- Cô rảo bước lên, chỉ còn một quãng ngắn nữa thì tới chùa.
- Tối quá, không thấy gì cả.
- Hết thửa ruộng này thì đến đường cái đã dễ đi rồi.
- Khổ quá, chân đau không sao gượng được nữa.
Phạm Hồng Thanh vừa nói xong thì chân thụt xuống một cái hố sâu, nàng kêu rú lên một tiếng, ngồi xệp xuống đất.
Lê Phùng quờ quạng nắm được tay nàng, toan lôi dậy. Hồng Thanh vừa thở vừa nói:
- Mệt quá, nghỉ một tí.
Lê Phùng đành phải đứng lại. Tuy trời rét như cắt ruột mà mồ hôi chàng chảy ướt cả lưng. Đằng xa ngọn lửa vẫn ngùn ngụt và tiếng trống vẫn bập bùng trong đêm khuya, như hội nhịp với tiếng đập của hai trái tim cùng chung một cảnh ngộ.
Đợi một lúc, Lê Phùng lại giục:
- Thôi, cố gượng đi, kẻo lạnh lắm.
Hồng Thanh gượng đứng dậy đi được vài bước lại ngồi xệp xuống kêu:
- Chịu thôi, đau chân lắm. Anh cứ đi trước, mặc tôi ngồi đây, đến sáng tôi sẽ tìm đường về.
- Không được, mùa này sương mù rất độc, ở một đêm ngoài trời, nhỡ ngộ cảm thì nguy vô cùng. Dù sao, tôi cũng phải đưa cô đến chùa nghỉ tạm một đêm, mai sẽ hay.
Hồng Thanh lặng yên không đáp.
Lê Phùng tiếp luôn:
- Cô vịn vào vai tôi, bước chầm chậm, cô đừng câu nệ quá mà hỏng cả việc, chấp kinh cũng phải tòng quyền chứ! Chúng ta đường đường chính chính có việc gì ám muội hại đến gia giáo đâu mà sợ?
Hồng Thanh đành phải nghe lời.
Sang đến canh ba thì hai người đến chùa Tiêu Sơn.
Một con chó thấy có tiếng chân người sủa ran lên một hồi. Lê Phùng sờ chiếc cổng tán, thấy không đóng, mừng quá vội kéo ra rồi dựng đứng lên, con chó sồ vào cắn vang, rồi có tiếng người đàn bà ngái ngủ hỏi:
- Ai mở cổng?
- Tôi. Lê Phùng đây.
- A! cậu Phùng, để tôi châm đèn lên cho sáng.
Người đàn bà lấy bùi nhùi thổi rồi châm vào dĩa đèn dầu ta để trên nhà Tổ.
Lê Phùng dìu Hồng Thanh vào tới nơi, để nàng ngồi lên cái chõng tre ở dưới mái hiên rồi khép cánh cửa lại.
- Bà làm ơn cho xin một ít rơm đốt lửa sưởi cho ấm một lúc rồi sẽ nói chuyện.
Bà hộ chùa vâng lời, xuống bếp ôm một đống rơm lên, châm lửa đốt. Khi trông thấy Hồng Thanh, bà ngạc nhiên hỏi:
- Cô con gái này là ai, hở cậu Phùng?
- Cô Hồng Thanh, con gái ông Kim Chung.
- Đêm hôm khuya khoắt, cô cậu mang nhau đi đâu?
Lê Phùng thuật lại câu chuyện bị cướp. Bà hộ gật đầu nói:
- Thôi được, để cô ta nghỉ ở đây, mai già sẽ đưa về nhà.
- Sư ông đâu bà hộ?
- Sư ông đi chơi xa.
- Bao giờ về?
- Chóng cũng phải vài ba tháng, có khi hàng năm.
Hồng Thanh vừa mệt, vừa đau chân nằm lăn ra ngủ ở ổ rơm, để mặc hai người nói chuyện. Lê Phùng ngồi bó gối cạnh đống lửa, vô tình để rơi mấy giọt nước mắt xuống gò má…
Sáng hôm sau, Hồng Thanh lên cơn sốt kịch liệt, khắp người nóng như lửa đốt, mê sảng, nói lảm nhảm luôn miệng. Bà hộ lấy cám đánh gió, và đốt lá ngải để xông. Lê Phùng suốt ngày phục dịch bên giường chỉ lo Hồng Thanh mệnh hệ thế nào thì mang tiếng với họ Phạm.
Đến ngày thứ ba thì nàng đã tỉnh và đòi ăn. Lê Phùng bưng cháo lên, nàng húp một bát, thấy người dễ chịu, gượng dậy nói chuyện với bà hộ cho đỡ buồn.
