Phần II
HƯỚNG VÊ TỔ QUỐC

Từ sau năm 1947 cho đến năm 1951, dù vẫn phải tiếp tục chữa bệnh ở các Sana, nhưng khi đã giải quyết được những bế tắc về tình cảm, về vị trí, sự nghiệp... tôi có cảm giác là cuộc sống mình được thông suốt, có định hướng rõ ràng, tập trung vào ba việc: Tự rèn luyện chữa bệnh, tham gia phong trào Việt kiều yêu nước, tham gia chi bộ Đảng Cộng sản Pháp trong bệnh viện.
Việc hoạt động trong chi bộ Đảng Cộng sản gắn liền với việc học tập nâng cao trình độ văn hóa, lý luận để tham gia có hiệu quả vào cuộc đấu tranh chính trị sôi động trong môi trường sinh viên, trí thức thời bấy giờ.
Nội bộ nước Pháp phân hóa thành hai phe, bên hữu, bên tả. Bên tả, xung quanh Đảng Cộng sản có Công đoàn, một số đảng phái nhỏ, một số trí thức tiến bộ không theo đảng phái nào... Lập trường bên tả lúc đó là đấu tranh cho việc tăng cường dân chủ hóa, cho nhiều đạo luật bênh vực quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, kể cả của nông dân, tiểu nông đang bị phá sản do không đủ điều kiện sử dụng nông cụ cơ giới hóa. Về mặt quốc tế, bên hữu theo Mỹ, bên tả theo Liên Xô. Tuy phía Mỹ có lợi thế về tài chính và khoa học kỹ thuật, nhưng về chính trị, văn hóa, tư tưởng thì dư luận nước Pháp nghiêng hẳn về Liên Xô. Qua đại chiến thế giới thứ II, tội ác đẫm máu của phát-xít tiêu diệt một lúc hàng mấy triệu người cho ta thấy chế độ tư bản đến lúc nào đó tỏ ra rất tàn nhẫn, làm cho tinh thần chống chủ nghĩa tư bản lên cao. Việc Liên Xô đánh bại Hitler cứu được Âu châu khỏi thảm họa phát xít là một thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Vì thế học thuyết Mác trở thành trung tâm của cuộc đấu tranh tư tưởng văn hóa ở Pháp cũng như các nước khác ở châu Âu. Cuộc đấu tranh này diễn ra trên nhiều mặt: về chính trị, về đạo lý có những xu hướng khác như truyền thống lâu đời với giáo lý cao siêu của Thiên Chúa giáo, xu hướng dân chủ tư sản, xu thế hiện sinh; hòa bình và chiến tranh; tính Đảng trong khoa học, khoa học vô sản, khoa học tư sản... Việc ông Gơrigôri, người được giải thưởng Nobel độc nhất của Pháp, bị cách chức ủy ban Khoa học Nhà nước, lúc phe thân Mỹ lên cầm quyền, gây sự bàn tán xôn xao trong giới trí thức.
Trong môi trường bệnh viện gồm toàn trí thức, những cuộc tranh luận rất sôi nổi. Bệnh viện thường xuyên tổ chức những buổi họp mời các nhân sĩ từ ngoài vào, trong đó có những chính khách và học giả nổi tiếng. Mỗi lần như vậy lại gây nên những cuộc tranh luận trong chi bộ ở trình độ khá cao, vì đảng viên hầu hết đã qua đại học, đã nghiên cứu khoa học, có cả giáo sư.
Hồi đó, vết mổ của tôi còn bị khoét rộng ra tôi chưa đứng dậy đi lại được, nhưng mỗi lần có cuộc họp hoặc chiếu phim, bệnh viện đều bố trí cho ngồi xe lăn, nên tôi đều tham dự được. Nói vậy để thấy người ta tôn trọng quyền chính trị của bệnh nhân chu đáo biết chừng nào.
Lẽ tự nhiên khi các vấn đề trình bày, thảo luận liên quan tới Việt Nam, chiến tranh Việt Nam, thì anh em giao cho tôi chuẩn bị và phụ trách, tôi tích cực tham gia mọi hoạt động. Đến năm 1949 tôi được kết nạp vào chi bộ Đảng tại bệnh viện.
Cũng năm ấy xẩy ra một vụ tôi còn nhớ đến bây giờ. Có vị nghị sĩ Chủ tịch ủy ban về Đông Dương của Quốc hội Pháp đến nói chuyện tại bệnh viện. Vị này là người của Đảng thuộc phe chủ trương chiến tranh kiên trì nhất chống cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Đây là một chính khách cáo già, ăn nói hùng hồn, lưu loát, tuyên truyền cho luận điệu Bảo Đại là đại diện cho dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh là một nhóm phiến loạn.
Thuyết trình xong, vị ấy hỏi ai có ý kiến. Tôi lên nói rõ ràng trong hơn 15 phút, dựa vào những thực tế đã nắm được qua nhiều nguồn thông tin, trong đó có cả báo cáo mật của tướng Revers (là tướng chỉ huy quân sự ở Đông Dương) bị tiết lộ mà anh em Việt kiều đã thu thập được, chứng minh rằng 90% nhân dân Việt Nam đều đứng sau chính phủ Hồ Chí Minh, có cả tôi và đa số Việt kiều ở Pháp. Chưa bao giờ có một vị thuyết khách nào đến bệnh viện này lại rơi vào một thế bí như vậy.
Mấy hôm sau đó, có một người thuộc loại phát-xít cực đoan, làm kiến nghị lên Ban Giám đốc bệnh viện bảo "Tay Viện này là một tay chống chính phủ Pháp, ta không thể nuôi ong tay áo mãi, ta không thể tiếp tục chăm sóc nuôi dưỡng nó tử tế như thế này được nữa". Lập tức hầu hết mọi người trong bệnh viện đều kiến nghị lên Ban Giám đốc là không chấp nhận ý kiến của nhóm kia, không phải trên quan điểm là đồng ý kiến với tôi tán thành Chính phủ Hồ Chí Minh, mà trên quan điểm ông Viện làm bác sĩ ở bệnh viện Paris vào đây điều trị là phần phúc lợi của người lao động, không thể nào vì ý kiến chính trị mà tước bỏ quyền lợi đó được. Mặt khác, trong mấy năm ở bệnh viện, tôi là người đứng đắn, nghiêm túc, được mọi người - kể cả Ban Giám đốc cảm mến, nên cuối cùng kiến nghị của bọn phát-xít kia bị gạt bỏ.
Anh em thường phân công cho tôi thảo ra những văn kiện như truyền đơn, phát biểu... in thủ công để phân phát tại chỗ. Tôi cũng tham gia việc giảng dạy văn hóa, lý luận cho Đoàn Thanh niên của Đảng tại bệnh viện công nhân bên cạnh, ở đó có khoảng một nghìn người. Những việc trên cũng là dịp để tôi tự trau dồi, nâng cao trình độ của mình.
Năm 1951, sau khi ra viện, tôi nhận trách nhiệm phụ trách tổ chức Việt kiều ở vùng lân cận ngay cạnh Grenoble. Gần 20 sinh viên Việt Nam ở trường đại học, mà hầu hết là người miền Nam, và khoảng 20 công nhân Việt Nam làm những hãng tư nhân của Pháp gần đó, họp thành một nhóm tổ chức Việt kiều. Lúc này cuộc kháng chiến trong nước lên cao và cuộc đấu tranh của Đảng Cộng sản Pháp chống chiến tranh bắt đầu mạnh nên Việt kiều có chỗ dựa, mọi công việc tiến hành được trôi chảy.
Tôi thường tổ chức học tập văn hóa cho anh em công nhân và phổ biến tình hình chính trị cho anh em Việt kiều, dựa theo tài liệu từ Paris gửi xuống. Ngày Tết thì một tổ chức của Đảng, đặc biệt là Quận trưởng của một ngoại ô thành phố Grenoble cho chúng tôi mượn địa điểm để tổ chức ngày lễ, có đóng kịch, trang trí đàng hoàng, khẩu hiệu hẳn hoi. Công nhân và sinh viên cùng làm rất vui. Ngoài Việt kiều, có mời cả người Pháp đến dự, khoảng chừng vài chục người.
Tờ báo của Đảng Cộng sản địa phương mỗi năm có một ngày hội, tổ chức hội chợ, triển lãm có hàng vạn người đến xem. Chúng tôi làm một gian trưng bày hàng Việt Nam rồi bán, đặc biệt là thức ăn, trong đó chả giò, nem rán bán rất được giá, các bạn Pháp rất thích món này. Khi các tổ chức của Đảng Cộng sản, của phong trào hòa bình có những hình thức ủng hộ Việt Nam hay ra đón những người như anh Henri Martin, thì anh em Việt kiều đều tham gia rất tích cực.
Riêng tôi vì không đi làm, đi học nên có thì giờ trực tiếp tham gia công tác của Đảng bộ Grenoble. Do đó, có điều kiện quen biết các đồng chí lãnh đạo Đảng bộ của tỉnh Touvet, bí thư Đảng ủy tỉnh trưởng, các nghị sĩ, các giáo sư đại học... tạo nên thuận lợi lớn cho công tác. Dần dần tôi cũng trở thành như một nhân vật của tỉnh Grenoble, được các bạn Pháp mến mộ, mời đến nói chuyện. Tôi cũng tham gia viết bài cho tờ báo của Đảng. Trong những đợt tuyển cử, tôi cũng đến chỗ Đảng bộ giúp việc.
Thời gian đó, tôi sinh hoạt ở chi bộ khu phố của Đảng Pháp là chi bộ Ileverte có năm người (hai công nhân ở hai xí nghiệp, một ông kế toán, một bà về hưu và tôi) chia nhau làm những việc như đi bán báo, rải truyền đơn v.v... Thành phố Grenoble có mấy cái cầu bắc qua sông. Ban đêm, chúng tôi lấy hắc ín kẻ lên cầu đá trắng chữ to "Phải ngừng chiến tranh ở Việt Nam". Đề phòng cảnh sát đi tuần bắt gặp, anh em không giao cho tôi trực tiếp kẻ khẩu hiệu, vì nếu tôi bị tóm thì tội nặng hơn công dân Pháp. Tôi chỉ đứng xa, giả vờ như đi dạo mát, nếu thấy cảnh sát đi tuần thì ra dấu hiệu để các đồng chí ấy kịp lánh đi.
