“Đã mất hết những tháng ngày xưa cũ
Trên đường bay mỏi cánh chim buồn thiu
Mây có về giữa âm thầm giấc ngủ
Chim hoàng hôn khóc ngất ở trong chiều...
Dòng chữ gởi bạn yêu dấu của Ngâu làm anh cảm động. Ngâu viết cho anh đó có phải không? Đúng rồi, Vũ Phượng Hoàng là tên anh, tên một loài chim. Nhưng không bao giờ là một loài chim quý hiếm. Anh chỉ là chim hoàng hôn, loài chim Karaouan phiền muộn, khắc khoải gọi ngày trong đêm sa mạc. Taha Husein đã viết gì về loài chim đó hở Ngâu? Bạn thân của cô bé lẻ loi, bạn thân của cô đơn cùng cực. Ôi, Karaouan Karaouan... Phượng Hoàng khi còn chờ giông gió thì cũng giống như loài Karaouan bé nhỏ.
Hoàng Ngâu, xỉ vả anh đi, khinh bỉ anh đi, nhưng đừng trốn tránh, đừng im lặng. Anh chỉ nói như thầm nhủ rằng anh yêu Ngâu... Mà thầm nhủ thì mong gì ai nghe hở Hoa Vàng yêu dấu? Anh đã lầm lẫn quá lớn lao khi nói những gì với Diễm. Có nhòa có phai không hở Ngâu? Gội dùm anh đi, xóa dùm anh đi. Chúa ơi, anh đã hành động như một tên cuồng ngông mất trí. Anh bằng lòng đánh đổi hết tất cả để được nhìn tờ thư thân mến của Ngâu, những chữ ngông nghênh nối nhau đùa cợt, vui cười. Đời là giấc mộng lớn hở Ngâu, thế thì những gì xảy ra lâu nay chỉ là những giấc mộng nhỏ, không có một tuần ở Nha Trang, không có một đêm sinh nhật, không có một Trần Thị Hoàng Ngâu nào cả trên cõi đời này... Ngâu ơi và Ngâu ơi!
Tại sao Ngâu không nhắc nhở dùm anh rằng anh đã lầm lẫn khi cố tình lôi kéo Diễm vào đời sống? Ngâu có vẻ tán thành và bằng lòng. Ngâu không nhắc nhở, không cản ngăn, không an ủi. Ngâu dửng dưng tất cả mọi chuyện, tất cả mọi điều.
Như tối nay, anh oán ghét Ngâu, thầm nhủ rằng hay mình yêu Diễm cho xong, cô bé dịu dàng ấy sẽ giúp mình lãng quên tất cả. Nhưng trái tim anh không cho phép. Và thật là ấu trĩ khi anh giở trò bốc thăm, lá thứ nhất: Hoàng Diễm, anh giận dữ xé vụn thành chục mảnh. Lá thứ hai cũng Hoàng Diễm... Ngâu ơi em trốn đâu mất biệt. Đừng trốn tránh, anh đáng xa lánh lắm sao? Ngâu, hãy cho anh một hy vọng như ngày nào để anh còn chút gì bám víu, để sống sót sau cuộc chiến. Ngâu là nụ cười, là tin yêu, là ánh sáng. Ngâu ơi và Ngâu ơi!
Ngâu, anh muốn điên lên vì bị dằn vặt. Buổi hành quân khuya anh bước như mơ, tưởng chừng mình là tên lãng tử. Hỏa châu sáng rỡ trên trời soi rõ bóng anh nghênh ngang cao thấp:
Ngựa dừng bên suối vắng
Người giặt lụa xưa đâu
Trăng đầu non soi sáng
Vóc hạc đã qua cầu
Ngựa dừng bên suối vắng
Ngâm vài câu đường thi
Rượu nồng sao bỗng đắng
Đời trăm năm hề chi...
Bạn anh phải nhắc: cẩn thận chút đi nếu còn muốn về nhà nhìn má... sao không có viên đạn nào vô tình bay lạc. Súng đạn thường vô tình lắm mà. Nhưng rồi anh đã bình an trở về, viết cho Ngâu, bàng hoàng vì cái chết đã buông tha mình, bàng hoàng vì tại sao mình còn sót lại những bồng bột của thời tuổi nhỏ.
Ngâu, đột nhiên thèm những viên Arsenic, đột nhiên thèm bay vù ra khỏi cõi tạm này. Có gì giữ mình đâu và có gì vui đâu để mà lưu luyến Ngâu, tình yêu không phải do van xin hay lòng thương hại. Nhưng thôi, anh bỏ hết tự ái để nói với Ngâu rằng: anh yêu Ngâu”.
