Chương 13
Án sát Địch uống trà với một bà bệ vệ
Ông ngờ những nhân vật lỗi lạc của triều đình nhúng tay vào vụ giết người

    
áng hôm sau, án sát Địch dậy thật sớm. Ông mở các cửa sổ và cứ mặc nguyên quần áo ngủ bước ra ngoài biên hít thở không khí buổi sáng mát rượi. Ngoài kia, mảnh vườn với hòn non bộ, bóng tối còn phảng phất sương sớm phủ một lớp nhẹ trên các khóm trúc. Sau lưng ông, cả khu dinh thự vẫn im lìm không một tiếng động. Mọi người hình như còn đang yên giấc ngủ. Đám gia nhân sáng nay chắc sẽ dậy muộn vì đêm qua phải thu dọn phòng tiệc mãi đến tận khuya. Tuy nhiên những tiếng hô mệnh lệnh và những tiếng vũ khí va chạm lách cách từ trong khu toà án dội đến: lính gác đang thực hành những động tác thao diễn buổi sáng của họ.
Quan án sát lặng lẽ đi rửa mặt. Sau đó ông mặc một chiếc áo rộng bằng lụa xanh, đội mũ trùm vuông bằng sa đen hồ bột. Ông vỗ tay gọi, rồi bảo cậu tiểu đồng còn đang ngái ngủ mang ấm nước trà và một bát cơm gạo lứt với dưa món đến cho ông. Một lát sau, tiểu đồng bưng đến một mâm thức ăn gồm có cơm gạo trắng, rau trộn dấm, gà giò luộc, một đĩa trứng đúc cua, một món canh nấu bằng đậu hạt, một rổ tre đan đựng đầy bánh tẩm bột rán và một đĩa hoa quả tươi cắt thành lát. Rõ ràng bữa ăn lót dạ xa hoa thế này đã thành lệ ở đây. Quan án sát bảo tiểu đồng đặt những thức ấy lên chiếc bàn ở ngoài hiên.
Ông vừa ngồi xuống ăn được một ít thì nhân viên toà án mang đến một chiếc phong bì đóng dấu gắn xi niêm phong hẳn hoi. Đó là thư của quan tri huyện:
“Tiên sinh,
Ông giám quận sẽ đưa xác cô vũ nữ đến phòng khách Bích Ngọc. Ông ấy có nhiệm vụ giải thích cho mọi người ở đấy hiểu rằng họ sẽ có lợi nếu biết giữ kín cái chết của cô vũ nữ cho đến ngày mai. Ngày mai tôi sẽ cho chuyển cái xác sang phòng xử án. Xin gửi ông lá thư viết cho bà chủ phòng khách kèm theo đây.

Người em hậu sinh ngu muội của tiên sinh.

Lã Quan Tùng.”
Quan án sát nhét thư vào ống tay áo và bảo người viên chức toà án dẫn ông ra cổng chính khu toà án, nói rằng ông muốn đi dạo phố một lúc. Ra góc phố, quan án sát thuê kiệu đến phòng khách Bích Ngọc. Ngồi trên kiệu qua các phố người đi chợ tấp nập, ông tự hỏi không biết quan tri huyện định giữ kín cái chết của cô vũ nữ để làm gì. Viên giám quận của quan tri huyện chắc đã nhận được những chủ trương cần thiết. Phu kiệu dừng lại trước một khuôn cửa giản dị sơn đen trong một phố nhỏ yên tĩnh. Quan án sát đã toan nói với phu kiệu rằng họ đưa ông đến sai địa chỉ, thì trông thấy bốn chữ: “Phòng khách Bích Ngọc” khắc trên tấm biển đồng treo rất kín đáo bên cạnh khuôn cửa.