Ngoài Đảng Cộng sản Pháp và các tổ chức tiến bộ Pháp, chúng tôi còn quan hệ với hai nhóm chính trị khác: nhóm Algérie, phần đông là công nhân, nhóm Tây Ban Nha. Mỗi lần có hội họp hoặc ngày lễ, ngày tết, chúng tôi đều mời các bạn đó đến dự. Những cuộc gặp gỡ chung như vậy, bên cạnh Việt kiều còn có các bạn Pháp, Algérie, Tây Ban Nha, thể hiện một không khí thân mật gắn bó với nhau trên tình quốc tế như một đại gia đình rất vui. Còn nhớ có lần phong trào hòa bình ở Pháp tổ chức cho tôi trình bày vấn đề Việt Nam. Có một nhóm Pháp thực dân khoảng 12 người định đến quấy phá, gây chuyện. Được chúng tôi báo trước, hôm ấy trên 30 anh em Algérie bước vào phòng với tư thế sẵn sàng đánh trả nếu có kẻ gây rối, làm cho bọn kia phải sợ, ngồi im thin thít.
Trong nhóm Việt kiều hồi đó, có anh Hoàng Cao Tân - cháu nội Hoàng Cao Khải - là luật sư. Anh lấy một người vợ Pháp. Anh cũng vào Đảng Cộng sản Pháp và năm 1954 thì về Sài Gòn. Anh bị chính phủ Diệm bắt bỏ tù một thời gian, sau nhờ có vợ người Pháp nên xin được ra tù và về Pháp ở. Anh vẫn là người yêu nước và luôn luôn tuyên truyền cho tổ chức Việt kiều. Ngoài ra các anh em Việt Nam khác trẻ hơn tôi, sau hiệp định Genève, đa số về miền Bắc.
Gần một năm hoạt động ở Grenoble là dịp để tôi tập dượt công tác tổ chức Việt kiều với hai thành phần chủ yếu là công nhân và sinh viên, mặt khác tạo được mối quan hệ với các tổ chức Đảng và các tổ chức tiến bộ khác của Pháp để sau này về làm việc ở Paris, nơi trung tâm điều hành các hoạt động của Việt kiều tại Pháp.
Việt kiều ở Pháp hồi đó gồm có: Khối đông nhất là những anh em công binh bị bắt sang từ thời 39 - 40, sau chiến tranh không về nước mà ở lại làm công nhân ở các xí nghiệp tư của Pháp; một số anh em sinh viên sang Pháp học từ sau 49 - 50 để trốn việc bị bắt lính cho chính quyền Bảo Đại mà Pháp định thành lập, số sinh viên này ngày càng đông; một số các cụ sang từ trước đại chiến thế giới thứ nhất, có mấy cụ đã từng làm việc với Bác Hồ, như cụ Ty, cụ Mạc, được anh em rất kính nể. Ngoài ra, có một số trí thức ở trong nước sang sau những năm 46 như anh Nguyễn Mạnh Hà, anh Nguyễn Ngọc Bích, Hoàng Xuân Hãn... Một số anh em trước làm thủy thủ, một vài người buôn bán. Việt kiều tập trung đông nhất ở Paris. Tổ chức Việt kiều hồi đó gọi là Văn hóa liên hiệp, anh Phạm Huy Thông phụ trách chung, anh Trần Thanh Xuân phụ trách bên Đảng. Xung quanh hai anh có một nhóm sinh viên và công nhân.
Văn hóa liên hiệp có một văn phòng để in báo và nhận thư từ, có quán cơm, địa điểm để tập hợp anh em. Thường xuyên có những cuộc gặp chung để phổ biến, trao đổi tình hình. Những ngày lễ lớn, đặc biệt là ngày Tết và Lễ Độc lập 2-9, có những cuộc biểu dương lực lượng nhân danh tổ chức Pháp hoặc Phong trào hòa bình, huy động Việt kiều và mời người Pháp đến dự rất đông. Ngoài nội dung chính trị, có cả phần văn nghệ do anh em công nhân và sinh viên trình diễn sau mấy tháng trời tập luyện vất vả vào buổi tối, ngoài giờ đi làm, đi học, kể cả những tháng trước Tết trời rất rét. Điều thú vị nhất là tổ chức thành công được những cuộc biểu dương lực lượng, tỏ rõ thái độ ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh ở ngay thủ đô của nước Pháp.
Thời đó Đảng Cộng sản Pháp đang có uy tín, nhiều thị trấn ở ngoại ô Paris dân bầu thị trưởng là đảng viên Cộng sản. Cứ đến tháng 9 là ngày hội hàng năm của báo l'Humanité của Đảng Cộng sản, họ tổ chức tập hợp nhân dân Paris và các tỉnh về dự tại những công viên lớn, những khu rừng lớn trong hai ngày liền. Nhờ danh nghĩa của một chi bộ nào đấy ở Paris, chúng tôi tổ chức triển lãm một gian hàng Việt Nam và gửi kiến nghị lên chính phủ Pháp. Trong hai ngày ấy, các bạn Pháp dùng cơm Việt Nam, đặc sản Việt Nam. Đáng phấn khởi nhất là giữa trung tâm nước Pháp, trong lúc Pháp đang đánh Việt Nam, mà lại có một gian hàng Việt Nam rực rỡ lá cờ đỏ sao vàng. Không có Đảng Cộng sản Pháp thì không sao làm được như vậy.
Ngoài công việc chung, tôi được phân công vấn đề làm thế nào dùng tiếng Việt trong khoa học nhằm giúp anh em Việt kiều nâng cao trình độ tiếng Việt và khoa học để chuẩn bị sau này về nước hoạt động. Được sự cộng tác của một số anh em như anh Nguyễn Hoán, anh Thiềm và sử dụng các quyển từ điển của Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, chúng tôi ra tờ "Khoa học và ứng dụng", theo kiểu tạp chí hai, ba tháng một kỳ.
Hoạt động sôi nổi của tổ chức Việt kiều góp phần hỗ trợ phong trào của Đảng Cộng sản Pháp, của nhân dân Pháp đòi hòa bình, chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, hạn chế khả năng huy động quân nghĩa vụ đi đánh ở Đông Dương.
Để hạn chế tác dụng của phong trào Việt kiều ngày càng lớn mạnh, chính phủ Pháp ra tay đàn áp. Một buổi sáng tháng 12-1952, vào lúc 5 giờ, cảnh sát Pháp ập đến, bắt mấy chục anh chị em, hỏi cung rồi thả, nhưng giữ lại 12 người trong đó có anh Phạm Huy Thông, trục xuất khỏi nước Pháp, tống về giam ở Sài Gòn đến khi ký hiệp định Genève mới thả.
Có hai người thoát được là anh Trần Thanh Xuân và tôi. Hồi đó, tôi ở nhà bà làm thường trực bảo vệ một trường tiểu học ở ngoại ô Paris. Bà này có một người con làm công nhân, nằm cạnh giường tôi hồi còn ở bệnh viện. Bà hay vào thăm con, quen biết tôi và nói sau này anh ra viện nếu cần thì về nhà tôi mà ở. Bà này làm công nhân từ năm 13 tuổi, đến 50 tuổi sức yếu xin được chân bảo vệ ở trường như vậy là thuộc vào hạng bét trong nhân viên nhà nước. Bà chưa được học đến primaire. Hôm cảnh sát đến nhà bà để tìm bắt tôi, không có tôi ở đó, vì tôi đã đề phòng lúc ngủ chỗ này lúc ngủ chỗ khác nên không ở nhà bà từ mấy tháng trước rồi. Khám xét xong, chúng hỏi bà rằng tôi ở đâu. Bà nói không biết. - "Tại sao bà dám chứa chấp một Việt Minh chống chính phủ Pháp?" - "Đấy là quyền của tôi. Nếu tôi chứa chấp một thằng ăn trộm ăn cướp thì tôi phạm tội, còn mời một người ở nhà tôi, ý kiến chính trị của người ấy như thế nào, chuyện này không có tội gì cả". Nhắc lại việc này để thấy tinh thần dân chủ của nhân dân Pháp, họ có truyền thống đấu tranh bảo vệ quyền dân chủ từ Cách mạng Pháp cách đây hơn 200 năm rồi.
Sau vụ bị đàn áp, anh Trần Thanh Xuân đã từng liên hệ với Chính phủ và Đảng Pháp, cảnh sát biết rõ, khó mà trốn tránh được, nên trong nước gọi anh về. Cần có người phụ trách, anh em nghĩ đến tôi. Ngoài những thuận lợi như đã nói ở phần trước, tôi còn có điều kiện đảm nhận trách nhiệm này, vì trong một thời gian, cảnh sát Pháp có hồ sơ bệnh án của tôi, họ nói cái anh này cũng chỉ nằm dài nghỉ ngơi, chả làm ăn gì được. Tuy có vướng về mặt sức khỏe, nhưng tôi cũng đã có cách khắc phục. Thế là từ đó tôi đứng ra phụ trách anh em, để cùng nhau khôi phục lại tổ chức hoạt động Việt kiều trong hoàn cảnh bí mật.
Tôi không dựa vào màng lưới của Đảng Pháp để bố trí chỗ ở, vì như vậy thì khó khăn và chậm chạp. 15 năm ở Pháp tôi có rất nhiều bạn quen thân, anh em sẵn sàng nhận tôi về cùng ăn ở. ở Pháp cũng có cái dễ, vì nhà có người đến trọ không phải khai báo gì cả từng gia đình ở căn hộ riêng như trong vỏ ốc, láng giềng xung quanh không ai dòm ngó gì. Tôi không ở lâu một chỗ, nay xóm này mai xóm khác, lúc nào có dấu hiệu khả nghi thì chuyển ngay.
Thời sinh viên tôi đi xe đạp nhiều nên đường sá Paris quen thuộc nhiều. Tôi nhảy tàu điện từ phố này sang phố khác, xuống tàu điện sang ô-tô buýt, lắt léo ngõ này sang ngõ khác là mất hút không thấy đâu nữa, có bị theo dõi cũng dễ lẩn trốn. Được sự che chở đùm bọc của anh em Việt kiều và các bạn Pháp, trong một, hai năm không có vấn đề gì, tôi vẫn bảo đảm được công việc.
