Chương V (tt)

     uỳnh Bích dừng lại.
Nàng vừa nhận ra ánh đèn quen thuộc của quán giải khát bình dân, cạnh ngôi nhà lầu bằng gỗ bên ngoài có dãy lan can sơn trắng.
Căn nhà ọp ẹp và trống rỗng này, nàng đã đến nhiều lần để gặp nhân viên gián điệp Bắc Việt.
Trước khi tới đường Phan đình Phùng và ngõ hẻm Vườn Chuối, nàng đã thay đổi xe hơi nhiều lần, đúng theo chỉ thị. Là nhân viên của ông Hoàng, nàng cần thận trọng một cách đặc biệt. Vì nếu bị lộ, nàng sẽ ra tòa, và tòa án sẽ không nhân nhượng đối với một nhân viên phản bội. Mặc dầu tòa án sẽ biết là Quỳnh Bích bị đối phương săng ta. Thật vậy, họ đã lợi dụng mẹ già của nàng và bầy em dại đói rét của nàng ở phía bắc vĩ tuyến 17, để bắt nàng cung cấp tin tức và tài liệu.
Toàn thân nàng run lên. Một ngọn gió lạnh từ đầu hẻm ập vào. Tuy nhiên, nàng run không phải vì lạnh. Khí lạnh buổi tối trong Nam chỉ bằng phần mười khí lạnh ở quê nàng, một thị trấn còm cõi nép mình bên dòng sông Mã thầm lặng. Nàng đã quen với khí lạnh: hồi nhỏ, nàng thường nhảy ùm xuống sông giữa lúc mọi người co ro trong áo len. Hiện nay, sáng nào nàng cũng vào hồ bơi. Sự luyện tập chăm chỉ này đã mang lại cho nàng một tấm thân cân đối và khỏe mạnh.
Nàng run lên vì sực nhớ đến nụ hôn nồng cháy của Văn Bình. Như thường lệ, chàng lái xe đưa nàng đi ăn. Dọc đường, nàng đòi xuống. Và như thường lệ, chàng ôm nàng hôn thật lâu. Suýt nữa, nàng khóc òa lên và hét lớn:
- Văn Bình ơi, em là đứa bội phản. Em đã phản anh. Em đã phản ông Hoàng. Em đã phản tổ quốc.
Song tiếng nói của nàng bị nghẽn trong cổ họng. Hình ảnh đau khổ của mẹ nàng hiện ra, bắt nàng nín lặng. Tuy nhiên, nàng không biết rằng Văn Bình đã đọc hết tâm tư của nàng. Chàng không muốn nàng trở thành mềm yếu để rồi nói ra những điều giấu giếm. Dầu sao, chàng còn cần nàng giấu giếm thêm một thời gian nữa.
Quỳnh Bích lại nóng ran ở ngực. Bàn tay âu yếm của chàng đã đặt lên ngực nàng, nghe tiếng tim đập. Nàng mê man trong sung sướng. Giờ đây, chàng đã về nhà. Còn nàng...
Ngôi nhà nhỏ mọc lên sừng sững trước mắt như trái núi vĩ đại, nàng không thể không nhìn thấy. Cửa đã được mở sẵn, nàng nhẹ nhàng lẻn vào. Bên trong tối om, nàng đã quen với sự bày trí nên không bị vấp. Nàng nhớ rõ mồn một: cầu thang gồm đúng 33 bậc. 33 bậc gỗ ọp ẹp.
Lên hết cầu thang, nàng ngửi thấy mùi thuốc lá Mỹ. Người lạ cất tiếng:
- Cô đến chậm 5 phút.
Đèn điện bật lên, cô không đáp, ngồi xuống ghế. Người lạ mở máy thu thanh, rồi quay lại ngồi đối diện nàng. Hắn vẫn mặc chiếc áo sơ mi ngắn tay hàng NylFrance màu xám, để lộ bắp thịt cuồn cuộn và hai tay dài như tay vượn. Hắn nhắc lại:
- Cô đến chậm 5 phút.
- Tôi lỡ xe. Nếu ông không bắt tôi thay ba lần tắc xi thì tôi đã đúng giờ, hoặc sớm hơn nhiều.
- Nguyên tắc cơ bản và sinh tử của nghề tình báo là đến đúng giờ, nếu cần, đúng phút và đúng giây nữa. Đến chậm nguy hiểm đã đành, đến sớm cũng nguy hiểm không kém.
- Lần sau, tôi sẽ ráng đến đúng giờ.
- Tôi tin ở cô. Vì tôi không muốn cô rơi vào tay phản gián. Hẳn cô đã biết từ nhiều tuần nay phản gián gia tăng công tác theo dõi và kiểm soát. Cô có 2 điểm bất lợi: thứ nhất, vì cô là nhân viên của ông Hoàng, thứ hai, vì cô quá đẹp. Nhân viên của ông Hoàng thường bị phản gián để ý từng ly, từng tí, hớ hênh là mất mạng như chơi. Cô quá đẹp, đi tới đâu là đàn ông nhìn theo tới đấy.
- Sắc đẹp do Trời phú cho, tôi giấu đi sao được?
- Tôi không yêu cầu giấu đi, nhưng tôi không muốn cô phô ra một cách khiêu khích như thế.
- Ông không có quyền phê bình sở thích riêng của tôi. Tôi gặp ông vì công việc, còn tôi xấu xí hay xinh đẹp, ăn mặc kín đáo hay hở hang là quyền của tôi.
- Tôi cũng đến đây vì công việc, không phải để ngắm bộ ngực gần như lõa lồ của cô sau chiếc áo đầm cũn cỡn và mỏng dính. Lần sau, tôi ra lệnh cho cô phải mặc áo dài kín đáo và đứng đắn. Nếu không...
Nàng vùng vằng đứng dậy:
- Ông đàn áp tôi quá sức. Tôi không hợp tác với ông nữa.
Người lạ mặt cười nhạt:
- Cái trò con nít lên ba ấy đã cũ rồi, cô đừng đóng lại nữa, chướng mắt lắm. Nếu cô là người khác, thì cô mặc áo đầm hở ngực, chứ nếu trần truồng nữa, tôi cũng mặc kệ. Nhưng cô lại là nhân viên dưới quyền tôi, vì an ninh chung tôi có bổn phận cảnh cáo cô. Tôi đã bảo nhiều lần mà cô không nghe: đêm nay, cô lại tiếp tục đeo một bên thằng Văn Bình.
Quỳnh Bích ngồi im, mắt đỏ hoe. Bộ điệu tàn nhẫn, người lạ tiếp:
- Tôi không cấm cô tìm tình yêu, tôi cũng không cấm cô đi chơi hoặc về phòng họ. Song tôi cấm cô cặp kè với thằng Văn Bình vì nó là kẻ nguy hiểm, có thể nói là kẻ nguy hiểm nhất ở Châu Á. Nếu cần, cô chỉ được phép giao dịch với nó trên phương diện chuyên môn thuần túy. Giả vờ yêu nó để lấy tin, thế thôi.
