Phần III
NHỊP CẦU VĂN HÓA

Với niềm hy vọng chớm nở từ thực tế đất nước đang có những chuyển biến bước đầu, tôi vững tâm nhận công tác mới.
Theo yêu cầu của tình hình và xét khả năng, nguyện vọng, tổ chức phân công tôi làm ủy viên ủy ban Liên lạc Văn hóa đối ngoại. ủy ban này ngang với một bộ nhỏ, do anh Phạm Ngọc Thuần làm chủ nhiệm. Thực chất công việc của ủy ban là vấn đề đối ngoại, sử dụng phương tiện văn hóa (sách, báo, phim, ảnh...) để giới thiệu đường lối tình hình... Việt Nam với nước ngoài, chủ yếu là với các nước tư bản phương Tây, các nước Đông - Nam á. Còn việc trao đổi với các nước xã hội chủ nghĩa, với Liên Xô và các nước anh em về văn hóa, khoa học kỹ thuật... do Bộ Văn hóa và các bộ chuyên môn đảm nhiệm, đồng thời đã có các cơ quan thường trú các nước đó làm.
Thực chất công việc của ủy ban Liên lạc Văn hóa đối ngoại do Đảng đoàn (gồm vài ba người trong Ban chủ nhiệm) quyết định. Chủ nhiệm đồng thời là Bí thư Đảng đoàn. Tôi là ủy viên cũng chỉ là phụ thôi. Cục Bảo vệ sức khỏe cán bộ xếp tôi vào loại mất sức 100%, nên việc cử tôi vào ủy viên ủy ban Liên lạc Văn hóa đối ngoại cũng chỉ để cho có cương vị thế thôi, chẳng lẽ một Chủ tịch Hội Việt kiều mà không có vị trí gì trong bộ máy nhà nước. Tôi muốn làm thì làm, không làm thì thôi, không ai bắt buộc, không ai đòi hỏi tôi làm một việc gì.
Tôi được xếp lương 150 đồng, và vì ốm yếu nên được tiêu chuẩn phiếu B mua thực phẩm ở cửa hàng đặc biệt Tông Đản, dành riêng cho cán bộ cao cấp. Tôi chưa có vợ con nên với chừng ấy tiền và vài kg thịt cá được mua theo giá rẻ cũng đủ sống dư dật. Sau lại còn được phiếu mua hàng ngoại, áo quần, vải vóc... ở Cửa hàng Hữu Nghị dành riêng cho sứ quán nước ngoài. Tiêu chuẩn như vậy so với cuộc sống ở Âu châu thì chưa là cái gì, nhưng so với đời sống cán bộ ở Hà Nội hồi ấy thì đã là ghê gớm rồi. Buồn cười nhất là tôi không hút thuốc lá nhưng phiếu B Tông Đản lại được mua 30 bao thuốc lá. Hồi tôi ở Pháp có nghe báo chí nói ở Liên Xô có cửa hàng đặc biệt cho cán bộ cao cấp. Anh em Pháp với chúng tôi cứ nói: Tụi báo chí tư bản nó bịa chuyện chứ chủ nghĩa cộng sản làm gì có chuyện phân chia như thế này.
Lúc tôi mới về, trong nước đang học tập Nghị quyết 9, chống chủ nghĩa xét lại. Tôi mới về, chưa rõ tình hình. Đảng tịch của tôi cũng chưa được giải quyết. Những Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp về nước từ năm 1960 về trước thì chỉ cần một vài thủ tục là đương nhiên vào Đảng Việt Nam. Còn sau năm 1960, vì có vấn đề chống "xét lại" nên đảng viên các nước Âu châu về đều phải qua một quá trình thử thách. Đúng là tình hình chính trị năm 1963 khá phức tạp.
Nhưng dù sao cũng có mấy xu thế lớn tác động đến cảm nghĩ của tôi. Bao trùm lên tất cả là không khí xôn xao hướng về miền Nam, hy vọng, chờ đợi một cái gì lớn đang xảy ra, nhất là sau trận ấp Bắc, mâu thuẫn giữa Mỹ - Diệm bộc lộ rõ ràng, Diệm đã bị lung lay, ngày sụp đổ chắc cũng không xa.
Phe xã hội chủ nghĩa tuy có rạn nứt nhưng chưa có gì lộ liễu ghê gớm. Bên trong vẫn là một khối có đủ sức mạnh đối phó với phe đế quốc. Việc Liên Xô đưa vệ tinh lên trời, rồi Gagarin bay vào vũ trụ, đã gây niềm tin tưởng lớn vào sức mạnh của phe xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là của Liên Xô, cả về quân sự và kinh tế. Sau này mới thấy rõ đó là ảo tưởng, hồi đó tôi chưa thấy. Mặc dù lúc đi ngang qua Liên Xô, thấy cơ sở vật chất, phố xá, hàng hóa... còn thua xa ở Pháp, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng Liên Xô trải qua chiến tranh ác liệt, phát triển sau, làm sao mà khôi phục kịp; tôi vẫn tin tưởng rằng với cái đà làm được vệ tinh, làm được con tàu vũ trụ, làm gì mà Liên Xô chẳng đuổi kịp.
