Chương 2

Trên đoạn đường ngắn vài chục bước chân, Hoa Xuân Hùng kể cho Hoàng Đỗ nghe chiến công của anh em Yết Kiêu. Hùng kể rằng Chương Dương là trại quân thủy rất lớn của giặc. Có thể nói phần lớn thuyền chiến của giặc đóng ở đó. Giặc canh phòng và bày thế trận phòng ngự thủy trại này rất chu đáo. Chúng dàn một loạt đồn quân bộ dọc một bờ sông. Các đồn hình thành một mạng lưới vừa có chiều dài, vừa có bề dày. Dưới sông, chúng dùng những thuyền vận tải lớn thả thành ba mặt lđá. Thuyền nào cũng thả ba neo rất chắc chắn. Từng cụm cọc đóng sâu xuống lòng sông để giăng lưới sắt. Mỗi một lđá, chúng mở ba cửa để thuyền bè ra vào; cửa lđá mở, đóng bằng bốn dây xích sắt. Trong trại, thuyền chiến giặc đậu san sát, mũi hướng sẵn về phía các cửa thủy trại. Hoa Xuân Hùng chợt cười hì hì:
-Trên bộ thì chúng nó phi ngựa nhặng xị đồn nọ sang đồn kia, thế mà dưới nước thì chúng nó đậu thuyền như bè gỗ. Cứ ỳ ra.
Hoàng Đỗ lé mắt nhìn Hùng. Anh lính đội quân thủy toét mồm cười:
-Chúng nó say sóng. Mật xanh mật vàng tung tóe sạp thuyền, mui thuyền.
-Sao lại mật xanh, mật vàng?
-Nôn. Nôn mà.-Hoa Xuân Hùng phá lên cười.- ít nhất cứ ba thằng phải có một thằng nôn.
-Nghe nói chúng nó cũng nhiều đứa thạo nghề sông biển kia mà?
-Cũng có, nhưng đâu mà nhiều. Thằng nào thạo nghề buồm lái thì ở A Lỗ tất cả rồi.
- A Lỗ! A Lỗ!...
Hoàng Đỗ nghiêng đầu nghĩ ngợi. Cái tên A Lỗ nghe quen quen.
-Là cái kho lương, kho cỏ của chúng nó ấy mà.
A Lỗ đúng là kho lương, kho cỏ của giặc, nhưng không phải chỉ có thế. A Lỗ là một đồn lớn của giặc nằm trên đường huyết mạch vận tải lương, cỏ, khí giới, thuốc men của giặc từ bên nước chúng đến vùng hành binh của Đại nguyên soái Thoát Hoan. Giặc giao cho một tên tướng mưu mẹo quỷ Quyệt là Lưu Thế Anh chỉ huy A Lỗ đồng thời chỉ huy cả việc vận chuyển thủy, bộ. Như vậy A Lỗ chính là quả tim điều động máu nuôi quân, nuôi ngựa của cả đạo quân xâm lược. Những tên lính thạo nghề sông biển của quân Nguyên không được dùng vào việc đánh nhau nữa. Chúng phải đưa về A Lỗ để Lưu Thế Anh sai phái trong việc vận tải kể từ khi quân giặc bị dân binh các lộ đánh chặn tứ tung.
- À!
-Đấy đấy, thế là lũ giặc ở Chương Dương say sóng. Đức ông Chiêu Minh chí tâm đánh tan đoàn thuyền chiến giặc ở đấy. Nhiều thuyền lắm, cơ man là thuyền.
-Hay, lính thạo thì đưa đi, thế mà thuyền thì để lại.
-Thuyền này là thuyền chiến mà lại. Có đem đi cũng chẳng chở được bao nhiêu.
Hoa Xuân Hùng đứng hẳn lại, làm điệu bộ cho Hoàng Đỗ xem.
-Cơ man là thuyền, nhảy vào đốt thuyền này rồi nhảy sang đốt thuyền kia. Cứ thế nhảy mãi mà không thấy hết. Lửa thì cứ đùng đùng cháy. Táp cả tóc đây này.