Nàng thở dài:
- Tôi đã giả dối quá nhiều rồi, không thể giả dối thêm nữa. Vì thương gia đình, tôi đã nhận lời hợp tác với ông. Ông đừng bắt tôi phải liều.
- Hừ, cô dọa làm liều. Đêm nay, nằm một mình, vắt tay lên trán, tôi tin cô sẽ nghĩ khác. Nhờ chúng tôi, mẹ cô đã khỏi bệnh lao phổi, ngày nay đã khỏe mạnh, các em cô được sang Trung hoa học hành. Trong trường hợp cô thay đổi ý kiến, gia đình cô sẽ là nạn nhân trước tiên, sau đến cô. Cô đừng quên chúng tôi là những người rất tàn nhẫn. Khi cần, chúng tôi có thể hạ sát hàng ngàn, hàng vạn người vô tội.
Hắn rút túi, đưa cho Quỳnh Bích một cái phong bì dán kín. Nàng từ chối:
- Cám ơn ông. Tôi không cần tiền.
- Cô không lấy tiền, tùy ý. Nhưng tôi, tôi cần cô ký tên vào biên lai.
Ngẫm nghĩ một lúc, Quỳnh Bích bỏ phong bì đựng tiền vào xắc, rồi hạ bút ký. Người lạ hỏi:
- Tài liệu đâu?
Nàng đặt lên bàn một cái hộp nhỏ bằng bao diêm.
- 10 tài liệu cả thảy. Một số liên quan đến vụ Lê Tùng.
- Yêu cầu cô theo dõi vụ này thêm nữa. Vụ Lê Tùng được coi là trọng tâm công tác của Tổ chức.
- Lần sau, tôi hy vọng sẽ chụp được nhiều hơn.
- Thành thật khen ngợi cô. Cô còn bao nhiêu phim?
- Ba cuộn.
- Cô có thể dùng đủ trong hai tháng. Trong điều kiện an ninh hiện tại, tôi quyết định đình chỉ những cuộc gặp gỡ trực tiếp. Lần sau, cô đừng tới đây nữa. Ngày mai, tôi sẽ trả nhà. Nếu có tài liệu cần chuyển gấp, cô hãy đang rao vặt trên báo Quyết Tiến, theo thể thức như sau: đăng ở trang 6, trong hai ngày liên tiếp, nói là ông khách muốn mua chiếc xe gắn máy Honda 50 phân khối, đã trả giá 48.500 đồng ở đường Nguyễn duy Dương, xin tới gặp gấp người bán để thương lượng.
Mẫu rao vặt được đăng báo vào buổi chiều thì ngay tối hôm ấy, từ 8 đến 9 giờ tối, cô mang tài liệu bỏ vào hốc cây đã định trước trên đường Lê quý Đôn, trước cửa trường tiểu học Pháp Jean Jacques Rousseau. Su khi tôi lấy tài liệu, tôi sẽ báo cô biết bằng cách đăng rao vặt trên báo Chính Luận, nói là sẽ trọng thưởng 7.000 cho ai tìm được con chó bẹt-giê lông dài, màu vàng đen. Tôi sẽ để địa chỉ ma ở đường Yên Đỗ. Địa chỉ này là của ngoại kiều đi vắng, và không biết tiếng Việt. Cô nhớ chưa?
- Nhớ.
- Cô đọc lại tôi nghe.
Quỳnh Bích lặp lại không sai một chữ. Gã lạ mặt tắt máy thu thanh:
- Mời cô xuống trước.
Nàng hỏi hắn, giọng lo lắng:
- Thưa, có thư của mẹ tôi không?
Hắn đáp cộc lốc:
- Không.
Thấy nàng xịu mặt, hắn tiếp:
- Lệnh của Trung ương cho biết, toàn thể cơ sở bị báo động nên không thể mang thư từ vào trong này được. Tôi vừa điện về đêm qua, và ngoài ấy phúc đáp rằng có một bức thư gửi cho cô, song chưa kịp chuyển vào. Dạo này phải dùng lộ trình Nam Vang- Tây Ninh nên hơi lâu, sớm ra cũng 10 ngày. Chậm thì ba đến bốn tuần lễ. Cô yên tâm, tôi luôn nghĩ đến cô và gia đình cô.
Ngọn đèn bóng được tắt, căn phòng chìm lại vào bóng tối hãi hùng. Quỳnh Bích nghe đàn chuột đuổi nhau kêu chít chít trên mái nhà.
Khí trời bên ngoài làm nàng dễ chịu. Trong nửa giờ đối diện với người lạ mặt, nàng có cảm giác như một khối sắt lớn đè xuống ngực, khiến nàng nghẹt thở.
Một giọt nước mắt đột ngột lăn trên gò má. Nàng khóc lúc nào mà thâm tâm nàng không biết. Tự nhiên, nàng đau quặn trong tim. Nàng muốn thét lên một tiếng:
- Văn Bình ơi!
Nhưng nàng lại run lẩy bẩy. Nỗi sợ ghê gớm đang lùa vào lòng nàng. Ra đến đầu hẻm, nàng gọi tắc xi, trèo lên, thu mình trong góc. Nàng thấy sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn quen thuộc của Sài Gòn ban đêm, Sài gòn thân yêu của nàng. Và nàng sợ cả chính nàng nữa.
Cuộc đời nàng sẽ được định đoạt trong đêm nay.
Định đoạt trong đêm nay...

*

Ngồi trong quán giải khát, Phạm Huề nhìn ra đường Hai bà Trưng.
Xe cộ vẫn chạy như mắc cửi. Hắn uống một hơi ba chai la ve 33 ướp lạnh vẫn chưa hết khát. Bao tử của hắn là cái hũ chìm. Đổ bao nhiêu chất men vào cũng không đầy. Uống uýt-ky phải cả chai hắn mới chếnh choáng, huống hồ la ve... đồ la ve hạng bét chỉ có 11 độ rượu.
Phân cục Bưu điện Tân Định vắng tanh. Từ 6 giờ chiều, cửa trong, cửa ngoài đã đóng im ỉm. Phạm Huề để ý đến thùng thư sơn vàng bên trái.
Hắn mĩm cười ra vẻ khoái trá, vì hắn nhớ đến lời dặn của huấn luyện viên trong trường tình báo:
- Hoạt động trong vùng địch thì phương pháp thông tin liên lạc an toàn nhất là hộp thư chết. Trao tài liệu, báo hiệu cho nhau mà không giáp mặt nhau, gọi là dùng hộp thư chết. Hộp thư chết thường là gốc cây, kẽ hở trong tường, hàng rào, cột điện, ghế công viên... Tài liệu được thu nhỏ lại rồi bỏ vào đấy.
