Mất đứt nửa buổi sáng và tôi thấy mệt mỏi quá chừng. Tôi đi dọc hè phố, tâm trí lỏng lẻo. Một đám đông cứ ngày căng phình rộng ra, ùn lại trước mặt tôi. Mọi người hỏi nhau rối rít mà không thấy ai trả lời. - Từ bao giờ? - Một gã đàn ông hỏi một chị phụ nữ. - Từ bao giờ? - Chị này hỏi một người khác. - Từ bao giờ? - Ông già cạnh tôi giật áo một bà nội trợ. - Cái gì từ bao giờ? - Bà này hất tay một cách khó chịu. - Có chuyện gì thế? - Tôi tò mò hỏi một cô bé. - Chính cháu hỏi đến ba câu "có chuyện gì thế" mà chưa biết có chuyện gì đây. - Vậy theo cô thì có chuyện gì? - Một người xen vào, giọng cau có. - Chuyện gì, với bác, là chuyện gì? - Cô bực tức đáp lại. - Thật khủng khiếp! Mọi người đổ xô sự chú ý vào người vừa từ giữa đám đông len ra. - Có chuyện gì thế? - Từ bao giờ? - Một hay hai? - Tình nhân hay vợ? - Mất bao nhiêu? Các câu hỏi tới tấp tuôn ra. - Kinh khủng quá! - Người ban nãy xốc lại áo và trong khi mọi người đang háo hức chờ câu trả lời của anh ta thì có ai đó lại len từ trong ra, miệng hét to: "Tránh ra cho tôi nhờ!". Khiến tất cả lại quay về phía anh ta. - Có ai việc gì không? - Chết hẳn chưa? - Ðể yên cho người ta ra đã. Nhiều người lặng lẽ quan sát và khi không hy vọng biết được điều gì, lặng lẽ bỏ đi. Trong khi đó những người mới đến đều nhớn nhác như biết chắc có chuyện gì, như bí mật đang do họ nắm giữ. Cuối cùng tôi cũng túm được áo một người vừa cán bừa lên mọi người để thoát ra. - Có chuyện gì thế hả anh? Gã bực tức quát vào mặt tôi: - Ông không thấy người ta nói đấy à? - Trời ơi! - Giọng một phụ nữ kêu thất thanh - nó cắt bóp của tôi rồi. Ðám đông trở nên hỗn loạn: - Bắt lấy thằng ăn cắp! - Bắt lấy nó. - Bỏ tay tôi ra. Chỉ cứ thấy từng đợt co vào, giãn ra, mặt ai nấy đều bừng bừng. Người vừa kêu bị cắt bóp lăn ra đất cào cấu, kêu trời kêu đất. Mọi người nhanh chóng tản ra vì không ai muốn mình bị nghi là kẻ ăn cắp hoặc phải trở thành nhân chứng. Người mất tiền là một chị từ nhà quê ra. Chị xót của nên cứ giãy đành đạch, xé quần xé áo khiến mọi người chuyển từ lo lắng sang thương xót rồi sang buồn cười và khi quần chị bị rách toang một miếng thì không ít người khoái trá. Tình cảm sau cùng mà chị nhận được ở mọi người là sự bực tức, một vài người nguyền rủa chị. Mệt quá chị ngồi xõa tóc, nấc từng cơn và thỉnh thoảng lại lào phào kêu trời. Anh chàng bẳn gắt với cô gái lúc trước, giờ đây để ý thấy cô xinh đẹp vội mon men đến cạnh. - Lúc nãy tôi nổi cáu vô lý với cô, xin được thứ lỗi. - Này anh - Cô gái tỏ ra đại lượng - rút cục thì vì chuyện gì mà mọi người dồn đống lại để đến nỗi có người khốn khổ thế kia - Cô chỉ vào chị phụ nữ mất tiền lúc này đang trắng dã cặp mắt nhìn mọi người. - Cô ơi - anh chàng này nhăn nhó kêu lên - Cô xinh đẹp thế kia biết những chuyện kinh thiên động địa làm gì cho nó chóng già. Cố mà giữ mình là hơn. Anh chàng nháy mắt bỏ đi. Cô gái lườm anh ta một cái rồi cuống quýt hỏi một người khác. - Bác ơi, rút cuộc thì chuyện gì đã xảy ra? - Ô cái cô này! - Ông ta tỏ vẻ khinh bỉ kêu lên - cô còn hỏi có chuyện gì! Ông này khệnh khạng quay đít, thay cho câu "Ðồ con gái thối thây" và bỏ đi. Cô gái đâm hoang mang, nửa muốn bỏ đi, nửa cứ muốn biết nguyên nhân của tấn thảm kịch kia - Cô luôn luôn thương xót người đàn bà mất tiền. Lúc này chị ta đã hóa điên đang ngồi xếp lá rụng lại rồi cười ré lên. Mọi người chỉ dừng lại ngó nghiêng như người ta xem một con khỉ làm trò, rồi vội bỏ đi. - Bác ơi... - Chị ơi... - Anh ơi... Cô gái níu bất cứ ai đi qua chỗ cô để hỏi "rút cuộc thì vì chuyện gì" nhưng ai cũng tỏ thái độ, hoặc nghi ngờ, hoặc lấy làm lạ với cô mà không ai trả lời. Cuối cùng mới có người tỏ ra