Dịch giả: Thu Hạnh
Phần 7 - 8

NHỮNG GHI CHÉP CỦA A-NA-TÔN XAR-NA
 
Tự dưng mình lại đi chuốc lấy cái chuyện ngu xuẩn đó và bây giờ lại phải giải một bài tính hóc búa không biết để đâu cho hết. Chung quy chỉ vì cái tính cả nể, cái tật quen nhún nhường và cái thói tận tụy ngốc nghếch của mình đối với bạn bè. Cầu cho quỷ tha ma bắt thằng cha Ca-rôn với cái thói mê gái triền miên của hắn đi! Tại sao mình lại phải gánh chịu hết mọi hậu quả nhỉ? Chậc, mình thừa biết là tại sao rồi. Chẳng qua mình chỉ là một con lừa thực thụ, cứ dỏng hai tai lên mà nghe thiên hạ nói ngon nói ngọt thôi…
Thư thư một chút nhé! Rồi mình sẽ kể hết đầu đuôi cho nghe, bằng không, sẽ vỡ óc mất đấy, vì chẳng tài nào đoán nổi đâu.
Hôm thứ ba vừa rồi, Tê-rê-da lên đường ra nước ngoài, thực hiện một chuyến lưu diễn mười ngày. Tê-rê-da đích thực là một thiếu nữ kiều diễm, một danh ca nổi danh và lại là vợ chưa cưới của chính mình. Hai chúng mình rất yêu nhau, mọi chuyện đều tốt đẹp. Nhưng phải cái nàng chúa đòi hay ghen, mà lại ghen hầu như vô giới hạn. Của đáng tội, chính mình cũng chẳng kém gì nàng.
Hôm ra đi, nàng giao lại cho mình chìa khóa phòng nàng, dặn mình trông nom giúp trong lúc nàng vắng nhà. Yêu cầu đó mình đã thực hiện một cách rất vui vẻ.
Tối hôm sau, Ca-rôn bỗng dưng mò đến nhà mình. Thằng cha khôn thật: không bao giờ thèm đến chỗ mình làm việc đâu. Hắn cứ cuống cuồng lên, và vừa mới ló mặt ở cửa, chưa kịp cởi áo khoác đã bô bô lên về mục đích cuộc viếng thăng:
- Mình vội lắm, một cô gái đang ngồi trên xe ô tô chờ mình dưới kia… A-na-tôn ạ. Mình van cậu đấy, cho mình mượn chìa khóa căn phòng têre đi. Cô ta tuyệt lắm, cứ như là một giấc mơ ấy, chứ chẳng phải là một thiếu nữ nữa. Mình không thể đưa về nhà được, chuyện đó cậu còn lạ gì.
Điều Ca-rôn vừa nói thì mình chẳng lạ: hắn ở chung nhà với bà chị gái, đã có chồng. Bà ấy thì đời nào lại chịu dung thứ cho những trò đùa tai quái như thế này của cậu em.
- Cậu điên đấy à? – mình kêu to lên thế, nhưng trong bụng thì đã biết chắc là chẳng bao giờ có thể giữ được vẻ cứng cỏi đến cùng – Cậu định biến căn phòng của têre thành cái gì vậy hả? Đừng hòng!
- Thôi đi Tôn (tên thân mật của A-na-tôn), đừng giở trò nữa đi! Cô ấy chẳng bao giờ biết chuyện này đâu, còn cái lối đạo đức gải vô lối của cậu thì sẽ đẩy tớ đến chỗ xôi hỏng bỏng không đấy. Chà, giá cậu được nhìn mặt cô bạn mới của mình nhỉ! Tuyệt lắm cơ! Nào, anh bạn già, cậu có còn lạ bạn của mình nữa không đấy?
- CẬu sẽ bày ra có trời mà biết là những thứ gì trong căn phòng đó, rồi lếch thẳng; sau đó cứ mặc xác thằng này nai lưng ra mà dọn dẹp chứ gì! – Trong giọng nói của mình đã có hơi hước của sự nhượng bộ, bởi thế, Ca-rôn liền chộp ngay lấy.
- Chỉ hai tiếng nữa, mình sẽ trả lại chìa khóa thôi mà, và trong phòng sẽ không còn lại một dấu tích nào của hai đứa đâu.
- Thôi, thôi, tớ xin đủ… - mình cố chống chế - Tớ chẳng muốn làm một điều gì vụng trộm đối với têre cả…
- Cha chả, thánh thiện đã gớm chưa kìa. Ước gì têre được nghe nói câu vừa rồi! Hay để mình thay cậu thuật lại: dĩ nhiên mình sẽ không nhắc tới chuyện cái con bé tóc vàng ở đằng “Bri-xtôn” đâu. Về khâu này, cậu khỏi lo…
Giở đến cái ngón đó ra thì đểu thật! Thật tình, chẳng phải cái đó quyết định chuyện Ca-rôn được giao chìa khóa. Chung quy chỉ vì mình không biết cách cự tuyệt. Vả lại, hắn còn hứa sẽ tặng mình chiếc xa-mô-va cổ, mà hắn xoáy được bằng cách gì thì chỉ mỗi một mình hắn biết – cái ấm mà mình đã nài nỉ hắn từ lâu rồi.
