Phần 4 - Nước BỈ
Liège: Thành phố nhẹ nhất thế giới(1)

    
ần đầu tiên khi bước chân xuống ga Guillemins ở Liège, tôi buồn rầu nhận ra thành phố… xấu quá. Từng đi Bruges và Bruxelles, những thành phố nổi tiếng đẹp xinh của Bỉ, nên tôi thấy Liège trông như một con vịt nhỏ xấu xí. Thế rồi trong suốt một năm du học ở đây, ngày ngày lấy bus số 48 lên đồi Sart-Tilman nơi có ngôi trường Đại học Liège nằm ẩn trong rừng xanh, tôi ngỡ ngàng nhận ra mình đã yêu thành phố này từ khi nào chẳng rõ.
Hợp chủng quốc sinh viên
Liège không có những công trình thế kỷ, không có kiến trúc cổ xưa độc đáo, không có cả cái không khí thanh bình thường gặp ở một thành phố châu Âu. Nhưng Liège là nơi tụ họp những bạn trẻ từ khắp nơi cùng đến tìm kiến thức. Trường Đại học Liège là một trong những ngôi trường châu Âu danh tiếng với các khoa, các ban, các nhánh học thật phong phú. Vì thế, ở Liège tôi có thể gặp những sinh viên đủ mọi màu da và kết bạn với đủ mọi quốc tịch: Masako đến từ Nhật để học ngành khảo cổ, Zineb người Maroc học văn chương, Nadine từ Canada sang hoàn thành khóa kỹ sư hàng không, Zita gốc châu Phi chọn học nuôi trồng thủy hải sản, Philippe từ nước láng giềng Pháp sang học ngành thú y, rồi những cô cậu trẻ măng mãi tận bên Mỹ cũng hăm hở đến Liège học về hàng hải, xây dựng và nông nghiệp. Có thể nói Liège là thành phố “hợp chủng quốc” dành cho những người trẻ.
Đường phố nhún nhảy
Những ngày cuối tuần, sinh viên lao vào khu phố cổ Carré đông nghịt để nhảy nhót, đàn hát, ăn uống, tổ chức những trò chơi phong phú như hóa trang, vũ hội, đố vui… Họ đùa giỡn ầm ĩ, kéo nhau rồng rắn diễu hành khắp thành phố kể cả vào mùa đông lạnh giá. Khi người ta trẻ, dù nhiệt độ có xuống đến mức âm cũng chẳng bận lòng. Rồi những tháng ngày xuân-hè, nam thanh nữ tú lại hiện diện khắp nơi theo những lễ hội âm nhạc, ngày Francophonie (ngày nói tiếng Pháp), ngày quốc khánh Bỉ, ngày nhà vua và còn biết bao ngày lễ mà tôi không tài nào nhớ nổi. Chỉ biết rằng vào những ngày đó, các sân khấu đặt ở ngoài trời, ca sĩ từ chuyên nghiệp đến bán chuyên nghiệp và cả nghiệp dư cùng cống hiến nhiệt tình những bản nhạc sôi động làm nức lòng giới trẻ. Chúng tôi cùng nhún nhảy bên nhau dù chẳng hề quen biết. Cùng nắm tay ngước nhìn bầu trời đầy sao và chiêm ngưỡng những đợt pháo hoa đẹp như những giấc mơ thời thơ ấu.
Chợ trời La Batte bên sông La Meuse
Vào mỗi sáng chủ nhật, tiếng chuông các giáo đường đồng loạt từng hồi vang lên đánh thức những cô cậu ham chơi đã trắng đêm hôm trước. Chúng tôi mắt nhắm mắt mở động viên nhau cố gắng “lết” đến chợ trời La Batte trải dài theo con sông La Meuse. Với túi tiền eo hẹp của giới sinh viên, chợ trời chỉ họp một lần duy nhất trong tuần là vị cứu tinh cung cấp rau xanh, trái cây, cá tươi và đủ thứ thực phẩm phong phú. Thường chúng tôi cùng mua cả bao tải khoai tây, khệ nệ vác những túi táo chín mọng, đội lên đầu vài ba ký củ hành. Phải mua sỉ giá mới rẻ, và cứ thế mà về chia với nhau để tiết kiệm từng đồng sau khi vung tay quá trán vào những câu lạc bộ đêm tối thứ bảy vừa qua.
Ẩm thực giá rẻ
Những ngày không lên giảng đường hay đã quá rã rời sau những giờ học căng thẳng trong thư viện, tôi thường một mình bách bộ lang thang “window-shopping”. Liège có đầy đủ sản phẩm hàng hiệu của thế giới, từ tột đỉnh xa xỉ đến giá “mềm ơi là mềm” dành cho giới trẻ. Về mặt ẩm thực, Liège cũng không thua kém thủ đô Bruxelles với đầy đủ những nhà hàng từ cao cấp đến bình dân giá bèo. Nào là “cuisine” Pháp, Ý, Hy Lạp, Trung Hoa, Braxin, Maroc…, kể cả Việt Nam cũng có đến trên dưới mười nhà hàng lớn nhỏ. Tôi vẫn thường làm khách hàng ruột của một nhà hàng Ý có ghi bảng giảm giá mười phần trăm cho sinh viên. Với một pizza “to vật vã” như cái mâm và một ly coca lạnh chỉ có năm euros, tôi tì tì ngồi nhấm nháp vị thơm béo của phô-mai, vị mặn gắt của những lát thịt jambon muối, và vị chát dịu của ô-liu. Đã thế, lần nào vào ra quán cũng được những anh chàng người Ý dẻo miệng ồn ào ca tụng: “Cô đẹp quá! Chào người đẹp của tôi! Đêm nay tôi sẽ mơ thấy người đẹp!”. Nghe riết cũng tưởng mình đẹp thiệt, nhưng ăn pizza hoài sẽ phát phì. Khi đó chắc họ cũng không dám nói “Cô mập quá!” kẻo mất khách như chơi. Thỉnh thoảng có người thân từ Pháp sang thăm, tôi hào phóng dẫn họ đi vào những nhà hàng Bỉ đãi món đặc sản “moule et frite” tức là một loại sò (ở Việt Nam không có) ăn với khoa tây chiên. Người Bỉ rất ghét món khoai tây chiên bị gọi là “French fries”, họ nói người Bỉ có công sáng chế kiểu ăn khoai tây xắt cọng dài chiên dòn. Đáng lý phải gọi là “Belgian fries” mới đúng.
