Phần II

    
ề quê chừng được một tuần, tôi đi Tuy Hòa, thăm anh Dưỡng. Tuy rằng Tuy Hòa chỉ cách Tuy An có ba mươi cây số, nhưng đã bốn, năm năm rồi tôi chưa hề đi tới. Tôi bồi hồi nhìn nhà ga khá đồ sộ, dãy bungalow tươm tất, hai hàng phố chính kiến trúc theo kiểu cổ của người Trung Hoa, nghĩa là vừa thâm nghiêm vừa nặng nề. Dưỡng ở một cái nhà nhỏ ở bên chân núi Nhạn Tháp. Đó là nhà của mẹ vợ anh. Vợ anh buôn bán. Anh dạy lớp Nhất ở trường Bình Minh. Qua lời anh nói thì học trò rất mến anh vì anh dạy giỏi, phụ huynh mến anh vì học trò đi thi đỗ nhiều. Tóm lại, nghĩa là anh bằng lòng cái công việc của anh lắm. Tuy không nghe anh nói ra nhưng tôi cũng biết rằng anh bằng lòng cả cái vị trí hiện tại của anh lắm, vị trí làm rể một người đàn bà góa tần tảo đã đến ngày muốn nghỉ ngơi, vị trí làm chồng của người vợ đảm đang mà mẫu mực là bà mẹ siêng năng, vị trí làm cha một đứa con trai mặt giống mình. Nghỉ lại nhà anh một đêm, tôi thở được cái không khí bằng lòng đơn giản của cái gia đình nhỏ này. Cái gì cũng nho nhỏ, vừa phải, thanh đạm. Không ai muốn vươn cao lên một chút, không ai dám mơ tưởng xa thêm một tí. Tôi so sánh với những tình cảm cuồng nhiệt, mâu thuẫn, xâu xé, giằng co mà tôi sắp đem ra kể với anh. Tôi cố lùi lại cái giây phút mỏi mệt ấy. Khi biết rằng không thể lùi lại hơn, tôi bắt đầu:
- Chị Xuân thôi không học ở Đồng Khánh nữa?
- Về được ba tháng nay. Bác sĩ bảo yếu cần nghỉ thêm một thời gian.
- Ở nhà làm gì?
- Trông hàng cho mẹ.
- Ba chị có thay đổi ý kiến không?
Thấy Dưỡng có vẻ không hiểu ý tôi muốn nói, tôi phải giải thích rõ ràng hơn:
- Nghĩa là đối với việc Lý-Xuân ấy, ông hiện nay thế nào?
- Như xưa và chắc mãi mãi như xưa.
Anh hít một hơi thuốc lá rồi chậm rãi tiếp:
- Ông không có ác cảm với Lý. Lý hiền lành chí thú, hình như ông cũng thương. Mâu thuẫn bắt nguồn từ hai gia đình.
- Chúng ta đang nói chuyện về Roméo và Juliette rồi.
Thấy Dưỡng không nói tiếp, tôi lấy cái thư đưa cho anh.
- Đây là bức thư Lý nhờ anh đưa cho chị Xuân. Lát nữa đi dạy học, anh ghé tạt đưa dùm cho chị ấy.
Vì mãi mười giờ mới có chuyến tàu hỏa ra Chí Thạnh, nên Dưỡng cứ đi dạy, còn tôi ngồi ở bàn đọc sách đợi đến giờ ra ga. Chừng mười một giờ, thoáng có một bóng áo trắng đi vào. Một lát, vợ anh Dưỡng ra bảo tôi:
- Có chị Xuân muốn gặp anh.
Câu báo tin đã thay lời giới thiệu vì chị Xuân đứng liền sau lưng vợ anh Dưỡng. Tôi mời chị ngồi. Chị không ngồi mà đưa liền cho tôi bức thư của Lý viết cho chị, vừa bảo:
- Anh đọc dùm bức thư này, Lý nói có lạ không?
