Chương 11

Gần trưa, Chiêu Minh vương hộ tống nhà vua tiễn Trần Quốc Tuấn ra bến Đông làm lễ tế cờ xuất sư. Quân Long dực, Hổ dực cưỡi ngựa đi trước mở đường. Lính hai quân tả, hữu Thánh dực dưới quyền chỉ huy của Trần Bình Trọng hộ vệ hai bên kiệu rồng của Nhân Tông. Kề sau kiệu là Trần Quốc Tuấn hiên ngang trên lưng con ngựa tía mật mép còn sủi bọt. Sau đó là Thượng tướng quân Chiêu Minh vương và các quan văn võ. Cuối cùng là đoàn các bô lão kéo dăng dăng trên con đường hòe từ cửa Việt Thành tới Đông Bộ Đầu. Nắng hanh! Cờ rực rỡ! Trống đồng bến Đông đã được lệnh đánh thì thùng. Nắng vàng lập lòe ngọn giáo. Nắng lập lòe trên mảnh hộ tâm của các tướng. Nắng long lanh trong mắt binh lính. Đến bến Đông, Nhân Tông xuống kiệu. Nhà vua lại trước đầu ngựa của Trần Quốc Tuấn, giữ cương cho vị tướng già xuống yên. Toàn bộ trăm họ, các quan văn võ và binh lính đứng im phăng phắc, mắt chăm chú nhìn Nhân Tông cầm tay đưa Trần Quốc Tuấn lên đài cờ. Chỉ nghe tiếng cờ bay phần phật và tiếng nước sông vỗ mạn thuyền chiến ì ùm. Không khí trang trọng đến tức thở. Nhân Tông vái Trần Quốc Tuấn và phán:
-Từ nay việc an nguy của giang sơn xã tắc trẫm xin trao cho Quốc công.
Trần Quốc Tuấn nghiêm trang đáp lễ:
-Lão thần thề không để nhục mệnh của bệ hạ.
Nhân Tông ban kiếm Thượng Phương trao quyền chém trước tâu sau cho Trần Quốc Tuấn.
Nhà vua chăm chú nhìn vị tướng già và thấy Trần Quốc Tuấn quắc thước lạ lùng. Từ trên đài cao, Trần Quốc Tuấn lặng nhìn các đội quân hàng ngũ chỉnh tề bên dưới. Này đây quân Thánh dực túc vệ thượng đô của Trần Bình Trọng, những người lính nổi tiếng võ giỏi, gan dạ nhất kinh thành. Này đây đội quân cưỡi ngựa của Chiêu Văn vương ăn mặc gọn gàng, duyên dáng với viên tướng giáo luyện Triệu Trung trong bộ quân phục Tống. Này đây đội quân thiếu niên Trần Quốc Toản đứng dưới ngọn cờ lớn mang sáu chữ kiêu hãnh “Phá giặc dữ, báo ơn vua”. Này đây đội tượng binh của hương Vạn Kiếp xếp thành một khối đen to và hục hặc. Này đây đội quân lộ quá Hóa đeo nỏ ngang vai. Này đây đội quân của Chiêu Minh vương, của Hưng Vũ vương, của Trung Thành vương... Trần Quốc Tuấn thấy tất cả sức mạnh của dân tộc từ nghìn xưa truyền lại nâng cao tâm hồn ông lên khiến cho hai vai ông dư sức gánh sứ mẽng nặng nề. Ông thét lớn:
-Bớ ba quân!
Tiếng dạ vang dậy kinh thành và sông nước. Trần Quốc Tuấn lại thét tiếp:
-Quan gia đã hạ chỉ cho ta lĩnh cờ tiết chế cùng các ngươi xuất sư phá giặc. Kiếm Thượng Phương đây!-Trần Quốc Tuấn nâng cao kiếm lên khỏi đầu.
-Ai trái mệnh, phản dân, hại nước, ta sẽ nghiêm trị không tha.