quan tâm, nhưng sau khi làm cho không chỉ cô gái hồi hộp, ông hỏi nhỏ: - Theo cô thì rút cuộc chuyện gì đã xảy ra? °Tôi tìm vào một quán nước, nơi mọi người đang bàn tán sôi nổi về người đàn bà bị cắt bóp và câu chuyện đã đi xa tới mức tôi là người chứng kiến cũng đâm ra hoang mang. Chị mất bóp đã nhanh chóng được cấp cho một cái tiểu sử hấp dẫn và không ít bí hiểm. Người này cam đoan đã gặp chị ta ở đâu đó, người kia thì cả quyết chị có chân trong một băng nhóm buôn phụ nữ. Cuối cùng chị là nhân vật chính của một thiên tình sử tay ba lâm li, nghe nói chị đã từng vứt đứa con mới đẻ vào thùng rác, sau đó bị một con chó tha cái đầu chạy nhông nhông trên hàng chục dãy phố. Một vài người khép chị tội làm mất an ninh đường phố, chẳng hạn như đám xô xát lúc trước, bao nhiêu người mất giầy, bao nhiêu người trầy da, sai khớp. Ðến đây câu chuyện hướng vào bọn trẻ đánh giầy. Cô chủ quán, sau khi làm đồ uống cho tôi, lui vào chỗ của cô ngồi tỉa lông mày, thấy nhắc đến bọn đánh giầy thì nói góp vào: - Các bác, các anh cứ yên trí, không có một thằng bé đánh giầy nào dám bén mảng vào đây đâu. Nhưng đám đông đã chuyển đề tài sang một loại thuốc kích dục và cười hô hố. Tôi cầm cốc nước lại gần cô chủ quán, lân la bắt chuyện. - Bọn trẻ đánh giầy hay quấy nhiễu cô lắm à? - Ruồi nhặng thế nào thì chúng nó thế ấy. Một lũ lưu manh - cô vẫn vừa tỉa vừa nói, không ngẩng lên. - Nhưng chúng nó thì làm gì được ai? Cô chủ quán nhìn tôi tỏ ra kinh ngạc, đúng hơn cô muốn lo sợ thay cho tôi. - Thế anh không biết gì về chúng à? Toàn là những đứa dám cầm dao đâm người cả đấy. - Cô nói nghe hãi thế? Cô chủ quán thôi không tỉa lông mày nữa, quyết làm cho tôi sáng mắt ra. - Anh tưởng em nói xấu chúng nó à? Vừa mới hôm kia một thằng cầm dao lá lúa xỉa một ông khách, chết không kịp kêu. Trống ngực tôi đổ dồn: - Hôm kia? Cô có biết nó xảy ra vào lúc mấy giờ không? - Lúc đó... nếu không phải buổi sáng thì chắc chắn là buổi chiều! Hình như buổi chiều nếu lúc đó không phải buổi sáng. - Cô có biết nơi xảy ra chuyện đó không? - Cách đây độ ít trăm mét... - Ðã đến chỗ cửa hiệu Hơn cả sự gợi cảm chưa? - Ðại loại... quãng đó, chếch về phía ngã tư thì đúng hơn. Con bạn em chắc chắn biết rõ hơn. - Bạn cô ở đâu? - Chính là chủ cửa hiệu bán đồ của chị em mà anh vừa nói. - Cô ấy là bạn cô? - Tôi muốn biết chắc chắn. - Bạn thân là khác. - Cô ấy được đấy chứ! - Anh quen nó à? - Tôi chơi với chồng cô ấy - Tôi nói dối. - ái dà! - Cô chủ quán kêu lên - Thế thì anh thuộc giới có máu mặt đấy. - Sao cô biết? - Tôi tung hỏa mù. - Anh chồng bạn em thì em còn lạ gì! Anh ấy suốt ngày chơi điện tử mà điều hành cả một đường dây làm ăn xuyên quốc gia đấy. - Anh ta có tật hay e hèm... - Tôi thăm dò, đồng thời để củng cố lòng tin của cô chủ quán về mối quan hệ giữa tôi với gã e hèm. - Ðúng. Nhưng anh thân với anh ấy thế mà không biết vì sao anh ấy hay e hèm à? - Theo cô thì vì sao? - Khi anh ấy tìm cách hạ đối thủ nào đó anh ấy thường chơi trò đấm bốc, tâm trí tập trung vào màn hình. Khi anh ấy tìm ra một ngón đòn anh ấy thường e hèm, tín hiệu của sự đắc ý. - Chứng tỏ cô biết rất sâu về họ? Cô chủ quán cười thay cho lời xác nhận và nói thêm: - Mỗi lần anh ấy e hèm là một địch thủ ngã gục bởi một đòn chí mạng. Bạn em bảo những lúc ấy không một ai trên đời có thể làm anh ấy rời được chỗ ngồi trước màn hình. Ngoài những chuyện đó ra, chúng nó kín như huyệt chôn người ấy. - Làm ăn mà cô... - Nhưng mà, anh đừng cho em là tò mò nhé, chúng nó là vợ chồng thật hả anh? Tôi làm bộ ngạc nhiên: - Ô cái cô này, sao cô lại hỏi thế? - Bởi vì, cô chủ quán nghĩ ngợi, chưa bao giờ em biết thực chất chúng nó quan