Tôi cầm lên xem. Đại để có những ý quan trọng:
“Em quên anh đi… Một khi không yêu nhau được, cản trở đủ đường thì đeo đuổi làm chi cho khổ cả hai, khổ cả gia đình… Nhất là bây giờ anh đã tàn tật…”
Không giấu được ngạc nhiên, tôi nói to lên:
- Tàn tật?
Chị hỏi lại liền:
- Anh Lý bị tàn tật thiệt hở anh?
Tôi ấp úng không biết trả lời sao. Thì bằng một giọng tin tưởng, giọng tin tưởng đặc biệt của những người yêu nhiệt thành muôn thuở, chị nói luôn:
- Tàn tật có nghĩa là gì đối với tôi? Tôi đâu có yêu Lý vì Lý không tàn tật?
Tôi nhẹ người vì chị đã khéo tránh cho tôi khỏi phải nói dối. Tôi cúi xuống đọc tiếp. Không biết có phải vì thư viết bằng bút chì khó đọc hay vì Lý bối rối hay vì chính tôi không bình tĩnh, nên tôi đọc mà không hiểu Lý dứt khoát muốn gì. Nhưng tôi cũng không bận tâm tìm hiểu thêm vì tôi biết đại để, những bức thư tình đều hay loanh quanh như thế. Ý của người viết không chắc đã phô diễn trung thành trong những chữ. Nhiều khi còn nên hiểu trái lại. Tôi quay sang chị:
- Ý chị thế nào?
Chị không đáp lại câu hỏi của tôi. Chị nhìn thẳng vào mặt tôi mà nói:
- Anh nên khuyên giùm Lý. Tôi biết Lý mến anh và nể anh. Anh nên khuyên giùm Lý.
Ánh sáng như đọng lại nhiều hơn ở mắt chị. Thì ra nước mắt đã lưng tròng. Tôi an ủi:
- Để tôi viết thư cho Lý thử xem.
- Tôi nhờ anh. Tôi chỉ biết nhờ anh.
Lúc ấy có tiếng còi tàu huýt lên. Tôi nhìn xuống đồng hồ thì vừa đúng lúc để tôi ra ga. Chị Xuân biết ý nên đứng dậy trước:
- Thôi anh ra ga kẻo trễ tàu. Tôi cám ơn anh và xin lỗi vì đã quấy rầy anh.
Viết thư khuyên Lý? Tôi không thể làm việc thừa ấy được, mặc dầu mỗi lần nghĩ đến chị Xuân là trí nhớ của tôi quy tụ về đôi mắt ứa lệ của chị. Lý đâu có ngây thơ để cần phải được khuyên? Tôi đâu có hiểu rõ hoàn cảnh, hoàn cảnh chủ quan và khách quan của Lý để mà khuyên Lý? Lời khuyên sẽ dễ làm giảm giá trị của người khuyên nếu nó làm không đúng lúc. Tôi bình tĩnh đợi sự giải quyết của người trong chuyện.
Một ngày kia, tôi nhận được một bức thư. Nét chữ mềm mại. Tôi hồi hộp mở ra, lật đọc dòng chót để tìm tên người viết. Chị Xuân. Đại ý cũng như bữa nọ chị nói với tôi, có tha thiết thêm là ở chỗ chị đã thêm mấy đêm suy nghĩ. Không phải chỉ mấy đêm ấy thôi, tôi biết, mà chị đã từng suy nghĩ hằng mấy trăm đêm về trước rồi, có điều chị không nhớ hết đấy thôi. Chị lại khẩn thiết nhờ tôi khuyên Lý. Lạ thật! Người nào cũng chủ quan thấy điều gì mình nghĩ cũng phải là đúng và buộc người khác phải làm y theo ý mình mới gọi là đúng. Tôi hơi bực mình, không biết làm sao để vừa giúp chị, đồng thời lại vừa khỏi mang tiếng là khờ trước mặt anh Lý. Khó hết sức.