Tổ chức Việt kiều rút vào bí mật có hai nấc: Hạt nhân là những đảng viên thuộc các chi bộ Đảng Pháp ở xí nghiệp, trường học, khu phố, nhưng tập hợp với nhau thành đảng bộ Việt kiều gọi là "nhóm Việt ngữ" trực thuộc Trung ương Đảng Pháp, do một ủy viên trung ương Đảng Pháp lãnh đạo, đồng thời cũng có một ban chỉ đạo trực tiếp bàn về công tác Việt kiều. Các đảng viên này làm nòng cốt, lựa chọn những phần tử trung kiên nhất trong mặt trận yêu nước rộng lớn trước đây, lập thành những tổ trong các xí nghiệp, các khu phố gọi là tổ "Quyết thắng". Chúng tôi cho ra một tờ thông tin in rô-nê-ô lấy tên là "Quyết thắng", làm tài liệu để anh em trong các tổ Quyết thắng phổ biến cho bà con Việt kiều ở Paris. ở các tỉnh cũng tổ chức như vậy. Qua đó, bà con thấy tổ chức của ta vẫn có mặt khắp nơi và biết tin tức trong nước.
Tuy có sự liên lạc với trong nước thông qua Đảng Cộng sản Pháp và Đại sứ quán Việt Nam ở Liên Xô, nhưng chủ yếu là để nắm thông tin, còn làm công tác Việt kiều như thế nào thì chúng tôi họp bàn rồi quyết định, vì chờ cho được chỉ thị của Trung ương trong nước thì rất chậm mà thời sự thì đi rất nhanh. Chúng tôi nắm tình hình và các chủ trương ở trong nước thông qua báo Cứu Quốc, báo Nhân Dân, do Trung ương Đảng Pháp nhận từ Liên Xô và chuyển cho.
Mặt khác, chúng tôi gửi về trong nước những nhận định về tình hình ở Pháp, về thái độ của các Đảng khác, về các phong trào của nhân dân Pháp. Việc này phải kín đáo, chỉ có tôi với anh Nguyễn Văn Chỉ cùng làm. Anh Chỉ hơn tôi khoảng năm tuổi. Hồi 1930, anh đã tham gia phong trào chống lại vụ án xử tử hình một số cán bộ trong cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Anh sang Pháp học lâu rồi, tiếng Việt nói không thạo, đi lại với anh em Việt kiều cũng không tiện lợi, mà lúc bí mật càng tốt. Anh Chỉ còn có thuận lợi là mang quốc tịch Pháp, nếu anh không làm gì phạm pháp, thì Chính phủ Pháp không có quyền bắt anh vì ý kiến về chính trị và cũng không có quyền trục xuất anh. Anh rất trung kiên, tận tụy. Suốt cả thời gian dài, cứ mỗi buổi sáng, anh đi mua mười mấy tờ báo lớn của Pháp, xem kỹ, chỗ nào cần chú ý, gạch chì xanh, gạch đỏ vào, dán lại rồi nhờ Trung ương Đảng Pháp gửi về Việt Nam. Cứ như thế, cần cù, chăm chỉ từ ngày này qua ngày khác, hết tháng này qua tháng khác.
Ngoài ra anh không phải là đảng viên, nên có lợi thế trong việc quan hệ với các chính khách, các tổ chức ngoài Đảng Cộng sản Pháp, qua đó tập hợp được nhiều tin tức. Chúng tôi gặp nhau thường xuyên để trao đổi, nhận định tình hình để kịp chuyển về trong nước. ở các tỉnh cũng có một số anh em liên hệ được như thế.
Qua năm 1953 cho đến đầu năm 1954, tổ chức Việt kiều đã được xây dựng lại nhanh chóng. Tờ Quyết Thắng ra đều đặn, cung cấp thông tin cho bà con Việt kiều, và từ đó mà lan truyền tới các tổ chức Pháp. Các tổ Quyết Thắng cũng họp đều. Ngày Tết, ngày lễ với danh nghĩa các tổ chức Pháp, do người Pháp đứng ra chủ trì, anh em Việt kiều phục vụ về vật chất cũng như về văn nghệ, nhiều hình thức hoạt động như lễ hội, triển lãm... vẫn được tiếp tục.
Có một việc đáng nhớ là cuối 1953, trong dịp công đoàn tổ chức cuộc mít tinh lớn gồm khoảng 3.000 người, một số khá đông anh em Việt kiều đến dự. Lúc ra về, một nhóm phát xít của Pháp đón đường tìm đánh anh em Việt kiều. Anh em đánh trả và một số anh em Đảng Pháp bảo vệ, nên xảy ra vụ ẩu đả lớn ở ngay trung tâm Paris, xô đuổi nhau đến dưới đường tầu điện ngầm, đến mức tầu điện ngầm phải ngừng chạy một đoạn khoảng hai, ba ga.
Ban ngày phải đi làm, đi học nên các tổ nhóm Việt kiều thường họp vào ban đêm. ở Pháp trời tối rất sớm. Tôi cũng cao bằng người Pháp trung bình, khoác măng tô, trùm khăn, trời tối chẳng ai nhận ra ai cả, nên đi đến với anh em cũng tiện lợi.
Đáng nhớ nhất là những ngày lịch sử tháng 5-1954. Trong cả tháng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ấy, báo chí Pháp ngày nào cũng nói về Việt Nam, lúc đầu đưa tin như quân Pháp sẽ thắng, diệt hết Việt Minh. Nhưng dần dần thì giảm đi, nên phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam ngày càng dâng cao. Song bọn thực dân cực đoan lại đề cao tinh thần dân tộc ca ngợi những chiến binh Pháp ngã trên chiến trường là anh hùng... Vì vậy cả thủ đô Paris luôn sôi nổi, căng thẳng. Ngày 7 tháng 5, tin ta thắng ở Điện Biên Phủ làm náo động cả thủ đô nước Pháp. Anh em Việt kiều đồng ý với bên Đảng Pháp không làm gì rầm rộ để tránh khiêu khích. Nhưng các đảng viên Pháp và các bạn bè Pháp gặp người Việt Nam thì mời đến hoan hô, cho uống sâm banh... Các bạn châu Phi, Algéria... mang những tờ báo to đề lên "Điện Biên Phủ đã thất thủ" dán trước ngực rồi đi đi lại lại trên các đường phố rất vui vẻ. Có sinh viên Việt Nam đi chữa giày. Chữa xong, hỏi: "ông tính bao nhiêu?". Người thợ Pháp không quen biết, nói: "Thôi, thôi, thôi, Việt Nam... Điện Biên Phủ... thì không lấy tiền".
Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc chính phủ Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam ở Genève. Tôi có nhiệm vụ sang Genève để báo cáo tình hình ở Pháp và tình hình Việt kiều cho phái đoàn ta. Hồi đó, biên giới Thụy Sĩ và Pháp canh phòng rất nghiêm ngặt. Nhờ đường dây của Đảng Pháp, tôi được giới thiệu đến gặp một đồng chí Pháp ở một thị trấn tại biên giới Pháp - Thụy Sĩ, cách Genève chỉ mười mấy km. Đồng chí ấy nuôi khoảng hai nghìn con gà, hàng ngày hai lần, buổi sáng và buổi chiều chở trứng sang bán ở Genève. Lính gác biên phòng anh ta quen hết, đi ngang qua đấy cứ đãi một cốc rượu là xong. Tối hôm đó, sau 8 giờ, chúng tôi ra đi. Tôi ngồi sau ô-tô, đội mũ úp mặt xuống. Qua đồn biên phòng, người gác bảo: "Paul đi đâu hở mày? Vào uống rượu với tụi tao đã" - "Hôm nay tao bận sang Genève xem kịch, thôi hôm sau". Anh ta đưa thẳng tới đến khách sạn. Tôi có dịp được gặp và báo cáo tình hình với các anh Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu và được các anh cho nghe tình hình trong nước. Trong đoàn, có nhiều anh em quen cũ, như anh Phan Anh, Trần Thanh, lâu ngày gặp nhau rất vui mừng. Hồi đó, tôi có liên hệ chặt với nhóm Mác-xít Cam-pu-chia ở Paris, nên cũng báo cáo luôn tình hình cho anh Thanh Sơn, theo lời dặn của đồng chí Mignot phụ trách Cam-pu-chia. ở đấy một tuần lại được anh Paul đưa xe qua đón, rồi trở về Paris tiếp tục hoạt động.
Sau Hiệp định Genève, tuy Pháp chỉ công nhận chính phủ Sài Gòn mà chưa chịu công nhận chính phủ miền Bắc, và tổ chức Việt kiều vẫn chưa được ra công khai, nhưng cũng có thuận lợi hơn trước. Chính phủ Pháp và chính phủ Việt Nam đã thỏa thuận là không truy ai trước đó đi theo ai, thuộc phe nào. Mặc dù không có sứ quán của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Paris, nhưng chúng tôi không phải là dân thuộc địa của Pháp mà là công dân của nước Việt Nam, nên Chính phủ Pháp có làm gì Việt kiều cũng phải tính đến phản ứng của Việt Nam. Mặt khác chính phủ Pháp vẫn còn những quyền lợi về xí nghiệp, nhà cửa, tài sản ở miền Bắc còn phải điều đình với Việt Nam.
Trong tình hình chung như vậy, tôi hoạt động trong một quy chế hơi đặc biệt. Tuy lệnh trục xuất tôi từ 1952 chưa được hủy bỏ (mà theo luật quốc tế thì phải rời khỏi nước Pháp chậm nhất là sau hai tuần) mà tôi vẫn ở lại đến 1954 là đã hai năm, nhưng nhà chức trách Pháp vẫn không bắt tôi, vì "vuốt mặt thì phải nể mũi". Song họ vẫn thường xuyên theo dõi, rình rập tôi. Hồi tháng 5-1954, cảnh sát Pháp đến bao vây nhà anh em công nhân ở xóm lle verte (nơi tôi ở trước tại Grenoble), tưởng rằng 19-5, tôi sẽ về đấy cùng anh em làm lễ sinh nhật Bác Hồ. Mới 5 giờ sáng, anh em mới ngủ dậy, họ ập vào hỏi: "Ông Viện đâu?". Thế là họ lại bắt hụt tôi một lần nữa. Đến tháng 11 năm đó, khoảng 6 giờ chiều tôi vừa về đến nhà (nhà một anh bạn), lên cầu thang, thấy đã có 3 tên to khỏe, mặc sắc phục đặc biệt, đứng đón ở cửa: "Ông Viện đấy à? Chúng tôi có việc đây. Cảnh sát chính trị đây". Họ vào phòng nhỏ tôi ở, không thấy đồ đạc gì, giấy tờ gì cũng không có. Họ còn đùa: "Bây giờ con chim hết bay nhảy nhé, mời ông đi với chúng tôi". Ba tên này đẩy tôi lên xe, đưa đến cơ quan cảnh sát đặc biệt của Bộ Nội vụ, nơi trước đây khi Đức chiếm đóng, bao nhiêu người đã bị tra tấn đến chết. Khi cánh cửa rộng lớn phòng giam đóng sập sau lưng, tôi vẫn thản nhiên. Tôi dựa vào ba điểm để tranh cãi với chúng: Về pháp lý, Hiệp định Genève không cho phép chính phủ Pháp bắt tôi; Về chính trị, trước đây chúng tôi chống Pháp nay chính phủ tôi ký kết với Pháp rồi, bây giờ chúng tôi chống Mỹ và chủ trương quan hệ hữu nghị với nước Pháp; tôi có bệnh, các ông bắt tôi mà xảy ra chuyện gì, các ông chịu trách nhiệm.