hệ với nhau như thế nào. Có bận con bạn em nửa đùa nửa thật hỏi, muốn giết một thằng đàn ông khi nó đang làm tình với mình thì cắm kim vào đâu là dễ phi tang nhất. - Cô bảo sao với cô ấy? Cô chủ quán đỏ mặt. - Em bảo không bao giờ nên giết một người đàn ông khi họ đang làm tình, nhất là lại với mình. Còn muốn giết họ thì thiếu gì lúc. Mắt họ có nhìn thấy gì đâu - cô nhìn tôi cười - Anh uống có ngon không? - Rất ngon! Nhất là khi nghe cô nói chuyện. - Nhưng anh thấy em nói có đúng không? Em đoán thể nào một trong hai đứa cũng thủ tiêu nhau. - Cô hay bi kịch hóa vấn đề quá đấy. - Vâng, tính em thế. Cứ hay ám ảnh về chuyện giết chóc. - Tôi đang cần sự ám ảnh đó của cô đây. Cô kể tiếp chuyện thằng bé giết ông khách nào đó đi. Cụ thể chuyện xảy ra như thế nào? - Có đúng em vừa nói với anh là hôm kia không nhỉ. Nếu không hôm kia thì cũng chỉ sau trước một ngày. Nhưng đúng là hôm kia. Ðể em xem nào, hôm kia, hôm kìa, hôm qua... Chắc chắn không phải hôm qua còn hôm kia thì... không, chính xác là hôm kia. Ðúng rồi, đúng rồi anh ạ, hôm kia, tức là cách hôm nay một ngày, à hai ngày. Thôi, cứ cho là hôm kia đi, bởi vì hôm kia, hôm qua hay hôm kìa thì cũng thế. Nhưng mà em vẫn cho là hôm kia, bởi chả lẽ lại là hôm qua. Theo anh thì hôm nào là đúng hơn cả. Vâng, hôm kia, lần này thì em cam đoan, lúc đó, nếu là buổi chiều thì có lý hơn, hình như đúng là buổi chiều, em đang ngồi, đúng rồi, như đang ngồi với anh thế này, chỉ có điều ông khách hôm đó không được lịch sự như anh, ông ta phả cả hơi rượu... thật kinh khủng, bởi vì trước đó ông ta vừa ăn thịt chó, anh biết thịt chó nó dính vào răng nó nặng mùi thế nào chứ. Thế mà ông ấy ợ cả vào mặt em, rõ ra là vô ý, lại còn giở giọng ỡm ờ, đáng ghét. Em sợ hơi đàn ông sau khi uống rượu lắm. Nó khiến mất hết cả hứng. Nhưng mà vì ông ta là khách, lại vào loại có máu mặt, nên em cố chịu đựng. Anh vừa hỏi em cái gì nhỉ? Tôi kiên nhẫn nhắc lại: - Về chuyện thằng bé đánh giầy đâm chết ông khách. - Kể ra anh hỏi em chuyện khác thì hơn. Thiếu gì chuyện để một người đàn ông hỏi một người đàn bà. Nhưng thôi, anh, cũng như thượng đế của em, đã muốn biết thì em chỉ còn cách là chiều theo thôi. Ðúng đấy anh ạ, mọi người gọi nhau ầm ĩ cả lên, chính mắt em trông thấy mà. - Cô có đến tận nơi không? - Nếu lúc đó anh có mặt, giả dụ cũng ngồi thế này mà nghe nói có chuyện đâm chém, thì anh có muốn em bỏ anh ngồi lại để đến tận nơi có máu me không? Vả lại em sợ máu lắm, trong khi đó thấy bảo máu xối ra lênh láng cả mặt đường. - Có bắt được hung thủ không? - Thế thì anh chưa biết gì về bọn đánh giầy rồi. Chúng nó là quỷ đầu đen, có giời tìm được, nhất là khi nó biết người ta tìm để bắt nó. Chúng tôi tạm dừng câu chuyện vì có một vị khách bước vào. Chị hỏi mua một cốc nước cam và qua cách ăn nói thân mật tôi đoán chị là khách quen. Vừa xay đá, như chợt nhớ ra, cô chủ quán hỏi: - Chị Quyên này, có đúng là hôm kia - cô quay sang tôi - anh nhỉ? Có chuyện đâm chém nhau ở quãng gần ngã tư không? - Cô nhớ cho ít đường giùm tôi? - Chị khách lưu ý cô chủ quán về yêu cầu của mình. Chị liếc tôi một cách thăm dò rồi nhìn ra đường. - Có đúng không chị? - Cô chủ quán nhắc lại câu hỏi. - Ôi dào! Ngày nào chúng nó chả đâm chém nhau. Mà tôi làm gì có thời gian để quan tâm đến chuyện thiên hạ, cô thích thì tự tìm hiểu lấy. - Chính xác đấy anh ạ - Cô quay sang tôi mặc dù không hiểu cô bảo cái gì chính xác. - Tôi nói cho cô biết - chị khách nói bằng thứ giọng của người hiểu đời - Cô bán hàng thì cứ biết bán hàng, đừng có rỗi miệng. Nhỡ ông đây là công an đi điều tra thì cô thành nhân chứng là cái chắc. Cô thích mua việc à? Cô chủ quán hơi rùng