Tôi đang loay hoay thì có tin anh đã đổi vào Sở Hiến binh Sài Gòn. Sài Gòn gần Tuy Hòa hơn Hà Nội, nên tôi cho như đó là một sự may mắn. Rồi bỗng một buổi sáng kia, anh lầm lũi đi vào nhà tôi.
- Kìa, anh Lý.
- Tôi vừa về, ghé sang thăm anh.
- Anh vẫn còn làm việc ở Sài Gòn?
- Vâng, còn. Tôi xin nghỉ một tháng.
- Thú nhỉ? Tha hồ nghỉ ngơi: Độ rày trông anh khá hơn những ngày ở Hà Nội.
Câu chuyện hàn huyên qua hết phần thủ tục, chuyển sang nội dung. Lý nói:
- Người Nhật họ không thực tình đối với ta.
- Điều đó tôi đã nói với anh ngay từ hồi chúng ta còn ở Hà Nội.
- Nhưng bây giờ tôi mới biết rõ ràng đích xác.
- Thế bây giờ anh tính sao?
- Khó quá.
Tôi không muốn anh tâm sự thêm nữa để khỏi phải góp những ý kiến về chính trị mà mình không biết chắc và mình không tin chắc là đúng. Nói chuyện với Lý, tôi không muốn dùng những câu xã giao thông thường hay những lối uyển từ nói nhiều và nói hăng hái để tựu trung không nói một cái gì hết. Tôi lái câu chuyện cho chuyển sang một khía cạnh nhẹ nhàng cởi mở hơn.
- Anh em thằng Nghĩa về Sa Đéc rồi?
- Về sau anh nửa tháng.
- Ồ! Thế mà tôi cứ tưởng chúng nó gan lì lắm.
- Tụi Hòe, Xoang cũng đều về quê hết. Hà Nội độ sau này vắng vẻ lắm, buồn lắm.
Nói chuyện chừng một giờ, anh chợt ngần ngừ hỏi nhỏ tôi.
- Cái chăn hôm nọ ở Hà Nội đem về, anh có còn giữ lại đó không?
Cái chăn? Tôi hiểu rồi. Đó là cái chăn dạ của Lý hôm đi tản cư tôi dùng để gói đồ đạc đem theo. Tôi trả lời:
- Còn đó.
- Anh cho tôi xin lại. Vài bữa nữa đám cưới mà thiếu cái chăn.
Tôi ngẩn ngơ:
- Đám cưới…
Lý nói lúng túng, có vẻ ngượng ngập:
- Đám cưới của chúng tôi.
Khi tiễn anh ra cổng, tôi cứ nghĩ mãi đến “đám cưới” và “cái chăn”. Oái oăm hết sức là hôm anh sang thăm tôi lại mặc bộ nỉ màu xanh rêu mà cách đây hai năm chính tôi đưa anh đến hiệu may Hàng Trống chọn hàng và đặt may cho anh. Cái cà-vạt màu xanh lục anh thắt khéo hòa hợp với màu áo. Tự nhiên tôi nhìn sang cái chăn dạ màu nâu đã cũ. Một chút nghẹn ngào dâng lên làm tôi hơi khó thở. Hạnh phúc một cuộc đời, cuộc đời của một người say mê khao khát, ôm ấp nhiều hy vọng và hứa hẹn nhiều triển vọng, hạnh phúc đó cuối cùng chịu bằng lòng xây dựng bên cạnh màu chăn dạ cũ kỹ kia sao?
