nhìn rõ cả lớp nước sâu, nhưng không tới đáy. Khi ta ngâm một chiếc lá thật lâu trong nước thịt lá sẽ rã ra và những thớ gân mỏng manh chập chờn chậm rãi như những cử động trong giấc ngủ. Chúng không chạm vào nhau, dù chúng đã kết chặt nhau đến thế, dù chúng đã cùng nhau bám sát vào xương đến thế. Và có lẽ khi Người phán Hãy đứng dậy đôi mắt sẽ nổi lên, từ giấc ngủ và sự lặng im sâu thẳm, để nhìn ngắm vinh quang. Và một lúc sau những chiếc bàn ủi cũng sẽ nổi lên. Tôi giấu chúng dưới chân cầu và trở lại đứng tựa vào lan can.
Tôi không nhìn thấy đáy, nhưng tôi thấy được những chuyển động của lớp nước sâu, trước khi mắt tôi hoa lên, rồi tôi thấy một cái bóng như một mũi tên ngắn ngủn cắm vào dòng chảy. Chuồn chuồn bay thấp thoáng dưới bóng cầu ngay sát mặt nước. Giá như địa ngục ở ngay bên kia: ngọn lửa tinh khiết hai đứa mình hơn là chết. Rồi em sẽ chỉ có anh rồi chỉ có anh rồi hai đứa giữa sự chỉ định và nỗi kinh hoàng bên kia ngọn lửa tinh khiết Mũi tên phình to ra bất động, và con cá hồi quẫy nhanh, đớp một con chuồn chuồn trên mặt nước với cái khéo léo đồ sộ của một con voi nhặt một hạt lạc. Xoáy nước tan dần trôi xuôi dòng và rồi tôi lại thấy mũi tên, cắm xuống nước mềm mại đung đưa theo dòng chảy bên dưới những con chuồn chuồn tháng Năm bay chéo xuống và lơ lửng. Rồi chỉ có em và anh giữa sự chỉ định và nỗi kinh hoàng được ngọn lửa tinh khiết bao quanh.
Con cá hồi treo mình, khéo léo và bất động giữa những bóng nước rập rờn. Ba đứa bé vác cần câu đi lên cầu và chúng tôi đứng tựa vào lan can nhìn con cá hồi. Chúng biết con cá. Nó là một nhân vật của vùng này.
"Người ta cố bắt con cá hồi này suốt hai mươi lăm năm nay. Một cửa hàng ở Boston treo giải thưởng một cần câu hai mươi lăm đô la cho ai bắt được nó".
"Sao các cậu không bắt nó? Các cậu không muốn cái cần câu hai mươi lăm đô la hay sao?"
"Muốn chứ" chúng nói. Chúng dựa vào lan can, nhìn xuống con cá. "Hẳn là tôi muốn", một thằng nói.
"Tao không lấy cần câu" đứa thứ hai nói. "Tao thích lấy tiền hơn".
"Có lẽ họ không đưa tiền đâu" đứa thứ nhất nói. "Tao cuộc là họ sẽ chỉ cho mày lấy cần câu".
"Thế thì tao sẽ bán".
"Mày không bán được hai mươi lăm đô la đâu".
"Thì được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Cần câu này hay cần câu hai mươi lăm đô la tao cũng câu được chừng ấy cá". Rồi chúng bàn nhau sẽ làm gì với hai mươi lăm đô la. Chúng tranh nhau nói cùng một lúc, giọng chúng khăng khăng lý sự và nóng nảy, biến cái không thật thành cái có thể, cái có thể thành một khả năng hiện thực, rồi thành một hiện thực không thể chối cãi, như người ta thường làm khi các ước vọng được nói thành lời.
"Tao sẽ mua một con ngựa và một cỗ xe" đứa thứ hai nói.
"Phải,rồi, mày sẽ mua" hai đứa kia nói.
"Tao sẽ mua. Tao biết cỗ có thể mua với hai mươi lăm đô la. Tao biết người bán".
"Ai bán?"
"Ai bán chả được. Tao có thể mua với giá hai mươi lăm đô la".
"Ôi dào" hai đứa kia nói. "Nó thì biết gì. Nó chỉ bốc phét".
"Chúng mày nghĩ thế hả?" thằng bé nói. Chúng tiếp tục giễu cợt nó, nhưng nó không nói gì nữa. Nó tựa vào thành lan can nhìn con cá hồi mà nó đã bán lấy tiền tiêu, và bỗng nhiên cái chua chát cãi cọ trong giọng chúng biến mất, như thể chúng cũng cho rằng thằng bé đã bắt được con cá và đã mua xe và ngựa, chúng có phần nào giống người lớn ở chỗ  bị thuyết phục bởi thái độ im lặng kẻ cả. Tôi cho rằng những kẻ xử sự với mình hoặc với người bằng lời nói quá nhiều ít ra cũng nhất trí ở chỗ gán sự khôn ngoan cho một cái lưỡi ít lời, và tôi cảm thấy trong giây lát hai đứa đang vội vã tìm cách đối phó với nó, cướp xe và ngựa của nó.
"Cái cần câu ấy mày không thể bán nổi hai mươi lăm đô la" đứa thứ nhất nói. "Tao dám cá với mày cái gì cũng được".
"Nó đã bắt được con cá ấy đâu" đứa thứ ba  bỗng nói, rồi cả hai cùng kêu lên.
"Ờ, tao đã bảo mà. Tên người bán là gì? tao thách mày nói được. Làm gì có ai như thế?"
"Thôi im mồm đi" đứa thứ hai nói. "Nhìn này, nó lại nổi lên". Chúng dựa vào thành cầu, bất động, y hệt nhau, những chiếc cần câu mảnh mai đâm xiên trong nắng, cũng y hệt nhau. Con cá từ từ nổi lên, một cái bóng rõ dần trong lòng nước gợn nhẹ, rồi xoáy nước nhỏ đó lại từ từ tan theo dòng. "Chà" đứa thứ nhất thì thào.
"Mình đừng cố bắt nó nữa" nói nói. "Mình chờ xem dân Boston đến thử vận may ra sao".
"Vùng này chỉ có mỗi con cá đó thôi à?"
"Vâng. Nó đuổi hết các con khác đi. Chỗ câu tốt nhất quanh đây là  ở Vũng Xoáy".
"Không phải ở đấy" đứa thứ hai nói. "Đàng xưởng máy Bigelow tốt gấp đôi". Chúng cãi nhau một hồi về chuyện chỗ nào câu tốt nhất rồi im bặt để ngắm con cá hồi lại nổi lên, và cái xoáy nước vỡ ra nuốt theo một mảnh bầu trời. Tôi hỏi đường đến thị trấn gần nhất bao xa. Chúng bảo tôi.
"Nhưng đường xe đò gần nhất là lối này" đứa thứ hai nói, chỉ ngược lại con đường. "Anh đi đâu thế?"
"Chẳng đi đâu cả. Đi dạo thôi".
"Anh là sinh viên à?"
"Phải. Trong thị trấn có nhà máy không?"
"Nhà máy à?" chúng nhìn tôi.
"Không" đứa thứ hai nói. "Ở đó thì không". Chúng nhìn quần áo tôi. "Anh đi xin việc?"
"Xưởng máy bigelow đấy thôi?" đứa thứ ba nói. "Cũng là nhà máy mà."
"Nhà máy cái quái gì nó. Anh ấy muốn nói một nhà máy ra nhà máy kia".
"Cái nào có còi ấy" tôi nói. "Tôi chưa nghe còi bao giờ".
"À," đứa thứ hai nói. "Có đồng hồ ở tháp nhà thờ. Anh xem giờ ở đó cũng được. Anh có dây đeo mà không có đồng hồ à?"
"Tôi làm hỏng nó hồi sáng" Tôi đưa chúng xem chiếc đồng hồ. Chúng trịnh trọng ngắm nghía.
"Nó vẫn chạy đấy chứ" đứa thứ hai nói. "Một chiếc đồng hồ như thế giá bao nhiêu?"
"Người ta tặng tôi" tôi nói. "Bố tôi cho tôi khi tôi đậu tú tài".
"Anh là người Canada à?" đứa thứ ba nói. Tóc nó hung đỏ.
"Canada?"
"Giọng anh ấy không giống họ" đứa thứ hai nói. "Tao nghe họ nói rồi. Anh ấy nói như người ở mấy gánh hát rong".
"Nói thê" đứa thứ ba nói "mày không sợ anh ấy đánh cho à?"
"Đánh tao?"
"Mày bảo anh ấy nói như dân da màu".
"Thôi đi," đứa thứ hai nói. "Anh cứ trèo qua đỉnh đồi này là thấy ngay cái tháp".
Tôi cảm ơn chúng. "Chúc các cậu may mắn. Có điều đừng bắt chú cá già dưới kia. Chú ta đáng được yên thân".
