rước khi ra khỏi khu rừng thông đằng sau ngôi đền Đạo Tiên Nghiệm, quan án sát bỏ lại chiếc đèn bão dưới gốc cây. Ông vội phủi qua loa lớp bụi bám trên người và đi vào ngôi đền bằng lối sau cửa sổ. Gian nhà ngang bên trái mà trước đó ông tưởng tượng có Người Đào Huyệt ngồi ở trong, lúc này đã khép kín. Trên bậc thềm của ngôi chính điện có hai nhà sư đang đứng nói chuyện. Ông đi lại chỗ hai nhà sư. - Tôi đến thăm Lỗ Huynh, nhưng hình như ông ấy không có ở đây? - Thưa ông, Lỗ tôn huynh về đây từ hôm kia nhưng sáng nay có việc đến tư dinh của quan tri huyện Lã rồi ạ. Quan án sát cảm ơn hai nhà sư rồi ra cửa đền theo cửa chính. Hai người phu kiệu đang ngồi xổm trên mặt đường đánh chẵn lẻ bằng hai viên sỏi đen trắng, thấy ông đến vội vàng đứng dậy. Ông bảo họ đưa ông về khu toà án. Vừa về đến nơi, quan án sát đi ngay vào sân chính. Ông muốn tranh thủ nói chuyện với quan tri huyện trước khi khách khứa kéo đến đây, sau đó mới về phòng thay quần áo đến dự tiệc. Trong khu vườn tao nhã ngay trước mặt dinh thự chính, nửa tá nữ gia nhân đang hối hả làm việc. Họ đang treo những chiếc đèn lồng đủ màu sắc vào các bụi hoa trong vườn. Trong khi đó hai nam gia nhân dùng tre dựng một giàn pháo hoa trên mặt hồ sen. Quan án sát nhìn lên bao lơn thấy quan tri huyện mặc áo gấm dài màu xanh biếc rất lịch sự, đội mũ cánh chuồn bằng vải chéo thâm. Thấy bữa tối còn chưa bắt đầu, quan án sát cả mừng. Ông leo vội lên các bậc thềm rộng bằng gỗ đánh xi bóng lộn. Vừa trông thấy quan án sát trên bao lơn, quan tri huyện đã kinh ngạc thốt lên: - Thế nào ông bạn thân mến, giờ này mà ông còn chưa chịu thay đổi y phục ư? Khách khứa sắp lần lượt đến cả rồi! - Đệ có một việc quan trọng cần nói với quan bác, bác Lã ạ. Chỉ nói riêng với quan bác thôi. - Này ông Cao, ông thử đến chỗ ông giám quận xem ông ấy có cần phụ giúp cái gì ở phòng tiệc không. Sau khi viên cố vấn đi khỏi, quan huyện hỏi quan án sát bằng một giọng khô khốc: - Nào có chuyện gì thế ông Địch? Quan án sát dựa lưng vào lan can thuật lại cho quan tri huyện nghe những việc ông vừa làm bắt đầu từ bài hát “Đoản khúc cáo đen” cho đến ngôi miếu hoang, cùng những nét chủ yếu về cuộc tiếp xúc giữa ông với Hoàng Liên. Nghe xong câu chuyện, quan tri huyện thốt lên: - Tuyệt quá tiên sinh ạ, tuyệt quá! – Ông cười ha hả. – Nói một cách khác là chúng ta đã khám phá được một nửa bí mật của vụ án rồi đấy. Hiện giờ coi như chúng ta đã biết rõ nguyên nhân: Tống về đây là để tìm ra kẻ đã ngầm hãm hại bố anh ta. Tên này đánh hơi thấy nên đã giết anh chàng bất hạnh ấy. Và những tài liệu ghi chép của phó bảng Tống về cái chết của một ông già cách đây mười mấy năm chính là cái mà tên vô lại đã cố sục sạo tìm bằng được trong căn nhà anh ta ở thuê. Và tôi chắc nó đã tìm thấy. Trước cử chỉ tán thành của quan án sát, quan tri huyện nói tiếp: - Tống đã xem các hồ sơ của chúng ra để tìm hiểu những chi tiết về vụ ám hại bố anh ta. Kể từ bây giờ chúng ta phải tìm ra một vụ giết người, một vụ mất tích, bắt cóc, hay một vụ gì đó đại loại như thế chưa được làm sáng tỏ xảy ra trong gia đình Tống. - Bất cứ việc gì thuộc loại đó, – quan