Lá thư còn dài nhưng em không thể nào đọc tiếp. Em ôm ngực, trái tim đau nhói lên, lọ Coramine trên bàn học là bạn thân, sẵn sàng giúp em chống lại những cơn kính ngất thường xuyên những khi xúc động. Chúa ơi! Tại sao lại có tờ thư này trong lúc tâm trí em đã trở lại những ngày thanh thản, đã bình an mà chấp nhận tất cả mọi điều. Tờ thư đã làm bàng hoàng sống lại những kỷ niệm xưa nhỏ nhặt. Hình sương bóng khói những đâu đâu bỗng hiện về đầy rẫy. Và em có lỗi gì không khi đã để cho lòng chùng chùng yếu đuối. Hoàng, những bóng ma quá khứ đã ám ảnh chúng ta, hiện tại và tương lai xa ngút. Hãy nói với em đi chị Diễm. Em có tội gì không trong cái lẩn quẩn loanh quanh rối trí? Em đã làm gì và sẽ làm gì?
Anh Tiên, hãy mắng em dại dột, hãy la em bướng bỉnh. Nhỏ Hoàng Ngâu đã không giữ lời hứa hôm nào. Cho em yếu đuối thêm một lần này nữa. Nhỏ em thân mến của anh đã làm vô số điều dại dột thì bây giờ làm thêm một điều nữa đâu có hề chi hở anh.
Em có thể nói gì với chị Diễm... hôm qua, chị còn khoe em nhận được thư Hoàng, còn ngồi tỉ mỉ đan foulard cho Hoàng, còn kể cho em nghe những ước mơ đơn giản. Chị Diễm, em không còn là cô em nhỏ dại của ai nữa rồi. Em là một thứ yêu ma tàn phá hạnh phúc chị, một trở ngại lớn lao trên đường chị đi.
Hoàng Ngâu, em nhìn mình trong tấm gương soi mặt lớn. Trời ơi, em đó Trần Thị Hoàng Ngâu kiêu hãnh, kênh kênh, ích kỹ... có cái gì đâu mà yêu em, hở Hoàng? hở Kiên? Em đưa tay quẹt những giọt nước mắt ngân ngấn trên mi. Không thèm đè nén cảm xúc của mình, không thèm cắn môi ngạo nghễ, Hoàng Ngâu không là cái gì hết, phải không anh Tiên? Làm sao Hoàng Ngâu có thể ngạo nghễ khi đã phản bội lòng tin của những người thân mến.
Như một phản xạ vô ý thức, em cầm tờ thư Hoàng đọc tiếp: “Những tiếng nổ gần quá, úp chụp xuống đâu đây. Anh bỗng lãng mạn nghĩ rằng ước chi mình chết với bóng hình Hoàng Ngâu ăm ắp, Hoa Vàng yêu dấu xa xôi! Nhưng anh không thể chết, cái chết không khi nào đến với những người hằng mong đợi, anh phải sống.
Hoàng Ngâu, Hoàng Ngâu, Hoàng Ngâu... anh tưởng mình gọi vang tên Ngâu trong đêm sâu thẳm ắt hẳn tiếng đạn, tiếng bom, bay đến một vùng biển xanh cát trắng. Nhưng không, anh chỉ thầm thầm gọi trong tâm trí, anh thử gọi Hoàng Diễm, xa lạ quá, không có cái âm quen thuộc nào nhắc nhở... Thế mà anh đã dại dột đi nói những gì gì... Ngâu, nếu anh chết, thiên hạ sẽ đem lá thư này đến cho Ngâu, Trần Thị Hoàng Ngâu, 49 L.Đ.H. Ngâu sẽ nghĩ gì? xót thương, tiếc nuối, ngậm ngùi...??
Đừng Ngâu, hãy bắt những giọt lệ mặn lăn giữa tim mình thay vì lăn dài trên má xót xa, Hoàng Ngâu kiêu hãnh chắc cũng hằng tâm niệm điều đó. Hãy can đảm Ngâu! Quá khứ anh đã lỗi lầm thì hiện tại anh phải nhận lãnh hình phạt và hình phạt hình như đã vượt khỏi mọi tội lỗi xa xăm.
Ngâu, anh nói một lần này nữa... Ngâu cao thượng sẽ khuyên anh yêu Diễm như đã và đang khuyên, nhưng giữa hạnh phúc sẽ là Ngâu, hình bóng Ngâu qua Diễm, chị Diễm của Ngâu có thể nào chịu những hình phạt sỉ nhục như vậy không? Và chị Diễm có lỗi lầm gì để phải hứng nhận những hình phạt ấy?
Ngâu có thản nhiên khi nhìn những người thân của mình lao đao? Anh biết Ngâu sẽ thản nhiên. Thản nhiên, anh thù hai chữ đó... Ngâu thương quý, hãy trả lời anh đi. Có phải Ngâu sẽ tha thứ, Ngâu sẽ coi đó là một giấc mơ qua. Chúng ta sẽ bắt đầu, tất cả, Vũ Phượng Hoàng sẽ gửi cho cô bé thi sĩ một tờ thư làm quen ngô nghê vụng dại để nôn nao chờ đợi những giòng chữ hồi âm. Ngâu, sẽ làm lại từ đầu, và lần này anh hứa sẽ không lầm lẫn điều gì nữa cả...”