Đồng thời, tôi nghe tiếng nói ở phòng bên cạnh, biết là họ cũng đã bắt anh Chỉ rồi.
Sau hơn một tiếng đồng hồ hỏi cung, tôi bảo: "Các ông biết đấy, tôi đang ốm, chỗ mổ khoét sau lưng chưa liền, đến giờ thay băng rồi, các ông phải để tôi mời bác sĩ vào". Tôi đấu một hồi, họ đành phải chịu. Tôi gọi dây nói mời bác sĩ, chính là để báo tin tôi đã bị bắt cho anh em biết, và để có bác sĩ chứng nhận, sau này khi cần sẽ tố cáo trước dư luận. Anh Quyền vào đến nơi, họ ngồi bên cạnh, không cho chúng tôi nói chuyện. Khi mở băng ra, họ thấy cả cái lỗ sau lưng đang còn chảy mủ nước, thấy thằng này là thằng ốm thật. Họ sợ nhỡ có xảy ra việc gì, nên bắt đầu đấu dịu. Đến nửa đêm, nó thả tôi và anh Chỉ. Chúng không đưa ô-tô, hai anh em nhảy tàu điện ra về.
Đối chiếu việc hỏi cung hai người, tôi và anh Chỉ biết rằng thực chất việc cảnh sát bắt chúng tôi hỏi cung không phải vì vấn đề Việt kiều mà là vấn đề nội trị của nước Pháp. Họ muốn dò xem tôi và anh Chỉ có quan hệ gì với Mendès France (là Thủ tướng Pháp đã ký Hiệp định Genève) trước khi Điện Biên Phủ thất bại hay không, nếu có thì họ sẽ tung ra trước dư luận rằng vì Chính phủ Pháp giao bí mật quân sự cho Việt Minh nên quân Pháp thua ở Điện Biên Phủ. Lẽ đương nhiên, chúng tôi không khai báo gì về chuyện này. Về sau cũng yên, không có vấn đề gì nữa.
Chính sách của chính phủ Pháp đối với Việt Nam hồi đó có nhiều mặt. Một mặt là thân Mỹ để nhờ Mỹ mà đánh Algérie, chống Liên Xô, chống cộng sản nên phải nhượng bộ Diệm. Mặt khác, còn một số vấn đề phải điều đình với chính phủ Hà Nội. Nhưng chính phủ Hà Nội không có sứ quán, không có lãnh sự quán gì cả, nên ở Paris phải có một người nào đó có tính chất bán chính thức để liên hệ với chính phủ Hà Nội. Có điều buồn cười là tôi sống bất hợp pháp, không có giấy cư trú, nhưng khi có vấn đề gì cần liên hệ với Hà Nội hoặc liên quan đến Việt kiều, bộ phận phụ trách vấn đề Việt Nam ở Bộ Ngoại giao Pháp lại gọi dây nói hỏi ý kiến tôi. Hồi đó nhiều anh em công nhân Việt kiều trước bị mộ lính năm 1939 - 1940, nay đòi chính phủ Pháp phải thuê tàu cho về nước. Hồ sơ cụ thể (Đi năm nào? Như thế nào? Về đâu?...) anh em nộp cho chúng tôi để chuyển cho chính phủ Pháp. Chúng tôi đòi Bộ Ngoại giao Pháp phải bỏ tiền ra thuê những chuyến tàu thủy đưa anh em về Việt Nam, đa số về miền bắc.
Việc quan trong trọng giai đoạn này là xác định đường lối, chủ trương cụ thể về hướng hoạt động của Việt kiều sau khi Hiệp định Genève được ký kết. Chúng tôi nêu vấn đề cần làm rõ hướng cuộc đấu tranh chính trị của Việt kiều ở Pháp, vậy chúng ta phải đặt mình vào vị trí nào, ở miền bắc hay ở miền nam? Nếu là bộ phận của Mặt trận Tổ quốc ở miền bắc thì lấy việc xây dựng chủ nghĩa xã hội là chính, nếu là bộ phận thuộc Mặt trận Giải phóng miền nam thì đấu tranh cho hòa bình là chính. Thảo luận một hồi, tôi phát biểu: Bộ phận Việt kiều này phải tự đặt mình vào hoàn cảnh miền nam là chính. Điều này không phải dễ vì hậu thuẫn của Việt kiều là ở miền bắc (tin tức, tài liệu, sự ủng hộ chính trị...). Trước mắt là đấu tranh chống Diệm, đòi thi hành Hiệp định Genève.
Khó khăn của Việt kiều không phải do chính quyền Pháp gây ra, mà do Sứ quán Diệm. Diệm thì khác Bảo Đại. Văn phòng Bảo Đại ở Pháp lờ đờ chẳng làm được gì đáng kể, còn sứ quán của Diệm, tập đoàn gia đình Diệm, chống cộng một cách tích cực. Nó dựa vào Mỹ và một số ít Việt kiều dao động trước sức mạnh của Mỹ. Chúng tôi thường xuyên tổ chức từng đoàn anh em Việt kiều khoảng bảy, tám người đưa kiến nghị đến Sứ quán Diệm đòi phải thực hiện nghiêm chỉnh hiệp định Genève. Từ cuối năm 1954 cho đến 1956, từng đoàn trí thức, công nhân, phụ lão... đến ngồi ở Sứ quán Diệm đưa hết kiến nghị này đến kiến nghị khác. Bọn Diệm rất bực, nhưng đánh vào công nhân thì chúng không có quyền, vì anh em làm ăn với các hãng Pháp, đánh vào sinh viên thì phần lớn là con em quan chức cao cấp ở Sài Gòn.
Thế là chúng đối phó bằng cách cắt việc chuyển ngân (chuyển tiền từ miền nam Việt Nam sang cho sinh viên). Việc này gây ra tiếng vang lớn ở Sài Gòn. Một trong những người bị cắt chuyển ngân đầu tiên chính là con Nguyễn Ngọc Thơ, Phó tổng thống của Diệm. Trước tình hình đó, phong trào Việt kiều tranh thủ dư luận Pháp, nhờ tổ chức Tổng hội sinh viên Pháp và các giáo sư Pháp can thiệp trực tiếp với sứ quán Diệm. Một số anh em Việt kiều và một số sứ quán các nước ở Pháp góp tiền giúp những sinh viên bị cắt chuyển ngân trong một thời gian. Trong khó khăn, tinh thần đoàn kết của bà con Việt kiều càng thể hiện rõ. Sau một thời gian ngắn, Diệm phải bỏ chủ trương này.
Tuy tổ chức Việt kiều chưa được công khai một cách chính thức, nhưng chúng tôi cũng dựa vào những biến chuyển mới của tình hình mà triển khai một số hình thức tập hợp lực lượng. Bên sứ quán Diệm cũng tổ chức như vậy nhưng không huy động được quần chúng. Buồn cười, có lần sứ quán Diệm mời Cảnh sát trưởng Paris lên bảo: "Chúng tôi sắp tổ chức ngày Tết, mong các ông cho cảnh sát đến bảo vệ vì chúng tôi sợ chúng nó đến phá". Anh cảnh sát ở đấy trả lời: "Thưa đại sứ, chúng tôi biết Việt cộng Paris không phải là hạng người hay đập phá đâu, họ sẽ phá ông một cách khác". Đại sứ Diệm hỏi lại "Thế họ phá bằng cách nào?" Anh cảnh sát khu vực trả lời: "Chúng tôi không phải đến bảo vệ. Họ sẽ phá các ông bằng cách họ sẽ tổ chức một ngày Tết huy hoàng hơn, đông người hơn các ông nhiều". Qua đó, để thấy rằng thái độ của Pháp hồi đó, tuy có quan hệ chính thức với Diệm, nhưng bên trong không ưa gì Diệm.
Thời kỳ sau Hiệp định Genève, chúng tôi có thuận lợi là tin tức, báo chí ở trong nước chuyển sang nhiều, nhất là từ Hà Nội. Các tờ Văn học, Thống Nhất, các tạp chí Nghiên cứu Văn Sử Địa... giúp chúng tôi nắm được tình hình văn hóa, văn nghệ trong nước. Trong dịp lễ, tết, những điệu múa, vở kịch trong nước gửi sang được biểu diễn cũng gây ấn tượng tốt đối với kiều bào. Chúng tôi cũng nhận được một số báo chí của Sài Gòn, như tờ Sài Gòn, tờ Cách Mạng Quốc Gia.
Việc giải phóng miền bắc năm 54 tạo ra một khí thế hào hứng trong sinh viên trí thức Việt kiều. Nhiều anh em tuy gia đình ở miền nam, nhưng học xong lại xin về Hà Nội để góp sức xây dựng lại đất nước. Phía chính phủ Pháp chấp nhận và trả tiền cho công nhân về, nhưng đối với sinh viên, trí thức thì lại không cho phép. Vì vậy, chúng tôi phải tổ chức cho anh em về theo đường bí mật. Qua đường dây của Đảng Pháp, các đảng viên Pháp dẫn anh em mình đi qua biên giới, sang các nước Ba Lan, Tiệp Khắc, Liên Xô... để về nước. Để giữ bí mật cho những chuyến đi này, anh em chỉ mang hành lý tối thiểu như kiểu đi chơi, đi nghỉ hè, có thể nói hầu như là tay không.
