ình về có nhớ ta chăng? Ta về ta nhớ hàm răng mình cười (Ca dao) Biên bản hội đồng đánh làm năm bản, đặt trên bàn. Các giám khảo lần lượt ký vào chỗ trống trước tên mình. Tên các giám khảo xếp thẳng hàng, thản nhiên, vô nghĩa. Những họ Nguyễn, họ Trần lặp lại, những chữ lót Văn, Đình, Trọng, Đức… không “nói” một cái gì hết. Chữ chỉ tên cũng vậy. (Thật bất lực là những danh từ). Doãn nghĩ. Người đọc không biết nên tưởng tượng một vẻ mặt như thế nào cho thích ứng với một tên Cẩm Vân, tên Kính, tên Lệ Hoa. Doãn đặt bút ký xuống tập biên bản và chàng cảm nghe nỗi buồn nản của sự tàn tạ. Mười lăm ngày làm việc đã trôi qua. Sự hoạt động náo nhiệt rộn ràng đến nay đã kết thúc. Nhanh như vậy sao? Chừng như mới hôm qua hôm kia, chàng bước từ bụng phi cơ xuống đất, rồi chiếc vali nằm bên đùi chàng trên sàn một chiếc xe xích lô chạy phiêu lưu giữa thành phố. Những bất tiện trong việc ăn ở, những bất như ý trong khi làm việc, tất cả đứng trỗi dậy như những cây chông làm chàng bực mình, nhưng cuối cùng cũng được dàn xếp êm nhẹm xuôi chiều, do thói quen. Những khuôn mặt xa lạ, kín mít, nghi kỵ mỗi ngày một cởi mở hơn để biến thành bạn bè. Và khi cuộc sống trở nên dễ chịu thì chàng lại phải từ giã nó… Căn phòng họp hội đồng rộng thênh thang, bàn kê dài theo bốn cạnh của hình chữ nhật. Ngày đầu họp đông đủ, người ngồi phải chen nhau. Càng vào những ngày chót, số người dự càng vắng bớt. Cho đến hôm nay, khi hội đồng coi như đã làm xong nhiệm vụ, khi biên bản đã ký thì số giám khảo có mặt trong phòng họp quá đỗi rải rác. Người ta đến để ký biên bản, ký vào bản chiết tính số bài chấm, lấy giấy lộ trình. Có người đến tìm một khuôn mặt quen, nói vài câu chuyện bâng quơ để ngày mai lên tàu giã biệt. Đó đây từng nhóm giám khảo độ năm, bảy người tụ họp lại theo trung tâm để làm giấy chứng chỉ cho thí sinh đậu. Sự sống còn nhen nhúm thành từng ổ nhỏ như vậy qua tiếng rao tên họ, ngày và nơi sinh của người thí sinh may mắn. Sự sống còn biểu lộ bằng tiếng cười, bằng những tia mắt nhìn trao đổi, bởi ở mỗi nhóm như thế thường có một vài nữ giám khảo. Những chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký trung tâm làm việc khắc khổ hơn với những nét mặt đăm chiêu. Ông chánh chủ khảo đi đi lại lại, nghiêm khắc với mọi người và nghi ngờ mọi người Doãn bước sang phòng học bên cạnh, định dùng thì giờ rỗi để viết mấy cái thư cho bạn. Đi đến chỗ lạ, viết thư gởi bạn để phong bì thư mang dấu của nhà bưu điện địa phương, để người bạn ngồi tưởng tượng thấy một khung cảnh địa dư mới, chàng cho là không có gì thú vị bằng. Một số địa chỉ của bạn, chàng đã mang theo sẵn đó, nhất là địa chỉ của những người đàn bà mà vì lẽ này hay lẽ khác chàng đã không thể viết thư thường xuyên. Lần này chàng mượn cớ là vì đi xa mà có bức thư thăm hỏi, bức thư sẽ được nhận một cách tự nhiên, nối lại dây tình cảm bị buông lỏng, tô đậm một nét cảm tình còn quá mơ hồ. Viết thư cho đàn bà cũng như mua vé xổ số. đừng mong đợi thư trả lời của họ cũng như đừng mong mỏi ngày mở số. Có thể nó sẽ đến đúng ngày, có thể chậm đôi ba ngày, một tuần, một tháng, năm bảy tháng, cũng có thể không nhận gì hết. Nhưng mà lúc nào cũng nuôi một hy vọng sẽ nhận được thư và có những cái thư đến rất đỗi bất ngờ. Chàng nhớ lời của một cô bạn đồng nghiệp bảo, khi thấy chàng trao một xấp thư nhờ người tùy phái đi bỏ giùm: - Ông Doãn này, chắc ông viết thư hay lắm. - Chưa ai khen điều đó. - Nhưng tôi biết là ông viết thư phải hay. Tôi mong được đổi đi một tỉnh xa để được đọc thư của ông. Chàng không biết nên hiểu lời khen ấy như thế nào. Khen hay chê? Người đàn bà đẹp và thông minh bao giờ cũng nói khó hiểu. Lúc nào cũng muốn bắt người đàn ông loay hoay tìm đáp số về mình. Tươi cười vồn vã đó rồi nghiêm trang lạnh lùng đó, người đàn bà thật kỳ ảo trong việc bắt người đàn ông hồi hộp. Chàng nheo mắt nhìn giây lâu mà không nói. Quả tình một nụ cười nhỏ làm hé vành môi hồng nhạt và đôi mắt linh động ranh mãnh làm cho câu nói vừa rồi thêm duyên. Chàng đi lại bàn thầy giáo, ngồi xuống ghế, rồi mở cái cặp xách tay lấy giấy bút. Sau khi biên địa danh và ngày tháng, chàng không biết nên xưng hô như thế nào và không biết nên viết cho ai trước. Lạ nhỉ? Sao tự nhiên những người bạn gái và những người yêu của mình đó bỗng nhiên xa lạ với mình hết sức, và giờ này? Mặc dù nghĩ đến Duyên chàng thấy ngay đôi mày cong của nàng, đôi mắt mở rộng và đôi môi lúc nào cũng như chuẩn bị để làm dỗi. Trong thư chót nàng viết: “… thỉnh thoảng anh viết cho em ít dòng..”