Qua một cái Tết tẻ ngắt, ba người sống gần như trơ trọi trong một ngôi chùa hẻo lánh bên cạnh khu rừng nhỏ. Họ chỉ có một ít gạo để trong cóng, mấy lá rau cải ở vường, và một bát vừng.
Những tràng pháo nổ trong xóm xa xa như gieo vào tâm hồn họ một nỗi buồn mà riêng những kẻ lưu lạc phương trời mới cảm thấy một cách rõ rệt được.
Lê Phùng suốt ngày chỉ ngồi ngắm mấy cánh hoa hải đường trong chậu sứ, ngổn ngang trăm mối bên lòng, phần lo cho thân mình như cánh bèo mặt nước, phần thương cho cảnh huống của Hồng Thanh đang tuổi xuân xanh. Bà hộ như đoán biết tâm trạng của chàng, lựa chiều khuyên giải, trong lúc vui chuyện thường lấy kinh Phật ra diễn giải để cho chàng bớt sự phiền muộn.
Mấy hôm sau, Hồng Thanh đã khá nhưng chưa được khỏi hẳn, nên hoãn việc hồi hương. Đến ngày mồng 6, Hồng Thanh nóng biết tin nhà, liền rút chiếc trâm vàng đưa cho bà hộ và dặn rằng:
- Bà mang chiếc trâm này sang chợ Đồng, đổi lấy bạc lẻ cho hiệu khách lấy tiền đong gạo, và nhân tiện dò la tin tức nhà tôi thế nào. Bà đừng nói cho ai biết rằng tôi ở đây nhé!
Bà hộ vâng lời, quang gánh đi chợ. Đến sẩm tối thì về chùa, Hồng Thanh mừng rỡ tíu tít hỏi chuyện. Bà thở dài nói:
- Mô Phật, ở hiền chẳng gặp lành.
Hai người tái mặt hỏi:
- Có sự gì thế bà?
- Bà đẻ ra cô mất rồi, nhà cửa cháy sạch. Thấy nói ông nhà ta đã được thả về, nhưng lại đi đâu mất không thấy tin tức gì cả.
Hồng Thanh kêu “trời” một tiếng rồi ngã gục xuống đất. Lê Phùng vội vực nàng lên giường, lay gọi mãi mới tỉnh. Nàng rên rỉ than khóc, nguyền rủa bọn cướp luôn miệng. Bà hộ vừa khuyên giải Hồng Thanh vừa nói:
- Già thấy người ta xì xào bàn tán về cậu nhiều lắm. Nghe đâu có giấy huyện sắc bắt cậu vì tội tư thông với giặc.
Lê Phùng ngẩn người hỏi lại:
- Tôi ấy à?
- Thấy nói họ Hoàng khiếu nại thì phải.
- Hoàng Phủ Nhâm!
- Thì còn ai nữa.
Lê Phùng hầm hầm đập tay xuống giường nói:
- Hừ…tôi sẽ lên huyện phân trần về việc này. Hắn lấy cớ gì mà buộc tội tôi tư thông với giặc? Chính hắn đã đem giặc về nhà…chính hắn là thủ phạm…lại còn già họng vu khống…
Bà hộ gạt đi:
- Tình ngay, lý gian. Khi cậu gỡ được tội thì có lẽ đã rũ xương trong ngục rồi. Bất nhược ta hãy lánh đi một noi, đợi khi bắt được bọn cướp, sẽ rõ kẻ hay người dở.
Hai người đang bàn chuyện, bỗng thấy tiếng nói ầm ầm, thoáng thấy ánh đuốc sáng rực. Một người quát gọi ở cổng:
- Bà hộ mở cửa để khám chùa.
Ba người thất sắc, rụng rời cả chân tay. Lê Phùng toan chạy ra ngoài.
Bà hộ ngăn lại khẽ nói:
- Cậu chạy ra thì bị bắt ngay, già có chỗ này kín lắm, không sợ. Nói đoạn, bà xốc nách Hồng Thanh đi. Ba người ngoắt ra mái hiên, thẳng đến một gian buồng bỏ không. Bà bảo Lê Phùng vần cái thạp gạo sang một bên, thấy lộ ra một cái nắp bằng gỗ rộng độ bằng cái sàng con. Khi bỏ nắp ra thì thấy miệng hầm có bực xuống.
Hồng Thanh và Lê Phùng lần bước xuống, bà đậy nắp lại cẩn thận, rồi vần cái thạp gạo kê lên trên. Tiếng gọi cổng lại giục:
- Bà hộ nhanh lên!