Cảm tưởng của tôi đối với cuộc hôn nhân thành tựu này thật hết sức là lẫn lộn, mâu thuẫn. Vui không hoàn toàn, mừng rỡ không rõ ràng, có cái gì ngượng ngập ở đây. Tôi hỏi một vài người biết rõ nội vụ hơn hết để tin rằng việc cưới hỏi Lý nói với tôi hôm nọ là việc cưới hỏi của chính anh. Người ta đều xác nhận rằng cả hai gia đình đã bỏ mọi hiềm khích, đã hy sinh tự ái để hai người trẻ khỏi đau khổ. Mặc dù nghe rõ vậy nhưng sao tôi vẫn ngờ vực rằng sự thật sẽ không diễn ra êm đẹp dễ dàng như thế đâu, như kết cuộc của một phim chiếu bóng đâu. Cho đến khi có người láng giềng - người này là một người nhà quê biết gia đình Lý chớ không thương không ghét - kể cho tôi nghe đám rước dâu, tôi mới yên tâm mà tin. Ông ta nói rõ ràng:
- Họ gái đi ô-tô ở Tuy Hòa ra. Xuống Phố Thoại chuyển sang xe ngựa. Xe ngựa có cắm bông.
- Mấy cỗ xe ngựa?
- Bốn cỗ.
- Cắm bông gì?
- Đủ thứ: bông đào, đông điệp, bông giấy… Tôi thấy rõ ràng mà.
- Thì ai nói rằng ông không thấy? Kể tiếp đi.
- Họ gái mang giày cườm và cầm dù.
- Còn họ trai?
Ông hít một hơi thuốc lá rồi mơ màng tiếp:
- Còn thằng rể và con dâu bận áo rộng.
Đó là chi tiết mà tôi đã vô tình mong đợi.
Câu chuyện tình đã kết thúc một cách êm đẹp nên không còn ai nhắc đến nhân vật nữa. Người ta bỏ quên họ để chuẩn bị cho tâm trí vấn vương về những thắc mắc khác.
Sau nửa tháng, Lý đi Sài Gòn. Xuân ở nhà quê với mẹ chồng. Dù xa nhau nhưng chắc Xuân không buồn vì mẹ Lý tốt và các em của Lý đều tốt. Vả lại, chị còn đòi hỏi gì thêm khi trong suốt năm sáu năm thương yêu chị đã chỉ dám dự trù chia ly hơn là sum họp. Chắc Lý cũng nghĩ thế.
Sau đó, tôi nghe Lý được đổi về Nha Trang. Những người trong vùng trở lại nhắc đến Lý, nhưng lần này bằng một giọng thán phục. Số là lúc bấy giờ quân Nhật kiểm soát Đông Dương chặt chẽ hơn nên xe cộ của họ qua lại luôn. Lẽ tất nhiên Lý cùng đi với các sĩ quan Nhật, hoặc ghé lại Tuy Hòa, hoặc ghé lại Chí Thạnh, hai trung tâm thu nhặt tin tức về Lý.
Vụt đến ngày Nhật đảo chính, Lý hầu như thành nhân vật trong một thiên anh hùng ca cho cả vùng đó. Người ta truyền miệng cho nhau không biết bao nhiêu là truyền kỳ về Lý. Nào Lý bận binh phục có đeo gươm rất dài. Nào Lý đeo một hàng mề đay vàng rực cả ngực. Nào Lý đội một cái mũ nhung đỏ chói. Nào xe hơi của Lý đậu kít ở trước nhà người cô của Lý, một tên lính chạy ra mở cửa xe, Lý bước xuống lẫm liệt… đi vào.
Có người cả quyết rằng chính mình đã thấy Lý cầm gươm châm xuống đất, nói một tràng tiếng Nhật rồi trong năm phút, một đoàn tàu bay Nhật vù vù bay ra đảo lộn trên nền trời Tuy Hòa. Người khác bảo đảm là không phải tàu bay mà là một đoàn ô-tô nhà binh rầm rộ chạy ra, đậu suốt một dãy để đợi lệnh.
Có lẽ chỉ có mình tôi là hiểu nỗi khổ tâm của Lý thôi. Nhưng rồi tôi cũng lây cái vui, cái hào hứng của mọi người. Tôi thầm bảo mình:
- Dù sao, những giây phút này cũng đền bù một đôi phần những nỗi lao tâm khổ trí của Lý. Dù sao cũng vẫn còn hơn là lúc viết thư cho người yêu anh bảo hãy quên đi, quên đi vì mình đã thành người tàn tật.
