CHƯƠNG 26

    
áng hôm đó, Martin Eden không đi tìm việc. Mãi đến gần chiều gã mới dứt cơn mê sảng, gã đưa cặp mắt nhức nhối nhìn quanh phòng. Mary, một đứa trong lũ con của Maria Silva lên tám tuổi, đang ngồi trông nom gã; thấy gã hồi tỉnh lại, nó rú lên. Maria đang ở bếp vội chạy vào. Chị đặt bàn tay đầy chai lên trán nóng rừng rực của gã và bắt mạch.
“Cậu muốn ăn không?” Chị hỏi.
Gã lắc đầu. Gã không thấy thèm ăn chút nào, và gã tự hỏi trong đời gã có lúc nào gã thấy đói không.
“Tôi ốm, chị Maria ạ.” Tiếng gã nói yếu ớt. “Bệnh gì thế nhỉ? Chị có biết không?”
“Cúm đấy!” Maria trả lời. “Chỉ một, hai ngày rồi lại khoẻ thôi. Bây giờ đừng ăn thì hơn. Rồi tha hồ ăn, có thể là mai sẽ ăn được.”
Martin không quen với ốm đau, khi Maria và cháu nhỏ ra khỏi phòng, gã cố gượng dậy mặc quần áo. Với một ý chí mãnh liệt, tuy đầu óc vẫn còn choáng váng, mắt vẫn còn nhức nhối không mở ra được, gã cố lê ra giường chỉ để đứng chết lặng đi bên bàn làm việc, giác quan như tê liệt. Nửa giờ sau, gã cố quay được về giường, và gã đành phải nằm xuống, nhắm nghiền mắt lại, phân tích bệnh trạng của mình và những cơn đau khắp mình mẩy. Lúc lúc, Maria lại vào để thay cái khăn đắp nước lạnh trên trán gã. Còn chị để cho gã nằm yên, khéo léo không hỏi chuyện, sợ làm gã bực dọc. Điều đó làm cho Martin cảm động, thầm biết ơn và gã khẽ nói một mình: “Maria, chị sẽ có một trại bò sữa, chắc chắn là có, chắc chắn như vậy.”
Rồi gã nhớ lại tất cả cái quá khứ ngày hôm qua đã bị chôn vùi từ lâu. Hình như có cả một quãng đời đã trôi qua từ lúc gã nhận được bức thư của tờ Xuyên lục địa nguyệt san: cả một quãng đời đã trôi qua từ lúc mọi chuyện thế là kết thúc và một trang mới đã mở ra. Gã đã dốc sức, dốc hết sức và bây giờ thì gã bị gục, nằm xuống ở đây. Nếu gã không tự để mình chết đói, thì bệnh cúm đã chẳng có thể tấn công được gã thế này. Gã đã bị đánh gục và không còn đủ sức mạnh để đẩy lùi mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể. Kết quả là như thế này đây.
“Viết sách chứa đầy một thư viện để rồi mà chết thì phỏng được cái lợi gì?” Gã hỏi to. “Đấy không phải là chỗ đứng của ta. Ta không dính vào chuyện văn chương nữa. Chỗ của ta là phòng kế toán, là sổ sách chi thu, là đồng lương hàng tháng và một căn nhà nhỏ với Ruth.”
Hai hôm sau, sau khi ăn hết một quả trứng, hai khoanh bánh nướng và uống một tách trà, gã đòi Maria cho xem thư từ của gã, nhưng mắt gã còn đau quá chưa thể đọc được.
“Chị đọc dùm tôi, chị Maria,” gã nói. “Đừng đọc những bức thư lớn, dày. Vứt chúng xuống gầm bàn ấy, chị đọc những bức nhỏ thôi.”
“Tôi không biết đọc. Cháu Teresa, nó đi học, nó đọc được đấy.”
Và thế là Teresa Silva, con bé chín tuổi, mở những bức thư ra và đọc cho gã nghe. Gã lơ đãng nghe bức thư đòi nợ dài dằng dặc của hiệu cho thuê máy chữ, óc gã còn đương bàn phương tính kế kiếm việc làm. Bỗng gã tỉnh hẳn người.
“Chúng tôi xin trả 40 đô la tiền nhuận bút về chuyện đăng nhiều kỳ của ông.” Cháu Teresa đánh vần, đọc thong thả, “với điều kiện là ông cho phép sửa một vài đoạn mà chúng tôi đề nghị.”
“Tạp chí nào thế?” Martin hét to. “Đưa cho chú xem nào?”
Bây giờ mắt gã có thể nhìn để đọc, gã không thấy lúc đọc nó vẫn đau nhức nhối. Tờ “Con chuột bạch” đã đề nghị trả gã 40 đô la, và truyện ngắn đó là “Cơn lốc,” một trong những truyện rùng rợn đầu tay của gã. Gã đọc đi đọc lại bức thư. Người chủ bút nói thẳng cho gã biết là gã xử lý đề tài chưa tốt lắm, nhưng chính do đề tài của truyện mà họ ưng mua, vì nó độc đáo. Nếu gã đồng ý cho cắt bớt một phần ba, họ sẽ nhận đăng và gửi trả gã ngay 40 đô la khi nhận được thư trả lời.
Gã đòi lấy bút và mực, trả lời người chủ bút rằng nếu muốn, ông ta có thể cắt cả ba phần ba đi cũng được và đề nghị gửi ngay số tiền 40 đô la.
Khi Teresa đã đem bỏ thư vào thùng, Martin lại nằm xuống suy nghĩ: “Vậy cuối cùng cũng không phải là một điều dối trá.” Tờ “Con chuột bạch” trả tiền ngay khi nhận đăng. Truyện “Cơn lốc” dài ba nghìn từ, cắt đi một phần ba, còn lại hai ngàn. Trả bốn mươi đô la, như vậy là hai xu một từ. Trả tiền ngay và hai xu một từ, những tờ báo hàng ngày đã nói thật. Thế mà trước gã vẫn cứ nghĩ tờ “Con chuột bạch” là thuộc loại báo hạng ba. Đúng là gã chưa hiểu nhiều về các tạp chí. Gã vẫn cứ cho tờ Xuyên lục địa nguyệt san là tạp chí loại nhất, ấy thế mà nó chỉ trả gã mười từ một xu. Gã vẫn liệt tờ “Con chuột bạch,” vào loại xoàng, nó lại trả gã gấp hai mươi lần hơn tờ Xuyên lục địa nguyệt san, mà lại trả tiền ngay khi nhận đăng.