Dù Liège trẻ trung, sôi nổi và hoạt động không ngừng, thành phố này cũng có những “khoảng lặng” đáng trân trọng. Tôi đã từng lang thang buồn rầu vì bị… thi lại. Trên những bước chân vô định của mình, tình cờ tôi nhận ra những con hẻm bình yên, những nấc thang xám khiêm nhường, những vách tường đỏ phủ rêu phong. Và, tiếng chuông ngân lên đâu đó của một nhà dòng ẩn mình trong phố cổ làm tôi bồi hồi. Liège, Liège giờ chia tay đã điểm. Sẽ không bao giờ tôi thôi yêu thành phố nhẹ nhất thế giới này.
__________
1. Liège trong tiếng Pháp có nghĩa là loại vật liệu để làm nút chai đóng rượu, rất nhẹ, nên người dân thích chơi chữ, nói thành phố của mình nhẹ nhất thế giới.)

Bruxelles: Thủ đô hóm hỉnh
Lần đầu tôi đến Bruxelles năm 2000. Từ Paris tôi ngồi xe đò đêm thoáng gà gật vài giấc thì đến. Dân Pháp hay trêu chọc người Bỉ, họ nói trên thế giới này chỉ có Bỉ ban đêm trên xa lộ mới thắp đèn, vì nước Bỉ bé nhỏ quá nên mới dám xài sang. Họ còn cười cợt bản tính ngây thơ, ngờ nghệch đến mức khờ khạo của người Bỉ và có cả kho tàng truyện cười về dân tộc chất phác này. Mặc kệ người láng giềng “xách mé”, thủ đô Bruxelles được thế giới tin tưởng đặt hơn cả trăm trụ sở quốc tế quan trọng, một trăm năm mươi chín sứ quán với hai ngàn rưỡi nhà ngoại giao và một ngàn bốn trăm các tổ chức phi chính phủ (NGO). Sau này tôi đến Bỉ du học một năm, dù không ở Bruxelles nhưng tôi cứ đi đi về về với nơi chốn thân tình này. Chưa ở đâu người ta cởi mở với nhau đến thế. Chẳng có ai là người xa lạ hay người nước ngoài, tát cả đều cười với nhau thân thiện vì “tôi là anh mà anh cũng là tôi”.
Quảng Trường Lớn (mà hổng lớn)
Còn nhớ lúc tôi tìm đường đến Quảng Trường Lớn, là địa điểm thu hút du khách nhất ở Bruxelles, một người tận tình chỉ dẫn rồi hóm hỉnh: “Nhưng báo trước nhé, quảng trường đó không lớn một tí nào đâu, có khi cô đứng ngay đó rồi mà còn mãi tìm đó chứ!”. Quả thật quảng trường bé nhỏ vô cùng so với thủ đô các nước khác, nhưng sự duyên dáng của nơi đây rất xứng đáng được Victor Hugo cho là một trong những quảng trường đẹp nhất châu Âu và UNESCO công nhận là di sản thế giới. Thật khó để chụp hình Quảng Trường Lớn cho trọn vẹn vì đây là một cái sân hình chữ nhật với lối kiến trúc độc đáo nên tôi cứ mãi loay hoay. Mỗi lần ghé lại thăm Quảng Trường Lớn là mỗi lần nơi đây được trang trí khác nhau, mùa đông là cây thông cao vút đèn đóm rực rỡ, mùa xuân là thảm hoa trải rộng đẹp đến bất thần, mùa hè là những lễ hội ca hát linh đình, mùa thu là các triển lãm nghệ thuật trầm tư cùng gió.
“Cái đó” của Manneken Pis
Từ Quảng Trường Lớn, thường người ta hay tìm thăm Manneken Pis, bức tượng thằng bé cầm chim đái. Ở Bruxelles dường như ai cũng hóm hỉnh, khi nghe tôi nói đang tìm đến chỗ thằng bé đái, một người chỉ đường nháy mắt: “Cô sẽ thất vọng, “cái đó” của nó chút xíu hà!”. Đã đến tận nơi mà tôi còn ngó trước ngó sau, chịu không tìm ra Manneken Pis, một người khác thấy vậy hỏi: “Tìm thằng nhỏ hả? Nó nhỏ đã đành, mà “vòi” của nó còn khó thấy hơn!”. Thì ra bức tượng nổi tiếng đó chỉ cao có chừng năm mươi centimet, được đặt khiêm tốn trên một cái gờ tường, từ chim nó chảy ra một dòng nước.
