Tiểu Long trước nay chưa bao giờ để đầu đinh. Vì vậy nó vác chiếc đầu cụt ngủn từ tiệm về, cả nhà nó đều tròn mắt.Ngay khi nó vừa quẹo vào đầu hẻm, mẹ nó ngồi bán tạp hoá đằng trước đã nhìn không ra.Mãi lúc nó đến sát bên, mẹ nó mới ngỡ ngàng kêu lên:- Ủa, phải con đấy không Long?- Con đây ạ.Mẹ nó ngơ ngác:- Hôm nay con cắt tóc kiểu gì thế?Tiểu Long ngượng nghịu gãi đầu:- Cắt kiểu này cho mát mẹ à.Dĩ nhiên Tiểu Long chẳng thích thú gì kiểu đầu đinh. Nếu không vì Đỗ Lễ, nó sẽ chẳng bao giờ để tóc lởm chởm như thế này. Dọc đường từ tiệm hớt tóc về nhà, cứ chốc chốc nó lại đưa tay lên xoa cái đầu gần như húi nhẵn của mình, thấy lạ lẫm quá chừng. Nó có cảm giác trên cổ nó là cái đầu của ai chứ không phải cái đầu của nó mọi ngày.Tiểu Long đáp lời mẹ nhưng bụng mắc cỡ ghê lắm. Nó nghĩ chắc mẹ nó đang cười thầm, có điều mẹ nó không nói ra đó thôi!Vì vậy khi đặt chân qua ngưỡng cửa, thấy nhỏ Oanh nhảy tưng tưng:A, anh Tiểu Long hôm nay để tóc đẹp quá!Tiểu Long liền trừng mắt:- Chọc quê tao hở mày!- Đâu có! - Nhỏ Oanh rụt cổ - Em đâu dám chọc quê anh!Tiểu Long hừ mũi:- Thế sao mày khen tóc tao đẹp?Nhỏ Oanh ngơ ngác:- Thế không đẹp ư?- Tất nhiên là không đẹp.Nhỏ Oanh càng không hiểu mô tê gì:- Đã không đẹp sao anh còn cắt kiểu tóc này làm chi?Câu nói của nhỏ em khiến Tiểu Long dở cười dở khóc. Nó không ngờ sự thể lại xoay ra như vậy, đành bắt chước Quý ròm chơi trò dóc tổ:- Tao đâu có định cắt kiểu này. Đấy là do ông thợ cắt tóc lỡ tay thôi.Nhỏ Oanh bán tin bán nghi. Nhưng nó không nói gì, chỉ đưa mắt ngắm đầu tóc của ông anh, miệng tủm tỉm.Nụ cười mím chi của nhỏ em làm Tiểu Long nhột nhạt quá chừng. Nó sầm mặt:- Mày nhìn gì vậy?- Em có nhìn gì đâu.- Mày cười gì vậy?- Em có cười gì đâu.Tiểu Long hất hàm:- Vậy mày xuống bếp rửa chén đi!Nhưng Tiểu Long đuổi được nhỏ Oanh chứ đâu có đuổi được những người khác.Anh Tuấn đi làm về, nhìn thấy đầu tóc của ông em, liền "a" lên một tiếng:- Chuyện lạ à nha!Anh Tú bước vào sau, "a" lên một tiếng nữa:- Trời đất, người sao Hỏa đến nhà ta chăng?Theo sau anh Tuấn anh Tú là ba nó.Ba nó không kêu "a" mà đưa tay dụi mắt:- Ố là la, mắt ba làm sao thế này?Nhưng ba nó và hai ông anh nó chỉ trêu mỗi người một câu thế thôi. Thấy nó ngồi nhăn nhó trên đi-văng, chẳng ai nỡ chòng ghẹo nó thêm nữa mặc dù lòng người nào cũng ngập tràn thắc mắc.Thật bụng thì Tiểu Long chẳng lo ngại người nhà lắm. Nó hãi nhất là tụi bạn trên trường. Ngài mai, khi nó vác cái đầu đinh này vào lớp, thế nào những đứa ngứa mồm ngứa miệng cũng sẽ không chịu bỏ qua.Quả như Tiểu Long lo lắng, ngày hôm sau nó vừa thò đầu vào lớp, cả chục cặp mắt lập tức trố lên.- Ối, con gì thế? - Quang sún ôm đầu - Chạy mau, tụi mày ơi!Thằng Bá ngồi bàn đầu, khi Tiểu Long đi ngang qua, nó chồm lên thò tay vuốt tóc thằng mập một cái rồi vờ rảy tê tê:- Ui da, thủng tay tao rồi!Hải quắn vỗ tay đôm đốp:- Bên đội 9A3 có Hùng đầu đinh thì từ nay đội 9A4 cũng có Long đầu đinh, sợ gì không trả được thù!Thằng Lâm "thi sĩ Hoàng Hôn" không bỏ lỡ cơ hội trổ tài. Nó ngoắc miệng ra rả:- Trên đầu mà lại có đinhCũng như con nhím trên mình có gai! Ðám con gái không chọc ghẹo, nhưng dúi đầu vào lưng nhau bưng miệng cười khúc khích. Tiểu