°
*
Chuyến xe 5 giờ rời thành phố, nhìn quanh ta chỉ một mình. Thôi nha kỷ niệm, ngủ yên và ngủ ngon, những bạn những bè rồi sẽ chỉ là những bóng mây bay, xa mù tít tắp. Khóc đi Hoàng Ngâu, cho một cuộc ra đi không chờ không đợi. Khóc đi Hoàng Ngâu, cho nguôi những thân tình bỗng mất mát, lãng quên. Nước mắt đã chảy ngược về tim rưng rưng buồn bã như tối nào ôm vai mẹ van xin:
- Nghỉ học 2 tháng mới thi, mẹ cho Ngâu về dì Nguyện.
- Thôi, thi xong hãy đi, còn có bao ngày.
Em cương quyết:
- Ngâu muốn về đó học, mát mẻ và yên tĩnh. Ở đây, ngột ngạt khó chịu Ngâu ghét.
Và em dọa:
- Ở đây, Ngâu... thi rớt cho coi.
Mẹ chìu em và ba cũng đồng ý cho em về Huế khoảng thời gian 2 tháng, coi như một đền bù để em chịu học ở Đại học Duyên Hải nơi đây. Chị Diễm, Tích Hương, Hạnh Nhân, Ngự Đàn thắc mắc hỏi han, và em không nói rõ lý do. Nói làm gì khi chính em không muốn nhìn rõ vào sự thật, khi chính em cố dỗ trái tim mình bằng những viên thuốc lãng quên. Đừng nói em trốn tránh, chữ quá nặng đó đừng gán cho em...
Buổi tối Kha đến nghe nói mai em đi Huế, Kha kêu lên:
- Vậy là Hoàng Ngâu cố tình lánh Kha đó nghe.
Em cười (để ngăn mình khỏi khóc):
- Tại sao Ngâu lại tránh Kha đã chứ?
- Vì Kha không tốt.
- Sao Kha lại không tốt?
Em vẫn không chừa cái lối hỏi han dai dẳng như... móc họng người khác như thế, Kha nhăn mặt:
- Giả bộ nữa, lâu nay thiên hạ đồn tùm lum về Kha, Hoàng Ngâu vô tình hay cố ý không biết?
- À, chuyện Kha với mấy người bạn trong ban Holy Heart đó hở?
- Ừ, thiên hạ đồn tụi Kha... trao đổi bạch phiến với bọn Phi Luật Tân ở Nautique Club. Hoàng Ngâu nghĩ sao?
Em ôm vai, cười nhỏ:
- Chỉ toàn là đồn đãi với đồn đãi không à.
- Ngâu tin chuyện đó?
Em lắc đầu:
- Ngâu không tin Kha làm điều đó.
- Tại sao Ngâu lại không tin?
- Vì Kha là bạn Ngâu.
Kha im lặng, em tháo sợi dây cột tóc cầm tay:
- Thiên hạ còn đồn nhiều chuyện gớm ghê hơn nữa là Kha hút đó.
Kha cười:
- Tin không?
- Không, vì Kha đâu có biết hút thuốc.
Kha nhún vai:
- Thiên hạ ác nhỉ, may mà Hoàng Ngâu thông cảm dùm, cám ơn nghe...
- Với lại những người nghiện sợ nước kinh khủng mà chủ nhật nào Ngâu cũng thấy Kha đi tắm biển cả, đó là 3 lý do khiến Ngâu không tin.
- Suy ra Ngâu không tin chuyện kia?
- Ừ.
- Ngâu nghĩ sao?
- Về cái gì?
- Những lời đồn.
- Trời ơi, Ngâu đã nói Ngâu bất cần thiên hạ sự. Kha có giống Ngâu đâu?
Kha nhìn em:
- Bỏ qua chuyện đó, Ngâu hứa là sẽ trở về nghe!
Em gật đầu:
- Ngâu thi và học ở đây cơ mà. Nhưng ghét học ở đây.
Kha nheo mắt chọc:
- Ở đây Ngâu khó lòng chọn lựa, phải không? Dân Đại Học Nha Trang không ra gì hở?
Em chu môi:
- Ờ, Kha nói chơi mà đúng quá.
- Nhưng sang năm có một lớp ngon lắm...
- Lớp nào? Chắc lớp Ngâu.
Kha cười thích thú:
- Không lớp Kha, Lý Hóa hai, toàn là dân học giỏi, đẹp trai cả...
Em chọc:
- Nhưng không biết Kha có lên nổi Lý hóa hai không? Năm nay Kha sẽ rớt và sang năm học lại Lý hóa 1 cơ mà.
Kha kêu lên:
- Trời đất, sao Hoàng Ngâu ăn nói độc địa vậy. Kha rớt sẽ leo lên GMC vào Đồng Đế còn gì.
Em cười:
- Cho đáng kiếp. Ai biểu cả ngày cứ nhảy nhót, đàn hát làm chi.