Lần đầu diện kiến thằng bé tôi thấy nó đang trần truồng, nhưng những lần sau, lúc thì nó được mặc đồ ông già Noel chuẩn bị chào đón Giáng Sinh, lúc hóa trang thành một chiến sĩ nhân dịp lễ quốc gia nào đó, lúc mặc đồ cầu thủ cổ động World Cup, có khi còn làm… Dracula vào ngày Hallowen nữa. Manneken Pis là một trong ba nơi được du khách đến Bruxelles mê nhất. Chuyện rằng ngày xưa kia thằng bé cầm chim đái vào một ngòi nổ của quân địch khi bao vây thành phố. Vì thế, mọi người dân nhớ ơn làm tượng tưởng nhớ. Dân Bruxelles nói riêng và dân Bỉ nói chung mê Manneken Pis đến nỗi cứ lễ hội nào cũng thấy các máy nước giải khát hình dạng giống thằng bé, chim nó phun ra bia bọt, nước trái cây, rượu vang rào rào làm mọi người bu đầy chờ đến lượt hứng uống.
Thủ đô của truyện tranh, Mini-Euro và Atomium
Mỗi lần đến Bruxelles tôi đều thích ngắm các bức tường vẽ truyện tranh và những bức tượng các nhân vật nổi tiếng như Tintin, Gaston, Lucky Luck, Xì-trum… được đặt lung tung khắp nơi. Ở Bruxelles thậm chí còn có một bảo tàng về truyện tranh và nhiều cửa hàng bán truyện tranh đủ mọi chủng loại: truyện cho con nít, cho phụ nữ, cho người sồn sồn, cho người đồng tính, truyện trinh thám, hài hước, sex… Một lần tôi còn giật mình khi cầm trên tay một quyển truyện tranh với tựa đề Sự trả thù của Nguyễn, đây là truyện thuộc loại “sex nhẹ đô” do một họa sĩ gốc Việt vẽ.
Bruxelles không quá lớn để thăm thú, nhưng những nơi du khách đến đều để lại ấn tượng tốt đẹp. Vì là thủ đô của châu Âu, ở Bruxelles có công viên “Mini-Euro” với tất cả các công trình, địa điểm nổi tiếng của các nước châu Âu được thu nhỏ lại một cách vô cùng tinh xảo. Nói chẳng ngoa, bạn có thể chẳng cần du lịch đâu cho xa, chỉ vô công viên này một ngày là đã thu vào tầm mắt cả châu Âu rồi. Sát bên “Mini-Euro” là Atomium, một bảo tàng khoa học kỹ thuật. Atomium có hình dáng độc đáo của một nguyên tử thủy tinh bằng sắt làm dân Bruxelles rất tự hào.
Hóm hỉnh Bruxelles
Tôi đặc biệt thích Bruxelles còn vì nơi đây luôn làm tôi thư giãn. Có những trò nghịch ngợm của dân Bruxelles làm du khách lắc đầu cười như tượng một con chó đang đái vào cột điện với câu hỏi: “Bạn cũng dang chân chứ?”, một bức tường được dán thông báo “Chú ý, tường có cài điện, đừng tiểu bậy kẻo teo chim!”, một trái táo chín mọng bằng nhựa với dòng chữ “Của Bạch Tuyết đấy, hãy ăn phẩm tẩm độc để cứu nàng!”. Ngoài ra, các cửa hàng bán chocolate còn nghĩ ra nhiều trò tếu như làm các bánh chocolat hình bộ ngực, hình cái mông, hình đồ lót… Bruxelles không chỉ là thủ đô của nước Bỉ, của châu Âu, của truyện tranh, của sự thân thiện mà với riêng tôi, đây còn là thủ đô của sự hóm hỉnh.

Hào sảng Antwerp
Bỉ là một quốc gia bé nhỏ bên cạnh những nước láng giềng to lớn. Thế nhưng tại đất nước có diện tích khiêm tốn 30.513km vuông này, có đến hai ngôn ngữ chính thức được thừa nhận trên tất cả các giấy tờ hành chính. Đó là tiếng Flamish (tiếng Hà Lan) và tiếng Pháp. Khi du học ở Liège, vùng nói tiếng Pháp, thỉnh thoảng tôi gặp vài sinh viên vùng Flanders. Họ nói tiếng Flamish với nhau và cũng bị “phân biệt” y như một người nước ngoài xa lạ nào đó. Có lần khi tôi thắc mắc, họ nhún vai hiền lành “Giống như người Canada hay người Thụy Sĩ, người Bỉ cũng thích co cụm cộng đồng của mình dựa trên ngôn ngữ. Nhưng hãy đến một thành phố của vùng Flanders, bạn sẽ thấy chúng tôi cởi mở hơn dân vùng Wallonia này”. Và thế là tôi cố tìm một dịp để đến Antwerp, thủ phủ vùng Flanders phồn thịnh.