Người gác cửa có bộ mặt quàu quạu, dẫn ông vào mảnh sân gạch xinh xắn, xung quanh có các chậu hoa bằng đá cẩm thạch trắng chạm trổ. Cuối sân là cổng lớn sơn son trên treo tấm biển trắng viết hàng chữ màu xanh: “Giữa những bông hoa là một mùa xuân vĩnh cửu”. Dưới hàng chữ không có chữ ký của người viết nhưng nét chữ giống một cách kỳ lạ với nét chữ của Lã tri huyện.
Một người đàn ông vai rộng, mặt rỗ, chìa tay nhận lá thư quan án sát đưa, thái độ nghi hoặc. Nhưng vừa thấy nét triện lớn đỏ chót của toà án đóng ở mặt sau phong bì, thái độ của ông ta liền chuyển sang vồn vã, khúm núm cúi đầu chào. Người đàn ông dẫn quan án sát đi qua gian tiền sảnh nhỏ đến một lối đi có lan can sơn đỏ bên cạnh một vườn hoa lộng lẫy. Quan án sát ngồi xuống cạnh chiếc bàn pha trà bằng gỗ đàn hương lên nước bóng loáng. Nền nhà trải thảm len mềm xốp màu xanh biếc, tường phủ gấm cùng màu. Một chiếc án thư bằng gỗ cẩm lai đánh xi kê sát tường trên đặt một bát hương bằng sứ trắng nổi bật các hình vẽ trang trí uốn khúc màu hổ phách và màu xám. Qua những cánh cửa sổ cánh lùa để ngỏ, quan án sát chỉ nhìn thấy một góc của ngôi nhà lầu quay mặt ra vườn hoa. Tiếng đàn xi-ta lanh lảnh lọt qua những tấm mành sơn kim nhũ che kín dãy hàng hiên. Các nhạc công ăn lương của phòng khách đang tập dượt.
Một bà bệ vệ mặc áo dài dệt hoa nổi màu nâu bước vào, theo sau là đứa hầu gái, bộ mặt trịnh trọng, hai tay bưng khay trà. Bà chủ phòng khách chắp tay trong ống áo rộng loà xoà, miệng tuôn ra hàng tràng diễn văn chào mừng. Quan án sát thấy bà ta với con mắt xét nét, cái mặt xám ngoẹt, cặp má chảy, đôi mắt ti hí gian xảo và ông kết luận bà ta đang rất khó chịu về việc ông đến đây.
- Ông giám quận ở dinh tri huyện đã đến đây chưa hả bà? – Quan án sát hỏi một câu cắt ngang bài diễn văn thao thao bất tuyệt của bà chủ phòng khách.
Bà chủ phòng khách bảo đứa hầu gái đặt khay trà xuống bàn và ra ngoài để bà tiếp khách. Sau đó bà ta đưa bàn tay trắng nõn sửa lại xống áo cho ngay ngắn rồi mới chậm rãi trả lời:
- Thưa ngài, tôi thành thật bày tỏ tấm lòng thương xót của tôi đối với người con gái hèn mọn vừa gặp phải tai ương khủng khiếp. Tôi hết lòng mong mỏi sự việc xảy ra không làm phiền lòng các ngài kính mến.
- Ông bạn đồng sự của tôi buộc lòng phải tuyên bố với các vị quan khách của ông rằng cô vũ nữ chỉ bị thương ở chân. Bà có thể cho tôi xem các giấy tờ của cô ấy không?
- Tôi biết thế nào ngài cũng muốn xem mà, – bà chủ phòng khách trả lời với một nụ cười giả tạo.
Bà ta rút trong ống tay áo của mình một tập giấy đưa cho quan án sát. Mới xem qua ông đã thấy những tài liệu này chẳng có gì đặc biệt. Tiểu Phượng là con gái út một người bán rau. Ông bố mới bán cô được ba năm chỉ vì lý do đơn giản là cô có đến bốn cô chị mà ông bố thì không đủ khả năng lo của hồi môn cho ngần ấy cô con gái. Phòng khách đã dạy cô múa, dạy cô võ vẽ đọc và viết dưới sự chăm lo của một ông thầy nổi tiếng.