Rồi Hạnh Nhân nữa, nhỏ chê em yếu đuối, cố tình trốn tránh kỷ niệm, nhỏ nói vu vơ:
- Tưởng Hoàng Ngâu cứng lắm nào ngờ cũng như ai.
Tự ái như bị đè nén, em mím môi cố giữ lòng kiêu hãnh vẻ ngông nghênh lại riêng mình:
- Sợ gì tạ phải trốn và trốn ai?
- Mi sợ kỷ niệm, kỷ niệm là cái quái gì?
- Ừ, kỷ niệm là cái quái gì?
Không là cái quái gì cả nhưng vẫn làm ta bàng hoàng khi nhớ lại. Hoàng Ngâu! Ta có còn là Hoàng Ngâu với những vẻ riêng, dáng riêng gì gì đó nữa đâu, giữa ngàn người ta bị đồng hóa chìm lắng nhỏ nhoi tội nghiệp. Xe ngang qua nhà thờ núi lúc hồi chuông đổ, réo rắc âm vang, nhoài người ra cửa xe nhìn thêm lần nữa: Adieu Nha Trang, Thánh Tâm xưa vẫn còn khép kín đôi mắt, bức tượng trắng đưa tay tiễn cô học trò nhỏ cũng khuất lấp, mù sương...
Sao không khóc đi, Hoàng Ngâu, như ban sáng xách valise chờ xe trước cửa, như buổi tối ôm cây Mandoline dạo khúc Trúc Đào Ca tặng vườn Trúc Đào yêu dấu. Đôi mắt cay cay vì gió lộng và lòng em chùng xuống, dửng dưng. Này thôi hết những thân yêu ràng buộc, mất vai mẹ để tựa đầu kể lể, mất đôi mắt bố thương xót bao dung, không còn vai bạn để tựa đầu ngủ gật trong những đêm lửa trại vui nghiêng trời, lệch đất, hết tiếng đàn của anh Tiên, hết giọng hát dỗ dành, đùa cợt: hãy cứ vui như mọi ngày dầu ngày mai không ai qua đây, hỏi thăm ta một lời... Thành phố biển sẽ quên em, phải không? Tuổi nhỏ thân yêu gởi lại cho Nhà Trắng. Nhà Trắng, Nhà Trắng em gọi cái tên yêu dấu ấy trên môi. Rồi thiên hạ sẽ đâu còn gọi em là cô bé Nhà Trắng nữa. Cái dưng xanh dễ thương ấy sẽ phôi phai, sẽ tiềm ẩn giữa những trái tim xưa cũ …
Trần Thị Hoàng Ngâu sẽ không là gì hết, ra đi là mất mát, là lãng quên. Bằng lòng tất cả hở Ngâu, một thời trung học được phố biển ân cần yêu quý, chỉ một thời nào đó rồi sẽ qua đi, một cô bé khác, kiêu kỳ hơn, xinh xắn hơn, ngông nghênh hơn thay thế. Có ai còn nhớ ta không? Bạn bè sẽ bay về những chốn xa xăm, thất lạc hết những tình thân xưa cũ, có bao giờ tìm thấy lại giữa đời này thênh thang.
Em tựa đầu vào thành ghế, khép mắt, bài tình ca quen thuộc âm thầm qua môi:...Đôi khi ta lắng nghe ta, nghe dòng âm u dội vào đời buốt giá hồn ta ra sao phù du bay về...Còn thấy gì giá mai đây đôi ta còn bạn bè...
Còn bạn bè, đâu có, rồi em sẽ mất hết, từng mẩu tình cảm lâu nay vẫn bỏ quên đâu đó bây giờ cảm thấy cần thiết vô ngần...
Thôi kỷ niệm, ngủ yên đi và ngủ ngoan đi...
°
*
Căn phòng Ấu Sơn nhường lại cho em là một căn phòng đẹp, trang hoàng bừa bãi một cách dễ thương. Có đàn, có sáo, tranh ảnh và trăm thứ lặt vặt khéo tay mà hướng đạo đã dạy cho chú nhỏ. Sách vở Ấu Sơn được dọn lên gác, hôm mới đến, chú nhỏ nói với em:
- Chị Hoàng Ngâu được hưởng quyền ưu tiên thượng khách.
Chiếc bàn viết của chú nhỏ cũng được em trưng dụng, chú nhỏ cười rất kênh kênh:
- Biết đâu nhờ dựa hơi Ấu Sơn, chị sẽ thi đậu. Ấu Sơn học gồ ghề lắm.
Em cười, khi dọn dùm những món đồ để trên bàn viết, tấm hình em khoanh tay, ngẩng mặt trên gềnh đá cao chót vót ở Bích Đầm mà Tích Hương chụp hôm nào và dòng chữ... phụ đề Việt ngữ của nhỏ còn ghi rõ nét: Nghinh nghinh vốn sẵn tính trời.