án sát sửa lại câu nói của quan tri huyện. – Trong trường hợp chàng phó bảng cần giữ kín việc tìm kiếm bí mật của anh ta thì tên Tống có thể là một cái tên giả. Anh ta có ý định tìm tung tích của kẻ thủ phạm và sẽ chính thức tố cáo khi đã có đầy đủ các chứng cớ về tội lỗi của hắn. “Bác Lã ạ, chính tên đó đã thủ tiêu Tống và hiện giờ chúng ta đang lần theo dấu vết của hắn. Còn một người đàn ông nữa mà đệ rất muốn gặp, đó là bố của Hoàng Liên – Quan án sát nói tiếp, tay vuốt chòm ria. – Cái lão bố vô lại, bỉ ổi ấy lại chấp nhận việc đứa con hoang của nó sống ở cái nơi nhơ nhớp bẩn thỉu kia chứ! Thật là đáng hổ thẹn đối với một người bố! Hơn nữa cô gái đang bị ốm. Ta phải làm thế nào cho cô vũ nữ nói ra được bác Lã ạ! Cô ta có thể biết về người bố của Hoàng Liên. Nếu không, ít ra cô ta cũng cung cấp cho chúng ta một vài dấu hiệu nhận dạng, bởi vì đã có một lần cô ta bắt gặp lão bỏ khăn mặt từ ngôi miếu hoang đi ra. Một khi tìm được nhân vật đó, chúng ta sẽ buộc hắn phải cung khai người đàn bà mà hắn đã rắp tâm quyến rũ, và chúng ta sẽ xem xét đến những việc có thể làm được để giúp đỡ cô gái khốn khổ ấy. Tiểu Phượng chưa đến nhỉ? - Ồ đến rồi. Cô ta đang trong buồng dành riêng cho các vũ nữ, sau phòng tiệc. Dược Lan giúp cô ta trang điểm và chuẩn bị ra trình diễn. Chúng ra đến gặp cô ta ngay bây giờ chứ? Ở đây có hai vũ nữ nữa, vì thế phải gọi cô ta ra một chỗ nói riêng. Trời ơi! – Quan tri huyện cúi đầu nhìn xuống, – Ông Trương và viện sĩ đang đến kia rồi! Tôi phải xuống đón tiếp các ông ấy mới được! Ông cứ đi theo hành lang đến tít đầu đằng kia kìa, mãi trong cùng ấy, và tranh thủ thay áo xống cho kịp, ông Địch ạ! Quan án sát đi theo hành lang hẹp đến đầu bao lơn thì xuống nhà dưới và vội vã trở về phòng mình. Trong lúc mặc chiếc áo dài màu xanh biếc có hoa chìm, quan án sát nghĩ mình sẽ rất thiệt thòi nếu phải về sớm, không được tham dự vào tiến trình điều tra vụ án mạng kỳ lạ này. Một khi đã nắm giữ được căn cước của bố Tống, chắc chắn quan tri huyện sẽ phải để tâm đến những tình tiết về cái chết của ông ta bằng cách hỏi tất cả những người hiện còn sống ở Tần Hoài được trực tiếp chứng kiến hoặc có được nghe nói về câu chuyện xảy ra. Việc ấy phải mất đến hàng tuần lễ nếu không phải hàng tháng. Về phía ông, chỉ quan tâm có một việc: đó là đưa Hoàng Liên đến một nơi thích hợp. Một khi cô gái được chăm sóc, trạng thái tinh thần sẽ được khôi phục và trở lại bình thường, quan tri huyện có thể khuyến khích cô nói ra tất cả những điều mà cô đã nói với Tống. Nhưng Tống đến với Hoàng Liên để làm gì? Quan án sát thầm nghĩ. Có phải chỉ vì một lý do là anh ta thích cái bài hát lạ lùng kia không? Hẳn là chàng phó bảng đã phải lòng cô gái. Con bé gia nhân nhà ông Minh đã chẳng nói ám chỉ rằng việc Tống ham thích những bản tình ca và việc anh ta hỏi mua những trâm cài tóc bằng bạc để tặng cho Hoàng Liên là gì? Quan án sát thấy trước mắt mình đang mở ra nhiều triển vọng rất hấp dẫn. Ông đứng trước gương sửa lại chiếc mũ cánh chuồn to bằng nhung và đội trên đầu cho thật ngay ngắn rồi nhanh nhẹn bước ra ngoài sân chính. Trên bao lơn sáng rực