- Cô ấy có kết bạn tâm đắc với một khách làng chơi hay một khách trọ nào không? – Quan án sát dò hỏi.
Bà chủ phòng khách trịnh trọng rót nước trà vào chén của quan án sát rồi thản nhiên đáp:
- Dạ, về cái khoản đó các ông lớn thường hay đến đây hầu hết đều biết rõ Tiểu Phượng. Con bé có tài nhảy múa đến nỗi các quan lớn cũng phải tranh nhau mời mọc. Về nhan sắc thì đúng là nó không được đẹp. Chỉ có một số các ngài lớn tuổi rõ ràng đã say mê cái cách cư xử nước đôi của con bé nên mới xin xỏ nó ban cho ân huệ mà thôi. Nhưng con bé từ chối hết thảy mà tôi thì không muốn ép uổng nó bởi chỉ vì riêng việc nhảy múa nó cũng đã làm lợi cho phòng khách khối ra rồi. – Bà chủ phòng khách khẽ nhíu cặp lông mày nói tiếp: – Con bé thích sống lặng lẽ. Nó không bao giờ thấy cần phải sửa đổi một cái gì và coi việc nhảy múa của nó là quan trọng bậc nhất. Nhưng nó bị bọn con gái ghét, chê người nó có mùi hôi và bảo nó là giống đàn bà cáo. Việc ấy thật rắc rối. Thưa ngài, cái việc duy trì trật tự đối với bọn con gái ở đây phải kiên nhẫn lắm mới được, phải tôn trọng…
- Cô gái ấy có định tố giác ai bao giờ không?
Người đàn bà ghép hai bàn tay giơ lên trời như sắp vái lạy:
- Xin ngài tha lỗi, – bà ta vừa nói vừa nhìn quan án sát bằng cái nhìn chê bai. – Lũ con gái của tôi đứa nào cũng rành biết phân biệt món gì là món đầu bảng để câu khách, làm cho khách thèm thuồng dù có phải hành nghề trái phép hoặc phải đánh đòn ngay tức khắc đi nữa. Bẩm ngài, dĩ nhiên Tiểu Phượng có nhận những món tiền thưởng của khách và… tóm lại con bé rất khôn khéo, biết khêu gợi… lòng hào hiệp bằng… ờ… những cách khác nhau, nhưng đều hoàn toàn là lương thiện cả. Con bé cũng thật dễ bảo. Tôi cho phép nó thỉnh thoảng được đến thăm đứa con gái kỳ lạ giữ miếu Cáo Đen. Nhưng rốt cuộc nó chỉ đi được có một lần thì bị tôi cấm chỉ vì nó đã dạy cho con bé kia hát những bài hát rất hay, rất được khách. Thưa ngài, các loại du côn du đãng thường hay lảng vảng quanh vùng Cửa Nam. – Bà chủ phòng khách cắn môi nói thêm. – Con bé ấy có thể đã làm quen với một thằng nào đó trong cái bọn không đáng tin cậy và thằng đó đã gây ra vụ án mạng bỉ ổi này chăng? Bởi thế cho nên không bao giờ nên thả lỏng bọn con gái! Đó là bài học cần rút ra! Tôi nghĩ bao nhiêu công lao tiền của tôi phải bỏ ra để dạy dỗ nó, thế mà…
- Nhân bà nói đến cô gái giữ miếu, tôi hỏi bà có phải trước kia cô ấy ở đây trốn đi không?
- Thưa ngài, không phải ạ! Con bé ấy bị bán cho một phòng khách nhỏ ở gần Cửa Đông, một phòng khách mạt hạng, khách phần đông là anh em cu ly và bọn vô công rồi nghề. Thưa ngài, một… một cái nhà thổ, nếu tôi được phép nói như vậy.
- Tôi hiểu. Do đâu mà Tiểu Phượng biết cô gái giữ miếu không phải mồ côi cả cha lẫn mẹ? Và bố cô ta vẫn còn sống ở vùng này?