Ờ, có một điều chắc chắn là khi khỏi gã sẽ không đi kiếm việc nữa. Trong óc gã còn nhiều truyện hay chẳng kém gì “Cơn lốc”; cứ tính 40 đô la một truyện, gã có thể kiếm được nhiều tiền hơn bất cứ một công việc hay một chức vụ nào khác. Đúng vào lúc gã nghĩ cuộc chiến đấu đã thất bại thì nó lại thắng lợi. Gã đã được thử thách và thành công trên con đường sự nghiệp của mình. Đường đi đã rõ ràng. Bắt đầu bằng tờ “Con chuột bạch,” rồi đây, ngày càng có nhiều tạp chí được xếp vào danh sách những người đỡ đầu của gã. Gã sẽ thôi không viết những bài lặt vặt nữa. Nó chí làm mất thì giờ vì chẳng mang lại cho gã được đồng nào. Gã sẽ dốc hết tâm lực để làm việc, viết những tác phẩm tốt, viết ra tất cả những gì hay nhất chứa chất trong trí óc. Gã mong giá có Ruth ở đây lúc này để cùng chia sẻ niềm vui; và khi gã giở hết tập thư còn lại ở trên giường, gã thấy có một bức thư của nàng. Nàng trách gã một cách nhẹ nhàng, không hiểu có cái gì đã làm gã xa nàng một thời gian dài ghê gớm như thế. Gã âu yếm đọc đi đọc lại bức thư, ngắm nhìn nét chữ của nàng, yêu từng nét viết của nàng và, cuối cùng hôn lên chữ ký.
Khi gã viết thư trả lời, không giữ gìn ý tứ gì, gã nói cho nàng biết là đã lâu lắm gã không dám đến gặp nàng vì bộ quần áo sang trọng nhất của gã, đã bị đem cầm. Gã cũng kể cho nàng biết gã bị ốm nhưng hiện nay đã gần khỏi và chỉ trong khoảng mươi ngày hay hai tuần lễ (khoảng thời gian từ lúc gã gửi thư đi New York City đến lúc có thư trả lời) gã sẽ chuộc lại quần áo và đến thăm nàng.
Nhưng Ruth không muốn phải đợi đến mươi ngày hay hai tuần lễ. Hơn nữa, người yêu của nàng lại đang ốm. Chiều hôm sau, có Arthur đi kèm, nàng đến thăm gã bằng xe ngựa riêng của gia đình; lũ con nhà Silvas và bầy trẻ ở phố thích quá, còn Maria thì ngạc nhiên quá đỗi. Chị bợp tai lũ con cái cứ đứng vây chặt lấy hai người khách lạ ở chỗ cổng đằng trước hẹp tanh tanh, và bằng một thứ tiếng Anh nói sai kinh khủng hơn lúc thường, chị cứ xin lỗi đi xin lỗi lại mãi vì cái bề ngoài của chị. Tay áo vén ngược lên, chỗ cánh tay để trần toàn bọt xà phòng, một mảnh khố tải ướt buộc ngang lưng nói lên rất rõ công việc chị đang làm trước mặt hai người trẻ tuổi sang trọng đến hỏi người ở trọ nhà chị, chị quên cả mời họ ngồi xuống trong cái phòng khách nhỏ xíu của chị. Muốn vào phòng Martin, họ phải đi qua nhà bếp nóng rừng rực, ẩm ướt, hơi bốc mù mịt vì đang giặt giũ ngổn ngang. Martin trong lúc hối hả đem đóng ập cánh cửa buồng và cánh cửa tủ vào với nhau, và trong năm phút đồng hồ qua cánh cửa để mở, hơi nước, mùi xà phòng, mùi rác rưởi ùa vào phòng người ốm.
Ruth khéo lách mình sang phải, sang trái rồi lại sang phải, đi dọc theo cái quãng chật hẹp giữa bàn và giường đến bên Martin. Nhưng Arthur thì hết va cái nọ lại chạm vào cái kia, đụng vào những xoong, chảo kêu loảng xoảng ở góc phòng nơi Martin nấu nướng. Arthur không ở lại lâu trong phòng. Ruth đã ngồi xuống cái ghế độc nhất rồi. Sau khi làm xong nhiệm vụ của mình, anh ta bước ra ngoài, đứng ở cửa giữa, bảy đứa con nhà Silva đang trầm trồ nhìn anh ta như nhìn một cái gì kỳ lạ lắm trong đám xiếc. Bọn trẻ con hàng phố thì vây quanh cái xe ngựa, nóng lòng đợi chờ một cái gì thê thảm khủng khiếp sắp xẩy ra. Xe ngựa chỉ đến phố chúng nó vào những dịp có đám cưới hay đám tang, ở đây chẳng có cưới mà cũng chẳng có tang, thế thì hẳn có chuyện gì hay ho đặc biệt lắm, đáng mất công chờ xem.
Martin sung sướng điên người khi được gặp Ruth. Bản chất gã là một người khao khát tình yêu, gã giàu tình cảm hơn bất cứ một người bình thường nào. Gã thèm khát tình cảm, đối với gã, tình cảm là sự cảm thông về tinh thần, nhưng gã vẫn chưa thấy rõ tình cảm của Ruth chỉ là đa cảm, chỉ là lịch thiệp xuất phát từ bản chất dịu dàng nhiều hơn từ sự hiểu biết thấu đáo đối tượng nàng yêu. Vì thế khi Martin cầm tay nàng sung sướng trò ong một số năm sáu truyện ngắn rùng rợn trước khi gã vượt lên tới những đỉnh cao trong “Mạo hiểm,” “Niềm vui,” “Cái xoong,” “Men rượu cuộc đời.”
Trong khi chờ đợi tấm ngân phiếu của tờ “Con chuột bạch” gã đem dùng ba đô la, số tiền nhận được về mấy bài thơ tám câu, tạm giải quyết cảnh gieo neo trước mắt. Gã lĩnh tấm ngân phiếu đầu tiên dưới con mắt ngờ vực của lão chủ hiệu thực phẩm người Bồ Đào Nha; gã trả cho lão ấy một đô la, còn lại trả cho người hàng bánh và người bán hoa quả mỗi người một đô la. Martin chưa có đủ tiền để ăn thịt và vẫn phải ăn uống dè sẻn thì nhận được ngân phiếu của tờ “Con chuột bạch.” Gã phân vân về cách lĩnh tiền. Từ bó đến giờ gã chưa hề bước chân vào một nhà ngân hàng, lại cũng chưa hề vào đây để giao thiệp tiền nong, gã có một ý muốn trẻ con và ngây thơ là bước vào một trong những ngân hàng to nhất ở Oakland, vứt tấm ngân phiếu ra để lĩnh bốn mươi đô la. Mặt khác, gã lại thấy nên thực tế hơn, cứ đem đến chỗ hiệu thực phẩm mà lĩnh, sẽ gây được ấn tượng tốt để sau này còn có thể mua chịu nhiều hơn. Martin miễn cưỡng chịu trả hết nợ cho lão chủ hiệu thực phẩm, và lĩnh về đầy một túi tiền đồng rủng rỉnh. Gã cũng thanh toán hết những món nợ khác, chuộc lại bộ quần áo và cái xe đạp, trả nốt tiền thuê máy chữ, trả Maria tiền phòng một tháng còn chịu lại và trả thêm một tháng trước. Như vậy trong túi chỉ còn lại gần ba đô la để phòng tiêu vào những món bất chợt cần đến.