Ngày khởi nghĩa, tôi đang ở Đà Lạt. Ở Đà Lạt không có việc cướp chính quyền mà chỉ là chuyển giao quyền hành chánh, nhưng nghe nói ở mấy tỉnh miền Trung châu, sự xung đột có xảy ra, nhiều nơi khá dữ dội. Tôi lo cho số phận của Lý. Khi cuộc chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ, ăn lan dần ra khắp miền Nam Việt Nam, tôi tản cư lận đận trên con đường Lâm Viên-Ninh Thuận. Thỉnh thoảng mỗi lần nghĩ đến thời cuộc là tôi nghĩ đến Lý, một nạn nhân tiêu biểu của thời cuộc, của thời đại.
Ngót một năm sau, khi về đến Phú Yên, tôi được nghe tin Lý vẫn còn an lành. Anh về nằm ở quê nhà. Tôi lựa một bữa rảnh rỗi ghé sang thăm. Hai vợ chồng tươi cười ra đón. Anh siết chặt tay tôi, còn chị thì miệng cười như hoa. Chị đẩy cái xe đan bằng mây, trong đó có cháu bé ngồi và dạy:
- Bé Thảo chào bác đi.
Tôi liền nói:
- “Xuân du phương thảo địa”. Con này chắc là Phương Thảo đây.
Chị đỏ mặt thẹn. Anh mời tôi ngồi. Những cử chỉ: rót nước, mời nước, gạt tàn thuốc, đứng dậy, ngồi xuống hơi chậm chạp. Có lẽ đó là di tích của chiến bại. Anh không kể lại những sự việc đã xảy ra, tưởng như tôi đã biết hết rồi, anh chỉ nói đến một cách rất đơn giản vài nét của cuộc sống đơn giản hiện tại của anh. Những sự việc đã xảy ra cho anh, tôi có nghe qua, chúng không khác mấy với những điều tôi đã dự tưởng.
Rốt cuộc, tôi cảm ơn số mệnh đã cho anh sống nguyên vẹn để về ở bên vợ con. Khi anh nói chuyện với tôi, cứ một lát anh lại giật mình vì cháu Thảo hoặc đứng chồm quá trước xe, hoặc ngồi xuống hơi nặng. Có lúc miệng anh vừa nói, mắt anh vừa nhìn tôi, mà tay giơ ngang bé Thảo như che chở.
Mùa đông năm 1948, tôi ghé lại một lần ở Tuy Hòa thăm anh. Lúc bấy giờ anh lãnh một chức nhỏ phụ giúp ở Ty Cứu tế Xã hội. Anh bảo tôi:
- Cứu giúp những người khổ, đó là cái việc rõ ràng khỏi phải cân nhắc lý luận lôi thôi. Tôi tiếc không đủ năng lực để làm một y sĩ. Kẻ thù của một y sĩ có lương tâm là bệnh tật, là chết chóc, là cái chân bị sâu quảng, cái nhọt bị nung mủ, khúc ruột thừa bị sưng. Ông ta cứ cắt, cứ mổ, cứ tiêm. Lương tâm để ông ngủ yên. Lương tâm, tôi có.
Tôi nhìn quanh cái gác trọ của anh. Cũng lại những đống quần áo mắc lên thành ghế, những chồng sách để bừa bãi dưới sàn gỗ và cái gạt tàn thuốc cố hữu. Đặt anh vào cái khung cảnh này như dễ trông hơn. Có lẽ vì quen mắt hơn. Tôi thấy tội nghiệp anh.