"Ai mà bắt được con cá ấy" đứa thứ nhất nói. Chúng đứng tựa thành cầu, nhìn xuống nước, ba chiếc cần câu như ba sợi chỉ lửa vàng rực đâm xiên trong nắng. Tôi đi lên bóng mình, dẫm lại nó vào bóng cây lốm đốm. Con đường lượn vòng lên khỏi bờ nước. Nó vắt qua đồi, rồi ngoằn ngoèo bò xuống, dẫn tầm mắt và tâm trí người ta đi dưới một đường hầm xanh tĩnh mịch, và vòm tháp hình vuông bên trên những tán cây với con mắt tròn của chiếc đồng hồ cách khá xa. Tôi ngồi xuống bên vệ đường. Cỏ ngập đến mắt cá chân, nhiều vô kể. Những  bóng râm trên đường yên tĩnh như thể chúng được in lên đó bằng giấy nến, với những chiếc bút chì ánh nắng nghiêng nghiêng. Nhưng chỉ là một đoàn tàu hoả, và một lúc sau nó lặng dần sau hàng cây, một âm thanh kéo dài, và rồi tôi nghe tiếng đồng hồ của tôi và tiếng đoàn tàu lặng dần, như thể nó đang chạy qua một tháng khác hay một mùa hè khác ở đâu đó, vội vã lao đi dưới những con hải âu treo mình lơ lửng và mọi vật đều hối hả lao đi. Trừ Gerald. Hắn có lẽ cũng là một thứ quyền lực, một mình xuyên qua buổi trưa, chèo con thuyền của mình ra khỏi buổi trưa, bay lên không trung mênh mông rực sáng như thoát phàm, vươn vào cõi hôn mê vô định nơi chỉ có hắn và con hải âu, một đàng bất định kinh khủng, một đàng khua mái chèo đều đều nhịp nhàng và lại thu hồi cái phần quán tính ấy, cả thế giới nhỏ bé bên dưới bóng chúng trên mặt trời. Caddy thằng đê tiện ấy thằng đê tiện ấy Caddy
Giọng chúng vang đến ngọn đồi và ba chiếc cần câu mảnh mai như ba sợi chỉ lửa giăng ngang. Chúng nhìn tôi, đi qua không chậm bước.
"Này," tôi nói. "Con cá đâu tôi không thấy?"
"Bọn tôi không cố bắt nó" đứa thứ nhất nói. "Con cá ấy không bắt được đâu".
"Đồng hồ kia kìa" đứa thứ hai chỉ tay. "Đến gần hơn anh sẽ xem được giờ".
"Ừ" tôi nói. "Được rồi". Tôi đứng lên. "Các cậu cùng vào thị trấn à?"
"Bọn tôi đến Vũng Xoáy câu cá" đứa thứ nhất nói.
"Mày không câu được gì ở Vũng Xoáy đâu" đứa thứ hai nói.
"Vậy mày muốn đến đàng xưởng máy, chỗ cả đám chúng nó quậy nước làm cá sợ đi hết hay sao?"
"Mày không câu được cá ở Vũng Xoáy đâu".
"Không đi thì chả câu được ở đâu cả" đứa thứ ba nói.
"Không hiểu sao mày cứ nói đến Vũng Xoáy nhỉ" đứa thứ hai nói. "Ở đó có câu được gì đâu".
"Mày chẳng việc gì phải đi" đứa thứ nhất nói. "MÀy có dính với tao đâu".
"Mình lại chỗ xưởng máy bơi đi" đứa thứ ba nói.
"Tao đến chỗ Vũng Xoáy câu cá" đứa thứ nhất nói. "Chúng mày đi đâu thì đi".
'Mày thử nói xem lâu nay có ai câu được con cá nào ở Vũng xoáy chưa?" đứa thứ hai hỏi đứa thứ ba.
"Mình đến chỗ xưởng máy bơi cho rồi" đứa thứ ba nói. Vòm tháp từ từ lặn xuống sau đám cây, cái mặt đồng hồ tròn vẫn còn quá xa. Chúng tôi đi tiếp vào trong bóng cây lốm đốm. Chúng tôi đến một vườn quả, hồng và trắng. Vườn đầy ong, chúng tôi đã nghe thấy tiếng ong.
"Mình đến xưởng máy bơi đi" đứa thứ ba nói. Một lối nhỏ rẽ ngang cạnh vườn quả. Đứa thứ ba chậm bước rồi đứng lại. Đứa thứ nhất vẫn đi, những đốm trắng trượt trên chiếc cần câu qua vai nó, xuống lưng áo sơ mi. "Đi nào!" đứa thứ ba nói. Đứa thứ hai cũng đứng lại. Tại sao em phải lấy chồng hả Caddy
Anh có muốn em nói tại sao không anh có nghĩ là nếu em nói ra điều đó nó sẽ không
"Mình đến chỗ xưởng máy thôi" nó nói. "Đi nào".
Đứa thứ nhất vẫn đi. Bàn chân trần của nó không gây một tiếng động nào, êm hơn lá rơi trên lớp bụi mỏng. Trong vườn quả bầy ong nghe như một cơn gió đang nổi, một âm thanh bỗng chốc lên cao dần và kéo dài. Lối mòn nhỏ men sát tường, có vòm cây che, rải đầy hoa rơi, biến mất giữa những hàng cây. ánh nắng chiếu xiên xiên lên đó, rải rác và háo hức. Những con bướm vàng chập chờn trong bóng râm như những đốm nắng.
"Mày cứ thích đến Vũng Xoáy làm gì?" đứa thứ hai nói. "Nếu mày muốn đi câu thì lại đàng xưởng máy cũng câu được".
"Ôi dào, mặc nó đi" đứa thứ ba nói. Chúng nhìn theo đứa thứ nhất. Từng mảng nắng lướt qua vai nó đang đi, lấp lánh trên chiếc cần câu như đàn kiến vàng.
"Kenny" đứa thứ hai nói. Anh sẽ nói cho bố biết chứ anh sẽ nói những ông  bố của tôi Có thể có con tôi phát minh ra ông sáng tạo ra ông Nói điều đó với ông sẽ không thành vì ông sẽ nói bố thì không và rồi em và anh vì có thể có nhiều con
"Nào đi thôi" thằng bé nói. "Tụi nó đã vào cả rồi". Chúng nhìn theo đứa thứ nhất. "Dào" chúng bỗng nói. "Cứ đi đi, đồ sợ mẹ. Nó mà đi bơi ướt đầu về nhà là ăn đòn". Chúng quay lại con đường nhỏ và đi tiếp, bướm vàng liệng quanh chúng trong bóng râm.
Đó là vì anh không còn tin vào điều gì khác còn những cái khác nữa nhưng có lẽ không có và rồi anh Em sẽ thấy rằng ngay cả bất công cũng khó mà xứng với cái mà em tin là mình. Nó không buồn để ý đến tôi, hàm nó nhìn nghiêng trông đanh lại, mặt nó hơi quay đi dưới chiếc mũ bẹp
"Sao cậu không đi bơi với chúng?" tôi nói. Thằng đê tiện ấy Caddy
Anh định đánh nhau với anh ấy hay sao
Một thằng bịp bợm một tên vôlại Caddy à hắn bị khai trừ khỏi câu lạc bộ vì cờ bạc bịp được gửi đến Coventry bị bắt quả tang gian lận giữa kỳ thi và bị đuổi
Ờ thế thì sao em đâu có đánh bài với
"Cậu thích đi bơi hơn đi câu à?" tôi nói. Tiếng ong nhỏ dần, kéo dài, như thể thay vì chìm vào im lặng, chỉ có im lặng tăng lên giữa chúng tôi, như nước dâng. Con đường lại lướt vòng và trở thành một nẻo phố giữa những bồn cỏ râm mát và những ngôi nhà  trắng. Caddy à thằng đê tiện ấy sao anh không thể nghĩ đến Benjy và bố và làm điều ấy không phải vì em
Thì anh còn nghĩ đến cái gì khác anh còn nghĩ đến cái gì khác đâu Thằng bé rẽ khỏi con phố. Nó leo qua một hàng rào cọc nhọn không buồn ngoảnh lại, đi qua bồn cỏ đến dưới một cái cây, đặt cần câu xuống đất và trèo lên một chạc cây ngồi quay lưng ra d, và cuối cùng những đốm nắng đậu lại bất động trên áo sơ mí trắng của nó. Anh còn nghĩ đến cái gì khác ngay cả khóc anh cũng không thể anh đã chết từ năm ngoái anh đã bảo em anh chết nhưng lúc ấy anh đâu biết anh định nói gì và đâu biết mìnhđang nói gì Ở nhà có những ngày vào cuối tháng Tám cũng giống thế này, không khí cũng loãng và háo hức thế này, cũng có chút gì buồn bã luyến tiếc và thân thuộc. Con người là tổng số những kinh nghiệm phong trần của mình bố nói. Con người là tổng số những gì chiếm hữu hắn. Một bài toán tẻ ngắt của những vật sở hữu không trong sạch dẫn đến một con số không bất biến: sự bế tắc của cát bụi và ước vọng. Nhưng bây giờ anh biết anh đã chết anh nói với em
Vậy thì sao anh phải nghe này mình có thể bỏ đi anh và Benjy và em nơi mà không ai biết chúng mình nơi Chiếc xe thắng một con ngựa trắng, vó ngựa nện lộp cộp trên lớp bụi mỏng, những bánh xe bám đầy mạng nhện phát ra những tiếng ken két mảnh khảnh và khô khan, leo lên đồi dưới vòm lá rì rào của một tấm khăn quàng. Elm (cây du). Không: Ellum. Ellum.