ánh đèn, tiếng sột soạt của những tà áo gấm vang đến tận tai ông. Các vị khách đang mải mê ngắm cảnh chăng đèn kết hoa ngoài vườn. Chưa có ai ngồi vào bàn tiệc. Điều đó tránh cho ông khỏi việc bị lúng túng nếu phải bước vào phòng tiệc giữa lúc mọi người ai nấy đã ngồi vào chỗ của mình. Lên bao lơn, quan án sát chào trước tiên là viện sĩ Viện hàn lâm, xúng xính trong bộ quần áo rộng thùng thình bằng gấm, đầu đội mũ trùm vuông của viện hàn lâm, có hai dải băng đen thả xuống sau lưng. Lỗ Huynh thì mặc áo dài màu đỏ tía, gấu viền đen trông cũng có một vẻ trang nghiêm nhất định. Còn thi sĩ triều đình, ông ta đã chọn một chiếc áo dài lụa màu nâu được những hoạ tiết dệt hoa tôn thêm lên và một mũ trùm chỏm cao nạm vàng. Tâm trạng của Trương lúc này rõ ràng đang vui, ông đang ngồi nói chuyện rôm rả với quan tri huyện. Vừa trông thấy quan án sát, quan tri huyện đã hỏi ngay: - Ông Địch, ông có công nhận sức mạnh diễn cảm chính là đặc điểm thơ của ông bạn đáng kính của chúng ta đây không? Thi sĩ Trương Lan Bài lắc đầu nguầy nguậy: - Xin ông đừng phung phí những thì giờ quý báu của chúng ta vào những lời ca ngợi như thế nữa, ông Lã ạ. Từ dạo rút khỏi công việc triều đình, tôi đã dùng thời gian chủ yếu vào việc xuất bản những bài thơ tôi làm trong vòng ba mươi năm trở lại đây và tôi bắt đầu nhận ra chính cái sức mạnh diễn cảm ông vừa nói đã làm cho chúng trở thành thiếu sót.( Lã định phản đối nhưng thi sĩ đã xua tay). Tôi xin nói để ông rõ cái lý của tôi. Từ trước đến nay lúc nào tôi cũng chỉ muốn được sống yên thân. Vợ tôi, có thể ông cũng đã biết. Bà ấy cũng làm thơ. Chúng tôi không có con. Hai vợ chồng sống trong một toà nhà lộng lẫy ở thôn quê rất gần kinh đô. Tôi lấy việc chăm sóc đàn cá vàng, gọt tỉa những phong cảnh thu nhỏ của tôi làm vui. Vợ tôi thì thích trồng tỉa những luống hoa. Bạn bè nhiều người thỉnh thoảng đến cùng chúng tôi dùng bữa cơm trưa, nói chuyện tâm tình và làm thơ đến tận đêm khuya. Tôi cứ đinh ninh như thế là sung sướng và mãn nguyện lắm rồi. Nhưng cho đến thời gian gần đây tôi bỗng nhận ra rằng thơ của tôi chỉ phản ánh một thế giới do tôi tưởng tượng một cách hết sức chủ quan. Trong chừng mực nào đó những bài thơ ấy đã tước bỏ hết những mối dây liên hệ giữa tôi với cuộc sống thực và chính vì thế bao giờ nó cũng nhạt nhẽo, vô vị, trở thành những bài thơ chết! Hôm nay đứng trước bàn thờ ông bà ông vải, sau khi tĩnh tâm trở lại, tôi cứ luôn tự hỏi liệu một vài tập thơ rập theo khuôn sáo đã đủ để khẳng định năm mươi năm sống trong trời đất của mình hay chưa? - Ối dào, cái mà ông gọi là thế giới ảo tưởng tôi thấy vẫn còn thực tế hơn nhiều so với cuộc sống mạo xưng! Thế giới hàng ngày của chúng ta chẳng qua chỉ là cái vỏ bề ngoài, chỉ là quá độ thôi ông ạ! Cho nên cái mà ông có thể giữ lại được, đó là những giá trị bất di bất dịch của thế giới nội tâm. - Xin đa tạ ông về những lời an ủi, ông Lã ạ. Tuy nhiên tôi vẫn cứ tiếp tục suy nghĩ theo cách của tôi rằng nếu tôi có thể được sống những giây phút rung cảm mãnh liệt, cho dù đó là một bi kịch, hay một biến cố khủng khiếp làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống phẳng lặng của tôi thì lúc đó tôi sẽ có thể… - Ông lầm hoàn toàn rồi ông Trương ơi! – Viện sĩ hàn lâm ngắt lời thi sĩ bằng giọng nói vang như sấm. – Ông ngồi gần lại đây, cả Người Đào Huyệt nữa, tôi cũng muốn nghe quan điểm của ông! Ông Trương, ông hãy nghe tôi nói. Tôi không còn ở cái tuổi dưới sáu mươi nữa và tôi hơn ông khoảng chục tuổi, đáng tuổi anh ông. Trong vòng bốn mươi năm đã chiếm lĩnh hầu hết các chức vụ quan trọng trong bộ máy cai trị. Tôi có một gia đình lớn và đã được thử thách qua tất cả các loại cảm xúc mãnh liệt nhất mà một con người có thể cảm nhận được trong đời sống chung cũng như riêng. Và bây giờ tôi có thể nói với ông rằng chỉ từ khi về hưu, từ năm ngoái đến nay, tôi mới có dịp được thơ thẩn một mình, đi đây đi đó, muốn kề cà ở đâu tuỳ thích, rằng tôi đã có thể bắt đầu xé toang những tấm màn che đậy, những cái vỏ bề ngoài, đồng thời cũng đã có thể nhận ra những giá trị vĩnh cửu nằm ở đâu đó tận bên kia cuộc sống trên trái đất chúng ta. Còn ông, ông Trương, ngược lại ông đang mơ tưởng mình sẽ bỏ qua được cái đoạn đường tiên quyết ấy. Cả ông nữa, ông bạn Người Đào Huyệt của tôi ạ, ông cho rằng ông đã tìm ra con đường đi đến cõi niết bàn mà không cần thò mặt ra khỏi cửa sổ nhà mình ư. - À ra thế! Ông viện sĩ vừa cho chúng ta nghe nguyên văn những học thuyết của đạo Lão đấy mà! – Người Đào Huyệt nhận xét. – Nhưng thưa ông viện sĩ, người sáng lập ra đạo Lão chỉ là một anh chàng ba hoa. Anh ta khẳng định sự im lặng có giá trị hơn tất cả các bài diễn văn cộng lại rồi đọc liền một mạch năm ngàn chữ trước tác kinh điển của đạo Lão. - Dứt khoát tôi không tán thành ý kiến của ông, – thi sĩ triều đình phản đối. – Đức Phật… Người Đào Huyệt cướp lời thi sĩ và tiếp tục nói quan điểm của mình: - Đức Thích Ca là một kẻ ăn mày ăn xin khốn khổ, còn Đức Khổng Tử là một lão thầy đồ mánh khoé! Bực mình vì những lời lẽ cuối cùng của Lỗ Huynh, quan án sát nhìn viện sĩ Viện hàn lâm, chờ đợi một sự phản ứng mạnh mẽ. Nhưng ngược lại chỉ thấy ông viện sĩ cười. - Lỗ Huynh ạ, ông đã ném cả ba thứ tôn giáo vào một giỏ rồi. Vậy tôi xin hỏi ông theo tôn giáo nào? - Tôi chẳng theo tôn giáo nào cả, – nhà sư béo phệ đáp. - Ồ, thế thì tôi không tin. Ông thuộc môn nghệ thuật viết chữ! – Viện sĩ thốt lên. – Bây giờ thế này ông Lã ạ, sau bữa ăn chúng ta sẽ hạ tấm màn lụa ở phòng tiệc xuống để Già Lỗ viết vào đấy cho chúng ta một câu trong số những câu thơ đối của ông ấy bằng một cái chổi hay bằng bất cứ cái gì tuỳ ông ấy! - Ý kiến rất hay! – Lã hưởng ứng. – Chúng ta sẽ giữ tấm màn lụa như một báu vật cho các thế hệ mai sau. Cho đến lúc đó quan án sát mới vỡ lẽ. Một đôi lần ông đã trông thấy cái tên Già Lỗ ở mặt ngoài các đền thờ miếu mạo hay các công trình tôn giáo khác ký bên dưới những câu viết bằng đại tự tít trên cao sáu thước. Quan án sát bắt đầu nhìn nhà sư xấu xí với một thái độ kính trọng mới. - Ông làm thế nào mà viết được những chữ lớn như thế? – Quan án sát hỏi nhà sư. - Tôi leo lên một cái giá rất cao với một cây bút lông có cán dài năm thước ở tay, vừa viết vừa di chuyển trên một cái thang bắc ngang. Ông Lã, ông hãy