Quân sĩ lại đồng thanh dạ ran. Nhân Tông vẫy Dã Tượng lại gần, cầm lấy cái gậy trúc xương cá của Trần Quốc Tuấn. Nhà vua ân cần trao cây gậy cho vị tướng già và dặn dò: Túc vệ là lính canh phòng Hoàng thành và bảo vệ nhà vua. Triều Trần chia quân túc vệ làm ba loại, thượng đô là loại khỏe mạnh và giỏi võ nhất.
- Trọng phụ tuổi đã cao, xin vì trẫm, vì đất nước và trăm họ mà giữ gìn sức khỏe.
Sau đó, Trần Quốc Tuấn ra lệnh cho đạo quân bộ lên đường. Khi các cánh quân bắt đầu chuyển, Trần Quốc Tuấn cũng xuống bến thuyền. Ngoài cửa bến Trần Quốc Tuấn thấy Chiêu Minh vương đứng chờ ông ở đó. Sau lưng Trần Quang Khải là Trương Hán Siêu cùng các thư nhi hai phủ Chiêu Minh, Hưng Đạo. Hai vị tướng tài cầm lấy tay nhau và im lặng ngắm nhau. Nhân Tông bảo Trần Quang Khải:
-Chú Chiêu Minh không chúc bác Hưng Đạo vài lời đi.
Trần Quang Khải tươi cười nói:
-Tâu bệ hạ, Quốc công ra quân trận này chắc thắng. Thần chỉ xin tặng Quốc công vật mọn này nhân lúc lên đường.
Vật tặng của Trần Quang Khải là tập thơ Lạc Đạo, gồm những bài ông làm những năm gần đây và do chính tay Chiêu Minh vương chép theo bốn kiểu chữ chân, thảo, triện, lệ. Ông nói với Hưng Đạo vương:
-Ba quân đã trẩy, xin mời Quốc công lên thuyền.
Trần Quốc Tuấn vái Nhân Tông mười hai vái rồi quay sang Trần Quang Khải:
-Hịch đã viết xong. Phiền Thượng tướng quân sai truyền đi các lộ ngay đêm nay.
Hai người nhìn nhau chăm chú và cùng thoáng mỉm cười. Từ đài cao, Dã Tượng đường hoàng giương cao ngọn cờ tiết chế đi xuống bến. Yết Kiêu đã đứng đón sẵn ở đấy. Dã Tượng trao cán cờ tiết chế cho Yết Kiêu. Họ không nói với nhau một lời nào nhưng bốn mắt nhìn nhau đăm đắm như đang truyền cho nhau tình cảm dạt dào. Trần Quốc Tuấn chờ Yết Kiêu cắm lá cờ tiết chế thật thẳng rồi ra lệnh nhổ sào. Thuyền tướng từ từ kéo buồm. Khi con thuyền bắt đầu chuyển, Nhân Tông để hai tay vào đuôi thuyền khẽ đẩy. Thuyền tướng rời bến. Mặt sông la liệt buồm và cờ. Đội trống đánh nhịp xuất quân. Tiếng trống thì thùng thì thùng rạo rực. Quân chèo thuyền cất cao giọng: Dô hò... này khoan ới hò khoan. Dô hò... này lời hẹn thệ sư Cùng ỳ... nhau ý a... Tiếng hò náo nức lòng người xiết bao. Trần Quốc Tuấn lên mui thuyền. Sông bao la chan hòa ánh nắng. Thăng Long từ từ xa dần, và trong tâm hồn vị tướng già bỗng đinh ninh lời thề khải hoàn với kinh thành yêu dấu.

*

Trần Quốc Tuấn trầm ngâm ngắm sông Thiên Đức đầy sao. Đốm lửa cuối thuyền của cụ Uẩn chỉ còn le lói mé xa xa như lửa đóm. Các bô lão sau yến Diên Hồng đã chia tay nhau trở về quê quán. Trần Quốc Tuấn còn nghe văng vẳng bên tai lời cụ Nhiệu trong điện Diên Hồng:
-Bẩm Quan gia! Chúng tôi sẽ kể hết cho con cháu chúng tôi nghe. Tôi con cả nước sẽ vững lòng chống giặc.
