17Giấc Mơ Mầu NhiệmKhoa học giải thích “Giấc mơ” là hoạt động ẩn tang của tiềm thức. Nó thường xuất hiện bất ngờ trong giấc ngủ, nhất là khi có sự kích thích thích hợp của đời sống hiện tại. Tuy vậy, giấc mơ còn phản ảnh phần nào dòng chảy của tâm linh, của sự mầu nhiệm chưa có sự giải thích nào thỏa đáng.Trong suốt thời gian hơn năm mươi năm sau ngày mẹ tôi mất, tôi được ba lần nằm mơ thấy bà trong lúc tâm trí tôi hoàn toành không hề nghĩ tới.Năm tôi được 16 tuổi - nghĩa là khoảng 8 năm sau ngày bà mất - tôi bị bệnh sốt rét nằm liệt gường trong căn buồng tối. Không có một ai chăm sóc cho tôi, dầu tôi đang sống với người anh cả! Cơn sốt kéo dài, tôi mê man nằm bất động, không hay biết gì nữa. Trong một giấc mơ ngắn vào buổi trưa, tôi thấy mẹ tôi về, cho tôi một trái cam tươi. Tôi sung sướng ăn hết quả cam bà cho, trong lúc bà nhìn tôi, mỉm cười hiền lành. Tôi hân hoan tột cùng. Nhưng bà đã ra khỏi giấc mơ thật chóng vánh. Tôi thức giấc. Mở to đôi mắt, nhưng căn buồng tối om. Tôi cảm thấy người tôi bỗng khỏe hẳn, nhẹ nhàng. Đúng lúc cô y tá mang chiếc đèn dầu vào, chích cho tôi một mũi Quinine sau gần một tuần không có một viên thuốc. Tôi đã khỏi bệnh sau đó hai hôm...Lần thứ hai, năm tôi 28 tuổi: Đang dạy học, tôi bị đẩy vào quân trường. Phải sống xa đời sống êm ả bên đám học trò, để sống gần với súng đạn, sự thù hằn, chết chóc... Tôi vô cùng bang hoàng, không tìm ra lối thoát. Một đêm nằm ngủ ở bãi tập, trong cơn mưa rả rich từ chiều, tôi đã được thấy mẹ tôi về. Bà nhìn tôi giây lâu, không nói năng gì, chỉ mỉm cười... Bà thoáng đến, rồi thoáng đi. Nhưng đã để lại cho tôi nhiều nỗi an ủi, và may mắn sau đó...Lần thứ ba, giống như các đồng nghiệp có cùng cảnh ngộ, tôi lên đường học tập ở trại 53. Đời sống kham khổ. Lao động cật lực. Tương lai quả thật là mù mịt. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo ấy, mẹ tôi đã đến... Bà đứng bên một đầu võng, khẽ đưa võng cho tôi, đôi mắt nhìn tôi đầy thương cảm. Chưa bao giờ tôi có được giây phút hạnh phúc tột cùng như thế. Chỉ thoáng qua thôi nhưng giấc mơ đã cho tôi niềm an lạc, những gặp gỡ hiền lành, để sớm được trở về với gia đình!Ba lần mẹ tôi đã đến với tôi, trong ba bước ngoặt quan trọng trong đời. Dường như bà luôn theo dõi theo từng năm tháng của dời sống tôi, để có mặt kịp thời. Để an ủi. Để cứu vớt tôi. Cho tôi niềm tin yêu để tiếp tục đi hết quãng đời mình.- Mẹ ơi! Mẹ thiêng liêng và mầu nhiệm lắm. Tình thương yêu của mẹ thật vô bờ! 18. Con Nó Đã Biết RồiSáng chủ nhật, cô giáo Hoàng có buổi dạy bồi dưỡng cho mươi học sinh yếu tại nhà theo đề nghị của trường và hội cha mẹ học sinh lớp do cô làm chủ nhiệm. Nhưng cô lại buộc phải có mặt trong một buổi họp của họ tộc, cô không thể vắng mặt.Hoàng dặn chồng:- Anh ở nhà chơi với con, em đi dự cho có mặt một lát, em sẽ về sớm làm cơm. Cũng không muộn đâu!Nàng quay lại bế đứa con trai đầu lòng lên 5, hôn lên má nó, giọng âu yếm:- Con ở nhà chơi ngoan với ba, mẹ đi dự đám cưới nhà bác Lễ, sẽ mang quà về cho con nhé!