Ca-rôn ghé đến nhà mình lúc gần tám giờ tối. Mình ngồi nhà chờ cậu ta đến mười một giờ khuya. Vì nghĩ bụng chắc chẳng có gì rắc rối cả đâu, nên đi ngủ, chắc mẩm sáng mai thế nào Ca-rôn cũng tìm đến. Cậu ta quả tình xuất hiện lúc gần mười giờ sáng, giao lại chìa khóa, vỗ vai mình bồm bộp, khen nức khen nở cô bạn mới, rồi cam đoan là mọi thứ trong phòng đâu vẫn nguyên đấy, và chạy ù đến tòa soạn. Mình còn phải phác thảo cho xong chiếc bao đĩa hát, nên cứ hí hoáy ngồi vẽ đến tận trưa. Rồi, ăn qua quít cho xong bữa và vội vàng phóng xe đến nhà têre, để xem xem mọi thứ có đúng như lời Ca-rôn nói không.
Tấm vải trải giường cuộn tròn vẫn nằm trên đi văng. Nhìn tấm vải, mình chợt nhớ là phải đến hiệu thợ giặt. Trên chiếc bàn con mình thấy mẩu giấy với mấy chữ nghuệch ngoạc: “Chào anh – An-ca”. Mình đem đốt đi ngay, để nhờ trời, xóa sạch mọi dấu vết về sự có mặt của phụ nữ trong căn phòng. Nói chung, mọi thứ đều vẫn ở nguyên chỗ cũ thật. Mấy tấm rèm cửa sổ vẫn buông ngay ngắn, bếp núc vẫn tinh tươm. Yên tâm, mình định ra đi, nhưng đến lúc đi ngang qua phòng ngoài mới sững sờ vì cảm thấy đó thiếu thiếu một cái gì. Mình nhớ như in trên mắc áo có treo một chiếc măng – tô trắng kẻ vuông màu nâu và cái xắc da màu đỏ. Mình tin chắc như thế vì têre có dặn phải đem chiếc áo ấy ra tiệm hấp lại.
Bây giờ, cái mắc áo trống không. Mình lo quá bèn vào lục tung hết đồ đạc trong phòng. Nhưng vẫn chẳng thấy tăm hơi chiếc áo đâu.
Đích thị là bị mất trộm rồi. Ngao ngán quá mình ngồi phịch xuống xa lông, đầu óc mụ đi vì những ý nghĩ buồn rầu.
Vấn đề không phải chỉ là chuyện giá tiền của hai món đồ bị mất. Cái xắc da têre đã mua ở nước ngoài mang về; bây giờ biết tìm đâu cho ra cái của nợ giống hệt như thế, tại vác-xa-va này. Còn chiếc măng – tô thì may từ năm ngoái, biết đào đâu ra thứ vải ấy, hơn nữa, biết thuê ai may và may lúc nào cho kịp đây, khi không có kích thước, cũng chẳng có áo làm mẫu?
Nhưng, nếu mình mà tìm không ra những thứ ấy – chính hai thứ ấy hoặc những cái giống hệt như thế - thì têre sẽ biết ngay là đã xảy ra chuyện mất trộm, và dựa vào đó, nàng sẽ đi đến một kết luận duy nhất: trong phòng nàng đã có một ả nào đó mò vào, và lúc ra đi đã “mượn tạm” những món đồ không phải của ả. Ả nọ do ai đưa vào, nếu không phải chính mình? Mình lập tức hình dung ra cảnh têre giận dữ, tức tối, nước mắt ngắn nước mắt dài và kết cục, dĩ nhiên là chuyện tan vỡ giữa hai đứa. Mình cảm thấy mọi sự nhất định rồi sẽ xảy ra đúng như thế…
Đã vậy thì bằng bất cứ giá nào cũng phải tìm cho ra chiếc măng tô và cái xắc da – lối thoát duy nhất của mình đấy! Chỉ còn mỗi cách ấy mới hy vọng thoát khỏi cái tình cảnh mà mình đã dại dột vướng vào, chỉ vì nể thằng cha Ca-rôn chết tiệt kia.
Nhưng tìm bằng cách nào đây? Báo cảnh sát chăng? Chỉ mới nghĩ đến, đã thấy lạnh cả xương sống. Vì hễ vào tay cảnh sát thì việc đầu tiên là xét hỏi nạn nhân xem đã bị mất những gì, rồi miêu tả đặc điểm những đồ đạc bị mất trộm và đủ thứ thủ tục lôi thôi khác nữa, nghĩa là họ sẽ phải làm cho ra đầu ra đũa cái chuyện mà mình đang cần giấu kín, nếu muốn chuyện tình duyên giữa mình với têre khỏi trắc trở. Chỉ bằng cứ tự cáng đáng hết mọi thứ. Nếu không thì bình thường, không có chuyện lôi thôi này, mình vốn đã yếu thế hơn rồi, sẽ càng yếu thế hơn nữa.
Mình sẽ tự xoay sở lấy. Sẽ tìm đến chỗ cô ả, đòi lại những thứ đã bị cuỗm đi. Dĩ nhiên, cô ả sẽ chối biến hết. Nhưng không sao, mình sẽ có cách, sẽ bỏ tiền ra xin chuộc hoặc sẽ đem công an ra dọa – cái đó còn tùy.
Mình nhấc vội máy lên, gọi điện cho Ca-rôn. May quá, hắn vẫn còn ở đằng tòa soạn.
- Đến đây ngay nhé! – Mình xẵng giọng, khi nhận ra tiếng cậu ta ở đầu dây – Mình đang ngồi tại phòng của Tê-rê-da đây.
- Có chuyện gì vậy, sao gấp gáp thế, hẳn cậu ta hỏi đểu – một giọng hết sức bình thản. Mình chịu thôi, đang phải gõ nốt mấy trang nữa mới xong bài phóng sự mà.
