ào tuần lễ thứ tư trên đảo Lido, Gustav von Aschenbach nhận thấy chung quanh có một số biểu hiện bất thường. Trước tiên ông lấy làm lạ vì mùa nghỉ đã dần tới thời kỳ cao điểm mà lượng khách trọ trong khách sạn chẳng những không tăng lên lại còn vẻ giảm đi, và đặc biệt hơn, nhình như giọng nói tiếng Đức cứ thưa dần rồi từ từ im hẳn, bây giờ bên bàn ăn và ngoài bãi biển chỉ còn những ngôn ngữ xa lạ lọt tới tai ông. Một bữa, trong câu chuyện phiếm với tay thợ cắt tóc - dạo này ông đã trở thành khách hàng thường xuyên của y - có một chử làm ông giật mình. Gã đàn ông nhắc đến một gia đình người Đức mới đến chưa đươ(c bao lâu đã vội bỏ đi, và liến thoắng chêm vào giọng bợ đỡ: "Nhưng ngài vẫn ở lại, phải không ạ; ngài chẳng việc gì phải sợ cái nạn ấy". Aschenbach ngó sững mặt y. "Nạn gì?" ông hỏi lại. Kẻ ba hoa câm tịt, giả cách bận rộn làm lơ câu hỏi, và khi ông nhất định gặng thêm, thì y chống chế rằng mình chẳng biết gì rồi gượng gạo lái qua chuyện khác nói lấp đi. Lúc ấy vào khoảng giữa trưa. Buổi chiều Aschenbach lên đường sang Venice dưới trời nắng chang chang, không một cọng gió; cơn cuồng si thúc đẩy ông bám theo mấy chị em người Ba Lan mà trước đó ông thấy vừa cùng cô gia sư đi ra phía cầu tàu. Ông không gặp thần tượng của mình ở San Marco. Nhưng trong lúc ngồi uống trà chỡ cái bàn sắt tròn bên phía quảng trường râm mát, ông chợt ngửi thấy trong không khí một mùi là lạ, bấy giờ ông mới láng máng nhận ra, hình như từ mấy ngày nay cái mùi ấy đã phảng phất bên mũi mà ông không để ý - đó là mùi thuốc men găn gắt ngòn ngọt, gợi nhớ tới bệnh tật, thương tích và vô trùng một cách đáng ngờ. Ông để ý kỹ hơn, lo âu khẳng định đúng là mùi thuốc sát trùng, bèn uống hết ly trà và rời quảng trường đi về phía đối diện ngôi Đền Thánh. Trong những ngõ hẻm cái mùi ấy lại càng nồng nặc. Ở các góc phố treo đầy cáo thị, trong đó chính quyền thành phố ôn tồn khuyên dân chúng hạn chế ăn ngao sò ốc hến và tránh sử dụng nước kênh, để đề phòng một bệnh đường ruột hay gặp trong điều kiện thời tiết này. Nội dung tô hồng của thông cáo chỉ như vải thưa che mắt thánh. Dân chúng tụ tập thành từng đám đứng im lặng trên cầu, trên quảng trường, và người khách lạ đứng lẫn trong bọn họ, suy ngẫm, đăm chiêu. Ông hỏi thăm một tay chủ tiệm đang đứng tựa cửa, giữa những chuỗi san hô và đồ trang sức giả đá quý, về cái mùi đáng lo ngại kia. Người đàn ông đưa mắt uể oải nhìn ông một lượt từ đầu tới chân, và vội vã tỏ ra niềm nở: "Chỉ là một biện pháp phòng ngừa thôi, thưa ngài!" Y xăng xái trả lời. "Một quy định của nhà chức trách mà dân chúng phải tuân theo. Thời tiết oi bức thế này, gió scirocco là độc lắm đấy. Tóm lại, ngài cũng thừa hiểu - chỉ là một sự thận trọng quá mức mà thôi..." Aschenbach cảm ơn rồi đi tiếp. Nhưng bây giờ cả trên chuyến canô về lại đảo Lido ông cũng ngửi thấy mùi thuốc khử trùng. Trờ về khách sạn, ông lập tức vào đại sảnh lục tìm thông tin trong đống báo chí để trên bàn. Ông không thấy gì lạ trong các báo nước ngoài. Báo Đức thì đăng những tin đồn thất thiệt, đưa ra nhiều số liệu chênh lệch, trích dẫn lời phủ nhận của chính quyền địa phương và bày tỏ sự nghi ngờ tính xác thực của các tuyên bồ này. Đó là lý do khiến dân Đức và dân Áo rút lui hết cả. Người các nước khác rõ ràng vẫn chưa hay biết gì, không mảy may ngờ vực, chẳng vướng chút lo âu. "Họ cố tình im lặng!", Aschenbach bức xúc tự nhủ và quăng mấy tờ báo xuống bàn. "Họ muốn giấu nhẹm chuyện này!" Nhưng đồng thời thâm tâm ông lại hả hê vô cùng trước sự mạo hiểm mà thế giới bên ngoài đã tự chuốc lấy. Vì người đam mê, cũng như kẻ phạm pháp, không thích trật tự nghiêm minh và nếp sống an toàn, mà hoan nghênh mọi lỏng lẻo trong cơ cấu xã hội, mọi bất ổn và tai họa ngoài đời, với hy vọng mơ hồ biết đâu qua đó mình có thể đục nước béo cò. Chính vì vậy Aschenbach mới thấy trong lòng một nỗi vui mừng hắc ám khi nghĩ đến bức màn che đậy mà nhà chức trách phủ lên những phố phường bẩn thỉu ở Venice - điều bí mật tệ hại của thành phố được ông gộp chung vào bí mật của riêng ông, mà thâm tâm ông nhất định phải giữ kín