Miền Bắc có thể thành cơ sở cho cuộc đấu tranh của miền Nam không? Dạo quanh Hà Nội chưa thấy gì thay đổi lắm, nhưng nông thôn miền Bắc đã có những dấu hiệu đổi mới khá rõ nét. Hồi ở Pháp, nghiên cứu về con đường đi lên của các nước thế giới thứ ba, nhiều học giả Phương Tây và châu Phi đã thấy rõ những nước này lên được hay không, điều quan trọng là nông thôn phải thay đổi về cơ cấu kinh tế xã hội mới có bàn đạp để đi lên.
Anh em Việt kiều về nước có hai cách nhìn nhận khác nhau. Những anh em xuất thân từ thành phố, con quan lại công chức, nhà buôn bán... tuy sẵn sàng từ bỏ cuộc sống đầy đủ tiện nghi ở Pháp và vui vẻ nhận mọi nhiệm vụ, nhưng đứng về kinh tế xã hội, so Hà Nội lúc bấy giờ với Hà Nội ngày xưa thì chưa thấy có gì đáng phấn khởi. Trái lại, những anh em trước là nông dân nghèo bị bắt đi lính, sau mấy chục năm về nước rất vui, vì thấy họ hàng làng xóm đã được đổi đời.
Nông nghiệp đã có những nét khởi sắc, con cái nông dân đã được học hành, có người đã làm cán bộ cấp này, cấp khác. Đặc biệt, mạng lưới y tế đến làng, xã là một thành tựu lớn, nhờ sự chỉ đạo tích cực của anh Phạm Ngọc Thạch. Sau này nó xuống cấp, nhiều anh em y tế quên đi hoặc chưa biết tổ chức y tế của nông thôn miền Bắc lúc bấy giờ. Một trạm xá như trạm xá Quỳnh Giang, một y sĩ xã như anh Nguyễn Xuân Trí, được đào tạo hình thành trong bầu không khí cách mạng miền Bắc hồi đó rõ ràng là có một không hai trên thế giới. Phương hướng xây dựng màng lưới y tế cơ sở hồi đó, nếu ta biết giữ gìn, nâng cấp dần lên thì chẳng khác gì những vấn đề mà Tổ chức Y tế thế giới ngày nay đưa ra như Y tế cộng đồng, sức khỏe ban đầu. Tất nhiên, Tổ chức Y tế thế giới có những phương pháp hiện đại hơn. Nhờ có màng lưới y tế phổ biến đến thôn xóm như vậy, nên khi Mỹ ném bom miền Bắc, các bệnh viện thành phố phải sơ tán, thì mọi hoạt động của ngành y tế, tuy không được đầy đủ bằng thời hòa bình, nhưng cũng đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và của cuộc kháng chiến.
Thành tựu nổi bật nữa là về mặt giáo dục. Ngày nay chúng ta than phiền là chúng ta học ngoại ngữ ít quá, đúng thôi. Nhưng đừng quên rằng việc đưa tiếng Việt làm tiếng chính trong tất cả các trường, trong tất cả các ngành đại học đã tạo một nền tảng văn hóa khoa học lâu dài. Một tiếng nước ngoài là ngôn ngữ chuyển tiếng của giới trí thức, còn tiếng mẹ đẻ là chuyển ngữ của nhân dân lao động, cho nên có sự cách biệt rất xa, trong ngành y chúng ta thấy rõ. Hồi học Y ở Hà Nội, sinh viên bác sĩ với nhau thì nói tiếng Pháp, y tá với bệnh nhân thì dùng tiếng Việt. Phổ biến những kiến thức rộng rãi, nếu dùng tiếng Pháp thì hạn chế, mà dùng tiếng Việt thì anh em bác sĩ viết không ra. Thành tựu nữa về mặt giáo dục mà ai cũng thấy, là trường cấp 1 được mở khắp các làng xã ở đồng bằng sông Hồng.
Điểm nữa làm cho tôi hồi đó rất vui mừng, là ngoài gia đình, họ hàng, được gặp lại bạn bè thân quen sau bao nhiêu năm xa cách. Những anh em Việt kiều đã về nước những năm 50 đến 60 như anh Lê Văn Thường, anh Trần Đại Nghĩa, anh Phạm Huy Thông, anh Trần Đức Thảo v.v... và rất nhiều anh em khác nữa không thể kể hết, tất cả đều thể hiện tinh thần hăng hái trong mọi nhiệm vụ. Về miền Bắc nghèo nàn khổ sở như vậy anh em sẵn sàng chịu đựng, có khi còn khó chịu trong phong cách đối xử hay làm việc, anh em chấp nhận tất cả không thắc mắc, không đòi hỏi. Đó là điều mà tôi vô cùng phấn khởi. Những anh em ở lại trong nước, trước đây là bạn học cùng lớp, cùng trường, sau này tuy xa nhau, nhưng vẫn từng đọc những bài tôi viết từ Pháp gửi về đăng trên các báo. Những lá thư Paris này, tập hợp cùng với bài Paris-Hà Nội, được Nhà xuất bản Văn học in thành quyển sách lấy tên là "Paris-Hà Nội" năm 1963. Đó là quyển sách tiếng Việt đầu tiên sau khi tôi về nước.