Phạm Huề hoạt động ở Sài Gòn được gần một năm. Hắn đã đích thân tìm ra một số hộp thư chết để liên lạc với thượng cấp. Hắn khoái nhất hộp thư chết ở Phân cục Bưu điện Tân Định. Nhân viên bưu điện không thể ngờ được tổ chức của Phạm Huề đã dùng thùng thư màu vàng treo ngoài cổng làm hộp thư chết.
Trả tiền xong, Phạm Huề băng sang bên kia đường, giả vờ lục túi lấy phong thư. Trong khi ấy, bàn tay trái của hắn sờ soạng bên dưới thùng thư. Hắn nhận ra một miếng keo dán chận lên một que diêm gãy. Đó là ám hiệu của thưởng cấp.
Thượng cấp đã ra lệnh cho hắn trình diện càng sớm, càng hay.
Dáng điệu vui vẽ, hắn đón tắc xi dặn lái xuống Sài Gòn. Đến trạm điện thoại công cộng gần chợ Bến Thành, hắn xuống xe. Số điện thoại này, hắn khắc sâu vào óc. Áp ống nghe vào tai, hắn nghe rõ tiếng chuông reo réo rắt. Rồi tiếng chuông chấm dứt, tiếp theo tiếng người hỏi:
- Ai đó?
Phạm Huề thổi phù phù vào máy, đúng 3 lần. Đoạn hắn gác ống nói, gọi tắc xi khác lên Đa Kao ăn tối. Hắn cần ăn một bữa thỏa thuê. Cặp mắt trợn trừng của người thiếu phụ bị hắn bóp cổ chết ở đường Nguyễn văn Sâm nhìn hắn trong không trung, làm hắn lợm mửa.
Hắn vào tiệm Duy Ban gọi buy-a-bét và rượu vang. Hắn tự thưởng một chai bót-đô thượng hảo hạng, và rón từng càng cua, ruột hến đưa lên miệng nhắm nhút một cách trịnh trọng.
Ăn xong. Phạm Huề nhìn đồng hồ: đã đến giờ. Hắn lấy khăn ăn chùi miệng cẩn thận, uống một tách cà phê đen đặc sệt, rồi khệnh khạng đi ra ngoài. Đại lộ Đinh tiên Hoàng nằm dưới ánh đèn rực rỡ. Lòng Phạm Huề vui như hội.
Hắn tả bộ lên đường Nguyễn văn Giai rồi tạt vào bin-đinh đồ sộ gần Cầu Sắt. Dáng điệu quen thuộc, hắn trèo cầu thang đánh ganitô, dừng ở lầu hai, nhìn chung quanh rồi tiến nhanh lại căn phòng ở giữa hành lang.
Đến cửa phòng này, Phạm Huề gõ cửa nhè nhẹ, đoạn ho lên hai tiếng, hắt hơi một tiếng. Bên trong có hai tiếng ho khô khan đáp lại.
Người lạ đợi Phạm Huề sau bàn giấy. Phạm Huề không thấy mặt vì người này ngồi ở góc phòng, quay lưng lại. Người lạ ra lệnh:
- Ngồi xuống cái ghế gần cửa, Phạm Huề.
Hắn tuân lệnh như máy. Người lạ hỏi:
- Tài liệu đâu.
- Thưa, tôi vừa để lên bàn.
- Vụ Lê Tùng ra sao?
- Hắn đã ký tờ cam kết, và nhận tiền.
- Thái độ của hắn thế nào?
- Vẫn bướng bỉnh và khó tính.
- Không hề gì. Còn đối với đàn bà?
- Lệ Thanh báo cáo là hắn vẫn có tính trai lơ như hồi nọ.
- Tôi nhờ anh việc này nữa: nội đêm nay, anh gặp Lê Tùng. Lệnh trao cho anh được bỏ trong gói thuốc lá Pall Mall, để cạnh đĩa đựng tàn. Anh học thuộc rồi nuốt luôn tờ giấy. Loại giấy đặc biệt này được chế bằng chất bột ngọt pha sinh tố C, ăn rất tốt, cho vào miệng là tan ra như kẹo. Xong việc, anh trở về báo cáo lại với tôi. Bắt đầu từ mai, tôi không ở đây nữa, và anh cũng rút vào bí mật. Anh đưa cho cô Lệ Thanh năm chục ngàn, bắt đi Nha Trang nghĩ mát trong hai tháng. Và riêng anh thì đi Vũng Tàu. Nhớ chưa? Ba tháng sau, tôi sẽ tiếp xúc lại với anh.
- Thưa, tại sao lại gián đoạn liên lạc lâu như vậy?
- Ngu lắm. Công việc của ta đã xong rồi, coi như xong hết rồi, chỉ còn màn chót nữa thôi. Lê Tùng đã theo ta. Sớm muộn bọn tay sai lão Hoàng sẽ phăng ra. Vì thế, ta nên lánh mặt một thời gian. Nhớ rõ rồi chứ, Phạm Huề?
- Dạ.
- Thôi, cho anh về. Cẩn thận nghe.
- Dạ.
Phạm Huề khép chặt cửa. Hắn rón rén ra cầu thang. Một ả làng chơi, ăn mặc gần như trần truồng, bá vai bá cổ một gã tình nhân ngoại kiều. Miệng cô gái nồng nặc mùi uýt-ky. Phạm Huề tránh sang, cô gái đứng lại ưỡn ẹo:
- Đẹp trai quá mình!
Phạm Huề làm thinh. Trong giờ công tác, hắn không dính đến đàn bà. Tục ngữ có câu <<ra ngõ gặp gái>>. Hắn sợ đàn bà làm mất hên, huống chi là gái làng chơi...
Thấy hắn không đáp, cô gái bĩu môi:
- Chê đắt hả? Em chỉ lấy đờ-mi thôi.
Phạm Huề lùi lủi bước xuống thang. Cô gái nắm áo sơ mi hắn, giọng lè nhè hơi rượu:
- Bằng lòng không?
Hắn vùng ra, gắt gỏng:
- Buông ra cho người ta đi.
Cô gái quắc mắt:
- Anh phải trả lời, tôi mới chịu buông.
- Tôi không mang tiền, hẹn cô lần khác.
- Không mang tiền, tôi cho chịu.
- Còn người bạn ngoại kiều của cô?
- Tôi cho hắn rơi rồi.
Cô gái lải nhải theo Phạm Huề xuống đường, tay nắm áo hắn như đòi nợ. Thường lệ, hắn đã tát cho cô gái một cái méo mặt, nhưng <<ông chủ>> dặn hắn rút vào bóng tối, nên hắn không muốn kiếm chuyện. Xuống đường, cô ả quay lại nói leo lẻo với gã ngoại kiều:
- Chờ em một lát.