Hoa Xuân Hùng trật khăn cho Hoàng Đỗ xem. Tóc anh lính đánh thủy trụi cả một mảng lớn và da đầu cũng bị bỏng. Hoa Xuân Hùng, bằng những câu cóc nhảy như thế, thuật lại cho người bạn mới nghe trận đánh kỳ thú của anh em Yết Kiêu. Những người lính trạo nhi đã sắp sửa thuyền bè và chiến cụ từ chiều. Các cánh cung và cánh nỏ đều được thay dây mới. Những lưỡi kiếm được mài kỹ lưỡng sắc như nước. Những lưỡi kiếm được tra lại cán, chêm chốt chắc chắn. Anh em trạo nhi thách đố nhau, hứa hẹn với nhau sẽ lập công lớn. Cuối canh ba, Yết Kiêu ra lệnh cho binh lính xuống thuyền. Tất cả đều giữ miệng. Đầu canh tư, những con thuyền nhỏ đưa các chiến sĩ cảm tử xuống gần tới thủy trại Chương Dương. Họ bỏ thuyền trườn xuống nước, lặn vào các cửa thủy trại giặc, nhẹ nhàng trèo lên thuyền, dùng vũ thuật giết gọn những tên quân canh của giặc đang ngủ gật. Rồi nấp chờ hiệu lệnh. Hồi hộp! Đến giữa canh tư, từ chân trời phía tây Chương Dương xẹt lên ba vệt pháo hiệu.
Các chiến sĩ cảm tử lập tức nổi lửa châm vào những vật dễ bắt cháy xếp sẵn trong những chiếc thuyền kề các cửa thủy trại. Lửa bốc lên rất nhanh và các cửa thủy trại bị những con thuyền bốc cháy bịt kín. Bên ngoài sông, những chiếc thuyền thoi nhanh nhẹ lướt như bay dọc chiều dài của thủy trại. Những mũi tên đầu quấn giẻ tẩm nhựa châm lửa bắn vào dãy thuyền giặc. Tên bay như mưa lửa. Tiếng mõ, tiếng lệnh hô rồi tiếng trống đồng đánh điệu xung trận rần rần. Những nghĩa sĩ cảm tử, sau khi đã đốt thuyền bịt cửa thủy trại giặc, trở nên xông xáo hơn. Họ châm đuốc nhựa, rồi một tay đuốc, một tay mã tấu nhảy chuyền vào các thuyền giặc mé trong. Họ nhảy qua đâu, lửa lại bốc lên ở đấy. Một bên tiếng quân ta reo hò, một bên tướng giặc la ó thất thanh. Giặc hoàn toàn trở tay không kịp, nhưng dù không quen nghề sông nước, chúng vẫn tỏ ra là những tên lính quen chiến trận. Bọn tì tướng giặc sau một lát hoảng hốt đã dần dần lấy lại bình tĩnh. Một vài tên tướng giặc, mình xoay trần trùng trục vì trời nóng, không kịp mặc áo giáp đã xông lên mui những chiếc thuyền lầu. Tiếng chúng nó ra lệnh gằn lại, giận dữ và nhuốm phần lo lắng.
Bọn giặc được lệnh chặt neo những chiếc thuyền đã bắt cháy, đẩy trôi xuôi cho khỏi lan sang những chiếc còn lành lặn. Bọn cung thủ dàn sau những tấm ván chắn tên, bắn ra từng loạt. Tướng giặc cho kéo lên cột buồm thuyền tướng một quả đèn lồng múi lợp lụa màu hỏa hoàng. Chắc là lệnh cố thủ, và mệnh lệnh này đã làm cho lũ giặc hung hãn xiết lại thế trận vững hơn nữa. Trận đánh diễn ra gần một trống canh, các thuyền giặc chưa bén lửa vẫn còn được đến hai phần ba. Chúng té nước lên những chỗ dễ bắt cháy như mui, buồm, rèm che cửa. Chính vào lúc đó, một đoàn thủy thủ đưa đức ông Chiêu Minh xẹt thuyền bên ngoài trại giặc để quan sát. Chiêu Minh vương Trần Quang Khải nhanh chóng ra những mệnh lệnh khẩn cấp. Một mặt, các thuyền thoi dựng phên che tên lên, lượn bên ngoài thủy trại giặc, mưa tên vào. Quân ta bắn cả tên mang lửa, cả tên mũi bằng đá mài, cả tên mũi đồng mũi sắt và cả tên tẩm thuốc độc bằng nhựa cây sui và củ nâu trắng. Từng trận mưa tên buộc giặc chúi đầu xuống và gieo rắc sợ hãi trong lòng binh tướng giặc. Một mặt, mười chiếc thuyền vận tải lớn chứa đầy chất dẫn lửa và thuốc pháo đã chuẩn bị sẵn từ lâu, rời chỗ đậu kín trong một vụng sông ở bãi Tự Nhiên. Đoàn thuyền này do Yết Kiêu và một lão dân binh chỉ huy, một người quá nửa đời người sống trên sông nước. Đoàn thuyền im lặng, không một đốm lửa, di chuyển trong đêm, tiến vào mé trên của thủy trại giặc. Khi đoàn thuyền vào đến cửa thủy trại còn đang cháy to, giặc mới nhìn thấy. Chúng hốt hoảng ra lệnh cho nhau bắn ra nhưng không kịp nữa rồi; đoàn thuyền đột nhiên bùng cháy lên và cứ thế, như mười quả tinh cầu lửa, xé nước sông, xuyên vào đám thuyền giặc đang đậu chụm lại. Đến đó, sự tan tác của thế trận giặc trở nên hoàn toàn, quân ta reo to lên, lừa những kẽ hở xông vào, đốt, chém, đốt, bắn, đốt, thét hàng... Khi bình minh, toàn thể đoàn thuyền chiến giặc chỉ còn là những mảnh lửa rần rật, từng đám từng bè cháy rải rác cả mấy chục dặm sông. Những tên lính Nguyên bám vào những mảnh ván, những đoạn cột buồm, mặt chúng nhọ nhem, tiếng kêu ngợp nước. Quân ta lướt thoi đi, dùng câu liêm móc chúng lên, tát cho mỗi đứa một cái cho chóng tỉnh rồi ném cho mỗi đứa một nắm cơm với con cá mắm...