Bằng gì bằng tiền học của anh tiền bán cánh đồng cỏ để anh đi học Harvard anh thấy không bây giờ anh phải học cho xong nếu anh không học xong bố sẽ không có gì cả
Bán cánh đồng cỏ Áo sơ mi trắng của nó bất động trên chạc cây, trong bóng râm lấp loáng. Bánh xe bám đầy mạng nhện. Dưới bụng xe vó ngựa dồn từng đợt như bàn tay một thiếu phụ đưa kim thêu, nhỏ dần mà không tiến tới, như một hình bóng trên đèn kéo quân đang chạy khỏi màn ảnh. Con đường lại rẽ ngoặt. Tôi thấy mái vòm trắng và mặt đồng hồ tròn khăng khăng ngu ngốc. Bán cánh đồng cỏ
Chỉ một năm nữa là bố chết họ bảo thế nếu ông không bỏ rượu và ông không  bỏ ông không thể bỏ bởi vì anh từ mùa hè năm ngoái và rồi họ sẽ gởi Benjy đi Jackson anh không thể khóc thậm chí không thể khóc nổi một thoáng em đứng trong khuôn cửa lát sau nó kéo áo em và rống lên giọng nó dội đi dội lại giữa các bức tường thành đợt sóng và em đứng nép vào tường thu mình nhỏ lại, nhỏ lại khuôn mặt trắng bệch và đôi mắt như bị hai ngón tay thọc vào cho đến khi nó đẩy em ra khỏi phòng giọng nó dội đi dội lại như thể chính động năng của cái giọng không cho ngừng như thể không có chỗ cho cái giọng ấy trong im lặng nó rống lên
Khi có ai mở cửa quả chuông lại leng keng nhưng chỉ kêu lên một tiếng cao trong trẻo và nhỏ nhẹ trong bóng tối sắc cạnh phía trên cửa, như thể nó đã được điều chỉnh và kiềm chế bớt để cái âm thanh rành rọt đơn độc ấy không làm mòn chuông mà cũng không buộc phải bỏ phí quá nhiều im lặng để phục hồi nó khi cửa mở ra mùi bánh nóng thơm phức; một đứa bé bẩn thỉu nhỏ xíu với đôi mắt thao láo như con gấu bông và đuôi sam buộc sợi dây da.
"Chào em" mặt nó có màu một tách sữa pha chút cà phê trong cái trống rỗng ngọt ngào ấm áp. "Có ai ở đây không?"
Nhưng nó chỉ nhìn tôi đến khi cửa mở và một người đàn bà bước ra. Phía trên quầy là những chiếc bánh nướng giòn trong tủ kính khuôn mặt bà xám xịt và xương xẩu, mớ tóc dính bết lưa thưa trên cái đầu xám xịt và xương xẩu, đôi mắt kính trên cặp gọng cũng xám xịt và xương xẩu chĩa ra phía trước như treo trên một sợi dây và như một hộp đựng tiền trong cửa hàng. Trông bà giống như một thủ thư. Một cái gì đó giữa các ngăn kệ bụi bặm đầy những tín điều xếp thứ tự đã từ lâu ly dị với thực tế, êm ả khô dần, như thể một làn không khí đã từng chứng kiến sự bất công.
"Hai chiếc này, thưa bà".
Bà lôi từ dưới quầy ra một mảnh báo vuông đặt lên quầy và lấy hai chiếc bánh sữa. Con bé nhìn chúng tôi mắt không chớp và lặng lẽ như hai trái nho Hy Lạp nổi bất động trong tách cà phê loãng. Xứ sở ccz di dân gốc Italy. Nhìn chiếc bánh, đôi tay xám xịt xương xẩu, một chiếc nhẫn vàng trơn to trên ngón tay trỏ bên trái nơi đốt xương gập lại tím xanh.
"Bà làm lấy bánh à?"
"Dạ?" bà nói. Thế đấy. Dạ? như trên sân khấu. Dạ? "Năm xu, anh cần gì nữa không?"
"Không, thưa bà. Tôi thì không. Cô đây cần thứ gì đó."
Bà không đủ cao để nhìn qua quầy, nên đi xuống cuối quầy nhìn con bé.
"Anh đem nó đến đây à?"
"Không, thưa bà. Tôi vàothì nó đã ở đây".
"Con ranh con" bà nói. Bà đi vòng ra khỏi quầy, nó không chạm vào con bé. "Mày có bỏ gì vào túi không hả?"
"Nó không có túi" tôi nói. "Nó chẳng làm gì cả. Nó chỉ đứng đó đợi bà thôi".
"Vậy sao chuông không kêu?" bà chằm chằm nhìn tôi. Bà cần một mớ tóc độn, một cái bảng đen sau lưng ghi 2x2=4. "Nó giấu dưới áo ai mà biết. Này ranh con, làm sao mày vào đây được?"
Con bé không nói gì. Nó nhìn bà, rồi liếc nhanh qua tôi và lại nhìn bà. "Bọn ngoại quốc này" bà nói. "Làm sao nó vào được đây mà chuông không kêu nhỉ?"
"Nó vào khi tôi mở cửa" tôi nói. "Chuông kêu một lần cho cả hai. Dù sao đứng đây nó cũng không với được gì đâu. Hơn nữa tôi nghĩ nó cũng không có ý lấy. Phải không em?" Đứa bé nhìn tôi, vẻ bí ẩn, trầm ngâm. "Em cần gì, bánh mì nhé?"
Nó xoè tay. Bàn tay chìa một đồng kền, ướt bẩn, mồ hôi và đất nhớp nháp trên da thịt nó. Đồng tiền ướt và nóng. Tôi ngửi thấy mùi kim loại phảng phất.
"Bà có ổ bánh nào năm xu không, thưa bà?"
Bà lôi ở dưới quầy ra một mảnh báo vuông đặt lên mặt quầy và gói vào đó một ổ bánh. Tôi để đồng kền và thêm một đồng nữa lên quầy. "Bà cho thêm một chiếc bánh kia nữa".
Bà lấy một chiếc bánh sữa nữa trong tủ. "Đưa tôi cái gói kia" bà nói. Tôi đưa cái gói cho bà, bà mở ra đặt chiếc bánh thứ ba vào và gói lại, lấy tiền và tìm hai xu trong túi tạp dề đưa tôi. Tôi đưa cho con bé. Mấy ngón tay nó nắm chặt lấy, ẩm và nóng như một con sâu.
"Anh định cho nó cái bánh sữa ấy à?" người đàn bà hỏi.
"Vâng", tôi nói. "Tôi chắc nó cũng như tôi, thấy bánh của bà thơm ngon quá".
Tôi cầm lấy hai cái gói, đưa chiếc bánh mì cho nó, người đàn bà toàn màu thép xám sau quầy nhìn chúng tôi với vẻ thấu hiểu lạ lùng. "Đợi một chút" bà nói. Bà đi ra đàng sau. Cánh cửa mở ra rồi khép lại. Con bé nhìn tôi, ôm chặt ổ bánh mì vào ngực áo bẩn.
"Tên em là gì?" tôi nói. Nó không nhìn tôi nữa, nhưng vẫn không nhúc nhích. Dường như nó cũng không thở nữa. Người đàn bà trở lại. Bà cầm vật gì trông rất lạ trên tay. Bà cầm nó như cầm một con chuột chết.
"Đây" bà nói. Đứa bé nhìn bà. "Cầm lấy" người đàn bà nói, giúi nó vào tay con bé. "Trông nó chi hơi kỳ cục một tí. Tao nghĩ là mày có ăn cũng chẳng biết ngon dở ra sao. Này. Tao đâu đứng đây cả ngày được". Đứa bé cầm lấy, vẫn nhìn bà. Bà đi đến cửa và giật cửa mở ra. Cái chuông con kêu lên một tiếng, yếu ớt trong trẻo và vô hình. Chúng tôi đi ra cửa và bà nhìn theo.
"Cảm ơn bà đã cho bánh" tôi nói.
"Bọn ngoại quốc này" bà nói, nhìn lên bóng tối nơi quả chuông kêu leng keng. "Hãy nghe tôi, tránh xa họ ra, anh bạn trẻ".
"Vâng" tôi nói. "Đi thôi em" chúng tôi đi ra. "Cảm ơn bà".
Bà đóng cửa, rồi lại giật ra, khiến quả chuông lại bật ra tiếng kêu đơn độc của nó. "Bọn ngoại quốc này" bà nói và ngước lên nhìn cái chuông.
Chúng tôi đi tiếp. "Thế nào?" tôi nói. "Ăn kem được không?" Nó đang ăn chiếc bánh chuột gặm. "Em có thích kem không?" Nó nhìn tôi, mắt đen thẫm lặng lẽ, vẫn nhai. "Đi nào!"
Chúng tôi đến hiệu tạp hoá và ăn kem. Nó không rời ổ bánh. "Sao không đặt xuống mà ăn cho thoải mái?" tôi nói, đưa tay đón ổ bánh. Nhưng nó ôm chặt lấy bánh, nhai kem như nhai kẹo dẻo. Chiếc bánh ăn dở để trên bàn. Nó nhai kem đều đều, rồi nó quay lại với cái bánh, nhìn quanh các tủ bày hàng. Tôi ăn xong và chúng tôi đi ra.
"Nhà em ở phía nào?" tôi hỏi.