mình, nhìn nhanh tôi, mặt tái đi. - Khổ, tính em nó thế - Cô tìm cách thoát khỏi vai trò nhân chứng - Nghe khách hàng kể lại là cứ toe toe nói chứ kỳ thực em có đi đâu ra khỏi quán - Cô lại liếc tôi, tỏ ra ân hận vì đã trót mau mồm mau miệng. - Cô chủ quán này - tôi nói khi vị khách đã mang nước cam sang dãy ki-ốt bên kia đường - cô đừng sợ bởi vì tôi biết câu chuyện cô vừa kể diễn ra khác cơ. - Ðã bảo em cũng chỉ nghe nói thôi mà, mỗi người một phách. - Sự việc hình như là thế này, người bị đâm chết là thằng bé đánh giầy... - Trời đất ơi! - Cô vờ kêu lên - Có lẽ nào lại thế, kẻ nào mà nhẫn tâm đến vậy. Tuy làm như bị sốc nhưng tôi thấy rõ cô thở ra nhẹ nhõm: - Anh kể đi, kể tiếp đi. Có lẽ sự việc như vậy hợp logic hơn, bởi vì dù sao thằng bé đánh giầy cũng chân yếu tay mềm, dễ gì cầm dao đâm được vào người khác. Thế rồi sau thì sao hả anh? - Sau đó người ta đưa nó vào bệnh viện. Từ bệnh viện người ta đưa nó vào nhà xác rồi từ đó người ta đem nó đi chôn - Tôi thao thao một cách giễu cợt. - Sự việc ắt phải thế! - Cô chia sẻ với tôi - nhưng mà thôi anh ạ, người ta đều có số cả. Chẳng hạn như em suốt đời không chừa được cái tính cứ thấy ai khổ là y như rằng nước mắt lại chảy ra - Cô mếu máo quay đi - Anh thông cảm cho em nhé. Em là đàn bà... Nhưng khi ra đến cửa và bất ngờ quay lại, tôi thấy rõ mắt cô ráo hoảnh, giấu sau kẽ tay, nhẹ nhõm vì đã tống khứ được tôi đi. °Loáng thoáng có những cặp mắt nhìn trộm tôi. Khi tôi đi qua dãy ki-ốt, tôi nghe thấy những lời bàn tán không nhằm vào ai cụ thể nhưng tôi tin chắc đối tượng mà họ bàn đến là tôi. - Nhiều dấu hiệu đáng ngờ lắm. - Cớm đứt đuôi đi rồi! - Cớm cái cục cứt! Chắc vô công rồi nghề. - Hắn săn tin như quạ săn xác chết ấy. - Trông da dẻ hắn như đàn bà thế kia, làm ăn quái gì. - Hay là hắn bị tâm thần? Một chị trung niên, mắt xanh mỏ đỏ, cố ý nói to: - Ở chỗ nhà này có một gã chuyên đi thóc mách chuyện vỉa hè. Thoạt đầu mọi người tưởng cá chìm cá nổi, hóa ra là một gã mắc bệnh thị dâm. Gã độc rình đàn bà đi ỉa, đái hoặc tắm... để dán mắt vào... rồi một tay tóm cái của nợ và chỉ thế thôi. Tất cả cười ré lên và cùng đưa mắt nhìn tôi. - Kể tiếp đi! Hay là nó "chụp" cái của bà rồi? - Riêng của tao, cho thoải mái. Mày hỏi hắn xem nếu hắn thích để tao... Tiếng cười lại rộ lên và vẫn châu vào tôi. - Tâm thần đứt đuôi đi rồi! - Tiếng thì thào phía sau lưng tôi. - Suốt từ sớm đến giờ hắn cứ lân la, như thằng ăn cắp ấy, chỉ hỏi độc một câu về thằng bé đánh giầy nào đó. Thời buổi này người ta làm gì mặc kệ người ta, chỉ có tâm thần mới đi quan tâm một cách rỗi hơi. - Thế thì còn nghi ngờ gì nữa, điên là cái chắc. Này, báo cho bảo vệ sớm đi. - Có thằng điên nhiều khi cũng vui. Dạo trước chả có thằng nghiện đồ lót đàn bà, lúc nào cũng nhai một cái như chó nhai giẻ ấy, trông không nhịn được cười. Tôi vô tình đưa tay giữ gói đồ. - Hắn thủ cái gì trong túi ấy? - một giọng hỏi thì thào. - Ðiên ơi! - Ai đó gọi khe khẽ - Ðiên à! - Nó mà quay lại đòi tụt quần thì mày chết. Tất cả lại ré lên cười, đấm lưng nhau thùm thụp. Những lời đồn thổi về tôi nhanh chóng lan truyền khắp khu phố G, như bất cứ câu chuyện vỉa hè nào, đến nỗi tôi đi từ đầu phố đến cuối phố, đã kịp có một tôi khác. Ngay lập tức một gã điên điên nào đó trở thành đề tài cho những câu chuyện phiếm ở chỗ này, cho những lời bàn tán đầy lo lắng về một kẻ lạ mặt điên khùng cần cảnh giác ở chỗ khác. Cũng ngay lập tức tôi bị thêu dệt đến mức không ai còn nhận ra tôi nữa. Bằng chứng là có chỗ họ kéo tôi vào để cùng cho ý kiến xem nên xử lý thế nào về trường hợp gã điên vật vờ kia. Thế là tôi tha hồ nghe người ta nói về tôi mà không sợ bị ai nhận