La Ninh Tử: Mình cảm thấy, cậu và bọn mình không giống nhau.
Lâm Tiểu Hoa: Không giống nhau ở điểm nào?
La Ninh Tử: Sẽ có một ngày, cậu sẽ bay khỏi đây, chốn này không thể giữ chân cậu được.
Lâm Tiểu Hoa: Thật sao, giống như chim vậy hả?
La Ninh Tử: Đúng vậy, giống như chim ấy.
Lâm Tiểu Hoa: Vậy cậu nói xem, chim cứ bay mãi, bay mãi, nó có mệt không?
La Ninh Tử: Mình không biết, nhưng có thể, nếu không bay thì nó sẽ chết.
*
Tiểu Tam Nhi là tên ở nhà của tôi, Lâm Tiểu Hoa là tên chính thức của tôi.
Từ khi tôi vào Viện phúc lợi, không ai gọi tôi là Tiểu Tam Nhi nữa. Tất cả mọi người đều gọi tôi là Lâm Tiểu Hoa. Cái tên Lâm Tiểu Hoa này thật là một cái tên quê mùa hết mức, thế nhưng tôi buộc phải chịu đựng.
Tôi vẫn nhớ cô giáo Tần khi dạy chữ cho chúng tôi nói: “Nhẫn, nhẫn, mọi người phải nhớ kỹ, chữ nhẫn bên trên có một con dao”. Nhưng với tôi, chẳng có chữ nào tồi tệ hơn cái chữ này.
Viện phúc lợi khá gần thị trấn huyện, cách Thanh Mộc Hà chừng 100km. Nhưng đối với tôi, đứa trẻ 8 tuổi thì đây lại là một thế giới hoàn toàn mới lạ. Khi xe chở tôi và cô giáo Tần đi, Đồng Tiểu Lạc cứ chạy theo xe mãi. Tôi đoán chắc là cậu ấy đang gọi tên tôi, nhưng tôi không nghe thấy gì cả. Nhìn qua cửa kính bẩn thỉu đằng sau xe, tôi nhìn thấy Đồng Tiểu Lạc cuối cùng cũng biến thành một chấm đen nhỏ xíu bất động.
Tôi quay đầu lại và bắt đầu say xe.
Tôi chưa bao giờ ngồi trên xe lâu như vậy, may mà cô giáo Tần đã chuẩn bị túi nilông. Suốt dọc đường đi, tôi chẳng làm được việc gì ngoài việc cúi đầu nôn thốc nôn tháo, như thể muốn nôn tất cả lục phủ ngũ tạng chỉ còn trơ lại mỗi cái vỏ không mới thôi. Cô giáo Tần nhìn tôi với ánh mắt thương xót, luôn tay vỗ vào lưng tôi. Tranh thủ khoảng thời gian giữa hai lần nôn, tôi gục đầu vào giữa gối cô giáo để thở dốc.
Khi xe vừa dừng lại, cô giáo mua nước khoáng cho tôi uống, nhưng ngay cả nước tôi cũng không dám uống, uống nước cũng nôn.
“Sớm biết thế này thì cô đã cho em uống thuốc chống say rồi, nghe nói rất hiệu quả.” Cô hối hận nói.
“Em không sao.” Tôi nói xong liền nôn thốc nôn tháo, không còn biết trời đất ra sao nữa.
Mãi mới đến nơi, lúc xuống xe thì đã bốn giờ chiều. Chúng tôi hỏi thăm đường thì được biết còn phải đi bộ thêm mười lăm phút nữa. Vừa đi, cô giáo Tần vừa nói với tôi: “Tiểu Tam Nhi, em hãy nhớ cho kỹ, cho dù có xảy ra chuyện gì thì cũng không được khóc, phải cố chịu đựng. Em càng khóc thì càng bị người khác bắt nạt. Còn nữa, đừng có làm mất số điện thoại của cô, có việc gì nhất định phải gọi điện cho cô đấy.”