Số tiền nhỏ bé này, bản thân nó, dường như là cả một gia tài. Chuộc được quần áo về, gã đến thăm Ruth liền. Và trên đường đi gã không thể nào ngăn được mình không lắc lắc nắm tiền ít ỏi rủng rỉnh trong túi. Đã lâu lắm gã không có tiền, nên cũng giống một người sắp chết đói được cứu cho ăn, mắt không thể nào rời khỏi đĩa thức ăn chưa ăn hết, tay gã không thể rời khỏi mấy đồng tiền. Gã không phải là người ti tiện, cũng không phải là người keo bẩn, nhưng tiền đối với gã còn có ý nghĩa hơn là con số những đồng đô la, đồng xu ấy. Nó có nghĩa là sự thành công và mỗi con đại bàng[78] khắc trên những đồng tiền đối với gã là một vị thần chiến thắng[79] có cánh.
Bất giác, gã thấy cuộc đời thật là tốt đẹp. Chắc chắn là đối với gã nó đẹp hơn lên. Bao tuần nay, cuộc đời thật ảm đảm, buồn nản, nhưng bây giờ nợ nần trả gần hết, trong túi vẫn còn rủng rỉnh ba đô la, và trong tâm trí thì có ý thức rõ rệt về sự thành công: mặt trời chiếu sáng rực rỡ, ấm áp và ngay một trận mưa rào có bất ngờ đổ xuống làm ướt sạch những người khách bộ hành không chuẩn bị thì đối với gã, vẫn cứ là vui. Khi gã từng đói, gã nghĩ tới hàng ngàn hàng vạn những người mà gã biết cũng đang chết đói dở trên khắp thế gian này. Nhưng bây giờ, gã no rồi, cảnh hàng ngàn người đang chết đói không còn đậm nét trong trí óc gã nữa. Gã quên họ, và vì gã đang yêu, gã chỉ nhớ đến những người đang yêu nhiều không kể xiết trên trái đất này. Không chú tâm suy nghĩ về nó, nhưng những đề tài cho những bản tình ca lại bắt đầu xáo động trí óc gã. Bị cuốn đi trong sự thôi thúc sáng tạo ấy, gã đi quá mất hai quãng đường mới nhẩy xuống xe điện mà vẫn không cảm thấy bực bội gì.
Đến nhà ông Morse, gã thấy đã có một số người ở đó. Có hai người chị em họ của Ruth từ San Rafael về chơi. Bà Morse lấy cớ đón tiếp họ đã mời nhiều nam nữ thanh niên quây quanh Ruth, cốt để thực hiện kế hoạch của mình. Chiến dịch được bắt đầu ngay trong thời gian Martin lại bắt buộc không thể đến được, và bây giờ nó đang tiến triển mạnh. Bà Morse chủ trương chỉ mời những người đã có nghề nghiệp chức vụ trong tay. Vì thế, ngoài hai cô chị em họ của nàng, Dorothy và Florence, Martin còn gặp hai vị giáo sư đại học, một là giáo sư tiếng La tinh, một là giáo sư tiếng Anh. Một sĩ quan trẻ tuổi vừa ở Philippin về, bạn học cũ của Ruth; một anh chàng hãy còn trẻ tên là Melville, thư ký riêng của Joseph Perkins, giám đốc một ngân hàng tín dụng lớn ở San Francisco, và đặc biệt có một anh chàng là thủ quĩ một nhà băng tên là Charley Hapgood, một gã vui vẻ trẻ trung, tuổi ba mươi nhăm, tốt nghiệp ở trường Đại học Stanford, hội viên câu lạc bộ Nile và câu lạc bộ Thống Nhất, và là một diễn giả bảo thủ của Đảng cộng hoà trong các dịp tranh cử, tóm lại đúng là một anh chàng đang lên về mọi phương diện. Về phía nữ thì có một họa sĩ chuyên vẽ chân dung, một nhạc sĩ nhà nghề, và một người đã đỗ tiến sĩ xã hội học, nổi tiếng khắp vùng về cái tổ chức xã hội của chị ta trong những khu xóm nhà ổ chuột ở San Francisco. Thực ra, trong kế hoạch của bà Morse, các vị khách nữ không đóng một vai trò quan trọng lắm. Cùng lắm thì họ cũng chỉ là những vai phụ cần thiết. Những người đàn ông có nghề nghiệp chức vụ, nhất thiết phải được thu hút đến cái nhà này.
“Lúc nói chuyện thì anh đừng nổi nóng đấy,” Ruth dặn dò gã trước khi bắt đầu cái công việc nặng nề giới thiệu gã với mọi người.
Bị ám ảnh bởi ý nghĩ mình vụng về, nhất là đôi vai cứ quen cái thói chực va vào cái nọ hích vào cái kia làm đổ vỡ lung tung, nên lúc đầu gã cảm thấy ngượng nghịu, người cứ cứng đơ. Hơn nữa, đám đông làm cho gã lúng túng. Gã chưa bao giờ giao tiếp với những người thượng lưu thanh lịch mà nhất lại đông như thế này, Melville, anh chàng thủ quĩ nhà ngân hàng, thu hút tâm trí gã, và gã quyết định hễ có dịp là tìm hiểu anh chàng này đầu tiên. Bởi vì đằng sau sự sợ hãi của gã, có ẩn một bản ngã tự tin. Gã cảm thấy sự thôi thúc muốn đem mình ra đọ với những người đàn ông đàn bà ngồi kia để xem họ đã học được những gì mà gã chưa học được trong sách vở và trong cuộc đời.