Ấu Sơn xoa hai tay khi em lôi chiếc bình hoa bằng vỏ ốc ra để trên bàn, nheo mắt chọc:
- Có vẻ con gái lắm, nhưng chưa có vẻ gì là... Nhà Trắng.
Em lục tung valise tìm chiếc thuyền kết bằng vỏ sò, ốc và điệp ra:
- Có vẻ Nhà Trắng chưa?
Chú nhỏ mân mê chiếc thuyền:
- Đẹp, của ai cho chị?
- Ô, hỏi gì mà chạm tự ái quá chừng chừng, chị làm chứ ai cho?
- Vậy hở, cho Ấu Sơn.
Em định lắc đầu, đó là món quà duy nhất định gởi Hoàng khi nghe Hoàng nói ở đó không một thứ gì có thể gợi lại Nhà Trắng thân yêu. Những vỏ ốc nhặt ở Đại Lãnh, bãi Thiên Thai, rừng Khuynh Diệp, đồi Tuyệt Vọng và trên biển trong những trưa nắng hanh hao. Nhưng có phải bỏ đi là em đã từ chối một tình thân xa cách, thì còn gì để mà nâng niu gìn giữ những kỷ niệm làm chùng chùng trái tim yếu đuối. Vất bỏ hết đi, nguôi ngoai hết đi, đốt xé hết đi, kỷ niệm là cái quái gì khi nó làm đau lòng ta quá đỗi, những gì làm vướng bận tâm trí, làm ta vùi xóa lòng tự kiêu, tự ái, làm ta chìm lắng mất như hạt cát trong muôn nghìn hạt cát, như giọt nước nhỏ nhoi giữa trùng trùng biển khơi. Em gật đầu không chút ngần ngại:
- Ừ, cho Ấu Sơn đó.
Chú nhỏ cười:
- Mà... Ấu Sơn không thích là cái giỏ rác nghe!
Em kêu lên:
- Chúa ơi! Nghĩ vậy hở, không khéo mà đúng đó.
Ấu Sơn nhíu mày:
- Nhưng Ấu Sơn sẵn lòng làm cái giỏ rác để chị tùy nghi sử dụng... vất bỏ hết những nỗi buồn chán, thất vọng gì gì ở đâu đó.
Em cảm động nhưng cố dấu những cảm xúc của mình của Ấu Sơn 16 tuổi, chỉ là một chú nhỏ thôi, chú nhỏ thì biết cái quái gì về nỗi buồn nỗi đau, sự trốn chạy và hạnh phúc... Ấu Sơn nhỏ quá để em nói được những gì mình ấp ủ trong hồn, còn dấu diếm và thèm một lần bày tỏ với ai ai...
Mà thôi, ta cần gì phải nói, cần gì phải phơi bày những ý nghĩ mình, những phần hồn mình. Để làm gì khi tất cả mọi sự đều không như ý muốn. Có thể gọi đó là định mệnh được chưa. Thế thì em đâu có được cuộc đời ưu đãi như em thường nghĩ và thiên hạ thường nói. Em đã đầu hàng định mệnh, chịu thua và trốn chạy. Rồi đời ai cũng có những ngã rẽ buồn đau. Có quá sức em lắm không khi em ở trong trường hợp chỉ có một con đường duy nhất phải chọn. Không đứng yên, không tiến thêm một bước, chỉ quay lưng và trốn chạy. Rồi tất cả sẽ qua, thời gian xóa mờ bao vết thương, nhưng còn dấu tích? Em không thể bướng bỉnh như lần nào đã bướng với anh Tiên: “dấu tích, dấu tích là cái gì? Vết hằn nhỏ xíu đâu có làm khuôn mặt dễ thương trở thành xấu xí. Vết sẹo nhỏ biết đâu sẽ là chút duyên thầm...” vì em đã biết, đã cảm nhận rằng một hạt cát nhỏ nhoi cũng vương vướng khó chịu, một hạt bụi cũng làm em rơi nước mắt. Thế thì một dấu tích, dù khiêm tốn nhỏ nhoi cũng sẽ làm ta đau đớn, một phần đời hoặc đời đời không nguôi.
Buổi tối định viết thư về Nha Trang, nhưng khi nghe Ấu Sơn đàn ngoài hiên, em gấp vở ra theo. Nhà dì Nguyện có những cây sứ trắng lêu nghêu cao ốm làm em nhớ đến sân Trúc Đào và những gốc hoa vàng quá đỗi. Nhớ cả những chiếc kén đẹp như mạ vàng, mạ bạc loang loáng ánh trăng nằm chờ ngày hóa bướm. Nhớ căn nhà rộng, nhớ mẹ, rưng rưng. Tiếng hát Ấu Sơn lây lất quanh không khí, trầm ấm như lời ru giấc cuối. Hát nữa đi Ấu Sơn: “từng người tình bỏ ta đi như những giòng sông nhỏ, ôi những giòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa...” Hát nữa đi chú nhỏ thân yêu “Đôi khi ta lắng nghe ta, nghe dòng âm u dội vào đời buốt giá, hồn ta ra sao phù du trôi về...” Phải đó Ấu Sơn, bây giờ thì chỉ còn ta lắng nghe ta mà thôi... nghe từng hơi thở ấm nồng qua môi nhỏ, nghe từng tiếng nói mà ngày xưa đã được yêu dấu gọi là nhõng nhẽo nhất Nha Trang bây giờ lẻ loi cô đơn hơn hết. Nghe từng tiếng hát muộn phiền thoát ra từ môi khô, chỉ còn lại tiếng ta ru ta rất đỗi ngậm ngùi rất đỗi trìu mến thiết tha...