Một chiếc xe ngựa, chính là cái xe thắng con ngựa trắng. Chỉ có Doc Peabody là phì nộn. Một trăm năm chục ký. Ngồi xe với hắn lên dốc, bám cho chắc. Bọn trẻ con. Đi bộ dễ hơn là ngồi xe leo dốc. Gặp bác sĩ chưa Caddy
Việc gì phải gặp bây giờ em không thể nhờ ai rồi sau sẽ đâu vào đấy
Bởi vì phụ nữ rất mỏng manh rất bí ẩn bố nói. Sự cân bằng mỏng manh của cái ô uế định kỳ giữa hai mùa trăng cân bằng. Những tuần trăng ông nói tròn và vàng như trăng mùa gặt hông em đùi em. Bên ngoài luôn luôn bên ngoài họ nhưng. Vàng. Những gan bàn chân như đang bước. Rồi biết rằng có ai đó rằng tất cả những gì được che giấu bí ẩn và độc đoán. Tất cả những cái đó bên trong họ tạo thành cái dịu ngọt bên ngoài chờ đợi một sự đụng chạm. Thối rữa thành chất lỏng như những vật chết trôi nổi lềnh bềnh như cao su nhợt nhạt ướt nhũn đều mùi kim ngân hỗn độn.
"Em đem bánh về nhà đi chứ?"
Con bé nhìn tôi. Nó cứ nhai lặng lẽ và đều đều, cách từng quãng những miếng nhỏ nhẹ nhàng trôi xuống cổ họng nó. Tôi mở gói và lấy cho nó một cái bánh sữa. "Chào em nhé", tôi nói.
Tôi  bỏ đi. Rồi tôi nhìn lại. Nó đi sau tôi. "Em ở đường này à?" nó chẳng nói gì. Nó đi cạnh tôi, gần như ngay dưới khuỷu tay tôi và vẫn ăn. Chúng tôi đi tiếp. Xung quanh yên tĩnh, hầu như không một bóng người đầy mùi kim ngân hỗn độn. Lẽ ra em phải bảo tô đừng để mặc tôi ngồi trên thềm nhà nghe tiếng cửa em đóng sầm lúc hoàng hôn nghe tiếng Benjy vẫn khóc Bữa tối lẽ ra em phải xuống rồi để mùi kim ngân hỗn độn trộn đầy trong đó chúng tôi đến góc phố.
"Nào, anh phải đi đường này" tôi nói. "Chào em nhé." Nó cũng dừng lại. Nó nuốt miếng bánh mì cuối cùng rồi  bắt đầu ăn chiếc bánh sữa và nhìn tôi qua tấm bánh. "Chào em" tôi nói. Tôi rẽ và đi thẳng, nhưng đến góc phố nữa tôi dừng lại.
"Nhà em ở đường nào?" tôi nói. "Đường này hả?" tôi chỉ xuống phố. Nó chỉ nhìn tôi. "Hay em ở đường kia? chắc em ở gần ga, chỗ có tàu hoả, phải không?" Nó chỉ nhìn tôi, bình thản bí mật và nhai tiếp. Cả hai đầu đường đều vắng ngắt với những bồn cỏ yên tĩnh và những ngôi nhà rõ nét giữa đám cây cối, nhưng không có một ai ngoại trừ ở mãi phía sau. Chúng tôi đi ngược lại. Hai người đàn ông ngồi trên ghế trước một cửa hiệu.
"Các ông biết con bé này không? nó cứ bám theo tôi mà tôi không tìm được chỗ nó ở".
Họ thôi không nhìn tôi và quay sang nhìn nó.
"Chắc là con một gia đình Italy mới đến" một người nói. Ông ta mặc chiếc áo choàng dài đã bạc thành màu sắt rỉ. "Tôi thấy con bé này rồi. Này bé, tên mày là gì?" Nó chỉ nhìn họ một lúc mắt đen láy, hàm vẫn cử động đều đều. Nó nuốt mà không ngừng nhai.
"Có lẽ nó không biết nói tiếng Anh" người kia nói.
"Họ sai nó đi mua bánh mì" tôi nói. "Chắc nó phải  biết nói đôi chút chứ?"
"Bố mày tên gì?" người thứ nhất nói. "Pete? Joe? Hay là John?" Nó cắn một miếng bánh sữa nữa.
"Tôi phải làm gì với nó bây giờ?" tôi nói. "Nó cứ đi theo tôi. Tôi phải quay về Boston".
"Anh là sinh viên à?"
"Vâng, thưa ông. Và tôi phải về trường".
"Anh cứ lên phố và giao nó cho Anse. Ông ấy ở chỗ chuồng ngựa thuê. Cảnh sát trưởng đấy".
"Chắc tôi phải làm thế thôi" tôi nói. "Phải tính sao với nó chứ. Cảm ơn. Đi thôi em!"
Chúng tôi đi ngược phố, phía có bóng râm, nơi những mặt tiền đổ nát chậm chạp ngả bóng loang lổ qua mặt đường. Chúng tôi đến chuồng ngựa thuê. Viên cảnh sát trưởng không ở đó. Một người đàn ông ngồi trên chiếc ghế lật nghiêng giữa khuôn cửa thấp rộng, nơi một ngọn gió lạnh và tối nặng mùi amoniac thổi giữa dãy chuồng hôi hám, chỉ cho tôi đến bưu điện. ông ta cũng không biết nó.
"Bọn ngoại quốc này. Tôi chẳng biết ai vào ai. Anh đưa nó lại bên kia đường sắt, may ra có người nhận".
Chúng tôi đi lại nhà bưu điện mãi ở cuối phố. Người mặc áo choàngdài giở một tờ báo.
"Anse vừa đi khỏi thị trấn, ông ta nói. "Tôi nghĩ chắc anh phải đi qua nhà ga rồi đi dọc mấy ngôi nhà ở  bờ sông. Ở đó chắc có người biết nó".
"Chắc tôi phải làm thế" tôi nói. "Đi nào em!" Nó nhét miếng bánh sữa cuối cùng vào miệng và nuốt. "Cái nữa nhé?" tôi nói. Nó nhìn tôi, vẫn nhai, mắt đen không chớp và thân thiện. Tôi lấy ra hai cái bánh đưa cho nó một cái và cắn một cái. Tôi hỏi một người nhà ga ở đâu và anh ta chỉ cho tôi. "Đi thôi em!"
Chúng tôi đến nhà ga, đi qua bên kia đường ray đến bờ sông. Một cây cầu bắc qua sông, và một con phố toàn những khung nhà xiêu vẹoo chạy dọc bờ sông, quay lưng về phía nó. Một dãy phố tiều tuỵ nhưng dị tạp và sống động. Giữa một khoảng đất bừa bộn bao quanh bởi một hàng cọc rào chỗ hở chỗ gãy là một chiếc xe ngựa bốn bánh cũ kỹ nghiêng hẳn một bên và một ngôi nhà dãi dầu mưa nắng treo một bộ quần áo hồng rực ở cửa sổ trên.
"Cái này có giống nhà em không?" tôi nói. Nó nhìn tôi qua cái bánh sữa. "Cái này hả?" tôi nói, chỉ vào nhà. Nó chỉ nhai, nhưng dường như như tôi nhận ra vẻ gì đó như khẳng định, ngầm ưng thuận dù không nhiệt tình, trên nét mặt nó. "Cái này hả?" tôi nói. "Vậy thì đi nào". Tôi bước vào cánh cổng gãy. Tôi nhìn lại nó. "Đây hả?" tôi nói. "Cái này trông giống nhà em hả?"
Nó gật đầu rất nhanh, nhìn tôi và nhấm cái vành bán nguyệt ẩm ướt của chiếc bánh. Chúng tôi đi tới. Một lối đi bằng những phiến đá lát tường vỡ vứt bừa bãi, những láo cỏ tranh khô cứng xuyên qua kẽ, dẫn đến bậc thềm đổ nát. Trong nhà không có động tĩnh gì và bộ quần áo hồng treo trên cửa sổ cũng không thấy chút gió. Một dây chuông bằng một quả đấm bằng sứ buộc vào một sợi dây dài chừng hai thước, tôi thôi không kéo chuông và gõ cửa. Con bé nhai một mẩu cùi bánh ở bên mép.
Một người đàn bà ra mở cửa. Bà ta nhìn tôi, rồi bà ta nói nhanh với con bé bằng tiếng Italy với những biến điệu cao dần, rồi ngưng, có vẻ tra vấn. Bà ta lại nói với nó, con bé nhìn bà ta qua đầu miếng cùi bánh khi đưa bàn tay bẩn lên nhét vào miệng.
"Nó nói nó sống ở đây" tôi nói. "Tôi gặp nó dưới phố. Bánh mì của bà phải không?"
"Không biết nói" người đàn bà nói. Bà ta lại nói với con bé. Con bé chỉ nhìn bà ta.
"Không ở đây à?" tôi nói. Tôi chỉ con bé, rồi chỉ bà ta rồi cái cửa. Người đàn bà lắc đầu. Bà ta nói rất nhanh. Bà ta vừa nói vừa đi ra đầu hiên, chỉ xuống cuối đường.
Tôi cũng gật đầu lia lịa. "Bà đi dẫn đường " tôi nói. Tôi nắm cánh tay bà ta, vẫy vẫy tay về phía con đường. Bà ta nói liến thoắng, tay chỉ trỏ. "Bà đi dẫn đường" tôi nói, cố kéo bà ta xuống bậc thềm.
"Được, được" bà ta nói, cố trì lại, chỉ trỏ cái quái quỷ gì đó cho tôi. Tôi lại gật.