Bấy giờ bà mới lên tiếng:
- Cổng mở, các ông cứ vào.
Một bọn hơn một chục người khí giới đầy đủ, kéo nhau vào đứng ở sân. Xã trưởng lên nhà Tổ, trợn mắt hỏi:
- Sư ông đi đâu, bà hộ?
- Mô Phật, sư ông tôi đi chơi xa.
- Trong chùa có ai không?
- Thưa không.
- Có tin báo chùa chứa chấp người lạ mặt.
- Làm gì có!
- Để chúng tôi xem.
Nói xong, xã trưởng ra hiệu cho hương dũng.
- Các chú khám xét cẩn thận.
Hương dũng sục sạo một lúc không thấy gì cả.
Xã trưởng dịu lời nói:
- Chúng tôi không có ý phiền nhiễu nhà chùa đâu. Vì lệnh trên bắt buộc chúng tôi phải tra xét những khách qua lại, sợ có giặc cướp lẩn lút vùng này. Hiện nay có giấy sắc truy nã bọn cướp ở rừng ngang và tên Lê Phùng đã a tòng với chúng để đánh phá thôn Liễu Trang. Nếu có người lạ đến chùa, bà phải báo cho dân làng biết.
Hương dũng đi khỏi, bà hộ lại mở nắp hầm cho hai người ra. Lê Phùng bàn rằng …
- Đi bây giờ thì sợ không thoát vì họ canh phòng giữ lắm. Ở lại, sợ lâu rồi cũng bị bại lộ mất. Hãy tạm trú dăm bữa rồi sẽ liệu.
- Còn cô Hồng Thanh?
- Tôi hiện nay nhà cửa cháy sạch, thân thích không ai, tiến thoái lưỡng nan, chưa định thế nào cả.
- Cô không có ai là họ hàng à?
- Tôi chỉ còn một người chú họ ở mãi tận Siêu Loại, có lẽ thầy tôi cũng sang đấy.
- Được, độ vài hôm nữa, tình thế lắng dịu, tôi sẽ đưa cô sang.
Bà hộ cũng nói thêm vào:
- Cô hãy chịu khó nấn ná ít lâu. Dưới hầm rộng rãi và sạch sẽ. Ta mang ít rơm xuống giải ổ, với một vài thứ cần dùng. Chịu khó cơm muối với nhà chùa rồi sẽ liệu.
Nàng đành phải nghe lời.
*
Sau một giấc ngủ say sưa, Hồng Thanh chợt thức dậy.
Nàng sẽ hé cặp mắt nhìn. Chiếc đĩa đèn dầu ta ném một ánh sáng vàng vọt chung quanh gian hầm kín mít như bưng. Những bóng đồ vật in lên tường nom lờ mờ như bức tranh xấu xí đã nhạt màu. Nàng nín thở lắng tai nghe. Không một tiếng động, thấy văng vẳng tiếng gà trong chùa gáy mấy tiếng, nàng lẩm bẩm: “Có lẻ sắp sáng”. Nàng mở màn bước ra khỏi giường.
Tiết trời tháng bảy đã bực bội, lại bị giam hảm ở trong hầm, nàng thấy như khó thở, mồ hôi toát ra như tắm, quạt phành phạch luôn tay.
Thấm thoát đã được hơn bảy tháng. Một thời gian khá dài sống chung với Lê Phùng đã đem lại cho nàng một tin mừng, nàng đã có thai, thời kỳ sanh nở cũng sắp tới. Nàng nhận thấy cuộc tình duyên vụng trộm này sắp đến lúc bị phát giác, và cũng không xa cái ngày mà Lê Phùng bước chân vào cửa ngục. Nàng rùng mình nghĩ đến tương lai mờ mịt đang đón chờ nàng với tất cả sự thiếu thốn và đau khổ của con người không chỗ nương tựa, không một trái tim ấp ủ trong những ngày bảo táp:
Những ý tưởng ấy thoáng qua trong óc rồi lại mờ dần đi trước cái cảm giác hãi hùng đối với hiện tại. Nàng phải rời khỏi chốn này, nếu không muốn bại lộ hình tích. Nàng đã ngỏ với Lê Phùng và đang chờ chàng trả lời.
Có tiếng chân se sẽ đi trên bực; rồi một bóng người hiện ra. Nàng mừng rỡ thốt lên một tiếng kêu dịu dàng: “Anh Phùng”.
Lê Phùng ngồi xuống giường, tay vơ lấy chiếc quạt phe phẩy vài cái. Nàng vồn vả hỏi:
- Có tin gì lạ không?
