Chúng tôi lái xe qua hai thành phố lớn: thành phố St.Louis thuộc bang Misouri, và Nashville thuộc bang Tennessee. Tại St.Lousi, những người lớn bỏ hai đứa tôi lại trong xe để đi mua những đồ dùng cần thiết. Chúng tôi nhìn theo họ đi về phía một cửa tiệm. Rồi chúng tôi lẻn ra ngoài để nghiêng ngó các thứ. Chúng tôi đi bộ tới khu phố kế bên để nhìn một tòa nhà cao năm tầng. Đó là tòa nhà cao nhất tôi từng thấy. Lynn nói, “Ở Chicago có những toà nhà còn cao gấp mười lần vậy nữa”. “Có thật không?” “Thật chứ. Có lẽ gấp mười lăm lần nữa kìa”. Tôi thấy tòa nhà thật xấu xí, nhưng mắt Lynn lại sáng rực. Mắt Lynn thường hay sáng như vậy – kira-kira. “Khi nào chị em mình đi học, mình sẽ không ở trong ký túc xá đâu. Mình sẽ ở trong tầng cao nhất của một toàn nhà thật cao ngất. Chị sẽ vô đại học”. Lynn dự tính trở thành một nhà khoa học về tên lửa hoặc là một nhà văn nổi tiếng. Mặc dù tôi không biết chút gì về các loài vật, nhưng Lynn nói khi lớn, tôi sẽ sang Phi Châu và nghiên cứu động vật. Trong đầu tôi, việc vào đại học không phải là điều quan trọng nhất, nhưng nếu Lynn đi thì tôi cũng đi. Chúng tôi đi bộ về lại xe và leo lên ngồi trên mui đong đưa chân, như những người phụ nữ mà mẹ gọi là hạng gái không đứng đắn ở thị trấn trước đây của chúng tôi. Chúng tôi giả bộ phì phèo thuốc là như đám phụ nữ hư hỏng ấy. Dù sao, chúng tôi quay vô trong xe hơi trước khi mẹ trở lại, bởi vì nếu trông thấy chúng tôi như vậy thì mẹ sẽ điên tiết đến nổi bà phải cần tới một viên thuốc an thần. Rồi thì ba sẽ lo rầu và có thể ông sẽ mất tập trung khi lái xe, và chúng tôi có thể bị tai nạn và chết. Đó chính là lý do tại sao mặc dù lúc nào tôi cũng muốn quậy phá, nhưng tôi vẫn phải luôn tỏ ra ngoan ngoãn. Sau đó chúng tôi đi cùng xe ba mẹ trong một lúc. Hai người không nói gì trong suốt hai giờ đồng hồ. Rồi chúng tôi lại lên xe tải trở lại với bác tôi, và ông lại nói suốt không ngừng. Tại Nashville chúng tôi bị lạc ba mẹ một lúc bởi vì bác tôi rẽ vào một đường nhánh khi ông nhìn thấy một cửa hiệu cầm đồ. Ông tấp xe vô lề, chúng tôi ngồi chờ khi ông đi vô trong. Khi bác trở ta, ông cho chúng tôi xem một bộ cờ làm bằng ngọc thạch mà ông vừa mới mua. Ông nói nó làm ông tốn một mớ tiền, nhưng từ giờ trở đi nó sẽ là bộ cờ may mắn của ông. Ông hỏi tôi có tin rằng ông có thể hạ Lynn bằng bộ cờ may mắn này không, tôi trả lời “không”. Mẹ tôi luôn luôn dạy tôi phải tỏ ra lịch sự, nhưng dĩ nhiên mẹ cũng dạy rằng nói dối là một trong những điều tệ hại nhất. Vì vậy tôi chọn cách nói thật với bác. Lynn nói đôi khi sống trong đời mình phải lựa chọn. Chúng tôi dừng lại ở một nơi nào đó có tên là khách sạn Gấu Miền Quê, đối diện trạm xa buýt. Ba