Một việc buồn cười là hôm tôi đến Câu lạc bộ Đoàn Kết, nói chuyện về tình hình nước Pháp, có một anh bạn đến nghe. Sau này, anh ấy bảo tôi: "Tớ đến không phải để nghe câu chuyện mà chính là để xem cậu ở Pháp 26 năm rồi, có biết nói tiếng Việt nữa không. Tớ rất lạ, cậu nói trong hơn 2 tiếng đồng hồ mà không chen vào một tiếng Pháp nào". Tôi cũng cười "Đúng thật lạ! Lúc tôi ở Pháp, phải trau dồi tiếng Pháp để nói chuyện với người Pháp, viết sách báo bằng tiếng Pháp. Đồng thời cũng viết sách báo bằng tiếng Việt và nói chuyện với Việt kiều. Vì thế, cũng phải trau dồi tiếng Việt, học tập tiếng Việt, đọc sách tiếng Việt, ôn lại các tác phẩm văn học xưa của Việt Nam. Nhờ vậy, lúc về nước vẫn sử dụng thông thạo tiếng Việt".
Nói chung, với những cảm nghĩ bước đầu lúc mới về nước như trên, tôi bước vào công tác với tâm trạng hào hứng, tạm dồn nén những thắc mắc trăn trở khác. Bao trùm lên tất cả là khí thế chống Mỹ của cả nước, miền Nam trên đà chiến thắng, phe xã hội chủ nghĩa vững mạnh, miền Bắc đang chuyển biến theo hướng tiến bộ.
Công tác tuyên truyền đối ngoại lúc này tập trung vào việc chống Mỹ xâm lược và giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Những việc này tôi đã từng làm, không có khó khăn gì về quan điểm tư tưởng cũng như về nghiệp vụ. Trong quan hệ với các nước phương Tây hồi đó, ngoại ngữ chính là tiếng Pháp, đây cũng là thuận lợi đối với tôi.
Trước yêu cầu công tác tuyên truyền đối ngoại, một số anh em trong nước, do phải đi kháng chiến dài ngày, không được học đại học, không được chuẩn bị về nghiệp vụ đối ngoại. Điều đặc biệt là anh em có nhiệm vụ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, nhưng lại không được đọc sách báo của nó, không được biết nó nói gì, nó viết gì. Một ủy ban Liên lạc Văn hóa đối ngoại mà không có một tủ sách ngoại ngữ, chỉ nhận một tờ báo tiếng Pháp, tiếng Anh độc nhất, báo đó thiên lệch, giáo điều đến như thế nào, mọi người đã biết. Còn sách báo của Mỹ, của các nước châu Phi, ấn Độ... đều không được phép nhận, đấy là một hạn chế rất lớn.
Qua theo dõi sách báo của Nhà xuất bản Ngoại văn và tờ báo bằng tiếng Pháp, do ta in ở Hà Nội mấy năm trước, tôi đề xuất một ý kiến như sau:
Về đối tượng, tức là người nào sẽ đọc sách báo của chúng ta? Trong nước hồi đó có quan điểm chung chung sách báo là cho đại chúng. Đại chúng là công- nông-binh. ý tôi là đối tượng của sách báo đối ngoại không phải là công-nông-binh. Công nhân nước Pháp, công nhân nước Nga sẽ không có ai đọc báo từ Việt Nam gửi sang. Những người đọc báo của Việt Nam là trí thức, nhà báo, nhà làm phim... họ cần tin tức tài liệu, hoặc là người dạy học chẳng hạn thì để họ dạy học, viết sách; hoặc là chuyên viên của các Bộ ngoại giao để giao dịch quốc tế. Đặc điểm chung của các đối tượng này là có trình độ văn hóa, chính trị, nên nếu mình viết đơn sơ quá thì không có tác dụng. Họ đọc vài trang rồi bỏ không đọc nữa. Có khi chưa đọc thì có thiện cảm với Việt Nam, nhưng đọc rồi lại giảm bớt thiện cảm ấy đi. Vì vậy, phải viết hay, dịch hay.
Muốn có tác dụng, thì sách báo đối ngoại của ta phải có chiều sâu, nhận định chính trị phải sắc bén. Như quyển "Lịch sử Việt Nam" bằng tiếng Pháp chỉ có 40 trang. Đối với những người có trình độ thì họ đã biết nhiều hơn nội dung đơn sơ của sách; những vấn đề họ cần biết thì sách lại không có. Họ lại quay đi tìm tài liệu các nước khác.