Thành phố song ngữ
Antwerp là thành phố rộng lớn nhất thuộc vùng Flanders, nằm ở miền Bắc nước Bỉ. Có đến 60% dân số nước này là người Flamish và vùng này giàu có hơn hẳn vùng Wallonia miền Nam. Có một điều hẳn làm mích lòng người nói tiếng Pháp, vì dù ở Canada, Thụy Sĩ hay Bỉ, cộng đồng nói tiếng Pháp đều nghèo hơn cộng đồng nói tiếng Đức hay tiếng Hà Lan. Chắc chắn một điều ngôn ngữ xuất phát từ văn hóa, và dĩ nhiên văn hóa quyết định sự phồn thịnh của cả cộng đồng. Ở Bỉ, tôi có thể thấy rõ ràng, người dân vùng Flanders siêng năng và chịu khó hơn người ở vùng Wallonia. Điều dễ phát hiện nhất là khi đến Antwerp, người dân ngoài tiếng Hà Lan còn biết thêm tiếng Pháp. Trong khi người nói tiếng Pháp không bao giờ thèm học tiếng Hà Lan. Vì lẽ đó, đương nhiên người Antwerp cũng cởi mở hơn, thân thiện hơn và rộng rãi hơn. Năm 2011 khi tôi đang ở Antwerp, tôi được xem trực tiếp trên truyền hình cuộc thi hoa hậu Bỉ. Các thí sinh phải nói trôi chảy ba thứ tiếng: Pháp, Hà Lan và Anh. Ban giám khảo chia đều ra hai vùng Flanders và Wallonia, ngoài ra còn mời thêm giám khảo quốc tế, đến từ Mỹ. Cuối cùng, thí sinh vùng Flanders, đến từ thành phố Antwerp đã chiến thắng, đoạt vương miện một cách ngoạn mục. Cô nói xuất sắc 3 ngoại ngữ, thông minh thể hiện vai nàng Eva và đẹp một cách quyến rũ. Dân Antwerp tự hào lắm. Tôi cũng vui lây niềm vui “sở hữu hoa hậu” của họ. Một điều hơi khôi hài, đến Antwerp tôi lại ngụ trong nhà một gia đình gốc Wallonia di cư đến.
Những gia đình đa ngôn ngữ
Gia đình anh Hồng nói đủ thứ tiếng. Anh là Việt kiều, cưới vợ là Isabelle người Wallonia, nói tiếng Pháp. Gia đình họ có ba đứa con. Hai vợ chồng nói tiếng Pháp với nhau, ba đứa con nói tiếng Hà Lan. Cha mẹ trao đổi với con cái khi thì tiếng Pháp, lúc tiếng Hà Lan, có khi chêm tiếng Việt loạn xạ. Thỉnh thoảng họ lại dùng tiếng anh, như một cái mốt trong các gia đình châu Âu thời thế giới phẳng. Tuy vậy, tất cả mọi người đều biết tiếng Hà Lan. Và tuy xuất thân từ vùng Wallonia, Isabelle cho biết chị hoàn toàn yêu quí người Flanders. Bởi đơn giản, có muốn ghét họ cũng không tìm ra lý do. Hiện có rất nhiều gia đình giống anh Hồng-Isabelle. Họ dùng nhiều thứ tiếng để giao tiếp trong nhà và xem như “đặc sản” riêng của gia đình mình. Thành phố Antwerp giàu có, vui vẻ, siêng năng và… chịu chơi tới bến. Vì sao tôi lại xếp yếu tố “giàu có” lên đầu tiên khi nói về người Antwerp?
Trung tâm kim cương của thế giới
Vốn không bao giờ đeo nữ trang kim cương (do không thích đeo và do… không có tiền), tôi không biết rằng Antwerp là trung tâm kim cương thế giới. Anh Linh, một Việt kiều sống ở Liège, ngày ngày chạy xe hơn một tiếng đồng hồ đến Antwerp làm nghề cắt kim cương. Anh cho biết “Antwerp World Diamond Centre” là một slogan được nhiều người biết đến. Kim cương được mài giũa ở Antwerp sẽ có được “Antwerp quality”, một dấu hiệu chất lượng uy tín toàn cầu. Tôi thích gọi kim cương là “hột xoàn” và đòi được dẫn đi xem một công ty chuyên về chế tác món hàng cực kỳ xa xỉ này. Tiếc là hôm tôi đến Antwerp, thành phố đang trong một đợt nghỉ lễ, không có công ty nào đang làm việc. Mà nếu công ty có làm việc, trong số 1500 công ty kim cương ở Antwerp cũng chẳng ai dám cho tôi vào xem. Anh Linh cho biết qui trình để một công nhân vào nhận kim cương mài giũa rất chi li, “không phải chuyện đùa” mà ai đòi vào xem cũng được. 1500 công ty kim cương nằm ngay trung tâm thành phố, và sát bên nhà ga là chuỗi cửa hàng bán các sản phẩm chế tác từ kim cương, các gian hàng triển lãm về kim cương trưng bày lịch lãm, sang trọng, thu hút nhiều khách đến tham quan. Nghề mài giũa và kinh doanh kim cương đã có từ lâu đời tại Antwerp từ thế kỷ thứ mười lăm, đến nay ngành này ngày càng phát triển, giúp thành phố cảng Antwerp trở thành một trong những nơi giàu có nhất thế giới.
Thành phố yêu nghệ thuật
Gia đình anh Hồng-Isabelle xem ra không mấy quan tâm đến “hột xoàn”, họ tự hào giới thiệu Antwerp với một khía cạnh khác. Đây là thành phố cảng không những giàu có về mặt tiền bạc mà còn sở hữu nhiều nghệ sĩ tên tuổi tài năng: Rubens, Van Dyck, Jordaens và Brueghel. Các bảo tàng nghệ thuật, các phòng triển lãm, các cửa hàng tranh tượng có mặt dày đặt. Nếu đi dạo thong thả ngoài phố, tôi sẽ mất vài tuần để dừng lại ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật rải rác khắp nơi. Thành phố khá trân trọng bằng cách đặt những bức tranh tượng lên bệ, khắc bảng hiệu, rào lại kỹ càng. Tòa Thị Chính của Antwerp nằm trong quảng trường hình chữ nhật, xung quanh là các dãy nhà hình chóp nhọn, phía trước trồng hoa đẹp rực rỡ. Bức tượng Bravo cầm một bàn tay bị cắt lìa đứng chót vót là một biểu tượng của Antwerp. Tương truyền có một gã khổng lồ chuyên cắt bàn tay của thủy thủ nào cập bến Antwerp mà quỵt tiền “phí cầu đường”. Thế rổi một chiến binh tên Silvius Bravo xuất hiện, đánh bại gã khổng lồ và cắt bàn tay hắn, trả thù cho mọi người. Isabelle giải thích trong tiếng Hà Lan tên thành phố là Antwerp, có nghĩa là “ném bàn tay”. Bức tượng nằm giữa quảng trường, trông hiên ngang mà “ngồ ngộ”, đúng chất thành phố cảng.