Kể đến đấy, vẻ mặt Hoa Xuân Hùng đột nhiên khác đi và giọng nói trầm hẳn xuống:
-Thật là một trận thắng to quá, hả dạ quá, giá mà...
Im lặng. Hoa Xuân Hùng đứng hẳn lại. ánh lửa từ mấy đống củi xa xa soi mơ hồ vầng trán bướng bỉnh và đôi mắt sáng lạnh lùng. Vẻ mặt Hoa Xuân Hùng u uẩn. Hơi thở chìm hơn, dài hơn. Hoàng Đỗ tuy còn ít tuổi nhưng cũng hiểu lúc này phải tôn trọng sự im lặng của người bạn mới... Một miếng đất lở xuống sông. Hoa Xuân Hùng bàng hoàng nhìn Hoàng Đỗ:
-Không! Sao lại thế được? Tạo sao lại không còn con người ấy.
Hoa Xuân Hùng buồn rầu ngồi kể cho Hoàng Đỗ nghe thêm về trận đánh. Tới sáng, quân ta được lệnh hồi. Điểm người, đội quân đục thuyền mất tích một chiến sĩ. Mất có một chiến sĩ, nhưng chính lại là lão dân binh chỉ huy đội thuyền cảm tử đã lập công lớn trong trận nổi lửa. Lão dân binh này xưa nay vẫn được tất cả lính đục thuyền, kể cả Yết Kiêu, coi là thầy.

*

Trung Thành vương tháo dây đeo kiếm, trao kiếm cho một người lính hầu rồi cung kính vái Trần Quốc Tuấn. Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương bước tới, chìa hai tay nâng Trung Thành vương đứng thẳng lên:
-Vương đệ bình thân.
Trong khi đó Lê Văn Hưu nghiêm trang vái Trung Thành vương hai vái. Trung Thành vương cũng vội bước lại ngăn ông già chép sử thi lễ:
-Tiên Sinh quá giữ lễ. Đây là chiến trường, có phải ở vương phủ đâu.
- Bẩm đức ông, lễ mà buông lơi thì phong tục mất thuần hậu.
-Được! Thế là được rồi.
Trần Quốc Tuấn chỉ một khúc gỗ cho phép Trung Thành vương ngồi. Ông già chép sử giữ ý, xin phép cáo lui nhưng Quốc công Tiết chế giữ lại:
-Tiên Sinh ngồi lại! Lúc này chính là lúc cần đến bàn tay chép sử của tiên sinh.
Trần Quốc Tuấn ngừng một lát rồi mỉm cười nói tiếp:
-Và cần cả một sự xét đoán khác cách xét đoán của chúng ta.