Tôi đề xuất chuyển tờ Le Vietnam en marche (trước ra hàng tháng) thành tờ thông tin hàng tuần để đáp ứng tính kịp thời của thời sự. Đó là tờ Courrier du Vietnam bằng tiếng Pháp rồi dịch sang tiếng Anh, hàng tuần gửi máy bay sang Bắc Kinh, sang Matxcơva, sang Praha... rồi từ đó sang Phương Tây. Đồng thời ra một tờ tạp chí Etudes Vietnamiennes ba tháng một kỳ, mỗi tờ từ 150-200 trang, nội dung có tính nghiên cứu khoa học nghiêm túc, đi vào chiều sâu từng chuyên đề như nông nghiệp, giáo dục tình hình miền Nam, chủ nghĩa thực dân mới v.v... Anh em từ trước chưa bao giờ làm tạp chí chuyên đề như thế này, nên lúc đầu băn khoăn, nghi ngờ không biết có làm được không?
Quan điểm thứ hai là viết sách báo đối ngoại là làm công tác ngoại thương. Thế nào là ngoại thương? Phải tự mình sản xuất ra các sản phẩm mà mình phải đi lùng trong nước những sản phẩm tốt đẹp có thể xuất khẩu được, rồi chế biến bao bì thế nào cho người nước ngoài chấp nhận được. Đây không phải là hàng bán trong nước. Vì thế, phải tự mình nghiên cứu ra vấn đề, tập hợp chọn lọc tin tức để làm phóng sự, chụp ảnh. Nhưng không phải bê nguyên xi bài của báo Nhân Dân, tạp chí Học Tập... rồi dịch ra, mà phải chế biến, xào nấu lại cho hợp khẩu vị, phải cân nhắc điều cần nói, điều không cần nói, cách viết, cách trình bày cho phù hợp. Phải có đội ngũ cán bộ nhạy cảm vấn đề này, biết ít nhất một ngoại ngữ, quen đọc sách báo nước ngoài. Còn việc phát hành, ta chỉ cần in một số bản gửi sang các nước. Tự các cơ quan thông tin, báo chí... nước ngoài, nếu họ thấy nội dung tốt, họ sẽ nhân rộng ra. Nếu đi con đường này, không phải tốn kém nhiều, không cần bộ máy lớn, mà chủ yếu là phải có một đội ngũ cán bộ biết làm được việc.
Hồi đó quan điểm chung thường chỉ nhấn mạnh chủ yếu là quan điểm lập trường, nhà báo, phóng viên chỉ cần nhớ cho kỹ những nội dung do cơ quan tuyên huấn phổ biến là viết được, còn nghiệp vụ không quan trọng lắm. Từ chỗ quan niệm khác nhau như vậy, sau này có những vấn đề về tổ chức, về chính sách rất khó giải quyết.
Về tờ tạp chí, Tổ chức bảo tôi "anh đề xuất thì giao cho anh thực hiện". Tôi được cử làm Chủ nhiệm tờ Etudes Vietnamiennes, với một quyết định bằng 1-2 tờ pơ luya mỏng, đánh máy chữ rất mờ (phải chăng để tiết kiệm giấy và ruy băng?), đến nỗi một tháng sau không đọc được nữa. Vì vậy, cơ quan làm mất luôn tờ quyết định đó, lên Tổ chức hỏi cũng không tìm được, chỉ hiểu với nhau là tôi chịu trách nhiệm tờ Etudes Vietnamiennes đấy, về đường lối về tổ chức và tất cả.
Trước tình hình nhiều anh em bỡ ngỡ, một số anh em cũ cảm thấy bấp bênh, tôi bảo: "Anh em nào muốn sang chỗ khác thì tùy ý, ai muốn ở lại thì ở". Tôi mời được một số anh em có khả năng như anh Vũ Cận, anh Vĩ, anh Chất, anh Phạm Cường, anh Nguyễn Đức Mộc v.v... tập hợp thành một ê kíp cùng chung sức làm tờ Etudes Vietnamiennes.
Đồng thời tôi được ban phụ trách tờ Courrier du Vietnam nhờ làm cộng tác viên, chủ yếu là viết các bài xã luận nhận định thời cuộc. Vấn đề quan trọng không phải là đưa tin nóng hổi, thí dụ như 1-11-1963 Diệm sụp đổ. Tin đó người ta đã biết qua tivi, đài phát thanh rồi. Điều người ta cần biết là Diệm đổ vì sao và sau khi đổ sẽ ra sao? Báo phải bình luận tin này thật sắc bén, ở đây không phải là thời sự mà là vấn đề chiến lược.
Từ 1964 đến 1984, nhờ sự cố gắng chung, trình độ anh em được nâng lên, chúng tôi đã ra được khoảng 70 số tạp chí Etudes Vietnamiennes. Sau đây, tôi sẽ kể lại một vài việc đáng chú ý.