Con đường Phạm đăng Hưng chật chội nghẹt cứng xe cộ. Phạm Huề gỡ tay cô gái, mặt nghiêm nghị:
- Cô cần bao nhiêu tiền, tôi đưa, đừng giở cái thói rước khách thô bỉ như vậy.
Cô gái chĩa ngón tay nhọn hoắc cào vào má Phạm Huề. Nổi xung, hắn vung tay tát trả. Cô gái ngã chúi vào tường. Hắn chưa kịp băng sang bên kia đường, trèo lên tắc xi vừa đậu lại, cô gái đã rượt theo hô lớn:
- Ai cứu tôi với!
Cô gái ôm lấy Phạm Huề giữa đường. Xe hơi đang chạy đều dừng lại, phanh nghiến ken két. Phạm Huề cố xô cô gái dâm đãng ra, song hai bàn tay dai như đĩa đói cứ bám riết lấy hắn. Nghiến răng, hắn đấm cho cô gái một cái thật mạnh vào hàm. Cô gái ngã lăn trên đường nhựa.
Phạm Huề mở tung cửa xe tắc xi. Một cảnh sát dừng mô tô huýt còi inh ỏi. Tài xế tắc xi từ chối không chịu chở Phạm Huề. Cô gái làng chơi nhỏm dậy, la hét um sùm:
- Bắt lấy nó, nó đánh tôi, Trời ơi!
Cử chỉ miễn cưỡng và bực bội, Phạm Huề lên xe công an. Cô gái ngồi bên thản nhiên rút thuốc lá ra hút. Đầu óc Phạm Hề rối beng: hắn biết về quận trong năm, ba phút rồi ra về, vì trên thực tế sự việc xảy ra không lấy gì là quan trọng. Thỏa thuận được thì tốt, bằng không 60 đồng bạc phạt là cùng. Tuy nhiên, hắn lại lo ngại: về quận, phải xuất trình thẻ căn cước.
Trong người Phạm Huề mang nhiều thẻ căn cước và giấy tờ tùy thân. Hắn dùng giấy tờ giả để hoạt động tại đô thành, và trong hoàn cảnh bất đắt dĩ mới phải đưa căn cước bọc nhựa mà hắn được cấp với tư cách là công dân lương thiện. Vì không ai ngờ được Phạm Huề đã nhúng tay vào những việc không lương thiện chút nào. Hắn lẩm bẩm một mình:
- Đúng là ra ngõ gặp gái.
Máu nóng trào lên màng tang, hắn muốn vả vào mặt ả gái điếm ngồi bên cho hả giận. Trong khi hắn lo lắng, cô gái vẫn ung dung hút thuốc lá thơm.
Xe hơi cảnh sát phóng qua một quãng đường tối. Phạm Huề nảy ra ý định đánh ngã người cảnh sát đi theo, và nhảy xuống đường. Khu đại học rộng mênh mông giữa đại lộ Thống Nhất và Hồng thập Tự là nơi trú ẩn lý tưởng. Một khi hắn vọt được khỏi xe, băng vào khu đại học thì một trung đội cảnh sát cũng khó tìm ra.
Nghĩ vậy, Phạm Huề tươi hẳn lên. Chiếc xe chạy chậm lại, rẽ vào trụ sở cảnh sát quận Nhất. Trời tối nên Phạm Huề không nhìn rõ nét mặt của cô gái điếm. Vì nếu nhìn rõ, hắn sẽ giật mình toát mồ hôi.
Nàng vừa liếc trộm Phạm Huề.
Trên môi nàng - cặp môi đỏ loét một cách khiêu khích - phảng phất một nụ cười bí hiểm.

*

Phạm Huề ra được 10 phút thì người đàn ông trong tòa nhà trên đường Nguyễn văn Giai chụp mũ dạ lên đầu, cặp cái dù vào nách, khoan thai mở cửa.
Trông hắn, ai cũng lầm là một tư chức hiền lành, sau bữa cơm chiều, đi bộ một lát cho dạ dày làm việc. Thật vậy, đồ phục sức của hắn đều thuộc loại rẻ tiền: sơ mi ngắn màu tối mua ngoài chợ Bến Thành, giày da heo đế cờ rếp hơn hai trăm một đôi, quần da cờ rông, thứ hàng may ít tiền nhất dành cho người lao động. Thuốc lá của hắn cũng là loại thuốc bình dân: Bát-tô xanh, sợi đen chưa đến 10 đồng một gói. Ở nhà, hắn hút toàn thuốc lá Mỹ, nhưng khi ra đường phải phù hợp với vai trò tiểu chức tầm thường nên hắn hút Bát-tô. Hắn không được quyền tiêu pha hoang tàn, và chơi bời thục mạng như Phạm Huề, nhân viên hành động. Phạm Huề sinh sống ở Sài Gòn, và được kết nạp vào tổ chức, trả lương hàng tháng. Phạm Huề lại có gia đình, có giấy tờ do chính phủ Sài Gòn cấp.
Còn hắn, hắn từ Miền Bắc tới bằng đường Nam vang, vượt biên giới vào Tây Ninh, rồi xuống Sài Gòn trà trộn vào hai triệu dân của thủ đô. Giấy tờ của hắn đều do cơ quan gián điệp ở Hà Nội chế ra. Nghĩa là giấy tờ giả.
Hắn chống tay lên cây dù được dùng như cái can. Bề ngoài, đó là một trong hàng vạn cây dù được bán và dùng ở Sài Gòn - một nơi mưa nắng thất thường - cán đồi mồi, vải đen ni lông, gọng mạ kền trắng toát. Giá mua từ 200 đến 400 đồng một cái. Thật ra bỏ bạc vạn cũng không thể nào mua được cây dù đặc biệt này.
Vì nó là một cây dù đặc biệt được chế tạo cho công tác gián điệp. Ở cán có một cái nút riêng, trông như nút mở của loại dù tự động. Bấm mạnh vào, đầu nhọn của dù sẽ rơi ra, lộ một lỗ tròn và một viên đạn vọt ra như chớp. Đạn này không giết người, nhưng nếu bắn ở tầm gần thì nạn nhân có thể bị thương nặng. Bên trong viên đạn nhỏ bằng hột bắp là một loại hóa chất đặc biệt, tỏa ra một làn khói lớn làm nạn nhân bất tỉnh trong khoảnh khắc.
Hắn chỉ bắn đạn thuốc mê này trong trường hợp bị vây không có lối thoát. Cây dù còn có thể được bẻ đôi, biến thành cái ống nhòm có tầm nhìn xa rất rõ. Mắt khác, hắn có thể dùng cây dù làm dây trời cho điện đài liên lạc vô tuyến. Khi cần, hắn buộc một sợi dây thép li ti từ điện đài vào gọng dù, và gọng dù trở nên một cái ăng-ten cực mạnh.