Mùa đông năm 1949, tôi vụt nghe tin anh chết. Tin hãi hùng, tôi nghe rõ ràng mà có cảm tưởng như mình nghe lầm. Trước đây nửa tháng, có tin anh đi thăm trại tế bần rồi bị sốt dọc đường. Anh gắng lội qua sông. Đến nơi, anh nằm vùi. Gia đình được báo tin đến võng anh về, chữa thuốc Bắc nhưng mãi không mạnh. Anh được võng đi nhà thương cho bác sĩ khám. Rồi không hiểu vì bác sĩ bảo bệnh đã quá nặng hay vì thiếu thuốc, anh lại được võng tới ông thầy thuốc Bắc có tiếng chữa bệnh thương hàn. Anh chết ngay tại nhà ông thầy.
Tôi đến thăm di hài anh. Những ngón tay cong lại trông rõ đốt xương. Tôi thân ái mở tấm giấy phủ mặt. Mắt anh nhắm nghiền. Da mặt xám sậm. Tôi nghe nóng nơi mắt mình. Tôi phủ lại tấm giấy. Trên bụng anh đắp ngang cái chăn, cái chăn dạ màu nâu.
Chị Xuân và cháu Thảo ở Tuy Hòa, chưa biết tin anh chết. Có lẽ chứng kiến ngay cái chết của anh, chị sẽ ít đau khổ hơn, vì chị khỏi bị người ta thương hại thêm. Tôi dự luôn cuộc đưa đám anh. Anh yên nghỉ ở khoảng đất đầu xóm. Ngày trước, mỗi lần đến thăm anh, tôi thản nhiên đi qua khoảnh đất này. Vì không lưu ý, tôi chỉ mang máng nhớ nơi đây có lá xanh, có cây phượng cao hoa đỏ, có vài con trâu gặm cỏ mơ màng. Đi vài trăm thước nữa thì tới nhà anh. Hôm nay, anh rời nhà, ra vĩnh viễn nằm nơi đây. Giã từ Huế, Sài Gòn, Hà Nội. Giã từ người yêu, kẻ thù, giã từ đau khổ, sự nghiệp, hạnh phúc…!
Chiến tranh tàn phá con đường ô-tô, sự đi lại hoàn toàn bằng đôi chân. Lâu lâu chị Xuân bế cháu hoặc từ Long Uyên (quê anh Lý) về Tuy Hòa (quê chị) hoặc từ Tuy Hòa ra Long Uyên. Vì con đường đi bộ ngang qua nhà tôi, nên không bao giờ chị quên ghé lại nghỉ chân. Cháu Thảo trắng mũm mĩm, giống ba ở cái miệng, giống má ở đôi mắt. Cháu bụ bẫm nhưng yếu, chậm biết đi, chậm biết nói. Tôi hay bế cháu vào lòng, siết cháu thật chặt. Mỗi lần làm như vậy, tôi có cảm tưởng như ngày nào siết chặt tay ba cháu. Có nhiều lần bế cháu đến nhà tôi là cháu đã ngủ khì trên tay chị. Chị đặt cháu xuống võng.
Tôi nhìn vẻ mặt ngây thơ của cháu, nhìn bàn chân thon của chị. Bao nhiêu là trách nhiệm nặng nề Lý đã giao lại cho chị. Một quá khứ nặng đau khổ chỉ được đền bù bằng bốn năm Hạnh phúc - mà nào có hoàn toàn, - để rồi bây giờ chị lại đau khổ, cái đau khổ còn nặng gấp mấy hồi xưa vì chỉ có mình chị chịu đựng. Nỗi khổ khi con người chung chịu, ta không thấy nặng nữa. Tội nghiệp cho chị, cô đơn biết bao! Không muốn chị buồn nên không bao giờ tôi nhắc đến Lý. Chị cũng vậy. Chị nói chuyện hồn nhiên như hồi xưa, thật thà như một người em. Có lần chị dạy cháu chào tôi:
- Thảo ngoan, vòng tay chào bác nào.
Bé Thảo vòng tay lại, nhưng không cúi đầu được. Chị khuyến khích:
- Thảo cúi đầu xuống đi, ngoan đi.