"Cảm ơn. Cảm ơn. Cảm ơn". Tôi đi xuống thềm và đi tới cổng, không chạy nhưng bước nhanh. Tôi đến cổng và đứng lại nhìn nó một lúc. Mẩu cùi bánh đã hết và nó nhìn tôi chằm chằm bằng đôi mắt đen thân thiện. Người đàn bà đứng trên bậc thềm, nhìn chúng tôi.
"Vậy thì đi nào" tôi nói. "Sớm hay muộn mình cũng phải tìm ra nhà thôi".
Nó đi theo ngay dưới khuỷu tay tôi, chúng tôi đi tiếp. Dường như mọi nhà đều trống không. Không thấy một thứ nào. Một cảm giác như nghẹn thở của các ngôi nhà trống. Dù sao, chúng không thể trống hết được. Hết căn phòng này đến căn phòng khác, dường như có thể đẩy các bức tường trượt đi cùng một lúc. Thưa bà con gái bà đây,xin vui lòng. Không thưa bà, vì Chúa, con gái bà đây. Nó đi ngay dưới khuỷu tay tôi, hai đuôi sam bóng loáng buộc chặt, và rồi ngôi nhà cuối cùng lướt qua và con đường lượn vòng khuất sau bức chờ, chạy dọc sông. Người đàn bà thò đầu ra khỏi cái cổng gãy, khăn bịt đầu buộc chặt dưới cằm. Con đường lượn vòng, vắng ngắt. Tôi tìm một đồng xu và đưa cho con bé. Một đồng hai mươi lăm xu. "Chào em nhé" tôi nói. Rồi tôi chạy.
Tôi cắm đầu chạy thật nhanh. Ngay trước khi con đường rẽ khuất, tôi ngoái lại, nó đứng giữa đường, cái bóng bé nhỏ ôm chặt ổ bánh mì vào ngực áo bẩn, đôi mắt đen lặng lẽ và không chớp. Tôi chạy tiếp.
Một con đường mòn đâm ra từ đường cái. Tôi rẽ vào và một lúc sau tôi chạy chậm lại, rảo bước. Con đường đi giữa mặt sau hai dãy nhà – những ngôi nhà không sơn với những dây quần áo đủ màu chói mắt và vui tươi, một vựa thóc phía sau đã đổ nát, lặng lẽ tàn tạ dần giữa những cây ăn quả rậm rịt, không được chăm sóc và làm cỏ, hồng và trắng đang thì thầm với ánh nắng và bầy ong. Tôi nhìn lại. Đầu con đường mòn vắng lặng. Tôi đi cô hậm nữa, bóng tôi bước cùng tôi, kéo lê đầu trong đám cỏ che khuất hàng rào.
Con đường dẫn đến một cái cổng chặn ngang, rồi mất hút trong cỏ, chỉ còn là một lối nhỏ lặng lẽ mờ dần vào đám lá xanh non. Tôi trèo qua cổng vào một vườn cây, băng ngang nó đến một bức tường khác và men theo tường, giờ thì bóng tôi theo sau. Có nho và thứ dây leo mà ở nhà gọi là hoa kim ngân. Đi và đi, nhất là vào lúc nhập nhoạng tối khi trời mưa, mùi kim ngân ngột ngạt trong đó, như thể không có nó là không đủ, không chịu đựng nổi. Em để hắn làm gì hôn hôn
Em đâu có để anh ấy làm gì Em làm hắn nhìn em phát điên lên Anh thấy chuyện đó thế nào? Vết bàn tay tôi hằn đỏ trên mặt em như một ngọn đèn bật dưới tay tôi mắt em sáng rực
Không phải vì chuyện hôn mà anh tát em Khuỷu tay con gái mười lăm bố nói con ăn như mắc xương cá trong cổ họng con làm sao vậy và Caddy bên kia bàn không nhìn tôi. Chính vì thằng nhãi ranh ngạo nghễ chết tiệt nào đó dưới phố mà anh tat em em sẽ em sẽ phải không anh tưởng em nói bọn ngốc. Vết tay tôi hằn đỏ trên mặt em. Anh nghĩ sao về chuyện đó em vùi đầu vào. Cỏ đâm ngang dọc trong da thịt ngứa ran lên em vùi đầu vào. Nói bọn ngốc nói điều đó.
Dù sao anh cũng không hôn một cô gái bẩn thỉu như Natalie.
Bức tường đi vào bóng râm, và rồi  bóng tôi, tôi lừa nó lần nữa. Tôi đã quên bẵng khúc sông uốn lượn theo con đường.tôi trèo lên tường. Và rồi nó nhìn tôi nhảy xuống, ôm chặt ổ bánh mì vào ngực.
Tôi đứng trong cỏ và chúng tôi nhìn nhau một lúc.
"Sao em không nói là em ở đường này?" Ổ bánh lòi đầu ra khỏi giấy, nó cần một tờ giấy bọc khác. "Thôi được, vậy thì đi, chỉ cho anh nhà nào". Một cô gái bẩn thỉu như Natalie thì không. Trời đang mưa chúng tôi nghe tiếng mưa trên mái nhà, thở dài qua cái trống rỗng cao ngất ngọt ngào của chuồng ngựa.
Đó phải không? chạm vào em
Không phải đó
Đó phải không? không mưa to nhưng chúng tôi không nghe thấy gì ngoài tiếng mái nhà và như thể đó là máu tôi hay máu em
Em đẩy tôi xuống thang và bỏ chạy và để mặc tôi Caddy đã
Có phải nó ở đó không nó làm em đau khi Caddy đã bỏ chạy phải nó ở đó không
Ồ nó đi ngay dưới khuỷu tay tôi cái bím tóc buộc sợi dây da, ổ bánh mì nham nhở thò ra khỏi tờ giấy báo.
"Nếu em không về nhà ngay thì bánh sẽ hỏng mất. Rồi mẹ em sẽ bảo sao?" anh cuộc là anh nhấc bổng được em
Anh nhấc sao được em nặng lắm
Caddy đã đi rồi sao em đã về nhà rồi sao từ nhà mình không nhìn thấy chuồng ngựa đâu em đã thử nhìn chuồng ngựa từ
Đó là lỗi của em em đẩy tôi em bỏ chạy
Anh nhấc được em xem anh nhấc được không này
Ồ máu em hay máu tôi Ồ chúng tôi đi tiếp trong bụi mỏng, bước chân lặng lẽ như cao su trong lớp bụi mỏng nơi những cây bút chì ánh nắng xuyên qua đám lá cây. Và tôi lại cảm thấy nước chảy xiết và êm ả trong bóng râm bí mật.
"Em ở xa quá phải không? một mình mà dám xuống phố xa thế này em quả là giỏi". Giống như ngồi mà nhảy vậy em đã bao giờ khiêu vũ ngồi chưa? Chúng tôi nghe tiếng mưa, một con chuột trong thùng lúa, chuồng ngựa bỏ không vắng bóng ngựa Em ôm thế nào khi khiêu vũ phải như thế này không
Anh quen ôm thê này em tưởng anh yếu lắm hay sao
Ô Ô Ô Ô
Anh ôm quen như thế này ý anh muốn nói em có nghe anh nói gì không anh nói
Ô ô ô
Con đường trải dài,tĩnh mịch và vắng vẻ, ánh nắng mỗi lúc một xiên thêm. Hai đuôi sam nhỏ của nó đính hai mẩu vải đỏ thẫm. Một góc của tờ giấy bọc khẽ lật phật khi nó đi, ổ bánh thò mũi ra. Tôi dừng lại.
"Này em, em ở đường này phải không? từ nãy đến giờ mình không đi qua một ngôi nhà nào cả, gần một dặm rồi".
Nó nhìn tôi, đen láy, bí mật và thân thiện.
"Em ở đâu, em bé? Nhà em không ở dưới phố à?"
Có một con chim ở đâu đó trong rừng, bên kia những chùm ánh nắng gãy vụn, rải rác.
"Bố em sẽ lo lắng. Đi mua bánh rồi không về thẳng nhà, liệu em có bị ăn đòn không?"
Con chim lẩn khuất lại cất tiếng hót, một âm thanh vô nghĩa và thâm trầm, không biến điệu, im lặng như bị một lưỡi dao chém đứt, rồi lại cất lên, cảm giác như nước chảy xiết và êm ả trên những vùng bí mật, nhưng chỉ là cảm thấy chứ không phải nghe hay nhìn thấy.
"Ồ, quái quỷ thật, em bé ạ". Tờ giấy gói đã bung ra lòng thòng gần một nửa. "Bây giờ thì nó chẳng được tích sự gì nữa". Tôi xé tờ giấy và vứt bên vệ đường. "Đi nào. Mình phải trở lại thị trấn. Mình sẽ đi theo bờ sông".
Chúng tôi rời bỏ con đường. Vài bông hoa nhỏ xíu nhợt nhạt mọc giữa đám rêu, và cái cảm giác nước câm lặng vô hình. Anh ôm quen như thế này ý anh muốn nói anh quen ôm thế này Cô ta đứng ở cửa nhìn chúng tôi tay chống nạnh
Em đẩy anh đó là lỗi tại em anh cũng đau
Chúng tôi khiêu vũ ngồi tôi cuộc là Caddy không khiêu vũ ngồi được
Thôi ngay thôi ngay
Em chỉ gạt cái nhánh cây trên lưng anh
Em đừng đặt bàn tay xấu xa của em lên người anh lỗi tại em em đẩy anh xuống anh ghét em lắm
Tôi không cần cô ta nhìn chúng tôi vẫn bực bội khi cô ta bỏ đi chúng tôi bắt đầu nghe tiếng la hét, tiếng đập nước ùm ùm; tôi thoáng thấy một thân hình sạm nắng loáng ướt.