Ruth lúc lúc lại đưa mắt nhìn gã ra sao. Nàng ngạc nhiên và vui sướng thấy gã làm quen một cách thoải mái dễ dàng với Dorothy và Florence. Chắc chắn là gã không bị kích động vì khi đã ngồi xuống, gã không còn phải băn khoăn gì về đôi vai của mình nữa. Ruth biết Dorothy và Florence là những cô gái thông minh, linh lợi nhưng chỉ hời hợt nông cạn; và nàng hầu như không hiểu được lời họ khen ngợi gã, đêm hôm ấy khi đi ngủ. Nhưng về phía Martin, gã vốn là một tay thông minh dí dỏm đối với những người trong tầng lớp gã, ăn nói lém lỉnh có duyên hay pha trò trong những cuộc khiêu vũ và những buổi đi chơi ngày chủ nhật, gã thấy cái việc bông đùa, tranh luận nhẹ nhàng trong đám thượng lưu này cũng không có gì là khó khăn cả. Buổi tối hôm ấy, sự thành công đã đứng sau lưng gã, vỗ vai gã, nói cho gã hay gã đang đi trên con đường thắng lợi, gã có thể cười, làm cho người ta cười mà vẫn không việc gì phải ngượng ngập.
Một lát sau, nỗi lo lắng của Ruth tỏ ra là đúng. Martin và giáo sư Caldwell cùng ngồi nói chuyện với nhau ở một góc phòng rất dễ nhìn thấy, và tuy Martin không hoa tay múa chân, nhưng dưới con mắt khắt khe của nàng thì hình như gã đã cho phép mắt của gã long lên, quắc lên nhiều quá, gã nói nhanh quá, sôi nổi quá, nóng nẩy quá, và đã để cho máu dồn lên mặt đỏ quá. Gã không còn giữ được vẻ lịch sự, mất cả bình tĩnh, trông gã thật trái ngược với vị giáo sư tiếng Anh trẻ tuổi mà gã đang nói chuyện.
Nhưng Martin thì hoàn toàn không để ý đến những cái bề ngoài ấy. Gã nhận thấy rất nhanh giáo sư Caldwell là người có một bộ óc được rèn luyện và gã đánh giá cao sự hiểu biết của ông ta. Còn giáo sư Caldwell thì chưa nhận thấy hết được quan niệm của Martin về một giáo sư tiếng Anh bình thường là thế nào. Martin muốn ông ta nói về nghề nghiệp chuyên môn của mình, và tuy lúc đầu ông ta có ý không bằng lòng, nhưng rồi sau gã cũng đã làm được cho ông ta phải nói đến. Bởi vì gã thấy không có lý do gì người ta lại không nói đến chuyện nghề nghiệp chuyên môn.
Mấy tuần trước đây, đã có lần gã tranh luận với Ruth về vấn đề này: “Phản đối nói chuyện về nghề nghiệp chuyên môn thì thật là không đúng, thật là vô lý. Còn có lý do gì nữa ở dưới ánh mặt trời này để cho đàn ông đàn bà gặp nhau nếu không phải là để trao đổi những điều mà người ta hiểu biết cặn kẽ nhất. Và những điều hiểu biết cặn kẽ nhất chỉ có thể có được ở những công việc mà người ta thích thú, ở công việc nhờ nó người ta sinh sống, ở công việc chuyên môn mà đêm ngày người ta phải suy nghĩ và cả ước mơ nữa. Thử tưởng tượng ông Butler muốn sống cho thật đúng phép lịch sự xã giao, lúc nào cũng nói đến quan điểm của mình về Paul Verlaine[80], về bi kịch Đức, hoặc tiểu thuyết của D’Annunzio[81]. Như thế thì chán ngấy đến chết mất. Anh chẳng hạn, nếu có phải nghe ông Butler nói chuyện thì anh thích được nghe ông ấy nói về luật pháp hơn. Đó là cái mà ông ấy hiểu biết cặn kẽ nhất. Đời ngắn lắm và anh muốn được biết tất cả những điều hiểu biết cặn kẽ nhất ở từng người đàn ông đàn bà anh gặp.”
Và Ruth đã phản đối: “Nhưng có những vấn đề chung cho tất cả mọi người.”
“Đấy, em lầm rồi.” Gã nói ngay. “Tất cả mọi người trong xã hội, tất cả mọi tập đoàn trong xã hội – hay nói cho đúng hơn, hầu hết mọi người, mọi tập đoàn - đều bắt chước những kẻ hơn mình – Mà những kẻ hơn mình nhất là ai? Là những bọn vô công rồi nghề, những bọn vô công rồi nghề lắm tiền nhiều của. Thói thường, bọn họ có biết gì về những cái mà chỉ có những người lao động mới biết được. Nghe nói chuyện với những cái đó sẽ chán, do đó bọn vô công rồi nghề mới quy định cho những cái đó là chuyện nghề nghiệp chuyên môn không được nói đến. Và những cái mà họ cho không phải là chuyện nghề nghiệp chuyên môn có thể nói với nhau được là những vở nhạc kịch mới nhất, những cuốn tiểu thuyết mới nhất, chuyện đánh bài, chuyện đánh bi-a, chuyện uống rượu, chuyện ô-tô, chuyện đua ngựa, chuyện câu cá hồi, chuyện câu cá ngừ, chuyện đi săn, chuyện đi thuyền buồm vân vân và vân vân… em thấy không. Những cái đó là những cái mà bọn vô công rồi nghề hiểu biết. Nói cho thật đúng, những cái đó chẳng phải là chuyện nghề nghiệp chuyên môn của bọn vô công rồi nghề đó sao. Khôi hài là ở chỗ, nhiều người thông minh và tất cả những người làm ra vẻ là mình thông minh lại cứ chịu để cho bọn vô công rồi nghề bắt phải tuân theo cái luật lệ ấy. Còn anh, anh muốn được biết những cái gì mà một người hiểu biết cặn kẽ nhất, cái đó muốn cho nó là tầm thường hay gì nữa, tuỳ em.”
Ruth không hiểu gã. Cuộc tấn công này của gã vào cái chính thống đối với nàng dường như là những ý kiến hết sức ngang bướng.
Thế là Martin đã làm cho giáo sư Caldwell chịu lây cái sôi nổi của gã sang; bắt ông ta phải nói lên ý kiến của mình. Khi Ruth đứng lại bên cạnh hai người, nàng nghe thấy Martin nói:
“Chắc chắn là giáo sư không phát biểu những tà thuyết ấy ở trường Đại học California chứ?”
Giáo sư Caldwell nhún vai: “Ông biết đấy, đây là truyện ngụ ngôn người nộp thuế chân thực và nhà chính trị! Sacramento[82] cấp cho chúng tôi kinh phí, vì thế chúng tôi phải quỵ luỵ Sacramento, quỵ luỵ cả Hội đồng giáo sư, cả báo đảng hay là báo của cả hai đảng.”
