Góc nắng

    
hự dõi theo những bóng đá in trên vách tường phía trái. Nắng sáng mới vượt khỏi nóc trường học và chiếu xiên từng vạt vào miếng vườn nhỏ của nàng. Miếng vườn có hình chữ nhật méo. Lý do Khuất muốn làm thêm một phòng nữa, nên chàng đã kéo thẳng tường ra tới hàng rào. Khuất định dùng căn phòng ấy làm chỗ chơi cho các con sau này. Căn phòng thêm thênh thang chưa có mái, trở thành giang sơn riêng của mấy con vịt còi và, những sợi kẽm phơi quần áo của Nhự.
Mái chưa có, nhưng ở bờ tường làm thêm lại có sẵn một cửa sổ. Thường chiếc cửa sổ được đóng chặt. Nhưng nếu mở ra, thì đó là nơi gió sông lùa vào mát nhất. Cũng như nắng chiếu vào chan hòa nhất. Nhự không thích mở chiếc cửa sổ đó. Lý do thẩm mỹ nhiều hơn cả. Nếu mở thường xuyên, ngồi ở miếng vườn, dưới hiên trước, mọi người sẽ thấy thông thốc quá nhiều cờ quạt, treo móc ngang dọc. Đó là quần áo, tả lót, của Duẫn và Bím. Chưa kể quần áo của nàng và Khuất. Ngày nào Nhự cũng có ít nhất hai thau quần áo phải chia với nhỏ Tư. Nếu Nhự không thể xả giúp nó thì nàng cũng phải ngâm, hay vò tiếp với Tư một tay. Những ngày nghỉ, nếu Khuất lại bày trò đi câu, dẫn Duẫn theo, thì chiều hôm đó kể như “xong”. Nghĩa là sẽ có thêm một thau quần áo riêng của hai cha con, toàn bùn, cỏ, lẫn với mùi cá, mùi hà, một thứ giun tanh nồng. Chưa kể một vài con bống dừa, một vài con lòng tong đựng trong những lon sữa bò, bỏ quên xó xỉnh nào đấy. Chừng Nhự phát giác được, cá đã chết trương, hay cong oằn, phếch nhợt.
Gió giựt giây cho đám bóng lá nhảy múa trên tường và đem theo tiếng rì rào của những khóm dừa nước mọc kín hai bờ lạch. Buổi sáng muộn, Duẫn và Bím còn ngủ. Buổi sáng cho Nhự cảm giác thanh thản, biếng nhác, uể oải giống như thể đó là một sáng Chủ Nhật bình thường. (Mặc dù kể từ ngày không có Khuất, ngày nào của Nhự cũng là ngày Chủ Nhật).
Làng đã vắng, còn vắng thêm. Trung học đóng cửa. Chợ nhỏ trong làng cũng dẹp. Tiếng Honda nổ dòn, tiếng xe hơi ì ạch đã im bặt. Những chiếc xuồng máy, thuyền đuôi tôm cũng không còn khua vỡ bầu không khí yên lặng của xóm Dừa. Dẻo đất bồi của một nhánh sông Sài Gòn toàn bần và đước, được đổ đất một cách vội vàng, lấy chỗ cho anh em nhà văn, nhà báo có nơi đùm chứa vợ con. Ngay tiếng rao hàng của mấy cô bán rau, mấy bà bán cá, cũng nín căm sau ngày Sài Gòn đổi chủ.
Có nhiều lý giải thích cho sự thay đổi đột ngột này. Một số đã bỏ đi trước ngày đó. Số khác, tự thấy không thể ở, cũng lặng lẽ ra đi, để lại cả chìa khóa cho những người đến sau khỏi phải phá cửa. Những cô bán rau, những chị bán cá, những bà bán hàng bao lâu quen thuộc với Nhự, họ đến trên những con thuyền nhỏ từ những xóm bên kia con lạch, nay bận rộn vô cùng, với những buổi họp, với diễn văn, với cao trào “cách mạng”. Họ đang là những nhân vật quan trọng. Những vai trò... lịch sử! Cả một khu gia cư với trên dưới hai trăm nóc gia, mới đây, giờ chỉ còn một vài gia đình. Hầu hết ở trường hợp của Nhự. Một thứ dở ở, dở đi. Ở thì không được, mà đi cũng chẳng biết đi đâu!
“Cách Mạng” đã đẩy họ ra bên lề cuộc sống.