- Mai, chúng ta đi sớm.
- Sự canh phòng thế nào?
- Vì bọn cướp ở rừng ngang trốn hết cả, vùng này đã trở nên yên tỉnh, nên sự canh phòng cũng lỏng lẻo đôi chút.
- Ta định đi đâu bây giờ?
- Được thế nào hay thế ấy, không nói trước được.
- Chết thật! Anh phải có một định kiến rõ rệt trong công cuộc mưu sinh của chúng ta sau này, chứ gặp chăng hay chớ, thì thân anh đã vậy, còn tôi bụng mang dạ chửa đến kỳ sanh nở thì sao? Tài trai như anh, sức dài vai rộng mà không đảm bảo được đời sống cho một người đàn bà, thì không biết sau này còn mong chi ghé vai gánh vác những công việc quan trọng ở xã hội nữa.
- Thôi đành gồng thuê gánh mướn, kiếm ăn lần hồi, chứ biết làm gì bây giờ!
- Đành rằng thế, tôi có phải là người sợ nặng nhọc đâu. Hồi còn ở nhà, thì cũng ngày hai buổi dầu dãi ngoài đồng, rồi lại xay thóc, dã gạo, nấu cám, vớt bèo nuôi lợn. Đến nay, vì sắp tới kỳ mãn nguyệt khai hoa, tinh thần mỏi mệt, không thể kham nổi những việc nặng nề. Nếu trời cho sinh nở mẹ tròn con vuông, có lẽ đâu mạnh chân khoẻ tay mà lại chịu sống ỷ lại vào người chồng mãi được.
- Tính quẩn lo quanh chỉ thêm rối ruột, không có lẽ phải chết đói mà sợ. Trong tay còn mấy lạng bạc, ta sang hạt Đông Ngàn, đốn củi than ở rừng Báng cũng đủ sinh nhai.
Hồng Thanh gạt nước mắt, gượng cười:
- Mới có hơn nữa năm trời mà sự đời biến chuyển mấy lần. Đang sống trong cảnh phú quí, màn che trướng rũ, bỗng phải tha phương cầu thực, lam lũ cơ hàn. Thế mới biết mọi sự xảy ra trong thế gian không phải ngẫu nhiên mà thành, nếu không có bàn tay của định mệnh. Có lẽ kiếp trước ta vụng tu, nên kiếp này mới không hưởng được sự giàu sang. Thuyết nhân quả của đạo Phật nếu đem áp dụng vào trường hợp của chúng ta, cũng không phải là viễn vông đâu.
Lê Phùng vươn vai ngáp:
- Mệt quá!
Sáng hôm sau, hai người từ giã bà hộ, khăn gói ra đi. Quá trưa thì họ đến rừng Báng ngồi dưới gốc cây. Hồng Thanh cầm nón quạt lấy quạt để, luôn luôn kêu khát nước. Lê Phùng đưa mắt nhìn chung quanh nói:
- Từ đây vào làng còn xa, hàng quán chẳng có. Để tôi đi tìm xem có giòng suối nào gần đây, uống tạm cho đỡ khát vậy.
Chàng nói đoạn đứng phắt dậy, lần theo vết chân người dẫm trên cỏ, mà đi sâu vào rừng.
Độ một quãng, thấy một cái giếng to dưới bóng mát của cây đa, cành lá rườm rà, chàng nhìn xuống giếng thấy tối om. Mặt nước rất sâu dẫu có chiếc thừng dài thả xuống cũng chưa chắc đã tới đáy. Chàng chưa biết tìm cách nào để múc nước, thì chợt thấy sườn giếng có những hòn gạch xây thò ra độ nửa bàn chân dùng làm bậc lên xuống. Chàng cởi tay nải để ở miệng giếng rồi thò chân, lần từng bậc một.
Đến lưng chừng giếng, một hòn gạch lở tung ra hai tay bám không vững, chàng mất thăng bằng, rồi cả thân thể chàng lao xuống, tiếp theo một tiếng kêu rùng rợn…
Trời đã về chiều, Hồng Thanh đợi mãi không thấy chồng về, nóng ruột quá. Linh tính báo cho nàng biết là có sự không hay vừa xảy ra, nên vội vả đứng dậy đi tìm.
Đến bờ giếng,nàng thấy cái tay nải vứt cạnh hòn đá, còn người thì mất tích. Nàng cúi đầu xuống giếng gọi ầm lên… Nàng gọi khan cả tiếng, khóc đã gần hết nước mắt, mà hình ảnh của người chồng thân yêu vẫn không thấy trở lại. Chung quanh nàng, tiếng chim đang ríu rít kêu bỗng im bặt như để chia buồn với người thiếu phụ.