Rẽ vào đại lộ Đinh tiên Hoàng, hắn mĩm cười hãnh diện. Sau 18 tháng hoạt động tại miền nam vĩ tuyến 17, hắn chưa hề gặp khó khăn. Nhân viên phản gián của ông Hoàng dường như biệt tích, nên hắn tha hồ ra tay. Thế mà thượng cấp của hắn ở Hà Nội lại dặn hắn năm lần bảy lượt là phải thận trọng, tuyệt đối thận trọng trước mạng lưới phản gián đắc lực của ông Hoàng...
Hắn vẫy một chiếc xích lô đạp. Ngồi trên xe bon bon xuống chợ Bến Thành, hắn phì phèo điếu thuốc Bát-tô. Lát nữa hắn có một cái hẹn quan trọng gần chợ. Là giám đốc trú sứ khôn ngoan và sáng suốt, hắn áp dụng chỉ thị của thượng cấp được viết thành một cuốn chỉ nam, tựa đề là <<Chỉ nam hoạt động cho điệp viên của Ta ở Sài Gòn>>.
Trang 10 của cuốn chỉ nam - hắn còn nhớ số trang và số dòng - có đoạn như sau:
<<Nguyên tắc của các cuộc gặp gỡ điệp viên là sĩ quan phụ trách phải tổ chức gặp gỡ ở xa nơi mình ở, đồng thời xa nơi điệp viên ở. Cũng như các thị trấn khác trên thế giới, Sài Gòn là khu vực thuận tiện cho hoạt động tình báo.
<<Các đại lộ Tự Do, Nguyễn Huệ, và Lê Lợi gần chợ Bến Thành luôn luôn đông người qua lại, nhất là buổi chiều, buổi tối, đặc biệt là những ngày nghĩ cuối tuần và ngày đầu tháng mới lãnh lương. Tổ chức gặp gỡ trên đường đông đúc, chúng ta sẽ làm cho nhân viên phản gián của địch theo dõi khó khăn. Tuy nhiên, không nên gặp gỡ dọc đường Tự Do vì ở đó có nhiều ngoại kiều, và nhiều nhân viên công lực, mà phần đông là mặt thường phục.
<<Đại lộ Nguyễn Huệ được chia làm 3 khúc, khúc đầu gần bờ sông, gần tòa đai sứ Hoa Kỳ, và đặc biệt gần Tổng Ngân khố, nên được canh gác nghiêm mật; khúc cuối kế cận Tòa Đô chính và Sở Thông tin Mỹ, cũng không nên làm địa điểm gặp gỡ, tốt hơn là ở khúc giữa, gần các quán bán hoa, và đường vào bin-đinh bách hóa Tax.
<<Tốt hơn nữa là đại lộ Lê Lợi. Hai bên đường đều có quán bán sách và tạp hóa bày la liệt trên vỉa hè. Có thể giả vờ mua sách để liên lạc. Có thể ngồi chờ xe buýt ở trạm. Có thể ngồi hóng mát trên ghế đá. Tiện nhất là ghế đá đối diện rạp chiếu bóng thường trực Vĩnh Lợi>>
Đêm nay, hắn có hẹn với nhân viên dưới quyền trên ghế xi măng trước rạp Vĩnh Lợi.
Xích lô đậu lại ở đường Tạ thu Thâu. Hắn đi bộ đến nhà hàng Thanh Thế, kéo ghế ngồi, gọi một chai xá xị. Thấy hắn đứng tuổi, lại ăn mặc xềnh xoàng, bọn trẻ đánh giày không bu lại. Những người bán thuốc lá thơm và vé số Kiến thiết di qua mặt hắn mà không chào mua.
Đúng 15 phút sau, hắn trả tiền, lững thững đi ngược Tạ thu Thâu ra Phan bội Châu, rồi men lề đường Lê Lợi. Cái ghế xi măng đối diện rạp chiếu bóng vẫn trống không.
Ngay khi ấy, một thanh niên mặc áo ni lông màu xám, tay dài như vượn, từ rạp xi nê bước ra, đến ghế xi măng, rút khăn mặt trong túi ra phủi bụi trên ghế. Người trung lưu thường có cử chỉ cẩn thận này, để cho quần khỏi bẩn.
Tuy nhiên, đối với hắn, cử chỉ phủi bụi kia là một ám hiệu. Hắn ung dung tiến lại ghế xi măng, và ngồi xuống bên.
Thanh niên mặc áo xám lên tiếng trước:
- Chào ông.
Hắn gật đầu giọng nhỏ nhẻ:
- Chào anh. Gặp chưa?
- Thưa rồi.
- Có đề phòng bọ theo không?
- Thưa, tôi đã thay đổi ba tắc xi, và vào rạp chiếu bóng.
- Tài liệu đâu?
- Thưa, cô ta đưa 10 tài liệu. Bỏ trong hộp diêm.
- Anh lấy thuốc ra hút đi.
Thanh niên đưa điếu thuốc lá lên môi. Gã đứng tuổi cho mượn bao diêm. Thanh niên châm lửa xong, rít một hơi dài, đoạn thong thả trả bao diêm lại, nhưng không phải bao diêm cũ, mà là bao diêm đựng phim nhựa do Quỳnh Bích trao hồi nãy.
Gã đứng tuổi nói:
- Trong bao diêm tôi vừa đưa cho anh có 2 cái rao vặt. Thú nhất là bản lai cảo báo tin cho con về nhà gấp vì mẹ đau nặng. Lai cảo này sẽ được đăng trên báo Sống. Báo Sống ở đường Gia Long, nhớ chưa?
- Thưa nhớ.
- Còn cái thứ nhì bằng tiếng Pháp, nội dung: một người chồng tên là Paul năn nỉ vợ là Marie trở về đoàn tụ, sẽ tha thứ tội lỗi. Cái này anh đưa cho hãng Quốc tế Quảng cáo A.I.P đường Mạc đỉnh Chi, nhờ đăng lên nhật báo Journal d'Extréme Orient. Cả hai cái rao vặt này phải đăng luôn ba ngày liên tiếp. Ba ngày liên tiếp, nhớ chưa?
- Thưa nhớ.
- Anh lặp lại xem.
Thanh niên đọc lại không sai một chữ. Gã đứng tuổi nói:
- Tôi sẽ tạm đình liên lạc với anh trong vòng ba tháng. Sáng mai, anh đưa lai cảo tới tòa soạn báo. Chiều mai, anh phải đi Đà Lạt.
- Thưa, đi Đà Lạt làm gì?
- Dưỡng sức một thời gian. Bao nhiêu phí tổn, tôi đài thọ hết.
- Thưa, nếu đi nghỉ mát, tôi xin đi Nha Trang.
- Không được. Tôi không thích những nhân viên trái lệnh.
- Thưa vâng.
- Bây giờ, anh đi được rồi. Cẩn thận: anh phải đi bộ lên đường Tự Do. Đến tiệm Linh Nam, anh vào trong và giả vờ mua đồ. Đúng 10 phút sau, anh gọi tắc xi về, và đừng quên thay đổi tắc xi nhiều lần.