Hào sảng Antwerp
Antwerp phồn thịnh nhờ vào sông Scheldt nuôi dưỡng, trải qua hàng thế kỷ, thành phố cảng phát triển chính là nhờ vào ngành hàng hải của mình. Kiến trúc của Antwerp là loại kiến trúc dành cho thành phố nằm trên sông. Khi hoàng hôn buông, ánh chiều ta soi bóng xuống dòng Scheldt làm nước đổi màu, cộng thêm ánh đèn từ các tàu bè chiếu ra và các loại đèn hiệu trên sông chớp tắt liên tục. Tất cả làm nên một bản hợp âm về ánh sáng rất ngoạn mục.Antwerp là cảng lớn thứ hai ở châu Âu, là một trong mười cảng quan trọng nhất của thế giới và cũng là cảng hoạt động hiệu quả nhất. Với mật độ sông ngòi, kênh rạch cực kỳ chằng chịt, Antwerp sở hữu những con đường huyết mạch nối liền các vùng trù phú nhất châu Âu. Không ỷ lại vào thế mạnh sông ngòi của mình, dânAntwerp làm việc rất cật lực. Cô bạn chung ký túc xá với tôi có chồng người Bénin (châu Phi), cô cho biết cộng đồng dân nhập cư châu Phi thường thích bám những vùng nói tiếng Pháp để sống (vì họ là thuộc địa cũ của Pháp). Tuy nhiên sau một thời gian, mọi người đều cố gắng học tiếng Hà Lan để đến Antwerp tìm việc làm. Nếu chịu khó, thành phố cảng sẽ cho họ nhiều cơ hội hơn, giúp họ tiết kiệm được nhiều tiền gởi về quê hương cho người thân. Việt kiểu ở Antwerp cũng cho tôi biết họ thích sống ở đây, tuy làm việc vất vả nhưng “có dư”, người dân Antwerp cũng hào sảng và không kỳ thị chủng tộc.
Ở Antwerp chỉ hai ngày ít ỏi, chưa kịp khám phá thành phố ở khía cạnh thời trang tôi đã phải quay lại Liège. Anh Hồng hứa khi học xong, trước khi về Việt Nam sẽ đón tôi quay lại Antwerp chơi nhiều hơn. Nhưng tiếc là khi tôi trình luận văn xong, chưa kịp “relax” thì tổ chức cấp học bổng hối tôi phải về nước liền. Vợ chồng anh Hồng-Isabelle lái xe từ Antwerp đến Liège để đưa tôi ra phi trường ở Bruxelles. Thật là một hành trình ngoằn nghèo. Dù tôi từ chối, nói mình có thể tự đi xe lửa, vợ chồng anh nhất quyết dành thời giờ quý báu của mình cho tôi, một đứa em “ngang hông” chẳng chút quan hệ họ hàng. Sau này tôi có dịp quay lại Bỉ, vợ chồng anh cũng lái xe từ Antwerp đến Liège chỉ để kịp dắt tôi đi ăn tối. Tấm lòng của anh chị, những người nhập cư chọn Antwerp làm quê hương luôn khiến tôi cảm kích. Họ hay cười, những tràng cười thoải mái, ghét nghe cảm ơn và sẽ hài lòng gật đầu nếu bạn nói “Antwerp tuyệt làm sao!”.

Bruges thanh thản
Nhắc đến Vương quốc Bỉ, ngoài thủ đô lừng danh Bruxelles ra, hầu như ai cũng nhớ ngay đến Bruges. Năm 2000, tôi từ Pháp lặn lội sang Bỉ bằng xe đò cũng với ước vọng được nhìn thấy Bruges, thành phố nên thơ tôi bắt gặp trong cuốn tạp chí về du lịch. Những bức hình về Bruges cho thấy đây là nơi dù ai có “máu lạnh” đến mấy cũng phải chùng lòng tự nhủ rằng “thiên đường là đây”. Bruges được mọi người đặt biệt danh “Venise phương Bắc”. Nhắc đến Venise người ta liên tưởng ngay đến hệ thống sông ngòi, kênh rạch, đến những chiếc cầu và sóng nước rì rào. Nhưng đến Bruges rồi tôi “mạnh miệng” tuyên bố: Venise không sánh bằng!