Vẫn còn bực bội. Áo tôi ướt đẫm và tóc tôi nữa xuyên qua mái bây giờ nghe tiếng mái to hơn tôi thấy Natalie đi qua vườn trong mưa. Ướt hết tôi mon gc bị sưng phổi về nhà đi Mặt mẹt. Tôi lấy hết sức nhảy bổ vào vũng bùn bùn bắn vung lên tận thắt lưng tôi hôi hám tôi cứ dầm trong bùn đến khi ngã xuống và lăn mình trong đó. "Em có nghe thấy họ bơi không? được bơi bây giờ kể cũng thích". Giá như tôi có thời gian. Khi nào tôi có thời gian. Tôi nghe tiếng đồng hồ của tôi. Bùn ấm hơn mưa nó bốc mùi khủng khiếp. Cô quay lưng lại tôi đi vòng ra trước mặt cô. Cô biết tôi đang làm gì không? Cô quay lưng lại tôi đi vòng ra trước mặt cô mưa bò vào trong bùn làm bẹp rúm áo lót của cô qua áo cô nó bốc mùi ghê sợ. Tôi đang ôm siết cô ấy tôi đang làm thế đấy. Cô quay lưng lại tôi đi vòng ra trước mặt cô. Tôi bảo cô rằng tôi d dang ôm siết cô ấy
Tôi cóc cần biết anh đang làm gì
 Cô không cần cô không cần tôi sẽ làm cô tôi sẽ làm cô cần Cô hất tay tôi ra tay kia tôi quệt bùn lên người cô tôi không cảm thấy cái tát ướt át của tay cô tôi lau sạch bùn ở chân tôi quệt lên thân hình ướt sũng quay đi của cô nghe những ngón tayc bấm vào mặt tôi nhưng tôi không cảm thấy ngay cả khi nước mưa bắt đầu có vị ngọt trên môi tôi Từ dưới nước chúng thấy chúng tôi trước, những cái đầu và vai. Chúng la hét và một đứa co người nhảy vọt lên giữa đám. Trông chúng như những con hải ly, nước ngang cằm, miệng hò hét.
"Đem con nhỏ ấy đi! Đưa con gái đến đây làm gì? Đi đi!"
"Nó có làm gì các cậu đâu? Chúng tôi chỉ muốn nhìn các cậu một lát".
Chúng ngồi xổm dưới nước. Đầu chúng tụm lại, vẫn canh chừng có thể, rồi chúng tản ra và lao về phía chúng tôi lấy tay té nước. Chúng tôi vội lùi ra.
"Mấy cậu nhìn xem. Nó có làm gì các cậu đâu?"
"Đi đi, dân Harvard!" đó là thằng bé thứ hai, đứa lúc ở trên cầu đã nghĩ đến xe và ngựa. "Té nước lên họ đi, chúng mày!"
"Mình lên quăng họ xuống nước đi," một đứa khác nói. "Tao chả sợ bọn con gái".
"Té họ đi! Té họ đi!" Chúng nhào về phía chúng tôi, tạt nước lên. Chúng tôi lùi lại. "Đi đi!" chúng la hét. "Đi đi!"
Chúng tôi bỏ đi. Chúng túm tụm ở sát bờ, những đầu tóc loáng ướt đứng thành hàng sát mép nước sáng rực. Chúng tôi tiếp tục đi. "Không phải chỗ cho chúng mình, phải không?" Ánh nắng chênh chếch trên mặt rêu rải rác, càng lúc càng nghiêng hơn. "Khổ thân em, em chỉ là một cô bé". Những bông hoa nhỏ xíu mọc giữa đám rêu, tôi chưa từng thấy những bông hoa nhỏ đến thế. "Em chỉ là một cô bé. Khổ thân em". Một con đường mòn uốn khúc bên mép nước. Rồi mặt nước lại tĩnh lặng, tối và tĩnh lặng và chảy xiết. "Chẳng là gì, chỉ là một cô bé. Khổ thân em". Chúng tôi nằm trên cỏ ướt thở hổn hển như những viên đạn lạnh buốt bắn lên lưng tôi Bây giờ thì cô có cần không nào cần không cần không
Lạy Chúa, mình quả là bẩn thỉu đứng lên đi Khi chảy ướt trán tôi mưa bắt đầu xót buốt tay tôi biến thành màu đỏ những vệt hồng rỉ xuống trong mưa. Có đau không
Dĩ nhiên là có anh nghĩ sao
Tôi cố móc mắt cô ra. Lạy Chúa mình quả là hôi hám mình phải đứng dưới cành cây để rửa sạch mùi "Đây lại là thị trấn rồi em ạ. Em phải về nhà thôi. Anh cần về trường. Em xem muộn lắm rồi. Bây giờ em về nhà chứ, phải không?" Nhưng nó chỉ nhìn tôi với ánh mắt đen láy, bí mật, thân thiện, ổ bánh mì lòi ra một nửa vẫn ôm chặt trên ngực. "Bánh ướt hết. Mình nhảy lui cũng kịp lúc đấy chứ." Tôi rút khăn tay cố thấm khô ổ bánh, nhưng vỏ bánh bắt đầu tróc ra, nên tôi thôi. "Mình phải để nó tự khô đi. Cầm thế này này". Nó cầm ổ bánh như thế. Trông ổ BÁNH NHƯ đã bị chuột gặm. Và nước mưa đọng lại đọng lại trên cái lưng ngồi xổm bùn nhầy nhụa bốc mùi trên bề mặt mưa lấm tấm đầy mặt nước tí tách như mỡ nổ trên bếp nóng. Tôi đã bảo tôi sẽ làm cô
Tôi cóc cần biết anh làm gì
Rồi chúng tôi nghe tiếng chạy và chúng tôi dừng chân ngoái lại thấy hắn từ đầu đường mòn chạy tới, những bóng râm ngả dài lấp loáng trên hai cẳng chân.
"Anh ta đang vội, mình nên" rồi tôi thấy một người nữa, một người đứng tuổi chạy nặng nề, cắp một chiếc gậy, và một thằng bé cởi trần, vừa chạy vừa giữ quần.
"Julio kia rồi" con bé nói, và rồi tôi thấy bộ mặt đặc Italy và đôi mắt của hắn khi hắn nhảy bổ vào tôi. Chúng tôi ngã lăn xuống. Hai tay hắn đấm vào mặt tôi, hắn nói gì đó và hắn cắn tôi, hình như thế, và rồi họ túm lấy hắn dựng dậy và giữ chặt hắn trong lúc hắn thở hồng hộc, đấm đá lung tung và la hét rồi họ giữ tay hắn và hắn cố đá tôi đến khi họ kéo hắn trở lại. Con bé rú lên, ôm chặt ổ bánh bằng cả hai tay. Thằng bé cởi trần lao tới, nhảy như choi choi, tay giữ quần và ai đó kéo tôi đứng dậy vừa lúc để thấy một bóng khác trần như nhộng chạy ra từ khúc lượn bình yên của con đường và nửa chừng đổi hướng, nhảy vào rừng, bộ quần áo vắt sau lưng thẳng như ván gỗ. Julio vẫn vùng vẫy. Người đã kéo tôi đứng lên nói "Ái chà, có thế chứ. Ta tóm được chú mày rồi nhé". Ông ta mặc áo ngắn và không có áo khoác. Trên ngực áo gắn một mảnh kim loại hình cái khiên. Tay kia ông cắp một cây gậy bóng loáng có nhiều mấu.
"Ông là Anse phải không?" tôi nói. "Tôi đang đi tìm ông. Có chuyện gì thế?"
"Tôi báo cho anh biết trước là bất kỳ điều gì anh nói ra sẽ được dùng để chống lại anh." Ông ta nói. "Anh bị bắt".
"Tôi giết nó" Julio nói. Hắn vùng vẫy. Hai người đàn ông giữ chặt hắn. Con bé vẫn rú lên từng hồi, tay ôm chặt ổ bánh mì. "Mày bắt cóc em tao"Julio nói. "Buông tôi ra, các ông".
"Bắt cóc em hắn?" tôi nói "Sao, tôi "
"Câm miệng" Anse nói. "Chuyện đó anh sẽ nói với ông toà".
"Bắt cóc em hắn à?" tôi nói. Julio vùng ra khỏi hai người kia và lại đâm bổ vào tôi, nhưng viên cảnh sát trưởng chặn hắn và họ giằng co cho đến khi hai người kia ghì tay hắn lại. Anse buông hắn ra, thở hổn hển.
"Đồ ngoại kiều khốn kiếp" ông ta nói. "Tao chỉ muốn bắt cả mày vì tội hành hung". Ông ta quay lại tôi. "Anh bằng lòng đi theo tôi chứ, hay tôi còng tay anh lại?"
"Tôi sẽ đi đàng hoàng" tôi nói. "Chuyện kỳ cục, nếu thế tôi có thể tìm ai đó – còn được việc gì – Bắt cóc em hắn" tôi nói "Bắt cóc".