sai người nhà chuẩn bị cho tôi một chậu mực thật đầy. - Ai mà cần đến cả một chậu mực đầy thế? Tiếng nói êm ái của nữ thi sĩ chợt cất lên. Nữ thi sĩ trang điểm rất công phu nên trông bà ta đẹp một cách kỳ lạ và kiểu áo màu xanh lá mạ cắt khéo đã làm mờ nhạt đi một cách hết sức tế nhị những nét hơi đậm của thân hình bà. Quan án sát lấy làm thán phục những cử chỉ tự nhiên mà nhở đó bà ta đã hoà nhập dễ dàng vào cuộc đối thoại chung, đã tìm được giọng nói thích hợp với cả ông viện sĩ và thi sĩ triều đình. Sự thân mật giữa hai nhà thơ gặp nhau ở một điểm: kính trọng nhau. Cuộc sống giao du rộng rãi kéo dài đã phú cho người đàn bà này cái phong cách xử sự ngang hàng với đàn ông mà trong khuôn khổ gia đình chắc chắn không thể có được. Viên giám quận tháo các tấm cửa lùa ở các cửa ra vào. Quan tri huyện mời khách vào phòng dự tiệc. Trên bốn cái cột to sơn son chống lên xà nhà màu tươi tắn, nổi bật những đại tự nói lên điều tốt lành. Mọi người có thể đọc được ngay câu đầu tiên: “Quanh năm thiên hạ vui tươi, hưởng thái bình” và câu thứ hai: “Người người đều được cai trị khôn khéo và độ lượng”. Các cửa nách đều có nẹp trau chuốt rất mỹ thuật. Cửa nách bên trái mở thông sang một gian buồng có sáu nhạc công của dàn nhạc: hai người thổi sáo, hai người kéo nhị, một người chơi kèn ácmônica và một cô gái trẻ ngồi trước cây đàn xi-ta. Trong lúc dàn nhạc hoà tấu bản nhạc vui mào đầu nhan đề “Chào mừng các vị thượng khách” quan tri huyện trịnh trọng dẫn Trương và viện sĩ Viện hàn lâm vào chỗ ngồi danh dự ở chiếc bàn kê sát bức tường phía trong cùng. Trước những biểu hiện có phần kính trọng đối với thượng khách, cả hai người như mở cờ trong bụng. Họ cứ để mặc cho quan tri huyện sắp đặt. Quan tri huyện mời quan án sát ngồi bàn bên trái để ông nhìn thấy thi sĩ Trương và bố trí Người Đào Huyệt ngồi ở bàn bên phải. Sau khi đề nghị nữ thi sĩ ngồi bên phải quan án sát, ông ngồi xuống chiếc ghế bên trái Lỗ Huynh. Cả ba bàn tiệc đều được phủ gấm điều nạm vàng. Bát đĩa đều là loại sứ mịn vẽ hoa, các cốc uống rượu dát bằng vàng nguyên chất, đũa bằng bạc. Đĩa bát đầy ắp thịt cá ướp gia vị, thịt muối thái lát, trứng vịt và những món ăn nguội rất ngon. Ngoài những cây đèn có chân cao soi sáng gian phòng tiệc, mỗi bàn còn có thêm hai cây đèn nến to bằng bạc. Sau khi gia nhân rót rượu vang vào các cốc, quan tri huyện nâng cốc chúc các vị khách sức khoẻ và hạnh phúc. Mọi người bắt đầu cầm đũa. Viện sĩ Viện hàn lâm và thi sĩ Trương đi ngay vào câu chuyện, ôn lại những mối dây liên hệ chung của họ hồi ở kinh đô. Quan án sát thì thấy mình được nói chuyện thoải mái với nữ thi sĩ. Thoạt tiên, bằng những lời lẽ nhã nhặn, ông hỏi thăm nữ thi sĩ đến Tần Hoài từ bao giờ? Nữ thi sĩ trả lời bà đến đây đã được hai ngày do một viên trung sĩ và hai lính cảnh sát áp giải. Bà và những người cảnh sát đã thuê trọ ở một tửu quán nhỏ ngay sau phòng khách Bích Ngọc. Không chút gò bó, nữ thi sĩ giảng giải cho quan án sát nghe về bà quản gia có tuổi, trước kia đã từng làm việc với nữ thi sĩ trong một nhà khách nổi tiếng ở kinh đô, và hai người khi gặp nhau đã cùng ôn lại những chuyện