. Bây giờ có thể là một lúc “thỉnh thoảng” đây. Thốt nhiên, chàng nhớ kỹ đến mùi nước hoa đặc biệt của nàng thoang thoảng thoát ra từ đôi má láng mịn, từ chân tóc nâu nâu và một niềm xót xa như bấm mạnh vào một nơi nào đó của tim chàng. Với niềm đau và tình yêu pha lẫn, chàng định viết “Em Duyên” nhưng chàng nghĩ ngay đến người chồng của Duyên. Người đàn ông lớn tuổi, cam phận đó, như còng lưng thêm xuống mỗi lần thấy vợ mình đẹp và mỗi lần phải tiếp những người bạn cũ của vợ. Anh có mọi nhược điểm của một người chồng: xấu trai, ăn nói vô duyên và cũng những hai vợ. Chỉ có một ưu điểm: giàu. Anh biết Duyên đã yêu trước khi Duyên gặp anh. Anh cũng biết Duyên bằng lòng lấy anh vì anh trả lời đúng cho một hoàn cảnh chớ tuyệt nhiên không vì tình yêu. Doãn thấy thương hại con người đàn ông thành công nửa chừng đó. Đến đây, bổn phận - bổn phận của một người ngoại cuộc và tình yêu giằng co nhau trong khối óc của chàng. Và một sự bắt đầu có nhiều trở ngại nguyên nhân khiến cho khi nghĩ đến việc viết cho Ngọc Yến, chàng cũng lẩn thẩn nghĩ tiếp: “Liệu Ngọc Yến có còn nhớ mình không? Một thiếu nữ cỡ như nàng, ở ngay giữa Sài Gòn, đâu có rỗi thì giờ để ngồi mong một bức thư xa của mình. Nàng có nhiều mối tình. Không chừng thư mình đến nhằm vào lúc nàng đi ăn kem… Với người yêu ở đường Lê Lợi”. Chàng chuyển ý nghĩ sang Minh Tuyết, một cô bạn hiện ở Pháp. Người đàn bà tha hương này trong mọi bức thư đều nài chàng nhắc đến quê hương “ …Anh hãy tả cho Minh Tuyết nghe cây mận, cây ổi ở nhà anh đi. Tả cho thật tỷ mỷ, tả sao cho Minh Tuyết cảm nghe thèm thuồng mùi thơm của quả, cho Minh Tuyết tưởng như đang kề răng cắn và vị chua vị ngọt thắm tràn vào mọi vi thể của vị giác...” “ …Rằm tháng bảy anh được đi lễ chùa nhỉ, sướng quá. Anh lại còn nhớ gửi tặng Minh Tuyết một lá bồ đề. Minh Tuyết cám ơn lắm. Minh Tuyết nhớ nhà quá, nhớ từng con kênh, con rạch, từng tảng đá, bờ ruộng, con cò, dến một cái chòi giữ bắp ở một triền núi nào mà có một lần Minh Tuyết ngó thấy. Xa quê hơn mười năm rồi, bây giờ hình ảnh nào gợi lên, Minh Tuyết cũng thấy đẹp hết...” “ …Đôi guốc anh gởi sang, Minh Tuyết không mang đâu. Minh Tuyết đặt trên bàn để mà nhìn thôi. Rồi Minh Tuyết tưởng như nghe rộn rã bên tai tiếng guốc của lũ học trò nhỏ lốc cốc đi đến trường...” Doãn nghĩ: Có lẽ chỉ có Minh Tuyết là cần một bức thư của mình. Bút chàng vòng một chữ M để bắt đầu. Nhưng chàng chợt đứng dậy, lẩm bẩm một mình. - Hão huyền. Hôm nay mới thượng tuần tháng năm. Phải nửa tháng nữa Minh Tuyết mới từ St Tropé về. Thế là bức thư nào cũng không viết được. Không có ai tha thiết mong một cái thư của chàng cả. “Như vậy thì sao chàng lại cặm cụi dùng những giờ úa héo của buổi chiều tàn này mà viết cho họ?” Ý nghĩ này làm tê cóng khối óc và những chữ viết như tắt nghẽn ở cổ họng cán bút. Chàng chán nản đưa mắt nhìn khắp phòng. Bàn ghế xếp đều đặn, trên mặt bàn còn lờ mờ dấu phấn trắng ghi sổ ký danh của thí sinh. Đó đây còn rải rác vài tờ giấy nháp màu xanh, màu hồng, màu vàng nằm nấp ở dưới chân bàn, chân ghế. Từng cơn gió mạnh ở mặt bể thổi vào, thổi những tờ giấy chạy vòng quanh ở góc phòng. Tiếng giấy chạy xiết vào mặt sàn khô khan, xót xa như tiếng lá tre khô, lá chuối khô chạm vào nhau trong những trưa hè ỏ miền quê nghèo nàn. Aâm thanh xào xạc ấy thật dễ làm cho người ta chán nản. Trên một ô cửa kính còn dán tờ giấy đánh máy mang tên những thí sinh của phòng này. Ngày đầu của cuộc thi, những cái tên vang lên xa lạ. Những khuôn mặt bỡ ngỡ tiến đến nhận lấy cái tên ấy làm của mình. Rồi họ làm quen nhau trong khi người giám khảo đi lướt qua, mỗi buổi tiếp xúc với một phòng thi. Trong ngót bốn mươi thí sinh đó, chỉ một số ít đỗ. Đa số kém, bài làm của họ mang chằng chịt những dấu gạch đỏ, những dấu gạch không tiếc tay. Qua cuộc chấm điểm, họ như những tờ giấy bị vò nhàu. Ở từ chiếc loa phóng thanh mắc ở tường một công sở gần đó, vang lại một bản nhạc vá chắp. Giọng lên xuống đều đặn đến có thể đoán trước được nhịp nhàng một cách buồn nản như một tiếng võng đưa. Thật hỏng cả buổi chiều. Chàng xếp cặp giấy, lững thững đi trở lại phòng họp, tiến đến một nhóm bạn đang viết giấy chứng chỉ. Cô Kim Toàn dừng lại giữa hai giòng chữ, ngẩng đầu hỏi: - Ông viết hộ cho tôi một lát đi. Tôi mỏi lắm. Nàng vừa nhăn mặt vừa uốn vẹo cánh tay. Chàng nhìn xuống nét chữ của nàng, rồi nói: - Cô viết đẹp thế