Trần Quốc Tuấn chỉ vào ngực rồi lại chỉ vào Trung Thành vương. Lê Văn Hưu tuân lệnh ngồi xuống. Ông già tò mò ngắm nghía kín đáo hai vị tướng. Ông biết rất rõ mối thù giữa hai con người này. Nếu như hiềm khích giữa Chiêu Minh vương với Hưng Đạo vương bắt nguồn từ sự tranh giành giữa hai chi trong một dòng họ thì mối hận thù giữa Trung Thành vương với Hưng Đạo vương hoàn toàn chỉ là thù riêng của hai người, từ thuở đôi bên đang còn trẻ, cái tuổi mà con người ta ít chịu suy nghĩ sâu xa. Chuyện đó xảy ra cách đây trên ba chục năm trường dằng dặc. Về sau, hai người đã đôi ba lần vì lệnh vua, vì việc triều chính, ngồi bàn bạc với nhau, hoặc cùng dẫn quân đi tuần thú, đi dẹp giặc yên dân ở các miền biên giới xa xôi. Họ cũng đã vài lần về hội thề đền Đồng Cổ, đứng xướng lời thề cùng sướng cùng khổ vì vua vì nước với nhau. Rồi những lần dự yến vua ban, những lần xem thi bơi chải, những lần cưỡi ngựa đánh quả phết trên sân điện Thiên An và một lần hai người đã cho gia nô mang tặng nhau quà quý, tuy mấy món quà đó đã làm cho những kẻ đa sự xì xào bàn tán. Bởi vì quà tặng của Trần Quốc Tuấn là một bộ Vạn Kiếp bí truyền thư chép tay có lời đề tặng rất trang trọng và quà tặng của Trung Thành vương là một gốc tùng già hùng vĩ-tượng trưng cho đức độ quân tử-trồng trong một chậu gốm men ngọc Đông Thanh.
Đã một lần Lê Văn Hưu vào yết kiến Hưng Đạo vương ở phủ đệ kinh thành được Trần Quốc Tuấn tiếp trên gác Ngoạn Hoa. Ông già chép sử đã được nhìn thấy gốc tùng ấy bày thật tôn quý trên văn kỷ đọc sách của Quốc công Tiết chế. Cây tùng rất xanh, rất gọn thế, kể từ cành trực, cành hoành, chứng tỏ nó được chủ nhân chăm sóc kỹ lưỡng. Có thể mối thù riêng từ thời trẻ ấy đã nguội lâu rồi, nhưng Lê Văn Hưu vẫn thấy một chút gì xa cách giữa hai vị tướng già trong đêm tiếp kiến này. Sự vồn vã của Trần Quốc Tuấn, sự tôn kính của Trung Thành vương có cố ý và quá mức chăng? Nhưng hai vị tướng già không nhận ra sự chăm chú của Lê Văn Hưu. Trần Quốc Tuấn ra lệnh cho lính hầu bày rượu. Lính hỏa đầu nhanh chóng mang thịt nai khô đến. Họ chẻ những thanh tre tươi làm cặp nướng thịt trên đám than hồng rừng rực cời từ đống lửa ra. Họ chẻ hành sống thành hoa muống. Họ đâm muối ớt trong những cái đọi da lươn. Họ bày mâm bồng trước ba ông già và rượu thơm được rót vào những chiếc chén óa trắng nạm vàng. Trong khi đó, mấy người lính hỏa đầu khác bắc bếp ở mé xa. Họ sắp các món ăn khác nếu Quốc công cho đòi. Bày rượu chỉ là cớ để cuộc luận bàn thêm thân thiết, giảm bớt không khí việc công. Trần Quốc Tuấn nâng chén mời Trung Thành vương và ông già chép sử:
-Cạn chén đi. Để tạ ơn tổ tông sinh thành ra ta.
Trung Thành vương dùng ngón cái và ngón giữa của bàn tay trái nâng chén rượu một cách cầu kỳ và ngửa cổ uống cạn không nói một lời. Đức ông hoàng bảy xưa nay nổi tiếng là người lịch sự kinh kỳ, lịch sự đến mức đặt cạnh ông, Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc chỉ còn là một kẻ hợm của.
-Bẩm Quốc công, bọn phản bội đã được tướng giặc hộ tống về nước Nguyên.