Yến lớn Diên Hồng đã xong. Không khí trong điện hừng hực ý chí chiến thắng. Cụ Uẩn về Bình Than, nửa đường cụ rẽ vào Mai Hiên chào Trần Quốc Tuấn và hỏi xem vị tướng già có căn dặn dân Vạn Kiếp gì thêm không. Nhưng Trần Quốc Tuấn chỉ giữ người lính già Nguyên Phong lại thái ấp đãi ông cụ một bữa rượu say túy lúy trước lúc lên đường xuôi Bình Than. Ông cụ say đến nỗi không xách được cái thúng khảo sơn trong có nước và một đôi cá giếc đuôi đỏ ra bến thuyền. Đôi cá này là vật vua ban cho tất cả các cụ có mặt trong yến Diên Hồng. Khi các cụ bô lão chia tay nhau, gia nô hương Vạn Kiếp trông thấy cụ Uẩn mặc áo vóc tía, đều kinh ngạc sững sờ rồi kêu lên: “úi chao ôi! Cụ được Quan gia phong tước Thượng vị hầu kia à?”. Cụ Uẩn trả lời không phải, nhưng gia nô Vạn Kiếp không tin bởi vì chỉ tước Thượng vị hầu mới được mặc áo tía. Trần Quốc Tuấn cũng suy nghĩ và không hiểu rõ được ý Nhân Tông. Có lẽ Quan gia muốn phong tước này cho cụ Uẩn thật chăng? Ban phong để thưởng công cụ đã có kế hay ương cá các nơi làm lương ăn cho quân dân no nê đủ sức đánh lâu dài, hay Quan gia ban áo tía cho ông cụ bởi vì trong Hoàng cung chỉ dùng tới hai màu áo: màu vàng của nhà vua và màu tía của các thái giám trong cung. Nhưng có thể Quan gia muốn phong tước cho người lính già Nguyên Phong thật đấy. Mà như thế cũng không có gì là quá đối với ông cụ. Trần Quốc Tuấn mỉm cười khi nghĩ đến đấy. Nhân Tông quả là vị vua trí lự và yêu thương trăm họ. Trong khi các cụ đang ăn yến trong điện Diên Hồng, lính quân Thần sách được lệnh đem lưới đến hồ Dưỡng Ngư đánh cá. Bộ Hộ cũng được lệnh hỏa tốc bện bằng đủ năm trăm chiếc thúng sơn. Khi Quan gia tiễn bô lão ra khỏi cửa Việt Thành, các cụ bô lão được vua ban rất nhiều quà. Nào là chày cối giã trầu, nào là hộp quả đào bằng vàng đựng trầu vỏ, nào là quế quý và mỗi cụ được thêm một đôi cá giếc. Nhân Tông ân cần dặn:
-Các cụ về nuôi cho khéo. Có khi đánh giặc phải năm này qua năm khác mới xong. Các cụ nuôi cá làm sao cho đầy ao đầy đầm, dân có cá ăn, quân có cá ăn.
Trần Quốc Tuấn bật cười nghĩ rằng giặc Nguyên không biết lội. Cá dưới nước cứ việc sinh sôi nảy nở, những con cá lấy giống từ cái hồ Dưỡng Ngư, nơi Chiêu Minh vương đã giáng cho sứ giặc Sài Thung một câu chí tử. Trần Quốc Tuấn thấy lòng lâng lâng. Ông đột nhiên nghĩ tới bây giờ đây, trên mọi nẻo đường, các bô lão đang nâng niu đôi cá giống mang về từng thôn xóm hẻo lánh nhất, truyền cho dân chúng ý chí quyết đánh của triều đình. Ông lại nghĩ tới biết bao người khác đang âm thầm làm mọi công việc sửa soạn phá giặc. Ông nhớ tới Đỗ Vỹ. Sau mười ngày nghỉ ngơi ở Vạn Kiếp, độ nhiên một buổi sáng, người trai trẻ này lại xin ông lên đường. Lúc bấy giờ, ông đang dắt bé Bội đi chơi trong khu vườn trồng thuốc. Đỗ Vỹ đã nói với ông rằng:
-Thưa Quốc công, giặc đã lên đường nhưng tình hình tiến quân của chúng, ta chưa nắm được.