- Mẹ mang quà về cho cu Tí nghe mẹ!Khi dắt xe ra đến cửa, Hoàng bỗng quay lại, dặn chồng:- Học sinh đến, anh nói giúp là anh đau, đi khám bệnh nhé!Khoảng nửa giờ sau, đám học sinh lần lượt đến, yên lặng ngồi vào bàn. Chồng Hoàng dắt con lên, chưa kịp nói gì, thì có em đã đứng lên hỏi:- Thưa thầy, sáng nay cô có ở nhà không thầy?Đứa con trai ngước lên nhìn ba, chờ đợi. Chồng Hoàng thoáng do dự, rồi nói:- Cô đi dự đám cưới người cháu, ngày kia sẽ học tiếp nhé!Hôm sau lên trường, Hoàng nghe có tiếng học sinh xì xào trong lớp: “Cô đi ăn đám cưới có bánh cho tụi em không cô?”.Hoàng ngạc nhiên, nhưng chỉ mỉm cười yên lặng.Về nhà, gặp chồng nàng hỏi:- Hôm qua anh đã nói gì với đám học sinh?Chàng cười:- Anh bảo cô đi dự đám cưới của người cháu...- Chết thật, em đã dặn anh rồi, mói là em đi khám bệnh kia mà!Chàng chỉ tay vào đứa con, giọng vui vẻ:- Con nó đã biết rồi! 19.Con Đường Duy NhấtSống với người chồng làm nghề dạy học đã 10 năm, có hai đứa con, nhưng người đàn bà luôn kêu “khổ quá! khổ quá”. Vì tiền lương của chồng thì có mức, mà bà ta thì tham muốn không giới hạn.Thế là bà làm đơn ly dị chồng.Bà về làm vợ của một ông bác sĩ đã luống tuổi, góa vợ. Bà có cả xâu chìa khóa tủ, tiền bạc dư thừa. Nhưng chỉ được vai năm, bà cảm thấy buồn chán cùng cực, bởi vị bác sĩ ngoài 8 giờ có mặt ở bệnh viện, còn lại thì ngồi luôn trong phòng khám tư nhân cho đến lúc mệt nhoài!Không chịu nỗi sự cô độc và buồn bã, bà lại làm đơn xin ly hôn ông bác sĩ giàu có nọ, để tìm kiếm hạnh phúc!Không lâu sau, bà gặp một doanh nhân là giám đốc xí nghiệp sản xuất nước mắm. Bà về làm vợ lẻ ông ta, được bố trí ở một ngôi nhà riêng trong một con hẻm. Mọi thứ chi dung, kể ả thực phẩm, đều được vị doanh nhân cho cung cấp sẵn đầy đủ. Suốt ngày phải giam mình trong căn nhà lạnh lẽo, lại nơm nớp lo sợ bị nhận diện, người đàn bà luôn cảm thấy như một tội nhân bị giam lỏng.Một hôm, không chịu đựng nỗi sự buồn chán, bà lén mở cửa và đi thẳng tới một ngôi chùa gần đó, hy vọng sẽ cầu xin được điều tốt lành cho mình!Bà gặp vị Hòa thương trụn trì, kể lể sự tình, than khóc thảm thiết. Đợi người đàn bà không còn gì để nói nữa, vị Hòa thượng ôn tồn bảo:- Còn có một con đường duy nhất cho con!Người đàn bà bỗng ngước lên, đôi mắt sáng quắt, giọng tha thiết- Thưa thầy, là con đường nào?- Đó là con đường dẫn đến địa ngục, con ạ! 20.Trên Xe BuýtTại một trạm xe buýt, người đàn ông trạc 50 đang đứng đợi xe bên một ông lão khoảng 80.Ông lão trông còn cứng cáp, nhưng đôi mắt mờ đục, đi phải nhờ chiếc gậy.Xe buýt đến.Gã đàn ông đưa giúp ông lão lên xe, tìm chỗ cho ông ngồi. Gã đàn ông ngồi vào chiếc ghế còn trống bên canh.Xe chạy được một quãng đường, người đàn ông gợi chuyên:- Cụ đi Qui Đức thăm con cháu hay có việc gì?- Con cháu tôi đi làm xa cả, tôi đi khám bệnh...- Bệnh gì vậy, cụ?- Bênh mắt!Nhìn lên đôi mắt đỏ hoe của ông lão, gã đàn ông tỏ vẻ lo lắng:- Mắt cụ bị bệnh lâu chưa?- Mới một tuần nay thôi!Ông lão tâm sự:- Tuần trước, mắt tôi vẫn còn sáng lắm!- Chắc là bị nhiễm khuẩn?- Không! - ông lão đáp - Bà vợ tôi mất vừa đúng một thất, tôi thương nhớ bà ấy ngày nào cũng khóc...Gã đàn ông nhìn chăm chú lên gương mặt nhăn nheo của ông lão, lòng đầy thương cảm.Gã nói:- Thưa cụ, cụ vẫn còn nhiều diễm phúc hơn cháu kia mà!