tôi cho tôi đi cùng ông mướn phòng. Khi chúng tôi bước vào văn phòng, một người đàn bà cao lớn đang cười vào ống nghe điện thoại. Tóc bà ta đen gần bằng tôi nhưng bạc trắng gần hai phân nơi chân tóc. Bà ta không ngó ngàng gì tới chúng tôi, nên chúng tôi đứng đó chờ. Tôi nhìn ba để coi ông có giục bà ta lẹ lên một chút hay không. Nhưng ba là người kiên nhẫn nhất thế giới. Người đàn bà nói vào ống nghe điện thoại, “Chắc bồ nói giỡn, phải không?... Hắn mà dám nói vậy á?! Bồ phải tát vô mặt hắn ngay lúc đó chớ!” Ba tôi đếm lại tiền ở trong ví. Người đàn bà dời cái miệng khỏi ống điện thoại rồi nói với ba tôi, “Da đỏ, ở dãy phòng sau nhá!” Bà ta đẩy một cái chìa khóa và một tấm thẻ đăng ký về phía ba tôi. Tôi nói, “Bọn cháu không phải người da đỏ”. “Dân Mễ cũng vậy”. Hè năm đó da ba tôi sạm lại do phải làm việc ở sân sau. “Bọn cháu cũng không phải là người Mễ”, tôi đáp lại. Nếu mẹ có ở đây bà sẽ bắt tôi im miêng. Nhưng ba tôi không nói gì và chỉ điền vào tấm thẻ đăng ký. Bà ta lại nói vào trong điện thoại, “Đợi chút nghe bồ tèo”. Bà đặt ống nghe xuống và chiếu cặp mắt nhìn sững tôi. Tôi nắm lấy tay ba. “Bà nhỏ, nhìn tôi nè”. Sau cùng ba cũng lên tiếng, ông nói “một phòng dãy sau cũng được”. “Tôi muốn hỏi con bé chuyện này. Tôi nói đàng hoàng đây, nghe nhóc, bởi vì tôi đã có quá nhiều rắc rối trong đời rồi, và tôi chỉ muốn biết: bộ trên trán tôi có in dòng chữ “Tôi thích rắc rối” hả? Bộ cái mặt tôi nói với mọi người rằng “rắc rối là bạn của tôi” hả? Tôi hỏi nghiêm túc đó nhóc!” Tôi chăm chú nhìn gương mặt ba ta. Tôi liếc về phía ba, nhưng ông đang nhìn vào trán người đàn bà. Bà ta nói tiếp, “Bộ mấy đường gân máu của tôi có hình chữ “R”, tức là “Rắc rối” hả?” Quả là bà ta có mấy đường gân máu gồ lên trên trán. Nhưng thật sự nó không có hình chữ “R”. Vì vậy tôi trả lời, “Dạ không, thưa bà”. “Tôi cũng nghĩ vậy. Bây giờ mấy người về phòng của mình đi”. Bà ta nhấc ống nghe lên lại. Ba tôi đưa một ít tiền, bà ta lại ngước mắt lên. “Phòng dãy sau phải thêm hai đô-la nữa”. Ba tôi đẩy thêm hai đô-la về phía quầy thu tiền. Bà ta lại nhấc điện thoại và lắng nghe một hồi. “Cứ-ứ-ứt! Bồ khó chịu với thằng cha đó nhiều quá!” Chúng tôi đi ra ngoài, đó là một buổi tối yên tĩnh. Mặt trời đang lặn và đường chân trời đỏ một màu cam. Những đám mây hình tròn như cái đĩa lơ lửng trên cao. Tôi hỏi, “Cứ-ứ-ứt! nghĩa là sao hả ba?” Ba tôi cúi đầu xuống và nói nhỏ vào tai tôi từ đó nghĩa là gì. Ông dùng tiếng Nhật để chỉ, và dĩ nhiên là chị Lynn đã dạy cái đó cho tôi rồi. “Dù gì đi nữa, không được để cho mẹ biết ba chỉ con cái này nghe chưa.” “Dạ, con không nói đâu. Có vài đường gân máu của bả cũng giống như chữ “R” đó ba. Nhưng