Trần Quốc Tuấn hà một tiếng dài. Nghe nói đến bọn phản bội, ông cảm thấy một chút gì ngượng ngùng với ông già chép sử. Bọn này toàn những kẻ xưa nay được sủng ái và là người máu mủ trong hoàng tộc: trước hết phải kể Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, rồi đến Chương Hiến thượng vị hầu áo tía Trần Kiện, rồi Văn Chiêu hầu Trần Văn Lộng... một lũ một lĩ những kẻ lúc bình thời mũ cao áo dài, chuộng danh vọng hơn lễ nghĩa, ỷ quyền thế coi thường nhân cách; đến khi thế nước nguy nan, chúng cam tâm bỏ nước bỏ dân, phụ ơn vua, lạy giặc xin hàng. Bây giờ, quân thế ta hưng phấn lên, vây đánh bọn giặc xâm lược khắp nơi. Cả hai đạo quân của giặc đều bị giáng những đòn chí tử, hai đòn đánh mà theo cách nói của ông quan thái y đi theo hành trung doanh là đổ sâm cũng không lại. Tướng giặc đưa-phải nói áp giải mới đúng-bọn Trần Ích Tắc về bên nước chúng. Đây là một sự việc chứa đựng nhiều uẩn khúc. Chúng quý gì bọn này? Chúng thương gì bọn này, cái bọn không kéo được cày, không canh được nhà, không gáy gọi sáng được? Nhưng nghĩ đến việc giặc đưa bọn phản bội về nước chúng, Trần Quốc Tuấn hiểu rằng những uẩn khúc bên trong cần phải nghiền ngẫm để hiểu đến tận đáy sâu cùng lòng dạ đen tối của binh tướng giặc... Đúng như ý định của Trần Quốc Tuấn, chén rượu nhanh chóng đem đến sự hồ hởi giữa mấy người. Ông bảo Lê Văn Hưu:
-Uống đi! uống nữa đi! Nam nhi phải ăn như hùm vồ cọp cắn. Đấy là lời Tiên đế dạy Quan gia đấy.
Khi binh lính bưng nửa con lợn quay đến, Trần Quốc Tuấn dùng dao nhỏ xẻ thành từng miếng lớn. Ông chìa tay mời. Lê Văn Hưu kinh dị nhìn Trung Thành vương, con người cầm trịch về lịch sự ở kinh kỳ, cầm cái chân giò trong tay trái, chén rượu trong tay phải, vừa ăn uống vừa nói cười ha hả. Một chén rượu, mặt Trung Thành vương hơi tái đi, chén thứ hai, mắt ông long lanh bốc sáng. Trên giữa ngực áo chiến vóc tía của ông già lịch sự, chiếc phù chạm hình mặt hổ bằng vàng ngời lên như nói lại chiến công ở chiến trường kinh thành của ông tướng lưu thủ. Trung Thành vương kể như kể chuyện vui về trận đánh của Chiêu Minh vương Thượng tướng quân Trần Quang Khải. Thật là một trận đánh tài tình, mưu mẹo thâm trầm. Nó không phải chỉ là trận đánh đốt đoàn chiến thuyền giặc ở Chương Dương. Đoàn thuyền giặc là phương tiện di chuyển và chiến đấu ở nước ta. Chỉ mười ngày sau khi giặc vượt biên giới, giặc hiểu rằng ở cái nước sông ngòi chằng chịt, rừng rậm dày đặc, ruộng bùn mênh mông này thì ngựa chẳng còn bao nhiêu giá trị. Ở đây phải thuyền! Phải thuyền! Cho nên đánh vào đoàn thuyền giặc là đánh vào huyệt điểm. Giặc sẽ phải cố sống cố chết đưa quân từ Thăng Long ra cứu Chương Dương. Toán viện binh này ắt bị chặn đánh tơi bời. Lê Văn Hưu lắng nghe Trung Thành vương. Ông già chép sử càng nghe chăm chú, chén rượu cạn vẫn cầm khư khư trong tay. Hôm nay ông mới hiểu kỹ càng rằng những trận đánh ở chiến trường không bao giờ diễn ra đúng hệt như mưu kế vạch từ trước ở hành doanh. Ai cũng đoán rằng nếu ta đánh Chương Dương thì giặc ắt ra cứu. Và chúng sẽ chia nhiều đường (ít nhất là ba) để vừa nghi binh, vừa cánh nọ cứu cánh kia, tạo một thế bất ngờ cho cánh quân chính chọc sâu vào Chương Dương, cứu Chương Dương. Dè đâu chúng chỉ ra một đường, cụm lại thành một đội kỵ binh rất đông, hành quân giữa ban ngày. Chiêu Minh vương Trần Quang Khải tính toán rất nhanh và quyết định thay đổi cách đánh đám quân viện này cũng rất nhanh. Đức ông bảo với các tướng rằng: Giặc khinh thường ta, chúng nghĩ một đội kỵ binh đông thế này ai mà đánh nổi; nhưng chính giặc cũng đang sợ ta, chúng không dám phân tán sợ bị ta diệt những toán lẻ. Bây giờ là thời cơ để ta đánh mòn đội kỵ binh này, giam chân chúng ở đây, rồi sẽ diệt chúng. Đức ông Chiêu Minh ra lệnh cho các tướng lưu thủ vùng kinh thành liều chết đánh vào các kho cỏ. Chỉ trong hai ngày, các kho cỏ của giặc ở vùng ven Thăng Long ra tro hết. Đội quân kỵ của giặc bị ta chẹn lại, không phải chẹn đường đến cứu Chương Dương mà chẹn không cho chúng về Thăng Long. Giặc từ Thăng Long lại phát thêm quân ra cứu đội quân kỵ. Ta mở cho chúng ra rồi lại đóng then khóa kỹ vòng vây. Đấy là chỗ kỳ diệu nhất trong tài làm tướng của đức ông Chiêu Minh ở trận này.