Tháng 6-1972 giữa lúc Mỹ trở lại thả bom miền Bắc, đánh phá Hải Phòng, Đảng cộng sản Pháp gửi một đoàn điện ảnh sang Hà Nội để làm một phim vô tuyến truyền hình dài về Việt Nam. Lúc đầu, theo thói quen, một ban gồm đại diện một số cơ quan được cử ra để làm cố vấn cho đoàn. Đến khi vào việc thì thấy cách làm theo kiểu bàn tập thể, có gì quan trọng lại phải xin ý kiến cấp trên v.v... thì mấy năm cũng không xong, mà đoàn chỉ có thời gian một tháng. Vì vậy, vấn đề đặt ra là không cần bàn nữa, mà chỉ cần một người làm cố vấn cho đoàn. Trên giao cho tôi trách nhiệm đó. Tôi nêu ý kiến: Nếu giao tôi làm thì giao toàn quyền, tôi chịu trách nhiệm, không phải hỏi ý kiến ai, vì nếu hỏi đi hỏi lại thì không thể xong trong một tháng, thà đừng làm, làm mà dở dang thì tôi không làm.
Nội dung phim gồm ba đoạn, sẽ chiếu thành ba kỳ, mỗi kỳ 52 phút. Đoạn thứ nhất là lịch sử truyền thống của Việt Nam, đoạn thứ hai là cuộc kháng chiến đánh Pháp xâm lược, đoạn thứ ba là miền Bắc đối đầu với bom đạn Mỹ. Đoàn đề nghị lấy nội dung tôi trả lời phỏng vấn để thuyết minh phim.
Để cho tự nhiên, cuộc phỏng vấn được tiến hành ngay tại nhà tôi, ở số 8 Nguyễn Chế Nghĩa. Phần lớn nhân dân Hà Nội đã đi sơ tán, nhưng cũng phải đợi đến 10 giờ tối để khu phố được yên tĩnh, đoàn mới mang đèn đuốc, máy móc đến. Phòng tôi ở không có gì đẹp đẽ cả, ngoài bàn làm việc ra, chỉ toàn là sách. Phải quay bốn đêm liền, từ 10 đến 12 giờ. Ở Hà Nội giữa mùa hè, phòng thì nhỏ, phải đóng hết cửa để giảm tiếng động từ ngoài vào, đèn rọi sáng trưng, tôi cùng bốn đồng chí trong đoàn phải nói là toát mồ hôi. Đến lúc quay xong, anh em cũng thấy thoải mái vì đồng chí trưởng đoàn đã nghiên cứu kỹ, đặt vấn đề hỏi rất trúng, mà tôi cũng đã quen nên trả lời nhanh gọn, không vấp váp gì.
Cuối năm đó, Đảng cộng sản Pháp mời tôi sang để cùng dựng phim. Tháng 12-1972, tôi từ nơi sơ tán về Hà Nội để chuẩn bị đi Pháp, đúng vào những ngày đêm Mỹ dùng máy bay B52 thả bom ở Đông Anh, Gia Lâm, Bạch Mai, Văn Điển, Khâm Thiên... Tôi sang trú bên hầm của Nhà xuất bản Ngoại Văn gần nhà tôi. Hầm rất kiên cố, có tường dày, có cửa sổ song sắt nom như chiếc tàu thủy. Đứng trong hầm nhìn qua cửa tròn có thể thấy một góc bầu trời, lúc máy bay Mỹ đi qua, súng cao xạ của ta bắn lên rầm rầm, lửa sáng rực trời trông rất đẹp như bắn pháo hoa. Lúc nào bắn trúng B52 thì khối dầu cháy lóa ra đỏ cả một góc trời. Lúc Mỹ buộc phải ngừng ném bom, tôi đáp máy bay sang Pháp và đến Paris vào tháng 1-1973. Hội nghị Paris bàn về vấn đề Việt Nam sắp kết thúc, báo chí, ti vi đều sôi sục về chuyện Việt Nam.
Phần tôi, thế là sau 10 năm, lần đầu tiên trở lại nước Pháp, được gặp lại những anh em cùng hoạt động, những kiều bào trước đã cùng chia sẻ bao nỗi vui buồn, những đồng chí trong Đảng cộng sản Pháp, những anh em tiến bộ trong các Đảng anh em ở châu Phi và một số nước khác. Hồi tôi rời nước Pháp, nhiều anh em biết tôi bị bệnh nặng. Không ngờ 10 năm sau, nhất là sau thời kỳ bom đạn, sau những trận bom B52 ác liệt, tưởng chừng Hà Nội chẳng còn gì nữa, thấy tôi trở lại, anh em hết sức vui mừng, tôi cũng vô cùng xúc động. Trong 40 ngày, ngoài thời gian đến xí nghiệp phim, tính lại có đến 36 buổi gặp gỡ trò chuyện với bạn bè, trả lời phỏng vấn...
Hôm 27-1-1973, Hiệp định Paris được ký tại hội trường Kléber là một Trung tâm diễn đàn quốc tế (Centre international de conférences). Bạn bè Pháp, anh em Việt kiều..., chúng tôi đứng trước cửa chờ đón đoàn. Đoàn đại biểu của Mỹ đến, nhân dân la ó lên, nên họ cúi đầu xuống, khi đoàn bà Nguyễn Thị Bình đến, cùng với nhân dân quanh phố đấy, chúng tôi hoan hô vang dậy, bà Bình tươi cười vẫy chào.