- Không bao giờ, thưa ngài. Một lần tôi hỏi Tiểu Phượng xem thỉnh thoảng cô gái ấy có tiếp các quý ông… các khách chơi, nhưng Tiểu Phượng bảo chỉ có nó mới dám đến ngôi miếu ấy mà thôi!
- Tôi thấy nữ thi sĩ Dược Lan rất đau đớn trước cái chết của cô vũ nữ. Vậy giữa hai người có tình cảm gì đặc biệt với nhau không?
Mí mắt của người đàn bà sụp xuống:
- Hiển nhiên nữ thi sĩ Dược Lan đáng tôn kính rất xúc động về cách cư xử ý tứ và những nét trẻ trung của con bé, – bà ta mở đầu như vậy và ân cần nói tiếp, – cả về tài năng nổi bật của con bé nữa. Cái đó cũng là dĩ nhiên thôi. Tôi là người rất độ lượng trong những cái thuộc phạm vi gọi là quan hệ tình bạn giữa cánh đàn bà với nhau, thưa ngài, hình như tôi đã vinh hạnh được gặp nữ thi sĩ một lần ở kinh đô thì phải. Hồi trước…
Bà chủ phòng khách bỏ dở câu nói, nhún vai. Quan án sát đứng lên và trong lúc chủ nhà tiễn chân ông ra cửa, ông hờ hững đưa ra một nhận xét:
- Ngài viện sĩ Viện hàn lâm Triệu, ông thi sĩ Trương đáng tôn kính và nhà sư Lỗ Huynh đều rất thất vọng vì không được thưởng thức tài nghệ của Tiểu Phượng. Tôi chắc các ông ấy cũng đã có lần được xem cô ấy nhảy múa…
- Đâu có, thưa ngài! Các quý ngài nổi tiếng ấy cũng một đôi lần đến thăm, làm rạng rỡ phòng khách của chúng tôi, nhưng không bao giờ các ngài ấy trà trộn vào các cuộc chiêu đãi phòng khách dù rộng rãi hay trong phạm vi hẹp. Chỉ có lần này các ngài ấy chấp nhận lời mời của Lã tri huyện mà cũng đã bắt đầu gây tiếng vang trong cả tỉnh! Lã tri huyện thật là một con người tuyệt vời. Bao giờ ông ấy cũng tốt bụng, bao giờ cũng thấu tình đạt lý! Ngài vừa nhắc đến Lỗ Huynh làm tôi nhớ lại cái tên của nhà tôn giáo, thưa ngài…
- Điều đó không quan trọng. Thôi, chào bà!
Về đến toà án, quan án sát nhờ một viên chức vào báo tin cho quan tri huyện. Ông thấy người bạn đồng nghiệp của mình ở văn phòng đang đứng trước cửa sổ, hai tay chắp sau lưng.
- Chắc là tối hôm qua, ông ngủ ngon ông Địch nhỉ? – Quan tri huyện quay lại nói với giọng mệt mỏi. – Còn tôi thì đã trải qua một đêm thật tồi tệ. Một giờ đêm tôi lẩn vào đại sảnh, tưởng như thế sẽ được một tối yên thân, bởi vì bà vợ cả của tôi bao giờ cũng đi ngủ sớm. Nào ngờ bà ấy lại thức dậy, chẳng hiểu vì sao, cãi lộn om sòm với bà thứ ba và bà thứ tư ngay bên chân giường bà ấy. Rồi bà ấy lồng lộn chạy đi tìm tôi yêu cầu giải quyết. Cuối cùng tôi đành đi theo bà vợ thứ tư và lại phải thức trắng thêm một tiếng đồng hồ nữa để nghe bà ấy kể lể dài dòng vì sao các bà ấy lại cãi cọ nhau như vậy (quan tri huyện trỏ tay vào chiếc phong bì to tướng để trên bàn nói thêm bằng một giọng thống thiết). Có phải viên quan tuần phủ mang thư đến cho ông. Nếu là giấy triệu hồi của quan tuần phủ thì tôi phải nhảy xuống nước mà tự tử mất thôi!