Hành trình đến Bruges
Từ thủ đô Bruxelles, tôi lấy xe lửa đi Bruges. Ở nhà ga có khá nhiều khách nước ngoài đứng chờ giống tôi. Ai cũng háo hức “Bruges vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đó!”. Tàu đi được nửa đường thì gặp sự cố kỹ thuật, khách leo xuống đón chuyến khác. Loa ở các nhà ga nói bằng thứ tiếng khó hiểu, vừa như tiếng Pháp, lại xa lạ như tiếng Hà Lan, lóng tai nghe một hồi thấy giống tiếng Anh. Tôi bối rối hỏi một người Mỹ có thái độ rất tự tin giữa đám khách bát nháo “Anh hiểu gì không? Chừng nào đón chuyến xe lửa khác?”. Anh chàng tỉnh rụi “Cứ đi theo tôi là yên tâm! Dù tôi cũng chẳng hiểu nổi thứ ngôn ngữ quái dị trên loa”. Tôi nhảy dựng lên “Vậy sao tôi yên tâm được, lạc rồi sao?”. Anh chàng nhai kẹo cao su nhóp nhép “Thì chúng ta cùng lạc, không thấy thú vị sao?”. Tôi lườm anh ta rồi bỏ ra một góc ngồi. Có một chuyến tàu đến, mọi người lục tục nhảy lên, chàng người Mỹ quay lại nhìn tôi “Quyết định nhé! Theo tôi hay là chết!”, giọng điệu cao bồi của chàng y như trong phim Hollywood. Tôi nhảy lên theo, mặt bí xị. Tôi tự trách mình quá lơ ngơ khi du lịch, trong khi giới trẻ thế giới tôi gặp dọc đường “gió bụi” lúc nào cũng tự tin. Sau này khi có nhiều kinh nghiệm “lang thang” tôi nhận ra rằng dù ở bất kỳ quốc gia nào cũng luôn có những nguyên tắc chung. Một khi đã hiểu những nguyên tắc đó, không có gì là khó khăn cả. Ngoài ra, sự bình tĩnh cũng là một yếu tố rất quan trọng giúp ta xoay sở trong mọi tình huống dù xấu nhất.
Hãy cô đơn cùng Bruges
Bruges cuối cùng cũng hiện ra, tôi nhảy xuống ga và đeo ba lô dấn bước. Chàng người Mỹ khều vai “Đi theo tôi hay là chết?”. Tôi bật cười “Chết”. Mặt chàng tỉnh rụi “Tốt” rồi xoay người bỏ đi. Thật ra hồi đó tiếng Anh của tôi còn tệ quá, nếu không tôi dám theo chàng để cùng khám phá Bruges rồi. Nhưng thôi, Bruges là nơi người ta nên lang thang một mình, nơi bất kỳ người bạn đường nào dù hợp đến đâu cũng sẽ làm cản trở. Đôi khi cô đơn là một cái thú, một cái thú vô cùng… sang trọng. Sở dĩ tôi tuyên bố như vậy vì hai năm sau tôi có dịp quay lại Bruges. Lúc đó tôi du học ở Liège và đến Bruges cùng một nhóm người Việt Nam. Sự bát nháo của một nhóm người làm thành phố trở nên vô duyên. Chẳng ai kịp lắng lòng để cảm nhận Bruges thật gần. Mọi người nhí nhố lo chụp hình, cười nói oang oang và lao vào những cửa hàng bán đồ lưu niệm chọn hàng inh ỏi. Dân châu Âu thường đi du lịch một mình. Một ba-lô, cuốn sách hướng dẫn trên tay, họ chậm rãi tham quan và gật gù tâm đắc. Đó là lúc Bruges bắt đầu thấm vào đầu, vào máu và vào tim.
Bức tranh thiên nhiên vượt mọi ngôn từ
Bruges có những cánh rừng xanh mượt, hoa dại mọc hoang sơ, rêu phong bám lên cây bao quanh thành phố, lang thang một chút trong rừng, nghe tiếng chim hót, mục kích những chú sóc chuyền cành và cúi xuống ngắt một cành hoa. Tôi ngỡ mình là một nhân vật cổ tích, hoặc nhí nhảnh hơn, giống cô bé Quàng Khăn Đỏ. Cảnh vật xinh đẹp này sẽ dễ dàng làm người ta quên hết những mục đích phải làm, cô bé ham rong chơi không màng đến bà ngoại là vì thế. Và tôi cũng gần như quên bẵng mình phải vào bên trong thành phố để ngắm Bruges gần hơn. Bruges đây rồi, thành phố bé nhỏ với những con kênh xinh xắn và những ngôi nhà phủ rêu cổ kính có từ thế kỷ XV. Chẳng khác chi cổ tích với những đàn thiên nga thong thả dạo chơi, những chiếc cầu bằng đá cong cong duyên dáng và những bông hoa e dè ven bờ. Bruges hầu như chỉ phục vụ cho du lịch và người dân hoàn toàn tận tâm cho sứ mệnh của mình. Ven thành phố vẫn còn những nhà máy bia tươi dùng để “đãi” khách và cả xuất đi nhiều nơi trên thế giới. Băng qua một chiếc cầu bé xinh trong một con hẻm vắng lặng, tôi “chết trân” chợt nhận ra một dòng kênh phủ rợp những lá bèo xanh rì. Con kênh nhỏ cho tôi một bức tranh khó dùng từ để tả: Những cánh cửa sổ gỗ nâu, trên bệ là những chậu hoa đỏ, dàn dây leo bám vào tường rung rinh trong gió, một chú vịt con từ đâu chui ra “cạp cạp” thân tình. Tôi chụp hình nhưng nhận ra ngay mình thất bại, không một ống kính chuyên nghiệp nào có thể thu vào bức tranh thiên nhiên nơi đây. Làm sao nghe hơi gió thoảng, làm sao cảm nhận được mùi hương trong lành, làm sao có được tiếng vịt con dễ thương?