Trong 40 ngày ở Pháp, ngày nào tôi cũng có những cuộc tiếp xúc, từ 9 giờ sáng đến nửa đêm, có lúc phải đi sang các tỉnh khác, nhưng không thấy mệt. Đi đâu cũng gặp một sự ân cần đón tiếp niềm nở, một không khí hân hoan, làm cho mình cảm thấy vinh dự, tự hào. Vinh dự được làm người Việt Nam, đi đâu ai cũng hỏi: thế nào? tại sao thắng được Mỹ? làm thế nào thắng được Mỹ? tổn thương, đau khổ thế nào? ngày mai thế nào? v.v... Có lần tôi đi tắc-xi, anh lái xe nói chuyện: "Việt Nam có Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất tài. Ngày xưa chúng tôi có Napoléon. Nhưng cũng có trận thua. Còn Đại tướng Giáp thì chưa thua trận nào, thắng Pháp, thắng cả Mỹ".
Có tờ báo Jeune Afrique của châu Phi non trẻ cử đồng chí Tổng biên tập, phỏng vấn tôi đến ba tiếng đồng hồ, sau đó dành hầu như cả một số tạp chí để nói lý do Việt Nam làm thế nào để thắng Mỹ.
Những anh em thời gian qua đã đóng góp tiền bạc mua sách báo gửi về cũng tổ chức một cuộc gặp mấy tiếng đồng hồ, nói chuyện như phỏng vấn, có ghi âm rồi chép lại đầy đủ.
Có một cuộc họp với một giáo sư nổi tiếng của Pháp về nghiên cứu nông học nhiệt đới cùng với khoảng 30 nhà nông học của Pháp. Ông giới thiệu: "Đây là những người chuyên về cây lúa, cây chuối, cây dừa, cây tiêu... Anh cho chúng tôi biết tình hình nông nghiệp Việt Nam bây giờ hướng phát triển như thế nào, cần những gì, chúng tôi sẽ giúp".
Một số trí thức ở Thụy Điển gọi dây nói sang muốn gặp tôi. Theo lời mời của tôi, họ sang Paris, ngỏ ý muốn tặng trẻ em Việt Nam một món quà. Tôi nói là trẻ em Việt Nam khổ nhất là sách toàn giấy xấu, không in mầu. Nếu các bạn in cho trẻ em Việt Nam một quyển truyện, giấy đẹp, có hình vẽ in mầu thì rất quý. Chúng tôi bàn sẽ lấy truyện cổ tích Việt Nam gửi sang nhờ các bạn Thụy Điển quyên tiền in giúp cho. Họ sang Paris với tôi một ngày, xong họ về. Sau đó tôi bàn với Nhà xuất bản Kim Đồng lấy quyển "Tấm Cám" do Mai Long vẽ, 5, 6 mầu rất đẹp, có tính dân tộc, gửi sang cho họ. Các bạn Thụy Điển đã in cho 400.000 cuốn, gửi đến Việt Nam, qua Nhà xuất bản Kim Đồng phân phối cho trẻ em trong nước. Hồi ấy miền Nam chưa được giải phóng, bà con ở những vùng đã giải phóng được nhận sách, tấm tắc khen sao miền Bắc in sách cho trẻ con đẹp thế?
Việc trả lời phỏng vấn báo chí, đài phát thanh v.v... cũng vậy. Tài liệu tuyên truyền của ta gửi sang các nước phương Tây rất ít, vì vậy trả lời phỏng vấn là dịp rất tốt để nói cho hàng triệu người nghe, để người ta hiểu rõ, hiểu đúng Việt Nam và đồng tình ủng hộ mình nhiều hơn. Nếu chờ thỉnh thị trong nước, thì họ không chấp nhận, vì báo phải ra ngay, đài phải phát ngay, nếu chậm thì họ không làm nữa. Vì vậy, ai phỏng vấn là tôi trả lời ngay, với điều kiện là không được cắt xén, xuyên tạc, bảo đảm in đúng, phát đúng những câu tôi nói, tôi viết.
Sau Hiệp định Paris, đài truyền hình Pháp cho chiếu phim về Việt Nam đã nói trên. Lúc đầu, nhà chức trách Pháp chỉ cho chiếu đoạn một về truyền thống và đoạn ba về đánh Mỹ, không cho chiếu đoạn hai về kháng chiến chống Pháp, vì trong đó có cảnh đoàn tù binh Pháp sau Điện Biên Phủ đi thành một hàng dài. Lệnh cấm này gây ra một phong trào phản đối khá mạnh trong khán giả Pháp, nhiều thư gửi đến đài truyền hình đòi xem đoạn hai. Sau đó nhà cầm quyền Pháp phải bỏ lệnh đó, cho chiếu cả đoạn hai.