Tôi không nói gì, chỉ liên tục gật đầu. Bởi tôi biết, nếu tôi mở miệng ra nói, thì tôi sẽ khóc ngay.
Thế là tôi bị đưa đến cánh cổng sắt của Viện phúc lợi như vậy đấy. Một người phụ nữ cao lênh khênh kéo tôi đi, không cho tôi ngoảnh đầu nhìn lại phía sau. Nhưng tôi vẫn không kìm lòng được, vẫn quay đầu nhìn lại. Mặc dù cách rất xa, tôi vẫn nhìn thấy nước mắt cô giáo Tần đang rơi lã chã. Tôi bỏ mặc tất cả, cố gắng giằng ra khỏi người phụ nữ đó để chạy ngược lại. Tôi đã chạy đến gần rồi, nhưng cánh cửa sắt đã đóng lại, tôi chỉ có thể nắm tay cô giáo Tần qua song cửa mà không thể ôm cô.
“Cô giáo Tần, cô đừng bỏ em lại!” Tôi khóc và kêu gào, “Xin cô hãy đưa em về!”
“Ngoan nào, Tiểu Tam Nhi! Tiểu Tam Nhi, ngoan nào!” Cô giáo Tần nghẹn ngào nói, “Em yên tâm, cô sẽ tìm cách, tìm một gia đình tốt để họ nhận nuôi em. Em cứ tạm ở đây một thời gian, cô sẽ đến thăm em.”
“Đừng, đừng, đừng…”, giọng tôi mỗi lúc một nhỏ đi, đôi tay lắc cánh cổng sắt một cách vô vọng.
Người phụ nữ cao lênh khênh đi đến bên tôi, gỡ tay tôi đang bám trên cánh cổng sắt ra hiệu cho cô giáo Tần cứ đi về. Cô giáo Tần đành nhẫn tâm quay người bước đi.
Tôi tuyệt vọng lùi lại đằng sau, tôi không hét, bởi vì tôi biết, hét cũng chẳng có tác dụng gì cả.
Cô giáo Tần không phải là chưa từng nghĩ đến việc nhận nuôi tôi, nhưng trong nhà cô còn mẹ già đang ốm, một em trai đang học đại học. Tôi biết, cô thực sự không có cách nào khác cả.
Do quá tuyệt vọng mà môi dưới của tôi bị cắn đến nỗi chảy máu.
Người phụ nữ cao kều cầm hộ túi xách cho tôi. Những đồ vật trong túi đều là được mọi người tặng cho, cũng chỉ là mấy bộ quần áo bình thường và một ít vật dụng hàng ngày. Chúng tôi đi qua một cái sân vận động nhỏ, cuối cùng cũng nhìn thấy một căn phòng lớn. Trong phòng những chiếc giường được xếp san sát nhau. Người phụ nữ cao kều vừa vỗ tay thì lập tức cả một đám người đều đứng trước mặt tôi, và đều là con gái. Ai nấy đều nhìn tôi với con mắt đầy hiếu kỳ. Không hiểu vì sao, bỗng dưng tôi cảm thấy sợ hãi, bởi tôi thấy bọn họ không giống với các bạn học của tôi.
Nhưng khác như thế nào thì tôi không nghĩ ra được.
“Đây là Lâm Tiểu Hoa, từ giờ bạn ấy sẽ ở cùng kí túc với các cháu. Nào, chúng ta cùng hoan hô chào đón bạn!”
Khắp phòng rộn lên tiếng vỗ tay đôm đốp không đều nhau.
Người phụ nữ cao kều ném cái túi của tôi vào một chiếc giường gần đó, nói: “Lâm Tiểu Hoa, cháu sẽ ngủ chung giường với La Ninh Tử.”
“Vâng ạ, vâng ạ.” Cô bạn tên gọi là La Ninh Tử vội vàng bước ra khỏi đám đông, xếp đồ của cô sang một bên, như thể sợ ảnh hưởng tới tôi vậy. Tôi nghe thấy tiếng cười.