- Chào ông.
Gã đứng tuổi không nhích mép. Hắn lơ đãng nhìn những cặp trai gái cười nói huyên thuyên từ rạp chiếu bóng túa ra. Rạp Vĩnh Lợi đêm nay chiếu một bộ phim gián điệp ăn khách, mô tả hoạt động xuất quỷ nhật thần của một điệp viên Mỹ mang số hiệu O.S.S 117.
O.S.S 117 là nhân vật chính của những bộ truyện thú vị của một nhà văn gián điệp Pháp. Chuyến công tác nào 117 cũng toàn thắng, và các cơ quan tình báo cộng sản cũng thảm bại.
Gã đứng tuổi mĩm cười khoái trá. Các khán giả của cuốn phim O.S.S 117 không ngờ rằng một giám đốc trú sứ cộng sản đang ngồi nghênh ngang trên ghế đá trước mặt họ. Và lần này, phe thắng không phải là O.S.S 117. Hắn đứng dậy lẩm bẩm:
- Hừ, lão Hoàng già nua kia chỉ là đồ bỏ!

*

Ông Hoàng - tổng giám đốc Mật vụ của Hòn Ngọc Viễn Đông - không đến nỗi đồ bỏ như gã đứng tuổi lầm tưởng.
Mọi viên chức của chính phủ đã về nhà ăn cơm tối và sum họp êm ấm với vợ con, song ông Hoàng vẫn ở lại trong tổng hành doanh. Ông không có nhà riêng: ngày cũng như đêm, ông ở trong phòng giấy, khi nào thấy mệt mỏi thì nằm xuống cái ghế vải rẻ tiền đặt gần bàn buya-rô. Vả lại, dầu muốn về nhà, ông Hoàng cũng chẳng còn người thân nào chờ đợi ở nhà.
Trừ Văn Bình và một số nhân viên tin cậy khác, không ai biết rõ tình trạng gia đình của ông Hoàng. Toàn thể đều coi ông Hoàng là một nhân vật huyền thoại: ông sinh ra ở đâu, năm nào, ông làm gì hồi còn trẻ, ông từ đâu về, ông tổ chức và chỉ huy Sở Mật vụ vào năm nào, Sở gồm bao nhiêu cơ quan, bao nhiêu nhân viên... Tất cả đều được bao phủ một màn bí mật dày đặc.
Văn Bình đã vào phòng từ nãy. Ông Hoàng lặng lẻ đứng dậy, bỏ miếng da trừu dùng để lau kính cận thị và hộp xì gà Havana quen thuộc vào túi. Văn Bình tiến lại bàn, tháo khẩu súng lục bóng loáng đeo dưới nách ra kiểm điểm lại nòng và bi đạn. Đoạn chàng nói:
- Sắp đến giờ rồi. Mời ông đi cho kịp.
Ông Hoàng bấm một cái nút trên tường: cánh cửa sắt nặng 2 tấn, gắn vào bê tông mở ra để lộ một cái thang bí mật. Thang máy dành riêng cho ông Hoàng.
Thang máy tụt nhanh xuống hầm bin-đinh. Cửa mở ra tự động, trước mặt là một hành lang dài thắp đèn ống xanh mát, và được điều hòa khí hậu. Đây là con đường hầm bí mật từ hầm bin-đinh của công ty Điện tử - nơi Sở Mật vụ đặt tổng hành doanh ở đại lộ Nguyễn Huệ, xuyên qua đường Tự Do, đến đường Hồ huấn Nghiệp.
Tới một bức tường thép khác, ông Hoàng rút trong túi ra một cái hộp sơn đen, trông như hộp thuốc lá. Đây là một cái máy truyền tin tí hon, một số người có xe hơi ở Hoa Kỳ dùng để mở-đóng cửa ga-ra. Cửa này không thể mở bằng tay, máy truyền tin sẽ phát ra một tín hiệu đặc biệt làm cho bộ phận trong cửa mở khóa tự động và cửa mở ra.
Ông Hoàng bấm một cái nút màu đỏ nhỏ xíu trên máy, tấm thép khổng lồ dạt ra một bên. Hai người đặt chân lên cầu thang, bên trên là một căn nhà lớn, đóng im ỉm ngày đêm.
Lên hết cầu thang, hai người bước vào một gian phòng rộng, ba chiếc xe hơi đen choáng gần hết. Những xe hơi này là của ông Hoàng, trừ cái DS.19 còn mới, hai cái kia đã cũ rích, thân xe đầy bụi đường như cả năm không ai lau, cửa xe méo mó và tróc sơn từng mảng lớn để lộ lớp sắt gỉ sét bẩn thỉu.
Những cái xe này đem cho chẳng ai thèm lấy, vì dáng dấp đã cũ, hình thù lại xấu xa. Tuy nhiên, đó là loại xe đắt tiền, đầy đủ tiện nghi, chạy nhanh như gió, có thể liệt vào danh sách xe hơi cừ khôi trên thế giới. Vỏ xe được chế bằng thép riêng, đạn trung liên bắn không thủng, kính xe gồm năm lớp chồng lên nhau đủ sức cản lằn đạn. Một trái mìn cực mạnh nổ tung dưới gầm xe có thể lật tung chiếc cam nhông khổng lồ, vẫn không làm ông Hoàng ngồi trong xe cổ xưa bị thương.
Số xe hơi hoàn toàn tự động, tốc lực tối đa trên 250 cây số một giờ, ra đường trường không thua xe Mercédès 300SL của Đức. Vì sự thật động cơ của nó là của chiếc 300SL, thứ xe đua chạy nhanh nhất nhì thế giới, và động cơ này còn mới toanh. Trước mặt tài xế có 4 tấm gương khác nhau, mỗi vè một cái để nhìn hai bên, và trong xe hai cái dùng để nhìn phía sau.
Đặc điểm của 4 tấm kính chiếu hậu này là nó được nối liền với một bộ óc điện tử kỳ dị do hãng I.B.M chế tạo: xe hơi nào theo sau, bộ điệu khả nghi - nghĩa là luôn bám sát, không chịu vượt, chạy bằng tốc độ xe ông Hoàng - bộ óc điện tử liền báo động cho tài xế bằng một hồi chuông leng keng. Muốn <<chơi xỏ>>, tài xế chỉ cần vặn nút ở táp-lô, một làn sương mù đặc biệt được phun ra, trong vòng 30 giây đồng hồ, xe hơi chạy sau sẽ quáng mắt không nhìn thấy gì nữa.