kia, tôi đâu dám thay? Kim Toàn không nài, cúi xuống viết tiếp, môi nở nụ cười. Nàng cúi xuống gần mặt giấy và nghiêng hẳn một bên. Thật y như một nữ sinh đang chép bài. Nét chữ dịu dàng và thật thà với những chữ H, chữ G uốn cong bầu bĩnh, chữ A, chữ O, hở đầu. Doãn quen Kim Toàn nhân một buổi đi chơi picnic ngày chủ nhật. Nàng có đôi mắt đen ngơ ngác và dáng người manh mảnh đặc biệt thường gặp nơi các cô gái Huế. Chàng hỏi: - Cô ghi chứng chỉ cho trung tâm nào đó? Kim Toàn vừa viết vừa nói: - Trung tâm Tuy Hòa. - Cô cho phép tôi xem xấp phiếu thí sinh cô đã viết rồi. Xấp phiếu màu đỏ, Doãn cầm lên đọc từng tờ một. Lại những cái tên lặp lại quá cũ, vô nghĩa, ngẫu nhiên!… Trần Xuân Hùng, Nguyễn Văn Hưng… Đinh Hường… Bên góc trái của mỗi phiếu có dán ảnh. Những khuôn mặt, khi chưa quen trên thực tế, cũng vô nghĩa như cái tên vậy. Chàng tẩn mẩn đọc cả những dòng chữ ghi sinh quán, trú quán, tên cha mẹ. Mỗi một địa danh mở rộng trong ký ức chàng một phong cảnh. “Xuân Lộc - Đồng Xuân”: những bụi duối chạy dài giữa cánh đồng mía. Rừng dừa xanh ngút ngàn rải bóng mát trên những mái nhà màu xám tối. “Phú Vang- Xuân Sơn”: con đường độc đạo bò vắt ngang qua những ngọn đồi trọc. Rải rác có ngôi miếu cổ hiện ra, âm u, tàn phế, nấp dưới cánh tay che chở của những cây đa, cây cốc, “An Mỹ-Hòa Đa”: rặng tre mỏi mệt trong ánh nắng, nơi đó tiếng chim gáy rời rạc đổ hồi. Đất da tây đen nhánh, cứng nhọn ở dưới gan bàn chân. “Phong Niên Hòa Thắng”: ruộng lúa chạy dài hai bên bờ mương dẫn thủy. Tiếng cần vọt kẽo kẹt trong các thôn xóm, tụ tập thành từng ốc đảo màu xanh. Một tên phụ huynh học sinh làm chàng bàng hoàng: “Trương Kỳ Phùng”. Chàng nhìn nơi sinh, trú quán: An Thạch, Tuy An. Đúng là tên của người bạn học ngày xưa. Cả một quá khứ bừng sống mạnh mẽ, thoáng chốc như một cây cổ thụ bị chặt ngã nay vụt đứng dậy cả lá cành. Chàng thấy rõ ràng Trương Kỳ Phùng ôm sách đi học lớp năm, lớp tư, mặt gầy gầy với hàng lông mi rất dài. Nhà anh làm hàng xáo, tráng bánh tráng. Cả một xóm Thiện Đức chỉ có hai nghề: dệt tơ lụa và tráng bánh tráng. Trưa trưa, nghe tiếng giũ tơ lụa đập bành bạch trên sông. Cả ngày, nghe tiếng cối xay kẽo kẹt, cối giã thập thình. Cứ mỗi chiều, khi ôm sách đi học về là đã thấy mẹ của Phùng ngồi sa một quầy hàng xén vụn vặt: dầu phộng, nước mắm, thuốc giấy, kẹo đường, ớt tỏi….bà ngồi trong một cái lều nhỏ, dựng ngay trước cổng nhà Phùng. Cha Phùng đu đưa trên một cái võng, cột vào hai gốc tre, nằm lui đàng sau. Trước lều, phía bên kia đường cái, lúc nào cũng có năm bảy người ngồi chồm hổm nói chuyện. Câu chuyện thường lấy những người đi chợ vừa bước qua làm chủ đề, nên quanh năm không hết chuyện. Câu chuyện lại dễ nhảy từ mục này sang mục khác không cần chuyển tiếp, nên ngồi ở đây là có thể biết hầu hết tình hình trong xóm. Ở vùng này lại có bảy, tám tay cờ bạc chuyên nghiệp nên tin tức lại càng thêm dồi dào. Những người cờ bạc chuyên nghiệp không mấy ai là không lém miệng. Có lẽ vì sống quen trong khung cảnh đó, nên Phùng ăn nói hoạt bát và có óc lý tài. Lúc nào gặp anh là y như thấy anh đang dự vào một cuộc mua bán đổi chác nào đó. Có lần anh đổi cái cán viết mới của anh để lấy cái cán viết cũ của một người bạn và bắt bù ba cắc. Rồi cũng cái cán viết cũ đó, nhưng anh đem thay ngòi mới vào, rồi đem xuống lớp Đồng ấu gạ bán cho một đứa khác lấy hai cắc. Sách vở cũng là món hàng buôn. Đổi sách mới lấy sách cũ, bán sách cũ mua sách mới, rồi bắt bù tiền, nạp tiền cọc, nài thêm, rút bớt, trừ hoa hồng, ăn lãi hai phân, năm phân vân vân, anh tung hoành trong các chương mục thương mại như một võ tướng hữu đột tả xung. Trương Kỳ Phùng chỉ có một nỗi khổ lớn: đó là anh ta có một người chị. Người chị này đã được các bạn luân phiên nhau hết “gả” cho đứa này đến “gả” cho đứa khác. - Ê, Phùng. Anh rể mày đây. - Tổ mẹ mày. Phùng đỏ mặt chửi liền. - Thằng này hỗn quá bay. Bộ thằng Thừa làm anh rể mày không được sao? - Làm anh rể cái… ông nội cha mày. Mỗi cuộc gả bán đều được kết thúc bằng một trận chửi gọn gàng như vậy. Đỗ xong bằng tiểu học, Phùng xin bổ làm hương sư, đúng theo cái nề nếp sinh hoạt bình thường của xóm Thiện Đức này. Nhà nào có con cho đi học cũng chỉ mong đỗ cho được bằng tiểu học để ra làm hương sư. Cùng một khóa với Trương Kỳ Phùng, có mươi hai cậu hương sư xuất thân tự xóm Thiện Đức được bổ đi dạy ở các trường xã. Như cùng do một cái máy đúc ra, họ ăn mặc giống nhau: áo dài bằng xuyến đen, quần