Tôi biết không phải họ cười tôi, mà là cười La Ninh Tử. La Ninh Tử thật qua béo đi, còn béo gấp đôi đứa em họ tôi ấy chứ. Bộ dạng đi lắc lư của cô khiến người khác thấy không yên tâm, cứ luôn nơm nớp lo cô ngã kềnh ra.
“Một lúc nữa đến giờ ăn cơm, cháu cứ đi theo mọi người.” Người phụ nữ cao kều dặn tôi.
“Không sao đâu ạ.” La Ninh Tử nói. “Cháu sẽ dẫn bạn ấy đi.”
La Ninh Tử xấu ơi là xấu, mắt tụt vào tận trong thịt, cái mũi thì vừa béo vừa to. Tôi bất giác ngoảnh đầu ngó lơ ra chỗ khác, không nhìn La Ninh Tử nữa.
Khi người phụ nữ cao kều vừa đi khỏi, mấy đứa con gái đã dồn đến bên giường tôi, bao vậy lấy tôi. Một đứa có vẻ lớn nhất trong đám giơ tay ra, nói với tôi: “Tao tên là Châu Lợi, là trưởng phòng ở đây.”
“Ừ”. Tôi nói.
“Mày có đem đồ ăn ngon vào đây không?” Cô ta nhìn chằm chằm vào túi của tôi.
“Không có.” Tôi nói.
“Thế có tiền không?”
“Không có.” Tôi nói.
“Nếu cậu ấy có tiền thì đã chẳng vào đây rồi.” La Ninh Tử nói, “Cậu nhìn bộ dạng của cậu ấy thì biết ngay là không có tiền.”
“Lợn ỉn, không phải việc của mày!” Một đứa con gái đẩy LaNinh Tử xuống giường, một đứa khác lao đến cái túi của tôi và bới tung tất cả đồ ở bên trong.
“Cút ngay!” Tôi hét lên, “Không được bới tung đồ của tôi!”
Không có ai để ý đến tôi.
Tôi nhìn thấy đồ ăn vặt của mình bị bọn chúng lục được ra. Đó là đồ cô giáo Tần mua cho tôi trên đường đi. Thê nhưng tôi bị say xe, nên không ăn được gì. Mấy đứa bọn Châu Lợi cướp được “chiến lợi phẩm”, chạy đến chiếc giường khác, hào hứng hưởng thụ.
Túi của tôi bị bới tung cả lên, La Ninh Tử vội vàng sắp xếp lại cho tôi.
“Đi ra.” Tôi mắng cô.
La Ninh Tử ngừng tay, nhẹ nhàng nói với tôi: “Cậu nói với xơ, bọn họ sợ xơ lắm.”
Tôi vừa sắp xếp đồ vừa tìm được con dao nhỏ. Đây là con dao Đồng Tiểu Lạc mua cho tôi. Lúc đó, Đồng Tiểu Lạc nói với tôi: “Nếu ai dám bắt nạt cậu thì cậu hãy dùng đến nó.”
Tôi nhủ thầm: “Cô giáo Tần, xin lỗi cô, em không thể nhẫn nhịn được.”
Tôi nói xong, cầm con dao, đi đến trước giường bọn Châu Lợi.
Bọn chúng đang ăn một gói ô mai. Nhìn thấy tôi bước tới, Châu Lợi liếc mắt nhìn tôi, hỏi tôi: “Có chuyện gì à?”
“Có.” Tôi nói.
“Có phải là muốn bọn tao trả lại đồ cho mày phải không?” Châu Lợi nhấc vỏ túi bim bim khoai tây trống không lên, nói: “Mày thấy đấy, tiếc quá, cái này đã bị chúng ta tiêu diệt rồi!”
Trong miệng mỗi đưa bọn chúng đều đang ngậm một hạt ô mai, chúng cười rộ lên.