nó không ở trên trán bả, mà là trên má của bả”. “Ba thấy giống chữ “X”, nhưng ba không cho con biết nó tượng trưng cho chữ gì đâu”. “Gì hả ba? Gì gì gì? Nói con biết đi!” Ba tôi nhìn quanh, như thể ổng sợ mẹ tôi đột ngột xuất hiện. Rồi ổng cúi xuống và nói nhỏ vào tai tôi nó tượng trưng cho chữ gì. Ông nói đó là chữ “Xấu Nết”. “Nếu bả xấu như vậy thì ba đưa thêm cho bả hai đô làm gì?” Ông trả lời, “Bởi vì hai đứa con cần một chỗ để ngủ”. Tôi nói, “Đáng lẽ ba phải đập cho bả một trận!” Ba nhấc tôi lên trong đôi tay rắn chắc của ông, không trả lời. Khi chúng tôi đi về phòng, chúng tôi nhìn thấy những người da đỏ thực sự đang ngồi trên lề đường. Họ nhìn chúng tôi như thể họ chưa từng nhìn thấy ai như vậy. Và chúng tôi cũng nhìn lại họ theo kiểu đó. Ở Nhật Bản cũng có những người giống như dân da đỏ ở đây. Họ được gọi là dân Ainu. Bác tôi đã kể cho tôi và Lynn nghe về người Ainu. Họ là những người đầu tiên sống ở miền Bắc Nhật bản. Người Ainu tự gọi mình là Dân Trời bởi họ cho rằng tổ tiên của họ từ trên trời đến, cũng như tổ tiên của tôi đến từ Tokyo. Những người phụ nữ Ainu thường xăm râu lên mặt mình, Lynn và tôi thấy chuyện đó hay hay. Sau khi bác tôi kể cho chúng tôi nghe về người Ainu, ngày nào chúng tôi cũng vẽ râu lên mặt mình suốt hai tuần sau đó. Ba đã chụp một số ảnh, còn mẹ thì choáng váng đến nổi phải nằm nghỉ. Mẹ không coi Nhật Bản là đất nước của dân Ainu, mà là đất nước của tổ tiên bà, và là nơi mà tôi và Lynn sau cùng phải được gởi về để học về bổn phận người phụ nữ. Mẹ cho rằng có râu thì không làm đàn bà được. Tôi cũng chẳng biết tại sao. Tối đó ở nhà nghỉ, bác Katsuhisa chưa thách đấu ngay với Lynn. Đầu tiên ông đem bộ cờ vào trong phòng tắm rồi đóng cửa lại. Chúng tôi nghe ông nói lầm bầm một mình. Khi tôi muốn đi tiểu, ông chẳng hề để ý tiếng tôi gõ cửa, chắc ổng đang tập trung dữ lắm. Lynn phải dắt tôi vào văn phòng để xin dùng tạm toa-lét ở đó. Người đàn bà với đám gân máu quái dị vẫn còn ở đó. Bà ta không nói gì, chỉ lắc đầu cáu kỉnh và đưa chìa khóa cho chúng tôi. Đầu bà ta cứ xoay qua xoay lại, như thể ba ta không giữ yên nó được. Lynn nói nhỏ với tôi, “Bả say rồi. Không phải chỉ nói xấu bả đâu, mà thật sự là vậy”. Đầu bà ta gục xuống quầy thu tiền. Trước đây tôi không thích bà ta, nhưng bây giờ tôi thấy tội cho bả. Tôi không biết ba mẹ bà ta có thương bả như ba mẹ tôi thương tôi hay không. Khi chúng tôi trở về phòng thì bác Katsuhia đã sẵn sàng giao đấu với Lynn. Cả hai ngồi xuống một cái bàn nhỏ trong phòng. Tôi với Bera-bera ngồi trên giường theo dõi ván cờ. Ba tôi đã bỏ một giờ đống hồ để tìm ra con Bera-bera và chiếc áo len của chị tôi trong xe tải. Bác đằng hắng