vải tàu bay trắng, tóc chải rẽ, đi xăng đan, xách cặp da và đeo gương đen. Riêng Trương Kỳ Phùng thì trong cái cặp da, ngoài những quyển vở soạn bài còn có mấy cây lãnh, cây lụa, anh đem theo để dạm mối buôn bán nữa! Qua thời kỳ kháng chiến, Trương Kỳ Phùng đi buôn thuốc Tây, đá lửa và dép cao su. Lúc nào trông anh cũng té tát ngược xuôi. Cái cặp da chứa nặng hàng, ôm không nổi, anh phải luồn một sợi dây vải rồi tròng vào vai mà mang. Sau đó, anh mang muy zét vải rồi cuối cùng là gùi ba lô sau lưng. Anh hóa ra thành một tay buôn chánh hiệu. Trong giai đoạn này, Doãn nhớ có gặp Trương Kỳ Phùng một lần ở một quán nước chặng An Chấn, anh than thở từ đầu đến cuối câu chuyện. Mang tiếng là tiêu cực lừng khừng, anh bỏ làng đi phiêu lưu ở chiến khu 1, chiến khu 2, buôn bán đủ món và gá nghĩa với bất cứ người đàn bà nào xét ra cần thiết để tìm chỗ trú chân. Anh cuới vợ rất sớm, rồi ly dị, rồi cưới vợ khác, rồi chết vợ… cả cái giai đoạn này của cuộc đời anh lộn xộn rối nhằng vì việc vợ con, y như một chiến cuộc thắng bại không phân mà ta không có thì giờ theo dõi từng chi tiết. Rốt cuộc, mãi đến hôm nay, có ngẫu nhiên gặp một phiếu thí sinh mang tên họ anh, mới biết là anh đã có con lớn dường ấy, và anh sắp được biết tin mừng là con anh thi đỗ. Một phiếu thí sinh khác mang hai dòng chữ: “Tên cha: Hồ Đình Chiến (c). Tên mẹ: Nguyễn Thị Ngọc Cẩm”. Lại cũng là tên một bạn quen. Tên người vợ xác định tên người chồng, vì có thể có nhiều Hồ Đình Chiến, nhưng không thể có nhiều Ngọc Cẩm ở một miền nhà quê. Ở nhà quê, người đàn ông chuộng trang sức cho cái tên của mình hơn đàn bà. Vào thời đại của Ngọc Cẩm, hầu như không có một người đàn bà nào dám ngang nhiên mang một tên kép trên thẻ căn cước. Chỉ có Ngọc Cẩm. Chị không đẹp nhưng nhà giàu, quanh năm chỉ đi đến nhà tá điền thu lúa, đậu, thu đường, thu bông. Chị được đọc báo Tiếng dân, Phụ nữ tân văn và tiểu thuyết của Lê Văn Trương. Chị thuộc lòng mười bài “Khuê phụ thán” của Thượng Tân Thị và nhiều bài Đường Luật trong “Vườn thơ phụ nữ”. Và chị cũng cảm tác ra thơ nữa. Giữa một miền ruộng sạ, đất thổ khô cằn của xứ Đồng Tranh, Đồng Nghệ mà người dân chỉ biết vui với hạt đậu phộng, đậu xanh, tai bông, lóng mía, muỗng đường, chị chỉ biết sống mơ màng một mình với “Vườn thơ phụ nữ”. Người văn minh ở thị thành, ở phương xa lạc bước tới có thể hiểu được tâm hồn chị chỉ là mấy anh phắc tơ nhà ga và vài giáo viên trường Tiểu học La Hai. Họ nghe tiếng chị, đến nói chuyện với chị vài lần, được ăn vài bữa cơm ngon có tráng miệng kẹo đậu phộng, rồi rút êm đi cưới vợ nơi khác hết. Chị không đẹp. Khi quá lứa, chị đành phải lấy anh Hồ Đình Chiến người làng, nhà trung lưu, có học khá, nhưng xấu trai và không biết nói chuyện văn thơ. Như những đám lúa thổ, hết mùa lúa sạ lại chen mùa rắc đậu, cuộc đời của hai vợ chồng lẳng lặng cho trôi theo mùa tiết, đều đặn, nhịp nhàng và chán nản bằng phẳng như cánh đồng rộng trước nhà. Chiến thay mặt vợ đi thu lúa gặt, đi đòi lúa thiếu. Những chuyện vặt vãnh như cho vay lúa non, cho nuôi heo rẻ mà bình thường vợ anh và bố mẹ vợ anh vẫn làm một cách thong thả dễ dàng, nay sang đến tay anh thì chúng ngang nhiên mang một tính chất khoa học hợp lý rất đỗi chi li lẩm cẩm. Cái gì anh cũng ghi cũng chép, cũng chiết tính, cũng phỏng trù. Cuốn sổ nào cũng đầy ắp những chữ những số, khiến nhiều lúc anh sa lầy lúng túng trong đó. Ngày Nhật đảo chánh, anh sung vào ban Tuyên truyền cho Đại Đông Á. Thật là một cuộc vận động đầy hào hứng, vì Đại Đông Á là một cái gì rất vĩ đại mà người nói lẫn người nghe đều không biết rõ là cái gì, có điều chắc chắn là nó phải to lắm. Ban Tuyên truyền gồm ba người: trợ Chước mặt vàng như một lá dưa cải còn non, xu Tiên - một một cai lục lộ thật nghiệp có bộ râu rễ tre (ông giống Nhật ở điểm này) và Chiến. Cả ba mặc áo dài đen chững chạc và đi xe đạp. Mỗi xe cắm một lá cờ Nhật Bản. Xe họ hùng hổ đi về trụ sở các xã Phước Long, Phước Huệ, Phước Lãnh thuộc miền sơn cước huyện Đồng Xuân, rồi đổ về từng thôn nhỏ. Lũ trẻ con chạy theo sau hoan hô hoặc bâu quanh họ trầm trồ chỉ chỏ, y như chính họ vừa hạ thành Singapore hay bắt giam Đô đốc Decoux Lý do vì đâu Chiến được tuyển sung vào ban này thì chính Chiến cũng không ngờ được. Từ nhỏ đến lớn, Chiến có biết gì nước Nhật đâu? Chẳng qua vì muốn sanh lợi chút ít, anh đã trữ bán mấy món thuốc Nhật Bản: thuốc cảm Jin-tan, thuốc đau dạ dày Oâôda, thuốc nhỏ mắt Oâtôsan bên cạnh mấy