cho bằng được. Vì kẻ si tình không sợ gì hơn là Tadzio cũng bỏ đi, và hãi hùng tự hỏi, mình không biết sẽ tiếp tục sống thế nào nếu điều đó xảy ra. Thời gian sau này ông không thỏa mãn với sự gần gũi và những phút gặp mặt cậu bé xinh đẹp do nếp sinh hoạt hằng ngày và sự tình cờ mang lại nữa; ông tìm mọi cách theo đuổi, rình mò cậu. Giả tỉ những ngày chủ nhật gia đình Ba Lan ấy không bao giờ có mặt ngoài bãi tắm; đoán chừng họ đi lễ nhà thờ ở San Marco, ông vội vàng lao tới đó, và từ quảng trường nóng bỏng bước vào không gian mờ tối lấp lánh ánh vàng trong thánh đường, ông thấy đối tượng tìm kiếm của mình đang cúi đầu trước bục cầu nguyện. Thế là ông lùi xuống phía sau, chôn chân đứng đợi trên mặt sàn đá hoa ghép đã rạn nứt nhiều chỗ, giữa đám đông quỳ gối lẩm bẩm nguyện cầu và làm dấu thánh giá lia lịa, và vẻ hoành tráng cục mịch của ngôi điện thờ kiểu phương Đông đè nặng lên tâm trạng ông. Phía trước, vị linh mục trang phục rườm rà đi đi lại lại làm lẽ, vung vẩy tay cao giọng hát. Khói hương trầm cuộn lên, làm lu mờ những ngọn nến leo lét trên bàn thờ, và trong mùi thơm ngột ngạt của bình hương thánh lễ dường như có một mùi khác trà trộn xen vào: cái mùi của thành phố bệnh hoạn. Nhưng qua làn khói mù mịt và ánh sáng lập lòe, Aschenbach thấy cậu bé xinh đẹp phía trước quay đầu lại kiếm và ngước mắt nhìn ông. Khi đám đông lũ lượt kéo qua cánh cổng mở rộng đi ra quảng trường nắng chói chang đầy lúc nhúc chim bồ câu thì kẻ si tình nấp lại trong tiền sảnh, lén theo dõi tiếp. Ông thấy gia đình Ba Lan rời khỏi nhà thờ, chứng kiến nghi lễ mấy chị em cung kính chia tay bà mẹ và bà ta theo hướng quảng trường nhỏ Piazzetta đi về; còn cậu bé xinh đẹp, mấy cô chị như nữ tu nhà dòng và cô gia sư thì quay sang bên phải đi qua cổng Tháp Đồng Hồ vào khu Merceria, và sau khi đợi họ đi trước một quãng, ông cất bước theo sau, lén lút lẵng nhẵng bám đuôi họ dạo khắp phố phường Venice. Ông phải dừng lại khi họ la cà vào tiệm, phải lẩn vào hàng ăn hay sân nhà người ta đợi họ đi qua mỗi khi họ quay trở lại; khi họ lọt mất khỏi tầm mắt, ông cuống cuồng lùng kiếm đến mệt lả trên những cây cầu, trong những ngõ cụt dơ hầy và phải cắn răng chịu đựng những phút hổ thẹn chết người khi thình lình chạm trán họ đi ngược về phía mình trong những con hẻm chật chội không tìm đâu ra chỗ lánh mặt. Nhưng không thể bảo rằng ông thấy khổ sở. Trí não tâm can ngây ngấy côn say, ông bước theo sự xúi giục của loài quỷ dữ, chúng chỉ thấy hả hê khi chà đạp được lý trí và phẩm giá con người dưới gót chân mình. Đến lúc Tadzio và gia đình cậu xuống gondola đi tiếp, thì Aschenbach nấp sau mái một cái giếng nước, đợi họ lên thuyền rời khỏi bờ rồi cũng xuống bến gọi gondola. Ông hạ giọng hấp tấp bảo người chèo thuyền kín đáo bơi cách một quãng theo sau chiếc thuyền vừa rẽ vào khúc ngoặt đằng kia và hứa sẽ thưởng công cho y hậu hĩnh; rồi lại rùng mình ghê sợ khi gã lái thuyền, với sự sốt sắng ma lanh của kẻ quen chụp giựt, cũng hạ giọng thầm thì bảo đảm rằng ông sẽ được toại nguyện, rằng y sẽ tận tâm phục vụ ông. Ngả lưng trên lớp đệm đen êm ái, ông tròng trành lướt theo sau chiếc thuyền đen mũi nhọn hoắt kia, bị nỗi đam mê trói chặt vào vệt nước phía sau đuôi nó. thỉnh thoảng chiếc thuyền kia mất hút, và lòng ông thấp thỏm đớn đau tuyệt vọng. Nhưng gã lái thuyền, có vẻ như rất nhiều kinh nghiệm với những hành khách loại này, luôn biết cách luồn lách nhanh nhẹn hoặc rút ngắn đường để lại bắt kịp đối tượng theo đuổi của ông khách. Không khí oi ả nặng mùi nước kênh, mặt trời thiêu đốt qua làn hơi bốc lên nhuộm nền trời thành màu xám xịt. Sóng vỗ óc ách vào gỗ đá. Tiếng gọi của gã chèo thuyền, nửa báo hiệu, nửa chào hỏi, được đáp lại từ xa xăm trong cái tĩnh lặng của mê cung hư theo một thỏa thuận ngầm nào đó. Từ những mảnh vườn nhỏ trên cao, những chùm hoa màu trắng và màu huyết dụ thơm mùi hạnh nhân rủ lòng thòng xuống những bức tường lở lói. Những khung cửa sổ trang trí kiểu Ả Rập in bóng dưới mặt nước đục lờ. Những bậc đá hoaé cương của một thánh đường ăn sâu xuống dưới nước; trên đó có một gã ăn mày