- Này, đồ mê gái chết giẫm, phải đến ngay tức khắc đấy, nếu không thì chẳng còn bạn bè với cậu nữa đâu. Nữ thần của cậu đã cuỗm mất của têre mấy món đồ dùng.
- Không thể thế được. – Giọng Ca-rôn hết vẻ bình thản. Thấy thế, mình cũng đỡ bực nhiều – Được rồi, chờ mình một tẹo thôi. Xong trang này là mình đến ngay.
- Vứt mẹ nó cái việc cậu đang làm đi. Mình cần ngay tức khắc địa chỉ của cái cô An-ca của cậu. Tính khí Tê-rê-da cậu còn lạ gì? Cậu biết cớ sự sẽ ra sao nếu để chuyện này tóe tòe loe ra.
- Nửa giờ nữa là mình xong việc thôi mà, chờ mình một lát nhá. Còn địa chỉ ấy à…
- Để đến đây rồi nói cũng được – mình chấm dứt câu chuyện và bực bội vứt ống nghe xuống.
Cái giọng gay gắt mà mình dùng trong cuộc trò chuyện vừa rồi khiến mình hả dạ lắm, nên mình bắt đầu đánh giá tình thế đỡ bi đát hơn. Có lẽ, mọi chuyện cuối cùng rồi sẽ đâu vào đấy cả thôi. Có điều phải hành động thật khẩn trương, trước lúc ả thiên thần nọ tấu tán tang vật, bằng không thì sẽ dây dưa, chẳng biết đến bao giờ. Mình đã nóng lòng muốn bắt tay ngay vào việc, nên mình đợi Ca-rôn mà ruột gan như lửa đốt.
Cuối cùng, rồi cũng vang lên tiếng chuông gọi cửa của Ca-rôn.
- Mất những thứ gì hả? – cậu ta hỏi ngay khi còn chưa kịp bước chân qua ngưỡng cửa. Rõ ràng chuyện mất trộm khiến hắn hết sức lo lắng…
Chẳng buồn cởi áo ngoài, Ca-rôn cứ thế đi thằng vào phòng, mắt nhìn ngược nhìn xuôi, hai tay vẫn thủ trong túi áo măng tô. Anh chàng mặt mũi trông cũng chẳng đến nỗi nào, cặp mắt xanh biếc với hai hàng mi dài như lông mi của con gái. Còn vóc dáng thì chỉ thoáng nhìn cũng biết ngay là con nhà thể thao.
- Cái xắc da đỏ với chiếc măng tô kẻ ô vuông nâu, mà Tê-rê-da rất quý! Cả hai đều treo trên cái giá ở phòng ngoài. Tê-rê-da mà biết được chuyện cô ả nọ đã bén mảng đến phòng nàng thì cớ sự sẽ ra sao, khoản này, mình nghĩ, chắc cậu hiểu rồi. Không đời nào nàng tin là mình chẳng dính dáng gì với cô ả nọ đâu nhé. Nàng sẽ nghĩ là mình đã van nài cậu, để cậu giúp mình úm nàng. Mà dẫu nhờ một phép lạ nào đó, nàng sẽ tin mình nói thật đi nữa, thì chưa hẳn đã xuôi đâu: Nàng sẽ nổi trận lôi đình, trách mình sao lại để cho người lạ đặt chân vào đây. Nào, cậu nói đi: có thể tóm ả An-ca nhà cậu ở đâu đây, hả?
- Sao cậu lại biết tên cô ta nhỉ?
- Ồ, có gì ghê gớm đâu? Mình thấy mẩu giấy mà thậm chí đến việc thủ tiêu, để xóa sạch dấu vết, cậu cũng chẳng buồn làm. Hy vọng là bây giờ cậu đã sáng mắt ra chút ít rồi. May mà anh chị mới quen nhau có mỗi một tối thôi đấy.
Giọng nói châm chọc ấy nhằm đúng tim đen anh chàng, nên trong ánh mắt cu cậu mình nhìn thấy vẻ bối rối.
- Cậu biết đấy, Tôn ạ… Mình cũng khổ tâm lắm, nhưng địa chỉ của An-ca thì quả tình mình không biết…
Tôi thấy mắt mũi bỗng dưng tối sầm lại như sắp ngất.
- Không biết thật ư? – tôi ngạc nhêin – Thế có biết họ cô ta không? Địa chỉ, thôi thì hỏi phòng chỉ dẫn cũng được…
- Họ cô ta ấy à.. – hắn dang rộng hai tay.
- Ra thế cơ đấy… Vậy cậu vớ được ả ở chỗ nào hả? – Lưỡi mình tự dưng đớ ra, chật vật lắm mới nói được thành lời. Mình ngao ngán gieo người đánh phịch xuống sa lông, tuyệt vọng.
Ca-rôn thì chắp hai tay sau lưng, đi tới đi lui trong phòng một lúc, rồi dừng lại cạnh mình.
- Bình tĩnh đã nào. Tô! Cậu đừng lo, thể nào ta cũng nghĩ ra cách. Mình sẽ đi tìm bằng được cô ta, cho dù có bị lột mất da đi chăng nữa.
- Hứa hão hứa huyền thế thì ăn thua gì? Tốt hơn ai hết là cậu cứ nói toạc ra đi: cô cậu quen nhau ở đâu? Mặt mũi ả ra sao?