cũ ngày xưa. - Tôi gặp Tiểu Phượng ở phòng khách Bích Ngọc, – nữ thi sĩ nói thêm. – Cô ấy là một vũ nữ giỏi, một cô gái xuất sắc. - Theo cách nhìn của tôi, – quan án sát nhận xét, – cô gái ấy có vẻ hơi kiêu kỳ. - Đàn ông các anh có bao giờ hiểu được đàn bà chúng tôi đâu! – Nữ thi sĩ xẵng giọng đối đáp. Nói xong, bà ta ném về phía ông viện sĩ một cái nhìn phật ý. Viện sĩ lúc này đang thao thao bất tuyệt một bài diễn văn với những lời lẽ cầu kỳ. - … Bởi vậy cho nên, nhân danh tôi và nhân danh tất cả mọi người, tôi xin khẳng định một lời cảm ơn chân thành đối với quan tri huyện, nhà thơ tài ba lỗi lạc, vị quan cai trị tuyệt vời, vị chủ nhân hiếu khách có một không hai! Chúng tôi cảm ơn quan tri huyện đã tụ hội về đây đúng vào thời điểm thật tưng bừng và hân hoan cái nhóm người nho nhỏ bao gồm những nhân vật ưu tú gắn bó keo sơn trong tình huynh đệ, cùng nhau quây quần thân ái giữa một khung cảnh hoàn toàn đồng điệu, đồng cảm, hài hoà của bữa tiệc long trọng này! – Viện sĩ hướng đôi mắt sáng quắc về phía nữ thi sĩ. – Bà Dược Lan! Bà hãy hoạ cho chúng tôi một bài thơ chào mừng cuộc vui này. Đây là đầu đề bài thơ: “Vui họp mặt”! Nữ thi sĩ xoay tròn cốc rượu giữa các ngón tay. Một lát sau bà bắt đầu ngâm, giọng lanh lảnh nóng hổi: Chén quỳnh ắp rượu bồ đào Mâm vàng đĩa bạc ngạt ngào hương bay Sơn hào hải vị chất đầy Lung linh ngời cháy nghìn cây nến hồng Hình 6. Buổi tiệc tại tư gia quan tri huyện Quan tri huyện gật đầu cười thích thú, nhưng quan án sát để ý thấy Người Đào Huyệt phật ý ra mặt. Đôi mắt ông ta long lên như đang bám chặt vào nữ thi sĩ. Dược Lan đọc tiếp đoạn thơ đối: Máu dân ấy rượu bồ đào Thịt dân, hải vị sơn hào, ai ơi! Mồ hôi xương máu bao người Nến hồng uất hận tuôn rơi lệ sầu Cả phòng tiệc bỗng lịm hẳn đi và như rời rã. Thi sĩ triều đình tái mét mặt ném về phía nữ thi sĩ một cái nhìn phẫn nộ. - Bà đã ám chỉ về những khó khăn nhất thời bà Dược Lan ạ. Rõ ràng những điều bà vừa nói người ta chỉ có thể thấy trong những vùng bị nạn lụt hay hạn hán mà thôi. – Thi sĩ triều đình vừa nói vừa cố nén xúc động một cách khó nhọc. Nữ thi sĩ xẵng giọng đáp: - Không! Điều đó người ta có thể thấy ở khắp nơi và bất cứ lúc nào. Chính ông cũng biết đấy! Quan tri huyện vỗ mạnh hai bàn tay. Các nhạc công tấu lên một bản nhạc vui và nhịp nhàng. Tiếp theo một cặp vũ nữ ra biểu diễn. Cả hai vũ nữ đều rất trẻ. Một người mặc áo dài tha thướt bằng vải sa mỏng dính và một người mặc áo dài màu xanh biếc. Sau khi biểu diễn một động tác chào cung kính trước mặt các vị khách danh dự, các vũ nữ giơ cao hai cánh tay và bắt đầu từ từ xoay tròn, các ống tay áo rộng bay phấp phới. Trong lúc cô xoay tít trên đầu các ngón chân nhỏ nhắn thì cô kia quỳ một bên đầu gối và cứ thế luân phiên xen kẽ các động tác rất mau lẹ của điệu múa. Đó là điệu múa nổi tiếng mang tên: “Mùa xuân đôi chim én liệng”. Dù đã cố sức trổ hết tài năng nhưng các cô vũ nữ trẻ vẫn hoàn toàn ý thức được cái vẻ trần truồng của các cô sau những bộ quần áo mỏng dính không thể đạt tới mức độ phóng túng của những vũ nữ dày dạn kinh nghiệm. Các vị khách ít để ý đến điệu múa và khi gia nhân