Họ là những thành phần bị xếp loại liên hệ chế độ cũ. Họ bị liệt vào hạng làm chậm bước tiến của “cách mạng” hay phản “cách mạng”. Tình trạng của họ là chờ đó. Án khổ sai? Án tử hình? Án tù năm, ba năm?... Lơ lửng trước mặt. Nhự không thể biết nàng và hai con nàng đã phạm pháp những tội gì? Nhưng mặt khác, nàng biết, biết thật chắc chắn rằng, nàng đã kết tội. Và sẽ phải đền tội. Đó là tội có chồng và tội sống dưới một chế độ mà nàng không chọn lựa... Tội là công dân của một nước có quá nhiều chế độ, có quá nhiều danh từ!
Đôi khi nghĩ lẩm cẩm, Nhự cho rằng nếu cần phải đi tìm một định nghĩa cho người Việt Nam, thì đó là những người được sinh ra không phải để sống như một con người mà, để sống với danh từ. Những “chùm” danh từ như: Cộng Hòa-Tự Do-Dân Chủ... hay Cách Mạng-Giải Phóng-Dân Tộc...
Là nhũng khẩu hiệu chính trị nên tiếng nào nghe cũng kêu, cũng nổ như... súng. Tùy từng giai đoạn mà người dân được gắn cho cái bảng hiệu nào đó. Hôm qua được gắn bảng “Tự Do”. Hôm nay đã bị coi là phá hoại “Cách Mạng”. Hôm kia cho nhãn hiệu “Giải Phóng”. Nhưng ngay sau đó vẫn có thể bị nhốt, vô chừng!
Càng văn minh tiến bộ bao nhiêu, người ta càng đi đến chỗ giản lược đời sống vào những danh từ bấy nhiêu!
Nhự rùng mình khi nàng chợt thấy cái đầu chỉ còn sọ, đã mất hết lông của một con chó ghẻ đang dí mũi vào khe cửa sắt...
Nhự thấy như không thực, tất cả mọi sự. Mới đó, chỉ chớp mắt, mọi sự đã xáo trộn, đã đổi đời. Mới đó, ngày nào Khuất còn vào ra căn nhà này. Khuất còn ngồi chỗ này, bây giờ Nhự phải coi như Khuất đã chết. Tất cả mọi thứ, mọi vật, còn nguyên đấy. Mọi chốn, mọi nơi, còn đẫm mùi hơi chàng. Chiếc ghế nhỏ kê ngoài hiên, nơi Khuất vẫn ngồi mỗi buổi sáng... Trái mướp “rú” lủng lẳng trên dàn. Những con cá quẫy đớp trong chiếc hồ nhỏ... Ngay đến những mẩu thuốc lá cũng còn nguyên dưới thảm cỏ xanh non trong vườn... Vậy mà Nhự biết chắc, vĩnh viễn, đời đời, không bao giờ Khuất còn một lần trở lại. Một lần ngồi, một lần đứng thêm, giữa ngôi nhà này.
Gối chăn vẫn còn vương vãi những sợi tóc chàng. Trên bàn làm việc, lá thư Khuất viết dở cho bạn, bên cạnh tập báo mở... Tất cả vẫn nguyên vẹn đấy. Chàng qua nhà bạn? Chàng ra quán ông Tư Quắn? Chàng đi mua thuốc lá? Không! Không thể là Khuất đã không còn ở nơi đây! Không thể chàng đã đi khỏi! Chàng đã vượt xa quê hương này, mảnh đất này. Không, Chàng vẫn còn quẩn quanh đâu đó. Không. Không thể là chàng đã chết!
Không biết bao giây, bao phút Nhự đã hét to, đã gào lớn trong chính nàng như vậy. Không biết bao đêm, bao ngày, Nhự bàng hoàng, nhói buốt. Khi một giây phút mơ hồ thấy chồng đi lại. Nhự chập chờn thấy chồng ngồi viết đâu đó. Bất cứ đứng ngồi đâu, Nhự cũng bị những giây phút nửa mê, nửa tỉnh. Những giây phút hồn xác chia ly, thấy lại rất rõ, chồng mình. Để rồi ngay sau đó, nàng lại hốt hoảng thấy mình đã là kẻ khác. Một hồn ma, sống được với thế giới bên kia?
Cảm tưởng chập chờn, phút sống lẫn lộn giữa thực và ảo, đã hành hạ Nhự suốt đêm qua. Suốt một đêm Nhự không hề chợp mắt. Suốt một đêm trí óc Nhự trắng xóa. Thần kinh nàng căng thẳng. Nhự rùng mình, nổi gai ốc với những tiếng động trong nhà. Tiếng bước chân ngoài cửa. Những bóng hình lạ lẫm, đe dọa, thấp thoáng đầu giường, ngoài lá màn, trong phòng khách. Đôi khi Nhự nghĩ quẩn, hay quả thật Khuất đã chết? Và hồn chàng trở về. Đăm đăm đôi mắt buồn bã theo dõi không sót một cử chỉ nào của nàng.
