à Lõa là khu buôn bán rất phồn thịnh. Các nhà buôn nước ngoài thường hay ghé lại đây, không lúc nào là không có. Hà Lõa không xa biển mấy, nhưng lại cách kinh đô Phong Châu rất xa. Thuyền buồm nước ngoài ghé lại cửa biển có khi neo lại hàng năm sáu tháng. Khách buôn nước ngoài đi thẳng lên Hà Lõa để cư trú và buôn bán trong những tháng ở lại Văn Lang. Ở đây có đủ mọi tiện nghi; người ta muốn mua gì cũng có. Lại có nhiều người biết tiếng ngoại quốc, có thể thông dịch bất cứ tiếng nào. Vải bô và thuốc men do thuyền buôn ngoại quốc đưa tới được bày bán giữa chợ và trong các gian hàng quanh chợ. Người tứ xứ đến mua sỉ để đem về địa phương bán lại cho dân chúng. Có một điều lạ là một thị trấn quan trọng như vậy mà không có một quân lính canh giữ. Người ta chưa nghe nói đến một vụ trộm cướp hay giết người nào xảy ra tại đây… Ai cũng nói rằng sở dĩ dân chúng được an cư lạc nghiệp như vậy là do đức độ của Mỵ Nương Tiên Dung và Đồng Tử Chữ Xá. Mỵ Nương Tiên Dung là con gái vua Hùng Vương thứ tư, nàng cùng Đồng Tử họ Chữ kết duyên sinh sống tại đây mà không về Phong Châu. Chính hai người đã làm cho làng Hà Lõa từ một làng nhỏ lơ thơ mấy chục nóc tranh biến thành một thị trấn phồn thịnh như ngày nay. Cơ sở của hai người lớn lao hơn hết ở thị trấn: nhà cửa cao lớn, kho lẫm hàng hóa chất đầy, người tay chân ra vào tấp nập. Nhưng nay tất cả những tài sản đó đã được họ hiến tặng cho dân nghèo. Bao nhiêu hàng hóa đều được đem bán; tiền bạc thâu được đã đem chia cho hàng ngàn gia đình nghèo khổ để làm vốn kiếm ăn. Những nhà cửa đồ sộ kia cũng đã được bán đi để lấy tiền cấp dưỡng những người ốm đau tàn tật. Mỵ Nương và Đồng Tử không giữ lại một vật gì hết ngoài áo quần mà họ đang mặc trên người. Họ chỉ giữ lại một cây gậy, một chiếc nón với một chiếc bát. Đi đâu họ cũng mang theo ba món ấy, và họ ăn dưới bóng cây, ngủ dưới gốc cây. Sáng hôm nay, dân chúng Hà Lõa xôn xao kinh khiếp vì một tin dữ vừa mới bay tới: triều đình gởi đại binh tới Hà Lõa để chiếm cứ thị trấn, bởi vì có người báo cáo với vua Hùng là Tiên Dung và Đồng Tử đã lấy Hà Lõa làm cứ điểm thành lập một nước mới để chống chọi với Phong Châu. Chỉ trong một hôm nữa là binh đội của triều đình ập tới. Nhiều nhà đã sửa soạn để rời khỏi Hà Lõa. Tất cả thị trấn xôn xao như một đàn ong vỡ tổ. Mỵ Nương Tiên Dung và Chữ Đồng Tử tiếp nhận tin này một cách bình tĩnh. Hai người biết dân chúng Hà Lõa không thể di tản được hết trong vòng một đêm, mà nếu vậy thì nhiều người sẽ kẹt vào giữa vòng tên đạn, dù không có ai có ý chống lại triều đình. Các bô lão của thị trấn đã đi khắp làng để tìm Tiên Dung và Đồng Tử. Họ gặp hai người ở đầu làng. Họ thấy Đồng Tử đang ngồi tĩnh tọa dưới gốc cây. Tiên Dung nói với họ là chàng đang