một tiếng lớn. Rồi ông ngồi suy nghĩ, suy nghĩ miết. Ông cụp tai kêu “bốp” tới hai mươi bảy lần-tôi đếm được cả thảy. Ổng tốn tới mười phút để đi một con chốt. Lẽ ra tôi phải chán lắm, nhưng may mà Bera-bera nói chuyện với tôi suốt. Nó kể cho tôi nghe những chuyện nó làm hằng ngyà. Tất cả những việc nó làm là nói liên tục. Nó cũng nói chuyện với Lynn. Nó nói với chị rằng nó cũng có biết Alice qua cuốn truyện “Tấm gương Thần”, và cũng giống như Alice, nó có thể đi vào thế giới phản chiếu huyền diệu. Khi mình nhìn vào một mặt phẳng trong vắt, giống như mặt hồ nước hay mặt gương, thì hình phản chiếu cũng sẽ như là hình thật thôi. Nhưng thế giới phản chiếu khi khác – nó là một thế giới thần tiên. Lẽ dĩ nhiên là Lynn đã dạy tôi điều đó. Chị nói rằng Bera-bera có rất nhiều bạn trong thế giới phản chiếu huyền diệu. Trong thế giới đó của nó, nó là nhân vật rất quan trọng-có thể nó là một ông vua lận – nhưng với tôi, nó chỉ là một đứa bạn nói nhiều và dễ thương. Lynn tốn chừng hai giây để tấn công một con chốt. Bác Katsuhisa tốn chừng mười lăm phút để đi một con chốt tiếp theo. Rồi Lynn đi quân Mã làm bác Katsuhisa sững sờ. Tôi ngủ thiếp đi, mỗi khi tỉnh dậy, tôi thấy Lynn đang ngồi sụp trên ghế, có vẻ chán chường hết sức. Còn ông bác thì đang nhíu mày, đăm chiêu suy nghĩ. Lynn vẫn còn quân hậu của bác đã bị Lynn ăn mất tiêu. Trong một lúc tôi tưởng như bác sắp sửa khóc. Rồi bác lật ngược quân Vua của mình lại – có nghĩa là bác đầu hàng. Bác bước ra ngoài, chúng tôi vội chạy lại gần cửa sổ để coi bác khạc nhổ. Ổng cũng giống như cái máy phun nước mà có lần ba đã dẫn chúng tôi đi coi ở Yellowstone. Nghĩa là ổng cứ khạc nhổ một cách đều đặn. Lúc này những người da đỏ lại đang ngồi ngoài trời. Họ nhìn bác như thể ổng sắp sửa phát điên. Lynn nói, “Có nên để ổng thắng một ván không ta. “Không”, tôi trả lời. Tối hôm đó, tôi thức giấc vào lúc nửa đêm. Tôi nhận ra một khe sáng ở dưới cánh cửa phòng tắm. Võng của bác trống, tôi biết bác đang nghiên cứu cờ. Tôi thấy hơi tội nghiệp ổng. Chắc chắn ông cũng muốn là một thiên tài như Lynn. Có lẽ ông ao ước tới một tương lai rực rỡ của chị. Thỉnh thoảng tôi cũng nghĩ tới tương lai của mình, bởi vì Lynn biểu tôi nên làm vậy. Chị nói vào ngay lúc này cũng khó mà đoán, nhưng một ngày nào đó nếu tôi không qua châu Phi để nghiên cứu động vật, thì chắc tôi sẽ trở thành một vận động viên quần vợt thiên tài và xinh đẹp. Tôi chẳng lo lắng về điều đó chút nào. Tôi không quan tâm liệu tôi sẽ trở thành thiên tài hay tôi sẽ xinh đẹp, hay tôi sẽ chơi thể thao cừ khôi. Tôi chỉ thích nghe Lynn nói và trò chuyện với Bera-bera hay ăn kẹo cốm. Người phụ nữ sống ở cuối đường có thể tháo