Ấu Sơn chuyển qua một điệu nhạc khác rộn ràng tươi vui, em nhăn mặt:
- Dở ẹt!
- Chê nữa, Ấu Sơn là tay đàn nổi tiếng của Quốc Học, chị biết gì!
- Không phải chê đàn dở, chê Ấu Sơn chuyển mạch dở ẹt, làm luận chắc ăn dê rô.
Dì Nguyện bước ra, mắng nhẹ:
- Ấu Sơn không để chị Ngâu học gì cả. Về đây dọn thi chớ phải về đây nghỉ hè đâu.
Ấu Sơn nhăn mặt nhìn em, chú nhỏ đùa:
- Có chị Ngâu mẹ hất hủi con ra mặt.
Em cầm cây đàn giúp Ấu Sơn khi chú nhỏ đứng dậy:
- Chị vào nhà nghe, cất dùm luôn.
Em hỏi:
- Đi đâu?
- Tới nhà bạn.
- Chở đi với.
Chú nhỏ lắc đầu:
- Học đi, đừng làm Sơn bị mắng nữa.
Em theo dì Nguyện vào nhà, ngồi ở bàn học em dì Nguyện hỏi vu vơ những chuyện ở Nha Trang. Dì Nguyện nhắc em uống thuốc làm em nhớ mẹ quay quắt, buổi tối ở đây không dám uống một ly sữa lớn vì sợ Ấu Sơn cười, buổi sáng không có tách sữa thơm chocolate mà chỉ có những món bánh gì gì đó. Hộp sữa mẹ xếp theo valise hôm nọ bị Ấu Sơn bắt gặp em phải chống chế rằng để chị cắm nến học những tối cúp điện.
Em tưởng là mình đã lớn khi xuống phố một mình sắm những món đồ mà ngày ở Nha Trang chỉ vòi mẹ sắm cho, không biết giá nên cứ lơ ngơ mua hớ.
Nhưng những buổi tối như đêm nay, thèm ôm mẹ kể lể, thèm một bàn tay vuốt tóc, thèm những săn sóc mà hồi đó em vẫn từ chối. Mẹ ơi, mẹ ơi! Như vậy em vẫn còn nhỏ lắm, ít nhất là hai người biết điều đó, là em và mẹ. Phải không?
Thôi chắc Trần Thị Hoàng Ngâu bướng bỉnh sẽ trở về, xà vào lòng mẹ khóc vùi vì đã trót mải mê theo những đường bay chim lạ. Hoa vàng chỉ rụng êm ái trên một con đuờng xanh nào đó. Xa con đường, hoa vàng sẽ bay mãi, tản lạc muôn phương và khóc vùi vì không tìm ra đường cũ. Hoàng Ngâu là Hoa Vàng kiêu sa nhưng lẻ loi tội nghiệp biết bao chừng nào khi bơ vơ trong những môi trường xa lạ.
°
*
- Cô bé trông xinh tệ!
Em cúi xuống để dấu nụ cười, xinh và tệ, hiểu theo một cái nghĩa rất... Hoàng Ngâu như thế để cười cho vui
- Có vẻ như là một người lạ nào đến đây, phải không?
Em không trả lời và cũng không nhìn người đối diện. Trông hắn ra sao nhỉ? Em tò mò nhưng không ngước lên. Buổi chiều tắt nắng ra đây học, công viên xác xơ ngay trước mặt nhà mà Ấu Sơn đã gọi một cách thơ mộng là công viên Hoàng Hôn, chú nhỏ nói rằng rất mê nhìn bóng mặt trời rơi qua những tàn cây, em cũng đã nhìn, thấy thua xa lắc xa lơ buổi chiều trong rừng Khuynh Diệp ngắm mặt trời đỏ rực chìm dần qua lá nhỏ đan nhau. Bất cứ cái gì Ấu Sơn yêu thích đều bị em chê sát đất. Chú nhỏ hận lắm, bĩu môi chanh chua:
- Làm như chị là dân Nha Trang chính cống.
Cái bóng đứng án trước mặt làm tối trang vở bỗng dạt qua một bên, cũng giọng nói cũ vang lên:
- Ai lạ đến thành phố này tôi đều biết!
Em lật qua trang khác, vờ như không nghe.
- Sự bất quá tam, thôi từ giã cô bé.