“Vâng, rõ rồi; nhưng còn chính giáo sư thì sao?” Martin hỏi dồn. “Ngài hẳn như một con cá mắc cạn.”
“Tôi nghĩ rằng có rất ít người như tôi trong cái ao tù của trường Đại học. Nhiều khi tôi cho rằng chắc chắn mình đã bị mắc cạn, và tôi thấy tôi phải ở Paris, ở phố Grub, trong hang của một ẩn sĩ, hay đi lang thang đây đó với đoàn người bôhêmiêng buồn bã man dại nào đó, uống rượu vang đỏ - mà ở San Francisco, người ta khinh bỉ gọi là rượu của bọn người Dago – ăn ở những quán ăn rẻ tiền ở xóm La tinh, và trình bày một cách rất om sòm những quan điểm cấp tiến của mình về mọi vấn đề về sáng tạo thì mới đúng. Thực vậy, luôn luôn tôi hầu như tin rằng tôi sinh ra để là một người cấp tiến. Nhưng còn có nhiều vấn đề mà tôi chưa nắm chắc. Tôi tỏ ra rụt rè khi đứng trước sự yếu đuối của bản thân; nó đã luôn luôn ngăn không cho tôi nắm hết những yếu tố của bất cứ một vấn đề nào - những vấn đề lớn của con người, những vấn đề quan trọng, ông biết đấy.”
Trong khi giáo sư Caldwell nói, Martin chợt thấy môi mình mấp máy hát những lời trong “Bài ca mậu dịch phong.”
Ta thổi mạnh nhất lúc giữa trưa;
Nhưng dưới ánh trăng
Ta làm cho
Rốn buồn cứng đơ.
Gã khẽ ngâm nga thầm trong miệng những lời thơ; giáo sư Caldwell đã làm cho gã nhớ tới những cơn gió mậu dịch, những cơn gió đông bắc, thổi mạnh lồng lộng, mát lạnh. Ông ta điềm đạm tin cậy được, nhưng bên trong vẫn có một cái gì khiến ông ta phải dè dặt. Martin có cảm giác: Ông ta không bao giờ nói hết những ý nghĩ của mình, cũng như gã vẫn thường có cảm giác những cơn gió mậu dịch chưa bao giờ thổi hết sức mạnh của nó, mà bao giờ cũng dự trữ lại một phần sức lực không bao giờ dùng đến. Trí tưởng tượng của Martin lại hoạt động mạnh mẽ. Óc gã là một kho rất dễ vào của những sự việc để nhớ lại và những ảo tưởng và hình như những sự việc, những ảo tưởng ấy luôn luôn được sắp xếp ngăn nắp và sẵn sàng bày ra để cho gã kiểm soát. Bất cứ cái gì xảy ra trong hiện tại, trí óc gã đều liên hệ ngay tới một cái tương tự hoặc một cái đối lập, những cái đó thường biểu hiện ra thành những hình ảnh ở trước mắt gã. Nó xảy ra một cách hoàn toàn tự động và óc tưởng tượng của gã luôn luôn đi kèm theo cái hiện tại đang sống. Cũng như khuôn mặt của Ruth trong giây phút ghen tuông thoáng lát đã làm sống dậy trước mắt gã trận cuồng phong một đêm trăng non nào mà gã đã quên; và vì giáo sư Caldwell đã làm cho gã, lại nhìn thấy cơn gió mậu dịch đông bắc dồn những ngọn sóng trắng xoá trên mặt biển màu tím ngắt, nên tưng lúc từng lúc, những hình ảnh mới của ký ức lại hiện lên trước mắt gã, hoặc trải ra dưới mi mắt, hoặc in hình lên trên cái màn ảnh trong ý thức,  không làm rối mà lại đồng hoá với những hành động hoặc những sự việc đã qua và có phân loại. Những hình ảnh đó nảy ra từ những hành động và cảm xúc của quá khứ, tức những sự việc, những biến cố, những sách vở của ngày hôm qua, của tuần trước - hằng hà sa số những hình ảnh tràn ngập trí óc gã, lúc ngủ cũng như lúc thức.
Vì thế, trong khi nghe giáo sư Caldwell nói dễ dàng thao thao bất tuyệt, lời nói của một người thông minh, có học thức, - Martin liên tưởng lời quá khứ của mình. Gã nhớ lại gã, ngày xưa khi hoàn toàn là một côn đồ anh chị, đội cái mũ Stetson vành cứng, mặc một cái áo cộc cỡn khuy ngực cài hai bên, vai đi đung đưa, với một lý tưởng sống ngang tàng tới cái mức mà bọn cảnh sát cho phép. Gã không ngụy trang nó để lừa dối mình, mà gã cũng không tìm những lý lẽ để biện hộ cho nó. Đã có một thời trong cuộc đời gã, gã chỉ là một anh chị tầm thường đứng đầu một bọn côn đồ đã từng làm cho cảnh sát phải lo lắng, làm cho những người lao động lương thiện phải kinh hãi. Nhưng lý tưởng của gã đã thay đổi. Trong khi gã đưa mắt nhìn những người đàn ông đàn bà quần áo sang trọng, ăn uống no nê chung quanh, trong khi gã hít vào buồng phổi của mình lành không khí thanh nhã, học thức này thì cùng lúc đó, cai bóng của thời thanh niên xa xưa với cái mũ vành cứng, cái áo cộc cỡn, đôi vai đung đưa, cử chỉ ngang tàng lại hiện ra nghênh ngang bước qua gian phòng. Cái bóng của gã côn đồ ấy, gã thấy nó nhập vào gã, đang ngồi đây nói chuyện với một vị giáo sư đại học thật sự.
Bởi vì, nói cho cùng, gã chưa bao giờ tìm thấy một nơi trú chân vĩnh viễn cho mình. Ở đâu, gã cũng thích nghi được. Ở bất cứ nơi nào, gã cũng luôn luôn được mọi người yêu mến vì gã giữ được bản lĩnh của mình trong khi làm việc cũng như lúc vui chơi và vì cái ý chí và khả năng đấu tranh cho quyền lợi của mình, khiến mọi người phải kính nể. Nhưng gã chưa bắt rễ sâu ở nơi nào. Ở đâu, gã cũng có thể thích nghi đủ để làm cho bạn bè thoả mãn, nhưng không đủ để cho mình thoả mãn. Một nỗi băn khoăn luôn luôn day dứt tâm trí gã. Luôn luôn gã nghe thấy tiếng gọi của một cái gì từ nơi xa xôi, và gã đã đi lang thang suốt đời mình để tìm cái đó cho đến khi gã tìm thấy sách vở, nghệ thuật và tình yêu. Và bây giờ gã ngồi đây, giữa tất cả những cái này; trong tất cả những bạn bè đã cùng gã sống một cuộc đời giang hồ lang bạt, gã là người độc nhất đã tự làm cho mình có đủ tư cách để được vào ngồi trong phòng khách của gia đình nhà Morse này.