Nói chuyện làm phim thì một điều đáng nhớ là việc cộng tác với anh Lương Đức, cô Lệ Mỹ và Xưởng phim để xây dựng bộ phim "Đất tổ nghìn xưa"? Lúc sắp đến năm 1980, kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đảng, Trung ương muốn có một phim đầy đủ về đất nước con người. Tôi nhận việc chuẩn bị nội dung, bắt tay viết vào năm 1980. Quá trình làm gặp khó khăn là phải duyệt qua nhiều cấp, mà nói về đất nước lúc này thì có nhiều chuyện quá. Nếu làm kiểu này thì không được. Tôi chuyển thành bộ phim "Đất tổ nghìn xưa"để tránh cái chuyện ngày nay đi, trước hết, giới thiệu cho được sự hình thành đất nước, nền văn hóa của dân tộc, nói rõ tinh thần yêu nước chống ngoại xâm là một yếu tố, chứ không phải là yếu tố quan trọng nhất. Trong ba truyền thuyết của ta (Sơn Tinh - Thủy Tinh, 100 trứng - bà Âu Cơ, Thánh Gióng) chỉ có truyền thuyết Thánh Gióng là chống ngoại xâm; còn Sơn Tinh - Thủy Tinh là chống thiên tai; chuyện Âu Cơ nêu lên tính chất lưỡng đoan hai phía của dân tộc ta, một là miền núi, hai là miền xuôi, hai miền này có mối quan hệ mật thiết với nhau mới đoàn kết thành đất nước Việt Nam. Phim này là phim đầu tiên được giải "Bông sen vàng". Sau đưa ra quốc tế được hoan nghênh, vì nói lên được tổng thể của cả lịch sử của dân tộc.
Tổ làm phim gồm anh Lương Đức, cô Lệ Mỹ và tôi, sau này còn làm một số bộ phim khác: "Đất nước và con người", "Vịnh Hạ Long", "Đất Tây Sơn". Phim "Vịnh Hạ Long" không đưa hình ảnh những hòn đảo nổi lên mặt nước như thường làm. Chúng tôi đi sâu vào các hang động mà khách du lịch chưa bao giờ đi tới, việc mang đèn và máy vào rất khó khăn, anh Lương Đức có nhiều lần ngã suýt chết. Bộ phim "Đất Tây Sơn" được làm năm 1984, nhân kỷ niệm 195 năm về Quang Trung. Chúng tôi vào Quy Nhơn, Bình Định, ở đây gần một tháng, được dự lễ kỷ niệm Quang Trung. Lễ được tổ chức rất trang trọng ở xã Tây Sơn, có hàng vạn người tham dự, kể cả cán bộ, nhân dân ở các tỉnh lân cận, Sài Gòn và một số tỉnh phía Bắc. Xứ Tây Sơn gần đèo An Khê, là nơi Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ sống từ bé. Chương trình buổi lễ có nhiều trò chơi, có voi biểu diễn. Anh Tô Đình Cơ, Chủ tịch UBND tỉnh băn khoăn: "Nếu mình đọc một diễn văn như báo cáo chính trị giữa một biển người mênh mông như thế này, thì loãng lắm, rất chán". Anh Cơ trước kia hát tuồng hay nổi tiếng. Tôi gợi ý: "Nếu anh đồng ý thì tôi sẽ viết giúp một bài phỏng theo hịch của Tây Sơn như giọng hát tuồng, có trầm có bổng, có vần có điệu, có trống có chiêng đệm vào, đọc lên sẽ rất là thú vị, có thể gây được ấn tượng sâu sắc trong quần chúng". Chủ tịch tỉnh đồng ý, nhưng bàn trong Ủy ban, tập thể không nhất trí nên thôi. Đến ngày lễ, Chủ tịch tỉnh đọc bài diễn văn, trẻ con chạy nháo nhác, mấy vạn người chẳng ai nghe được gì.
Sau giải phóng miền Nam, trước Tết 1975, tôi vào Sài Gòn. Ngoài việc đi thăm họ hàng, thật cảm động khi được gặp lại những anh em Việt kiều ở Pháp về Hà Nội trước đây, rồi vào miền Nam trong thời chống Mỹ, nay nhận công tác ở các cơ sở, các ngành sau khi tiếp quản. Qua trò chuyện, các anh chị em này giúp tôi hiểu biết rất nhiều. Đặc biệt là chị Anh và anh Dương Quang Trung, từ Pháp về Hà Nội công tác nhiều năm rồi vào Nam năm 1965, đi bộ trong rừng trên đường mòn Hồ Chí Minh, sốt rét vẫn đi, sáu tháng trời mới đến ngoại vi Sài Gòn. Để có giấy tờ nhập vào thành phố, lúc đầu phải ở nhà một nông dân nghèo là cơ sở của ta, đi cấy, đi gặt... như con cháu trong nhà. Vào đến nội đô, chị vốn là bác sĩ, phải thi vào làm y tá ở bệnh viện. Dưới vị trí công khai như vậy, 10 năm ròng rã, chị hoạt động bí mật, vượt qua bao thử thách, suýt bị bắt mấy lần. Anh Dương Quang Trung cũng vậy, 10 năm lăn lộn trong hoạt động nội thành, tóc đã bạc đi rất nhiều. Gặp lại những người tưởng chừng khó mà sống sót qua cuộc chiến đấu một mất một còn giữa nơi trung tâm đầu não của Mỹ - ngụy, lòng tôi vừa xúc động, vừa tự hào. Tự hào cho tổ chức Việt kiều đã đào tạo ra những con người như thế. Còn nhiều các anh các chị khác nữa, không thể kể hết, cũng đã không hề tính toán, giá thử ở lại Pháp 10, 15 năm nữa mới về chắc sẽ giàu sang hơn nhiều, nhưng họ vẫn lựa chọn con đường về với quê hương, không có gì thay thế niềm tự hào được tham gia những năm gian khổ đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc.