ngồi co ro kể khổ, ngửa mũ xin tiền, phô lòng trắng con người giả bộ mù lòa; một tay buôn đồ cổ đứng trước gian hàng xập xệ xun xoe mời khách vãng lai ghé lại để mà lừa gạt họ. Đó là Venice, thành phố với vẻ đẹp phỉnh phờ khả nghi, nửa thần thoại, nửa cạm bẫy, mà trong bầu không khí ngột ngạt của nó đã có một thời nghệ thuật đua hau nở rộ thừa mứa trên mọi lĩnh vực, gợi cảm hứng cho người nhạc sĩ (1) tạo ra những âm thanh huyền ảo ru ngủ và khêu gợi hồn người. Kẻ phiêu lưu cảm thấy mắt mình như đắm chìm trong cảnh phồn vinh thuở nào, tai mình như mê mẩn giai điệu du dương dạo nọ; nhưng ông vẫn không quên thành phố đang nhiễm dịch và nó che giấu sự thật chỉ vì lòng hám lợi, rồi ông lại ghé mắt đắm đuối dõi theo chiếc gondola phía trước. Và như thế, kẻ mất hồn không biết và cũng không cần biết đến điều gì khác ngoài đối tượng say mê của mình, liên tục thoe đuổi ý trung nhân, nếu không gặp mặt thì tương tư mong nhớ; và, như mọi kẻ đang yêu, ông thầm thì những lời âu yếm trao gửi cả cái bóng người trong mộng. Nỗi cô đơn, cảnh xa lạ và niềm hạnh phúc do cơn mê say muộn màng sâu đậm đã khích lệ ông, làm cho ông trở nên liều lĩnh quên cả ngại ngùng, không đỏ mặt trước những hành vi kỳ cục nhất, như một lần mới đây, đi chơi đêm ở Venice về muộn, ông dừng lại bên cửa phòng cậu bé xinh đẹp nơi lầu hai, say sưa tựa đầu vào cánh cửa một lúc lâu không muốn rời xa, bất kể nguy cơ bị bắt quả tang hay chạm trán ai trong hoàn cảnh điên rồ như vậy. Nhưng cũng không thiếu những giây phút ông giật mình tỉnh trí phần nào. Ta sa chân vào con đường nào đây! Ông hoang mang tự nhủ. Ta đã sa ngã đến thế này ư! Như tất cả những người quý tộc trọng truyền thống gia đình, ông có thói quen mỗi khi đạt được một thành tựu lớn trong đời lại tưởng nhớ tới tổ tiên, hình dung ra những con người khả kính ấy tỏ ý đồng tình, mãn nguyện và trân trọng thành công của mình. Lúc này và tại đây, khi đang vướng vào một điều bất chính, đắm chìm trong một tình cảm trụy lạc khác thường, ông cũng phải nghĩ đến tiền nhân, nghĩ đến nền nếp khắt khe, tư cách đứng đắn của họ mà mỉm cười buồn bã. Họ sẽ nói gì nhỉ? Nhưng mà, họ có thể nói gì được về cả cuộc đời ông, theo cách nghĩ của họ chỉ là một cuộc đời thoái sa đọa, một cuộc đời đi theo tiếng gọi của nghệ thuật! Đã có thời chính ông, nhiễm tư tưởng thị dân của cha ông mình, cũng từng lên tiếng nhạo báng lối sống ấy với luận điệu của đứa trẻ miệng còn hơi sữa; nhưng xét cho cùng thì nó nào có khác gì cuộc đời của các vị tiền bối! Ông cũng đã dốc sức mình ra phụng sự một sự nghiệp, ông cũng phải khổ công rèn luyện bản thân; chính ông cũng là một người lính, một chiến binh như vài người trong số họ - vì nghệ thuật cũng là một trận chiến, một cuộc đấu tranh khốc liệt mà ngày nay không ai có thể đương đầu được dài lâu. Một cuộc đời phải không ngừng vươn lên tự chiến thắng bản thân và đấu tranh không khoan nhượng, một nếp sống khắc khổ, mực thước và chay tịnh mà ông đã đưa lên thành biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng lãng mạn trong thời đại ngày nay - chắc hẳn ông có quyền coi cuộc đời ấy là đầy nam tính, là dũng cảm, và ông có cảm tưởng rằng thần ái tình Eros, kẻ đang chế ngự toàn bộ con người ông, cũng đặc biệt ưu ái và tán thưởng một cuộc đời như vậy. Chẳng phải đã có thời Eros từng chiếm địa vị tột đỉnh trong đời sống tinh thần bao nhiêu dân tộc dũng mãnh nhất, chính thế, chẳng phải cho tới bây giờ vẫn lưu truyền, do lòng dũng cảm mà Eros đã được tôn thờ khắp nơi ở các đô thị phồn vinh đó hay sao? Vô số các vị anh hùng thời cổ đại đã tình nguyện tròng lên cổ cái ách của thần ái tình, vì những gì vị thần này áp đặt không hề bị coi là điều sỉ nhục, và những hành vị nếu nhằm phục vụ cho mục đích khác hẳn đã bị người đời dè bỉu như là những biểu hiện đớn hèn: quỳ gối, thề thốt, van xin, nai lưng làm nô lệ, những hành vi ấy không những không làm mất danh dự kẻ đang yêu, mà ngược lại còn đem đến cho y nhiều khen ngợi. Những lý lẽ của kẻ si mê cứ đi theo chiều hướng ấy, ông tìm mọi cách chống chế cho hành vi của mình hòng bảo tồn phẩm