định thần để tìm ra phương pháp tránh đổ máu cho dân chúng. Nàng đứng nói chuyện với các bô lão. Ở Hà Lõa ai cũng từng nghe nói chuyện về cuộc nhân duyên kỳ lạ giữa Tiên Dung và Đồng Tử làng Chữ Xá. Ngày xưa khi Đồng Tử còn bé; ông ta ở với người bố tên là Chữ Vi Vân ở làng Chữ Xá. Mẹ của Đồng Tử mất sớm. Ông bố của chàng nuôi và dạy chàng. Thấy con trai thông minh, hiền lành, lại có hiếu, ông rất yêu mến. Nhà nghèo ông phải đánh cá từ sáng đến chiều mới có đủ cá để bán lấy tiền mua gạo, mắm và rau. Đồng Tử lớn lên và bắt đầu có thể giúp bố trong việc chài lưới. Một hôm, trong khi hai cha con đang lặn lội dưới sông thì chiếc nhà lá của họ bốc cháy. Lúc trở lên thì căn nhà chỉ còn là một đống tro lớn: tất cả mọi vật dụng đều cháy hết. Đồng Tử không có một mảnh vải che thân, còn cha chàng thì còn lại được trên mình một chiếc khố vải. Họ vội nhặt lá che ngay một chiếc lều để nương náu. Chỉ những khi xuống sông gần ngay đó là hai cha con có thể đi cùng nhau, còn nếu muốn ra chợ hay vào xóm thì trong hai người chỉ có thể đi một người, bởi vì hai cha con chỉ có một chiếc khố vải duy nhất. Khi người này mặc khố để đi ra chợ hay vào xóm thì người kia phải ở nhà. Một hôm Chữ Vi Vân bệnh nặng. Biết mình không thể sống thêm được, ông gọi Đồng Tử đến bên giường bệnh mà trối trăn: Sau khi bố chết, con không nên chôn bố cùng với chiếc khố vải. Phải để khố lại mà dùng kẻo ra vào xấu hổ với thiên hạ. Nói xong, ông nhắm mắt lìa đời. Đồng Tử thương quá, không nở chôn cha trần truồng, bèn cứ để xác cha mặc khố mà chôn. Từ đó, chàng không dám ra chợ và vào xóm nữa. Chàng chài lưới, nước ngập đến bụng. Khi nào có thuyền qua, chàng đứng dưới nước như thế để bán mớ cá tôm chàng chài lưới được. Một hôm trong khi đang đào mồi câu cá trên bờ sông, chàng thấy có một con thuyền sang trọng từ xa đi tới, trên thuyền vẳng lại tiếng đàn địch và trống phách. Phía trên thuyền lại còn có cờ xí, nghi trượng. Những chiếc thuyền này mỗi lúc lại tiến lại gần và sắp ghé bến làng Chữ Xá. Hoảng kinh không biết trốn vào đâu, chàng liền đào gấp một cái huyệt nơi bãi cát gần bên, có lơ thơ mấy gốc lau sậy. Chàng nằm vào huyệt lấy cát phủ mình lại, chỉ chừa một lỗ hở nơi mũi để thở. Trong lúc đó thì đoàn thuyền ghé bến. Mỵ Nương Tiên Dung con vua Hùng Vương, thấy cảnh đẹp, muốn ghé thuyền lại chơi. Đây là đoàn thuyền của Mỵ Nương, có bao nhiêu thị nữ theo hầu. Cứ mỗi mùa xuân là nàng xin phép vua cha đi du hành bằng thuyền để thưởng thức vẻ đẹp mỗi nơi mỗi khác của đất nước mà cha nàng ngự trị. Sau khi dạo chơi một hồi trên bến với các thể nữ, Mỵ Nương truyền vây màn một khoảng trên bến cho nàng tắm. Vô tình, các thị nữ lại vây màn xung quanh chỗ Đồng Tử họ Chữ đang ẩn nấp. Tiên Dung vào màn, trút