món thuốc xổ Nhành mai, thuốc dán Hồng Nhật, dầu cù là Oâng Cọp và cả thuốc dịch heo nữa. Rồi tiếp theo có mấy tấm hình quảng cáo của các hãng buôn Mitsui, Mitsubishi, Dainan Koosi có in hình đàn bà Nhật và phong cảnh Nhật, Hồ Đình Chiến tiếc của xin đem về dán cho kín vách. Và thế là anh hóa thành một người có chính kiến. May thay nước Nhật đã bại trận một cách quá mau lẹ giải thoát dùm cho anh và cho ban Tuyên truyền khỏi tình trạng cạn tài liệu. Vì để nói về nước Nhật, anh chỉ biết quanh quẩn có những truyền thuyết hết sức nhảm nhí. Chẳng hạn chuyện người bán cám cho ngựa nhà binh Nhật đã lấy mạt cưa thay cám. Ngựa ăn mạt cưa chết, lính Nhật mổ ruột ra xem, chưa biết rõ căn nguyên, liền đem người buôn cám tham lam khâu vào bụng ngựa rồi đem chôn. Một cuộc quả báo nhãn tiền và sòng phẳng như vậy rất hợp với tâm hồn bình dân của người nghe, nên cử tọa hả hê một cách ồn ào. Hồ Đình Chiến không ngờ mình nói chuyện có duyên đến thế. Nhưng chừng nửa tháng thì câu chuyện hết mầu nhiệm. Vì người nào quen với Chiến đều đã phải nghe nó đến lần thứ chín, thứ mười; anh phải kể sang những chuyện tai hại cho chủ nghĩa Đại Đông Á mà anh đang cổ xúy (thế mới biết cảnh giác chính trị của anh rất trì độn). Anh kể chuyện người Nhật cai trị nước Cao Ly chỉ cho phép năm nhà dùng chung một con dao phay, rằng con dao ấy được cột vào một dây xích sắt và nhà nào cần thái món thịt món cá gì thì phải mang đồ vật đến “nhiệm sở” của cái dao. Câu chuyện ấy nhiều người biết. Chỉ độc sáng là lối thêm thắt chi tiết của Chiến. Câu chuyện lại dễ gợi trí tưởng tượng của người nghe, nên ít ai không bàn cãi, không đưa ý kiến. Vào tháng 7 tháng 8 năm 1945, câu chuyện anh nói có mang nhiều danh từ tương đối chuẩn xác hơn, chuyên môn hơn: quân đội Thiên Hoàng, Chính phủ Nippon, Thủ tướng Tôjô, hải chiến đảo San hô, Phi đội Thần Phong... Kiến thức của anh đi lên, ngược với khí thế của quân đội Nhật đang đi xuống. Tiếp tới, Nhật Bản đầu hàng. Cách mạng tháng Tám nổ. Cách mạng nổi lên, anh đương nhiên bị coi là người của chế độ cũ. Danh hiệu này là một vinh dự quá to đối với anh. Tuy vậy, nó làm cho anh lo sợ mất ăn ngủ, vì vào những ngày đầu Cách mạng, ai nấy đều vũ trang dao găm và lựu đạn. Sau đó, theo chính sách tận dụng khả năng dân chúng, không phí phạm nhân tài, vật lực, anh được sung vào làm thủ quỹ cho Hội giúp binh sĩ bị nạn. Công việc thật quá phù hợp với anh. Tha hồ cho anh đàm đạo một mình với những con số chi, số thu, tổng chi, tổng thu, với những chứng từ thanh toán, với những cái kim găm. Anh chìm vào giữa những con số cũng như anh chìm vào giữa cuộc đời. Anh bám vào cuộc đời như một thân tầm gửi, vô ích nhưng mà vẫn hiện diện, sống tầm thường cái cuộc sống của mình không khiến cho ai phải nghĩ tới. Thế mà nay Hồ Đình Chiến đã chết! Sao nhanh vậy? Con người chậm chạp, núc ních với vẻ mặt u tối tầm thường đó như sinh ra để sống lâu, để ăn tiêu tặn tiện và để sinh nhiều con. Thế mà anh ta lại chết rồi. Cái chết đó có ý nghĩa gì? Chết vì một tai nạn phi thường hay vì một chứng bệnh tầm thường, vô lý như những người xung quanh anh? Nhưng dù có vì gì đi chăng nữa thì chữ cũng viết giữa vòng đơn sau tên Hồ Đình Chiến cũng mở ra một vực sâu tăm tối trong tâm hồn của Doãn chiều hôm nay. Những người bạn của chàng đi nhanh quá. Con họ lớn để thấy họ già và có người vội vàng đi quá tuổi già: họ chết. Như người ngồi trên chuyến xe chỉ thấy mình di chuyển khi nhìn mọi vật di chuyển xung quanh. Doãn chợt thấy năm tháng bỏ lui mình đằng sau, khi vô tình chàng nhìn sang những người bạn. Thật là chán nản. Trước mắt chàng, cô Kim Toàn xinh xắn với dáng ngồi viết ngây thơ liệu sẽ giữ vẻ tươi mát của làn má, của ánh mắt trong bao lâu? Nàng đang có những ước mơ gì? Nàng có tin rằng những sẽ thực hiện những ước mơ một cách dễ dàng trước khi năm tháng đuổi kịp nàng chăng? Doãn uể oải đứng dậy đi về phòng trọ. Phòng trọ là một phòng học được nhân viên ở trường xếp đặt khá chu đáo với giường bố và màn nhà binh. Có bốn phòng học được xếp thành phòng trọ. Ngày mới đến, đi lại ở hành lang phải tránh nhau một cách chật vật. Hôm nay số người đã vắng đi nhiều. Nhóm anh em Đà Nẵng đã về trưa nay. Nhiều chiếc giường bỏ trống, chăn màn xếp cẩn thận đặt ở đầu giường. Khi có chủ, không chiếc giường nào được ngăn nắp tươm tất như vậy. Những anh em còn lại cảm thấy cô đơn. Họ quây quần với nhau thành từng nhóm. Nhóm anh Ngộ năm người ngồi rút ích xì để tiêu