Chuyến đi đến Bruges năm đó mãi khắc sâu trong tôi dù lần thứ hai quay lại Bruges không thay đổi gì. Nhưng lòng tôi đã đổi, tôi không còn nghe được ngôn ngữ của thiên nhiên vì mãi bận tâm lo sách vở bộn bề. Tôi chỉ nằm lăn ra cỏ, ước được tan ra cùng đám sương trong lành. Tôi tự nhủ, sẽ chỉ đến đây nếu đang thanh thản. Quẳng gánh lo đi và Bruges sẽ chào đón bạn.

Đến Ostend tắm biển
Ở châu Âu, nhất là những nước phía Bắc, hầu như mọi người chẳng ai tắm biển dù là mùa hè. Đơn giản vì… lạnh quá! Muốn tắm biển họ phải đi xuống các nước miền Nam. Tuy vậy, những ai “xâm mình” vẫn có thể tắm và nằm phơi nắng hẳn hoi. Ở Bỉ du học gần một năm, sinh viên trong ký túc xá của tôi chẳng ai nghĩ đến chuyện tắm biển. “Đùng một cái”, quản lý ký túc xá ra thông báo “Đến Ostend tắm biển, hãy tận dụng những tháng nóng nhất trong năm!”.
Bikini hứa hẹn
Vậy là mọi người ai cũng nôn nao, đi tắm biển Bắc Hải (North Sea), thật không phải chuyện đùa! Marie, cô gái phụ trách tổ chức “event” của ký túc xá họp chúng tôi lại. Cô đề nghị vào ngày chủ nhật gần nhất, theo dự báo thời tiết trời rất đẹp, mọi người sẽ lên đường đến Ostend, thành phố sở hữu bờ biển dài nhất nước Bỉ. Chúng tôi sẽ đi bằng xe lửa, mua theo nhóm nên giá khá rẻ, mọi người góp thức ăn vào theo dạng pic-nic và Marie sẽ tổ chức nhiều trò chơi vui nhộn trên biển. Mọi người ai cũng háo hức, các chàng trai bộc lộ không thèm che giấu “Cả năm nay sống gần mấy nàng mà không được thấy tí da thịt nào. Kỳ này đi biển nhớ cho tụi tôi… mãn nhãn nhé!”. Tưởng các anh bị la ó, ai ngờ phái nữ ủng hộ nhiệt tình và kéo nhau đi mua… bikini!
Tắm biển mà run
Sáng chủ nhật hôm đó trời trong, mây trắng, nắng vàng. Thật lý tưởng để đi tắm biển. Tôi mặc một áo đầm hai dây ngắn trên gối, mang “dép lào” thoải mái. Cả nhóm lên xe lửa bắt đầu cuộc hành trình từ Liège ngược lên phương Bắc xa xôi. Càng đi trời càng xám dần, gió càng thổi mạnh, nắng càng héo úa. Đến Ostend sau gần hai tiếng đồng hồ, thành phố biển đón chúng tôi nồng nhiệt đến mức, ai cũng run lên cảm động. Cả nhóm đi sát vào nhau, thậm chí ôm ấp nhau, thỉnh thoảng phải nhảy chân sáo. Một cách thành thật nhất, tôi rên lên: Lạnh quá! Thế là cả đám nhao lên đồng tình. Ostend thật khác xa với trí tưởng tượng, trước hết là thời tiết. Dù đang hè, dù nắng có vàng ở đâu thì Ostend trời vẫn lạnh khoảng hai mươi độ. Nhất là chúng tôi ai cũng diện thời trang biển với nào quần đùi, áo thun ba lỗ, áo hở rốn. Mọi người đành lôi khăn tắm ra choàng lên vai và vận động liên tục bằng cách chụp hình loạn xạ.
Chúng tôi đi dọc theo bến cảng, ngắm nhìn những chiếc thuyền tuyệt đẹp và những con chim biển bay ngay sát trên đầu. Bãi biển gần nhất nhà ga đã xuất hiện, và ngạc nhiên thay, có một số người đang chạy nhảy trên cát và mặc đồ tắm lao xuống biển lạnh. “Tụi khùng!”, nhóm chúng tôi bật cười nhưng rồi ai cũng nhào xuống cát, đùa nghịch cho quên những làn gió biển rợn cả người. Chụp hình! Chụp hình! Phải chụp hình khoe được tắm biển Bắc Hải, biển lạnh của Ostend! Cát ở đây khá đẹp, thuộc loại mịn nhất châu Âu. Ostend thu hút khá đông khách du lịch từ các nước phương Bắc như Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Anh, Hà Lan… Đối với họ, biển Ostend … quá ấm! Vì thế, họ càng lúc càng kéo xuống bãi đông hơn. Ostend không có dịch vụ cho thuê dù và ghế bố, ai muốn ngồi thì cứ trải khăn ra. Một anh chàng trong nhóm chúng tôi lao xuống biển vùng vẫy được ít phút đành phải vọt lên bờ “Cũng thỏa một lần trong đời ngâm mình trong Bắc Băng Dương!”. Cả đám cười ồ, rủ nhau xuống biển… ngâm chân rồi vội vã ngược lên run lập cập.