bỏ xiêm y, dội nước tắm ào ào. Cát chảy, một phần thân thể người con trai họ Chữ lộ ra. Mỵ Nương ngạc nhiên, nhưng nàng giữ được sự bình tĩnh, không đến nổi hoảng hốt la lên. Người con trai sợ hãi quá không dám ngồi dậy. Chàng nghiêng mình nằm sắp lại. Nhưng Mỵ Nương ôn tồn bảo: “Anh hãy ngồi dậy, lấy nước trong thùng mà tắm gội cho sạch sẽ, rồi ngồi đấy chờ tôi.” Nàng mặc áo và đi ra khỏi màn, dặn thị nữ đừng tháo màn vội, cũng đừng đi vào trong màn. Rồi nàng lên thuyền, truyền lấy cho nàng một bộ áo quần con trai. Nàng đem áo quần vào cho Đồng Tử mặc, rồi cùng chàng đi ra khỏi màn. Mọi người thấy thế đều trố mắt kinh ngạc. Mỵ Nương mời Đồng Tử xuống thuyền. Nàng bảo thị nữ đem trà nóng và thức ăn cho hai người. Trong khi ăn, nàng bảo Đồng Tử kể chuyện cho nàng nghe. Đồng Tử liền kể hết mọi chuyện đã xảy ra cho chàng từ khi mẹ mất. Nghe chàng kể đến chuyện bố mất phải chôn luôn cả chiếc khố vải, rồi không có gì mặc, phải đứng dưới nước để buôn bán với thuyền qua lại, nàng nhìn Đồng Tử thương xót. Một người con trai có hiếu, thông minh và đẹp đẽ như thế lẽ ra không đáng ở trong một hoàn cảnh quá khổ sở như thế. Nàng nói: Việc ta gặp chàng ở trong một hoàn cảnh kỳ lạ như thế này chắc chắn là do nhân duyên từ một kiếp trước. Đã từ lâu, phụ vương muốn ta lấy chồng, ta thường từ chối. Nhưng nay gặp chàng, ta thấy rằng giữa chúng ta có những mối duyên định trước. Vậy nếu chàng muốn, chúng ta sẽ kết nghĩa vợ chồng. Chàng con trai cố từ. Không phải chàng chê nhan sắc và địa vị của nàng Mỵ Nương, nhưng vì chàng không tin những gì xảy ra trong hôm đó là có thực. Nhưng sau khi Mỵ Nương giải thích tình trạng cho chàng nghe từng chi tiết một, chàng mới gật đầu. Đồng Tử chưa từng nghĩ đến chuyện vợ chồng; nhìn nàng công chúa dung nhan kiều diễm hơn tiên nga, chàng chỉ thấy nơi nàng một cô bạn gái rất hiền hậu, rất dễ thương. Chàng bằng lòng như là nhận chơi với nàng một trò chơi trẻ em vậy. Nhưng Mỵ Nương có cái tên rất xứng với nhan sắc kia lại thực tế hơn nhiều; nàng biết những gì sẽ xảy ra cho hai người trong trò đùa rất quan trọng này. Nàng biết nếu đem người con trai này về triều và kể cho vua nghe đầu đuôi câu chuyện, triều thần sẽ ngăn cản cuộc tác hợp. Nàng là người ít có cảm tình với những lề thói nặng nề và những sự cố chấp. Cho nên nàng quyết định làm lễ thành hôn với người Đồng Tử họ Chữ ngay tại làng Chữ Xá và cho người về thông báo với vua cha, đồng thời dâng biểu xin vua cha chấp thuận cho cuộc hôn nhân này. Trong lúc đó, nàng và Đồng Tử bán bớt những vật dụng trên thuyền để lấy tiền chi dụng. Đoàn thể nữ nàng cũng cho đi theo sứ giả trở về cung khuyết. Hùng Vương được tin con gái tự ý làm lễ thành hôn với người nàng gặp giữa đường trước khi có