Tôi giơ dao từ đằng sau lưng ra, ấn lò so, chẳng nói thêm lời nào, tiến nhằm vào Châu Lợi mà xiên. Châu Lợi mặt tái nhợt, luống cuống né tránh. Tôi đâm trượt, đâm vào chăn. Châu Lợi từ trên giường nhảy xuống, chạy chân đất ra ngoài cửa, miệng hét to: “Giết người, có kẻ giết người!”
Đám con gái đó cùng hét lên: “Giết người, có kẻ giết người!” Cảnh tượng vô cùng hỗn loạn.
Tôi không đuổi Theo. Phản ứng đầu tiên của tôi là trở về giường của mình, nhanh chóng giấu dao đi.
Chỉ một lát sau, người phụ nữ cao kều đã dẫn tôi đến và một cô giáo khác vào phòng chúng tôi. Châu Lợi thở dốc, chỉ vào tôi, nói: “Chính là cái đứa mới vào, nó dùng dao giết người!”
“Dao đâu?” Cô giáo trông có vẻ rất hung dữ hỏi tôi. Sau này tôi mới biết bà ta chính là xơ mà La Ninh Tử đã nhắc đến, là trợ lý viện trưởng.
“Bọn họ cướp đồ của cháu.” Tôi nói.
“Cướp thứ gì?”
“Đồ ăn mà cháu đem đến.” Tôi chỉ tay vào giường của Châu Lợi, nhưng tôi kinh ngạc phát hiện ra rằng chẳng còn gì trên đó cả.
“Nó nói láo.” Châu Lợi nói, “Nó là con điên, thần kinh không bình thường, vừa mới đến đã cầm dao giết người!”
“Mày mới là đồ điên!” Tôi chạy đến trước mặt Châu Lợi, nói, “Mày mới là thần kinh không bình thường!”
“Cô thấy rồi đấy.” Châu Lợi nói với xơ, mặt đỏ bừng bừng, chỉ vào tôi.
“Tất cả im ngay!” Xơ nói với tôi, “Cháu giao con dao ra đây, chỗ chúng ta không cho phép đem theo những thứ nguy hiểm như vậy.”
“Cháu không có.” Tôi nói.
“Nó giấu trong túi ấy!” Có một đứa hét lên.
Xơ bước đến, mở túi của tôi ra. Tôi lo lắng đến độ không dám thở. Lúc đó tôi đã mất hết lí trí, tôi nghĩ, nếu như bà ta lấy dao của tôi đi, tôi sẽ liều mạng với bà ta. Nếu tôi không có dao, thì cũng không sống nổi ở chốn này.
Nhưng quái lạ, bà ta lục lọi mấy lần, còn tìm khắp cả giường, thế nhưng lại không tìm thấy con dao của tôi!
“Khám người nó!” Châu Lợi hét.
“Cháu hãy giao ra đây!” Xơ nhìn tôi mang Theo chút bất lực.
Tôi cởi áo khoác ra, chủ động lộn hết tất cả túi quần, túi áo cho bà ta xem. Sau đó tôi nhìn Châu Lợi, nói: “Nó nói dối, chúng liên kết lại lừa cô đấy. Chúng cướp đồ của cháu, cháu không chịu, nên chúng đã vu cáo hãm hại cháu.”
“Có phải thế không?” Xơ ngoảnh đầu lại hỏi Châu Lợi.
“Sao, sao có thể như vậy được?” Châu Lợi bỗng lắp bắp, “Không, không đâu!”
Đúng lúc đó, tiếng chuông vang lên.
“Đến giờ ăn rồi. Tất cả đến nhà ăn mau lên!” Xơ nói, “Việc này lát nữa sẽ nói tiếp!”
Cả căn phòng đầy chật người giờ đã chạy đi hết, chỉ còn lại một mình tôi.
“Sao còn chưa đi?” Xơ hỏi tôi.
Tôi ngồi xuống giường, nói: “Cháu nuốt không trôi, cháu không đi.” Trong lòng tôi vẫn luôn băn khoăn một điều: “Lạ nhỉ! Dao của mình rốt cuộc là chạy đi đâu nhỉ?”