Mặt trời đã ngã về tây, ánh tà huy lấp lánh sau ngọn cây cũng biến dần trong bóng tối mờ của hoàng hôn. Một hồi chuông lanh lảnh đằng xa tung bay theo ngọn gió chiều. Nàng đành phải gạt nước mắt đứng dậy thổn thức, bước thấp bước cao về phía chùa Ứng Tâm.
*
Chén trà thứ tư uống đã cạn rồi mà sư cụ vẫn dùng dằng chưa muốn rời tăng phòng để lên chùa niệm Phật. Con hoàng anh trong chiếc lồng son đã bốn lần cất tiếng hót, như nhắc nhở vị lão tăng phải làm tròn phận sự trong đời sống lý tưởng ở cửa Thiền.
Ánh bình minh đã nhuộm hồng những ngọn tre đang rì rầm dưới làng gió sớm, và xa xa trên nền trời ửng đỏ, muôn vàn tia lửa buông xuống dãy đồi liên tiếp nằm phủ phục trong cánh đồng bao la.
- A di đà phật, bạch cụ từ mẫn, thỉnh cụ lên chùa.
Chú tiểu Các chụm năm đầu ngón tay lên ngực, sẽ cúi đầu trước hai cánh cửa hé mở, rồi lại lùi ra đứng bên cạnh chậu lan. Trên án sách, ngọn bạch lạp toả ra một ánh sáng dịu dàng trong gian buồng còn phảng phất mùi hương trà thơm ngát.
Bỗng có tiếng kẹt cửa, sư cụ ở trong buồng bước ra, loà xoà trong chiếc áo cà sa rộng buông kín gót chân. Con hoàng anh thấy chủ, mừng rỡ nhảy nhót, cất tiếng hót trong trẻo.
Sư cụ thân hình mảnh khảnh, nét mặt già dặn như nhuộm màu phong sương của đời lịch lãm, trán rộng, để lộ một đường gân xanh, chiếc cằm vuông và nở, đôi mắt mơ màng nấp sau hai gò má cao, lúc nào cũng như chìm đắm vào cõi huyền bí của đạo Phật cao siêu mà mầu nhiệm.
Đưa mắt nhìn chú tiểu chắp tay đứng cạnh chậu lan, sư cụ sẽ hỏi:
- Từ sáng con có thấy người khách nào đến chùa không?
- Bạch cụ không?
Thản nhiên sư cụ nghĩ một lát rồi nói:
- Ngày hôm nay, nếu có khách thập phương vãng cảnh, con báo cho ta biết.
Sư cụ vừa quay gót sắp bước đi thì chú tiểu đã ngập ngừng sẽ thưa:
- Bạch cụ thỉnh cụ thọ trai.
Sư cụ cười, chậm rãi nói:
- Canh ba đêm qua, ta mộng thấy thần nhân báo cho biết hôm nay có quí nhân tới chùa, cho nên sáng đây, ta phải tỉnh tâm trai giới. Suốt ngày hôm nay, ta chỉ dùng trà thuỷ để tâm hồn được nhẹ nhàng, thảnh thơi, tỏ lòng thành kính người. Con xuống trông nom bảo ban đầy tớ, để mặc ta hành lễ trên Tam Bảo, nhất là trong chùa phải quét dọn sạch sẽ.
Chú tiểu cúi đầu chào rồi quay đi.
Sư cụ thủng thỉnh bước xuống sân, rồi rẽ ngoặt sang bên tay trái, qua giàn hoa thiên lý, trèo mấy bực thềm thì lên đến Tam Bảo.
Trên bệ ánh sáng của dĩa đèn dầu ta chập chùng trong khoảng tối mờ, càng làm tăng vẻ oai nghiêm của những pho tượng ngồi trên toà sen, dưới làn khói xanh nhè nhẹ toả mùi hương thơm ngào ngạt. Sư cụ quỳ xuống chiếu, cầm dùi thỉnh chuông. Vừa dứt hồi chuông, chú tiểu rón rén bước vào Tam Bảo tay cầm cây nến. Nhưng chú bỗng ngạc nhiên trố mắt nhìn rồi lùi lại vài bước, nấp sau cái cột.