khiển. Trông Ngộ có duyên, cởi mở và lịch sự khi bắt con bài, khi nặn con tẩy, khi suy nghĩ để tính nước, cả khi vất gọn tờ giấy bạc xuống bàn để tố hay để theo. Những cử chỉ vơ lấy gói thuốc, đặt một điếu lên môi, bật que diêm, kéo một hơi để trấn tỉnh thần kinh… những cử chỉ ấy đều gọn gàng, biểu lộ một phong thái khả ái, khác xa với khi anh mặt khó đăm đăm, phân phối công việc cho các giám khảo ở trung tâm. Cái duyên dáng của con người cũng biểu lộ và được ghi nhận ở những cử chỉ và trong những trường hợp rất đỗi bất ngờ. Nằm bên cạnh sòng bạc khá ồn ào này, anh Dật bình tĩnh lật từng trang của một quyển sách triết học dày cộm. Nhóm anh Đàm, anh Cang dùng ngày giờ còn lại để đi bát phố liên miên. Có dư khí lực mà không biết dùng vào việc gì, các anh đặt dấu chân mình ở mọi con đường, khám phá nhiều sự vớ vẩn ngộ nghĩnh. Anh Lộc, anh Bang vừa mới cưới vợ nên hết trao đổi với nhau những kinh nghiệm có vợ mang đến bàn việc mua quà cho vợ. Câu chuyện kéo dài sang mục chữa hậu sản, chữa bệnh đẹn và bệnh tướt cho hài nhi. Anh Bửu thì hát luôn miệng câu: Người ơi một mai nếu tôi đi rồi Là la là la lá la là la Đó là câu hát độc nhất Bửu hát từ ngày anh đến chiếm cái giường sát cạnh. Không thuộc quá ba câu của một bài hát, hình như người thầy giáo nào cũng vậy. Đó có thể là một mặc cảm trí thức. Nhưng do tâm trạng nào mà Bửu chỉ hát câu “người ơi nếu một mai...” thì Doãn không tìm hiểu. Vì anh hát vào những lúc bất ngờ và rất mâu thuẫn: khi đi về cởi áo sơ mi, khi cột dây giày, khi ngủ trưa dậy mà chưa muốn bước xuống giường, khi uống xong 15 giọt thuốc chữa đau gan. Dường như anh không bận tâm rung cảm theo ý nghĩa của câu hát. Có lẽ câu hát chỉ có giá trị làm cho mồm đỡ nhạt, cũng như khi người ta không nghiện mà hút thuốc. Câu hát cũng làm sạch hơi thở như khi người ta nhai kẹo cao su. Nhưng chiều hôm nay giọng hát trầm trầm uể oải và sai giọng ấy, mỗi lần nghe đến là Doãn tưởng như mình đang dự vào buổi chiều cuối cùng của trái đất khi nhân loại bị phóng xạ nguyên tử đang cầu kinh. Buổi tối, ánh đèn nê ông sáng không làm cho không khí đỡ cô đơn hơn. Phòng số 1 do các giám khảo có tuổi chiếm đóng nên tắt đèn sớm. Họ chỉ biết làm việc ăn ngủ điều độ rồi về với gia đình. Những chiếc vali lớn nai nịt sẵn sàng xếp cạnh giường nằm. Đi 15 ngày, nhưng cụ bị đầy đủ như phải viễn du liên lục địa. Quà mua đem theo về cũng vừa chu đáo vừa cồng kềnh: những lọ mắm cá thu lổn ngổn, những tảng miếng song thần to bằng bức tranh sơn dầu. Phòng II đa số là thanh niên. Hành lý rất gọn. Có người chỉ mang một cái xắc kiểu PAA hay Air France. Y như đi dự một cuộc tranh giải thể thao liên tỉnh. Tâm hồn cũng gọn như hành lý. Không có nhiều quá khứ lôi kéo, họ thong dong đi lại như một con chim chuyền cành. Trái lại, đối với những người như Doãn thì quá khứ chen lẫn với hiện tại. Trong những ngày lưu lại đây, kỷ niệm thường dồn dập trở về. Ngẫu nhiên mà ngôi trường chàng nghỉ trọ hôm nay là ngôi trường Trung học mà mười lăm năm trước chàng đã học, thỉnh thoảng ngồi nhìn vẩn vơ qua từng khung cửa kính, chàng thấy lại gương mặt và dáng đi đứng của từng vị thầy cũ của mình: thầy Lê với bộ râu bướng bỉnh, thầy Thái với đôi kính trắng, thầy Cảnh mỗi lần cười thì mặt đỏ và mắt nhắm tít lại, thầy Trường nhanh nhẹn như một con sóc. Cuộc đời chảy êm đềm trong một xã hội quá trật tự. Giáo sư Cao đẳng tiểu học là một địa vị đáng được thèm ước. Suốt cả mười tỉnh miền đông bằng chỉ có một trường Cao đẳng tiểu học công lập này thôi. Sự học hiếm hoi, quý giá như vậy, nên nếp sinh hoạt ở thành phố xoay quanh việc buôn bán. Các vị giáo sư gần như độc tôn trên thị trường chữ nghĩa. Giới trí thức còn lại là mấy ông phán tòa Sứ, trán và gò má bóng nhẵn mỗi buổi chiều tụ họp ở nhà xéc để đọc báo, thọc bida hay đánh ten nít. Tách rời ra khỏi giới doanh thương thực tế, ồn ào, thủ đoạn, những người trí thức ở tỉnh nhỏ sống lẻ loi, uể oải như những cây còm nằm yên vị trong từng chiếc chậu kiểng. Không ai cạnh tranh với họ hết, nên họ khỏi phải lo cạnh tranh với ai. Chợt chiến tranh xảy đến, bắt gặp họ giữa một lúc họ không chuẩn bị. Chiến tranh xáo trộn hết. Ông Huy, nguyên là thư ký đánh máy của trường, quanh năm thủ phận trong bộ áo dài trắng và đôi giày da trắng đế nhựa rất dày, đột nhiên biến thành một giáo sư triết học có nhiều uy thế. Ông Văn, giáo sư khoa học, trái lại bị chê là lạc hậu, nên được rút về ngồi ở không ở phòng chuyên môn. Trong cảnh