- Ở một hiệu ăn, hiệu Grandew. Mình mời cô ta nhảy. Người cao, vóc thon thả, có điều chân hơi vòng kiềng. Tóc vàng nhạt, nhưng của đáng tội, đó đâu phải là nhận dạng. Thời buổi này, đừng nói gì tóc các cô, mà ngay cả lông báo đen nữa, nếu muốn nhuộm màu gì chẳng được.
- Nhận dạng như kiểu cậu tả thì có cũng bằng thừa. Chẳng lẽ chỉ có thế thôi à?
- Còn chưa đủ sao?
- Cậu ngốc lắm. Cánh hầu bàn và lão gác cửa chắc đều nhẵn mặt ả cả chứ?
- Chắc thế!... này, chờ mình tí nhé, để mình nhớ lại đã. Điều này hẳn sẽ giúp ích được cậu nhiều đây… Tối qua, cô ta có gọi điện và nói chuyện với một tay nào đây. Mình vờ ngủ để nghe thử xem sao… Gượm tí nhé, cái địa chỉ cô ấy nói trong máy thế nào ấy nhỉ? À, thế này, phố Gra-do-va, số nhà hăm sáu. Tận cuối đường Ô-khô-ta kia, mình biết rõ phố này. Trước, ở đó có xảy ra một vụ án mạng… Vắng lắm, chỉ có đâu dăm bảy nóc nhà bé tí với mấy cái kho để củi và vài ba mảnh vườn.
- Theo cậu thì đó là nhà cô ả chứ?
- Không, cô ta nhắc lại tên đường và số nhà hai lần. Chắc quen người nào đó thôi, họ hẹn gặp nhau tại đấy mà.
- Cậu không còn biết gì hơn nữa hả? Đại để như là ả bay đến hiệu cà phê nào, hoặc ả làm việc ở đâu chẳng hạn? Cô cậu có hẹn gặp lại nhau không thế?
- Không. Với lại đã chơi một vố như thế này rồi thì dẫu có hẹn, chưa chắc cô ta đã dám trở lại.
Mình giơ cả hai tay lên vò đầu bứt tai và rên rỉ:
- Biết làm gì đây hở trời?
- Tôn ạ, đừng nản! Mình sẽ đi với cậu tới cái địa chỉ ấy, chắc thế nào ta cũng biết thêm được đôi điều nữa. Bằng không, mình sẽ la cà ở các quán rượu, và thế nào cũng sẽ tóm được cô ả, chẳng quán này thì cũng quán kia thôi. Chúng mình còn những tám ngày nữa để lo liệu kia mà.
- Ngộ nhỡ ả đã bán mất những thứ đó thì sao? Thôi đi, phải ra tay ngay mới được. Nào, ta đến Gra-đô-va đi, - mình ngắt lời anh chàng.
Ca-rôn nhìn đồng hồ:
- Sắp mười giờ đêm rồi đây này, bài báo của tớ lại chưa xong. Muốn gì thì gì, tớ cũng phải trở về tòa soạn một lát. Phải chuẩn bị gấp tài liệu cho tử tế một chút, vì vụ mất trộm này táo tợn lắm Tôn ạ. Sáng mai, tớ sẽ ghé lại. Chỉ qua có một đêm nay thôi, chứ đã lâu lắc gì cho cam, mà cậu sợ.
- Cậu không đi cùng kể cũng gay cho mình đấy, nhưng mình không chờ được nữa đâu, dù cho một tiếng đồng hồ! Đây sẽ đi một mình, cóc cần cậu giúp.
Sau lúc Ca-rôn ra về, mình lục lọi khắp phòng một lần nữa, không sót mộc ngóc ngách, một xó xỉnh nào, nhưng vẫn chẳng ăn thua. Thế là mình vội vàng lấy ô tô, phóng đi, tâm tâm niệm niệm, phòng khai thác bằng được cái khả năng duy nhất đang có trong tay.
Trời lất phất mưa. Những giọt nước mưa sáng rực lên trong ánh đèn pha. Bóng khách bộ hành và con đường dài tít tắp chập chờn trong màn sương đùng đục. Hai dãy đèn đường lập lòe như những đốm sáng trong bóng đêm thăm thẳm. Chốc chốc, trước mắt mình lại hiện lên hai quầng sáng chói lòa, nom như cặp mắt của một con cú khổng lồ. Ánh đèn pha của dòng xe cộ chạy ngược lại cứ loang loáng trước mặt, khiến mình phải căng mắt ra, mới nhìn rõ con đường đang trôi vùn vụt bên dưới gầm xe.
Tuyến đường này mình đã tìm hiểu kỹ trên bản đồ thành phố rồi. Khi nhà cửa đã thưa dần và những vuông đất trống xuất hiện mỗi lúc một nhiều thêm, mình lập tức hiểu ngay là đã sắp đến nơi. Sau khi cho xe lượn qua hai khúc đường vòng nữa, trước mặt mình hiện ra một tấm biển gỗ nhỏ, đóng bạ vào một dãy rào cao, mà phải chật vật lắm mới đọc được hai chữ: “Phố Gra-đô-va” – mặc dù mình đã chiếu thẳng đèn pha vào đó.
Mình ngoặt ngay xe vào, nhưng chỉ một thoáng sau đã phải hãm lại. Trước mặt là một vũng nước dài, đen ngòm, lấp lóa sáng dưới ánh đèn. Bên kia vũng nước lại là một con đường rất lầy lội, lỗ chỗ ổ gà.