Đợi đã khá lâu chú vẫn thấy cụ đầu gục xuống chiếc ghế con bằng gỗ để kê quyển kinh, hai tay buông thỏng xuống hai bên cạnh sườn, chân sấp dưới tà áo cà sa. Chú toan đến tận nơi để xem nhưng lại sợ cụ biết mà quở mắng tội đường đột, thành ra chú rụt rè, chưa biết tiến hay lui, vừa sợ vừa ngạc nhiên trước cái cử chỉ lạ lùng của sư cụ. Một chốc, sư cụ từ từ ngẩng đầu lên, mắt đăm đăm nhìn pho tượng Như Lai, hai tay chắp vào ngực, lâm râm khấn vái.
Chú tiểu hướng mặt về phía Phật đài, cúi mình xuống rồi lùi ra.
Sư cụ khấn xong, ngồi chểm chệ giữa chiếu, tay phải lần dở quyển kinh, tay trái cầm dùi gỏ mõ. Tiếng đọc kinh ngân nga trầm bỗng, hoà theo với tiếng mõ, rơi đều trong cảnh hư không tịch mịch, rồi như quyện với khói hương, với làn gió sớm rì rào trong túp lá, vòm cây, bay bổng lên trên không trung về nơi Tây Phương Cực Lạc…
Đến chiều tối, sư cụ gấp quyển kinh xuống nhà Tổ. Tiếng chó sủa vang làm sư cụ dừng chân lại, nhìn ra cổng. Một người đàn bà có chửa đi vào chắp tay vái:
- A di đà phật, bạch cụ.
- A di đà phật.
- Bạch cụ, con nhỡ độ đường, xin cụ mở lượng từ bi cho con trọ một tối.
- Mô phật, cô ở đâu lại?
- Bạch cụ, con họ Phạm. Chồng con không may bị sẩy chân xuống giếng chết. Trời gần tối, một mình thân gái dặm trường cũng có điều e ngại, may gặp cửa từ bi, xin cụ tác phúc cho con nhờ.
- Cô đã thụ trai chưa?
- Bạch cụ, con lòng không dạ đói, xin cụ bố thí.
Sư cụ gọi chú tiểu Các:
- Chú bảo bà hộ sửa soạn cơm chay và quét dọn giường chiếu để khách nghỉ một đêm.
Rồi ngoảnh lại bảo Hồng Thanh:
- Nhà chùa cơm rau muối, cô dùng tạm vậy.
Hồng Thanh cúi đầu tạ ơn, rồi theo tiểu Các xuống nhà tạo soạn.
Sư cụ thủng thỉnh lên tăng phòng.
Sáng hôm sau, sư cụ đang đứng ngắm chậu lan, bỗng thấy tiểu Các vào bạch rằng:
- Bạch cụ, có sư trưởng sang chơi.
Ngay lúc ấy, Lý Khánh Vân cũng vừa tới, hai vị lão tăng tay bắt mặt mừng. Thượng Lâm trách ngay:
- Lâu nay, sư huynh mãi vui ở cảnh tiên nào mà chẳng đoái hoài đến nơi thô lậu này. Hôm nay, sư huynh giáng lâm ắt có điều hay chỉ bảo.
Khánh Vân cười đáp:
- Vắng sư đệ mấy tháng, lòng những nhớ mong. Hôm qua nhân đi qua Đông Ngàn, bần tăng có vào thăm Tư Chiềng, và tiện đường vào vấn an sư đệ.
- Tư Chiềng độ này thế nào?
- Đường búa của hắn tấn tới lạ lùng. Thật là một danh tướng của triều đình.
- Sư huynh có gặp Đào Huyện Lệnh không?
- Khí thiêng sông núi đã hun đúc nên các đấng anh hùng cái thế, xứng đáng là rường cột của quốc gia. Đào Huyện Lệnh không những võ nghệ tinh thông, mà tài học cũng uẩn súc lắm. Nội trợ là Hoàng Lệ Vân lại là một vị cân quắc anh thư. Tư Chiềng thật đã chọn được chủ mà thờ.
Xong câu chuyện phiếm, hai vị lão tăng lên nhà Tổ dùng trà. Khánh Vân đang đi bỗng nghe tiếng khóc vẳng đưa lên, ngạc nhiên hỏi:
- Tiếng ai khóc thế, sư đệ?
- Hôm qua có một người đàn bà đến xin trọ ở chùa. Nói là có chồng bị chết dưới giếng ở rừng Báng. Bần tăng thấy tình cảnh đáng thương cho nghỉ một đêm không hiểu tại sao sáng nay chưa đi.
- Sư đệ cho gọi, bần tăng hỏi câu chuyện.