Nhưng những ý nghĩ và những hình ảnh ấy cũng không ngăn nổi gã, theo sát câu chuyện của giáo sư Caldwell. Gã lắng nghe có lĩnh hội, có phê phán, và gã thấy vốn hiểu biết của ông ta thật là mênh mông. Từng lúc từng lúc, qua câu chuyện gã thấy rất rõ trong vốn kiến thức của gã có nhiều lỗ hổng, nhiều khoảng trống. Có nhiều vấn đề đối với gã hãy còn xa lạ. Tuy nhiên, nhờ có Spencer, gã thấy gã đã nắm được hình thế của lĩnh vực tri thức. Lấp đầy hai cái hình thế đó chỉ là vấn đề thời gian. “Hãy coi chừng,” gã nghĩ, “coi chừng chỗ nông cạn!” Gã muốn ngồi ngay xuống chân giáo sư Caldwell, thành kính, chăm chú. Nhưng trong khi nghe, gã bắt đầu phát hiện chỗ yếu trong lập luận của ông ta. Nó tản mạn và lướt nhanh, nếu không chú ý không sao nhận thấy được. Và sau khi nắm được điều đó, lập tức gã liền thấy mình ngang hàng với ông ta.
Ruth lại gần chỗ hai người lần thứ hai, đúng vào lúc Martin bắt đầu nói:
“Tôi xin nói những điểm nào giáo sư đã lầm, hoặc nói cho đúng hơn những điểm yếu trong lập luận của giáo sư. Giáo sư chưa nghiên cứu kỹ sinh vật học. Nó không có chỗ đứng trong lập luận của giáo sư. Ồ, tôi muốn nói một nền sinh vật học diễn giải chân chính, bắt nguồn từ ở trái đất, từ ở phòng thí nghiệm, ở những ống nghiệm,  từ những vật vô cơ cho đến những quan niệm khái quát rộng rãi nhất về mỹ học và xã hội học.”
Ruth kinh ngạc. Nàng đã dự hai khoá thuyết trình của giáo sư Caldwell và nàng coi ông ta như là một kho tri thức sống.
“Tôi chưa hiểu hết ý ông định nói gì?” Giáo sư Caldwell nói, vẻ lưỡng lự.
Martin biết thừa là ông ta hiểu rõ, nhưng gã cứ nói:
“Tôi xin cố gắng nói cho rõ hơn. Tôi nhớ đã đọc trong lịch sử Ai cập có đoạn nói rằng người ta không thể nào hiểu nổi được nghệ thuật Ai cập nếu không nghiên cứu đất nước ấy trước.”
“Rất đúng,” giáo sư Caldwell gật đầu.
“Và đối với tôi, hình như…” Martin nói tiếp: “Sự hiểu biết về một đất nước và mọi vấn đề khác cũng vậy, không thể có được nếu trước đó không có sự hiểu biết về chính ngay sự cấu tạo của cuộc sống ở nước đó. Chúng ta làm thế nào mà hiểu được luật pháp, hiểu được các chế độ, các tôn giáo, các phong tục tập quán nếu chúng ta không hiểu, không những chỉ có cái bản chất của những kẻ đã tạo ra nó mà còn phải hiểu sự cấu thành của cái bản chất đó. Có phải văn chương không có tính chất con người bằng nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc ở Ai cập không? Có một vật nào trong khắp vũ trụ mà lại không chịu khuôn theo qui luật tiến hoá? Ồ, tôi biết có thuyết lý rất phức tạp về sự tiến hoá trong lĩnh vực nghệ thuật, nhưng đối với tôi, thuyết đó hình như quá máy móc. Chính sự tiến hoá của con người thì không thấy nói đến. Sự tiến hoá của một công cụ, của cây thụ cầm, của âm nhạc, của một bài ca, một điệu vũ thì đều được mô tả một cách rõ rệt. Nhưng sự tiến hoá của chính con người, sự phát triển của những phần cơ bản, nội tại trong con người trước khi con người làm ra các công cụ đầu tiên, hát lên bài ca đầu tiên thì sao? Chính cái đó là cái mà giáo sư chưa đề cập đến; chính cái đó là cái mà tôi gọi là sinh vật học, sinh vật học dưới khía cạnh cao cả nhất của nó.”
“Tôi biết rằng tôi diễn đạt chưa có hệ thống, nhưng tôi cố gắng nói hết ý của tôi. Những ý nghĩ đó đến với tôi trong khi nghe giáo sư nói, vì thế tôi chưa kịp sắp xếp lại để trình bày. Chính giáo sư cũng đã nói đến tất cả mọi yếu tố của vấn đè. Vậy mà, hình như chính giáo sư cũng đã bỏ qua yếu tố sinh vật học, một yếu tố quan trọng nhất mà từ đó mọi hình thức nghệ thuật, mọi hành động và thành tựu của con người được tạo thành.”
Ruth ngạc nhiên khi nghe thấy Martin không bị đánh quỵ ngay và nàng cho rằng cái cung cách giáo sư Caldwell trả lời gã, chỉ là thái độ khoan thứ của ông ta đối với sự bồng bột sôi nổi của tuổi trẻ. Ông ngồi yêu lặng một phút, tay mân mê chiếc dây đồng hồ. Sau cùng, ông nói:
“Trước đây, đã có lần tôi cũng bị phê phán tương tự như vậy. Chính Joseph Le Conte[83], một con người vĩ đại, một nhà khoa học và tiến hoá luận đã phê phán tôi. Nhưng ông ấy chết rồi, và tôi đinh ninh rằng không ai thấy được chỗ yếu của tôi. Bây giờ đến lượt ông phát hiện và vạch ra. Dù sao, nghiêm túc mà nói, và đây là sự thú nhận, tôi nghĩ rằng trong cách lập luận của ông có một cái gì đúng, rất đúng, thực tế. Tôi cổ điển quá, chưa nắm được cách diễn giải của ngành khoa học và tôi chỉ còn biết trách những sự thiếu sót trong vốn học vấn của tôi, và cái tính lười biếng cố hữu nó ngăn không cho tôi đi sâu vào vấn đề như đáng lẽ ra tôi đã phải làm. Không biết ông có tin được rằng tôi chưa hề bao giờ bước chân vào một phòng thí nghiệm vật lý hoá học không? Thế mà đó là sự thực. Ông Le Conte đã nói đúng, cả ông nữa, ông Eden ạ, dù sao, ông cũng nói đúng, đến mức độ nào đó.”