giá. Nhưng đồng thời ông không thể cưỡng lại ham muốn tò mò và dai dẳng nhắm vào những diễn biến ám muội trong lòng Venice, để cuộc phiêu lưu của thế giới bên ngoài âm thầm hòa trộn với bí mật của trái tim ông và nuôi dưỡng nỗi đam mê của ông bằng những hy vọng mơ hồ bất chính. Nhất định muốn biết những thông tin mới đáng tin cậy về tình hình tiến triển của nạn dịch, ông vào các quán cà phê lục lọi tìm báo chí xuất bản ở quê nhà, vì những tờ báo này đã biến mất không còn thấy tăm hơi trong đại sảnh khách sạn nơi ông ở. Xác nhận rồi cải chính cứ thay phiên nhau xuất hiện trên mặt báo. Số lượng người mắc bệnh và tử vong được nêu ra là hai mươi, bốn mươi người, thậm chí cả trăm người và hơn thế nữa, nhưng liền sau đó, nếu họ không phủ nhận hoàn toàn sự xuất hiện bệnh dịch thì cũng chỉ coi đó là những trường hợp cá biệt, do nhiễm bệnh từ bên ngoài đưa vào mà thôi. Những tiếng nói cảnh báo và hô hào phản đối trò chơi nguy hiểm của giới chức trách phương Nam chỉ vang lên lẻ tẻ. Không thể rút ra được điều gì chắc chắn. Tuy kẻ cô độc rất biết mình được tham gia chia sẻ cái bí mật kia, nhưng là người ngoài cuộc, ông tìm thấy thú tiêu khiển độc ác bằng cách đặt câu hỏi gài bẫy những người biết chuyện mà phải ngậm miệng làm thinh, và buộc họ đi tới chỗ nói dối một cách trắng trợn. Một bữa, trong lúc điểm tâm ở phòng ăn lớn, Aschenbach lên tiếng chất vấn viên quản lý khách sạn, khi con người thấp bé, tác phong nhỏ nhẹ, chuyên mặc áo lễ phục kiểu Pháp đi qua đi lại chào hỏi coi sóc thực khách và dừng chân bên bàn ông tán dóc đôi câu. Tại sao, ông khách làm bộ tình cờ hỏi giọng thản nhiên, vì duyên cớ gì mà ít lâu nay người ta phải tẩy trùng ở Venice? - "Đó là một biện pháp của cảnh sát", con người nhũn nhặn kia trả lời, " chắc chắn vì trách nhiệm lo cho sức khỏe cộng đồng mà họ đã áp dụng sớm để ngăn chận những ảnh hưởng độc hại có thể có của tiết trời nóng nực quá mức đó thôi". - "Việc làm ấy của cảnh sát thật đáng khen ngợi", Aschenbach đáp lại, và sau khi trao đổi vài lời nhận xét về thời tiết khí hậu, viên quản lý rút lui. Cùng ngày hôm ấy, sau bữa ăn tối, có một gánh hát rong nhỏ từ thành phố sang trình diễn trong khoảnh vườn trước khách sạn. Cả đám, hai người đàn ông và hai người đàn bà, đứng bên cây cột đèn sắt đầu uốn cong hình cánh cung, những gương mặt được ánh đèn rọi sáng trắng hướng cả lên khoảng sân nổi lớn, nơi khách trọ vừa ngồi uống cà phê và nước giải khát lạnh vừa khoan khoái thưởng thức buổi trình diễn dân dã. Người làm trong khách sạn, các tay giữ thang máy, bồi bàn, nhân viên văn phòng, ngấp nghé bên mấy cánh cửa thông vào đại sảnh lắng nghe. Gia đình người Nga, hăng hái trong việc tận hưởng, mang ghế mây xuống đặt tận dưới vườn để được nhìn gần các nghệ sĩ, và ngồi thoải mái thành một vòng bán nguyệt ở đó. lấp ló sau lưng chủ là bà đầy tớ già đầu đôi khăn như chiếc tuyban. Đàn măngđôlin, đàn ghita, kèn ácmônica và một cây vĩ cầm réo rắt lên tiếng dưới tay đám hát dạo lành nghề. Những bài hát tiếp nối những bản nhạc không lời; có lúc người đàn bà trẻ hơn hòa giọng hát the thé chói tai với giọng nam cao ngọt ngào của một trong hai người đàn ông mà hát song ca một bản nhạc tình tha thiết. Nhưng tài năng chính và đầu lĩnh của cả nhóm rõ ràng là người đàn ông kia, chủ cây đàn ghita, đóng vai trò anh hề sân khấu với giọng ca trầm tràn, hát rất ít nhưng có tài diễn xuất tuyệt vời thể hiện qua nét mặt sinh động và khiếu hài hước thật là đáng nể. Y thường tách riêng ra khỏi nhóm, nhạc cụ cồng kềnh ôm trên tay, nhảy lên bục làm trò và thu được nhiều trận cười tán thưởng. Nhất là những người Nga ngồi phía trước, họ tỏ ra đặc biệt khoái chí trước phong cách tự nhiên dça85c sệt phương Nam của y và ra sức cổ vũ y bằng những tràng vỗ tay reo hò, khiến y biểu diễn mỗi lúc một táo bạo và tự tin hơn. Aschenbach ngồi cạnh lan can, chốc chốc lại nhấp môi thấm giọng bằng món đồ uống làm từ nước lựu ép pha soda màu đỏ rực đựng trong cái ly thủy tinh đặt trước mặt. Thần kinh ông háo hức thu nạp những âm thanh cò cử, những giai điệu sướt mướt ủ ê, bởi đắm say