Ăn sea-food bịp
Chúng tôi ai cũng đem theo đồ ăn nhưng do ngồi ở bãi biển gió thốc lạnh quá, chẳng ai còn sức trụ lâu nên mọi người quyết định lên bờ kè dọc theo biển mua sea-food ăn. Ostend có dãy nhà mọc sát biển khá đẹp mắt, đa phần đều dùng vào mục đích thương mại. Đó là những cửa hàng bán đồ lưu niệm, quần áo thời trang, nhà hàng, quán bar…. Không có tiền vào nhà hàng hải sản, sinh viên chọn các quầy ẩm thực bán trong các xe di động đậu dọc theo bãi biển. Dãy xe ẩm thực này kinh doanh khá thành công vì khách du lịch phải rồng rắn xếp hàng. Giá bình dân, được ghi rõ ràng trên bảng “súp cá: 2 euros/chén”, “hải sản thập cẩm: 4 euros/tô,” “khoai tây chiên: 2 euros/gói,”. Trong quầy, các hải sản thập cẩm có con tôm đỏ hồng xinh đẹp, thèm quá! (Ở Bỉ tôi không dám ăn hải sản tươi vì rất đắt, chỉ toàn ăn đồ hộp, đồ đông lạnh). Chúng tôi quyết định nhóm nhỏ bốn người Việt Nam cùng hùn tiền mua một chén súp, một tô hải sản thập cẩm và một gói khoai tây chiên. Mỗi người xếp hàng tại ba quầy khác nhau, tôi đứng ở quầy bán khoai tây chiên. Anh bán hàng chỉ tay bảo khách chú ý nhìn kỹ tấm bảng. Trên đó anh ghi ba thứ tiếng Pháp, Hà Lan và Anh. Các loại sốt được vẽ kèm theo một ngón tay, hoặc hai, ba ngón tay. Ví dụ ăn khoai tây chiên với sốt mayonais khách sẽ giơ một ngón tay lên, muốn ăn với sốt cà chua thì giơ hai ngón tay, sốt mù tạt là ba ngón tay. Cứ thế, khách và người bán chỉ việc ra dấu, khỏi phải vướng rào cản ngôn ngữ vì Ostend là vùng nói tiếng Hà Lan còn khách du lịch thì tứ xứ. Thật là một “phát minh” ngồ ngộ, chỉ thấy ở Ostend.
Sau khi mua xong sea-food. Bốn sinh viên Việt Nam chúng tôi tìm một băng ghế rồi chia nhau “bốc hốt”. Tô hải sản được “ăn đồng chia đủ”. Con tôm đỏ hồng to lớn duy nhất được ngắt ra làm bốn. “Vị tôm ở đây sao kỳ kỳ!”. Chúng tôi thốt lên. Không phải tôm không tươi, cũng không phải tôm còn sống, mà là… tôm nhưng không phải là tôm. Đơn giản thế này, con tôm ấy làm bằng… bột, được ướp hương liệu tôm và được vẽ màu đỏ hồng lên trông y như tôm thật. Ở ngay thành phố biển mà còn bị ăn tôm giả, chuyện như đùa! Thế mới biết giá hải sản ở châu Âu thật đắt. “Hèn gì!”, một anh bạn vỗ đùi, “nguyên tô hải sản to đùng thế này mà chỉ có bốn euros! Bọn Ostend này đểu thật!”. Nói vậy hơi oan cho dân Ostend, vì tôi đã có kinh nghiệm ăn tôm bột ở Amsterdam. Ở đó con tôm trông cũng rất “hoành tráng” nhưng cho vào mồm rồi mới biết là bằng bột và hương vị tôm. Hậm hực vì món tôm giả, chúng tôi tìm đến chỗ cho thuê xe đạp đôi bắt đầu dạo thành phố cảng.
Sầm uất phố cảng
Ostend vốn chỉ là một làng chài bé nhỏ, thế mà ngày nay đây là một trong những thành phố phát triển nhất của Bỉ nhờ vào ngành hàng hải, thương mại, du lịch và dịch vụ. Phố xá thật sầm uất, hàng hóa tràn lan và trương bảng hiệu hạ giá thật hấp dẫn. Khách du lịch đi theo dòng đông nghịt, chen chúc khá chật chội. Đạp xe vài vòng ở đường bờ biển, chúng tôi quyết định trả xe để chen vào các phố nhỏ bên trong. Việc đầu tiên chúng tôi làm là lao vào một cửa hàng bán áo gió đại hạ giá để mua mỗi đứa một cái áo chỉ với mười euros. Chiếc áo chưa đủ làm ấm nhưng có còn hơn không, đủ để chúng tôi tiếp tục hành trình chinh phục Ostend. Mọi người chia tay nhau, tự đi theo ý thích của mình và hẹn nhau cuối ngày ở ga cùng quay về Liège. Tôi đi window-shopping, lang thang ở các phố, ngắm dân Ostend năng động và phát hiện những bức tượng đặt rải rác trong thành phố khá thú vị. Nghe đâu thành phố này từng làm một cuộc cách mạng về nghệ thuật. Khi hoàng hôn xuống, tôi quay ra bãi biển ngắm những con tàu đang neo đậu và đàn chim biển xao xác tìm đường về tổ. Thấm mệt, tôi rag a và chỉ thấy mấy người bạn Việt Nam cùng hẹn quay về Liège, những bạn khác ở lại đi bar, đi vũ trường và khám phá Ostend dưới những “góc độ” khác. Mãi đến gần nửa đêm, khi tôi đang học bài mới nghe nhóm này về, họ đi chuyến tàu cuối cùng, khen Ostend sôi động và còn chia sẻ với tôi. “Ai biểu mày trong sáng quá làm chi!”, anh bạn người Algéries cười tinh quái. Ostend trong mỗi chúng tôi là những cảm nhận rất riêng, nhưng chuyến đi tắm biển lạnh mùa hè năm đó là kỷ nhiệm chung, thật chẳng dễ xóa nhòa.