Phải lùi xe lại, vì vượt qua cái chướng ngại này là phiêu lưu. Mình đỗ xe sát bên vỉa hè, rồi nhảy ra, quyết định sẽ cuốc bộ một đoạn đường còn lại. Xử lý thế hóa ra lại đúng. Nhưng đó là do tình thế bắt buộc, chứ chẳng phải nhờ tài tiên đoán.
Mình lấy đèn bấm ra. Vỉa hè được rải sỏi và dầm kỹ. Bởi thế có thể yên tâm bước đi, không lo thọc chân xuống bùn.
Dọc phồ chỉ lưa thưa mấy ngôi nhà nhỏ, rào giậu tử tế.
Mình đã dò ra được bên số chẵn, nên cứ ung dung bước tới, vừa đi vừa nhẩm đếm số nhà. Nhưng mới đến số hăm hai đã chẳng còn nhà cửa gì nữa. Trước mặt chỉ còn một bãi đất trống, chìm nghỉm trong bóng đêm. Nhưng mãi tít đằng xa, cách chỗ mình đứng khá xa, lại thấy leo lét một ánh đèn đơn độc.
Lúc này chỉ còn biết trông mong vào mỗi ánh đèn ấy nữa thôi. Lại phải bấm đèn lên, đi tiếp. Con đường đất nện đã hết, nên đành bì bõm lội bùn.
Ánh lửa đó mỗi lúc một rõ dần và cuối cùng thì mình thấy một ngọn đèn nhem nhuốc, nép dưới một cái chao bằng sắt tây, đóng chặt vào một chiếc cột điện thoại. Cạnh đó là một hàng rào gỗ có cổng ngõ hẳn hoi. Trên cánh cổng thấy đề con số 26 viết bằng sơn đỏ. Liền ngay bên dưới là dòng chữ: “Vật liệu bằng bê-tông – D.Lu-chắc”.
Rào giậu, cổng ngõ đều đóng bằng những miếng gỗ tấm, cao hai mét, ghép sít vào nhau, mình không tài nào nhìn được vào trong. Cổng đã khóa chặt. Mình thử đẩy mấy lần đều không ăn thua. Lên tiếng gọi thử chủ nhà, nhưng cũng chẳng ai ra mở. Ngoài tiếng mưa rơi tí tách, chẳng có qua một tiếng động nào khác.
Bốn bề vắng ngắt và tối như bưng. Ngọn đèn lủng lẳng trên chiếc cột điện chỉ rọi sáng có một vùng, nhỉnh hơn cái nong một ít, trên con đường lầy lội. Chẳng lẽ lại chịu về không? Thế là mình đánh liều lần theo dọc hàng rào, hy vọng sẽ tìm được một chỗ trống đề nhìn vào trong, xem ngoài những kho vật liệu để đ1uc bê tông ra, đằng sau dãy rào cao kia còn có thêm những gì. Vả lại, nếu ai đó đã cho cô ả cái địa chỉ này, thì nhất định ở tại đó phải có một căn hộ, hay ít ra cũng có một văn phòng giao dịch, có thể giúp mình dò ra họ tên, chỗ ở hoặc nghề nghiệp của cô ả chứ.
Quả nhiên, mình tìm được một lỗ hổng đang ao ước sau khi rọi đèn pin, bước dấn thêm mấy bước nữa. Hàng rào chỗ ấy có một tấm ván mục, cả tấm bên cạnh đinh cũng đã long gần hết.
Vào được bên trong rồi, nhưng cũng chẳng thấy có gì đáng chú ý lắm, ngoài mấy dãy nhà kho hoặc nhà chứa củi và cách một quãng nữa, là một cái lán rộng với hai khung cửa sổ, cánh cửa khép chặt. Thình lình, mình chợt thấy có ánh đèn, lọt qua khe hở giữa hai cánh cửa đã khép chặt.
Mình lượn vòng quanh lán. Quả tình đây là một xưởng đúc bê tông. Sau nhà lỏng chỏng không biết cơ man nào là những bộng, những tấm và những ống máng bằng bê tông đúc sẵn. Chỉ một lát sau, mình đã lần ra được mấy bậc tam cấp: lối vào của cái lán ấy đích thị là chỗ này đây. Khi đi men theo bờ tường để lại gần mấy bậc tam cấp ấy, mình chợt thấy cả ở phía bên này nữa, ánh đèn cũng xuyên qua khe cửa, hắt thẳng ra phố. Tuy cứ phải chăm chăm chú chú nhìn dưới chân để khỏi vấp vào đống vật liệu ngổn ngang dưới đất, nhưng lúc đi ngang qua khung cửa sổ có ánh đèn chiếu ra, mình vẫn cố liếc mắt qua một lỗ thủng hình trái tim ai đó đã khoét sẵn trên cánh cửa để nhìn vào bên trong.
Cái cảnh vừa nhìn thấy khiến mình sững người, như thể bị chôn chân xuống đất. Choáng váng, mình nép sát vào tường, toàn thân lạnh toát vì sợ.
Căn phòng rộng thênh thang nhưng bẩn thỉu và lộn xộn kinh người. Ngay chính giữa phòng là một chiếc lò sưởi bằng gang tay tự chế đang hừng hực bốc lửa. Sát bên chân bức tường đối diện có kê một chiếc bàn viết ọp ẹp. Cạnh đó là cái giá gỗ chất đầy những cặp ba dây và một cái tủ vẹo vọ, cũ kỹ. Bên khung cửa sổ - chỗ mỉnh đang đứng nhìn vào – hẳn phải kê một cái bàn nữa vì mình thấy nhô lên một cái cổ chai bia và hai chiếc cốc vại. Cạnh bàn có ai đó đang ngồi quay lưng về phía cửa, người hơi ngả ra đằng trước, dưới vành chiếc mũ vải lòa xòa mấy mảng tóc hoa râm.