Đề phòng tai nạn, các bộ phận trong xe đều bọc bằng cao su dày, ghế ngồi có thắt lưng, và trong thùng xe có một cái chân vịt, nếu xe tuột xuống sông, chân vịt sẽ biến thành tàu thủy không chìm. Ở băng sau, nơi ông Hoàng ngồi, được gắn một máy điện thoại V.H.F và một máy viễn ký. Ngoài ra, còn một cái bàn nhỏ bằng sắt, khi không dùng có thể xếp lại, để ông Hoàng nghiên cứu hồ sơ. Tủ đựng hồ sơ mật ở dưới chân, phải dùng bom 50 ký mới phá vỡ, nhưng một hóa chất riêng sẽ đốt giấy tờ ra than trong chớp mắt.
Tài xế ló đầu ra cửa xe chào. Tài xế này không phải là nhân viên thường. Đó là Lê Diệp - nhân viên cao cấp của Sở, sau Triệu Dung và Văn Bình.
Văn Bình trèo lên ngồi cạnh ông Hoàng. Một gã vệ sĩ khổng lồ mở cửa ga-ra. Lê Diệp cho xe chạy từ từ ra đường Hồ huấn Nghiệp. Mặc dầu lực lượng an ninh trong thành phố rất hùng hậu, ông Hoàng ít khi ra đường một mình. Từ ít lâu nay, địch đã tung một số điệp viên ưu tú vào thủ đô, với nhiệm vụ quyết tử: ám sát ông tổng giám đốc Mật vụ cho bằng được.
Đường Tự Do rực rỡ ánh sáng nê-ông. Ông Hoàng vẫn bâng khuâng với điếu xì gà bất hủ. Ông không có thời gian ngắm trai thanh gái lịch khoát tay nhau bên đường. Ông đang bận nghĩ đến Lê Tùng.
Lê Tùng - người điệp viên của Sở, phụ trách một tổ chức tình báo quan trọng do ông Hoàng thành lập tại phía bắc vĩ tuyến 17.

*

Lê Tùng nán lại một phút nữa trước quán bán hoa trên đường Nguyễn Huệ. Không hiểu sao mắt chàng để ý tới một dãy cu-ron hoa tươi, màu đỏ của hoa lê dơn nổi bật trên nền màu xanh của lá, đặt ngay ngắn trên vỉa hè. Vòng hoa nào cũng đeo một cái băng màu tím trên có hàng chữ:
Thành kính phân ưu.
Thành kính phân ưu! Chết là hết, người chết nằm trong quan tài không thể nghe tiếng khóc chân thật và giả dối của thân nhân, tiếng cầu nguyện và chửi thầm của bè bạn. Người chết không thể nhìn thấy những đóa hoa đẹp, và ngửi được mùi hương thơm ngào ngạt của hoa cho nên Lê Tùng không bao giờ phúng điếu bằng cu-ron.
Đột nhiên nhìn những vòng hoa mang chữ <<Thành kính phân ưu>>, chàng liên tưởng đến cuộc sống ba chìm bảy nổi của nghề gián điệp. Làm gián điệp chết là thường, nhưng được chết còn sướng hơn còn sống mà chịu nhục. Sướng hơn còn sống mà bị đồng nghiệp, gia đình, bằng hữu, dư luận khinh rẻ, phỉ nhổ và gạt ra ngoài lề xã hội.
Chàng bỗng nhớ đến thương gia người Thụy Điển vờ thân Đức quốc xã để hoạt động tình báo cho đồng minh Anh-Mỹ. Được nhà chức trách phát xít tin cậy, y tự do du lịch khắp nước Đức trong trận đại chiến thứ hai, và báo tin cho quân đồng minh thả bom xuống các cơ sở lọc dầu của phe quốc xã. Nhờ sự hy sinh này, đồng minh đã phá hủy được phần lớn kỹ nghệ cung cấp nhiên liệu của địch, làm chiến tranh được rút ngắn.
Song thương gia Thụy Điển đã mua sự hy sinh bằng giá rất đắt. Trong nhiều năm, y ca tụng Hít-le, đả kích thế giới tự do, khiến bạn bè rẻ rúng y, xa lánh y, coi y như kẻ phong cùi. Thậm chí, người yêu của y cũng không nghĩ đến y nữa. Chiến tranh chấm dứt, y thành công vẻ vang, khi ấy dư luận mới biết.
Lê Tùng thở dài.
Chàng nhìn chung quanh một lần nữa. Bóng người khả nghi hồi nãy đã biến mất, tuy nhiên theo linh giác và kinh nghiệm nghề nghiệp, chàng biết hắn còn lảng vảng đâu đây, có lẽ cũng giả vờ mua hoa như chàng.
Đang còn nhiều thời giờ, chàng không cần vội vã. Chàng bật lửa châm thuốc rồi vượt qua đường, đi ngược về phía Tòa Đô chính.
Mục đích của chàng là chọn những con đường tương đối vắng vẻ giữa trung tâm thành phố để dễ kiểm soát phía sau. Dầu sao chàng hoạt động trên đất nhà, có nhiều điều kiện hơn nhân viên của địch. Chàng vòng Lê thánh Tôn ra Pasteur, đi dọc bên hông dinh Gia Long, rồi quẹo sang bên phải, qua bộ Quốc phòng và bộ Kinh tế. Nghĩa là những con đường vắng vẻ, ít người qua lại và được canh gác nghiêm mật.
Đến ngã tư Tự Do, Lê Tùng gặp một người đàn ông đứng cạnh cột điện châm xì gà. Chàng dừng lại xin lửa, mặc dầu trong túi còn bao quẹt đầy ắp mới mua. Thừa cơ xin lửa, chàng liếc nhìn phía sau. Quả chàng đoán đúng.
Gã đàn ông quen thuộc đang lẽo đẽo theo chàng. Thấy chàng đứng lại, hắn định đứng lại theo, song không dám vì đang đi qua bộ Quốc phòng. Qua trụ sở Hiến binh, hắn cũng không dám dừng lại.
Còn 5 thước nữa, hắn đụng Lê Tùng.
Lê Tùng đi ngược lại. Gã theo chàng luống cuống trong một giây đồng hồ, rồi giả vờ cúi xuống buộc lại dây giày. Đáng thương cho hắn, giày của hắn thuộc loại giày ban, không có dây.
Hắn loay hoay chưa biết làm gì thì Lê Tùng đã tiến lại, chìa tay bắt giọng thân mật:
- Chào anh.
Hắn rụt rè đưa tay ra, lí nhí:
- Không dám.
Lê Tùng cười khảy:
- Tôi trông anh quen quá.
Hắn đáp:
- Anh cũng vậy. Dường như tôi gặp anh tuần trước ở Vũng Tàu.
- Thế à?
- Chúng mình tắm chung với nhau ở Bãi Sau ấy mà.
Lê Tùng vỗ trán:
- Ừ nhỉ! Tôi đãng trí ghê.
Hai người đi song song bên nhau ra đường Tự Do. Gã đàn ông lại đề nghị:
- Mời anh ăn với tôi một bữa cơm xoàng.