"Tôi báo cho anh biết" Anse nói "hắn định buộc anh tội cố ý hiếp dâm. Này anh kia, bảo con bé câm họng lại ngay".
"Ối" tôi nói. Rồi tôi bật cười. Hai thằng bé nữa tóc dính bết trên đầu và mắt tròn xoe chui ra từ bụi cây, cài nút áo sơmi đã ướt cả vai và tay, và tôi cố nín cười, nhưng không nổi.
"Nhìn hắn kìa, Anse, nhất định là hắn khùng rồi".
"Tôi s-ẽ n-í-n" tôi nói. "Chỉ một phút thô-i. Lần trước tôi nói ha ha ha " tôi vừa nói vừa cười. "Cho tôi ngồi xuống một lúc đi". Tôi ngồi xuống, họ nhìn tôi, con bé nước mắt ròng ròng và ổ bánh mì như chuột gặm, và dòng nước chảy xiết và êm ả phía dưới con đường. Một lúc sau cơn cười mới qua. Nhưng cổ họng tôi vẫn không ngừng rung lên bần bật, chẳng khác gì cơn buồn nôn dù dạ dày đã trống rỗng.
"Chậc nào" Anse nói. "Trấn tĩnh lại đi".
"Vâng" tôi nói, cố nén xuống dưới cổ. Lại một con bướm vàng nữa, như một vẩy nắng bong ra. Một hồi sau tôi không phải nén chặt cổ như thế nữa. Tôi đứng dậy. "Tôi sẵn sàng rồi. Đi đường nào?"
Chúng tôi theo con đường mòn, hai người kia trông chừng Julio và con bé và mấy thằng nhỏ lẽo đẽo bên cạnh. Con đường men bờ sông đến chân cầu. Chúng tôi qua cầu và đường ray, thiên hạ ra cửa nhìn chúng tôi và mấy đứa nhỏ nữa không biết từ đâu xuất hiện cho đến khi chúng tôi rẽ vào phố lớn thì đã có cả một đám rước. Trước hiệu thuốc có một chiếc xe hơi, khá lớn, nhưng tôi không nhận ra, mãi đến khi bà Bland nói:
"Kìa Quentin! Quentin Compson!" rồi tôi thấy Gerald và Spoade ngồi ngả người ở ghế sau. Và Shreve. Tôi không biết hai cô gái.
"Quentin Compson!" bà Bland nói.
"Chào bà" tôi nói, nhấc mũ lên. "Tôi bị bắt. Tôi rất tiếc không nhận được thư bà. Shreve đã nói lại với bà chưa ạ?"
"Bị bắt à?" Shreve nói. "xin lỗi". Hắn nói. Hắn đứng phắt dậy, bước qua chân họ và xuống xe. Hắn mặc chiếc quần flannel của tôi. Vừa như in. Tôi đã quên bẵng nó. Tôi cũng không nhớ bà Bland có mấy cằm. Cô gái xinh nhất ngồi ở ghế trước với Gerald. Họ nhìn tôi qua tấm mạng, với một thoáng ghê sợ. "Ai bị bắt?" Shreve nói. "Chuyện gì thế này, thưa ông?"
"Gerald" bà Bland nói. "Đuổi mấy người này đi. Lên xe đi, Quentin".
Gerald xuống xe. Spoade không nhúc nhích.
"Hắn bị tội gì thế đại uý?" hắn nói. "Trộm chuồng gà chắc?"
"Tôi báo để các anh biết" Anse nói. "Các anh có quen biết phạm nhân không?"
"Biết hắn à" Shreve nói. "Xem này".
"Vậy thì các anh có thể đến toà. Mấy người đang làm cản trở công vụ. Đi thôi!" Ông giật cánh tay tôi.
"Thôi xin chào vậy" tôi nói. "Được gặp tất cả mọi người tôi mừng lắm. Rất tiếc không được cùng đi với các vị".
"Kìa Gerald" bà Bland nói.
"Này ông cảnh sát" Gerald nói.
"Tôi báo cho anh biết rằng anh quấy rầy một viên chức đang thi hành pháp luật" Anse nói. "Nếu anh cần nói gì thì ra toà để nhận diện phạm nhân".
Chúng tôi đi tiếp. Giờ thì cả một đám rước, Anse và tôi dẫn đầu. Tôi nghe họ  xì xào với nhau chuyện gì đó, và Spoade nói và Julio hung hăng nói bằng tiếng Italy, tôi nhìn lại và thấy con bé đứng bên đường nhìn tôi bằng cái nhìn thân thiện và khôn dò của nó.
"Về nhà ngay" Julio quát nó "Tao sẽ cho mày một trận tuốt xác".
Chúng tôi đi xuôi xuống phố và rẽ vào một bồn cỏ trên đó một toà nhà một tầng xây gạch quét vôi trắng nằm thụt vào so với mặt phố. Chúng tôi đi trên con đường rải đá dẫn đến cửa, rồi Anse chặn mọi người dừng lại, trừ có thể, và yêu họ ở bên ngoài. Chúng tôi bước vào một căn phòng trở trụi sặc mùi thuốc lá ôi. Một cái lò sắt đặt trong khung gỗ chứa đầy cát, một bản đồ bạc phếch treo trên tường cạnh tấm sơ đồ thị trấn đã cũ nát. Sau chiếc bàn bừa bộn và sứt sẹo là một một người đàn ông với mớ tóc màu thép xám như một con gián dữ tợn chằm chằm nhìn chúng tôi bên trênđôi kính gọng thép.
"Bắt được hắn rồi hả Anse?" ông ta nói.
"Bẩm đã bắt được".
Ông ta mở một cuốn sổ to tướng, đầy bụi, kéo nó lại trước mặt mình v chấm một cây bút  bẩn vào bình mực đựng đầy chất gì đó trông như bụi than.
"Này ông" Shreve nói.
"Họ tên phạm nhân" viên quan toà nói. Tôi khai tên. ông ta chậm rãi viết vào sổ, ngòi bút cố tình sột soạt một cách khổ sở.
"Này ông" Shreve nói. "Chúng tôi biết người này. Chúng tôi "
"Xin giữ trật tự trong toà" Anse nói.
"Cậu im đi" Spoade nói. "Cứ để ông ta làm việc của ông ta. Trước sau gì cũng phải làm".
"Tuổi" viên quan toà nói. Tôi khai tuổi. Ông ta viết, vừa viết vừa lẩm bẩm. "Nghề nghiệp?" Tôi khai. "Sinh viên Harvard cơ đấy?" ông ta ngước nhìn tôi. Cổ hơi cúi để nhìn qua bên trên đôi kính. Mắt ông ta sáng và lạnh, như mắt dơi. "Anh định làm gì mà đến tận đây bắt cóc trẻ con như vậy?"
"Họ điên mất rồi, thưa quý toà" Shreve nói. "Ai mà bảo anh chàng này bắt cóc"
Julio hùng hổ xông tới. "Điên à?" hắn nói. "Không phải tôi  bắt quả tang hắn à? Không phải chính mắt tôi thấy hắn"
"Mày nói láo" Shreve nói. "Mày không hề"
"Trật tự, trật tự" Anse lên giọng.
"Các anh im ngay" viên toà nói. "Nếu họ không im lặng, Anse, anh hãy đuổi họ ra ngoài". Ai nấy im lặng. Viên tòa nhìn Shreve rồi Spoade rồi Gerald "Anh biết người này chứ?" ông ta hỏi Spoade.
"Vâng, thưa quý toà". Spoade nói. "Anh ta là người dưới tỉnh lên đây học. Anh ta không có ý hại ai đâu. Tôi chắc ông cảnh sát trưởng sẽ thấy mình lầm. Cha anh ta là một mục sư".
"Hừm" viên quan toà nói. "Nói cho chính xác thì anh đang làm gì?" Tôi kể lại, ông ta nhìn tôi bằng đôi mắt lạnh lùng. "Anse, anh thấy sao?"
"Có lẽ thế" Anse nói. "Bọn ngoại kiều này".
"Tôi là người Mỹ" Julio nói. "Tôi có giấy tờ".
"Con bé đâu?"
"Hắn đuổi nó về nhà rồi" Anse nói.
"Nó có sợ hãi hay gì đó không?"
"Trước khi Julio nhảy bổ vào phạm nhân thì không. Họ chỉ đi dọc đường bờ sông vào thành phố. Mấy thằng bé đang bơi chỉ đường cho chúng tôi".
"Đó là một lầm lẫn, thưa quý toà" Spoade nói. "Trẻ con và chó thường hay bám theo anh ta như thế đấy. Anh ta biết làm sao?"
"Hừm" viên quan toà nói. Ông ta nhìn ra ngoài cửa sổ một lúc. Chúng tôi nhìn ông ta. Tôi nghe tiếng Julio gãi. Viên toà quay lại.
"Con bé không bị làm sao, anh hài lòng chứ, anh kia?"
"giờ thì không sao" Julio hậm hực nói.
"Anh bỏ việc để đi tìm nó hả?"
"Tôi phải bỏ chứ. Tôi chạy. Tôi chạy như điên. Tìm chỗ này,chỗ kia, rồi có người bảo tôi là thấy hắn cho con bé ăn. Con bé đi với hắn".