Bé Thảo cố gắng nghiêng được cái đầu một tí. Chị thân mật bảo tôi:
- Cháu thấy anh lạ nên nhút nhát đấy. Ở nhà, cháu ham tập nói lắm. Cứ chiều chiều, hai mẹ con dẫn nhau ra sau vườn nhà, nhìn ra cánh đồng xa. Hai mẹ con ở đó hàng giờ…
Chị thôi không nói nữa, mi mắt chớp mau. Chợt chị mỉm cười, “à” lên một tiếng như chợt nhớ ra. Chị bế Thảo rồi cầm tay chỉ ra sân, chị nói:
- À, Thảo hát cái bài hát “Chiều chiều” cho bác nghe nào. Nào:
- Cò ơi…
Bé Thảo bập bẹ:
- bay về…
- bay về…
- phương nao…
- phương nao…
Chị vỗ tay khen. Bé Thảo vỗ tay reo. Tôi cũng vỗ tay theo như một cái máy.
Cò ơi, bay về phương nao…
Câu hát không lẽ dứt ở đó. Tôi chắc chị đã tiếp thêm bằng một câu nữa, bằng vài câu nữa buồn hơn.
Chiến tranh mỗi năm một quyết liệt, việc làm ăn mỗi ngày một khó khăn. Chị mở một ngôi trường nhỏ dạy học nuôi con, nhưng vì Tuy Hòa bị báo động tản cư luôn nên sự dạy dỗ không kết quả mấy. Thỉnh thoảng trong những ngày hội nghị giáo dục tôi gặp chị, vẫn một màu áo trắng, đôi mắt dìu dịu, buồn buồn. Nhưng đôi môi vẫn tươi, nụ cười hiền lành kín đáo. Trên khuôn mặt đó có một vẻ gì khiến người ta muốn đến gần nhưng giữ người ta lại không cho đến gần quá.
Có lần, tôi nghe tin một số thanh niên có cảm tình với chị. Điều này tất nhiên phải xảy ra, tôi không lấy làm lạ. Các thanh niên ấy đều không phải là người địa phương. Điều này cũng dễ hiểu. Những người địa phương ai cũng biết mối tình thắm thiết giữa chị và anh Lý. Ít ai muốn, hoặc có can đảm, yêu một người khi người ấy là tượng trưng cho mối tình với một người khác. Ai cũng muốn hoàn toàn chiếm tâm hồn của người mình yêu. Người ta không chỉ ghen với một người thật, người ta còn ghen với một cái bóng, một kỷ niệm. Sau đó, tôi được nghe thêm những tin tương đối đích xác hơn về người đã yêu chị. Anh ta khẩn thiết xin cưới. Tôi bâng khuâng, hơi đau đớn một chút.
Rồi tiếp theo, chiến tranh kết liễu. Tôi giã từ Phú Yên.
Một ngày kia, giữa giờ dạy Hán văn, tôi giảng về chữ Xuân. Khi phân tích cách viết, tôi nhớ đến cái con dấu mà anh Lý hay dùng đóng vào ở mọi quyển sách của anh. Con dấu tròn khắc sáu chữ Nho:
Tam nhân nhật
Hoài cố nhân
Dù không hỏi Lý nhưng tôi biết chắc “Tam nhân nhật” là chữ Xuân phân tích ra. “Hoài cố nhân” thì ai cũng hiểu là “Nhớ người xưa”. Tôi bảo học sinh:
- Để dễ nhớ cách viết chữ Xuân, tôi kể nhanh cho các anh chị em nghe một mẩu chuyện này. Tôi có một người bạn. Anh ta quen một người tên Xuân. Để nhớ mãi người này, anh thuê khắc một con dấu trên ghi mấy chữ “Tam nhân nhật, Hoài cố nhân”. Anh đóng con dấu ấy vào mọi quyển sách của anh. Tam, nhân, nhật, ghép lại thành chữ Xuân…
Tôi lên bảng viết từng chữ đơn rồi ghép lại.