Trung Thành vương gọi một người lính hầu đến sai trình Quốc công Tiết chế một ngọn giáo:
-Bẩm Quốc công, ngọn giáo này không phải binh khí. Nó là vật thiêng, biểu tượng quyền oai của một tướng giặc. Tôi chắc trong đám quân kỵ bị vây, có một tên giặc loại đầu đàn.
Trần Quốc Tuấn cầm xem ngọn giáo trước ánh lửa. Ngọn giáo bằng vàng. Nó chính là ngọn giáo Trung Thành vương mang nộp hành trung doanh, ngọn giáo đã được treo trên bồng của Hoa Xuân Hùng và đã được anh lính đục thuyền nhắc tới trong bài hát cất lên giữa sông đêm. Trung Thành vương buông chén rượu, vỗ đùi cười ha hả:
-Đốt cỏ! Ha ha...! Có ai ngờ con cháu Sói thần phải khốn khổ vì thiếu cỏ, ha ha...
-Hãy kể cho tiên sinh đây nghe về bà chúa núi tuyết đi, vương đệ!
Trung Thành vương tuân lời Trần Quốc Tuấn. Ông kể cho Lê Văn Hưu nghe một truyền thuyết đẹp mà các tướng Nguyên rất tự hào. Chuyện ấy kể rằng ngày xưa khi trời đất còn mông muội, khắp nơi khắp chốn là biển băng, chỉ có một dãy núi cao chấm trời là thiên đường của muôn loài: dãy Thiên Sơn. Bà chúa của dãy núi phủ tuyết quanh năm này là một con sói cái lông xám. Sói thần cai trị muôn loài. Sói đẻ ra một bầy con khỏe mạnh vũ dũng, một bầy con Sinh ra để làm chúa tể loài người và các giống vật khác. Bầy con ấy truyền đến những kỵ sĩ Thát Đát đã lập ra triều Nguyên bây giờ. Lê Văn Hưu ngẫm nghĩ và cười thầm. Té ra dòng giống của Sói thần bây giờ lại cần cỏ ở một xứ chằng chịt sông ngòi mà mỗi cuộc chuyển dịch lớn nhỏ đều phải dùng thuyền. Ông không dám cười thành tiếng nhưng hai ông tướng thì cười ha hả. Lê Văn Hưu ngắm hai đức ông. Trần Quốc Tuấn Sinh ra và lớn lên ở Thăng Long nhưng đức ông Hưng Đạo vẫn nhuốm một chút hoang sơ thô lỗ của đồng nội, của cây rừng Yên Tử. Còn Trung Thành vương thì sao cười mãi mà vẻ lịch sự chỉ tăng thêm, hình như chất lịch sự đã chảy thành máu trong huyết quản của đức ông hoàng bảy. Ngày trước hồi còn ở kinh thành, người ta thường đồn đại so sánh về ba người lịch sự kinh kỳ: Một là Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc, hai là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật và ba là đức ông hoàng bảy. Nhưng cho đến bây giờ, trải qua những cơn ba đào, binh hỏa cái thực của mỗi người hiện rõ lên trên cái nền ấy. Không, vẻ đẹp của Chiêu Văn vương là vẻ đẹp của trẻ trung duyên dáng, nó vẫn có một chút gì buông thả buông lơi, chưa vẹn toàn; vẻ đẹp của Chiêu Quốc vương là vẻ đẹp của kiêu sa, vẻ đẹp của thừa thãi và khát vọng; còn vẻ đẹp của Trung Thành vương mới thực là vẻ đẹp lịch sự nảy mầm từ sự hiểu biết nhuần nhị và yêu mến thực lòng con người.
-Bẩm Quốc công, hai hôm nay ta bắt được khá nhiều những tên cắt cỏ thuộc cánh quân bị chẹn giữa đồng.
Trần Quốc Tuấn quắc cặp mắt sáng đẹp. Ông dằn chén rượu xuống mâm. Ông vẽ ra hình thế chiến trường bằng mấy nhận xét chắc chắn: Một: Đạo quân phụ của Toa Đô bị đẩy lùi xuống vùng phía nam. Hai: Đạo quân chính của giặc buộc phải rải rộng để giữ đường lương. Đại bộ phận quân giặc đóng ở Thăng Long cũng không kết lại nổi thành cụm: một phần bị vây trong Thăng Long, một phần-cánh quân kỵ-bị chẹt cứng ở phía nam kinh thành; phần còn lại bị vây ở bờ đông con sông Cơ Xá nằm giữa hai dải rừng đa và rừng giâu gia; địa bàn này nằm chen trong hai con sông Cơ Xá và Thiên Đức.