Ngay trước mặt lão già ấy có đặt một cái ghế dựa, sát liền với lò sưởi. Một người đàn ông đang bị trói chặt vào chiếc ghế nọ. Trên cặp môi rất đầy đặn của hắn có điểm một hàng ria mảnh và đen. Mái tóc đen, dày rối bù như tổ quạ trên đầu. Căp mắt đang hướng thẳng về phía lão già lộ rõ vẻ kinh ngạc.
Cạnh gã này còn có hai người nữa, cũng đang nhìn chằm chằm vào mặt lão già. Trên tay mỗi gã đang lăm lăm một chiếc xẻng con bằng sắt tây đựng một cục than to, đỏ rực, chốc chốc lại bừng lên một lưỡi lửa xanh lè. Kính cửa hẳn đã vỡ hết vì câu chuyện nói qua nói về giữa ba người, mình nghe rõ mồn một, như thể đang đứng trong phòng.
- Thế nó đâu rồi hả? – lão già hỏi, giọng the thé nhưng không có vẻ gì là giận dữ.
- Thì em đã nói rồi thôi… - người bị trói vội vã phân bua – em đã thưa thật cùng bác là em không biết. Có ngần nào, em đã chở hết đến ngần ấy rồi ạ. Lúc nào ba anh em cũng đi cùng với nhau, em đâu có dám tạt ngang tạt ngửa. Đi cùng đi. Cả đám cũng cùng ngồi đếm với nhau kia mà.
- Mày tưởng mày bịp được tao hả, thằng vô lại? Mày tưởng tao không biết có cả thảy bao nhiêu chứ gì?
- Em nói tình thực đấy, em không dám đánh lừa đâu ạ. Bác cứ hỏi anh em đây xem – gã quay sang hai tên đứng cạnh.
- Tao đã hỏi chúng rồi… - Giọng lão già vẫn bình thàn – Mày ngồi một mình ở hàng ghế sau. Tiếng là để giữ cái bao, nhưng kỳ tình lại rút bớt đi mấy tập, tọng vào túi. Xong xuôi đâu đấy rồi, mới bảo tụi này đếm chứ gì, hả thằng khốn khiếp!
- Đâu nào. Em xin thề! Được bao nhiêu em đều chở hết về đây.
- Này, Táo Xanh, mày đừng xoen xoét cái mồm nữa. Tao đã ra lệnh cho mày ở nhà canh chỗ tiền và chớ có đi đâu cả, phải không nào? Thế tức là mày đã giấu ở đâu đó trước khi hai thằng kia đến! Thôi, thú thật đi, anh bạn: mày đã tuồn đi đâu cái khoản sáu trăm ngàn hụt mất ấy?
- Em còn biết nói thế nào nữa? Có từng nào, em đã chở đến từng ấy rồi.
- Tao đã lật tẩy những ngón bịp của mày cho mày thấy rồi đó… - lão già mệt mỏi nói – Thôi chẳng thèm hoài hơi với mày nữa. Giờ tao chỉ cần biết: tiền đâu? Thế thôi.
Lão vừa nói, vừa đưa tay lên ra hiệu cho hai đàn em. Cánh tay lão khô đét, năm ngón tay chỉ toàn những xương là xương. Theo hiệu lệnh đó, gã thanh niên đứng cạnh liền túm lấy tóc Táo Xanh, ngửa đầu hắn ra để cho tên kia dí cái sát cái xẻng đựnng cục than đỏ rực vào cằm. Một tiếng hú rợn người buột ra, tiếp theo đó là tiếng lầu bầu của Táo Xanh:
- Em… xin… khai! Xin… khai… ngay… đây ạ.
Lão già lại ra hiệu – cái xẻng lập tức bị đưa ra xa. Đầu của Táo Xanh lảo đảo, lúc bên này, lúc bên kia. Từ trong cổ họng hắn bật ra những tiếng nức nở đứt đoạn.
- Mày giấu tiền ở đâu hả - câu hỏi ban nãy lại thốt ra, lì lợm.
- Em không giấu. Có điều con bạn em nó cất… Em đã bảo nó mang đến, rồi em sẽ lấy lại.
- Con nào kia?
Mình cố dỏng tai lên để nghe cho rõ tên cô ả nọ, nhưng câu trả lời lại khiến mình ngao ngán:
- An-ca ạ… Anh em đây đều biết cả đấy…
Chắc là lão già quắc mắt nhìn hai đứa kia vì thấy cả hai đều gật đầu.
- Mày hẹn nó mang đến đâu?
- Đến chỗ em… phòng em đang ở.
- Mày đang ngụ ở đâu thế?
- Đường Vưr-vi-cha, nhà số mười tám.
- Lúc nào con bé ấy sẽ đến?
- Em dặn nó đợi ở đó cho đến lúc em về…
Lão già nói với hai đứa đàn em:
- Đi cùng với hắn đến đó lấy tiền về. Tao đợi ở đây. Dù được dù không, cũng phải về, nhớ đấy! Nếu hắn mà nói dối, thì… - Chưa hết câu, lão đã quay sang Táo Xanh: - Con bé ấy ăn mặc ra sao?
- Áo măng tô trắng kẻ ô vuông nâu…
- Tóc vàng hay hung?