Đó là một việc cốt tử để quyết thắng trong từng trận. Trần Quốc Tuấn thừa biết điều đó và chính ông cũng đang suy tính một kế hoạch làm cho địch mắt mù, tai điếc, còn ta thì biết rất rõ mỗi chuyển động dù nhỏ nhất của giặc.
-Ta đã hạ lệnh cho quân các lộ biên giới và Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư phải ra sức tuần sát ngày đêm. Hiện nay từng ngày từng khắc, quân các lộ phải báo về trung doanh cho ta biết mọi điều xảy ra ở các nơi. Ta tin chắc rằng dù cho có kẻ lòng dạ đen tối muốn tư thông với giặc cũng không nổi.
Trần Quốc Tuấn đã biết rõ Đỗ Vỹ. Khi người trai trẻ này xin nhận việc là anh ta đã suy nghĩ kỹ rồi. Trần Quốc Tuấn nói cho Đỗ Vỹ biết ông đang định giao cho anh ta một việc như thế nào. Ông muốn Đỗ Vỹ lại lên biên thùy, tìm hiểu các hướng tiến quân của địch, hướng nào bao nhiêu quân và do tên tướng giặc nào chỉ huy. Ông nói:
-Ta giao cho cháu quyền chọn người giúp việc. Cứ mười ngày một lần, hoặc khi có tin cần kíp, cháu sẽ cho người về báo cho ta ở Vạn Kiếp. Ta sẽ đặt trung doanh ở đó.
Đỗ Vỹ nhận việc và người trai trẻ vẽ giỏi, đàn hay ấy xin ông cho đi ngay. Trần Quốc Tuấn bằng lòng. Ông chợt cúi xuống cầm lấy cỗ chuyền của bé Bội. Ông trao cỗ chuyền cho Đỗ Vỹ:
-Mỗi que là một thẻ phù làm tin. Cháu hãy chọn người tài trí, gan dạ giúp việc. Mỗi khi có người mang tin tức về cho ta, cháu giao cho người ấy một que để ta biết đích xác là người của cháu.
Bây giờ Đỗ Vỹ đang ở một nơi nào đó bên kia biên giới. Anh ta đang mang tài sức của mình, âm thầm, gan dạ tiến hành công việc khó khăn mà ông đã trao cho...
Đêm nay, mồng một, sâu thăm thẳm. Chỉ nghe tiếng nước sông Thiên Đức rì rầm. Và con sông nào chả có bên lở bên bồi, cứ chốc chốc đất đổ xuống sông thành tiếng ì ùm man mác. Bỗng Trần Quốc Tuấn mở to mắt nhìn về phía nguồn sông. Ông nhìn thấy những đốm sáng ông đang chờ đợi. Những đốm sáng rõ dần, lớn dần, trở thành những ngọn lửa đuốc bập bùng trong gió bấc. Đó là những bó đuốc cắm trên mũi các thuyền mang bản hịch của ông tỏa về các lộ. Trần Quốc Tuấn lắng nghe binh sĩ trên thuyền reo hò:
-Bớ làng chạ hai bờ! Triều đình đã xuất quân. Làng trên chạ dưới lắng nghe tôi truyền chỉ vua. Triều đình đã xuất quân phá giặc. Bớ làng chạ hai bờ...
Đoàn thuyền truyền hịch rất đông, kéo dài hàng mấy khúc sông, lốm đốm lửa đuốc như con rồng sáng. Từ các thôn làng hai bên bờ sông Thiên Đức, tiếng lao xao to dần, dân làng cũng bật hồng kéo ra, say sưa ngắm cảnh trẩy quân trong đêm tối. Trần Quốc Tuấn nhìn sang bên phải. Lửa đuốc bập bùng hàng nghìn bó. Trần Quốc Tuấn nhìn sang trái, cũng một cảnh tượng như vậy. Ông có cảm giác hình như cả nước hôm nay không ngủ. Cả nước cùng thức với ông nghe bản hịch dậy lòng chống giặc. Ông nghiêng mái đầu, lắng tai. Mé bên kia sông, có tiếng ai sang sảng. Bên ấy, bài hịch của ông đang vang lên từng tiếng, rành rọt đanh thép. Ông lẩm bẩm:
-Đạo quân của Trung Thành vương và của Hoài Văn hầu đây.