ra "cái gã điên điên ấy" chính là tôi. Gần trưa tôi thấy mấy người đang cãi nhau - trước một cửa hiệu bán đồ trang sức. Chỉ nghe qua tôi đã biết ngay vẫn chủ đề "một kẻ rất lạ"; "một gã tâm thần"; "một thằng chuyên đi nhìn trộm chị em"... - Chú thanh niên có nghe người ta nói gì thêm về gã điên điên không? - Một chị níu tôi lại. - Tôi đang có nhiệm vụ tìm hiểu hắn đây. - Chú là nhà báo à? - Mắt chị sáng rực. - Sao chị biết? - Ðúng chú là nhà báo rồi - Chị nắm tay tôi - mời chú vào đây đã, mặc xác đứa nào điên cứ việc điên. Mà nói chú bỏ quá, tìm người không điên bây giờ mới khó chứ, phải không chú. Tôi theo chị ta vào trong cửa hiệu, bỏ mặc đám người tiếp tục kể đủ thứ chuyện lạ về "gã điên điên". - Chú ngồi xuống đây. Chà, nhà báo có khác, thư sinh lắm - Thấy tôi để ý nghe những lời bàn tán, chị kéo tôi hướng về phía chị: - Chú đừng nghe chuyện ấy cho thêm điên đầu. Chả là sớm nay ở khu phố này xuất hiện một gã đàn ông cao to, mắt sâu râu rậm, cứ lẩm bẩm chuyện giầy dép, chết chóc gì đó, khiến mọi người lo lắng. Nhưng mà có một thằng điên thì sợ quái gì. Chú làm cho tờ nào? Tôi đáp lấy lệ: - Cho vài tờ. - Nhà báo thời buổi này thì nhất rồi. - Chị nghĩ thế à? - Chú tưởng tôi không biết chắc? Giết chóc, lừa đảo, đĩ bợm, kiện tụng nhau suốt ngày thế này... làm gì báo bán chả chạy. Tôi ngồi im. Tôi thấy thích thú khi nghe người khác nói về nghề nghiệp của mình - mặc dù tôi xin nói thật, tôi thuộc dạng nhà báo không được ai thừa nhận, nghĩa là loại tép riu. - Cứ như chúng tôi đây - chị tiếp tục - nhất định phải có giết người, thắt cổ, trầm mình, nhảy lầu, tẩm xăng đốt nhau, tình già tình trẻ, bố ngủ với con dâu, hiếp dâm lừa đảo gì đó in lên báo, thì chúng tôi mới mua. Mình mất đồng tiền cũng phải có cái đáng đọc chứ. Chị ta đặt trước mặt tôi một lon bia lạnh đã bật nắp. - Chú đi viết bài, có được nhiều tiền không? - Cứ như chị nói thì chúng tôi vớ được của còn gì! - Cũng chả kém! - Chị tỏ vẻ lọc lõi - thị trường chữ nghĩa đang sôi động nhất đấy. Nhưng mà tôi hỏi khí không phải, chú đang đi làm hay đi chơi? Tôi đáp thật thà: - Tôi đến đây... vì nghe nói mới có vụ giết người, chị có... - Chú ơi, ngày nào ở cái khu phố này chả có vài vụ đâm chém, cướp giật. Chú đừng hỏi tôi bởi vì triết lý làm ăn của chúng tôi là ai biết việc người nấy. Thủ phạm giết người, hãm hiếp... đã có công an, tòa án. Cũng phải có việc cho họ chứ? Nếu chú lặn lội đến đây chỉ cốt viết được bài báo kiếm tiền nhuận bút, thì tôi có việc khác cho chú, chẳng tốn một tí sức mà thu nhập không xoàng đâu. Tôi chán nản nhìn ra ngoài đường, nơi cái nóng đang bốc ngùn ngụt. - Chú đồng ý chứ? - Ðồng ý cái gì ạ? - Thôi được, tôi không khách khí nữa. Tôi có một căn hộ ở mặt đường, đúng hơn căn hộ này thuộc quyền thừa kế của chồng tôi nhưng hiện tại vợ chồng đứa em anh ấy đang ở. Lúc ông cụ bố chồng tôi mất không kịp viết di chúc, do cụ đột tử - thế có hại chúng tôi không chứ! Liệu chú có giúp chúng tôi thực hiện quyền sở hữu chính đáng của mình không? - Chuyện anh em ruột rà, tốt nhất là các vị thương lượng với nhau. - Chú nói mà tôi muốn vỡ ruột vì anh em ruột rà gì với cái loại ấy - Chị nghiến răng - chẳng qua chưa giết được nhau thì phải chịu đó thôi. - Nhưng tôi thì làm gì được? - Chú cứ nhận lời giúp tôi đi sẽ thấy nó đơn giản thôi. Chú chỉ cần gặp nhà tôi sẽ biết việc cụ thể. Chỉ mong chú giữ kín cho. Tự dưng tôi nảy ra ý nghĩ thử phiêu lưu một chuyến. Tôi quệt mép đứng dậy: - Chị cho thời gian và địa điểm đi. - Trời ơi, thế là chú đồng ý rồi - chị ta cuống lên - Chú cứ ngồi xuống đã, để tôi hỏi anh ấy ngay bây giờ. Chị ta nhấc máy điện thoại, nói thì thào gì đó và lát sau