Chợt thấy như có bóng bước đi và tiếng chân dời chỗ, em bỗng gấp quyển vở gọi lớn lên:
- Ê...
Và ngước lên – Hắn, ô, phải gọi là ông ta chứ - ông ta vẫn còn đứng đó trong cái tư thế nghêng ngang:
- Tưởng rằng tượng đá không biết nói?
- Tôi giống tượng đá lắm sao?
Ông ta gật đầu:
- Kha khá giống vì lá rơi trên vai mà không thèm nhặt.
Em đưa tay lên vai, hất ngọn lá vàng.
- Cô bé từ đâu tới? Đà Lạt, Saigon, Nha Trang...
Em cười:
- Ông nghĩ là từ đâu?
Ông ta đáp không ngại ngần:
- Đà Lạt
- Sao thế?
- Vì cô bé da trắng, má hồng, môi đỏ.
Em đưa tay lên má hây hây nóng vì những giọt nắng chiều rơi lại, nắng ở đây làm khô úa môi thế mà ông ta lại cho rằng ngộ nghĩnh.
- Sao, đúng không?
- Không, ở một nơi ngược với Đà Lạt, bên rừng bên biển...
Ông ta reo lên:
- Nha Trang, sao bỏ đó về đây ngược ngạo, mùa hè mà!
- Thích như thế!
Ông ta ngồi xuống gốc cây bên cạnh, hỏi:
- Học bài gì đó?
- Học thi.
- Giỏi quá!
Em hơi bực mình, cúi xuống với bài học mình:
- Thôi ông đi chơi cho tôi học.
- Đuổi hở?
Em mím môi:
- Không dám đuổi, mời đi thôi.
Ông ta đứng lên:
- Mời thì đi, đuổi thì ở lại, cám ơn đã cho tôi những phút vui.
- Không có chi, chào ông!
Ông ta lắc đầu:
- Nói như đuổi vậy mà bảo mời. Chào cô nhỏ!
Ông ta hạ em xuống một bậc nữa, từ cô bé xuống em nhỏ. Tưởng nói chuyện vài phút vậy là thân quen rồi sao. Em không trả lời …
- À, tên em nhỏ?
- Hoa Vàng.
Người đàn ông cười vui thú:
- Thế thì tôi là Lá Tím. Dễ thương ghê, thôi tôi đi để em nhỏ học bài nghe.
Em gật đầu, Lá Tím... Làm quái gì có một thứ lá nào màu tím, chắc ông ta diễn nôm từ Tử Diệp, sao không là Lá Chết nghe âu sầu buồn bã hơn? Em nghĩ lan man về cái tên kỳ dị. Ừ chắc ông ta cao ngạo đòi làm một thứ Lá Tím kiêu sa trong tiệm Kim Hoàn chứ không thèm là một thứ lá úa chết dẵm dưới chân ai. Còn em, ông ta có biết em là Hoàng Ngâu không nhỉ? Chắc là không, có thâm nho lắm ông ta cũng chỉ dịch là Hoàng Hoa thôi. Vì Hoa Ngâu Vàng đâu có trong thành phố này, thành phố cổ kính chỉ toàn là hoa Sầu Đông phơn phớt tím hương bay nhẹ nhàng trong đêm, đâu có loài hoa kiêu sa mà không thoáng một chút hương nồng. Thôi, em là Hoàng Ngâu; chỉ tung phấn hương ở một nơi nào khác. Ở đây phố lạ người xa, thì hỡi em tội nghiệp đừng nhắc đến một kỷ niệm nào trót đã chìm giữa tiềm thức tối tăm.
Em đứng lên, mặt trời khuất sau dáng núi. Nhà đã lên đèn; trên căn gác nhỏ, Ấu Sơn rọi đèn pin đánh Morse cho em “Hoa Vàng về gấp!”. Ô, chú nhỏ tinh nghịch, ôm sách vở em chạy về nhà, sỏi đau đau dưới chân.
°
*
Ấu Sơn đi chơi về, thấy em ngồi học bên cửa sổ, chú nhỏ dựng xe cười mỉm:
- A, chị Hoàng Ngâu danh tiếng lẫy lừng kinh khủng.
Em ngạc nhiên ngẩng lên:
- Cái gì, tán chị đó hở?
- Không, Sơn đâu dám hỗn với... người khác.
Em bĩu môi:
- Vòng vo tam quốc mãi. Nói lẹ lên cho tui học.
Ấu Sơn kêu lên:
- Ghê gớm ơi là ghê gớm, sợ nói ra điều này chị không học được nữa đó chớ.
Em lắc đầu, đùa:
- Không bất cứ gì làm ta vui, không bất cứ gì làm ta buồn, dửng dưng vô cảm lâu rồi.
- Nhưng điều này làm chị cảm động khóc ngất được.
Em dậm chân:
- Trời đất ơi, em út gì mà ác đức. Nói đi!
Ấu Sơn ngồi xuống chiếc ghế cạnh đó, chú nhỏ vẫn từ tốn một cách thản nhiên chọc tức, đưa cái gói nhỏ ra trước mặt, cười:
- Đố chị cái gì?
- Không biết.
- Không biết mới đố, đoán đi, cái này là món ruột của chị.
Em hơi háo hức:
- Ăn được không?
- Còn tùy, nhưng chắc được.
- Ô mai?
- Sai.
- Kẹo đỏ?
- Trật lất, chị tham ăn quá trời.
Em chán nản:
- Không thèm đoán nữa, mà cái đó của Sơn hay của ai?
- Của ông bạn.
- Cái gì mà quái đản vậy? Ông bạn nào?
- Bạn lớn của Sơn, bạn mới của chị.
Em lắc đầu:
- Ở đây, chị không có ai là bạn cả.
Ấu Sơn tròn mắt:
- Đùa, vất Trần Tử Diệp vào cái xó nào rồi.
A, Trần Tử Diệp, tức là Lá Tím một chiều nào trong công viên Hoàng Hôn, nhưng sao Ấu Sơn biết, chú nhỏ giao thiệp rộng ghê. Em cười:
- Ừ, quên mất. Nhưng ông ta đâu phải là bạn chị.
- Chứ là gì?
- Một người lạ “người cũng chỉ như muôn ngàn kẻ khác”.
- Thế thôi à?
- Ừ, tóm lại ông ta không là cái chi chi của chị cả.
Ấu Sơn không tin mấy, chú nhỏ tròn mắt:
- Thế sao ổng hỏi Hoa Vàng?
- Chị nói.
Ấu Sơn kêu lên:
- Như vậy tức là quen rồi đó chị Ngâu ơi.
- Thôi quen cũng được. Rồi ông ta gởi cái gì vậy?
Ấu Sơn đưa cho em:
- Không biết, chị mở ra coi, hy vọng Ấu Sơn có phần trong đó.
Em cầm lấy, chiếc hộp nhẹ hẫng như không có gì.
- Đừng cảm động quá nghe chị Ngâu.
Em cười, mở ra thấy một chiếc xương lá mỏng manh như tơ nhện có ẩn chữ Hoa Vàng thật đẹp. Đưa Ấu Sơn coi, em nói:
- Nhỏ không có phần rồi, hận không?
Ấu Sơn nhún vai:
- Không chút nào, lại càng mừng vì có bà chị ngon lành hơn ai.
Em chồm qua cốc đầu Ấu Sơn:
- Gì mà ngon lành, nói nghe dễ sợ.
- Thật mà, ổng “tàn khốc” lắm, mad hạng nặng đó nghe. Mấy cô nhỏ ở đây mến phục và cũng ngán ổng lắm.
Em mỉm cười định đọc câu triết lý lẩm cẩm cho Ấu Sơn nghe nhưng không có hứng. Ô, mad gặp mad hai cái đụng nhau sẽ cùng dội ra hay cùng vỡ nát, nào có ăn thua gì. Em đùa:
- Ừ, để chị xẻo trái tim của ông ta ném xuống cửa Thuận An cho thiên hạ nguôi hận nhé!
Ấu Sơn vươn vai:
- Cám ơn chị trước, ở đây không ai trị được ổng, gàn gàn bướng bướng dễ sợ.
Em cũng thấy vui vui trong trò đùa mới:
- Chị bỏ Nha Trang về đây trị ổng nghe.
Ấu Sơn tròn mắt:
- Hứa đi.
Em lắc đầu. Ô chẳng bao giò em bỏ được Nha Trang, chỉ một tháng xa mà quay quắt nhớ điên cuồng mong. Mẹ ơi! Nói với em rằng em đã lầm lẫn lớn khi cố tình trốn chạy. Có ích gì đâu khi bỏ đi mà lòng vẫn mang mang tiếc nuối; từ một phương mà bùi ngùi nhớ một phương. Ấu Sơn vào nhà trong, em bỏ bàn học chạy ra vườn. Nắng rơi rớt bên kia hàng cây. Chắc giờ này mẹ đang làm cơm, bố đang đọc báo và chị Diễm quanh quẩn đâu đó trong nhà. Tích Hương, Ngự Đàn, Hạnh Nhân đang bận bịu với những bài vở. Chỉ có em lơ ngơ chẳng làm việc gì xong cả. Bài vở còn đầy trên bàn và trí óc thì trống rỗng. Năm thi của em phải không? Sao em chẳng hề quan tâm đến. Em hái một đóa hồng trắng để thay thế cành Ngọc Anh vừa héo trên bàn học, bỗn dưng nhớ Hoàng mang mang, Hoàng đang làm gì đó? Ô cái xứ bùn lầy quanh năm có thể nào Hoàng ngờ rằng em đã bỏ xa thành phố cũ, thành phố có những thân yêu ràng buộc đời đời kiếp kiếp. Hoàng sẽ không bao giờ ngờ điều ấy có phải thế không?