-Bẩm Quốc công, giặc tất bỏ chạy! Xin Quốc công ra lệnh cho chư quân sửa soạn ra tay.
Ý của Trung Thành vương và ý của Trần Quốc Tuấn chắc gần giống nhau, nên Hưng Đạo vương sôi nổi hẳn lên. Ông bảo Trung Thành vương nói cho rõ về cách đóng đồn, lập đồn của giặc ở kinh thành. Trung Thành vương quả là tướng giỏi, ông hiểu kỹ càng hệ thống phòng thủ của giặc ở Thăng Long. Ông kể từng đồn, tướng giặc là ai, tài năng thế nào, đồn có bao nhiêu quân. Giặc đóng một hệ thống đồn dày quanh kinh thành chứng tỏ chúng sợ ta đánh úp hành doanh của Thoát Hoan. Tên đại nguyên soái này đóng trong hoàng thành Thăng Long lúc nào cũng có một nghìn lính cưỡi ngựa thiện chiến bảo vệ. Nhưng rõ ràng Thoát Hoan không còn tin ở bốn vó kỳ diệu của những con tuấn mã đẹp như trong tranh nữa; ở cái nước này phải thuyền, cho nên ở bến Cống Chéo ngay cửa Đông hoàng thành, Thoát Hoan để sẵn một đoàn thuyền nhỏ nhanh nhẹ để nếu gặp nguy nan mà phải tháo thân thì Thoát Hoan sẽ dùng thuyền theo sông Tô Lịch chuồn ra sông Cơ Xá bằng cửa Giang Khẩu. Chính ở cửa ngõ Giang Khẩu quan trọng như cuống họng đối với một Sinh vật, Thoát Hoan sai Thiên hộ Mã Vinh, một tên tướng tâm phúc, lập một đồn trấn giữ.
-Giang Khẩu à? Hừ... Nó kề ngay sát phố phường của kinh thành.
Lê Văn Hưu cũng hiểu kỹ địa thế cửa Giang Khẩu vì khi còn trẻ, ông thường rủ các bạn đồng khoa thuê thuyền từ sông Tô Lịch ra sông Cơ Xá bằng cửa Giang Khẩu để ngắm trăng ngâm thơ, ăn cháo cá quả nấu ám. Lê Văn Hưu nhìn đăm đăm khuôn mặt trầm tư căng thẳng của Trần Quốc Tuấn. Ba nếp nhăn hằn sâu vầng trán dạn dày nắng gió, đôi mắt quắc sáng nhìn sững, chòm râu muối tiêu dài, rậm viền cái miệng mím chặt, khóe môi kéo trễ xuống. Trần Quốc Tuấn đẹp dữ dội như ông tướng nhà giời. Lê Văn Hưu lại nhận thấy rõ rệt hơn vẻ đẹp bên trong của Trần Quốc Tuấn. Binh pháp xưa đã nói: “Tướng giỏi là người coi sóc sự an nguy của quốc gia vậy!”. Đúng thế! Vận nước Việt đang đặt trên những cặp vai của Quốc công Tiết chế, của Thượng tướng Thái sư.... những con người xả thân làm việc nước và cũng là những con người đã được hun đúc từ khí thiêng sông núi, từ tài trí của tổ tông, của trăm họ... Trần Quốc Tuấn đẹp dữ dội và lẫm liệt. Một câu hỏi lại lởn vởn trong lòng Trần Quốc Tuấn: Bây giờ tướng giặc định làm gì? Đúng, trước tình thế nguy nan này, tướng giặc muốn gì? Cố thủ trong vùng Thăng Long chăng? Có ngu đến đâu chúng cũng không làm thế. Rút chạy chăng? Chạy bằng đường nào? Chạy bằng gì?...
Thình lình, Trần Quốc Tuấn hỏi một câu làm Lê Văn Hưu giật nảy mình:
-Nếu tiên sinh là tướng giặc thì tiên sinh làm gì bây giờ?
Vẻ mặt của Lê Văn Hưu làm cho cả hai đức ông cùng bật cười. Không khí vui đùa trở lại. Trần Quốc Tuấn rót một chén rượu đầy đưa cho ông già chép sử:
-Tiên Sinh uống đi. Hãy nghĩ một tí rồi hẵng trả lời. Ta đã nói chúng ta cần một cách xét đoán khác cơ mà.