Lê Tùng nói:
- Cảm ơn anh. Tôi có cái hẹn.
- Cần không?
- Cần lắm.
- Anh phải đi chưa?
- Đi ngay bây giờ.
- Sao anh chưa gọi tắc xi?
- Lâu ngày gặp anh, tôi muốn đi bộ nói chuyện tâm sự với anh một vài phút. Anh bận không?
- Không.
Lê Tùng quẹo trái, từ từ bước qua cây xăng của xưởng sửa xe Citroen. Khúc đường Lê thánh Tôn này vắng tanh. Ra đến gần đường Hai bà Trưng, chàng bỗng dừng lại, giọng đổi khác:
- À, quên chưa hỏi tên nhau. Tôi là Lê Tùng, chắc anh đã biết. Còn anh?
- Tôi là Lê Hùng.
- Anh cùng họ với tôi. Thảo nào anh thích chơi với tôi.
-...
- Và thích đi theo sau tôi.
-...
- Phiền anh về trình với thượng cấp của anh là Lê Tùng không muốn ai đi theo. Thượng cấp của anh là ai, tôi không cần biết, và không thèm biết.
- Tôi...
- Im miệng đi. Anh là nhân viên hạng bét. Muốn theo dõi một người giàu kinh nghiệm trong nghề như tôi, phải là những tay trung cấp. Còn anh, anh chỉ theo dõi bọn tập sự mà thôi. Nghe chưa?
- Vâng.
Lê Tùng dằn giọng:
- Lần này tha cho. Lần sau tôi sẽ đánh gãy xương hàm. Anh đừng quên tôi là đai đen nhu đạo.
- Vâng.
- Thôi, cút đi cho rảnh mắt.
Tủm tỉm cười, Lê Tùng quay lại đường Tự Do. Gã đàn ông lủi thủi ra đại lộ Hai bà Trưng. Lê Tùng vẫy xích lô máy, dặn chạy về Trần hưng Đạo. Nếu còn người theo sau, y sẽ tưởng chàng về nhà. Hoạt động đã nhiều, chàng không tin phía sau chỉ có một người đi theo. Trong trường hợp đặc biệt này, ít ra là hai người. Nếu chàng không lầm, đang còn một người nữa. Chắc y là nhân viên cừ khôi nên chàng chưa khám phá ra.
Nhưng chỉ 5 phút sau, Lê Tùng đã tìm thấy. Xích lô máy chạy được một quãng đến bùng binh chợ Bến Thành, chàng liếc thấy phía sau một chiếc xe gắn máy Honda cỡ 90 phân khối, sơn đen. Loại xe gắn máy của Nhật này chạy nhanh không kém xe hơi, và trong thành phố đông đúc như Sài Gòn, nó còn chạy nhanh hơn xe hơi nữa.
Qua cây xăng gần nhà, chàng xuống xe. Giơ tay chào lão quản lý, chàng trèo thang gác lên phòng. Chàng vặn đèn lên, mở cửa sổ, rồi đứng ở khung cửa mở rộng nhìn xuống đường. Theo nguyên tắc nghề nghiệp, kẻ đi theo phải đậu xe gắn máy lại cách bin-đinh hai, ba chục thước, rồi nhìn lên lầu. Trong phòng có ánh đèn sáng là chàng ở nhà. Chàng lại tì cửa sổ nhìn xuống cho kẻ đi theo thấy mặt.
Chàng lại không quên cởi sơ mi, mặc áo thun trắng, tỏ cho kẻ đi theo biết chàng sửa soạn đi ngủ. Rồi chàng tắt đèn lớn, vặn đèn đêm, mở tủ chọn một cái áo sơ mi sẫm và một đôi giày băng túp đế mỏng. Chàng tiến nhanh về cuối hành lang, tuột xuống cầu thang xoắn ốc xi măng dành cho nhân viên của bin-đinh, và cho trường hợp cấp cứu.
Bên dưới là một cái sân rộng. Lê Tùng không xuống sân. Được nửa cầu thang, chàng co chân nhảy lên bao lơn của ngôi nhà kế cận, chuyền ống máng lên mái, rồi lần xuống một ngõ tối hun hút.
10 phút sau, chàng ra đến đường Cô Giang. Biết chắc là không bị theo nữa, chàng gọi tắc xi lên đường Hàm Nghi. Chàng vào tiệm ăn Động Phát, kêu một bữa cơm thịnh soạn. Trong khi đợi phổ ki bưng thức ăn tới, chàng gọi điện thoại.
Số điện thoại này chàng khắc sâu trong óc từ nhiều tháng nay. Từ nhiều tháng nay, chàng mong chờ cái phút thần tiên được quay 5 con số quen thuộc và thân ái..
Vốn bình tỉnh, Lê Tùng không ngăn được xúc động. Ngón tay chàng run lên nhè nhẹ.
Đầu dây, máy điện thoại được nhấc lên, rồi có tiếng người. Một người đàn ông mà Lê Tùng quen giọng, quen mặt, quen tên:
- Ai đó?
- Mạnh đây, có phải Cường không?
- Cường vừa đi khỏi chừng nửa giờ. Chỉ có Hoan ở nhà. Anh cần dặn Cường điều gì không?
- Không có gì quan trọng cả. Phiền anh nói với Cường là có 2 cuốn sách của tôi để quên tuần trước.
- Mấy cuốn?
- 2.
- Được. Tôi sẽ nói ngay với Cường.
Điện thoại ngưng bặt. 2 cuốn sách mà chàng vừa nhắc tới trong cuộc nói chuyện là mật ngữ: nghĩa là trong vòng 1 giờ nữa, chàng sẽ đến chỗ hẹn.
Và người vừa nói với chàng là Văn Bình - tức Z-28 của Sở Mật vụ.
Người mà Lê Tùng đã gây sự nhiều lần, và lần sau cùng là trước ngày chàng bị đuổi khỏi Sở, và sa vào vòng tù tội, đã đánh chàng ngã trong văn phòng. Chàng còn nhớ câu nói hăm dọa của chàng:
- Văn Bình, tôi với anh là kẻ thù không đội trời chung. Thế nào tôi cũng giết anh, và tôi sẽ ném xác anh xuống sông Sài Gòn. Nếu không, tôi sẽ không mặt mũi nào sống trên cõi đời này nữa.
Và Văn Bình đáp lại:
- Nể cô Huệ Lan, tôi nương tay. Lần sau, tôi sẽ không khoan hồng nữa.
Tất cả sự ghét bỏ, xích mích và sa đọa ấy chỉ là một màn kịch to lớn mà ông Hoàng là giám đốc sản xuất, Văn Bình là nhà dàn cảnh, và Lê Tùng là diễn viên thượng thặng. Bất giác, Lê Tùng nghĩ đến Huệ Lan:
- Tội nghiệp, nàng chẳng biết gì hết.
Bên ngoài, trời lất phất mưa.