Về đến Hà Nội, ngay cái xe đạp cũng không có. Tự nguyện rời bỏ cuộc sống đầy đủ tiện nghi ở Pháp, về nước trong những điều kiện ngặt nghèo như vậy, sự lựa chọn này nói lên tinh thần yếu nước nồng nàn của sinh viên trí thức Việt kiều và có tác dụng, ý nghĩa rất lớn. Hồi đó, trí thức ở miền bắc số đông là ở ngành Y, chứ trong các ngành khoa học tự nhiên khác, các ngành kỹ thuật.v.v... hầu như chưa có. Những anh em học ở Liên Xô thì chưa về. Do đó, số sinh viên trí thức Việt kiều ở Pháp về nước trong những năm 54-60 có vai trò khá quan trọng trong việc góp phần mở đầu một thời kỳ xây dựng miền bắc, tiếp quản các nhà máy điện, mở mang các ngành xây dựng, hóa chất, địa chất... Sau tháng 4-1975, anh em lại về Sài Gòn tham gia công việc khôi phục vùng mới giải phóng.
Một đóng góp đáng kể của Việt kiều đối với đất nước là quyên góp tiền bạc mua sách gửi cho các trường đại học ở quê nhà. Hồi đó tiếng Nga, Anh còn ít người biết, nên tiếng Pháp trở thành ngoại ngữ chủ yếu để tiếp cận văn hóa, khoa học nước ngoài. Đặc biệt đáng chú ý là những người hăng hái nhất trong việc đóng góp tiền mua sách gửi cho các trường đại học ở Hà Nội lại là anh em công nhân. Có việc rất xúc động mà tôi nhớ mãi là có một anh công nhân ở vùng Lyon mời tôi đến gặp anh trong bệnh viện. Anh này rất nghèo, gần như không biết chữ, sang Pháp đã lâu. Anh ấy bị ung thư máu, gọi tôi đến giao quyển sổ tiết kiệm mà anh ấy chắt chiu trong bao nhiêu năm ở Pháp, bảo: "Anh lấy tiền này mua sách gửi về cho Đại học Hà Nội". Tôi hỏi: "Tại sao anh không để tiền gửi về cho gia đình?" Anh nói: "Gia đình tôi được cải cách ruộng đất rồi, có ruộng đất rồi không cần nữa". Qua đó thấy rằng đối với cải cách ruộng đất có hai cách nhìn. Chính tôi hồi đó cũng hiểu rằng, cuộc cách mạng nào chẳng có vấp váp, tránh sao được, Cách mạng Pháp cũng thế, Cách mạng Nga cũng thế.
Ngoài ra, trước sự rạn nứt trong phe xã hội chủ nghĩa, sự kiện công nhân biểu tình ở Đông Âu... một số đảng viên có phần dao động. Mặc dù vậy, đến năm 1956, cơ sở của Việt kiều, công nhân, sinh viên, phụ lão, trí thức, tuy chưa được công khai, nhưng đã được xây dựng rộng khắp. Chính quyền Pháp cũng có những chuyển biến theo chiều hướng có lợi cho ta. Ngoài Đảng Cộng sản, một số nghị sĩ tiến bộ khá đông trong Quốc hội tỏ thái độ ủng hộ phong trào Việt kiều. Chúng tôi xin đưa tổ chức Việt kiều hoạt động công khai được chính phủ Pháp công nhận. Để tiến tới hủy bỏ lệnh trục xuất tôi từ năm 1952, về hình thức, họ truy tố tôi, giao cho Tòa án vị cảnh xử: "Tại sao ông ra tờ báo Quyết thắng mà không đăng ký?". Trạng sư của tôi là bà Marie Louise Cachin, người chuyên bảo vệ cho người Việt Nam. Bà đã từng bảo vệ anh Dương Bạch Mai. Bà bảo: "Ta cứ nhận đi, cho người ta dễ bỏ lệnh trục xuất. Đấy chỉ là cái cớ". Thế là tôi ra Tòa án thú nhận việc đó là sai, chịu phạt vi cảnh mấy trăm Franc. "Thôi như xí xoá, cho giấy tờ cư trú lại, không có vấn đề gì".
Tổ chức Việt kiều ra công khai, lấy tên là Hội Liên Hiệp Việt Kiêu vì hòa bình, nhằm xây dựng tình hữu nghị Pháp - Việt (Union des Vietnamiens pour la paix au Vietnam ét pour l'Amitié Franco - Vietnamienne). Trụ sở Hội đóng ở số 4 Git le coeur xóm La tinh, nơi có nhiều sinh viên, công nhân Việt kiều. Phòng trên là văn phòng của Hội, phòng dưới có thể họp được 50 - 60 người, đồng thời là căng tin, anh em thường đến đây ăn cơm vừa để trao đổi tin tức. Mặt khác, cũng có khách đến ăn cơm, lấy tiền lãi góp vào quỹ Đại hội của Hội gồm các đại biểu từ các tỉnh, thành phố cử lên, bầu tôi làm Tổng thư ký Hội Liên Hiệp Việt kiều.
Cũng trong năm 1956, chính phủ Pháp bắt đầu nối lại quan hệ với Việt Nam. Lần đầu tiên có hai phái đoàn của chính phủ miền bắc sang Paris: Phái đoàn đại học do giáo sư Hồ Đắc Di cầm đầu, phái đoàn Thương mại do anh Nguyễn Duy Lợi cầm đầu. Ngày xưa, tôi đã học với cụ Di ở Hà Nội, anh Lợi lại là bạn cùng học ở Vinh, đều là người quen gặp nhau rất vui vẻ. Sau đàm phán, phái đoàn Thương mại còn ở lại cùng với chúng tôi, tổ chức Việt kiều có cử đồng chí học kinh tế đến giúp đỡ đoàn.
Trong buổi chiêu đãi hai phái đoàn này, có chuyện buồn cười là lúc chúng tôi mở màn đón quan khách, đứng trước cửa, có một số người Pháp tự giới thiệu: "Chúng tôi là bên Thanh tra của cảnh sát đến làm bảo vệ cho buổi chiêu đãi này, chúng tôi là Le curieux". Viên thanh tra này trước đây ở Hà Nội, nói tiếng Việt rất giỏi, có nhiệm vụ theo dõi các tổ chức Việt kiều. Le curieux, tiếng Pháp có nghĩa là hay tò mò. Mỗi lần tôi kể chuyện cho các bạn Pháp nghe thì họ lại cười ồ lên, bảo là anh này có cái tên tiền định, sinh ra để mà làm cái nghề này. Anh ta nói: "Bây giờ tôi đến là để bảo vệ các ông, chứ không phải để bắt ông đâu. Thế nào, dạo này bác sĩ có khỏe không?". "Cám ơn ông, nhờ ông tôi vẫn khỏe".
Sau khi Hội Liên Hiệp Việt kiều ra đời các hoạt động được triển khai rất rộng, rất bộn bề trên nhiều mặt: Tổ chức nội bộ của Việt kiều, tổ chức nội bộ của Đảng, quan hệ đối ngoại v.v... Ngoài những buổi hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, có ra hai tờ thông tin hằng tháng: tiếng Việt và tiếng Pháp. Lúc đầu in rô-nê-ô, sau in đàng hoàng đẹp đẽ ở nhà in của anh Phùng Công Khải. Tờ báo tiếng Pháp do Việt kiều làm cả về nội dung và in ấn, nhưng về danh nghĩa là do đồng chí Pháp đứng tên, theo quy định của pháp luật. Thỉnh thoảng bên Mỹ hay sứ quán Diệm phản ứng mạnh quá, nhà chức trách Pháp lại buộc phải đình chỉ. Lại bàn với các đồng chí Pháp, ra một tạp chí do một đồng chí khác đăng ký, lấy tên là Echo du Viet Nam.
Những ngày lễ, Tết, Ngày độc lập 2-9, ngày 19-5 sinh nhật Bác Hồ, Hội đều tổ chức những cuộc biểu dương lực lượng, sinh hoạt văn nghệ, chiếu phim Việt Nam, mời cả người Pháp tham dự. Tôi nhớ những phim đầu tiên từ Việt Nam gửi sang năm 55-56 đã ghi ấn tượng mạnh mẽ: Phim về kháng chiến Việt Nam do đồng chí Các-men (Liên Xô) làm, phim Bắc Hưng Hải. Phim Bắc Hưng Hải gây ấn tượng đặc biệt: một mặt anh em cũng hào hứng thấy không khí nô nức lao động ở trong nước, mặt khác đang sống ở một nước công nghiệp mà thấy cảnh lội bùn, gánh đất... có người giật mình: Sao mà khổ thế!
Một hoạt động đáng ghi nhớ là trại hè. Đây là dịp tập hợp nòng cốt của Việt kiều ở Paris và các tỉnh, rủ thêm một số có cảm tình chưa vào tổ chức, đặc biệt là những sinh viên sang sau Hiệp định Genève. Số này ngày càng đông, sang đây học để tránh sự đàn áp của Diệm. Trại hè được tổ chức ba tuần trong tháng nghỉ hè. Ngoài việc trao đổi về tình hình, đường lối chủ trương trong nước và tổ chức Việt kiều, học tập về từng ngành, còn cùng nhau vui chơi thể thao ca hát... trong không khí vui vẻ, thân mật. Trại hè thu hút đông đảo số sinh viên trẻ, lúc đầu chỉ có khoảng 100 người, sau có lúc đến 300 người. Những hoạt động này gây cho bên sứ quán Diệm những phản ứng cay cú. Họ cũng làm, nhưng không kết quả, ngay những người tưởng là theo Diệm như một số anh em Thiên Chúa giáo, cũng đến dự trại hè do Hội Việt kiều tổ chức.
Riêng tôi có quen biết một số trí thức ở Sài Gòn sang, vì trước kia cùng học với nhau ở Hà Nội hoặc ở Pháp. Anh em này làm trong chính quyền Diệm, nhưng mỗi lần sang Paris, tôi vẫn tìm gặp mà vẫn trao đổi được tình hình chung của đất nước. Họ vẫn có lòng yêu nước, nhưng trong hoàn cảnh nào đó bị bắt buộc làm cho Mỹ. Có lần tôi đang tiếp một bác sĩ ở Sài Gòn sang thực tập đã hơn một năm, anh ấy đến nhà tôi để bàn chuyện giúp anh ấy xin Pháp không về Sài Gòn nữa thì ông Bộ trưởng Đại học Sài Gòn đến. Ông này là Nguyễn Quang Trịnh, là bạn cùng học với tôi ở Vinh và Hà Nội. Hai ông nhìn nhau, không biết nói thế nào cả. Anh bác sĩ này là cán bộ của ông Bộ trưởng kia. Tại sao lại gặp nhau ở nhà này? Nhà một ông Việt cộng mà!