Ruth kiếm cớ đưa Martin đi với nàng ra một chỗ khác. Nàng khẽ nói với gã:
“Anh không nên cứ giữ giáo sư Caldwell nói chuyện với một mình anh như vậy. Còn có nhiều người khác cũng muốn nói chuyện với giáo sư chứ!”
“Ừ, anh có khuyết điểm thật.” Martin ngập ngừng nhận lỗi. “Nhưng vì anh đã buộc được cho ông ta thổ lộ một chút; và nói chuyện với ông ta thật là lý thú, nên anh cũng chẳng nghĩ ra nữa. Em biết không, ông ta quả thật là một người tài giỏi, học rộng biết nhiều, chưa bao giờ anh được nói chuyện với một người như thế. Anh sẽ nói cho em nghe một điều khác nữa. Trước kia, anh vẫn cứ nghĩ rằng tất cả những người đã học trường đại học hay là có địa vị cao trong xã hội đều thông minh và xuất chúng như ông ấy cả.”
“Ông ấy là ngoại lệ,” nàng trả lời.
“Anh cũng nghĩ thế. Bây giờ em muốn anh nói chuyện với ai nào? À, thôi được, em giới thiệu anh với anh chàng thủ quĩ ngân hàng vậy.”
Martin nói chuyện với hắn ta khoảng mười lăm phút. Và Ruth không thể chê trách thái độ của người yêu ở chỗ nào được. Mắt gã không long lên, má không đỏ lên một tí nào; gã nói chuyện rất từ tốn, rất đĩnh đạc, khiến nàng phải ngạc nhiên. Nhưng theo sự đánh giá của gã, tất cả bầy lũ thủ quĩ ngân hàng đều là những kẻ vô giá trị một trăm phần trăm, và suốt buổi tối gã cứ quẩn quanh với ý nghĩ: “Thủ quĩ ngân hàng” và “những anh chàng nói chuyện tầm thường vô vị” chỉ là những cụm từ đồng nghĩa. Martin thấy ở anh chàng sĩ quan một thanh niên hiền lành, chất phác, khoẻ mạnh cường tráng thoả mãn với cái địa vị xã hội mà dòng dõi gia đình và số phận may mắn đã vứt cho mình. Khi biết rằng anh ta đã học hai năm ở trường Đại học, Martin rất ngạc nhiên không biết anh ta đã đem cất cái vốn kiến thức của mình vào đâu. Tuy nhiên, Martin vẫn thấy có thiện cảm đối với anh chàng này hơn là anh chàng thủ quĩ ngân hàng tầm thường kia.
“Thực ra, anh không phản đối gì những ý nghĩ tầm thường.” Về sau, gã nói với Ruth. “Cái làm cho anh khó chịu đến bực bội chính là thái độ huênh hoang rỗng tuếch, tự mãn, tự cao tự đại, cái lối khệnh khạng của hắn khi nói ra những ý nghĩ đó. Sao, anh có thể dạy cho hắn ta cả một bài học về toàn bộ lịch sử. Thời kỳ cải cách tôn giáo[84] trong lúc hắn ta lải nhải nói cho anh nghe là Đảng lao động Thống nhất đã sáp nhập với Đảng Dân chủ. Em có biết không, hắn cứ tỉa tót lời nói y như một con bạc bịp chuyên nghiệp xỉa xỉa những quân bài được chia cho. Hôm nào, anh sẽ nói để em hiểu rõ hơn ý anh.”
“Em rất tiếc là anh không ưa Melville,” Ruth trả lời. “Anh ta là người thân tín của ông Butler đấy. Ông Butler thường nói anh ta là một người thật thà, có thể tin cậy được. Gọi anh ta là Rock, là Peter, và nói anh ta có đủ khả năng để quản lý bất cứ một nhà ngân hàng nào.”
“Anh không hề nghi ngờ điều đó – dù anh chỉ mới được gặp hắn ta chút ít, và nghe hắn ta nói chuyện thì lại còn ít hơn. Nhưng bây giờ anh không quan tâm lắm đến những chuyện ngân hàng như trước đây. Anh nói hết ý nghĩ của anh ra như vậy, em không để tâm chứ, em yêu quý.”
“Không, không, ý kiến anh hay lắm.”
“Đúng,” Martin vui vẻ nói tiếp. “Anh cũng không hơn gì một kẻ mọi rợ với những cảm giác ban đầu về văn mình Những cảm giác ấy, người văn minh ắt là phải thấy mới lạ và lý thú lắm.”
“Thế anh thấy Dorothy và Florence thế nào?” Ruth hỏi.
“Anh thích hai cô ấy hơn những bà kia. Các cô ấy có nhiều cái hay, lại ít màu mè điệu bộ.”
“Thế còn những bà kia, anh cũng thích à?”
Martin lắc đầu.
“Cái bà đang làm công việc xã hội ấy thì thật không hơn gì một con vẹt nghiên cứu xã hội học. Anh dám chắc, cứ thử thổi bà lên giữa các vì sao, như Tomlinson[85] cũng chẳng thấy được ở bà ta một tư tưởng nào gọi là độc đáo. Còn bà hoạ sĩ vẽ chân dung, thì thật chán ngấy. Tay thủ quĩ lấy được bà ta hẳn phải được một người vợ đảm. Còn bà nhạc sĩ nữa. Anh chẳng cần biết ngón tay bà ấy mềm dẻo thế nào, kỹ thuật của bà ấy hoàn hảo thế nào, cách biểu hiện kỳ diệu thế nào - sự thật là bà ấy không hiểu gì về âm nhạc cả.”
“Chị ấy chơi hay đấy chứ!” Ruth cãi lại.
“Đúng, đối với những công phu tập luyện bề ngoài của âm nhạc thì thật không nghi ngờ gì, bà ta thật thành thạo, nhưng còn tinh thần bên trong của âm nhạc thì bà ta không thấy được. Anh có hỏi âm nhạc có ý nghĩa như thế nào đối với bà ta – Em biết đấy, anh hay tò mò muốn biết những điều đặc biệt ấy – bà ta không biết ý nghĩa của nó ra thế nào đối với mình; chỉ biết rằng bà yêu âm nhạc lắm, rằng đó là một nghệ thuật vĩ đại nhất trong các nghệ thuật, và đối với bà ta nó còn hơn cả cuộc sống…”
“Anh lại bắt người ta nói đến chuyện nghề nghiệp chuyên môn rồi.” Ruth trách Martin.