- Vàng nhạt…
- Tiền nó đựng ở đâu hả?
- Trong cái xắc đỏ… Bằng da…
Lão lại ra hiệu, tuy không rõ rệt, nhưng đầy quyền lực:
- Giải hắn đi…
Bọn tay chân cởi trói cho Táo Xanh. Hắn vịn vào hai đức, khập khiễng lê chân ra khỏi lán.
Phải rời khỏi đây ngay, càng nhanh càng tốt. Điều đang khiến mình bận tâm lúc này là không biết bọn chúng sẽ đến Vur-vi-cha - ở cách đây khá xa – bằng cách nào, trong khi chẳng thấy xe cộ đâu cả. Nhưng mình đâu có nhiều thời gì để ngẫm nghĩ. Mình vội rời ngay khung cửa sổ, vòng ra phía sau lán, nấp vào một góc tường để xem xem bọn này sẽ hành sự ra sao. Chẳng dại gì để lỡ cái dịp may hiếm có này, vì đây là cơ hội tốt nhất để dò tìm tung tích của cái ả quỷ tha ma bắt nọ.
Từ con đường nhỏ dẫn đến cửa rào vọng lên tiếng léo nhéo của bọn chúng. Rồi, chỉ một thoáng sau, mình đã nhận ra ba bóng đen. Nhưng một phút sau, bóng chúng lại biến mất khỏi tấm mắt, tuy cửa rào chỉ vừa khẽ nghiến đánh két một tiếng ngắn ngủi. Mình bước vội lại chỗ tấm ván rào đã mục và giữa lúc đang lách người qua lỗ hổng thì chợt nghe tiếng khởi động của xe ô tô. Nhưng tiếng rồ máy lại vọng ra từ phía bên kia cái lán. Thì ra còn có một con đường nữa dẫn đến cái nơi heo hút này, nhưng ở mặt bên kia.
Tiếng máy nổ mỗi lúc một giòn hơn, mình hiểu ngay là xe đã chuyển bánh. Bây giờ chẳng còn gì để sợ nữa. Mình lao vội ra chỗ xe đỗ. Mình định sẵn trong bụng là phải chọn lấy một con đường sao cho thật ít ngã tư và đèn tín hiệu giao thông để đến được Vưr-vi-cha sớm bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Mình không dám nói chắc là đã luôn cho xe hơn đúng tốc độ mình ao ước. Chỉ biết là mình đến nơi thì quanh đó chẳng hề thấy bóng dáng một chiếc ô tô nào cả. Thế là đành cho đỗ lại ở bên kia đường, đối diện với căn nhà số mười tám và ngồi chờ xem sự tình sẽ diễn biến thế nào.
Trước mặt mình là một tòa nhà bốn tầng cũ kỹ và bẩn thỉu. Ở tầng hai có đến những ba khung cửa sổ còn sáng đèn, nhưng trên tầng ba và tầng bốn lại chỉ thấy có hai thôi. Mình hãy nhớ lấy những chi tiết đó, vì cậu sắp phải cần đến chúng đấy. Chợt có tiếng động cơ ô tô rú khẽ. Rồi chiếc xa dừng lại cách tòa nhà một quãng. Từ trong xe ba đứa mà mình đã biết bước ra. Thoáng cái bóng chúng đã mất hút ở cửa cầu thang. Còn mình thì vẫn ngồi thu lu trong xe đợi.
Thình lình một khung cửa sổ ở mãi căn hộ chót cùng của tầng bốn bật sáng. Như thế tức là cô ả hoặc đang ngủ, hoặc vẫn chưa mò đến. Dẫu sao, bây giờ mình cũng đã biết chỗ ở của gã Táo Xanh rồi.
Lại ngồi chờ tiếp. Cũng chẳng sốt ruột mấy vì chỉ một tiếng sau bóng hai gã kia đã hiện ra trước cổng. Chúng vội vàng chạy lại chỗ xe đậu. Liền ngay sau đó có tiếng dập cửa, rồi tiếng động cơ và chiếc xe chẳng mấy chốc đã khuất sau góc đường.
Bây giờ đến lượt mình đây. Táo Xanh như thế là đã ở lại với cô ả nọ, trên nhà hắn. Dù chỉ gặp một mình hắn ta thôi, thì vẫn có thể dò hỏi được địa chỉ cô ả kia mà. Định bụng thế, mình liền bước ra khỏi xe và vội vàng qua đường. Phải hành động cho thật dứt khoát và đừng có nể nang gì cả đấy, anh bạn nhé! Chớ có để cái đầu mối này vuột khỏi tay. Mà cũng đừng có bép xép với cảnh sát hình sự về câu chuyện vừa nghe lỏm được, kẻo không thì chuyện mất trộm sẽ đến tai Tê-rê-da ngay đấy.
Phần 8
Bọn đàn em của lão già đã lên đường để thi hành mệnh lệnh của lão – điều đó thì lão đã biết. Nhưng lão không thể ngờ được rằng A-na-tôn Xar-na đã theo sát gót tụi kia. Dù sao thì lúc này lão cũng đang ngồi một mình, bận bịu với những ý nghĩ riêng, vừa tàn bạo, vừa quỷ quyệt. Những ý nghĩ ấy cứ luồn lách giữa những nẻo đường quanh co của một loạt những tính toán chi lị, lạnh lùng với những kết luận tỉnh táo. Những ý nghĩ lão đang ấp ủ, lúc ngồi một mình, lão đã kịp giấu đi. Nhân lúc chỉ còn một mình, lão đã có thể nghĩ ra một mưu mô khác, hợp với lai lịch của lão.