Lê Văn Hưu không quen nghĩ về tương lai. Công việc chép sử dẫn dắt ông về với những sự việc đã qua rồi. Ông quen nghiền ngẫm về những điều đó, nên câu hỏi của Trần Quốc Tuấn thực sự làm cho ông lúng túng. Nhưng mấy khi được Quốc công Tiết chế hỏi việc, Lê Văn Hưu đáp:
-Bẩm Quốc công, tôi không thạo binh pháp. Nhưng cứ xét dòng giống của các tướng giặc, tôi e chúng chưa chịu chạy.
Hai vị vương vỗ đùi cười phá lên làm cho ông già chép sử ngơ ngác, nhưng Lê Văn Hưu không ngờ rằng câu trả lời của mình lại được hai vị vương tán thưởng đến thế. Đúng, chả lẽ dòng dõi Sói thần lại hèn kém đến như vậy. Bọn giặc này có phải là lũ tầm thường đâu!
Vó ngựa chinh phục của chúng đã từng gõ trên đỉnh Chô Mô Lung Ma phủ tuyết, đã từng in dấu tròn xâ trên các bến bờ phủ cát của hai con sông lớn Hoàng Hà, Dương Tử, đã từng xiết móng sắt đến tóe lửa trên nền gạch lát cung điện đền đài bao vương quốc lẫy lừng, nào Kim, Liêu, Bắc Tống, Nam Tống, nào Tây Hạ, Hồi Hột, Ba Tư, nào Nga La Tư, Kíp Chếch, Bu-kha-ra... Này ông già chép sử, ông nên biết đến dũng tướng Xu Bu Tai đuổi mặt trời về phía tinh cầu này lặn trốn. Bốn mươi năm trường trên lưng ngựa, y thay lều trận hàng trăm lần vì mưa bão, tuyết và ánh nắng cào xé lần da phủ khung lều. Này ông già chép sử, ông nên biết đến vùng cung cấm trong kinh thành nhà Nguyên. Nơi ấy bày biết bao nhiêu vương miện các vị vua của những vương quốc xa xôi đã bị quân tướng Thát Đát giày xéo và làm cỏ... Kỳ lạ thật! Ông già này đâu biết những chuyện về binh tướng giặc mà sự nhạá cảm nào đã khiến, trong hàng trăm chi tiết của câu chuyện, ông ta nhập ngay vào điều tinh túy nhất.
-Đúng thế! Tiên Sinh đã nói một điều bọn ta có nghĩ đến mà chẳng muốn nói ra.
Trung Thành vương thốt lên. Đức ông hoàng bảy cũng rót một chén rượu nữa trao mời Lê Văn Hưu. Trần Quốc Tuấn sai triệt tiệc. Quốc công Tiết chế hạ lệnh cho Trung Thành vương phải mau chóng làm những điều cần thiết để nắm chắc hơn nữa cách đóng quân của giặc ở vùng Thăng Long. Ông dặn:
-Có thể sẽ điều binh tướng rất lớn từ ngày mai. Vương đệ phải có mặt ở hành doanh của ta vào tối mai.
Trung Thành vương tạ từ Quốc công Tiết chế. Đức ông hoàng bảy về bến sông để trở lại Chương Dương. Bấy giờ trời đã cuối canh tư. Không gian có điều chi xôn xao lắm. Gần bình minh rồi! Gió tự nhiên lặng đi. Xa xa, có tiếng gà gáy. Chao ôi, tiếng gà gáy trong chiến tranh sao lạ thế! Nó vừa dồi dào sức sống, nó vừa tha thiết thanh bình, nó vừa là cái đối lập nhắc người ta nhớ đến cảnh tàn phá của đất nước đang bị giặc xâm phạm. Lê Văn Hưu nhìn bóng Trung Thành vương khuất dần trong màu đen của đêm tàn. Ông ngẫm nghĩ về cuộc gặp gỡ vừa qua giữa hai vị vương. Có điều chi đã xảy ra trong lòng hai con người đó? Ông biết ông đã được chứng kiến một điều rất quan trọng tuy bề ngoài hết sức bình thường. Nhưng điều quan trọng ấy, chắc chắn ông không chép vào quốc sử; cũng như cái chết đầy dũng cảm của lão dân binh trong trận đánh kỳ lạ bên bờ Thiên Mạc, ông cũng không chép. Bởi vì chép sao hết được tên những con người ấy. Nhưng không chép thì lòng không an...