nguyên cả hàm răng trên ra khỏi miệng bả rất tài, nhưng bả không nhai được kẹo. Tôi có thể ăn bất cứ loại kẹo nào tôi thích bởi vì tôi vẫn còn răng sữa. Nếu răng tôi bị sâu, thì tôi chỉ cần chờ mọc thêm răng khác. Quả là hết sẩy. Từ trong xe hơi, Georgia nhìn không khác mấy so với những nơi khác. Nhưng khi hai đứa tôi xuống xe nói chuyện với mọi người, bọn tôi không thể hiểu được vì cái giọng miền Nam của họ. Họ nói chuyện như thể có dây thun trong miệng. Mọi người đều trố mắt nhìn khi hai đứa tôi bước vô nhà hàng. Những tấm biển báo trong nhà hàng đều có ghi các dòng chữ đại thể như DA MÀU RA PHÍA SAU. Phía trước dành cho người da trắng. Bọn tôi chằng biết ngồi đâu, cho nên người ta chỉ đâu thì ngồi đó. Không thấy có một người Nhật Bản nào ở đây cả. Bọn tôi bị người ta ngắm nghía cả một hồi lâu. Thỉnh thoảng một người phụ nữ da trắng rướn về phía hai đứa tôi và trầm trồ, “Ngộ quá!”. Vài người trong họ sờ vào mặt bọn tôi, làm như thể bọn tôi không phải là người thật. Georgia có rất nhiều bảng quảng cáo. Suốt dọc đường Lynn đọc cho tôi nghe tất cả” GORDON, KINH ĐÔ GÀ CỦA THẾ GIỚI; VIDALIA, XỨ HÀNH NGỌT NHẤT THẾ GIỚI, CORDELE, KINH ĐÔ DƯA HẤU CỦA THẾ GIỚI; MILTON, LOẠI ĐÀO TỐT NHẤT THẾ GIỚI và TEMPLETON, NƠI ĐẬU PHỤNG LÀM VUA. Tôi còn thấy thêm bảy nhà hàng khác nhau quảng cáo của mình có món thịt sườn nướng ngon nhất thế giới. Nhiều lúc xe chúng tôi chạy ngang qua một dinh thự thời tiền chiến. “Tiền chiến” nghĩa là “trước cuộc nội chiến Nam-Bắc Mỹ”. Lynn đã dạy tôi chuyện này. Chị đã có lần ra sức đọc hết toàn bộ cuốn từ điển, cho nên chị biết nghĩa của cả một lô lốc từ bắt đầu bằng chữ “T”. Một toàn dinh thự Tiền Chiến có thể không đẹp như là, coi nào, một ngọn núi hay là một bầu trời, nhưng đối với một ngôi thì nó đẹp thật sự. Trước cuộc Nội Chiến Mỹ, những người da trắng giàu có sống trong dinh thự này và sở hữu nô lệ. Tôi không biết bây giờ những người ở trong đó là ai. Thị trấn mới của chúng tôi có tên là Chesterfield. Bác cho bọn tôi hay dân số của nó là bốn ngàn một trăm người. Có sáu gia đình Nhật Bản khác sống ở Chesterfield. Nếu tính luôn cả chúng tôi thì sẽ có thảy ba mươi mốt người Nhật Bản. Tất cả các ông bố trong gia đình đều làm việc ở trại ấp trứng trong thị trấn gần đó. Bọn tôi hầu như ngồi trên xe với bác suốt ngày hôm đó bởi vì bác muốn bàn bạc chuyện đánh cờ với Lynn. Hầu hết thời gian tôi chỉ biết trố mắt nhìn ra ngoài cửa xe. Khi sắp tới Chesterfield tôi có chợp mắt ngủ thiếp đi một chút. Tỉnh dậy, tôi thấy quần mình bị ướt. Tôi chẳng nói ra cho Lynn hay bác biết. Bọn tôi đang đi tới nhà bác, ổng định làm một buổi tiệc nho nhỏ chào mừng chúng tôi tối hôm đó, và tôi nghĩ mình có