Thượng Lâm cho gọi Hồng Thanh. Nàng lên nhà Tổ vái chào hai vị lão tăng rồi phục xuống đất sụt sùi khóc. Khánh Vân ái ngại cất tiếng hỏi:
- Bần tăng thấy cảnh ngộ của con động lòng trắc ẩn, vậy sự tình chồng ngộ nạn ra sao hãy kể lại cho bần tăng nghe.
Hồng Thanh không dám nói thực, liệu lời thưa rằng:
- Bạch cụ, chúng con quê ở An Phong chỉ có nghề làm thuê để kiếm ăn. Hiếm vì hạt An Phong ít lâu nay thường bị giặc cướp dòm ngó, nên vợ chồng con bàn nhau sang Đông Ngàn kiếm củi độ thân. Đi đến rừng Báng thì chồng con khát nước quá, xuống giếng múc nước, xẩy chân ngã chết, nghĩ đến tương lai giật mình lo sợ mà khóc, không ngờ kinh động đến nhị vị lão tăng.
- Bần tăng trông diện mạo con, đoán không phải là hạng bần tiện, lời ăn tiếng nói ra vẻ con nhà thi lễ, chắc còn một mối u tình chi đây. Xưa nay cửa từ bi vẫn không hẹp, con chớ giấu hành tung, nếu bị phát giác ra, e lại di luỵ đến nhà chùa.
- Bạch cụ, con vốn sinh trưởng ở một gia đình trung lưu, cũng được theo đòi bút nghiên. Cha con quá chơi bời nên gia tài khánh kiệt, mẹ con lo buồn quá, mắc bệnh mà qua đời. Chồng con mấy năm phải bán cả điền địa, mới khỏi tội. Chúng con trong tay không còn một đồng một chữ, vô kế khả thi, đành phải gồng thuê gánh mướn kiếm ăn. Ai ngờ trời đất gieo tai giữa đường đứt gánh, thân gái thế cô, không nơi nương tựa, xin lượng trên tác phúc cứu vớt lấy hạt máu thừa.
Thượng Lâm gật đầu nói:
- Bần tăng cho con tạm ở ngoài tam quan đợi khi sinh nở xong sẽ hay. Sớm trưa cơm muối canh rau, sẽ có nhà chùa cung cấp đủ. Con hãy yên tâm đừng lo nghĩ quá mà mang bệnh.
Hồng Thanh lạy tạ lui ra.
Nàng đi khỏi, Khánh Vân chép miệng thở dài:
- Bần tăng xem nàng cử chỉ đoan trang, nói năng lễ phép, quyết không phải hạng người dâu bọc, sau này ắt sinh quý tử, hiềm vì hồng phúc ít quá, e rằng số mệnh chẳng được bao lâu.
Vừa hay tiểu Các vào bạch rằng:
- Bạch sư trưởng, bạch cụ, con ra xem cái giếng ở rừng Báng thì thấy mối đùn lên lấp kín và chung quanh mọc tám mô đất con trông mường tượng như tám cái lá.
Khánh Vân ngạc nhiên nói:
- Nếu vậy là đích huyệt thiên táng rồi.
Thượng Lâm chợt nhớ đến giấc mộng đêm qua, kể lại cho Khánh Vân nghe. Hai vị lão tăng bàn tán mãi đến tầm ngọ mới thôi.
Khánh Vân cáo từ ra về. Thượng Lâm hỏi:
- Sư huynh đi đâu?
- Nay mai bần tăng sẽ sang ở chùa Cổ Pháp, để được gần gũi sư đệ. Đứa nhỏ sắp ra đời ắt phải là một nhân vật phi thường, sư đệ nên lưu ý.
*
Hồng Thanh được chỗ để nương nhờ cũng yên tâm đợi kỳ sinh nở. Nàng tính ưa hoạt động, những công việc trong chùa như xay thóc, giã gạo, gánh nước, băm bèo, nàng đều đảm nhận lấy cả. Với tấm lòng nhiệt thành không bờ bến, nàng thừa hành nhiệm vụ một cách vui vẻ, và sự niềm nở trong lời ăn tiếng nói của người thiếu phụ đã giảm bớt phần lạnh lẻo, và âm thầm sống đời khắc khổ chốn Thiền môn. Các tăng già lai vãng cửa chùa thấy trạng huống của nàng thảy đều ái ngại.
Đàn bà Việt Nam vốn giầu tình cảm, lại được tấm lòng vị tha truyền thống, nên sự giúp đỡ đồng bào là một đều rất thông thường, và có thể coi như một bổn phận vậy. Lòng họ se lại khi thấy một gia đình đang sống lầm than nơi đầu đình, xó chợ. Họ đã khóc khi thấy một người khác khóc, và sẵn sàng đem cơm gạo quần áo san sẻ cho kẻ nghèo.