“Phải đi.” Xơ nói với tôi.
Tôi lì lợm nhìn bà ta.
Bỗng nhiên khẩu khí của bà lại mềm mỏng: “ Không ăn cơm cũng được, đi nào, ta đưa cháu đi.”
Tôi đi Theo xơ tiến vào nhà ăn. Trong nhà ăn bỗng chốc trở nên vô cùng yên ắng, xem ra mọi người thực sự đều rất sợ bà. Xơ lấy cho tôi một khay ăn, dẫn tôi đi gọi đồ ăn, dẫn tôi đến ngồi ở bàn ăn rồi mới đi khỏi đó. Tôi nhìn xung quanh, càng lúc cang sợ hải, bởi tôi đã nhìn thấy rất rõ. Bọn họ người thì thọt chân, người thì lác mắt, có người què luôn một cánh tay. Thực ra tôi rất đói, nhưng tôi không thể nào ăn nổi, chỉ cảm giác toàn thân run rẩy, không thể nào khống chế nổi.
La Ninh Tử ngồi bên cạnh bắt chuyện với tôi: “Cậu tên là Lâm Tiểu Hoa, có phải chữ hoa trong bông hoa không?”
“Ừ”. Tôi ép mình ăn một miếng cà rốt, trả lời La Ninh Tử.
“Cái tên hay quá!” Cô nói, “Phải rồi, mình tên là La Ninh Tử, họ La, Ninh trong chữ ninh tịnh, Tử trong chữ hài tử1”
“Ừ.” Tôi nói.
“Cậu có vẻ ít nói.”
“Ừ.” Tôi nói.
“Cậu đừng sợ.” La Ninh Tử nói, “Mọi người ở đây hầu hết đều là người tốt.”
Tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn một chút.
“Tại sao cậu lại vào đây?” Cô hỏi tôi, vừa hỏi vừa thở dài, nói: “Dù sao thì ai cũng vì chẳng còn cách nào nên mới phải vào đây.”
Tại sao vào đây ư?
Rất đơn giản, bởi vì tôi không có nhà, bởi vì không có ai chịu nuôi tôi.
“Ồ.” La Ninh Tử khua khua tay, nói: “Ồ, thôi, cậu không muốn nói thì đừng nói. Cậu học lớp mấy rồi?”
“Lớp hai.” Tôi nói.
“Vậy thì cậu có đọc được truyện tranh không?” La Ninh Tử nói, “Ở đây có thư viện, có rất nhiều truyện tranh, nhưng phải chiều thứ tư mới được xem.”
“Có cô giáo dạy không?” Tôi hỏi La Ninh Tử. Đây là vấn đề tôi khá quan tâm.
“Có.” La Ninh Tử nói, “Nhưng trong viện chỉ mở đến lớp ba thôi, khi lên lớp bốn thì phải đến học ở trường bên ngoài. Trường ở đó rất rộng, còn tốt nữa, nhưng học giỏi mới được đi học.”
“Thế những người học kém thì sao?”
“Học kém thì phần lớn là không thể đi học bình thường, vì ra trường bên ngoài cũng sẽ bị bắt nạt.” La Ninh Tử nói, “Nhưng cậu không phải lo đâu, vừa nhìn là đã thấy cậu rất thông minh.”
“Cảm ơn cậu.” Tôi bắt đầu thấy La Ninh Tử không đáng ghét như tôi đã nghĩ.
“Có gì đâu, vào đây thì mọi người đều là anh chị em cả mà.” LaNinh Tử nói đầy phóng khoáng.
La Ninh Tử thật sự béo quá đi mất. Khi ra khỏi nhà ăn, tôi nhìn thấy vài người lén hích vào người cô, rồi lại cười, chạy đi mất. Trên mặt La Ninh Tử nở ra nụ cười buồn, nhưng rõ ràng là không có ý tức giận.