bưng lên các đĩa thức ăn bốc khói nghi ngút thì cả phòng tiệc bắt đầu cười rôm rả. Quan án sát kín đáo quan sát nét mặt căng thẳng của nữ thi sĩ ngồi bên cạnh mình đang chểnh mảng gắp thức ăn. Bà ta đã học được trong trường đời những nổi khổ cực cay đắng to lớn nhất và do đó tha thiết yêu tự do. Bài thơ của bà ta dù sao đã chẳng mấy được các vị khách thượng cấp ưa chuộng; nói cho đúng hơn, nó đã làm cho các vị ấy khó chịu. - Có khi nào bà nghĩ bài thơ vừa rồi của bà có đôi chút vô căn cứ? – Quan án sát ngả người về phía nữ thi sĩ hỏi. – Tôi biết quan tri huyện bề ngoài trông có vẻ nhu nhược nhưng thực chất ông ấy là một quan chức rất cương nghị. Ông ấy tiêu tiền của chính mình một cách rất hào phóng, chẳng những để tiếp đãi bạn bè chu đáo mà còn làm những việc từ thiện. - Những ai đòi hỏi lòng từ thiện? –Nữ thi sĩ hỏi với một vẻ khinh mạn. - Dù đòi hỏi hay không, việc ông ấy làm bao giờ cũng giúp ích cho khá nhiều người, – quan án sát khô khan trả lời. Ông nghĩ bụng vì cớ gì mà người đàn bà lạ lùng này lại đưa ra một câu hỏi thực sự ẩn ý như vậy. Âm nhạc ngừng. Hai vũ nữ chào cử toạ và được đáp lại bằng sự hoan nghênh rời rạc. Các thức ăn tiếp tục được bưng lên cùng với rượu vang. Sau đó quan tri huyện tươi cười đứng lên tuyên bố: - Điệu múa mà các vị vừa thưởng thức chỉ là tiết mục mở đầu khiêm tốn. Sau món cá chép nấu dấm, sẽ có một khoảng thời gian ngắt quãng để chúng ta ra ngoài hiên xem pháo hoa. Sau đó xin mời các vị thưởng thức tiếp một vũ khúc cổ xưa rất hiếm thấy, một điệu múa chính cống của vùng này do vũ nữ Tiểu Phượng trình diễn, có hai sáo và một trống cơm đệm theo. Điệu vũ mang tên: “Đoản khúc cáo đen”. Quan tri huyện nói xong ngồi xuống chỗ của mình trong tiếng thì thầm bàn tán và thái độ sửng sốt của các quan khách. - Ý kiến tuyệt vời đấy ông Lã ạ! – Viện sĩ hàn lâm nói to. – Nhưng mà tôi không biết gì về điệu múa ấy! - Thế thì càng hấp dẫn chứ sao! – Thi sĩ triều đình bình luận. – Là người địa phương, biết rất nhiều truyền thuyết về con cáo, nhưng tôi cũng chưa bao giờ nghe nói đến vũ khúc đấy! - Theo tôi ông nên xem lại ông Lã ạ. Liệu đưa một vũ khúc địa phương vào cuộc… có thích hợp hay không? – Người Đào Huyệt ngỏ lời chê bai. Câu nói của nhà sư bị trùm lấp trong tiếng nhạc. Quan án sát muốn mở đầu một cuộc đối thoại mới với nữ thi sĩ nhưng bà ta trả lời ông bằng một giọng thô bạo: - Chuyện đó để lát nữa! Bây giờ tôi thích nghe bản nhạc này. Trước kia tôi đã múa theo điệu ấy. Quan án sát đành để tâm trí mình vào món cá chép nấu dấm ngon tuyệt. Đột nhiên mọi người nghe tiếng rít từ khu vườn phát ra. Chiếc pháo thăng thiên rạch ngang bầu trời, để lại đằng sau một vệt sáng màu. - Xin mời các vị ra ngoài hiên. – Quan tri huyện hô to. – Tắt hết đèn đi! – Ông ra lệnh cho viên giám quận đang đứng bên tấm màn che. Mọi người đứng dậy ngoài hiên. Quan án sát đứng bên cạnh nữ thi sĩ, khuỷu tay chống lên thành lan can sơn son. Quan tri huyện cũng đứng bên nữ thi sĩ. Xa hơn một chút là viên cố vấn đứng cùng ông giám quận già. Quan án sát quay lại nhìn thấy cái thân hình to lớn không rõ ràng của viện sĩ Viện hàn