đã làm tê liệt các giác quan, khiến ông hết kén chọn, để cho mình thực sự bị cuốn hút theo những điều mà khi tỉnh táo ông chỉ tiếp nhận với một thái độ trào phúng hoặc khước từ một cách ác cảm. Mặt ông co rút đến phát đau vì cười không dứt trước những màn biểu diễn của gã hề. Ông ngồi đó bề ngoài thư thái, trong lúc thâm tâm căng thẳng tập trung cao độ, vì cách chỗ ông sáu bước chân, Tadzio đang đứng dựa người vào thành lan can bằng đá. Cậu bé đứng đấy trong bộ đồ màu trắng có đai lưng mà thỉnh thoảng cậu mặc đi ăn tối, với vẻ duyên dáng thiên phú cố hữu, cánh tay trái tựa lên lan can, chân bắt chéo, bàn tay phải chống lên hông, và nhìn xuống gánh hát rong với vẻ mặt không hẳn tươi cười, chỉ thoáng chút tò mò, quan tâm một cách lịch sử. Thỉnh thoảng cậu vươn vai đứng thẳng lên, và bằng một cử chỉ ngoạn mục vừa ưỡn ngực vừa đưa tay kéo vạt áo trắng dưới dây thắt lưng da lại cho ngay ngắn. Nhưng cũng thỉnh thoảng, cậu bé quay đầu sang vai trái nhìn về phía ý trung nhân, khi thì ngập ngừng ý tứ khi lại đột ngột bất ngờ như muốn bắt quả tang, những lúc ấy người đàn ông luống tuổi vừa thấy đắc thắng, tâm trí quay cuồng nửa tỉnh nửa say lại vừa bàng hoàng kinh hãi. Cậu không bắt gặp cặp mắt người tình, vì một nỗi lo sợ đớn hèn buộc kẻ cuồng si e dè kiềm chế ánh mắt mình. Phía sau, cũng ngồi cả trên sân, là những người phụ nữ ráo riết anh chừng Tadzio, và sự thể đã đi xa đến mức kẻ si mê sợ rằng mình có thể trở nên quá lộ liễu khiến người ta nghi ngại. Thật vậy, ông đã nhiều lần sượng trân cả người những khi Tadzio quanh quẩn gần ông ngoài bãi biển, trong đại sảnh khách sạn và trên quảng trường nhỏ Piazza ở San Marco thì bị người nhà gọi giật về, có ý tách cậu xa ra không cho lại gần ông - ông cảm thấy bị sỉ nhục kinh khủng, lòng tự ái của ông quằn quại trong một nỗi đau chưa bao giờ biết tới, mà lương tâm không cho phép ông nhắm mắt bỏ qua. Trong lúc ấy người chơi ghita đã bắt đầu vừa tự đệm đàn vừa hát một bài ca nhiều đoạn đang rất thịnh hành trên khắp nước Ý, mỗi khi tới điệp khúc thì cả nhóm lại hòa giọng hát đồng ca và tấu lên tất cả các nhạc cụ. Y biết cách thể hiện bài hát rất sinh động và đầy kịch tính. Dáng dấp gầy gò và mặt mũi hốc hác cằn cõi, y đứng trên nền đất trải sỏi tách riêng khỏi cả nhóm, chiếc mũ dạ tồi tàn hất ra sau gáy để một mớ tóc đỏ bù xù thò ra dưới vành mũ, điệu bộ nghênh ngang đầy khiêu khích, ném lên trên khán giả những lời bông lơn trong tiếng đàn bập bùng và tiếng hát trầm đục, sự gắng sức làm những mạch máu trên trán y nổi vồng lên. Có vẻ như y không phải người Venice, mà giống những tay hề xứ Naples hơn, nửa ma cô, nửa diễn viên hài, thô bạo và liều lĩnh, vừa nguy hiểm vừa vui nhộn. Bài hát của y, lời lẻ ngô nghê nhưng qua miệng y, qua nét mặt linh hoạt, qua những điệu bộ múa may, qua cái cách y đá lông nheo và đưa đầu lưỡi trơn tuột liếm mép bỗng trở nên nước đôi, tiếu lâm một cách tục tĩu. Từ cặp ve mềm của chiếc áo thể thao mà y mặc chung với bộ độ vét mọc lên cần cổ gầy guộc có cục yết hầu đặc biệt to, nổi lên trần trụi. Y có cái mũi hếch ngắn ngủn trên khuôn mặt tai tái râu ria nhẵn nhụi khó đoán tuổi, cày sâu những nếp nhăn phóng đãng, và ăn khớp lạ lùng với nét mặt nhăn nhó theo cử động của cái miệng giảo hoạt là hai nếp nhăn, ương ngạnh, ngạo mạn, gần như hung tợn hằn giữa cặp chân mày hung đỏ. Tuy nhiên vị khán giả cô độc đặc biệt lưu ý đến y còn vì ông nhận ra, nhân vật đáng ngờ này dường như kéo theo mình cả một bầu không khí đáng ngờ. Bởi vì mỗi khi đến đoạn điệp khúc ca sĩ lại lượn một vòng xung quanh pha trò và bắt tay khán giả và những lúc y đi sát qua dưới chỗ Aschenbach ngồi thì từ quần áo thân thể y tỏa ra một luồng phenol nồng nặc bốc lên tận trên sân. Sau khi chấm dứt bài hát giễu y bắt đầu đi thu tiền. Trước ti6n y lại chỗ đám người Nga và được họ nhanh nhảu cho ngay, sau đó y leo mấy bậc tam cấp lên khoảng sân nổi. Lúc hát y ngang tàng hùng hổ bao nhiêu thì ở trên sân y lại nhũn nhặn khúm núm bấy nhiêu. Vừa khom lưng nhún gối cúi chào vừa lần đi giữa các bàn, y không ngừng nở một nụ cười nham hiểm cầu