“Anh thú thật là có thế. Nhưng nói chuyện nghề nghiệp chuyên môn của mình mà còn không xong thì em thử tưởng tượng anh khổ tâm đến thế nào nếu họ nói những vấn đề khác. Sao, anh thường vẫn cứ nghĩ rằng ở cái xã hội thượng lưu như thế này, nơi mà người ta được hưởng mọi thuận lợi của học vấn…” Gã ngừng lại một lát, ngắm nhìn cái hình bóng của gã, lúc thời trẻ với cái mũ vành cứng, cái áo cộc cỡn, bước vào cửa, đôi vai đung đưa đi qua gian phòng. “… như anh đã nói, anh thường vẫn cứ nghĩ ở một nơi như thế này tất cả những người đàn ông, đàn bà đều giỏi giang tài trí. Nhưng bây giờ mới được biết họ sơ qua, anh đã thấy hầu hết chỉ là một lũ ngớ ngẩn và chín mươi phần trăm số còn lại thì toàn là đồ chán ngấy. Chỉ có giáo sư Caldwell, ông này thì khác. Ông ấy thực sự là một người từ đầu đến chân, từ một nguyên tử nhỏ trong cái chất màu xám của ông ta.”
Nét mặt Ruth rạng lên.
“Anh hãy nói cho em nghe về giáo sư,” nàng giục, “không phải những cái lớn, cái xuất sắc; những cái đó em biết rõ rồi; em chỉ muốn biết những điểm nào anh cảm thấy chưa tán đồng. Em muốn biết lắm.”
“Có lẽ chính anh lại tự chuốc lấy cái vạ vào mình đấy.” Martin hóm hỉnh nói. “Hay là em cứ nói trước đi. Có thể là em đã thấy ở ông ta không còn cái gì ngoài những cái ưu tú nhất.”
“Em đã dự hai khoá thuyết trình của giáo sư, và biết rất rõ giáo sư hai năm nay rồi; vì thế em muốn biết cảm tưởng đầu tiên của anh.”
“Cảm tưởng xấu, ý em muốn nói thế chứ gì? Được, thế này. Chắc theo ý em thì ông ta là một người hoàn hảo. Ít nhất thì ông ta cũng là một mẫu người trí thức hoàn hảo nhất mà anh đã được gặp – Nhưng chính ông ta cũng có một điều xấu hổ ngầm đấy.”
“Ồ, không không,” gã vội nói tiếp. “Không phải là cái gì tầm thường, ti tiện đâu. Anh chỉ muốn nói ông ta có một điều khiến anh chú ý là ông ta đã đi sâu vào nhiều vấn đề, nhưng lại quá sợ hãi về những điều đã nhìn thấy đến nỗi tự dối mình làm như chưa bao giờ nhìn thấy. Có lẽ nói thế chưa thật rõ. Để anh nói một cách khác. Ông ta như một người đã tìm thấy con đường ấy; như một người có lẽ đã thoáng trông thấy toà miếu rồi nhưng còn cố tìm cách tự thuyết phục mình rằng đó chỉ là ảo ảnh, một lùm cây. Hay nói một cách khác nữa, như một người có thể làm được rất nhiều việc đẹp đẽ, nhưng không tin ở giá trị của việc làm, rồi trong thâm tâm lúc nào cũng tiếc hận sao đã không làm những công việc đó; một người trong lòng coi thường sự khen thưởng nếu ông có làm những việc ấy, nhưng sâu kín hơn từ đáy lòng lại vẫn cứ ước ao đã làm để có được sự khen thưởng và có được niềm vui vì đã làm.
“Em không thấy như thế, hơn nữa, em cũng chưa rõ ý anh định nói gì?”
“Đó chỉ là một cảm giác mơ hồ của anh,” Martin tìm cách hoà hoãn. “Anh cũng không có lý lẽ nào cả. Chỉ là cảm giác và chắc nó sai lầm. Chắc chắn là em còn biết ông ta rỗ hơn anh nhiều.”
Từ đêm hôm ở nhà Ruth về, trong đầu óc Martin luôn luôn có những ý nghĩ trái ngược nhau, những nỗi băn khoăn bối rối kỳ lạ. Gã cảm thấy thất vọng vì cái đích đã đạt tới, vì những con người mà gã đã len lên đến nơi để tiếp xúc.
Mặt khác, gã thấy phấn khởi ở sự thành công của mình. Leo lên đến chỗ họ là một điều dễ dàng hơn là gã tưởng. Khả năng của gã còn hơn thế, - và chẳng cần gì phải khiêm tốn giả vờ, phải che đậy – gã thấy gã còn hơn những người trong đám mà gã leo tới, trừ giáo sư Caldwell, tất nhiên. Gã còn hiểu biết về cuộc sống, về sách vở nhiều hơn họ, và gã rất ngạc nhiên không biết họ đem vứt tất cả vốn học vấn của họ vào hang hốc, xó xỉnh nào. Gã không biết rằng gã, có một sức mạnh trí óc phi thường, mà cũng không biết rằng không thể tìm đâu ra được ở những phòng khách trong cái thế giới của gia đình nhà Morse này những con người có những ý nghĩ sâu sắc, những tư tưởng cao cả; mà gã cũng không bao giờ nghĩ rằng những người đó là những con đại bàng lẻ loi, bay đơn độc trên bầu trời xanh ngắt, xa trái đất, xa đàn chim đông vô kể của cuộc sống thành bầy.
---------------------
[78] Trên những đồng tiền 10 đô la (Mỹ) có khắc hình con chim đại bàng.
[79] Nguyên văn “Winged victories” - Trong thần thoại Hy lạp là nữ thần chiến thắng.
[80] Paul Verlaine (1844 – 1896), một nhà thơ Pháp.
[81] Gabriel Annunzio (1863 – 1938), một nhà văn Ý.
[82] Thủ phủ bang California. Ý muốn nói những nhà cầm quyền ở Sacramento.
[83] Josepth LeConte (1823 – 1900): một nhà địa chất học người Mỹ.
[84] Reformation, đầu thế kỷ 16.
[85] Một bài thơ nổi tiếng của Kipling viết năm 1891, tả một anh chàng tên là Tomlinson, chết ở Anh. Sau khi chết, linh hồn anh lên cửa thiên đàng. Thần gác cửa hỏi anh ta có làm được điều gì thiện không; anh ta không biết trả lời ra sao, nên thần gác cửa không cho vào. Sau đó anh ta lại tới cửa địa ngục. Ác quỉ hỏi anh ta có làm điều gì ác không, anh ta cũng không biết trả lời ra sao, nên ác quỉ không cho vào. Linh hồn anh ta đành cứ lơ lửng giữa trời, mặc cho gió thổi lên xuống vật vờ.