Khi đi đến gần kí túc xá, tại một chỗ quành, La Ninh Tử từ đằng sau gọi giật tôi lại, nói: “Lâm Tiểu Hoa, cậu đợi chút.”
Tôi dừng bước, ngoảnh đầu lại. La Ninh Tử vội vàng nhét một thứ gì đó vào tay tôi, nói: “Cậu giấu kỹ nhé, đừng để bọn họ nhìn thấy.”
Đó là con dao của tôi!
La Ninh Tử đã lén giấu nó!
La Ninh Tử lại an ủi tôi: “Cậu đừng sợ Châu Lợi, thực ra cô ta cũng chỉ là con hổ giấy thôi.”
“Mình không sợ.” Tôi nói.
“Cậu dũng cảm quá.” La Ninh Tử đột nhiên toét miệng cười, cười xong lại nói, “Hôm nay thật là đã quá!”
Đêm đầu tiên tôi ở Viện phúc lợi, trời mưa xối xả. Nước lần Theo cửa sổ khép không chặt chảy vào, còn kèm theo cả gió lốc. Tôi nhìn thấy La Ninh Tử kéo chăn chùm kín đầu. Nhưng tôi lại ngồi dậy, nhìn ra ngoài cửa, mong sao cho trận mưa bão này dữ dội hơn nữa. Tôi hi vọng có thể xảy ra một vài sự cố, ví dụ như trần nhà sụp xuống, hay nước lũ trên núi đổ xuống, hay trời đất sụt lở. Nhưng trên thực tế thì lại chẳng xảy ra chuyện gì cả, sáng sớm hôm sau, ánh sáng rực rỡ khắp nơi. Chúng tôi bị gọi đến sân vận động tập thể dục buổi sáng. Ở đây, tập thể dục buổi sáng khác hẳn ở trường cũ của tôi. Tôi tê dại giơ tay giơ chân. Đột nhiên, có người kéo tôi ra khỏi hàng: “Cháu có biết tập thể dục không đấy, cứ khua loạn lên làm gì?”
“Thưa cô, bạn ấy mới đến.” La Ninh Tử hăng hái quên mình, đứng lên nói.
“Ồ, chả trách.” Cô giáo đẩy tôi trở lại hàng, “Vậy thì học nhanh lên, học nhanh, biết nhanh.”
“Không sao đâu.” La Ninh Tử đứng sau an ủi tôi, nói: “Các cô giáo ở đây, trừ xơ ra, chẳng ai dữ dằn đâu.”
Nhưng nói thật, tôi thấy xơ cũng chẳng dữ dằn.
Tôi nhớ cô giáo Tần, thậm chí nhớ cả Đồng Tiểu Lạc, người mà tôi vẫn luôn thấy ghét vì hay làm phiền tôi. Tôi nhớ họ lắm!
Nhưng ngoài việc có thể nhớ ra, tôi chẳng thể làm được việc gì cả.
Lớp hai trong Viện phúc lợi quả thực quá giản đơn. Chỉ là môn ngữ văn và mấy con số toán học đơn giản. Hàng ngày tôi đứng trên sân vận động, nhìn những người học lớp cao xếp hàng đi học bên ngoài. Nghe nói, họ mỗi ngày phải đi bộ hai mươi phút, cả đi lẫn về mất bốn mươi phút. Có một cậu chống gậy xếp hàng, một chân bị teo lại chỉ còn như một chiếc gậy, nên di lại vô cùng khó khăn, nhưng cậu chưa bao giờ nhờ ai giúp đỡ, khiến tôi vô cùng cảm phục.
Nhìn Theo họ đi khỏi cổng, cánh cổng sắt kêu coong một tiếng, rồi đóng lại. Tôi bắt đầu có cảm giác mình như con chim bị nhốt chặt trong lồng.
Tôi cảm thấy, còn lâu mới lên được lớp bốn.
Tôi thực sự e sợ mình không chờ được đến cái ngày đó.