thể lẻn vào trong nhà mà không bị ai phát hiện. Xe đỏ dốc xuống một con đường ngoằn ngoèo. Đó đây tôi thấy những căn nhà gỗ, sơn tróc lỗ chỗ. Những chiếc xe cũ rỉ sét hoặc hoàng đống vỏ xe nằm rải rác trong sân nhà. Gà chạy rong khắp nơi. Bọn tôi thấy một con gà nằm chết trên mặt đường và Lynn với tôi hét lên. Sau cùng chúng tôi dừng lại ở một căn nhà nhỏ cũng giống như những cái nhà khác. Cả nhà bác Katsuhisa chạy ra đón chúng tôi. Bác là người Nhật Bản duy nhất trong thị trấn này có được một căn nhà. Sân trước trải sỏi với những đám cỏ úa vàng rải rác, còn lớp sơn tường đã bị tróc ra lỗ chỗ. Dù sao thì tôi thấy nó trông cũng được. Gia đình tôi sẽ sống trong một căn hộ rẻ tiền giống như những người Nhật Bản khác đang làm việc ở trại ấp trứng. Bác Katsuhisa sống trong một căn nhà hẳn hoi bởi vì bác thì khác. Ổng có những kế hoạch lớn lao. Trước hết, ông thừa hưởng hai ngàn đô-la từ một người mà ông đã cứu sống trong thế chiến thứ Hai. Cho nên dù chẳng giàu có gì, ông vẫn khá hơn hầu hết chúng tôi. Sau nữa, ông đang cùng với một người bạn nghiên cứu để chuyển qua làm công việc thiết lập bản đồ địa hình, tức là việc đo đạc và nghiên cứu đất đai. Ông biết rất nhiều về đất và bùn và những thứ đại loại như vậy. Ông không muốn làm việc trong trại ấp trứng suốt cả đời. Khi chúng tôi tới nhà bác, hai đứa em họ sinh đôi sáu tuổi của tôi, David và thằng Daniel, đang chờ cùng với bác gái Fumiko. Bác gái là một phụ nữ tròn quay, với cái gương mặt tròn vo, cái bụng tròn quay và hai bắp đùi cũng tròn quay. Ngay cả tóc của bác cũng búi lại thành một búi tròn trên đầu. Tôi tính có ngày sẽ tháo nó ra coi có gì ở trong đó hay không. Bác Katsuhisa nhấn còi và vẫy tay với họ. Chúng tôi bước ra khỏi xe, và hầu như việc đầu tiên xảy ra là bác Fumi la lên chói lói, “Katie đái dầm! Katie đái dầm!” Tôi ngượng đến nỗi khóc òa lên. Tất cả mọi người đều bật cười, còn hai thằng David và Daniel thì cứ rống lên, “Katie đái dầm!”. Mẹ cũng nói, “Katie đái dầm!” Chỉ có ba là có vẻ tự hào về tôi. Lúc nào ba cũng tự hào về bất cứ chuyện gì của bọn tôi. Sau đó, khi những gia đình Nhật Bản khác đến, chúng tôi ăn uống suốt đêm: cơm nắm ướp mắm, bánh cá, bánh cốm, kẹo cốm và gà nướng. Cơm nắm được gọi là onigiri, đó là món duy nhất tôi biết làm. Để làm cơm nắm, ta phải rửa tay cho sạch rồi thoa muối lên lòng bàn tay. Sau đó ta bốc một nắm cơm và vo nó lại thành một nắm. Mẹ làm được kiểu dáng cơm nắm onigiri lạ mắt hình tam giác rất dễ thương với rong biển và mận ướp, nhưng tôi thì chỉ làm được kiểu bình thường. Ngày nào đó khi lớn lên, tôi cũng sẽ phải học cách làm những cơm nắm onigiri lạ mắt, nếu không thì sẽ chẳng ai thèm hỏi cưới