Long đầu cúi gằm, lầm lũi bước về chỗ ngồi. Mặt đỏ bừng tới mang tai, nó vờ như không nghe thấy những tiếng cười, những lời bỡn cợt chung quanh. Quý ròm thúc cùi chỏ vào hông bạn: - Mày làm sao thế hở mập? Tiểu Long cười gượng gạo: - Ông thợ hớt tóc lỡ tay. - Xạo đi mày! - Quý ròm không tin - Chẳng ai lại lỡ tay như thế cả! - Thật mà! - Tiểu Long chống chế một cách khổ sở - Tao vừa ngồi vào ghế đã vớ lấy tờ báo, đọc một hồi ngước lên thì đầu cổ đã ra như thế này. Nhỏ Hạnh ngó qua, giọng vui vẻ: - Long để tóc kiểu này cũng hợp chứ sao! Lại trông khoẻ mạnh nữa! Tiểu Long biết thừa kiểu tóc này chẳng hợp với nó tí ti ông cụ nào. Nó biết nhỏ Hạnh thấy bạn bè xúm vào trêu nó tối tăm mặt mũi nên tìm cách an ủi nó đó thôi. Tiểu Long cảm động lắm, nhưng chẳng biết nói gì, chỉ nhe răng cười như mếu. Trong lớp, không chỉ nhỏ Hạnh thông cảm với Tiểu Long. Đỗ Lễ ngồi bàn chót, lại ngay trong góc nên chứng kiến không sót một diễn biến nào kể từ khi Tiểu Long bước vào lớp. Đã mấy lần nó định lên tiếng bênh vực Tiểu Long nhưng không nghĩ ra câu nào như ý. Không bênh vực được bạn, Đỗ Lễ áy náy lắm. Nó biết Tiểu Long chỉ vì muốn giúp nó mà phải hy sinh kiểu tóc quen thuộc, phải để đầu đinh, phải bấm bụng nghe bạn bè đùa cợt, nghe thằng Lâm đặt vè chế nhạo. Đỗ Lễ cũng không ngờ Tiểu Long mới trò chuyện với nó trưa hôm qua, sáng nay đã tóc tai gọn ghẽ rồi. Thằng này nhanh nhẩu ghê! Đỗ Lễ bâng khuâng nhủ bụng và giờ ra chơi nó ba chân bốn cẳng đi tìm Tiểu Long. Đỗ Lễ bắt gặp Tiểu Long ngồi dựa lưng vào gốc bạch đàn sau hè. - Tao đi tìm mày muốn rã cẵng! - Đỗ lễ ngồi xuống cạnh bạn - Sao mày lại ngồi đây? Tiểu Long khịt mũi: - Tao ngồi hóng gió. - Xạo đi! - Đỗ Lễ nhìn lom lom vào mặt bạn - Mày sợ tụi nó trêu phải không? - Ừ! - Tiểu Long bẽn lẽn - Cũng hơi sờ sợ. - Sợ quái gì! - Đỗ Lễ hung hăng - Đứa nào trêu, mày cứ đấm vỡ mồm. Có gì tao chịu cho! - Kệ tụi nó. Tụi nó trêu chừng vài ngày sẽ chán. Tiểu Long nhún vai, "triết lý". - Cái gì cũng vậy, khi đã quen mắt rồi sẽ không còn thấy lạ nữa! Rồi thấy mặt mày Đỗ Lễ vẫn còn đằng đằng sát khí, Tiểu Long lảng chuyện: - Thế tối nay tao ghé nhà mày được chưa? - Ừ, mày ghé càng sớm càng tốt. Chỉ có điều... - Điều gì? Đỗ Lễ tặc lưỡi: - Trước tiên, mày phải biết anh tao thích ăn món gì, thích mặc quần áo gì, mơ ước lớn lên sẽ làm gì và vô số những chuyện linh tinh khác nữa. - Tao hiểu rồi - Tiểu Long gật đầu - Để bà mày có hỏi tới thì tao biết đường đối đáp chứ gì! - Ừ. - Có gì đâu - Tiểu Long cười hiền lành - Mày cứ kể về anh mày cho tao nghe, tao sẽ cố nhớ. Đỗ Lễ quàng tay qua vai bạn, cảm khái: - Mày tốt ghê! - Có gì đâu! - Tiểu long lúng túng đưa tay quẹt mũi và ngượng nghịu lặp lại câu nói vừa rồi. Rồi để che giấu sự bối rối, nó thúc vào hông Đỗ Lễ: - Mày nói đi! - Nói về anh mày ấy! - À, anh Nghĩa tao lớn hơn tao hai tuổi, năm nay học lớp mười một. Ba tao mất sớm nên mẹ tao rất chiều chuộng hai anh em tao... Đỗ Lễ chớp mắt, mơ màng kể. Bên cạnh, Tiểu Long nghệt mặt ngồi nghe. Nắng ban mai chiếu ấm áp trên người hai đứa trẻ và mỗi khi có làn gió nhẹ thổi qua làm lay động những chiếc lá bạch đàn, những giọt nắng lại nhảy múa trên hai mái tóc đang kề nhau thủ thỉ.