Chúng tôi còn quan hệ với anh em ở đảo Tân Thế Giới. Anh em đấu tranh đòi về miền bắc, và xin gửi tiền về gia đình qua ngân hàng. Cái đó có lợi cho ta vì ta rất thiếu ngoại tệ. Nhưng gửi về phải qua con đường từ Paris... Hồi đó ta chưa có sứ quán, lãnh sự, ngân hàng ngoại thương... Có một ngân hàng của Đảng cộng sản Pháp là Ngân hàng thương mại Bắc Âu, nhưng chúng ta có buôn bán gì, có quan hệ gì với ngân hàng này đâu! Tôi đành mở một tài khoản cá nhân vào ngân hàng đấy và nhân danh cá nhân nhận tiền ở Tân Thế Giới gửi về, làm biên lai cho anh em rồi gửi về trong nước. Trong bao nhiêu năm cũng giúp anh em chuyển được một khoản tiền mà không rơi rớt gì.
Hoạt động của Hội Liên Hiệp Việt kiều đang triển khai mạnh mẽ, thì đến năm 59, đi đôi với việc tăng cường khủng bố ở Sài Gòn, Diệm và Mỹ gây áp lực với chính phủ Pháp, yêu cầu Pháp không để cho Hội Việt kiều bành trướng ầm ĩ như thế nữa; khiển trách đại sứ Diệm tại Paris, nói tại sao để cho Việt cộng hoành hành như vậy, lôi cuốn cả con cái của họ. Quyền lợi của Pháp thời đó ở miền Nam đang còn lớn, Pháp có nhiều đồn điền cao su, xí nghiệp, ngân hàng, trường học; trí thức cao cấp có tuổi phần lớn do Pháp đào tạo..., Pháp muốn tiếp tục nắm giữ để phát huy ảnh hưởng kinh tế, văn hóa của Pháp ở miền Nam. Vì vậy, chính phủ Pháp ra lệnh giải thể Hội Liên hiệp Việt kiều. Lần này, chỉ ra lệnh cấm hoạt động mà không bắt bớ, không truy nã.
Chúng tôi đóng cửa trụ sở, mua ngay quán cơm ở một khu đông đúc cũng ở trong xóm đó. Công việc không bị đứt đoạn. Hàng ngày, anh em vẫn đến đấy ăn cơm rồi bàn công việc luôn. Các bạn Pháp, rồi các bạn châu Phi, Lào cũng đến. Về mặt pháp lý, cũng nhờ một đồng chí Pháp đứng tên kinh doanh.
Trên danh nghĩa, tôi không còn là Tổng thư ký Hội nữa. Có lần cảnh sát mời tôi ra hỏi: "Ông có biết quán cơm ấy không?" Hỏi lơ lửng thôi. Tôi nói: "Ông hỏi bà chủ quán ấy, sao lại hỏi tôi. Tôi thấy cơm ngon mà rẻ thì tôi đến ăn". Ông cảnh sát cười: "Ông xem chúng tôi như trẻ con à?" Tôi cũng đùa lại: "Việc của các ông các ông làm". Sau đó, họ để tôi về. Thực ra, quan hệ giữa nhà nước Pháp và ta không có vấn đề gì lắm. Họ chưa công nhận nhưng cũng không làm căng thẳng.
Trong cộng đồng Việt kiều, có một nhóm đặc biệt là con dâu Việt Nam - phụ nữ Pháp lấy chồng Việt Nam - Anh em giao cho tôi phụ trách nhóm này, phổ biến tình hình Việt Nam cho chị em bằng tiếng Pháp. Việc này tôi đã quen làm, sau này nhiều chị em giữ quan hệ thân mật với tôi.
Ngoài Việt kiều ra, những nhóm châu Phi thỉnh thoảng mời tôi đến nói chuyện Việt Nam và các vấn đề quốc tế khác. Đặc biệt có sinh viên Lào và Cam-pu-chia (đảng viên của đảng Pháp), thì Trung ương Đảng Pháp giao cho tôi làm liên lạc luôn. Nhóm Cam-pu-chia có khoảng sáu, bảy người, trong đó có Iêng-xa-ri, Khiêu-xăm-phon... Một vấn đề quan trọng hồi đó là tôi phải thuyết phục nhóm ấy không nên chống Xi-ha-núc một cách quá khích. Đối với nhóm Mác-xít Cam-pu-chia ở Paris hồi đó Xi-ha-núc là phong kiến phải chống triệt để, không phải chống Mỹ là chính. Tôi gợi ý với anh em cần thuyết phục để Xi-ha-núc đứng trung lập, không cho Mỹ vào Cam-pu-chia. Điều này anh em khó chấp nhận. Nhưng anh em vẫn xem tôi như bậc đàn anh, nên cũng không có vấn đề gì. Về sau, chuyển thành Pôn Pốt thì rõ là đã có mầm mống tả khuynh cực đoan từ thời ấy rồi. Một số người ôn hòa hơn trong nhóm ấy, như Hồ Hơn, Hồ Nim, sau này khi tôi đến Phnôm Pênh tìm lại thì đã có trong danh sách bị giết trong nhà tù.
Sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời (1960), tình hình Sài Gòn lục đục, đảo chính nhiều lần, chính phủ Pháp biết rằng Diệm không thể sống lâu dài được, nên thái độ có biến chuyển. Đến năm 1962, Pháp công nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là bước tiến lớn, lần đầu có một phái đoàn ngoại giao của ta sang, anh Mai Văn Bộ làm đại diện chính thức của Việt Nam ở Pháp.
Đồng thời, nhà cầm quyền Pháp ký lệnh trục xuất tôi ra khỏi nước Pháp. Theo suy nghĩ của tôi, cũng có lý do nữa là chính phủ Pháp thấy anh em châu Phi hay mời tôi đến nói chuyện, ngại rằng anh em sẽ hướng về chủ nghĩa xã hội, trong điều kiện ảnh hưởng của Liên Xô và Trung Quốc đang tăng lên.
Vì tương quan lực lượng hồi đó, Pháp cũng phải đếm xỉa đến chính phủ Hà Nội và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, nên một mặt có lệnh trục xuất tôi, một mặt vẫn cứ lờ đi. Nên tôi vẫn hoạt động bình thường không phải trốn tránh gì cả, vẫn viết báo, tham dự các cuộc họp, v.v. Tôi ở lại một năm nữa để có đủ thời gian bàn giao công việc cho anh Mai Văn Bộ và anh Trịnh Nguyên Thiệp (phụ trách về công tác Đảng). Hằng ngày, tôi báo cáo với hai anh về tình hình nước Pháp, các đảng phái... Tình hình Việt kiều, tổ chức hoạt động, sự phân công, v.v. Anh Huỳnh Trung Đồng được chỉ định thay thế tôi phụ trách tổ chức Việt kiều. Bàn giao tất cả công việc xong xuôi, tôi về nước năm 1963.
Tổ chức Việt kiều lớn mạnh và hoạt động có kết quả một phần rất quan trọng là nhờ có chỗ dựa rất lớn là Đảng Cộng sản Pháp và nhân dân tiến bộ Pháp. Cánh tả nói chung rất mạnh, ủng hộ chúng ta.
Một số đồng chí Pháp thành lập Hội Hữu nghị Việt - Pháp như Madeleine Riffaud, vợ anh Chỉ là Francoise Corrèze, đồng chí Charles Fourniau, là thạc sĩ sử học sau này là thư ký hội Việt - Pháp, hai vợ chồng bác sĩ nhà vật lý vũ trụ Jrêne và Joliot Curie, nhà vật lý thiên văn Henri Van Regemorter v.v. là những người bạn chí thiết của nhân dân Việt Nam. Suốt bao nhiêu năm, không tuần nào, không ngày nào mà không hành động cho Việt Nam, vì Việt Nam, như mít-tinh, biểu tình, viết bài, đi quyên góp, cử phái đoàn sang Việt Nam... Không có những người bạn như thế thì tổ chức Việt kiều sẽ leo lét, không thể nào rộng lớn được như vậy. Để thấy vai trò và sự hy sinh của các đồng chí như thế nào, tôi xin đơn cử ví dụ: Đồng chí Charles Fourniau là thạc sĩ sử học, đồng chí bắt đầu làm luận án tiến sĩ trong khi Việt Nam bước vào thời kỳ chống Mỹ. Luận án của đồng chí là về Việt Nam, nên đồng chí rất gắn bó với Việt Nam. Vừa chuẩn bị luận án, vừa phải tham gia mít tinh, biểu tình, đi tỉnh này tỉnh khác, đủ thứ chuyện, nên luận án chậm mất nhiều năm. Quá 65 tuổi mới xong luận án. Đồng chí nói đùa: "Tôi cũng tiến sĩ giống như ông tiến sĩ Việt Nam ngày xưa, 60, 70 tuổi mới thi đỗ tiến sĩ".
Sau Hiệp định Genève, Pháp lao vào chiến tranh Algérie, nên dư luận Pháp ít quan tâm đến Việt Nam cho đến khi Mỹ thả bom miền bắc. Trong thời gian ấy (1955-1965), hội Pháp - Việt Hữu nghị vẫn hoạt động. Hội lập ra các nhóm trung kiên gồm đảng viên làm hạt nhân, một số nghị sĩ ngoài đảng hay các đảng phái khác tham gia. Hội này là chỗ dựa của tổ chức Việt kiều. Hội đấu tranh gây dư luận, đòi chính phủ Pháp nối lại quan hệ với Việt Nam, công nhận nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và miền Bắc phải có sứ quán chính thức ở Paris.
Ngoài những hoạt động chính trị và việc tạo điều kiện phương tiện ủng hộ phong trào yêu nước của Việt kiều, các bạn Pháp còn nhiệt tình giúp đỡ và hợp tác với chúng ta trong việc nghiên cứu các vấn đề lý luận, tư tưởng, các vấn đề văn hóa, xã hội, v.v. Trong vấn đề này, tôi có dịp quan hệ với các nhóm nghiên cứu chung quanh các tạp chí quan trọng của Đảng Cộng sản Pháp và các giới tiến bộ ở Pháp, và cũng qua đó mà làm quen được với nhiều nhà nghiên cứu phương Tây, châu Phi và Nam Mỹ.