Nhự quyết định sáng nay sẽ đem con về bên ngoại. Nàng không thể sống lâu hơn trong ngôi nhà mênh mông này. Nàng không thể sống lâu hơn giữa ngôi làng hoang vắng này.
Cùng với “cách mạng” mọi vật đã chết. Cùng với “cách mạng” nàng đã không còn gì. Ngay bản thân và hai đứa con nàng. “Thành phần liên hệ với Ngụy”. Mấy chữ vắn tắt đó, đã xác định rõ ràng, hiển nhiên, sự sống của mẹ con nàng đang được tính từng ngày. Được đếm từng phút.
Nhự biết thế. Gia đình nàng biết thế. Chung quanh nàng biết thế. Nhưng Duẫn không biết vậy. Con Bím không biết vậy. Duẫn mỗi sáng tỉnh dậy vẫn hỏi: “Sao bố không về mẹ?” Con Bím mỗi đêm còn lập lại: “Mai mẹ tìm bố về cho con nha!”
“Tìm bố về cho con...” Con Bím đâu biết mẹ nó còn muốn điều đó trăm ngàn lần hơn nó.
“Sao bố không về hả mẹ?” Thằng Duẫn đâu biết mẹ nó phát điên vì câu hỏi ấy.
Chúng đâu biết rằng không những mẹ chúng không thể đi tìm bố về cho chúng, mà ngay cả mạng sống của chúng, của chính mẹ chúng, cũng không còn nằm trong tay bố mẹ chúng nữa.
Nghĩ tới một hai tiếng nữa, anh Phước đem xe đến, đón Nhự ra khỏi ngôi nhà, Nhự ứa nước mắt. Tự dưng Nhự muốn quỳ xuống hôn từng viên gạch, ôm từng cái bàn, ghì từng cái ghế. Tim Nhự như ngừng đập. Máu ứ trào lên cổ. Mỗi viên gạch trong ngôi nhà này, là tất cả kỷ niệm, mồ hôi và nước mắt hai vợ chồng Nhự đổ xuống. Mỗi chiếc ghế, mỗi mặt bàn là bao đêm Khuất thức. Là bao nhiêu giờ Khuất bán phổi trong lớp học. Bao bữa cơm chỉ gồm đậu phụ và rau hái từ bờ lạch. Nay phút chốc, ra đi. Phút chốc, để lại. Phút chốc chỉ còn như một làn khói. Một giải mây vô hình, bay biến.
Nghĩ tới lát nữa rời bỏ, lát nữa quay lưng ra đi, vĩnh viễn, Nhự run rẩy. Nhự rụng rời tay chân. Nàng cảm tưởng như sắp phải bỏ lại chính thịt xương và tim óc của chồng nàng. Của nàng. Và của cả các con nàng nữa. Nhự không bao giờ tưởng tượng, có lúc nàng sẽ không còn bước vào căn phòng, nhìn thấy gối chăn vợ chồng bao năm đã sống. Nàng không thể tưởng tượng rồi những cụm cây này sẽ héo khô. Bầy cá trong hồ sẽ cong cứng khi nước cạn.
Mỗi gốc cây, mỗi con cá, mỗi cọng cỏ là một biểu tượng cho Khuất. Biểu tượng hạnh phúc, tương lai của nàng cùng chồng, bao năm vun quén!
Những giọt lệ nóng như đem theo máu, trào khỏi đôi mắt Nhự hoắm sâu, lăn ngang đôi má hóp. Chúng lăn tới làn môi héo, đôi tay xương cùng những sợi gân xanh chằng chịt. Nhự nhớ, nàng đã nói với Khuất, nếu mai kia nàng chết, đừng đem nàng ra nghĩa địa. Hãy cho nàng một miếng đất trong chiềc vườn con con này. Nhự sợ lắm, sự lạnh lẽo. Nhự sợ lắm, sự phải xa lìa chồng con.
“Hãy cho em, một chỗ nhỏ trong ngôi vườn. Để em còn thấy con. Để em còn thấy Khuất, vào ra, đi lại. Để em còn nghe được tiếng cười. Để em còn thấy được ánh đèn. Bóng tối. Thấy được Khuất ăn. Thấy được lúc con ngủ... Và nếu Khuất chết trước em, em cũng sẽ thuê người đào cho Khuất một cái huyệt. Cũng ngay trong vườn này. Và một cái huyệt thêm cho em. Em sẽ lo cho Khuất đến nơi đến chốn... Em sẽ dặn dò, chỉ bảo các con (lúc ấy chắc chúng đã lớn) cặn kẽ mọi điều. Sau đó, em sẽ tắm rửa sạch sẽ. Em mặc lại bộ áo quần đầu tiên mà Khuất may cho em ngày đám cưới. Em sẽ lạy bàn thờ Khuất. Em sẽ theo Khuất... Em vẫn được nằm cạnh Khuất. Để chúng ta cùng nhìn ngắm hai con lúc đó đã có gia đình. Có thể chúng đã có con. Thịt xương Khuất, cộng thịt xương em, sẽ giúp cho cây hồng giấy lớn mau hơn. Cây liễu, cây dương mua từ bà Tám Ngân Hàng sẽ mượt xanh hơn cành lá...”