Thời giờ trôi đi, và mọi ý nghĩ của lão đã dồn hết cho việc trù tính kế hoạch hành động.
Lão ngồi ngẫm nghĩ, chằm chằm nhìn vào ngọn lửa đang bập bùng trong lò sưởi. Rồi với tay lấy chai bia, lão rót ra một cốc đầy. Lão ưống chậm rãi, đưa mu bàn tay lên quệt mép và móc hộp thuốc lá ra.
Vừa phì phèo rít điếu thuốc mới châm, lão vừa ngẫm nghĩ kỹ lưỡng mọi chi tiết trong cái dự tính về những hành động sắp tới. Điếu thuốc vừa cháy hết là lão vứt ngay mẩu tàn vào lò sưởi rồi nặng nề đứng lên, tiến về phía căn buồng xép dụng cụ. Lão lấy đèn pin trong túi ra soi và lục lọi một hồi, nhặt lên được một cái xẻng con, nằm giữa đống đồ đạc vứt lỏng chỏng dưới sàn. Lão cầm lấy cái xẻng và ra sân.
Lão đi đâu đó chừng hai tiếng đồng hồ, khi vừa chui vào lán thì chợt nghe tiếng động cơ ô tô nổ giòn trong bóng đêm. Người lão đang đầy cát, vì thế lão phải phủi mất một lúc. Xong đâu đó, lão lau tay vào một chiếc khăn mặt cáu bẩn, treo sau lưng cái tủ đứng. Lão làm những việc đó một cách rất chậm rãi như thể phải tính kỹ cho từng động tác một.
Đúng lúc ấy thì ngoài sân vang lên tiếng chân bước gấp và hai tên tay chân xuất hiện.
- Thế nào hả? – Lão hỏi, mắt nhìn chằm chằm vào hai gã thanh niên.
- Không gặp con bé ở đấy – một tên đáp, giọng tức tối – Hắn nói: thế nảo con bé cũng đến, chắc nó tạt vào quán xá gì đấy, nên tới trễ… Tụi em cho hắn một giờ đồng hồ để đợi…
- Rồi sao nữa?...
- Hết một giờ mà vẫn chẳng thấy con ưỡm ấy đâu cả. Nếu hắn nói thật – nhưng tụi em chắc thằng xỏ lá ấy bịp thôi – thì không chừng cô ả cũng lỡm hắn như hắn đã lỡm cánh bọn mình!
- Mày tả kỹ một chút để tao nghe xem, con bé người ngợm ra sao?
- Tóc vàng nhạt. Người cao, kháu lắm kia, hệt như một con búp bê ấy… Mũi thanh, mắt to… Còn gì nữa không nhỉ/ Đại để là những ngữ loại đó rất được mắt tụi khách du lịch nước ngoài. Hắn cũng khốn khổ với cô ả lắm kia, vì của đáng tội ối đứa cũng đang theo đuổi ả.
- Chắc cô cậu hay la cà các tiệm ăn lắm nhỉ?
- Cái đó thì khỏi nói! Có tiền một cái là không Bri-xtôn thì cũng Grandeus… Kể ra thì đi với những món như thế cũng chẳng có gì đáng phải xấu hổ…
- Nó sống cùng nhà với thằng kia à?
- Đâu có, sức mấy mà nó chịu, mặc dù thằng bé đã van vĩ đến khô cả cổ. Nhưng nhà ả ở đâu thì em không rõ.
- Họ nó là El-mer phải không?
- Chắc thế, vì tụi em toàn gọi nó bằng tên thôi.
Lão già nín thinh, nhìn hai đức một lúc cho đến khi cả hai cảm thấy lúng túng với cặp mắt xoi mói của lão. Mãi sau lão mới lên tiếng:
- Tụi bây nghĩ sao, tóm con bé ấy có gay không?
- Gay gì – câu hỏi của lão già đã khiến chúng bớt lo – nhanh thôi, cứ la cà ở mấy quán ăn… thì thế nào cũng gặp…
- Nói khoác – lão già bình thản nói – có được tiền rồi, đừng hòng nó lộ mặt đi đâu. Nhưng thôi, chuyện đó để tao lo. Còn thằng ki ra sao rồi? Êm thắm cả chứ?
Cả hai đứa cùng cười:
- Đúng thế đấy, đại ca! Hắn không kịp kêu lên một tiếng.
- Hồi này tụi mày hay bù khú ở những tiệm nào?
Hai đứa nhìn nhau, ớ người ra:
- Vài nơi… Bệ lò, Giò mái tơ…
Lão già lại nín thinh. Lão đứng yên đến vài phút đồng hồ, đầu cúi gằm, rồi đường đột ngẩng lên. Đoạn, thò tay vào ngực áo, và khi lão rút tay ra, hai tên đàn em đã thấy một khẩu súng lục đen ngòm.
Mắt hai đứa đầy vẻ thảng thốt. Hai tiếng nổ vang lên chát chúa. Hai phát đạn hất ngửa chúng vào chân tường, đứa này nằm đè lên đứa kia.
Lão già ngước mắt nhìn hai cái xác bất động, rồi ngồi phịch xuống bên bàn. Lão tháo khẩu súng ra và bắt đầu lau các bộ phận.
Khi lão già đun chiếc xe cút kít vào chỗ cũ và xách lên tay chiếc va li con, bước ra cổng thì trời đã sắp sáng.