Ngoài ra, tôi còn gặp nhiều người ở lực lượng thứ ba là các nhà trí thức, các vị linh mục. Tôi còn đến gặp cả một số người ở chính quyền cũ, trong đó có Nguyễn Văn Hảo đã từng làm thủ tướng ngụy mấy tháng, vì có quen biết từ hồi ở Pháp.
Thành phố này tôi chưa bao giờ đến, trừ năm 1973 có ghé ngang qua hồi đi Pháp. Nhưng đi đến đâu cũng có vẻ như quen thuộc, vì trong bao nhiêu năm tôi đã theo dõi từng bước cuộc đấu tranh nhiều mặt diễn ra ở từng khu vực. Tôi thấy rõ tính hai mặt của thành phố này: Mặt thứ nhất là vốn cách mạng, chuyện đánh Pháp, đánh Mỹ, nơi nào cũng để lại dấu vết; Mặt thứ hai là ảnh hưởng ghê gớm sâu sắc của hai đế quốc xâm lược ăn sâu vào từ tầng lớp trên đến tầng lớp dưới, đặc biệt là tâm lý tiêu xài tràn ngập. Một số câu hỏi đặt ra: Ai sẽ thắng ai? Khi kể về thành phố này, tôi viết cả hai mặt: Nói đến mặt năng động, tích cực thì các vị lãnh đạo thành phố hân hoan, nhưng nói đến mặt tiêu cực thì các vị tỏ ra không vui lắm.
Nhớ lại lúc ở Hà Nội, tôi được nghe một đồng chí cán bộ cao cấp phổ biến về tình hình kinh tế miền Nam mới giải phóng. Đối chiếu với nhiều tài liệu đã nghiên cứu, tôi thấy rõ đồng chí này không nắm được thực tế của kinh tế miền Nam trong mấy chục năm qua. Không thấy cách mạng khoa học kỹ thuật trên thế giới đã làm thay đổi kinh tế và cuộc sống như thế nào, nên vẫn lý luận như thời đế quốc năm 1930. Một số anh em vẫn sống với những ký ức của những ngày trước khi đi tập kết, sống theo kỷ niệm của những năm 45, là miền Nam tràn trề cơm gạo, cá mắm... không thấy sự tàn phá của chiến tranh, dân số tăng lên nhiều, cơ cấu xã hội đã thay đổi, chuyện tá điền, địa chủ lớn không còn nữa.
Về mặt văn hóa tư tưởng, một số anh em bên Ủy ban Khoa học Xã hội nêu vấn đề phải chú ý thuyết hiện sinh. Đúng là trước năm 1975, thuyết này có ảnh hưởng đến một số trí thức Sài Gòn. Theo kinh nghiệm ở Pháp, tôi nghĩ rằng một vài năm nữa ở Sài Gòn, nó cũng qua đi thôi, không có gì đáng lo ngại.
Ngoài Sài Gòn, tôi đã có dịp đi Cần Thơ, Tây Ninh, Phan Rang, Phan Rí, Cà Mau, Bến Tre v.v... đến thăm những cơ sở của đạo Dừa, đạo Cơ đốc và năm 1977, có về vùng Hòa Hảo ở An Giang. Đã có nhiều sách viết về các đạo này, tôi chỉ nêu lên suy nghĩ của tôi là về khoa học xã hội ở miền Nam, rất cần nghiên cứu vấn đề tôn giáo và vấn đề người Hoa. Rất nhiều đề tài phong phú, và ngay sau giải phóng, còn nhiều nhân chứng vật chứng có thể giúp chúng ta nắm bắt thực tế sâu sắc. Nếu khoa học xã hội làm đúng vị trí của mình là đi trước, nghiên cứu, điều tra xã hội đang vận động để phát hiện vấn đề, nêu lên những điều cần tập trung giải quyết, thì có thể giúp cho lãnh đạo đề ra chủ trương chính sách sát, đúng, kịp thời. Nhưng trong một thời gian dài, còn có quan niệm khoa học xã hội đi sau, tìm tòi thực tiễn để chứng minh chủ trương do lãnh đạo đưa ra, nên chúng ta đã đi chậm trong khá nhiều vấn đề.

Xem Tiếp: ----