Ban chiều, ông đã nhìn thấy hai đạo quân này cắm lều trận trên cái bãi sa bồi bên bờ bên kia. Bây giờ, trên bãi sa bồi ấy, hàng vạn bó đuốc đã được đốt lên chia thành từng ô vuông vức của mỗi đô. Không khí nửa đêm truyền hịch làm ông náo nức và trẻ lại. Lửa đuốc chiếu đỏ cánh đồng đêm đông và phản chiếu loang loáng trên đôi mắt đang quắc lên của Trần Quốc Tuấn. ánh mắt của ông sáng lạnh như ánh kim khí và chốc chốc lại ngời lên khi tâm hồn vị tướng già rung động theo tiếng hịch truyền. “... Huống chi ta với các ngươi, Sinh ra giữa buổi rối ren, lớn lên nhằm thời nguy cấp, mắt thấy sứ giặc đi lại đường sá nghênh ngang, uốn lưỡi cú diều sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó làm nhục tể phụ...” Trần Quốc Tuấn cười gằn nghĩ đến Sài Thung. Không, không, những tên này chưa phải là kẻ thù ghê gớm nhất. Lần này ra quân, phân thắng bại ở chiến trường, trăm trận trải qua, chính là lúc ông sẽ diệt tan nguồn gốc bạo lực kiêu hãnh của giặc. Chúng sẽ được biết thế nào là lòng căm thù và ý chí quyết thắng của dân tộc Việt anh hùng. Chúng sẽ nếm đòn đánh mòn liên tiếp, dai dẳng của dân binh các lộ, của các cụ Nhiệu, cụ Uẩn, của những người dân đồng bằng, ven biển và rừng núi. Chúng sẽ mòn mỏi, xác xơ, lẩy bẩy, rã rời, bải hoải. Chính lúc đó cả nước ta sẽ xốc tới theo ngọn cờ của ông, dìm giặc xuống đáy các nẻo sông nước Việt. Bên kia sông, tiếng hịch càng to hơn: “.... Các ngươi ở dưới trướng ta đã lâu, nắm giữ binh quyền, không có áo thì ta cho mặc, không có cơm thì ta cho ăn, thăng chức, cấp lương, cấp thuyền, cấp ngựa...” Thốt nhiên hàng loạt hình ảnh thân thiết, vũ dũng, hiên ngang, nhân ái diễn qua nhanh chóng trước mặt ông. Chiêu Minh vương Trần Quang Khải với đôi mắt trầm tư sâu sắc, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật dẫn đầu một cánh quân kỵ gọn ghẽ, sắc sảo nhưng không kém vẻ duyên dáng. Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản với khí thế tuổi trẻ nuốt trâu cầm đầu sáu trăm thiếu niên hào kiệt... Một hình ảnh lưu chậm lại trước mắt ông. Đó là hình ảnh của Phạm Ngũ Lão đường bệ với niềm tin vững chắc vào công tâm, chân lý. Chàng trai đan sọt ấy đã không khiếp sợ trước thế lực của Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc. Anh đã chiếu đúng luật triều đình, sai lính Hổ dực đem đô Trâu nọc ngay trên bờ hồ Tây, đánh ba chục hèo. Nhưng binh lính kinh thành rất quý mến Phạm Ngũ Lão. Trần Quốc Tuấn nghe phảng phất bên tai giọng nói của chàng trai đan sọt ấy:
-Thương lính như con, như em. Chính là lẽ cùng sống cùng chết của những đội quân cha con đó!