tài để lộ hàm răng chắc khỏe, trong khi hai nếp nhăn vẫn hằn sâu đầy hăm dọa giữa cặp lông mày đỏ. Người ta tò mò nhìn ngắm sinh linh lạ lùng ấy đi thu tiền độ nhật với một thái độ hiếu kỳ xen lẫn ghê tởm, họ nhón tay thả tiền vào chiếc mũ dạ và cố tránh không chạm vào người y. Khi không còn một khoảng cách nhất định giữa kẻ xướng ca vô loài và người thị dân khả kính, thì dù sự vui thích có lớn đến đâu chăng nữa, người ta cũng vẫn có cảm giác sượng sùng khó xử. Y cảm nhận được điều đó và tìm cách xoa dịu bằng thái độ xun xoe. Rồi y đến chỗ Aschenbach mang theo mùi thuốc sát trùng nồng nặc mà quanh đấy có vẻ như không ai quan tâm đến. "Nghe này!" người khách cô độc hạ giọng hỏi gần như máy móc. "Người ta tẩy uế khắp nơi ở Venice. Tại sao thế?" Gã kép hề đáp bằng giọng khàn khàn: "Theo lệnh cảnh sát ạ! Đó là quy định, thưa ngài, khi trời nóng nực thế này và lại có gió scirocco nữa. Gió scirocco độc lắm, rất có hại cho sức khỏe..." Y nói như thể ngạc nhiên sao lại có người hỏi lẩn thẩn như vậy, và đưa lòng bàn tay đè xuống diễn tả sự ngột ngạt của gió scirocco. " Thế tức là không phải Venice mắc dịch?" Aschenbach hỏi rất khẽ qua kẽ răng. - Những thớ thịt trên mặt gã nhà trò chuyển thành một nụ cười nhăn nhở ngơ ngác một cách cường điệu. "Mắc dịch ấy ạ? Nhưng mà dịch gì? Gió scirocco mắc dịch? Hay là cảnh sát mắc dịch? Ngài thật vui tính quá. Mắc dịch! Lại còn thế nữa! Chỉ là một biện pháp phòng ngừa thôi, xin ngài hiểu cho! Một chỉ thị của cảnh sát nhằm đối phó với tác động của thời tiết nóng ẩm..." Y vừa nói vừa hoa tay múa chân. "Thôi được rồi", Aschenbach hạ giọng nói cụt ngủn và nhanh tay thả một khoản tiền lớn khác thường vào cái mũ. Rồi ông đưa mắt làm hiệu bảo y đi. Gã hề hớn hở tuân lệnh và lom khom lui ra; nhưng chưa kịp tới bậc tam cấp y đã bị hai nhân viên khách sạn ào tới kèm chặt hai bên, ghé sát vào mặt y mà thì thầm căn vặn. Người ta thấy y nghún vai, y quả quyết, y thề thốt đã giữ mồm giữ miệng. Được thả ra y bước xuống dưới vườn, và sau khi trao đổi vài câu với đồng bọn dưới cây cột đèn hình cánh cung, y lại bước ra phía trước để hát một bài cuối cùng có tính chất cảm tạ và giã từ khán giả. Đó là một bài hát mà kẻ cô độc không nhớ mình đã từng bao giờ được nghe; một bài hát thuộc thể loại bình dân có thể coi là càn rỡ, được hát bằng một thổ âm không ai hiểu và có đoạn điệp khúc chỉ toàn tiếng cười, những lúc ấy cả băng lại đồng thanh gân cổ rống lên cười ha hả. Khi ấy không còn nghe lời ca hay tiếng nhạc đệm, chỉ còn tràng cười nhịp nhàng theo một làn điệu nhất định nhưng rất sinh động và tự nhiên. Đặc biệt người lĩnh xướng rất biết thể hiện năng khiếu của mình ra thành tiếng cười như thật. Sau khi phục hồi khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả y lập tức lấy lại thái độ tự tin táo tợn lúc trước, và tiếng cười giả bộ mà y hỗn xược gửi lên trên sân là tiếng cười nhạo báng. Gần đến cuối đoạn lĩnh xướng y đã phải ráng hết sức để khỏi phá ra cười. Y nấc lên, giọng y lạc đi, một tay bịt miệng, so vai rụt cổ, và đến đúng lúc thì tiếng cười bất trị buột ra hô hố như từ ruột từ gan, thật đến nỗi lây lan truyền sang khán giả, khiến trên sân tự nhiên cũng tràn ngập một nỗi vui tươi vô hình vô cớ. Điều đó làm cho ca sĩ lại càng thêm phần cao hứng. Y quỳ gối, y vỗ đùi, giữ chặt mạng sườn, người lắc lư như cái hũ sắp đổ, y không còn cười nữa, y ré lên; ngón tay y chỉ lên sân như thể không có gì tức cười hơn đám người ngồi trên đó, và cuối cùng tất cả đều lăn ra cười ngặt nghẽo, dưới vườn, trên sân, cả đến đám bồi bàn, tay gác thang máy và những người giúp việc thập thò sau cánh cửa. Aschenbach không còn ngả người trong ghế, ông ngồi căng thẳng như để sẵn sàng tự vệ hay tìm đường tẩu thoát. Nhưng tiếng cười, cái mùi bệnh viện và sự gần gũi với cậu bé xinh đẹp hợp nhau đan thành cái lưới u mê không có lối ra, không thể xé rách, bủa vây lấy tâm trí và giác quan ông. Nhân lúc xung quanh tưng bừng nhộn nhịp ông đánh bạo nhìn về phía Tadzio, và cảm động nhận ra cậu bé xinh đẹp khi đáp lại ánh mắt ông cũng rất nghiêm trang, như thể cậu