"Hừm" viên toà nói. "Này anh bạn, tôi nghĩ anh phải đền bù cho Julio chút gì vì anh ta phải bỏ việc".
"Vâng, thưa ngài" tôi nói. "Bao nhiêu?"
"Một đô la, tôi nghĩ thế".
Tôi đưa Julio một đô la.
"Được rồi" Spoade nói. "Nếu chỉ có thế - vậy là anh ta được tha chứ, thưa quý toà?"
Viên toà không muốn buồn nhìn anh ta. "Anh phải đuổi hắn bao xa, Anse?"
"Ít nhất hai dặm. Phải hai tiếng đồng hồ chúng tôi mới tìm được hắn".
"Hừm" viên toà nói. Ông ngẫm nghĩ một lúc. Chúng tôi nhìn ông, cái mào tóc cứng đơ, đôi gọng kính trễ xuống đầu mũi. Bóng khung cửa sổ màu vàng chậm chạp bò qua cửa, chạm vào tường và leo lên. Những hạt bụi cuộn tròn và đâm nghiêng. "Sáu đô la".
"Sáu đô la". Shreve nói. "Để làm gì?"
"Sáu đô la" viên toà nói. Ông ta nhìn Shreve một lúc, rồi nhìn tôi.
"Này ông" Shreve nói.
"Im mồm" Spoade nói. "Cậu đưa cho ông ấy đi rồi mình ra khỏi đây. Các  bà các cô đang đợi mình. Cậu có sáu đô la chứ?"
"Có" tôi nói. Tôi đưa ông ta sáu đô la.
"Bãi nại" ông ta nói.
"Ông cho cái giấy biên nhận" Shreve nói. "Ông ký cho cái giấy biên nhận món tiền đó".
Viên toà nhìn Shreve hiền lành. "Bãi nại" ông ta nói không cất cao giọng.
"Mẹ kiếp" Shreve nói.
"Đi thôi" Spoade nói, kéo tay anh ta. "Xin chào ông chánh án. Cảm ơn ông nhiều." Khi chúng tôi ra khỏi chứ giọng Julio lại vang lên, hung hãn, rồi im bặt. Spoade nhìn tôi, đôi mắt sâu của hắn chế giễu, hơi lạnh lùng. "Thế nào, cậu, sau vụ này chắc cậu về Boston lùng gái chứ?"
"Mày đúng là thằng ngốc" Shreve nói. "Mày nghĩ thế quái nào mà lang thang đến tận đây gây chuyện với bọn di dân Italy khốn kiếp này?"
"Đi thôi" Spoade nói. "Chắc họ sốt ruột lắm rồi"
Bà Bland đang trò chuyện với các cô gái. Đó là cô Holmes và cô Daingerfield, họ thôi không nghe bà và nhìn tôi vẫn với cái vẻ ghê sợ tò mò kín đáo, vén mạng lên trên chiếc mũi trắng trẻo của họ, và đôi mắt lấp lánh bí ẩn dưới lớp mạng.
"Quentin Compson" bà Bland nói. "Mẹ cậu sẽ bảo sao? Thanh niên dĩ nhiên là hay gặp chuyện lôi thôi, nhưng lại bị một gã cảnh sát nhà quê bắt giữ và dẫn bộ. Họ bảo anh ta làm gì hả Gerald?"
"Chẳng làm gì cả" Gerald nói.
"Vô lý. Chuyện thế nào, Spoade?"
"Hắn định bắt cóc con bé bẩn thỉu đó nhưng họ kịp thời tóm được hắn" Spoade nói.
"Vô lý" bà Bland nói, nhưng giọng bà dường như tắt dần và bà nhìn tôi một chặp, mấy cô gái cũng hít vào với một âm thanh phụ hoạ. "Vớ vẩn" bà Bland nói cộc lốc. "Thật chả khác gì bọn Yankee hạ đẳng ngu si. Lên xe đi Quentin!"
Shreve và tôi ngồi trên hai chiếc ghế xếp. Gerald quay máy rồi lên xe và xe chạy.
"Quentin, bây giờ anh kể cho tôi cái chuyện ngớ ngẩn ấy là thế nào đi", bà Bland nói. Tôi kể cho họ nghe, Shreve ngồi khom người bực bội và Spoade lại ngả người cạnh cô Daingerfield.
"Chuyện tức cười là ở chỗ, lúc nào Quentin cũng bịp được bọn ta" Spoade nói. "Lúc nào mình cũng tưởng hắn là một thanh niên gương mẫu mà người ta không ngại giao phó con gái cho đến khi cảnh sát lột mặt nạ hắn đang giở trò bất chính".
"Im đi, Spoade" bà Bland nói. Chúng tôi đi xuống phố, qua cầu và đi qua ngôi nhà treo bộ quần áo hồng trên cửa sổ.
"Ai bảo anh không đọc thư tôi. Sao anh không về lấy thư? Ông MacKenzie đã nói là có thư mà".
"Thưa bà phải. Tôi đã định thế, nhưng tôi không hề trở lại phòng".
"Suýt nữa thì anh bắt chúng tôi ngồi đợi không biết bao lâu ở đàng ấy nếu không có ông MacKenzie cho hay. Khi ông ấy nói anh không trở lại phòng, như thế là thừa một chỗ, chúng tôi bèn mời ông ấy cùng đi. ông MacKenzie, dù sao thì ông cùng đi chúng tôi rất lấy làm mừng". Shreve không nói gì. Hắn khoanh tay nhìn thẳng trước mặt qua mũ của Gerald. Một cái mũ để lái mô tô ở Anh. Bà Bland bảo thế. Chúng tôi chạy ngang ngôi nhà ấy, rồi ba ngôi nhà nữa, và một cái sân nơi con bé đứng bên cổng. Không thấy nó cầm bánh, và mặt nó trông như quệt từng vệt bụi than. Tôi vẫy nó, nhưng nó không đáp lại, chỉ từ từ quay đầu khi xe chạy qua, nhìn theo không chớp mắt. Rồi chúng tôi chạy men bức tường, bóng chúng tôi chạy trên tường và một lúc sao chúng tôi đi ngang một mảnh nhật báo rách nát nằm bên vệ đường và tôi lại bắt đầu cười. Tôi cảm thấy nó rung lên trong cổ họng và tôi nhìn vào những tán cây nơi nắng chiều chênh chếch, nghĩ đến buổi chiều, đến những chú chim và mấy thằng bé đang bơi. Nhưng tôi vẫn không thể nhịn cười và tôi hiểu rằng nếu tôi cố nhịn tôi sẽ bật khóc và tôi nhớ đến những gì tôi đã nghĩ về việc tôi không thể còn tân, đến vô số người đi dạo trong bóng râm để thủ thỉ bằng giọng con gái êm ái của họ, lảng vảng trong những vùng mờ tối và những lời nói thốt ra và mùi hương và những đôi mắt mà ta chỉ cảm thấy chứ không nhìn thấy được, nhưng nếu chỉ giản dị có thế thì đó chẳng là gì cả và nếu đó chẳng là gì cả, thì tôi là gì và rồi bà Bland nói "Quentin? Anh ta có ốm không, ông MacKenzie?" và bàn tay hộ pháp của Shreve sờ đầu gối tôi và Spoade bắt đầu nói và tôi không buồn nhịn cười nữa.
"Nếu cái giỏ mây ấy làm vướng anh ta, ông MacKenzie, ông hãy để sang phía ông. Tôi mang một giỏ rượu đi vì tôi nghĩ mấy cậu thanh niên thế nào chả uống, mặc dù cha tôi, ông của Gerald" từng làm thế Anh đã từng làm thế chưa Trong bóng tối xám ánh sáng mờ nhạt hai tay ghì lấy
"Được dịp thì họ chẳng bỏ qua đâu" Spoade nói. "Phải không Shreve?" đầu gối em mặt em ngước nhìn trời mùi kim ngân trên mặt em và cổ em
"Bia nữa" Shreve nói. Tay hắn lại sờ đầu gối tôi. Tôi lại nhích đầu gối ra. Như một nước sơn mỏng màu hoa cà nói chuyện hắn đem
"Cậu không phải trang phong lưu" Spoade nói. Hắn ở giữa chúng tôi cho đến khi hình dáng em nhoà đi không phải vì bóng tối
"Không, tớ là người Canada" Shreve nói. Nói về hắn những mái chèo lấp loáng đẩy hắn tới lấp loáng Mũ để đi môtô ở Anh và lúc nào cũng hối hả gấp gáp bên dưới và cả hai nhoà đi trong nhau mãi mãi hắn đã từng đi lính và giết người.
"Tôi ngưỡng mộ Canada" cô Daingerfield nói. "Tôi nghĩ đất nước đó đẹp tuyệt".
 "Cậu đã bao giờ uống nước hoa chưa?" Spoade nói. Bằng một tay hắn có thể nhấc bổng em lên vai và chạy chạy chạy
"Chưa" Shreve nói. Chạy con thú có hai lưng và em nhoà dần trong những mái chèo lấp loáng chạy con lợn của Euboeleus chạy cặp đôi bao nhiêu hả Caddy
"Tôi cũng chưa" Spoade nói. Em không biết nhiều lắm có cái gì đó khủng khiếp ở trong em Bố ơi con đã phạm Các con đã làm điều đó chưa Chúng con không chúng con không làm thế Chúng mình đã làm thế chưa