tôi. Chúng tôi hái đào trên một cái cây gần đó và dỏng tai nghe ba mẹ tôi bàn công việc. Ba sẽ đi làm việc phân loại giới tính gà, tức là theo ba giải thích, phải tách riêng con trống với con mái ngay từ khi chúng vừa mới ra khỏi trứng. Theo như tôi thu nhặt được, thì phải tách riêng ra như vậy để giết những con trống. Chúng vô dụng bởi chúng không thể đẻ trứng. Bác Katsuhisa nói thấy chúng bị giết thì cũng tội, nhưng rốt cuộc bọn tôi phải học cách để sống như những đứa trẻ ở nông trại-lũ trẻ ở nông trại hiểu được ý nghĩa của cái chết. Chúng hiểu được chết là một phần của cuộc sống. Khi bác nói vậy, mẹ và bác Fumi cau mặt với ông. Hai người cứ làm vậy suốt cả thời gian bác nói chuyện với bọn tôi. Điều đó có nghĩa là lẽ ra bác phải tốp bớt. Tôi nhìn quanh và thấy Lynn đang chơi với mấy đứa cỡ tuổi chị. Lynn gọi, “tới đây!”, và tôi chạy tới. Có nhiều khi mấy đứa lớn tuổi hơn không thích tôi tham gia, nhưng Lynn luôn luôn bắt bọn nó phải cho tôi chơi chung. Chúng tôi chơi giỡn tới tận giờ đi ngủ, tối hôm đó Lynn và tôi ngủ trên sàn nhà trong phòng khách. Giống như có một triệu con dế đang gáy xung quanh chúng tôi. Ánh trăng bán nguyệt rọi qua khung cửa sổ, Lynn và tôi tập tru và sủa để sau này có thể nói chuyện được với lũ chó nếu mẹ cho phép hai đứa nuôi một hai con. Rồi mẹ đi vào phòng bắt hai đứa tôi im miệng. Mẹ có vẻ mệt và lo một điều gì đó. Vì vậy chúng tôi nằm im ngay lập tức. Thấy mẹ như vậy làm tôi nhớ tới Iowa. Đây là những thứ mà tôi đã bắt đầu cảm thấy nhớ: 1. Quang cảnh. Trước đây khi tôi ngó ra ngoài cửa sổ phòng ngủ vào những buổi sáng mùa hè, tôi không thấy gì khác ngoài bắp và bầu trời xanh biếc. Vào mùa đông thì tôi thấy tuyết và cũng là bầu trời xanh biếc. 2.Giải bowling người Mỹ gốc Nhật ở bang Iowa. Cứ mỗi sáng thứ bảy, người Mỹ gốc Nhật ở vài dặm quanh đó tụ tập tại một sân bowling nằm ở trung tâm của bang. Mấy người bạn của ba luôn luôn cho hai đứa tôi tiền lẻ và bày cho bọn tôi vài bài hát trong cái máy hát tự động. 3.Bà Chan, bà góa phụ người Hoa ở cuối đường. Hai đứa tôi từng giúp bả trồng cà chua vào đầu mùa hè năm đó. Nhân tiện nói thêm, bả là người có thể tháo hàm răng trên ra khỏi miệng. 4. Tuyết. Nặn tuyết thành đám thiên thần và người tuyết rất thú vị. Đôi khi ba cũng tham gia chơi với chúng tôi. Có một lần, mẹ bước ra ngoài và ba ném một cục tuyết trúng vô người mẹ. Tôi nghĩ mẹ sẽ xỉu, nhưng sau một hồi lặng thinh, mẹ đã mỉm cười. 5.Ba mẹ. Hồi ở Iowa ba mẹ làm việc có giờ giấc bình thường. Còn ở Georgia này cả hai đều phải đi rất sớm mỗi sáng để làm việc. Ba sẽ làm tới hai công việc, còn mẹ thì sẽ làm thêm ngoài giờ nếu có việc. Chưa chi tôi đã thấy nhớ ba mẹ rồi.