rập khuôn theo thái độ và nét mặt ông, như thể cái tâm trạng chung không thể ảnh hưởng gì đến cậu, vì chính ông không tham dự vào cái vui vẻ ồn ào đó. Cử chỉ phục tùng rất đỗi thơ ngây và thân mật, có cái gì đó vô cùng chinh phục, làm xiêu lòng người, khiến người đàn ông tóc hoa râm phải cố hết sức mới không úp mặt vào hai bàn tay thổn thức. Ông cũng có cảm tưởng động tác lúc lúc lại vươn vai ưỡn ngực của Tadzio dường như để trút ra hơi thở dài bị nghẽn trong buồng phổi. " Em bé yếu sức khỏe, sợ rằng em chẳng thọ lâu", ông lại tự nhủ với một thái độ tỉnh táo lạ lùng đôi khi như thoát ra ngoài mọi đắm say và khao khát, rồi đồng thời mối quan tâm trong sáng lại hòa lẫn với một cảm giác thỏa mãn trụy lạc dâng lên tràn ngập trái tim ông. Trong khi đó đám hát dạo từ Venice sang đã kết thúc buổi biểu diễn và lục tục ra về. Tiếng vỗ tay kéo dài tiễn chân họ, và gã đầu lĩnh không bỏ lỡ cơ hội phá quấy cho cảnh rút lui được xôm trò. Y cúi chào kiểu cung đình, y hôn gió về phía khán giả, được người ta cười y lại càng đua hơn lên. Khi đồng bọn đã ra tới ngoài y lại còn làm bộ đi giật lùi đụng phải một cây cột đèn, và đau đớn gập người lê chân về phía cổng. ra tới đó y đột nhiên vứt bỏ cái mặt nạ kẻ ngu ngơ bất hạnh, đứng thẳng lưng, phải gọi là dẻo dai đứng phắt dậy, hỗn xược le lưỡi nhạo đám khách khứa trên sân rồi mới lẩn đi khuất dạng vào bóng tối. Khách trọ tản đi hết; Tadzio đã từ lâu không còn đứng bên lan can. Nhưng kẻ cô độc vẫn ngồi lại thật lâu với ly nước lựu chưa cạn trên bàn, mặc cho mấy người bồi tỏ ra trái ý. Đêm mỗi lúc một khuya, thời gian như tan biến. Từ nhiều năm trước, trong ngôi nhà của song thân ông có một chiếc đồng hồ cát - tự dưng bây giờ ông lại thấy cái dụng cụ mỏng manh đầy ý nghĩa ấy hiện ra trước mắt mình. Nhẹ nhàng không một tiếng động, những hạt cát nhuộm màu gỉ sét chảy thành dòng thật nhuyễn qua cổ thủy tinh thắt hẹp, và vì cát ở bình trên đã gần cạn hết, nên chỗ đó hình thành một vòng xoáy nhỏ cuộn nhanh. Ngay chiều hôm sau kẻ cứng đầu dấn thêm một bước mới vào vòng cám dỗ của thế giới bên ngoài, và lần này ông thu được thành công mỹ mãn. Sự việc diễn ra trong một văn phòng du lịch Anh ở quảng trường San Marco, ông bước vào đó đổi một ít tiền lẻ ở quầy thu ngân, rồi với vẻ mặt một du khách đang băn khoăn ngờ vực, ông đưa cái câu hỏi chết người của mình ra chất vấn tay nhân viên phục vụ ở đó. Đây là một người Anh còn trẻ, mặc bộ đồ len, tóc chải ngôi giữa, hai con mắt đứng gần nhau, cả người anh ta toát ra một vẻ thật thà trung hậu lạ lùng, rất hiếm thấy ở cái xứ miền Nam giảo hoạt và ranh ma này. Anh ta mở đầu: "Không có gì đáng lo ngại đâu, thưa ngài. Chỉ là một biện pháp thông thường mà thôi. Người ta vẫn phải ra những chỉ thị như vậy để đề phòng tác hại đối với sức khỏe do thời tiết nóng bức và gió scirocco...". Nhưng đôi mắt xanh lơ của anh ta ngước lên chạm phải cái nhìn mệt mỏi hơi buồn bã của ông khách lạ, thoáng chút khinh thị, chăm chú hứng từng lời giải thích từ môi mình. Anh chàng người Anh đỏ mặt. "Thưa ngài", anh ta hạ giọng hơi xúc động nói tiếp, "đấy là tuyên bố chính thức của nhà chức trách mà dân chúng ở đây đồng tình hùa theo. Tôi sẽ nói để ngài rõ những điều còn được che giấu phía sau". Và rồi anh ta kể ra sự thật bằng cách nói chân phương dễ hiểu của mình. Từ nhiều năm nay bệnh thổ tả ở Ấn Độ vẫn có xu hướng bùng nổ và lan rộng. Bắt nguồn từ vùng đầm lầy nóng ẩm lưu vực sông Hằng, bốc lên cùng chướng khí ở vùng rừng rậm và cù lao hoang dã, đất đai phì nhiêu mà vô dụng, loài người tìm cách lánh xa, chỉ có hổ báo rình mò trong đám tre gai dày đặc, bệnh dịch đã hoàn thành đặc biệt dữ dội suốt một thời gian dài trên bán đảo Ấn, tràn sang Trung Hoa ở phía đông và Afghanistan cùng Ba Tư ở phía tây, rồi theo tuyến đường của những đoàn lữ hành xuyên lục địa mà gieo rắc nỗi kinh hoàng của nó tới tận Astrachan, thậm chí tới tận đô thành Moscow. Nhưng trong khi châu Âu run sợ tưởng đâu bóng ma ấy sẽ từ châu Á bằng đường bộ xâm nhập sang, thì, được đám con buôn người Syria tha vào qua đường biển, dịch tả đã xuất