nhàn bất đắc dĩ, ông nảy ra làm thơ. Ông Cảnh lao đao vì một bầy con quá đông và một người vợ yếu đuối. Đồng lương eo hẹp làm cho những bộ quần áo của ông lúc nào cũng cũ kỹ, sờn cổ, sờn cùi chỏ. Qua cuộc chiến tranh, ngôi trường cũ đã bị phá hoại. Hiện nay nền trường vẫn còn y nguyên đó và chàng cứ nhìn theo nền xi măng long lở mà thấy lại trong óc dãy trường nguy nga hồi xưa với cả ký túc xá, sân chơi, văn phòng, nhà ông hiệu trưởng, nhà ông giám thị, nhân viên… Trên dãy hành lang này, chàng đã đi bách bộ nói chuyện với bạn sau bữa ăn tối. Góc rào kia, cả bọn lén nhảy qua để trốn ra phố xem xi nê. Dưới bóng cây keo này, ngày xưa mấy cô con gái ông giám thị đi thơ thẩn. Bây giờ chắc mấy cô đã có lắm con rồi, chắc họ chỉ còn đi thơ thẩn được trong ký ức. Dễ thường có cô đã chết trong chiến tranh, cũng như một số khá lớn những người bạn chàng vậy. Còn lại như xưa, dễ chỉ có những hàng me tây đứng thản nhiên ở sân trường. Chắc chắn là chúng có già đi, nhưng sự đổi thay ít nhận thấy rõ. Tuy vậy, theo một đà ý nghĩ quen thuộc, trong một bức thư gửi cho bạn hôm mới đến đây, chàng đã viết: “Tôi về trọ nơi đây. Ngôi trường cũ mà tôi đã xa mười lăm năm hơn. Cảnh vật tàn phế hết. Chỉ còn dãy me tây. Nhưng chúng đã thành cổ thụ. Cũng như tôi, mai kia…” Từ buổi chiều, mùi hoa thơm hăng hắc, bóng tối lẩn quất ở gốc cây. Chàng nhớ có một buổi sáng, mở cửa sổ nhìn ra, chàng để ý đến một cây me tây non trẻ mọc lạc loài ở gần cửa sổ. Chàng nghĩ đến những thế hệ lặng lẽ nối tiếp nhau. Liên tưởng đến các giám khảo thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ có mặt nơi đây, Doãn cảm sâu xa dòng đời chuyển đi tới (hay đi lui). Còn một đêm này nữa. Phù hợp với ý nghĩ của chàng, anh Nhẫn đứng cạnh vừa tháo cà vạt vừa hát: Còn một đêm nay Rồi mai lên đường… Đêm chót bao giờ cũng gây nhiều lưu luyến. Cả những người bạn ít thân thiết, trong giờ phút này cũng trở nên mến thân. Anh Long ở phòng IV sang hỏi địa chỉ của nhóm thầy giáo Nguyễn Hoàng Quảng Trị. Anh Tây đưa tay tắt cái máy thu thanh chạy pin để cất giọng ngâm mấy câu ca dao: “Còn đêm nay nữa mai đi. Lạng vàng không tiếc, tiếc khi ngồi kề. Còn đêm nay nữa mai về. Lạng vàng không tiếc, tiếc kề má xuân...” Doãn tự so sánh mình với nhân vật trong câu ca dao. Anh chàng quả có buồn, nhưng còn được an ủi có người yêu để mà xa cách. Còn mình? Người yêu là ai? Doãn thấy mình lửng lơ giữa hai khoảng chân không. Những cô bạn xinh tươi sáng mai sẽ về Huế hết, cũng như những cô bạn Đà Nẵng đã bỏ chàng về Đà Nẵng trưa nay. Họ đông lắm, nhưng chàng chỉ cần có một người, mà một người thì khó có. Không thể đi theo họ như một nghệ sĩ phiêu lưu, mà trở về thành phố cũ của mình thì cũng không có ai tha thiết mong đợi mình. Thằng nhỏ ở sẽ chỉ “à” lên một tiếng vừa đủ để tỏ một sự ngạc nhiên có mức độ, khi xe chở chàng lách cách dừng ở cổng. Con chó trắng sẽ vẫy đuôi mừng (À! May ra thì được có con chó mừng một cách thật thà và trọn vẹn). Bà chủ phố sẽ chuẩn bị để chiều mai sai con đưa biên lai sang thu tiền nhà. Ai cũng lãnh dạm với chàng hết. Nhìn tới, nhìn lui, quả là lửng lơ giữa hai khoảng chân không. Doãn thấy tâm hồn chán nản, mỏi mệt. Chàng phải cố gắng tạo cho được một khoảng chân không trong trí óc mình, để dỗ một giấc ngủ nặng nhọc và bướng bỉnh. Chàng dành bữa ăn sáng cuối cùng để ăn cùng Lễ. Chàng giục Lễ ăn thật nhiều. - Ăn nhiều đi, ăn thêm nữa đi. Đường về Huế xa xôi. - Nhưng đi bằng máy bay thì có xa bao nhiêu? - Ừ nhỉ! Anh lên tàu 10 giờ sáng và ăn trưa ở Huế, giữa vợ con. Tôi còn giữ những kỷ niệm quá lạc hậu về ý thức giao thông. Ngày nhỏ đi học, mỗi lần nghỉ lễ về thăm quê là người chủ trọ bắt tôi phải ăn cơm thật no để lên tàu hỏa. Mà nào đường đất có xa, chỉ khoảng một trăm cây số thôi. Ông chủ trọ ngồi canh chừng cho chúng tôi ăn và lặp lại không biết bao nhiêu lần rằng “có hột ngọc trong bụng thì cản phong cản gió dọc đường…” Bát cơm tầm thường vụt nhiên khoát một giá trị thiêng liêng, thần bí, khi hột gạo được suy tôn là hột ngọc… Chàng mơ màng nhớ đến thời xưa khi tâm hồn con người sáng tươi trong niềm tin chất phác. - Còn anh? Hai giờ mới lên máy bay? - Vâng. Chúng tôi là những người chót hết giã từ nơi đây. - Sang năm chúng ta gặp lại. - Nhưng đừng chọn thành phố này nữa. Hai lần rồi. Tôi mong sẽ gặp anh ở Huế hay ở Đà Lạt. Mười giờ, phòng đợi phi cảng chật chội, nóng bức, khiến những câu chuyện trao đổi cuối cùng bị gò bó. Người ta không thể