lệnh của mẹ cha, lấy làm phẫn nộ. Ngài nói: Để cho nó đi đâu thì đi, ta chẳng cần biết đến nữa. Vua nói thế, một phần vì giận, một phần là không biết nói năng làm sao với các lạc hầu lạc tướng về việc Mỵ Nương tự ý làm lễ thành hôn. Ngài thương con nhưng ngài không thể bênh vực con trước mặt quần thần nghiêm nghị như thế được. Trong khi đó thuyền của cặp vợ chồng trẻ ghé tới bến Hà Lõa. Thấy cảnh vật ở đây thanh tú, hai người định ở lại làm ăn. Họ bán chiếc thuyền và những vật dụng đắt tiền, lấy tiền làm nhà và lấy vốn làm ăn. Đồng Tử không đi chài lưới nữa mà cùng với Mỵ Nương Tiên Dung mở một cửa hàng. Hai người thường mua lại trầm hương, tiêu, quế của những người đi rừng và của nông dân để bán cho những thuyền buôn ngoại quốc lâu lâu ghé đến cửa biển. Có khi mưa gió kéo dài, những người khách thương nước ngoài không thể dong thuyền đi tiếp được, hai người mời họ về Hà Lõa ở lại. Đồng Tử rất thông minh và có khiếu về sinh ngữ học. Chàng học nói ngôn ngữ của những người khách buôn ngoại quốc một cách mau chóng. Hai vợ chồng làm ăn rất khá. Thấy hai người làm ăn được dân tứ xứ có nhiều người cũng tới Hà Lõa định cư. Tiên Dung vui vẻ đón tiếp mọi người và còn tìm cách giúp đỡ những nhà nghèo muốn đến Hà Lõa sinh cơ lập nghiệp. Khách buôn ngoại quốc ghé tới Hà Lõa càng lúc càng nhiều. Dân cư làm ăn phát đạt, Hà Lõa trở nên một trung tâm buôn bán lớn. Ở đây người ngoại quốc ưa tới nghỉ chân, có lúc năm ba tháng; phần lớn đều có làm ăn với hai vợ chồng Tiên Dung và Đồng Tử. Bởi vì hai vợ chồng một mặt thì hiếu khách, một mặt thì buôn bán rất sòng phẳng. Thêm nữa, Đồng Tử có thể nói chuyện trực tiếp với họ, không cần nhờ người thông dịch. Dân chúng trong thị trấn và khách buôn từ xa lại, ai cũng yêu mến hai vợ chồng. Người ta nghe nói đến nguồn gốc vương giả của Tiên Dung, nhưng người ta thấy nàng hào hiệp, nhân đức và đối xử tử tế với mọi người, nhất là đối với những người nghèo túng nhất. Mùa xuân năm ấy, có một người khách buôn Ấn Độ lưu trú trong nhà hai người có đến hơn ba tháng. Khi sắp sửa lên thuyền về nước, ông ta đề nghị Đồng Tử theo thuyền buôn của ông ta về Ấn Độ: Quý nhân chỉ cần xuất ra một thoi vàng, và theo thuyền của tôi về Ấn Độ. Ở đó, quý nhân sẽ trực tiếp mua vải lụa và các thứ khác, đồng thời lưu lại mươi hôm xem chơi cho biết đất nước chúng tôi. Khi về lại quý quốc tôi tin là quý nhân sẽ được một số lời gấp đôi sau khi bán xong hàng. Quý nhân đối với chúng tôi tử tế quá, chúng tôi muốn có dịp đền đáp tấm lòng quý hóa đó. Đồng Tử còn đang ngần ngại thì Tiên Dung đã khuyến khích chàng: Lang quân hãy nhận lời đi chơi một chuyến cho biết. Công việc ở nhà em sẽ thay chàng liệu lý tất cả; xin chàng đừng lo ngại. Sẵn nói được tiếng nước