hiện gần như đồng thời ở nhiều hải cảng Địa Trung Hải, ngóc đầu dậy ở Toulon và Malaga, chường mặt ra ở Palermo và Apulia. Miền Bắc bán đảo Ý được coi là thoát nạn. Nhưng giữa tháng Năm này, nội trong vòng một ngày người ta đã tìm thấy khuẩn trùng đáng sợ trong tử thi đen sạm chỉ còn da bọc xương của một gã bồi tàu và một bà bán rau ở Venice. Phát hiện ấy được giữ kín. Tuy nhiên sau một tuần số ca bệnh tăng lên mười, hai mươi, ba mươi, đáng ngại là được phát hiện ở nhiều khu vực khác nhau. Một du khách người Áo sau mấy ngày chơi bời ở Venice khi trở về quê nhà đã chết với những triệu chứng không thể chối cãi, và như thế tin đồn đầu tiên về tai họa giáng xuống thành phố bên bờ vịnh bắt đầu loan ra trên các nhật báo tiếng Đức. Nhà chức trách ở Venice lên tiếng trả lời rằng tình hình y tế ở thành phố này tốt hơn bao giờ hết, và cho tiến thành những biện pháp đối phó cần thiết. Nhưng có lẽ thực phẩm đã bị nhiễm mầm bệnh. Rau, thịt hoặc là sữa, dù có tìm cách phủ nhận và giấu giếm thế nào chăng nữa, cũng đã tiếp tay cho thần chết hoành hành trong những ngõ ngách chật hẹp, và mùa hè đến sớm lại sưởi cho nước dưới kênh nóng lên hâm hấp tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng sinh sôi nảy nở. Mà có vẻ như bệnh dịch đang đạt tới một cao trào mới, có vẻ như sức đề kháng và khả năng sinh sản của tác nhân gây bệnh được gia tăng gấp đôi. Những trường hợp khỏi bệnh rất hãn hữu; cứ một trăm người mắc bệnh thì có đến tám mươi người mất mạng, mà chết một cách rất kinh hoàng, vì bệnh phát ra đặc biệt khốc liệt, thường mang những biểu hiện của hình thức nguy hiểm nhất gọi là "thổ tả khô". Khi đã mắc bệnh cơ thể không thể thải kịp lượng nước bị thấm ra rất nhiều từ các mạch máu. Trong vòng vài tiếng đồng hồ người bệnh bị mất nước khô queo, máu đặc lại như hắc ín, và nạn nhân chết ngạt giữa những cơn co giật và tiếng kêu rên. Thảng hoặc cũng có người may mắn, bệnh phát ra dưới dạng những cơn khó ở nhẹ, tiếp đó bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê mà thường là không bao giờ tỉnh lại nữa. Đầu tháng Sáu bệnh nhân âm thầm dồn về đầy nghẹt khu cách ly của Ospedale civico (2), cả hai cô nhi viện cũng bắt đầu thiếu chỗ, giữa bờ kè Bến Mới và San Michele, hòn đảo nghĩa trang, mật độ giao thông trở nên nhộn nhịp một cách rùng rợn. Nhưng nỗi lo sợ bị ảnh hưởng chung, sợ phương hại đến cuộc triển lãm tranh trong các công viên vừa mới khai mạc gần đây, những khoản thất thu khổng lồ đe dọa các khách sạn, các cơ sở thương mại và cả một mạng lưới dịch vụ du lịch trong trường hợp xảy ra hoảng loạn sẽ bị mang tiếng xấu, đối với thành phố này những điều đó tỏ ra nặng ký hơn sự thật và thái độ tôn trọng những thỏa ước quốc tề, đó là lý do thúc đẩy nhà cầm quyền ngon cố giữ vững chính sách im lặng và phủ nhận. Quan chức cao cấp nhất ngành y tế ở Venice, một người rất có công, đã phẫn nộ từ chức và được kín đáo thay thế bằng một nhân vật dễ bảo hơn. Dân chúng biết tỏng những điều ấy; và sự thối nát của tầng lớp trên cùng với tình hình bất an đang ngự trị trong thành phố, tình trạng khẩn cấp do cái chết cận kề đe dọa, đã dẫn tới một sự suy đồi dça5o đức nhất định ở tầng lớp dưới, khích lệ những khuynh hướng thấp hèn và phản xã hội, thể hiện qua sự hoang tàng quá mức, thái độ vô liêm sĩ và hành vi tội phạm gia tăng. Trái với lệ thường, tối tối người ta gặp rất nhiều kẻ say xỉn; nghe nói đám lưu manh hay giở trò càn quấy làm phố xá về đêm mất an ninh; cướp bóc và thậm chí án mạng xảy ra liên tục, có hai lần người ta khám phá ra rằng những người cứ tưởng là nạn nhân bệnh dịch té ra đã bị chính thân nhân của mình trừ khử bằng thuốc độc; giới buôn phấn bán hương gia tăng hoạt động một cách trơ trẽn, mức độ ấy trước nay chưa từng thấy ở đây mà chỉ có thể gặp ở miền Nam Ý và các xứ phương Đông. Cuối cùng anh chàng người Anh rút ra kết luận. "Tốt nhất", anh ta bảo, "ngài hãy rời khỏi đây ngay ngày hôm nay chứ đừng chần chừ để đến mai. Hai ba ngày nữa là cùng, thể nào cũng có lệnh phong tỏa vùng nhiễm dịch". - "Rất cảm ơn ông", nói rồi Aschenbach ra khỏi văn phòng.