buông người bạn này để bắt người bạn kia một cách tự nhiên khi thiếu những hành lang rộng, những khóm cây xanh. Những cô bạn Huế đành đứng bên cạnh nhau nói những câu chuyện chắc là rời rạc. Có cô ngồi nhìn ra sân nắng, có cô phe phẩy quạt. Những người bạn đàn ông ngồi ở chỗ của mình, chăm chăm nhìn một khoảng nhỏ ở trước mặt mình, y như những nhà chân tu chỉ biết nghĩ đến đạo đức. Chàng bắt tay Lễ một lần chót, mỉm cười chào mấy cô bạn khi họ đi ngang qua mặt. Khi cửa phi cơ đóng sập lại, phi cơ nổ máy, những bàn tay hiện ra vẫy ở khung cửa kính tròn nhỏ. Ơû dưới đất, Doãn cũng như nhiều người cũng vẫy tay. Chẳng ai biết được bàn tay kia dành cho ai. Có thể có những bàn tay không có ai để mà dành cả. Màu áo đỏ của cô Phương Lan trông rõ ràng qua khung cửa kính mờ. Đi máy bay nên chọn một màu áo đặc biệt không thể lầm lẫn như vậy. Từ bữa ăn trưa đến hai giờ chiều, Doãn không làm được gì hết. Ý nghĩ cũng bị cắt vụn từng mẩu rời rạc. Ông Cai trường xếp chăn màn, bó giường và quét tước phòng học. Những tờ giấy báo vất ngổn ngang; những mẩu tàn thuốc, di tích cuối cùng của sự sinh hoạt rộn ràng của bao nhiêu giám khảo giờ bị dồn vào một góc. Dãy thùng nước, chậu thau đặt dài dọc hành lang cũng đã thu dọn mất. Sự gọn gàng có pha chút ít tàn nhẫn. Giá ông cai thẫn thờ uể oải bỏ bê công việc mà ngồi nhớ đến sự ồn ào vui vẻ của mấy người trước so với niềm cô đơn im lặng hôm nay! Sân phi cảng chiều nay vắng hơn buổi sáng. Toàn là người quen cả nên không còn vấn đề khi cần bắt chuyện. Chàng phải tìm thú vị mới cho nửa giờ còn sót lại. Chàng chọn Thu Hà. Thu Hà là người nữ giám khảo đẹp của trung tâm, cùng giám thị chung với chàng ở trường Tân Bình và hôm nay cùng về một chuyến bay với chàng, cùng xuống một phi cảng. - Cô không về Đà Nẵng thăm ba má? - Tôi về trường có mấy việc cần, vả lại còn trông chừng cho em tôi thi tú tài. - Cô có đồng ý một với tôi rằng cô Hải đẹp không? Cô Hải cùng chấm Pháp văn với cô đó. Thu Hà nheo mắt một cái rồi mở to mắt: - Đẹp. Đẹp thật! Nàng vừa nói vừa gật gật đầu. - Ông có quen với chị ấy? - Em của người bạn tôi đó. - Thích nhỉ? Quen với một người đẹp bao giờ cũng thích. - Đó phải là ý kiến của người đàn ông. - Đâu phải chỉ riêng đàn ông? Đàn bà cũng thích những người đàn bà đẹp. - Huống chi là đàn ông! Thu Hà và Doãn cùng cười. Thu Hà có đôi mắt đen thăm thẳm và sáng long lanh như có chất dẻo làm dính tâm hồn những người nhìn. Mắt trái nhỏ hơn mắt phải một chút, làm tăng thêm sự mơ màng. Được biết Doãn và nàng ở cùng tỉnh, các giám khảo quen bao quanh lấy Doãn: - Chấm xong, tôi đi vào Phan Rang với anh nhé? Nhà anh có gần nhà cô Thu Hà không? - Anh Doãn ơi, anh nhớ ghi địa chỉ rõ ràng đi. Thế nào hè này tôi cũng đi Phan Rang một chuyến. Nhưng mà anh phải hứa giới thiệu tôi cho Thu Hà nhé? - Tiếc quá không đi vào với anh được lần này. Nhưng thế nào kỳ chấm tú tài tôi cũng có mặt ở Phan Rang. Cô Thu Hà đẹp quá anh nhỉ? Doãn mỉm cười với mọi người, hò hẹn với mọi người. Chàng biết sự vui vẻ bồng bột chỉ nhất thời, rồi sau đó trở lại cuộc sống quen thuộc bình thường, họ sẽ như con ngựa của anh đánh xe đi lại thuộc lòng trên con đường mòn, trên lối cũ. Dự định cho hả, mơ mộng cho hả, vì họ biết rằng chỉ đến bấy nhiên đó rồi hết. Cuộc đời sẽ kéo họ lại đúng vào con đường bình nhật của họ. Anh chàng Hòa hẹn hò liến thoắng đó, dăm ngày nữa sẽ ngoan ngoãn đi bên cạnh vợ về thăm mụ thăm mệ ở Kim Long, Văn Xá. Anh chàng Hàm ham nhìn các cô đến nhân lộn cả điểm sẽ cặm cụi trên trang giấy viết thư cho vị hôn thê. Anh chàng Đổ nhanh nhẹn, anh chàng Thiện mơ màng rồi sẽ lao mình vào những tình yêu nơi thành phố nhỏ của họ, những tình yêu, đóa hoa và cũng là nấm độc của cuộc đời. Như một chuyến đò dọc đến bến nước nào cũng vui vẻ quyến luyến tưởng không thể dứt áo ra đi, nhưng khi đã đến một bến mới rồi thì quang cảnh nơi bến cũ chỉ còn mờ trong kỷ niệm. Cứ như thế, mỗi mùa thi đến làm xáo trộn tâm hồn của họ, trong 15 ngày; gặp gỡ mơ mộng, nhớ nhung, chia ly… Rồi sau đó, ngày tháng chồng chất lên ngày tháng, kỷ niệm bị phủ bụi ngày một dày thêm, cho đến hè năm sau những cuộc gặp gỡ khác, mơ mộng nhớ nhung ly biệt khác sẽ tiếp diễn, cũng sâu đậm, tha thiết, xót xa. Tiếng loa phóng thanh mời hành khách ra phi đạo. Thu Hà xách chiếc giỏ đi cạnh Doãn. Mái tóc bồng trong gió. Màu áo tối làm cho vai nàng thêm mảnh. Doãn xót xa nghĩ: “Giã từ Thu Hà! Ngày này năm sau, cô còn đi cạnh tôi nữa đâu.”