ngoài, chắc đi chuyến này chàng sẽ gặp được nhiều người và học biết thêm được bao điều mới lạ. Đồng Tử bèn nhận lời mời của ông khách ngoại quốc. Thuyền của họ lênh đênh nhiều ngày đêm trên biển cả. Đi chừng một tháng, thuyền ghé vào một bờ biển để lấy nước ngọt. Đồng Tử cùng lên bộ với mấy người thủy thủ. Cảnh vật thanh tú lạ thường. Trước mặt họ là một ngọn núi lớn. Người thủy thủ nói với chàng: Đây là ngọn núi Quỳnh Viên. Trên núi này có một ông thầy tu tên là Buddhabrabha, nghĩa là ánh sáng của Phật, đang tu trên một cái am dựng trên sườn núi. Kìa, ông nhìn xem: đấy, chiếc am của ông ấy đấy. Theo tay chỉ của người thủy thủ, Đồng Tử thấy một chiếc am nhỏ dựng cheo leo trên sườn núi chen lẫn trong lá cành xanh mát, người thủy thủ nói tiếp: Thuyền nghỉ lại đây nửa ngày. Nếu ông muốn lên am chơi thì cứ lên. Tôi sẽ xuống ghe lấy nước ngọt, ít ra cũng tới năm chuyến mới đầy. Đồng Tử gật đầu, và leo lên núi chơi. Chàng tìm lên am. Vào tới trong am, chàng nhìn quanh không thấy ai. Đi quanh ra phía sau am, chàng thấy trên bệ đá, dưới gốc cây, có một người ngồi tĩnh tọa, thần sắc thư thái và thanh tịnh. Chàng đứng nhìn một hồi lâu không chán mắt, trong lòng thấy khỏe khoắn lạ thường. Một hồi sau, người đó mở mắt. Thấy Đồng Tử, ông ta mỉm cười nói: Ta đợi đã lâu. Tại sao bây giờ ngươi mới tới? Đồng Tử ngạc nhiên hỏi lại bằng tiếng ngoại quốc tại sao lại có sự chờ đợi này? Ông thầy tu trả lời: Giữa ta và ngươi có duyên từ kiếp trước. Đến kiếp này chúng ta lại gặp nhau, và ta có bổn phận chỉ cho ngươi con đường. Con đường để đi đâu? Con đường để đi tìm sự an lạc của tâm hồn. Thế giới này có thể hưng thịnh hay sụp đổ, nhưng tâm hồn của người đạt đạo bao giờ cũng an nhiên tự tại. Ngươi là kẻ có đạo tâm, có thể thành được đạo nghiệp. Hãy ngưng sự tìm kiếm giàu có mà bắt đầu sự tìm kiếm tự tâm. Nghe những lời nói của ông Đạo, Đồng Tử thấy mát mẻ cả tâm hồn. Chàng ngồi xuống một phiến đá thấp gần đó để nghe ông Đạo thuyết pháp. Chàng sung sướng lắng nghe những lời dạy bảo của ông Đạo. Chưa bao giờ chàng được nghe những điều mới lạ như thế. Tâm của chàng như đất khô được thấm nhuần nước mát. Cho đến khi người thủy thủ lên am gọi chàng về để kịp nhổ neo, chàng mới nhớ là mình đang trên đường đi buôn. Chàng nói với thủy thủ: Xin bác hãy thưa lại với thuyền trưởng cứ cho thuyền nhổ neo. Tôi còn ở lại đây để nghe thuyết pháp và học đạo. Chừng nào thuyền về xin ghé đón tôi cùng về. Người thủy thủ về nhắc lại lời chàng. Ông khách buôn liền lên am gặp chàng và khuyên chàng nên tiếp tục chuyến đi. Nhưng chàng nhất định từ chối. Chàng nói: Đây là cơ hội ngàn năm một thuở đối với tôi. Xin ngài cứ cầm lấy thoi vàng của tôi và đi mua hàng hộ tôi. Chừng nào về xin ghé lại đón tôi