Thời đó, sau chiến tranh ở Việt Nam, rồi đến chiến tranh Algérie, phong trào chống thực dân cũ và mới, đòi độc lập dấy lên sôi nổi ở các nước châu á, châu Phi, kể cả Nam Mỹ. Tình hình đó gợi lên cho các nhà học giả hai vấn đề: Thứ nhất là vấn đề phi thực dân hóa, làm thế nào để giành độc lập dân tộc; Thứ hai là độc lập rồi thì con đường tiến lên phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội như thế nào?
Đây là những vấn đề rất đa dạng. Mấy nước lớn như Trung Quốc, ấn Độ đi theo hai con đường khác nhau. ấn Độ đi đường tư bản, Trung Quốc theo chủ nghĩa xã hội. Đối với các nước á, Phi, Mỹ la-tinh - các nước thế giới thứ ba - phần lớn chỉ có vài chục triệu dân, không thể nào noi theo gương của các nước lớn như Trung Quốc, ấn Độ. Vì vậy, nhiều nước, nhiều học giả chú ý hỏi Việt Nam, vì Việt Nam vừa có kinh nghiệm chống cả thực dân cũ và mới, vừa là trường thí nghiệm về vấn đề phát triển kinh tế, văn hóa. Những vấn đề này lúc đó là những vấn đề mới đối với tất cả các học giả, nhưng dù sao Phương Tây họ cũng có nhiều học giả mà từ trước ở các nước thuộc địa, họ đã và đang nghiên cứu và họ có những phương tiện nghiên cứu đầy đủ.
Còn chúng ta chưa có những chuyên gia như thế, ngay ở Pháp, những anh em Việt kiều học về kinh tế, xã hội phần lớn chú ý đến văn học, lịch sử xưa nhiều hơn. Được tham gia nghiên cứu những vấn đề này, tôi có dịp học hỏi nhiều, và cũng cung cấp một số tài liệu Việt Nam và giới thiệu quan điểm của Việt Nam. Nhờ đã có quá trình theo dõi thời cuộc cả hai miền Nam Bắc, tôi đã viết một số bài về cuộc kháng chiến của ta, về văn nghệ kháng chiến, về cải cách xã hội, về hợp tác hóa... đăng ở các tạp chí lớn. Tôi còn hợp tác với đồng chí Jean Chesneau là một giáo sư tiến sĩ sử học đã từng ở Sài Gòn năm 1945, đóng góp tư liệu, ý kiến giúp đồng chí viết quyển Lịch sử Việt Nam. Trước đây, những chuyên gia Pháp thời thực dân đã có viết Lịch sử Việt Nam, nhưng theo quan điểm của họ. Đây là lần đầu tiên có sử Việt Nam viết theo quan điểm của cách mạng Việt Nam, do giáo sư người Pháp chấp bút. Quyển ấy ra đời năm 1954.
Để giới thiệu cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam, góp phần tranh thủ dư luận các nước phương Tây và thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân Mỹ chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, năm 1963, trước lúc về nước tôi viết quyển sách gọi là "Miền Nam Việt Nam từ Điện Biên Phủ trở đi 1954-1963". Quyển này viết bằng tiếng Pháp, dày hơn 300 trang, ký tên là Nguyễn Kiên, được nhà xuất bản Francois Maspero in. Nhà xuất bản này chuyên xuất bản sách về những vấn đề của các nước thuộc thế giới thứ ba.
Trong các cuộc hội thảo có tính chất nghiên cứu, đáng chú ý là cuộc hội thảo về con đường tiến lên của các nước đang phát triển được mở ở Paris trong mấy ngày, năm 1960, có học giả nhiều nước tham gia. Nhân danh Việt Nam, tôi có bản tham luận dựa trên những tài liệu, kinh nghiệm của miền Bắc những năm 1954-1960. Bài này được dư luận chú ý, được đăng vào kỷ yếu của hội thảo, sau đó tôi viết lại đăng ở Tạp chí La pensée. Bài đó gửi về Hà Nội, được Nhà xuất bản Sự thật dịch ra tiếng Việt, in thành một tập nhỏ năm 1961. Qua bài này, tôi đã bắt được liên lạc với một số học giả các nước Phương Tây, nhờ đó mà học tập được nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, về con đường phát triển của các nước nghèo nàn lạc hậu sau ngày độc lập. Đơn cử như ông Ren Dumont là một kỹ sư nông học, ngoài Đảng, đã từng ở Việt Nam những năm 1930, đã viết một quyển sách chuyên về nghề trồng lúa. Về sau, ông giảng dạy ở trường Đại học Nông nghiệp ở châu Phi. Sau 1960, ông viết một quyển sách khác gây dư luận rất lớn. Đó là quyển "Châu Phi da đen, phân tích việc một số nước sau khi độc lập, đi sai đường lạc hướng trong phát triển kinh tế, gây nhiều vấn đề về nông nghiệp...
Trong những vấn đề phát triển văn hóa xã hội các nước nghèo, có vấn đề thay đổi xã hội mới, vấn đề truyền thống. Nhân một buổi trao đổi, tranh luận với nhà văn Albert Camus, tôi nêu vấn đề quan hệ giữa Khổng giáo và học thuyết Mác ở Việt Nam như thế nào. Tôi đưa ra mấy luận điểm: Thứ nhất là Khổng giáo thực chất có hai luồng, một luồng có tính nhân bản một luồng là của phong kiến; Thứ hai là chủ nghĩa Mác và Khổng giáo tuy khác nhau, nhưng có điểm tương đồng là tập trung tư tưởng con người vào cải thiện tổ chức xã hội, xây dựng quan hệ giữa người với người, chứ không đặt vấn đề linh hồn sau khi chết đi đâu, thiên đường, địa ngục... Vì vậy người theo đạo Khổng, nếu được thuyết phục, có thể chấp nhận chủ nghĩa Mác, v.v. Những luận điểm này tôi viết thành bài đăng trên tạp chí La pensée 1962. Đây là bài được dư luận quốc tế và trong nước chú ý nhiều nhất vì cách đặt vấn đề không mang tính giáo điều cứng nhắc như nhiều đảng viên thời đó. Một số anh em trong Nhà xuất bản Sự thật cũng đề nghị dịch và in ra, nhưng không được phép, cứ phân vân mãi (Bài này sau đã được in trong quyển "Bàn về đạo Nho", Nhà xuất bản Ngoại văn năm 1993).
Trải qua hơn 15 năm hoạt động trong phong trào Việt kiều, tham gia xây dựng tổ chức Việt kiều từ công khai, vào bí mật, rồi lại công khai, rồi lại nửa công khai, tôi thấy rõ cái bao trùm lên tất cả cái quyết định mọi thành công là tinh thần đoàn kết, hướng về Tổ quốc của kiều bào để giành và giữ độc lập thống nhất cho đất nước. Dù có sóng gió chính trị quốc tế, dù có rạn nứt tạm thời vấn đề này, vấn đề khác, trên cơ sở đoàn kết yêu nước, mọi khó khăn thử thách cũng vượt qua.
Nhớ lại những năm tháng sôi động ấy tôi rất phấn khởi vì đã vượt qua bệnh tật học hỏi không biết mệt mỏi, làm việc hết mình. Đó là một quãng đời rất đẹp đã giúp tôi được bồi dưỡng về tư tưởng, tình cảm, nâng cao trình độ mọi mặt cả về lý luận và thực tiễn, cho tôi cái vốn quý báu để sau này sống và làm việc có ích cho đất nước. Đặc biệt là sự giúp đỡ tận tình của Đảng Cộng sản Pháp cũng như của bạn bè ở các nước khác đối với tổ chức Việt kiều, đối với nhân dân Việt Nam, làm cho tôi vô cùng xúc động nhớ mãi không bao giờ quên.
Ngày 27-4-1963, tôi ra sân bay, lên đường về nước sau 26 năm ở Pháp, chủ yếu là ở Paris. Anh em kiều bào và bạn Pháp tỏ ý phản đối lệnh trục xuất của Pháp, đưa tiễn rất đông, khoảng 150 người, biến buổi tiễn đưa thành như cuộc mít tinh phản đối. Phút chia tay lưu luyến, bước chân ra phòng đợi lòng tràn ngập xúc động. Mình sắp từ biệt các bạn Việt kiều, các anh em đồng chí, các bạn quốc tế tốt đã cùng nhau chia sẻ mọi nỗi vui buồn trong 26 năm trời trên một đất nước mà mình đã đi khắp nơi... Ngồi trên máy bay sang Tiệp Khắc (từ đó qua Liên Xô về Hà Nội), và sau này có dịp trở lại Pháp vài ba lần, nghĩ lại thời gian 26 năm ở Pháp, mình đã học và hiểu thêm được những gì ở nước Pháp?
Ngoài cái văn bằng tốt nghiệp trường Đại học Y khoa, có thể nói điều thu hoạch lớn nhất của tôi là những hiểu biết về chính trị xã hội, về chủ nghĩa tư bản, về đấu tranh giai cấp, về cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ, v.v. Những hiểu biết này khá sâu sắc, cụ thể, vì chủ yếu xuất phát từ những điều tai nghe mắt thấy, từ việc bản thân trực tiếp tham gia cuộc đấu tranh ấy với tư cách là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, từ việc học hỏi, trao đổi với các bạn Pháp đủ các tầng lớp. Những nhận thức ấy, tôi đã viết lại trong bài "Kể chuyện về nhân dân Pháp" (tháng 1-1991) (°).
Ai đã sống lâu năm ở Paris mà không giữ được những kỷ niệm sâu sắc về thành phố này? Thứ nhất là nó cổ kính, có nhiều di tích lịch sử đẹp. Trong cả thế kỷ 19, từ Cách mạng Pháp, đây là nơi tụ tập tất cả những người chống phong kiến ở châu âu.
Paris là một thành phố quốc tế. Đứng về văn hóa nói chung, triết lý văn học nghệ thuật, Paris là thành phố quốc tế cao nhất. Hồi tôi ở đấy, có đến 15.000 họa sĩ người nước ngoài sống ở Paris; sống đây là ở thuê và vẽ thuê mong ngày nào đó, nổi tiếng thành họa sĩ lớn, nếu không thì ăn bánh mì khô vậy. ở Paris có thể xem phim ảnh của tất cả các nước: Những phim nổi tiếng của Liên Xô được chiếu thường xuyên như "Chiến hạm Pô-tem-kim", phim của Nhật Bản, Ấn Độ, v.v. từ chín giờ sáng đến hai giờ khuya lúc nào cũng có. Môi trường văn hóa và chuyện ăn uống cũng vậy. ăn cơm Việt Nam, Ai Cập, Hy Lạp, v.v. đều có. Ra ngoài đường thì mặc áo Việt Nam, áo Ấn Độ, áo châu Phi... đều được. ở Paris không có hiện tượng phân biệt chủng tộc, cho nên dễ chịu như ở nhà, không có cái gì ràng buộc cả. Cuộc sống văn hóa cũng như vậy, ai mà có sức, có trình độ thì tiếp nhận được rất nhiều.