Học sinh, vì lớp lớn, lao nhao hỏi:
- Rồi sao nữa thầy?
Tôi cắt ngang câu chuyện bằng cách bảo:
- Anh bạn tôi chết rồi.
Mọi người tự nhiên im lặng.
Khi Lý chết. Tôi còn giữ một quyển sách nhỏ của Lý. Tôi không đưa trả lại cho gia đình Lý vì quyển sách mang đầy những con dấu “Tam nhân nhật, Hoài cố nhân”, tôi muốn giữ làm kỷ niệm của Lý, của cả chị Xuân nữa. Quyển sách ấy Lý mua hồi còn ở Hà Nội. Có lẽ lúc bấy giờ xa người yêu anh càng nhớ nhiều nên cứ cách mười trang là anh đóng một con dấu.
Tôi đâu có nhiều thì giờ để năng nhớ đến Lý. Chỉ thỉnh thoảng khi nào mở sách ra là lòng lại bồi hồi nhớ đến người bạn xưa.
Một hôm, tôi ghé lại thăm anh Lợi, một bạn cũ ở Tuy Hòa vào, vừa cất một cái nhà xinh ở xóm Đồng Dưa. Câu chuyện bắt đầu bằng sự xây cất nhà cửa. Với những chuyển mạch rất tự nhiên và vô tình, câu chuyện đưa về thành phố Tuy Hòa. Tôi vụt hỏi:
Chị Xuân bây giờ làm gì ngoài đó?
- Xuân nào?
- Xuân-Lý đấy.
Bạn tôi cười to:
- Anh này mê ngủ hả? Chị Xuân nào còn ở Tuy Hòa?
- Chớ đi đâu?
Thấy tôi nghiêm trang hỏi, anh thôi không mỉm cười chế nhạo nữa. Anh thân mật nói:
- Lấy chồng rồi. Lấy chồng năm 1953 rồi.
Tôi không cười được mà cũng không buồn được. Hình như tôi đã chuẩn bị từ lâu để nghe câu trả lời ấy.
Chớ sao? Cuộc đời cực nhọc trong khói lửa chiến tranh đâu phải là một dạ hội có rượu ngon, thuốc lá, âm nhạc, đối với những người đàn bà góa trẻ, đẹp, yếu, có học thức như chị? Không ai trách chị được, chị chỉ đáng thương mà thôi. Đáng thương nữa là Lý, tôi nghĩ tiếp, nhưng tôi kịp thấy tôi đã nghĩ sai. Lý không có gì để đau khổ. Anh đã chết rồi nghĩa là đã giải thoát rồi. Nếu tôi có một ý nghĩ đau đớn về anh, chung qui cũng chỉ vì cái con dấu với hàng chữ Nho kia. “Tam nhân nhật, Hoài cố nhân”
Số mệnh oái oăm sắp đặt để người hoài cố nhân không phải là anh mà là chị Xuân. Đáng lẽ chị Xuân mới là người đóng cái con dấu “hoài cố nhân” trên những trang sách của chị đọc.
Óc tôi như vụt lóe sáng vì tôi chợt thấy rằng chữ Lý tên của anh cũng có thể phân tích ra thành những đơn tự. Đó là: Thập bát tử. Tự nhiên tôi như thấy cái con dấu lồ lộ mấy chữ:
Thập bát tử
Hoài cố nhân
Nhưng than ôi, cũng lại số mệnh oái oăm đã cản tay chị Xuân không cho chị đóng con dấu ấy nữa. Chị có thể âm thầm nghĩ đến anh giữa hai cái mỉm cười với người hiện tại, nhưng nào chị có quyền ghi bằng một nét cụ thể trên trang giấy trắng.
Còn lại người thứ ba. Là tôi. Tôi không khắc một con dấu bằng đồng mà bằng câu chuyện tình nhỏ này. Ở một nơi xa xôi nào, nếu có vô tình chị đọc đến, chị cũng không nỡ trách tôi.

Xem Tiếp: ----