cùng về. Tôi không thể bỏ lỡ cơ hội này được, xin ngài hiểu cho. Người khách buôn biết chàng đã quyết tâm nên không ép nữa. Ông ta từ giã và hẹn chuyến về sẽ ghé. Chủ thuyền lại tỏ ý muốn đem dâng ít thực phẩm, nhưng ông Đạo kia mỉm cười từ chối: Trên núi này, trái cây cũng đủ cho chúng tôi sống tạm. Đồng Tử ở lại học đạo gần bốn tháng. Chàng đã nếm được niềm hân hoan của những giờ phút tĩnh tọa thiền định. Chàng thấy mình rũ bỏ được phiền não, thâm tâm nhẹ nhàng, khoan khoái. Chàng thấy chàng không cần chạy theo bất cứ thứ danh lợi nào trên đời này nữa. Một hôm, thuyền ghé bến. Người khách buôn ngoại quốc đi lên am mời chàng, ngạc nhiên thấy Đồng Tử khoác áo một tấm, ngồi tĩnh tọa an nhiên trong nhà đá. Ông ta giục chàng thu xếp trở về. Chàng chưa có ý muốn trở về ngay, nhưng Buddhabrabha khuyên chàng: Nhân duyên với nước Văn Lang còn nhiều, ngươi nên thu xếp để về. Nói xong ông Đạo đem cho chàng một chiếc gậy, một cái nón và một chiếc bình bát, ông nói: Ngươi nên giữ gìn ba vật này. Người tu chỉ cần giữ lại từng đó cho mình. Linh không là tại những vật đấy. Đồng Tử bái nhận chiếc gậy, chiếc nón và chiếc bình bát, rồi lạy tạ ông Đạo mà ra đi theo thuyền. Hai tháng sau, chàng về tới Hà Lõa. Tiên Dung hơi ngạc nhiên thấy chàng có dáng dấp phong thái của một người thoát tục. Chàng bắt đầu kể cho vợ nghe tất cả những kinh nghiệm đã thu thập được trên núi Quỳnh Viên. Lạ thay, Mỵ Nương Tiên Dung cũng rất sung sướng khi nghe chồng thuật lại cuộc du hành học đạo. Nàng xin Đồng Tử dạy lại cho nàng đạo pháp mà chàng mới học được. Chàng đọc cho Mỵ Nương nghe những đoạn kinh mà chàng đã được nghe, chỉ cho Mỵ Nương phương pháp tĩnh tọa, điều hòa hơi thở và thiền quán. Chàng dạy cho Mỵ Nương nhiều phương pháp đình chỉ loạn tưởng và đạt được định lực. Sau khi Mỵ Nương đã nếm được sự thanh thoát an lạc của thiền định, nàng đề nghị với chàng nên đem tất cả của cải tặng cho những người nghèo. Hai người liền bán hết nhà cửa, kho lẫm và mọi thứ đồ vật quý giá đã mua được trong bao nhiêu năm làm ăn cần mẫn. Nhiều gia đình nghèo khổ nhờ thế mà có vốn làm ăn, có ruộng để cày bừa. Hai người trở thành không nhà không cửa. Họ chỉ còn giữ một chiếc gậy, một chiếc nón và một chiếc bình bát để dùng chung. Đi tới đâu, họ cũng được mời vào nhà. Chủ nhà nào cũng muốn đãi cơm họ và sửa soạn giường chiếu cho họ ngủ lại. Nhưng họ từ chối. Họ chỉ xin cơm và thức ăn đầy một bình bát và cáo từ. Họ ngừng chân, ăn cơm dưới bóng mát của một gốc cây, và đêm đến, họ cùng ngủ dưới một gốc cây. Chiếc nón lá là để che nắng che mưa, chiếc gậy là để dẹp lau lách, gai gốc, và chiếc bình bát là để xin ăn. Mỗi khi vào một nhà nào để hóa trai, họ thường đọc một vài đoạn kinh và dạy đạo cho gia chủ. Họ sống thảnh thơi, thường kiếm nơi mát mẻ và thanh vắng để tĩnh tọa thiền định. Họ cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát, không còn sợ hãi điều gì. Ngày xưa khi còn vàng bạc kho lẫm họ còn sợ trộm cướp; ngày nay họ không còn gì để sợ mất mát nữa cả. Ở Phong Châu vua Hùng không biết gì hết về chuyện đã xảy ra nơi chốn cửa sông đầu biển này. Người ta báo rằng Hà Lõa đã biến thành một nước tự trị, có mặt của nhiều người ngoại quốc. Người ta còn nói thêm là chính Mỵ Nương Tiên Dung và người chồng của nàng đã hùng cứ một phương, không tuân lệnh triều đình. Quần thần tâu vua nên gởi một đạo binh đến Hà Lõa để diệt trừ âm mưu phản loạn. Và quân sĩ của triều đình đang rầm rộ kéo tới: chẳng mấy chốc mà Hà Lõa sẽ biến thành tro bụi. Trong khi Tiên Dung bàn kế với những bậc lão thành của thị trấn, thì Đồng Tử vẫn ngồi yên tĩnh tọa dưới gốc cây bàng. ° Đồng Tử mở mắt, mỉm cười. Tiên Dung biết là chàng đã tìm được giải pháp cứu dân. Đồng Tử vươn vai đứng dậy. Chàng thong thả nói với các bô lão: Tôi đã tìm ra được cách giữ cho binh tướng triều đình tới trễ ba ngày ba đêm. Trong lúc đó, tôi xin quý vị tổ chức cho dân chúng di tản ra các miền xa. Chúng ta có dư thì giờ để cho dân chúng di tản; xin khuyên mọi người đừng hấp tấp mà dẫm đạp lên nhau, gây thành tai nạn. Các bô lão tin ngay lời Đồng Tử. Họ sắp sửa quay về làng thì chàng dặn với theo: Xin quý bác nhớ khuyên mọi người giúp đỡ lẫn nhau. Ở hiền gặp lành, thương người như thể thương thân, Bụt dạy như vậy. Nói xong, chàng cầm lấy nón, gậy và bình bát, cùng với Tiên Dung tìm đường ra bờ sông. Họ mượn một chiếc thuyền thúng và bơi sang bên kia sông. Tiên Dung đưa mắt nhìn Đồng Tử như muốn hỏi chàng về kế hoạch làm trì trễ sự tiến công của binh tướng triều đình. Chàng nói: Trong kinh Hoa Sen, có một câu chuyện thành trì được hóa hiện trong bãi sa mạc. Chúng ta hiện giờ đi đâu cũng chẳng cần nhà cửa lâu đài. Một gốc cây cũng đủ cho ta như một thành quách lâu đài. Một chiếc nón và một cái gậy hay một gốc cây, cũng thay thế được cho một thành quách lâu đài. Tiên Dung chưa hiểu hẳn, nhưng nàng vẫn gật đầu. Khi thuyền đến bờ thì trời chạng vạng tối. Hai người cột thuyền lại và lên bộ. Rời khỏi bờ sông, họ đi vào một con đường ruộng. Rồi họ băng lên một khu đồi cao ráo. Đồng Tử bảo Tiên Dung dừng lại. Chàng cắm gậy thẳng xuống đất, úp chiếc nón trên đầu cây gậy. Chàng đặt chiếc bình bát dưới đất, và ngồi lại trong tư thế tĩnh tọa. Tiên Dung cũng ngồi như thế gần bên chàng. Bổng phép lạ hiển hiện. Một tòa lâu đài hiện ra ngay giữa khu đồi. Rồi nhà cửa san sát mọc lên chung quanh thành một thị trấn lớn, thành quách kiên cố, có hào sâu bao bọc chung quanh. Đèn đuốc sáng trưng, người đi qua lại tấp nập. Từ xa, binh tướng triều đình đã trông thấy ánh sáng chiếu ra từ thành quách vừa xuất hiện. Họ đi đường mệt, chưa dám tiến thẳng đến. Họ dừng lại, dựng trại, cho quân sĩ nghỉ sức. Hàng ngàn binh sĩ thầm lặng hạ trại trong đêm. Đúng nửa đêm, lệnh tấn công được ban ra. Trong chưa đầy một khắc, thành trì của Tiên Dung và Đồng Tử đã bị binh đội triều đình bao vây kín mít. Nhưng bốn cửa thành đã đóng chặt. Binh tướng triều đình khiêu chiến thế nào cửa thành cũng không mở. Thành quách vững chãi quá, không thể công phá dễ dàng được. Binh tướng triều đình áp dụng chiến thuật vây hãm thành cho tiêu hao dần lương thực và tiềm lực chống giữ của quân lính và dân chúng bên trong. Cuộc vây hãm kéo dài tới ba ngày ba đêm. Trong thành không có một ai thoát được ra ngoài và từ bên ngoài thành, chưa một ai đột nhập được vào thành. Tuy nhiên tiếng náo nhiệt của dân chúng sinh hoạt trong thành vẫn vọng ra tới bên ngoài hàng dặm. Nửa đêm, không có trăng nhưng có rất nhiều sao. Một người lính canh của phía triều đình đang chăm chú nhìn lên ngôi sao Bắc Đẩu sáng ngời thì bổng nghe tiếng của ai thoang thoảng bên tai: Đúng ba ngày ba đêm. Dân chúng đã di tản hết rồi. Ngạc nhiên, người lính trố mắt nhìn vào cửa thành. Cửa thành vẫn đóng chặt, im lìm. Bốn phía, quân tướng triều đình vẫn trùng điệp vây chặt. Nhưng khi người lính nhìn lên trời tìm lại ngôi sao Bắc Đẩu thì không còn thấy ngôi sao nào nữa hết. Mây đã kéo đen nghịt. Gió bắt đầu thổi mạnh. Rồi giông bão kéo tới mãnh liệt. Cây ngả, lều đổ. Một tiếng sét dữ dội nổ. Tất cả thành quách lâu đài của Tiên Dung và Đồng Tử bị cuốn lên trời theo một cơn lốc vĩ đại. Lều trại của quan quân triều đình nhiều chiếc cũng bị cuốn theo. Mọi người từ binh cho đến tướng đều kinh hoảng; trong bóng đêm, sự hỗn độn cùng cực đã xảy ra; ai cũng ngỡ là binh đội Phong Châu vừa bị đánh bại. Nhưng gió bão đã dịu dần, và cuối cùng ngưng hẳn. Bình minh trở lại. Mọi người thất sắc nhận ra rằng tất cả thành quách lâu đài mà họ đã vây hãm trong suốt ba ngày ba đêm đều đã bị cuốn sạch theo cơn lốc, không còn lại một dấu tích nào, dù là một cây cột hay một viên ngói. Ở chỗ thành quách, bây giờ là một chiếc đầm lớn, nước ngập mênh mông. Ngày hôm ấy có thám tử sang sông về báo rằng trong thị trấn Hà Trạch bên kia sông, vườn trống, nhà không, không có một bóng người. Tất cả dân chúng, trâu bò, gà vịt, hàng hóa đã được di tản rải rác đi các nơi khác. Quan Lạc Tướng chỉ huy quân binh triều đình kinh ngạc. Cho người đi hỏi thăm Tiên Dung và Đồng Tử, thì không ai biết hai người ở đâu. Ông đặt tên chiếc đầm lớn mênh mông trước mặt là đầm “một đêm”. Chỉ trong một đêm mà cả một thành trì nguy nga đã biến thành hồ nước mênh mông, không lưu lại một chút gì vết tích.