Sinh viên Việt Nam và các nước đều tập trung ở khu phố La-tinh, gồm quận 5 và quận 6 của nội thành Paris. Trước năm 45, đấy là nơi tập trung các trường đại học lớn của Pháp, nổi tiếng là trường đại học Sorbone. Viện lâu đời nhất của Pháp là Viện hàn lâm Pháp cũng ở đây. Hàng năm có 40 viện sĩ họp để xét duyệt các giải thưởng lớn về văn học, triết học, thơ ca. Ngoài các phòng họp lớn, nhỏ - nơi tổ chức các hội nghị, mít tinh của các tổ chức chính trị, văn hóa... Có công viên, đặc biệt là công viên Luxembourg, có tòa nhà của Thượng nghị viện Pháp, với những hàng cây rất đẹp. Giờ nghỉ giải lao, sinh viên thường ra dạo mát và trò chuyện ở đấy. Công viên này nổi tiếng vì một bài viết của Anatole France tả cảnh em bé đến tháng 10 xách cặp đi học trở lại, đúng vào mùa thu. Cây trong vườn lá đã vàng và rụng. Cảnh lá vàng rơi lả tả trên vai trắng nõn nà của tượng nữ thần trong vườn Luxembourg đã để lại cho tôi và nhiều nhà văn Việt Nam một ấn tượng tuyệt đẹp. Học sinh nào lúc học tiểu học cũng đều học qua bài ấy.
Cạnh công viên đó, có nhà hát Odéon là nơi diễn những vở kịch cổ điển. Cuối đường Saint Michel đi về phía phải là bờ sông Seine. Sang bên bờ sông Seine là hòn đảo trung tâm của Paris nổi tiếng No tre Dame de Paris (Nhà thờ Đức Bà) mà V.Hugo đã mô tả trong quyển tiểu thuyết "Thằng Gù ở nhà thờ Đức Bà" nổi tiếng. ở đây có thư viện Saint Genevievre có đủ các loại sách. Sinh viên thuộc các nước á, Âu, Mỹ... học ở Paris, nhà văn, nhà báo... thường hội tụ ở đó, muốn đọc sách gì cũng có. Nhà thờ Phanthéon do Cách mạng Pháp dựng lên để thờ những vĩ nhân, như nhà đại văn hào Victor Hugo chẳng hạn, cũng ở khu phố này.
Việc phục vụ ăn uống hàng ngày nơi đây cũng rất thuận tiện. Không có những khách sạn lớn nhưng có nhiều cửa hàng nho nhỏ, vào đấy muốn uống 1 cốc cà-phê, ăn 1 miếng bánh mì, hoặc ăn cơm lúc nào cũng được. Cơm Việt Nam hoặc thức ăn nước nào cũng có. Để đi học cho gần và thuận tiện cho việc tham gia mọi sinh hoạt văn hóa đa dạng, sinh viên thường thuê phòng ở các nhà trọ hoặc ở những phòng nho nhỏ của những nhà khá giả mà trước đấy thường dành riêng cho người giúp việc gia đình. Những phòng này thường sát mái không có nước, không có lò sưởi. Anh Trần Đại Nghĩa cũng có thời thuê phòng ở kiểu như vậy.
Xóm La-tinh này, với những trường đại học, những công trình văn hóa, lịch sử, những cơ sở phục vụ sinh viên, xen kẽ với những cửa hàng nhỏ, quán cà-phê nhỏ, v.v... Với một cuộc sống văn hóa phong phú, với những điều kiện sinh hoạt tinh thần, vật chất đa dạng thuận lợi, đã để lại những ký ức sâu đậm trong lòng những ai đã từng sống nơi đây. Đặc biệt là tính quốc tế của nó - quốc tế của sinh viên, không phải của sứ quán, ngoại giao - không phân biệt da vàng, da trắng, da đen... tất cả đều là sinh viên với nhau, như nhau cả. Có thể nói đây là một lãnh vực riêng cho sinh viên quốc tế.
Cũng xin nhắc lại là hồi Bác Hồ ở Paris, lập tờ báo Le Pa-ria, Tòa soạn cũng đóng ở xóm La-tinh này, phía đường Chợ bình dân: Chợ bình dân là nơi bán thịt cá, bánh mì, rau cỏ, có những cửa hàng nhỏ phù hợp với sinh hoạt của sinh viên.
Một điều rất quan trọng mà tôi được chứng kiến trong những năm ở Pháp là sự thay đổi lớn lao về khoa học kỹ thuật từ đó thay đổi cả cuộc sống.
Lúc tôi sang Pháp là năm 1937, nước Pháp đã qua một cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật về sắt, thép, về điện. So với nước mình, sự cách xa đã rất lớn. Từ năm 45 trở đi, chỉ cần vài năm khôi phục kinh tế sau chiến tranh, nước Pháp bước vào một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mới, mà đến cuối những năm 50, những hàng hóa mới có thể bắt đầu tràn trề ra ngoài xã hội: Vô tuyến truyền hình, ô-tô, đồ dùng trong gia đình là ba cái đập vào mắt nhất. Thí dụ như gia đình bà Lefèvre - một nhân viên hạng thấp nhất trong xã hội - có một đứa con đi làm. Năm 52 tôi gặp bà thì bà kể là đã ăn khoai tây chấm bơ (trước đó phải chấm muối). Đi lại bằng tàu điện. Đến năm 57 nhà bà có ti-vi và đến năm 60, hai mẹ con sắm được ô-tô cũ, và sau đó vài năm, thay ô-tô mới. Paris chật ních ô-tô, đi lại rất khó, muốn đỗ cũng không có chỗ. Bản thân tôi một thời gian dùng ô-tô, rồi cũng phải chuyển sang xe máy. Rõ ràng ti-vi, ô-tô, tủ lạnh... trở thành những tiện nghi phổ biến, không phải là của tầng lớp trên nữa. Nông nghiệp đã cơ giới hóa, sản phẩm dồi dào. Có thể nói là từ những năm 60 trở đi, các nước Âu châu tuy vẫn còn thất nghiệp, đói nghèo, nhưng không có cảnh đói ghê gớm như ở các nước lạc hậu.
Không chỉ trong nhân dân Pháp, mà cuộc sống của anh em Việt kiều cũng biến đổi sâu sắc. Những sinh viên khá, một số anh em công nhân trước phải ở những phòng nhỏ hẹp, nay cũng mua ô-tô, thuê nhà đàng hoàng ở ngoại ô. Nhưng cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật cũng đặt ra những vấn đề mới phải suy nghĩ. Sự tràn ngập hàng hóa làm nẩy sinh tâm lý tiêu xài hàng hóa. Không phải là hàng hóa bình thường, mà là hàng hóa sang, chưa hỏng đã muốn thay. Những gia đình trung lưu, mỗi người có 40-50 bộ quần áo là bình thường. Xe mới dùng độ hai năm chạy vẫn tốt, nhưng thấy một kiểu mới lại muốn mua. Xã hội tràn ngập biểu mẫu, hình thức quảng cáo, trên trời dưới đất đều là quảng cáo. Cuộc sống hàng ngày thay đổi cũng tác động lớn đến phong tục tập quán, đến tâm lý xã hội về nhiều mặt.
Lần đầu tiên cầm hộ chiếu nước VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA trong tay, có một cái gì đó rung chuyển. Ngày xưa ra đi với cái giấy thông hành của Pháp, chỉ có quyền đi lại ở nước Pháp thôi. Sau đó, lần sang Genève, phải đi lén lút. Nay có hộ chiếu đàng hoàng về lại đất nước, ít nhất là một nửa đất nước đã được giải phóng rồi. Trước mắt, sẽ đi qua một hệ thống các nước anh em ở trong phe xã hội chủ nghĩa với nhau: Tiệp Khắc - Đông Âu - Liên Xô - Trung Quốc rồi về Việt Nam. Khái niệm trừu tượng về nước ta là một bộ phận của phe xã hội chủ nghĩa rộng lớn nay đã được cụ thể hóa bằng chuyến về nước lần này. Chuyến đi gần một tháng, từ 27-4 đến 25-5 về đến Hà Nội, với bao cảm xúc dạt dào, tôi đã ghi lại khá tỉ mỉ trong bài Paris-Hà Nội, đăng trong báo Văn Nghệ tháng 6-1963.
Về nước sau 26 năm trời xa cách, cảm nghĩ của tôi có hai mặt trái ngược nhau.
Trước hết là cảnh nghèo nàn lạc hậu của ta. Năm 61, tôi đã viết rằng về cơ sở vật chất thì Việt Nam vào khoảng 1960 tương đương với nước Pháp ở thế kỷ 17, tức là chậm hơn 300 năm, thua kém ghê gớm. Về Hà Nội, điều này được cụ thể hóa rõ ràng, khắp nơi còn gánh gồng, sản phẩm khan hiếm. Một bút bi, một áo đi mưa, một xô nhựa còn là một thứ đồ hiếm. Nếu mang bút bi về làm quà cho ai cũng là quý! Cái lạc hậu 300 năm đó làm sao mà thanh toán được? Nếu đi lại con đường mà nhân dân Pháp đã phải trải qua 300 năm đó với bao nhiêu đau khổ, trả giá như thế thì không thể được! Quả là không thể nào đi theo con đường phát triển tư bản như Pháp được. Nhưng mà làm sao đây? Trong bài Paris-Hà Nội, tôi có nhắc lại câu trong truyện Kiều:
Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh
Nhưng mặt khác, lúc đi thăm một số nơi ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, thấy có nhiều đổi mới quan trọng so với hồi tôi ra đi. Hình như đã lóe lên một niềm hy vọng có thể tìm ra được một con đường ngắn hơn, đỡ đau khổ hơn. Bài Paris-Hà Nội đã kết luận bằng ý: Chúng ta đã tìm ra đôi hài vạn dặm.
Đôi hài vạn dặm đó là đường đi của Chủ nghĩa xã hội và học thuyết Mác-Lênin.
-------------------------
(°). Đã in trong quyển: "Nguyễn Khắc Viện như tôi đã biết" của Lê Phú Khải, NXB Thanh niên, 1999.