quay ra, tươi cười: - Mười lăm phút nữa xe đón chú - Chị nói như ngã giá hàng. Chú nhớ là giữ kín cho. Tôi xem đồng hồ theo thói quen. Chị ta lạnh lùng, bảo: - Chú không được sốt ruột. Nhà tôi không thích người ngồi nói chuyện mà cứ xem đồng hồ đâu. - Chỉ là thói quen thôi. - Chú phải bỏ! - Chị ta ra lệnh bằng một thứ uy quyền nào đó - Tôi cũng nhắc chú luôn điều này, chú phải coi như mọi chuyện do tôi bày ra, anh ấy chỉ chiều theo thôi. Tôi không muốn nhà tôi có cảm giác là anh ấy nhúng tay vào việc này. Vì thế nhà tôi sẽ gạt những đề nghị của chú đi nhưng chú phải hiểu ngầm là việc đó sẽ được thực hiện bởi chú và tôi. - Nghĩa là phải làm sao để anh ấy không biết gì về việc này, dưới con mắt thiên hạ? - Thế là chú nắm được công việc rồi đấy. Cứ thế là ăn tiền! - Chị ta nói với nhiều ý nghĩa - Tôi dặn thêm thế này: Chú chưa biết mặt nhà tôi vì thế khi gặp nhau anh ấy sẽ là người đưa tay ra trước. Chú phải làm động tác cúi thấp, vồ tay anh ấy bằng cả hai tay để nhà tôi có cảm giác chú đến để nghe sai bảo. Tôi lim dim nghe thụ giáo, chị ta vẫn cảm thấy chưa yên tâm. - Tôi muốn chú nhớ cho, tuy rằng tôi tìm chú trước nhưng với nhà tôi chú phải tỏ cho anh ấy hiểu rằng chú thấy một việc bất công và có bổn phận phải chiến đấu để bảo vệ lẽ phải, không chỉ cho chúng tôi mà cho xã hội là chính. Có tiếng còi xe, tôi đứng dậy - cảm giác của người sắp vào tận hang ổ của một con ác thú mang bộ mặt người khả ái. Người đàn bà vẫn tranh thủ bồi thêm cho tôi những kiến thức cần thiết: - Trong khi nói chuyện nhà tôi thường ngoáy mũi, móc răng... đó là thói quen của anh ấy, mong chú thông cảm. Và điều này nữa - chị nói gấp gáp - thể nào nhà tôi cũng coi chú như một người đến quỵ lụy xin xỏ cái gì đó - Ðây cũng chỉ là thói quen thôi nhưng trong trường hợp này tôi muốn thói quen ấy của chồng tôi được tôn trọng tuyệt đối, nghĩa là chú không được tỏ ra mình đang quan sát. Chú chỉ nghe, cười và gật đầu là đủ rồi - Chị ghé tai tôi - với anh ấy chú là con rể bà dì tôi. Chị giơ tay nhiều ngụ ý khi tôi đã ở trên xe. Suốt dọc đường gã lái xe không mở miệng. Thỉnh thoảng gã liếc nhìn tôi qua gương. Mặt gã như được vạc bằng rìu từ một cục gỗ lim. Gã lái xe một cách nhàn nhã, điệu nghệ. Nhiều lúc tôi thót tim vì đinh ninh xe của gã đè lên ai đó. Nhưng mặt gã không thay đổi mảy may khi đánh tay lái lượn qua. "Thần kinh gã chắc phải bằng thép" - tôi thầm nhận xét. Nhưng tôi cũng nhận ra ngay đó chỉ là nguyên nhân mang tính kỹ xảo. Cái chính là gã hoàn toàn thoải mái, cái thoải mái của kẻ có vô số quyền lực, không thể bị vấn tội. Nghĩa là trước mặt gã chỉ có con đường cho xe của gã, còn thì không có bất cứ vật cản nào khác (bởi vì bất cứ vật cản nào cũng là phi pháp), mọi người phải liệu đường mà tránh, như loại trước cho mình một tội lỗi. Xe dừng lại đột ngột ngay trước một tòa nhà có rào chắn xung quanh. Sự im lặng gần như tuyệt đối khiến tôi đâm ra nghi ngờ cảm giác của mình. Tôi cứ ngồi yên trong xe khiến gã tài xế phải giục: - Ðến rồi! Sau đó gã ngồi ôm vô lăng, coi như không có tôi hoặc tôi làm gì, với gã cũng không quan trọng. Tôi bước ra khỏi xe bằng cái tâm lý của kẻ bước ra pháp trường, một tiếng động nhỏ, một chiếc lá rụng cũng thấy ghê rợn. Tôi hiểu rằng tôi sẽ phải xoay sở lấy và ngay tức khắc một nỗi sợ vô hình lại bủa vây lấy tôi. Bất cứ chỗ nào tôi cảm thấy cũng có thể xồ ra một con thú hoặc một tai họa nào đó, trong khi tôi như kẻ bị tước toàn bộ vũ khí và quyền được cầu viện chân lý. Khi đứa bé chui từ trong bụng mẹ ra nó khóc thét lên bởi bị ném vào một thế giới đầy rẫy tai ương, hiểm họa. Ðó là nỗi sợ bị ruồng bỏ và nó sẽ ám ảnh trở lại khi con người có cảm giác một mình đối mặt với cái thế giới không biết chứa trong đó những gì nhưng có thể nghiền nát họ. Tương tự như thế, tôi chưa biết điều gì chờ tôi sau cánh cửa im lìm kia. Nhưng tôi tự biết tôi phải làm gì. Giống như một người đã cưỡi lưng cọp, chỉ còn cách là kẹp chặt vào bụng nó, ghìm đầu nó xuống. Tôi lấy hết can đảm đẩy tấm cửa sắt và nó từ từ há ra như miệng con quái vật. Tôi lọt được vào bên trong và để chứng tỏ mình rất bình tĩnh, tôi cẩn thận khép cửa lại. Bây giờ mới là lúc tôi thấm thía đến tận tim gan một trò chơi ngông. Tôi cố tự an ủi rằng tôi là một kẻ vô tội, một người có uy tín xã hội nhất định. Nhưng khi bước một mình trên hành lang chưa biết sẽ dẫn mình đi đâu, đầu gối tôi cứ muốn díu vào nhau. "Ta sợ gì nhỉ, có gì nguy hiểm đâu?" - Tôi tiếp tục tự trấn an. Tuy thế, nếu được, tôi sẽ bỏ chạy thục mạng, chạy thật xa cái nơi này, bất chấp cả sỉ nhục. Những gì từng cho tôi sự can trường, sức mạnh, lòng tin... đều không còn ý nghĩa gì nữa. Bản thân tôi là sự vô nghĩa hiển nhiên nhất. Nó vô nghĩa vì nó không tồn tại, nó vô nghĩa vì mọi ý nghĩ đều bị bóp nát mủn khi chưa kịp hình thành và cảm giác rõ nhất là không có gì vô nghĩa hơn khi bước chân vào cái tòa nhà này. - Chào cậu! Suýt nữa thì tôi co giò chạy nếu ngay lúc đó tôi không nhìn thấy ông ta cười rất tươi ở đầu trên của cầu thang. Ông ta nhìn tôi bước lên từng bước một, không có vẻ gì của người cao trọng. Trong khi đó tim tôi đập như gõ trống. Tôi đã ở rất gần ông ta, một người đàn ông nhỏ thó, nhỏ lắm, chỉ nhỉnh hơn con khỉ một chút. Mặt ông ta y như quả dưa bở, trán nhẵn bóng. Ông ta mỉm cười ngắm tôi từ đầu đến chân, nét mặt phơi ra toàn bộ sự tăm tối của một người ít học. - Chào anh, tôi, em... - Chúng ta là anh em - Ông ta vỗ vỗ vào thắt lưng tôi - Tôi có một người bà con dễ mến như thế này mà bây giờ mới biết. Tôi theo ông ta vào một căn phòng nhỏ. Tại đó đã bày sẵn đồ uống và một bữa ăn nhẹ. - Mời cậu ngồi! Ông ta ngả người ra ghế, cố che giấu cơn buồn ngủ, nhìn tôi mỉm cười. Tôi cảm thấy mình vô cùng bất nhã, đầy khiếm khuyết, sẵn sàng tự kể tội mình. Ðiều khổ sở nhất cho tôi là không biết nhìn vào đâu. Quả là trước đây ít phút tôi đã quá tự phụ. - Mời cậu dùng tự nhiên đi. Ở đây chỉ có tôi và cậu, đừng ngại bất cứ điều gì. Tôi uống từng cốc nước lọc, mặc dù không khát. Ðiều đó khiến ông ta thích thú. Thỉnh thoảng tôi phải gập người lại để khỏi ợ thành tiếng. Ðó là phản ứng của cơ thể, đầu tiên là dạ dày, trước nỗi lo sợ. - Tôi có cần phải nói gì thêm nữa không? - Ông ta đưa một miếng bánh mì phết bơ nhoe nhoét vào miệng. - Chị sai em đến - tôi nhũn nhặn một cách tự tôi không hiểu nổi - để nghe anh... - Không, không! - Ông ta xua tay - Chúng ta là anh em. Tôi phải nói ngay để cậu khỏi hiểu lầm: Tôi mời cậu đến đây là để anh em biết nhau. Nhưng tôi muốn biết chị đã nói gì với cậu? - Chị chưa kịp nói gì nhiều, nhưng em có bổn phận... - Tôi biết là không nên giấu cậu. Thực ra nhà tôi, ôi đàn bà ấy mà, cậu có vợ chưa? - Khi tôi bảo "chưa" thì ông ta gật gù: Thế là tốt (1) - cậu có hiểu đàn bà là gì không? Là tất cả những điều vụn vặt khiến ta không chịu nổi, là con quỷ tham lam, hay đòi hỏi, tính toán tủn mủn, không phân biệt được cái gì lớn, cái gì nhỏ. Nhưng khổ nỗi - ông ta có khả năng diễn xuất siêu hạng - họ là đàn bà, là vợ ta, là mẹ của các con ta. Có gì đâu, việc của gia đình tôi ấy mà. Từ ngày chú em tôi lấy vợ, mọi chuyện mới rắc rối. Tại cô em dâu tôi cả, còn đàn bà hơn cả nhà tôi, lại keo bẩn nữa. Tôi đau đầu quá. Một bên là vợ, một bên em dâu... Chà, giá họ biết thương tôi thì đâu đến nỗi. Tôi không có thời gian cậu ạ - ông ta đưa