Nhưng mà! Khuất ơi, Khuất đã bỏ em, trước khi con chúng ta kịp lớn. Khuất đã bỏ con! Bỏ Bím, bỏ Duẫn mà đi... khi Bím mới bập bẹ gọi “Bố ơi”. Khuất bỏ mẹ con em lại với... “cách mạng”. Với bản án lơ lửng gươm treo: “Thành phần liên hệ với Ngụy”.
Khuất bỏ em, bỏ con, khi cỏ trong vườn chúng ta vừa mới non xanh. Khi một số cây trong vườn chưa kịp mọc. Khi những luống đất vun lên, chưa kịp gieo xuống những hạt giống mai sau.
Khuất! Làm sao em sống? Khuất! Làm sao em có thể tin mình sẽ kinh qua?
Phải chăng, mọi thứ đã như thơ Khuất:
đêm thì dài, thật dài và đặc
chùm rễ đời chờ bóng tối xuyên qua
tôi nhắm tới với trăm ngàn ham muốn
và lắng nghe
đời thảng thốt chung quanh.
chân không động, dù tay vẫn hoài ve vẩy
mắt mở trừng cũng chẳng thể ngó về sau.
ở mãn cuộc, ai kéo màn cho đời tôi yên lặng
phải em không? chẳng lẽ lại là tôi?
sống là kéo mãi sợi dây đời đã dãn
(mãn cuộc)
Và Khuất. Em muốn hỏi lại Khuất câu hỏi đó. Ai? Khi mãn cuộc đời em. Ai? Kẻ nào sẽ vuốt mắt cho em và con chúng ta? Khi Khuất đã biệt mù. Khuất đã mất tăm, bên kia bờ biệt ly, tan tác.
Khuất! Khuất thử nghĩ coi, còn buồn thảm nào hơn, khi em phải tự vuốt mắt mình lúc chết? Khuất! Khuất thử nghĩ coi, còn đâu đớn nào hơn (nói dại) nếu chính em phải ôm xác con vào lòng và vuốt mắt cho chúng?
Mà kìa. Khuất. Em lảm nhảm mất rồi! Khuất ở đâu? Nói với em một lời gì đi. Khuất. Nói với em, bảo em đi, một điều gì. Thí dụ: Không đâu em. Chúng ta không thể chết dễ thế. Không đâu em, Duẫn vô tội. Bím vô tội. Không ai có quyền đem chúng đi đấu tố. Chúng vô can. Tâm hồn, trí óc chúng trắng tinh. Không thể có một lớp học cải tạo nào dành cho chúng. Khuất, nói với em đi. Bảo “cách mạng” hộ em đi, Khuất. Rằng em sẵn sàng chết thay cho các con em. Hãy cho chúng được làm người. Hãy để cho chúng sống. Cho chúng được thấy lại một lần cha chúng. Cho con Bím được một lần gọi khan: “Bố ơi!” Cho Duẫn còn được chơi những món đồ chơi thải ra từ những đứa trẻ nhà khác. Cho Duẫn, còn được một lần thêm, ngồi sau chiếc xe Honda ọp ẹp của bố, chạy một vòng quanh làng, giữa lúc chiều đang tàn. Lúc gió sông lồng lộng thổi, và mùi bùn tanh của con lạch cũng được trộn lẫn trong hơi thở hít vào của lồng ngực lép.
Khuất. Em biết. Em biết, Khuất sẽ chẳng thể nói được một lời nào. Bởi vì Khuất đã đi. Bởi vì em đã khai: “Chồng tôi đã chết!”
Nắng lớn. Tàn lá in trên vách tường, một góc sân, im phắc. Nhự đăm đăm nhìn. Chùm lá in trên tường, mỗi lúc biến dạng, hóa thân thành nhiều hình thù gớm nhớp.
Mắt Nhự vẫn mở lớn. Tia nhìn vẫn đăm đăm. Cho đến khi chùm lá in trên tường thu gọn lại thành một vòng tròn lớn, màu đỏ. Giữa lúc đó, tiếng xe lam ba bánh nổ phành phạch đầu ngã rẽ vào nhà Nhự.
(24-6-76, Calif)