Đời sống vật chất của Hồng Thanh cũng được đầy đủ. Ngoài ra nàng còn được an ủi một cách trìu mến, và trong những lúc trái gió, trở trời, nàng thấy mình không đến nỗi bị trơ trọi, hất hủi nơi đất khách quê người.
Mùa gặt tháng chín đã bắt đầu. Trên cánh đồng ruộng bát ngát, từng đoàn người vừa đàn ông, vừa đàn bà cầm liềm cắt những bông lúa vàng dưới bầu trời thu xanh ngắt. Trong chùa thợ gặt lác đác có vài ba người, mà ngày ba bữa cơm cũng thấy bận bịu. Hồng Thanh mệt nên một mình bà hộ phải cáng đáng mọi công việc. Nàng tính đốt ngón tay thì chỉ nay mai là tới kỳ mãn nguyệt khai hoa. Nếu sinh con trai thì nguyện vọng của nàng đã đạt được. Họ Lê cũng có người nối dõi, không đến nỗi hương lạnh khói tàn. Nàng sẽ trọn đời ở vậy nuôi nấng đứa con đến lúc trưởng thành, vun trồng cho nó một nền giáo dục đầy đủ để thoả mãn vong linh người chồng ở suối vàng. Mai hậu, khi đứa con đã yên bề gia thất, nàng sẽ thế phát quy y, sớm chiều tiếng mõ câu kinh, bản thân rửa sạch trần chướng, rồi đến lúc trút hơi thở cuối cùng, linh hồn cũng được siêu sinh tịnh độ. Có lẽ tấm lòng chân thành mộ đạo của nàng đã thấu tới phật đài, nên nhiều đêm, nàng nằm mơ thấy thân thể nhẹ nhàng, hai tay như chấp cánh bay bổng lên trên không, cưỡi mây đạp gió, du chơi Bồng Lai, Nhược Thuỷ, lúc dự hội quần tiên uống rượu, khi quỳ chầu chư Phật vui cảnh Tây Phương.
Lúc tỉnh dậy, giữa đêm khuya tịch mịch, văng vẳng như còn nghe thấy dư âm của đàn sáo du dương phảng phất mùi hương thơm của những kỳ hoa dị thảo. Nàng thường nói chuyện với người ta:
- Từ khi tôi ở chùa, sớm tối nghe kinh, cõi lòng gột hết mọi sự phiền muộn. Lúc tôi ngồi tham thiền nhập định, vẫn giữ vững chân tâm, không bị ngoại cảnh lung lạc. Thế mới biết, lòng đã thành thì tiên phật cũng chứng giám.
Một buổi tối, nàng nhâm nhẩm đau bụng, bèn hỏi bà hộ. Bà hộ lẩm bẩm:
- Mô phật, xin phật tổ phù hộ, độ trì cho nàng sinh nở mẹ tròn con vuông.
Gần nửa đêm, cơn đau bụng lại kịch liệt. Bà hộ lên trình sư cụ biết, rồi xuống bếp đun nước, sắp sửa tã lót cẩn thận. Một chốc, nàng sinh hạ được một nam tử, mệt quá nằm thiếp đi.
Bà hộ cắt rún cho đứa bé, tắm rửa cẩn thận, lấy tã quấn chung quanh mình, rồi bế lên nhà Tổ.
Lúc ấy sư cụ Thượng Lâm vẫn chưa đi nghỉ, đang ngồi uống nước trà. Bỗng thấy tiếng ồn ào ở dưới nhà, có tiếng kêu to:
- Cháy! Cháy!
Sư cụ vội ra xem thì thấy ở tam quan hào quang bốc lên sáng rực, văng vẳng có tiếng trẻ khóc. Một lát, bà hộ bế đứa bé lên. Dưới ánh sáng của ngọn bạch lạp, sư cụ nhìn đứa bé thấy diện mạo khôi ngô, dở hai bàn tay xem thấy có bốn chữ “Sơn Hà, Xã Tắc”. Vị lão tăng gật đầu nói:
- Đứa bé sau này ắt có một sự nghiệp phi thường.
Vừa nói xong thì tự nhiên cơn giông tố nổi lên ầm ầm, tưởng như lay động cả nhà cửa, rồi một trận mưa như trút nước đổ xuống.
Lúc ngớt cơn mua, chú tiểu Các lên nhà Tổ bạch rằng:
- Bạch cụ, người sản phụ đã trút linh hồn lúc giờ sửu. Xin cụ cho mai táng ở sau vườn.