lâm. Ông nghĩ bụng Trương và Người Đào Huyệt có lẽ cũng đứng ở đấy nhưng không dám chắc vì phòng tiệc lúc đó chìm trong bóng tối. Một vòng lửa lớn đủ các màu từ trên cái giàn trong vườn vừa quay tít vừa phun ra những tia lửa rực rỡ. Chiếc vòng lửa quay mỗi lúc một nhanh và bỗng nổ tung thành một trận mưa các vì sao rực rỡ. - Đẹp lắm! – Tiếng viện sĩ Viện hàn lâm đứng phía sau quan án sát thốt lên khen ngợi. Lại một chùm hoa lửa nổ vang rền vung ra hằng hà sa số những con bướm và cuối cùng là một dãy dài nối tiếp nhau những hình tượng trưng có màu sắc rất lạ mắt. Quan án sát định nối lại câu chuyện với nữ thi sĩ nhưng thấy bà ta mặt tái mét, nhăn nhó, ông lại thôi. Đột nhiên nữ thi sĩ quay sang nói với quan tri huyện: - Ông đã tiếp chúng tôi một cách hết sức xa hoa quan huyện ạ. Đúng là một cảnh tượng xa hoa. Những lời biện giải của quan tri huyện bị át đi trong một loạt tiếng nổ inh tai. Quan án sát ngửi thấy mùi thuốc pháo hăng hắc từ trong vườn bốc lên và lấy làm thích thú. Mùi thuốc pháo làm ông tỉnh ra đôi chút vì ông đã uống rất nhiều rượu, hết chén này đến chén khác với một nhịp điệu không hề giảm sút. Đúng lúc đó trên không trung xuất hiện một tấm biển rộng trình bày ba chữ theo quy ước: Phúc, Lộc, Thọ. Kết thúc đêm pháo hoa là một tràng pháo nổ giòn tan. Sau đó, cả khu vườn lại chìm trong bóng tối. - Cảm ơn ông Lã một ngàn lần. – Thi sĩ triều đình cảm ơn quan tri huyện rồi đi đến chỗ viện sĩ và Lỗ Huynh cùng đứng với nhau ở gần lan can. Trong lúc mọi người tỏ lời khen ngợi quan tri huyện, nữ thi sĩ Dược Lan nói nhỏ với quan án sát: - Cái bộ ba chữ theo ước lệ ấy hoàn toàn ngớ ngẩn. Nếu ông là kẻ sung sướng thì tiền tài sẽ làm ông đau khổ và kiếp sống dai dẳng dài lê thê sẽ ngốn hết hạnh phúc của ông. Thôi chúng ta đi vào đi. Ở ngoài này bắt đầu lạnh và phòng tiệc cũng đã thắp nến đèn trở lại. Các vị khách ai nấy đều ngồi vào chỗ của mình. Sáu gia nhân bưng vào những đĩa thức ăn tẩm bột rán. Riêng nữ thi sĩ vẫn chưa ngồi xuống. - Để tôi vào xem Tiểu Phượng đã chuẩn bị xong điệu múa của cô ấy chưa, – nữ thi sĩ nói với quan án sát, – Phải trình diễn trước cử toạ chọn lọc như thế này, cô ấy muốn giữ tiếng, ông ạ. Tôi tin là cô ấy còn muốn được người ta vời về kinh đô nữa kia! – Nữ thi sĩ nói thêm trước khi đi khuất vào khuôn cửa tò vò sau bàn tiệc. - Tôi đề nghị nâng cốc chúc mừng vị chủ nhân hào phóng của chúng ta! – Ông viện sĩ Viện hàn lâm tuyên bố. Mọi người cùng nâng cốc. Quan án sát cầm một chiếc bánh tẩm bột rán, có nhân nhồi bằng thịt lợn, hành băm và gừng làm gia vị. Ông để ý thấy Người Đào Huyệt được tiếp một đĩa thức ăn chay nấu bằng đậu hạt nhưng chẳng thấy ông ta đả động đến. Ông ta đang bóp vỡ một loại quả nằm giữa những ngón tay to như quả chuối mắn, mắt chăm chú không rời khuôn cửa tò vò nơi thi sĩ vừa vào. Ông lại thấy quan tri huyện đột nhiên buông đũa của mình rơi xuống mặt bàn, bàn tay trỏ ra trước mặt, miệng kêu lên một tiếng kinh ngạc! Quan án sát vội quay lại. Nữ thi sĩ đứng ở khuôn cửa tò vò mặt cắt không còn hạt máu, đang nhớn nhác nhìn vào hai bàn tay của mình. Hai bàn tay nữ thi sĩ bê bết những máu.