Rồi đến Đỗ Vỹ với dư âm của cung đàn điêu luyện. Bây giờ Đỗ Vỹ ở đâu? Anh ta đã làm được mấy bài thơ về đất nước, và những ngón tay đã đủ mềm mại chưa để chép cho bay bướm những câu thơ chứa chan tình cảm của một tâm hồn phong phú? Trương Hán Siêu vụt hiện ra, điềm đạm với cặp mắt, cách nhìn thẳng thắn, trung thực; một con người mang hoài bão lớn sẽ dành cả cuộc đời mình viết nên những bộ sách quý báu cho đất nước muôn đời. Biết bao nhiêu hình ảnh nữa liên tiếp hiện lên trước mắt Trần Quốc Tuấn. Cụ Nhiệu, cụ Uẩn, người lính già đầu bạc thời Nguyên Phong. Và cuối cùng là hình ảnh đôi bạn chiến đấu Yết Kiêu
-Dã Tượng thể hiện trong cử chỉ thay nhau giữ cờ tiết chế...
Bên kia sông, hịch truyền tới đoạn cuối: “... Bởi vì như vậy tức là các ngươi không hề nghĩ tới mối thù không đội trời chung, điềm nhiên không lo rửa nhục, không nghĩ đến việc dẹp giặc, không ạiêng năng luyện rèn sĩ tốt. Như thế là trở giáo hàng giặc. Rồi đây khi đã đánh tan giặc, các ngươi sẽ phải để thẹn muôn đời, còn mặt mũi nào đứng giữa trời đất nữa? Vì vậy cho nên ta viết hịch này để các ngươi rõ bụng ta”. Trần Quốc Tuấn thốt nhiên nghe thấy một tiếng reo dậy đất:
-Quan gia muôn tuổi! Quốc công muôn tuổi!
Rồi những tiếng “Sát Thát” nối tiếp nhau mỗi lúc mỗi to. Nhưng trong âm thanh dữ dội ấy, tiếng người đọc hịch nổi cao hơn, đanh thép và hào hứng:
-Hãy khắc lên da thịt cho hai chữ ấy nhuyễn vào xương máu chúng ta. Sát Thát! Sát Thát!
Trần Quốc Tuấn thấy bãi sông bên kia xôn xao. Ông cảm thấy có một sự việc trang trọng đang diễn ra bên đó. Sự việc gì thế nhỉ? Đột nhiên Trần Quốc Tuấn ao ước có phép thần để có mặt lúc này tại khắp nơi trên đất nước, hòa tình cảm riêng với hào khí của cả dân tộc Việt.
Một tiếng thỏ thẻ bên tai làm cho vị tướng già giật mình, ngoảnh nhìn. Trần Quốc Tuấn nhận ra bé Bội đi cùng với Dã Tượng. Hai người mang áo cừu mặc ấm ra đưa cho ông. Trần Quốc Tuấn cười đôn hậu. Ông dắt tay bé Bội về Mai Hiên. Dã Tượng đi trước dẫn đường. Viên tướng đội voi giơ cao ngọn đèn lồng phất lụa tơ tằm trong suốt, sản phẩm quý của trại tằm Mai Hiên. Trần Quốc Tuấn ngắm cái bóng thấp nhỏ của bé Bội. Cô bé sẽ cùng các bạn nhỏ tạm lánh vào rặng Yên. Trong khi đất nước có chiến chinh, cha chú ra trận đánh giặc giữ nước, bầy trẻ rất cần những cô bé, chú bé tháo vát, bạo dạn như bé Bội. Những cô bé, chú bé ấy sẽ là người ấp ủ che chở cho những đứa trẻ quen sống trong lụa là, trong nâng niu chiều chuộng.
Trần Quốc Tuấn mủm mỉm cười nhìn cái bóng lẫm chẫm đang đi theo Dã Tượng về khu nhà bên trái. Sau đó Trần Quốc Tuấn vào căn phòng ngủ xưa của Phụng Kiền vương. Căn phòng sáng sủa, hai đôi đèn lồng bọc lụa nhuộm xanh nhạt tạo nên một không khí nhẹ nhàng, êm dịu. Ông mỉm cười biết ngay đây là do ý riêng của Trương Hán Siêu. Giữa phòng vẫn bày chiếc án cũ với chậu sen Tịnh đế lá úa khá nhiều. Trên mặt án có để tập thơ của Chiêu Minh vương Trần Quang Khải tặng ông hồi trưa và giấy, bút, nghiên, mực. Nhưng ở cuối phòng, một bà cụ già đang lúi húi với một vật gì đó và bà ta vừa làm vừa thở phì phò.