tay móc ra một cái gì đó trong miệng - tôi sinh ra đâu phải để đi giải quyết ba cái việc đàn bà ấy. - Vấn đề không chỉ là sự tranh chấp, mà là lẽ phải... - Tôi thấy mình có khả năng đón trước ý của người khác. - Chính thế. Tôi nghĩ nhiều lắm chứ. Chả lẽ để sự bất công tồn tại ngay trong nhà mình thì còn lập sự công bằng với xã hội làm sao được. - Việc đó là của em. - Tôi nói trơn tuột. - Cảm ơn cậu - ông ta vờ ôm mặt. Nhưng cậu nhớ hộ, đương sự là em trai tôi. Vợ có thể thay chứ anh em làm sao mà thay được. - Ông ta xuýt xoa một cách chua xót. - Tùy anh thôi! - tôi tỏ vẻ chia sẻ. - Tôi dễ mang tiếng lắm. Hay là thây kệ họ, hả cậu - ông ta nhìn tôi qua kẽ tay. Cậu đã đến đây thì... thế này... Ông ta với tay lấy một tập bản thảo, chỉ liếc qua cũng thấy nó được sửa đi, chữa lại khá công phu cho nên lần in cuối cùng không hề còn một lỗi nhỏ. Ông ta cầm trên tay và nhìn tôi: - Cậu bảo tôi đốt đi, tôi sẽ đốt ngay trước mặt cậu, coi như em tôi được. Mà như thế khéo lại hay. Còn nếu cậu nhất quyết làm theo yêu cầu của nhà tôi thì tôi sẽ đưa cho cậu. Bên ruột thịt, bên tình nghĩa, tôi không tự quyết được. Tôi im lặng nhìn những đĩa thức ăn, chỉ muốn cười phá lên. - Cậu ra lệnh cho tôi đi! - Ông ta ôm tập giấy vào ngực, đứng dậy. - Tôi xin cậu đấy. Cậu cũng có anh em, cậu hiểu là tôi đau lòng thế nào chứ. Nào, cậu nói đi? Nói đi! Nói đi! Tại sao cậu im lặng? à, vì cậu là ruột thịt của nhà tôi. Vậy đây, cậu cầm lấy... Tuy ra vẻ giận dỗi nhưng khi tôi đón tập bản thảo nhét vào cặp thì ông ta như thở trút ra. Từ lúc này trở đi ông ta ăn như bò ngốn rơm, đầy hứng khởi, mặt càng bóng lên, đỏ hồng hào và vì thế nom càng đần độn. - Cậu chén đi! - Ông ta phồng mồm bảo tôi. - Chén tự nhiên đi. Tốt nhất cậu quẳng nó đi hộ tôi, cái của chia rẽ anh em ấy, cậu để vào cặp rồi à? Khéo nó nhầu nát đi. Tôi cắm cúi ăn và nghe - đúng như kịch bản. Khi tôi đứng dậy, ông ta nhắc tôi "nhớ cầm theo cặp kẻo thất lạc tài liệu". Ông ta nhìn tôi đóng lại khóa cặp cẩn thận, vẻ tin tưởng rồi tiễn tôi xuống tận chân cầu thang. - Cậu có cái cặp đẹp quá! - Ông ta khiến tôi lại chú ý đến cái cặp. Khóa còn tốt đấy chứ? Mà tôi muốn biết cậu có tủ đựng riêng bản thảo không? Tôi sốt sắng một cách không hiểu được: - Ngay bây giờ em đến tòa soạn! - Nếu cậu mệt thì mai cũng được. - ông ta thở trút ra - Thôi nào, chào cậu. Ông ta nắm tay tôi. Tôi chỉ cảm thấy một cái gì trơn tuột luồn qua lòng bàn tay mình. Nhiều ngày sau tôi vẫn không sao chịu nổi khi nhớ lại những điều mình nói với ông ta. Nhưng tại thời điểm nói ra - tôi vẫn nhớ cảm giác khi ấy - tôi thấy nó vô cùng khôn ngoan. Nếu bạn đã từng ngủ với gái điếm hẳn bạn sẽ thông cảm cho tôi. Sau khi xong việc bạn có thể nôn vì đã hôn vào một cái miệng nhung nhúc vi trùng, mà trước đó bạn đã gắn môi mình vào bằng cảm giác say đắm hẳn hoi. Hôm ấy, sau khi ra khỏi chiếc cổng sắt, tôi cố tìm hiểu xem hàng ngày người ta làm gì trong ấy. - Chẳng làm gì cả! - Gã lái xe nhếch mép và trông gã lúc ấy còn đáng sợ hơn khi gã không nói gì. Tôi đòi xuống dọc đường. Gã nhìn tôi qua gương, nhắc tôi cầm lấy cái cặp rồi lao vút đi. Tôi nhìn theo chiếc xe một đoạn rồi gào to: - Cút đi! Cút mẹ mày đi... Ðồ mặt sành! Tôi mở cặp, kéo tập bản thảo, giở tung ra. Tôi đọc nhanh và thấy chi tiết nào trong đó cũng có khả năng giết người. "Ðồ Tác-tuýp" - tôi hằn học nghĩ. Chợt nhớ ra gói đồ lót, tôi nhét chung vào một bọc rồi dìm tất cả xuống thùng hố ga đen sì. Xong, tôi đi bộ về nhà. -----------------------------------(1) Ông ta không quan tâm đến mối quan hệ trong khi người đối thoại cũng không nhớ mình là "con rể bà dì..." (chú thích của người biên tập)