Án sát Địch mở phong bì ra. Đó là một bức thông điệp ngắn báo cho ông phải trở về nhiệm sở trong thời hạn ngắn nhất vì việc ông túc trực ở đây không cần thiết nữa.
- Không phải giấy triệu hồi. Người ta báo cho đệ trở về Phố Dương. Chậm nhất sáng mai phải lên đường.
- Thề có trời, tôi chẳng dám ngăn giữ! Chúng ta còn ngày hôm nay nữa. Ông có tin tức gì thêm ở chỗ bà chủ phòng khách không?
- Có nhiều điều làm trầm trọng thêm trường hợp của nữ thi sĩ Dược Lan, bác Lã ạ. Trước hết, đúng là bà nữ thi sĩ đã say mê cô vũ nữ. Sau nữa, không một ai trong số ba vị khách của quan bác từng đến phòng khách Bích Ngọc, và theo bà chủ phòng khách thì vị tất trước đó họ đã gặp Tiểu Phượng. Quan bác có biết gì về những dự định của các vị khách trong buổi chiều hôm ấy không?
Quan tri huyện rầu rĩ lắc đầu:
- Bốn giờ chiều chúng ta phải có mặt ở thư viện để nghe đọc và bình luận về một sáng tác thơ gần đây nhất của tôi. Tôi đã nóng lòng chờ đợi cái dịp này từ lâu!
- Quan bác cứ tin rằng người của viên giám quận của quan bác có khả năng theo dõi sát từng vị khách xem họ có ai vắng mặt sau bữa cơm trưa không?
- Trời ơi, ông Địch! Ông vẫn muốn tôi phải theo dõi họ ư? – Quan tri huyện trố mắt hỏi.
Nhưng rồi cuối cùng ông cũng đành lắc đầu nhẫn nhục.
- Thôi thì đành vậy. Đằng nào thì sự nghiệp của tôi cũng sẽ tiêu ma. Vậy cứ liều một cái xem sao!
- Hay lắm, bác Lã! Tôi cũng muốn quan bác ra lệnh cho viên đội trưởng cảnh vệ ở Cửa Nam cử thêm hai đội viên có trang bị vũ khí và bố trí họ ở một trong số những cửa hàng ngoảnh mặt sang khu đất hoang để kiểm soát lối vào khu đó. Họ có nhiệm vụ bắt giữ bất cứ ai ra vào miếu Cáo Đen. Đệ không muốn để xảy ra điều gì đáng tiếc đối với đứa con gái khốn khổ ấy. Có thể chiều nay khi đến ngôi miếu, đệ sẽ cần đến họ. Hiện giờ các vị khách đang ở đâu?
- Họ đang ăn sáng. Dược Lan ăn với bà vợ cả của tôi. Như vậy chúng ta có thì giờ đến xem hồ sơ của toà án đấy ông Địch ạ!
Quan tri huyện vỗ hai bàn tay. Người đội trưởng cảnh sát bước vào. Ông ra lệnh cho người đội trưởng cảnh sát đến Cửa Nam báo cho viên đội trưởng cảnh vệ bố trí người canh gác. Trong lúc ở văn phòng đi ra, ông dặn viên cố vấn đến phòng lưu trữ. Quan tri huyện dẫn quan án sát đi theo một hành lang quanh co đến gian phòng rộng rãi, mát rượi. Các bức tường xung quanh đều có lớp bọc. Từ mặt đất lên sát trần nhà chia thành các ô lõm. Đó là ô chứa các ngăn kéo hồ sơ. Mùi xi đánh bóng, mùi băng phiến chống sâu mọt cho các tài liệu toả ra sực nức. Một viên chức có tuổi đang xếp các giấy tờ sổ sách ở đầu chiếc bàn rộng kê giữa phòng. Đầu bàn đằng kia, Lỗ Huynh cũng đang ngồi cắm cúi xem tài liệu!