- Ai thế?
-Thưa đại vương, tôi đây mà.
Trần Quốc Tuấn nhận ra mụ Bội. Ông bước lại gần. Mụ Bội ngẩng mặt lên, nom mụ dạo này có nước da đỏ đẹp hơn trước nhiều.
-Mụ làm gì mà bây giờ còn lọ mọ khuya khoắt thế?
Mụ Bội lúng túng:
-Tôi đặt cái bẫy chuột. Nhà có con chuột nhắt tinh quái lắm. Nó cứ nghịch thoi mực lạch cạch suốt đêm làm người ta khó ngủ quá.
Mụ Bội nhìn Trần Quốc Tuấn. Vị tướng già đột nhiên hiểu ra ý định trung hậu của người quản gia. Hồi tháng năm, ông đã nghỉ lại thái ấp Mai Hiên và đêm ấy ông thức trắng. Mụ Bội cho rằng Trần Quốc Tuấn đã trằn trọc thâu đêm là do cái con chuột nhắt tinh Quyi nghịch lạch cạch thoi mực Hương Lan. Vì vậy đêm nay mụ tìm cách cố bắt nó bằng được để cho vị tướng già yên giấc. Trần Quốc Tuấn cảm động lắm nhưng vị tướng già thấy mụ Bội đặt cái bẫy chuột không đúng vào chỗ phải đặt. Ông tủm tỉm cười:
-Con chuột ấy nó chui từ vườn vào bằng cái lỗ này phải không?... Thế thì nó sẽ phải chạy men chân tường này rồi chui qua dưới cái sập kia để leo lên mặt án. Mụ muốn bắt nó thì phải đặt cái bẫy ở đây chứ!
Trần Quốc Tuấn đặt hộ mụ Bội cái bẫy chuột rồi bảo mụ tắt đèn lồng và cho phép mụ đi ngủ. Ông chỉ thắp một đĩa đèn nhỏ đặt trên án. Đêm đã sang canh ba. Gió bấc thổi rít lên trong vòm lá mơ trước hiên. Bây giờ đây trên nhiều miền của đất nước, sĩ tốt đang nghe hịch dưới ánh lửa đuốc hừng hực. Còn ở đây, yên tĩnh quá. Đêm nay chắc cũng không có chuột nghịch thoi mực lạch cạch nữa...
Trần Quốc Tuấn ngẫm nghĩ về sự chăm chút của mọi người đối với ông. Từ một chén trà nóng, từ cử chỉ cài lại một cúc áo trong đêm lạnh, từ việc coi sóc cho giấc ngủ của ông được ngon, đến việc làm tròn và thật chuẩn xác mọi mệnh lệnh của ông, những con người trung nghĩa quanh ông đã biểu lộ niềm ưu ái thắm thiết của trăm họ đối với ông. Trần Quốc Tuấn chợt thấy dạ cứ nao lên và ông tự hứa thầm sẽ làm hết sức mình để tạ lại những tấm lòng trung chính, nhân ái ấy... Đêm càng về khuya càng tĩnh mịch xiết bao. Trần Quốc Tuấn chầm chậm giở tập thơ của Trần Quang Khải ra đọc. Ông ngâm khẽ hai lần bài Cảm hứng ngày xuân: Đêm xuân hồ hết, bóng trăng mờ Lành lạnh hơi xuân, mượn gió đưa Mái gác, chùm hoa tan trận múa Đập hiên, bụi trúc quấy cơn mơ Hơi mưa gạ gửi ơn đằm thắm Vẻ mặt buồn phai nét trẻ thơ Làm vui ta uống vài chung rượu Vỗ thanh gươm cổ nhớ non xưa. Sau đó, Trần Quốc Tuấn đến bên sập. Ông ngả mình nằm xuống đặt đầu lên chiếc gối êm, nhắm mắt ngủ một giấc yên ả, nhẹ nhàng...
Thăng Long, mùa hạ năm Mậu Thân (1968)

Xem Tiếp: ----